Có miệng như không
.
*
Đức Khổng Tử một hôm ngồi nhậu lai rai, bất chợt nhìn thấy hai con nhạn bay trên bầu trời, bèn nhộn nhạo tim gan, ưu tư nói:
– Đời người như bóng câu qua cửa. Thoáng một cái là… hui nhị tỳ, mà ta vẫn thong thả ngồi đây, thì đối với thiên hạ khắp nơi cũng trăm đường không đúng.
Rồi xoa xoa cái bụng hơi xệ, thở dài ảo não, khiến vợ là Khổng Thị đang lay hoay nướng thịt xái xíu gần bên, lo lắng nói:
– Nhậu với lòng bò, khìa phá lấu thêm chả chìa dặm vô, mà cơ hồ không vui là cớ làm sao?
Khổng Tử đứng lên đáp:
– Vòng eo ta mỗi ngày một bự, bắp thịt chân mỗi ngày một yếu, tóc râu đã đổi màu thì Đạo Thánh hiền ta biết… tải làm sao?
Khổng Thị buồn hiu đáp:
– Đại trượng phu khi đã làm việc gì, dù phải hay trái, cũng luôn tự nhận mới là người đảm lược. Nay chàng ngại khó ngại khăn, nên đã sáu tháng qua cứ ngồi đây mà nhậu, thì chẳng những mỡ tăng nhiều trong máu, mà môn đệ quanh mình cũng sớm lụi tàn đi, thì mốt nữa mai kia mần răng mà cứu kịp?
Khổng Tử nghe nhắc đến môn sinh, bỗng người như điện giật, bèn vịn lấy thành bàn, hốt hoảng nói:
– Lời Thánh hiền không quyến rũ bằng… hơi men, nên ta mới ngủ quên nhiều như vậy. Nay được vợ thương tình nhắc nhớ, thì phải một lòng tu sửa cho nàng vui. Chớ không thể… ngồi đồng một đống như thế này mãi!
Nghĩ vậy, liền gọi thầy Tử Cống đến mà nói rằng:
– Ta muốn đi giảng thuyết ở một nơi mà hai năm rồi chưa đến. Vậy ngươi hãy giở sổ ra xem coi ở chốn nào, để thu xếp mà lên đàng cho chóng.
Tử Cống lật đật thưa:
– Có nước Tề, đã ba năm rồi thầy chưa đến. Nay thầy bất chợt giá lâm, ắt bá tánh sẽ yêu chiều thương tới.
Mấy ngày sau, Khổng Tử cùng đám môn sinh nhắm đất Tề mà bước. Lúc đi ngang núi Thái sơn, bỗng thấy một người đàn bà khóc ở ngoài đồng rất là thảm thiết.
Khổng Tử bèn buốt tận tâm can, mà nói rằng:
– Người đàn bà này chắc trong nhà ôm hai tang cùng một lúc, nên mới đớn đau làm vậy. Chớ mất mát bình thường, thì không thể đứng ở ngoài đồng mà… khóc hu hu như thế!
Thầy Tử Cống nghe thầy giảng giải như vậy, cảm thấy không xuôi, liền vòng tay lại thưa:
– Nếu cha mẹ mất thì trên đầu phải có khăn. Nay tóc buông xỏa thế này, thì phụ mẫu song thân hẳn còn nguyên vẹn. Chớ lẽ nào đứt bóng mà tin được hay sao?
Khổng Tử nghe vậy, liền lặng người đi một chút, rồi bức rứt nói:
– Chồng chết nhiều khi lại mừng! Mà cho dẫu có đớn đau, thì cũng khó gào than như thế!
Lúc ấy, bất chợt có Tử Tiện nhào ra phía trước thưa rằng:
– Đã là con gái, thì muốn khóc lúc nào cũng được, bất kể buồn vui, bất kể bên ngoài trời mưa hay nắng. Nếu bây giờ thầy trò ta cứ đứng đây nghĩ bàn xuôi ngược, thì trước là chẳng giải được nguồn cơn, sau lãng phí công sức của bao người mong ngóng.
Khổng Tử gật gật mấy cái, rồi nhìn đám môn sinh, khẳng khái nói:
– Cha mẹ cũng không phải. Chồng càng không đúng. Vậy theo lý đoán của các ngươi. Vì ai mà người đàn bà này phải khóc?
