Thơ Nhạc về Miền Trung
.
*
Thi ca và âm nhạc Việt Nam là cả một kho tàng đồ sộ. Thơ nhạc về miền Trung cũng vậy, mấy ai có đủ thì giờ hay tài năng để luận bàn cho tận tường thấu đáo.
Trong tâm trạng đó, người viết bài xin mượn lời nhạc sĩ Duy Khánh qua ca khúc “Gởi Về Em Gái Thành Đô”:
Làm sao tôi nói hết trong trang thư
Tình yêu gởi về em
Mười năm dài chưa mỏi
Đời trai còn trôi nổi
Vì nghe lời khắc khoải
Quê mình đau xót em ơi.
Như là cái cớ “làm sao nói hết” khi chỉ trích dẫn một số ít thơ nhạc về vùng đất mà Phạm Đinh Chương thở than trong “Tiếng Sông Hương”:
Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn.
1. ĐÂY THÔN VỸ DẠ
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Hàn Mặc Tử (1912 – 40) tên thật Nguyễn Trọng Trí, là bậc thiên tài. Nổi danh rất sớm. Mới 15 tuổi đã đăng thơ trên nhiều tờ báo. Cụ Phan Bội Châu rất mến mộ, cảm kích, ca ngợi và họa thơ.
Một hôm Trí đi khám bệnh. Gặp bác sĩ thích trò chuyện văn chương. Ông cho biết rất mê thơ P.T., nhưng thăm hỏi, tìm tòi mãi vẫn không biết là ai.
Lúc đó Trí mới dám mạnh dạn tiết lộ:
– Dạ thưa bác sĩ, P.T. là Phong Trần, mà Phong Trần chính là em đây !
Quan Đốc ngỡ ngàng, nửa tin nửa ngờ. Sao một thư sinh trẻ trung như vậy mà làm được những bài thơ đầy tình cảm da diết khiến bao người say mê ấp ủ. Năm 1930, Trí đoạt phần thưởng hạng nhất giải thơ do thi xã ở Quy Nhơn tổ chức. Chúng ta thử đọc qua một bài trong số đó:
Vội Vàng Chi Lắm
Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Chầm chậm cho mình giữ mối giây
Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã
Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay
Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi
Chỉ một lòng son muốn tỏ bày
Này nhạn ta còn quên chút nữa
Con tim non nớt tặng nàng đây.
Vỹ Dạ là làng cổ trầm mặc. Phía hữu ngạn Hương giang, bên kia Đập Đá. Với sông nước hữu tình, thuyền bè hay qua lại, những mảnh vườn tươi mát, nhà cửa gọn gàng tươm tất. Nơi cư trú của lớp vương hầu hoàng tộc và gia đình quyền quý.
Hàn sáng tác bài nầy năm 1938, lúc đã biết mình mắc chứng phong cùi. Từng ý từng lời quá hay, nhưng hiểu được tất cả ý nghĩa sâu xa không phải dễ, vì Hàn làm theo thể tượng trưng, siêu thực, dùng nhiều hình ảnh và từ ngữ đa nghĩa (sông trăng, mặt chữ điền, lá trúc, buồn thiu, kịp tối nay, trắng quá, nhân ảnh…).
Trong thời gian lưu lạc nhiều nơi để trị bệnh, cái thuở mà mối tình si với Mộng Cầm đã “chết từ muôn trăng thế kỷ,” Hàn cảm thấy cuộc đời hiu quạnh, bơ vơ, cô đơn trống vắng. Bất ngờ nhận tấm bưu thiếp của Hoàng Cúc, như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao. Hàn mừng rỡ lắm, mới tưởng tượng cô bạn gái ở Huế đang nhớ nhung mình tha thiết, rồi ru hồn vào cõi mộng, làm nên bài thơ bất tử, đến nay gần ngót thế kỷ mà vẫn được nhiều người ngâm nga lưu truyền.
Tấm bưu ảnh ấy có cảnh sông nước đêm trăng, thuyền đậu trên bến, cây cau, khóm trúc, mảnh vườn… và lời thăm hỏi của Hoàng Cúc.