Thầy Mạnh Tử mau mắn thưa:
– Đàn bà có thể bỏ chồng chớ không thể bỏ con. Vậy giọt nước mắt này phải đổ cho con chớ không chảy ra vì ai khác!
Khổng Tử dù đã có vợ, nhưng lại hổng dám tin, bèn gọi Tử Cống mà nói rằng:
– Ngươi đến gặp người đàn bà, hỏi rõ đầu đuôi, để ít nữa gặp cảnh như ri ta tiện bề ăn nói.
Tử Cống liền lẹ chân tới hỏi. Người đàn bà thưa rằng:
– Ở đây hổ nhiều như… cá. Bố chồng tôi đã chết vì hổ. Chồng tôi cũng chết vì hổ. Nay đến lượt con tôi cũng vì hổ mà đi. Thiệt là đau đớn!
Tử Cống lại hỏi:
– Thế trong ba người đã chết vì hổ. Ai làm bà đau nhất?
Người đàn bà thút thít thưa:
– Cha của thiếp đã quá tuổi tri thiên mệnh, thì có đi cũng chẳng lấy gì nuối tiếc. Còn chồng của thiếp tuy chưa đến tuổi về hưu, nhưng mãi vui nhậu với bằng hữu mà để thiếp mình ên trơ trụi thì cọp có bắt đi cũng là cách trả lại tuổi thanh xuân cho thiếp. Còn đứa con là núm ruột cắt lìa. Là hương khói về sau. Là chỗ cậy trông lúc tuổi già bóng xế mà nay bỗng mất đi thì phải nói thiếp đau lòng thấy mẹ luôn, đau hơn… cha và chồng chết đó vậy!
Thầy Tử Cống ngạc nhiên đến cùng cực, lại không nén được tò mò, bèn thắc mắc hỏi tiếp:
– Thế sao bà không bỏ chỗ này mà đi nơi khác sống? Chẳng tốt hơn ư?
Người đàn bà mếu máo đáp:
– Đành là vậy, nhưng ở đây quan huyện thương dân. Chớ không đến nỗi hà khắc tàn bạo như các nơi khác. Thiếp thà bể nát tim gan vì thú rừng, chớ không thể sống với bọn tham quan hà khắc như thế.
Tử Cống nghe thế trong lòng dâng lên niềm cảm phục, liền ngẫm nghĩ một chút, rồi tha thiết nói:
– Bà đừng buồn, bởi đời người có lúc khóc lúc cười mới là đời sống thực tế. Chẳng phải vậy sao?
Người đàn bà đang u sầu là vậy, bỗng trợn mắt lên, tức tối nói:
– Mẹ nó! Đứng ở ngoài la thì ai la mà hổng được? Có ngon thì giống như bà, mà vẫn tự tại an nhiên. Chừng lúc đó hẵng hất mặt lên mà nói giọng quân tử!
Thầy Tử Cống lâu nay học chữ Thánh hiền, nên lúc nào cũng tiên học lễ hậu học văn, bây giờ bỗng dưng bị một mụ đàn bà nói như tát nước vào mặt, trong nhất thời chẳng biết tính sao, bèn thối lui ba bước, mà bảo dạ rằng:
– Đàn bà con gái mà miệng rộng, thì cho dù không làm tan hoang cửa nhà, cũng sẽ làm tan hoang cõi lòng chớ chẳng phải chuyện chơi. Thiệt là nên tránh!
Liền chạy về bên thầy, rồi đem sự trao đổi với người đàn bà ra mà kể. Lúc kể xong, mới thảng thốt nói:
– Chỉ nghĩ chuyện cho người ta mà tự làm khổ bản thân mình, thì ngày thượng thọ e nằm mơ hông thấy!
Rồi nhìn xuống đất mà thở dài. Lúc ấy Khổng Tử mới nói rằng:
– Các ngươi sau này có làm quan, thì phải nhờ điều này: “Chính sách hà khắc khốc hại hơn là hổ, bởi hổ có hại thì cũng chỉ hại một số người, còn chính sách hà khắc sẽ hại cả muôn dân, lầm than điêu đứng.“
Đoạn, hạ lệnh cho cả đám lên đường. Chợt Tử Tiện lúc thúc chạy ra, vòng tay nói:
– Thầy thường dạy: “Làm người thì phải rộng rãi một chút.” Nay người đàn bà này đau khổ như vậy, mà thầy vẫn bỏ đi, thì không biết có nhẫn tâm nhiều không nữa?