Trải qua cuộc đời ngắn ngủi, Hàn từng yêu trong mộng ảo. Sau Hoàng Cúc, chàng còn thầm yêu trộm nhớ cô gái chưa hề gặp mặt là cháu của bạn mình (Trần Thanh Địch). Để rồi viết ra hai vở kịch “Quần Tiên Hội” và “Cẩm Châu Duyên.” Trong đó có bài “Nỗi Buồn Vô Duyên” tràn đầy bi thiết não nùng:
Sầu lên cho tới ngàn khơi
Ai đâu ráo lệ, chưa lời nói ra
Chiều nay tàn tạ hồn hoa
Nhớ Thương Thương quá, xót xa tâm bào
Tiếng buồn đem trộn tiêu tao
Bóng em chờn chợn trong bao nhiêu màu
Nghe ai xé lụa mà đau
Gió than niềm gió biết đâu hẹn hò
Đừng ai nói để thương cho
Lỡ ra lạnh nhạt đền bù sao cam
Chiều nay chẳng có mưa dầm
Mình sao nước mắt lại đầm đìa luôn
Ồ ra lụy ngọc nôn nôn
Biết bao giờ hết nỗi buồn vô duyên.
Theo tư liệu gia đình, trong thư gởi Quách Tấn ngày 15.4.71, Hoàng Cúc viết: “Thưa ông, bức ảnh đó chỉ là phong cảnh hoàng hôn mua ở phố. Trong đó không có người con gái nào khác ngoài cô lái đò. Ngoại trừ bức ảnh và bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ, thì Tử và tôi không thư từ gì cho nhau nữa cả.”
Năm 1987, Hoàng Cúc gởi tới Ông Nguyễn Bá Tín, em ruột Hàn một lá thư: “Vào đầu năm 36, Tử tới gặp tôi hai lần. Lần đầu chỉ nói bâng quơ vài câu rồi chào về. Lần sau, mạnh dạn hơn trong dáng điệu ngập ngừng, lắp bắp vài lời tỏ tình, đưa tặng tôi tập thơ ‘Bâng Khuâng’ với mảnh giấy nhỏ có mấy hàng chữ. Tôi bàng hoàng rồi cũng rụt rè từ chối, không nhận sách, không nhận thư.
Gần cuối năm 36, Tử về Huế dự Hội Chợ, mang theo xấp “Gái Quê” vừa in xong. Trao anh em tôi mỗi người một tập, không đưa cho tôi mà chỉ yên lặng nhìn. Mấy hôm sau em họ tôi là Hoàng Tùng Ngâm (bạn Tử) cho biết Tử có về nhà tôi ở Vỹ Dạ mà không vào, chỉ đứng ngoài ngõ nhìn vô. Từ đó, chúng tôi không còn gặp lại nhau, không thư từ thăm viếng, mỗi người mỗi ngã.”
Hàn đã dẫn nhập 2 câu đầu thật tài tình, gây cho người đọc niềm háo hức có dịp về thăm một nơi chốn thanh bình của Huế:
“Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên,”
Nhắc tới khu vườn nhà ai chan hòa ánh nắng ban mai. Cũng trong khung cảnh ấm áp đó, thi sĩ Lưu Trọng Lư để lại bài thơ “Nắng Mới” với nhiều nỗi nhớ quay quắt hình ảnh Mẹ hiền đang phơi áo ngày nào:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không
Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi
Hình dáng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.
Người sống ở miền Nam tự do có cái may mắn được thưởng thức những tác phẩm văn chương tuyệt vời. Không bị ngăn cấm như đồng bào miền Bắc suốt một thời gian dài. Đó là ý kiến của tác giả Ban Mai (voatiengviet.com, 7.5.2011) qua bài “Sao Anh Không Về Chơi Thôn Vỹ?”:
“Văn chương, cũng như cuộc đời, mang thăng trầm của giông bão, chịu những định kiến từ quan điểm giai cấp hay phê phán hữu khuynh, từ sau 1945 đến 1986, dòng văn chương lãng mạn đã không được chấp nhận.”
Tài liệu giảng dạy văn học lớp 12 từng ghi: “về nội dung, đây là dòng văn học bạc nhược, suy đồi, tiêu cực, mang tính chất phản động, tuy có ít nhiều yếu tố tích cực. Chúng ta cũng cần khuyên học sinh không nên đọc sách báo lãng mạn. Với quan điểm trên, thi ca Hàn Mặc Tử càng bị bài xích vì tư tưởng siêu thực, thoát ly cuộc sống. Chính cách đánh giá lạc hậu này từ một nền thẩm mỹ đóng khung, đã làm cho bao thế hệ học trò bị thiệt thòi trong việc tiếp cận những áng văn thơ tuyệt tác của đất nước.”
2.MƯA TRÊN PHỐ HUẾ
Chiều nay mưa trên phố Huế
Kiếp giang hồ không bến đợi
Mà mưa sao cứ rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai
Ngày chia tay hôm nao còn đây
Nước trên sông Hương còn đầy
Tình đã xa, gió mưa u hoài mắt lệ ngắn dài
Chiều mưa trên Kinh Đô Huế
Tiếng mưa còn vương kỷ niệm
Ngày quen nhau dưới chân Thiên Mụ anh còn nhớ không?
Chợ Đông Ba khi mình qua
Lá me bay bay là đà
Chiều thiết tha có anh bên mình mà ngỡ hôm qua
Hò ơi ! Ơi hò !
Chiều mưa phố buồn
Chiều mưa phố xưa u buồn
Có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô
Để nhớ với thương một người
Chiều nay mưa trên phố Huế
Biết ai đã quên ai rồi
Hạt mưa rơi vẫn rơi rơi đều cho lòng u hoài
Ngày xưa mưa rơi thì sao?
Bây chừ nghe mưa lại buồn
Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn.
Bài hát do Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương sáng tác năm 1973.
Theo ca sĩ Hoàng Oanh, Tôn Nữ Thụy Khương là bút danh nhạc sĩ Lê Dinh.
“Hoàng Oanh nhớ chú Minh Kỳ, sau khi đưa bài hát cho Hoàng Oanh, dặn dò đôi câu về bài mới, rồi thôi! Chú rất nghiêm trang và ít nói. Hoàng Oanh nhớ chú có cặp mắt rất to và tròn. Mỗi lần gặp, chú chỉ cười, nụ cười hiền hòa.”
Nói về mưa thì không đâu giống Huế. Mưa lâm râm dầm dề ngày này qua ngày nọ, có khi sụt sùi cả hai tuần chưa dứt.
Một dịp vào thăm Huế, gặp những bữa trời mưa, Nguyễn Bính đã buộc miệng thở than:
Giời mưa ở Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.
Đã mưa mà còn buốt giá trong cái lạnh cắt da. Nhiều bà mẹ tần tảo làm thân cò lặn lội gồng gánh buôn thúng bán bưng kiếm miếng cơm manh áo cho đàn con đắp đổi qua ngày:
Sang đây rồi thấy nhớ chiếc áo tơi
Mẹ hay mặc những chiều mưa tầm tã
Nuôi con xuôi ngược một đời vất vã
Dãi nắng dầm mưa quên cả thân mình.
Mưa mãi mưa hoài, mưa ngày mưa đêm làm cho đường sá lầy lội. Cô cậu học trò vùng quê không thể nào đạp xe trên đường cái quan vì ngập ngụa bùn lầy. Đành phải luồn lách qua những mảnh vườn khắp thôn xóm để tìm cách tới Huế.
Tội nghiệp đám nữ sinh Đồng Khánh sắc phục áo quần màu trắng khi tới trường chẳng còn được như Hàn nói: “Áo em trắng quá nhìn không ra.”
* “Mưa Trên Phố Huế – Bài Hát Hay Nhất về Huế,” Nguyễn Đình San, cuulongreal.com
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San nhận định: “Đây là bài hát hay nhất, rõ chất Huế nhất. Những điệu hò mái nhì, mái đẩy được tác giả vận dụng vô cùng nhuần nhuyễn mà không dễ người sáng tác nào cũng có thể đạt được.
Sau 30.4.75, nhân dịp ở Huế 2 tuần, rất nhớ Hà Nội, tôi nảy ra ý làm bài hát nói đến cái mưa xứ Huế để gởi nỗi niềm về đất Bắc. Đang loay hoay với những nốt nhạc đầu thì chợt đâu đây văng vẳng ca khúc ‘Mưa Trên Phố Huế’ từ máy cassette ở phòng bên. Nghe đi nghe lại cả chục lần vẫn không chán, bởi giai điệu rất đậm đà, hình tượng ngọt ngào và sống động, ca từ giản dị, dễ hiểu, đầy chất thơ.
Thế là tôi quyết định buông bút, không sáng tác nữa, vì bài hát quá rực rỡ. Tôi tự nhủ mình có cố gắng mấy cũng chẳng tài nào viết được ca khúc hay hơn về mưa Huế, tôi thầm bái phục nhạc sĩ Minh Kỳ, người mà tôi chưa hề nghe tên. Mới nghe lần đầu đã thấy hay, càng nghe càng thú vị hơn. Giai điệu gây cho ta cảm xúc mưa liên miên, không to, nặng hạt, nhưng rả rích, giăng mắc, không chừa một chỗ nào.
Bài hát tả cơn mưa ở Huế với cái nhìn của cô gái giang hồ trải qua cuộc sống ủ ê, não nề như những trận mưa dai dẳng trên Cố Đô vậy.