Khổng Tử đưa mắt nhìn đám môn sinh bằng ánh mắt hiền từ, rồi chậm rãi đáp:
– Từ lúc khởi hành đến nay, ta chưa đăng đàn được lần nào, nên tiền thù lao hầu như không có. Nếu bây giờ ta muốn san sớt nỗi buồn với người ta, bằng những lời nói môi miệng, thì thà chẳng những hổng giúp gì hơn, mà không khéo lại như Tử Cống, ôm phải ngay cán búa!
Rồi nhỏ giọng nói rằng:
– Muốn làm phước thiện thì phải có tiền. Việc đầu tiên là tiền đâu? Bằng ngược lại thì chẳng thế nào làm phước làm phiếc gì được đâu!
Tối ấy, Tử Tiện không làm sao ngủ được. Phần thì thương cho số kiếp người đàn bà có cha, chồng và con bị cọp ăn, phần thì cho là thầy xử không đẹp, nên lội ra đầu hè, bất chợt gặp Khổng Miệt đang gồi chơi ở đó, bèn thọc tay vào bụng, lôi ra xị nếp than, vừa dzô vừa nói:
– Kẻ đại trượng phu khi muốn ý kiến chuyện gì, thì phải nhậu một cái mới phân biệt được điều sai lẽ trái. Có phải vậy chăng?
Khổng Miệt cao hứng đáp:
– Đúng! Đúng như vậy!
Tử Tiện lại nói:
– Phàm đã là người, nếu không thể thay thế được sự đau khổ, thì cần phải san sớt cái đau đó cho người khác. Có phải vậy chăng?
Khổng Miệt dzô liền hớp rượu, rồi nhìn qua Tử Tiện, hùng khí nói:
– Đã coi nhau là huynh đệ, thì cứ việc móc ruột cho nhau coi. Hà cớ chi phải vòng vo như thế?
Lúc ấy, Tử Tiện mới thở ra một cái mà nói rằng:
– Đệ không hài lòng với cách giải quyết của thầy, mà huynh lại gọi thầy bằng Bác. Nếu đệ tình thiệt thốt ra, thì không biết hậu vận có còn tươi không nữa?
Khổng Miệt nghe vậy, liền ngửa mặt lên trời cười cho một tràng, rồi sảng khoái đáp:
– Ở nhà nhờ cha mẹ. Ra ngoài nhờ bạn bè. Tuyệt không có Bác nào nằm chơi trong đó. Nói vậy đã đủ hay chưa?
Tử Tiện gật gù đáp:
– Vậy mới là hảo huynh đệ.
Rồi đem chuyện gặp người đàn bà ở núi Thái sơn ra mà bàn luận, được đâu một hồi, mới tức tối nói:
– Cha chết, chồng chết, con chết. Nỗi đau thiệt là quá nặng, mà thầy không có một lời an ủi, là cớ làm sao?
Khổng Miệt liền đảo mắt một vòng. Khi chắc chắn là chẳng có ai ở gần, bèn nhỏ giọng nói:
– Thầy mở miệng ra là nhân lễ nghĩa trí tín, là đại trượng phu, là phải cố công trở thành người quân tử, nhưng đối với nước mắt của đàn bà thì thầy cuống cả lên. Lụi hụi tới lui cũng hông mần chi được!
Rồi đưa tay đè lên ngực, thở ra một cái, đoạn từ từ nói tiếp:
– Thầy thường dạy: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.” Quanh đi quẩn lại chỉ là nhắc mấy bà… tòng rồi tòng. Đệ có hiểu tại sao không?
Tử Tiện ngơ ngác đáp:
– Không!
Miệt thở dài ảo não, rồi chán nản nói:
– Thầy có mấy bà, nên sợ chiến tranh, thành thử mới bày chữ tòng cho bình yên chắc cú. Nào dè thầy dạy được thiên hạ, chớ thầy không dạy được vợ con, khiến chữ tòng kia bỗng “ép phê” ôm vào mình hết cả, đến nên khi đụng phải cảnh này, thầy bất chợt nhớ chuyện xưa, rồi… ngậm hột thị là vì duyên cớ đó!
– Hèn chi!
Mõ Sàigòn
Trần Văn Giang (ghi lại)