Tôi nhớ mãi câu chuyện năm 92, trong hội diễn văn nghệ quần chúng ở Hà Nội, có diễn viên hát ‘Mưa Trên Phố Huế.’ Giọng cô hay không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp, tôi cho điểm 10/10. Những giám khảo khác chỉ cho đến 8. Cuối cùng cô chỉ đoạt huy chương bạc. Lý do vì có vị nói rằng cô hát “nhạc vàng” của miền Nam.
Thời ấy, và hầu như gần đây vẫn còn như vậy. Những kỳ hội diễn văn nghệ đặc biệt quan trọng là luôn có một luật thành văn: khuyến khích diễn viên hát ca khúc về Tổ quốc, Đảng, bác Hồ. Tôi nói với ban giám khảo là khuyến khích các đề tài trên không có nghĩa vô hiệu hóa những bài khác và vẫn thượng tôn tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Vả lại, bài “Mưa Trên Phố Huế” nằm trong hạng mục được phép hát mọi nơi.
Hồi đó, tuy đã bước sang thời kỳ thay đổi được mấy năm nhưng định kiến từ giai đoạn duy ý chí cũ vẫn còn nặng nề.
Lần đầu tôi vào Huế là khoảng tháng 7.75. Quá thích bài hát, tôi định bụng đến khi vào Saigon phải tìm cách gặp bằng được tác giả mình hằng ngưỡng mộ. Nhưng chưa kịp thực hiện thì nghe tin Minh Kỳ qua đời lúc mới 45 tuổi, hãy còn quá trẻ khi sức sáng tạo đang ở vào thời kỳ sung mãn nhất.
Giờ đây, có dịp tới Huế, ghé bất kỳ tiệm cà phê hay khách sạn nào, bạn sẽ được nghe “Mưa Trên Phố Huế.” Nếu giữa những ngày mưa, bạn sẽ càng cảm nhận hết sự mê hoặc của bài hát này.”
3.NHỚ HUẾ
Sang đây rồi nhớ hương trầm xứ Huế
Nhớ Cầu Trường Tiền, nhớ Đế Đô xưa
Nhớ những mùa đông trời cứ đổ mưa
Thương cho Huế khổ chi mà dữ rứa
Sang đây rồi nhớ Kinh Thành lắm cửa
Một thời mình hay vào đó rong chơi
Buồn vấn vương chuyện thế sự đổi dời
Lại xa xót những cảnh đời dâu bể
Sang đây rồi nhớ mùa xuân tang chế
Trời Phu Vân Lâu nhòa lệ đau thương
Nhớ những khi Nữ Đồng Khánh tan trường
Ôi trắng xóa suốt dọc đường Lê Lợi
Lúc nớ cõi lòng rộn ràng phơi phới
Hồn thi nhân sẽ trổi dậy ngâm thơ:
– “Sông Hương nước chảy lững lờ
Ơi người thục nữ cô chờ đợi ai?”
Sang đây rồi nhớ Phú Lộc, Cầu Hai
Nhớ Chợ An Cựu, Phú Bài, Dạ Lê
Nhớ nón bài thơ, nhớ mái tóc thề
Lâu quá không thấy nhớ ghê lắm rồi
Nhớ Dốc Nam Giao, nhớ Độn Thành Lồi
Nhớ Đồi Long Thọ, nhớ vôi Nguyệt Biều
Nhớ Chùa Thiên Mụ cô quạnh đìu hiu
Nhớ ơi là nhớ những chiều tắm sông
Vì ham bơi để Mẹ phải đợi trông
Cứ lặn hụp hoài mà không biết chán
Tội nghiệp Mẹ thương chìu con chẳng cản
Cho trọn mùa hè thanh thản nghỉ ngơi
Sang đây rồi thấy nhớ chiếc áo tơi
Mẹ hay mặc những chiều mưa tầm tã
Nuôi con xuôi ngược một đời vất vã
Dãi nắng dầm mưa quên cả thân mình
Sang đây rồi nhớ Tây Lộc, Bao Vinh
Đông Ba, Gia Hội, Ngự Bình, Kim Long
Đây Thôn Vỹ Dạ vẫn thuộc nằm lòng
Vườn cau Lại Thế trông mong ngày về
Dẫu đi mô cũng nhớ mãi tình quê
Nhớ làng Văn Xá, Vân Thê, Mậu Tài
Nhớ Chè Cồn, nhớ Chợ Nọ, Chợ Mai
Nhớ Khu Đại Học, nhớ Đài Phát Thanh
Nhớ rất nhiều cả hằng vạn địa danh
Tha hương càng nhớ bức tranh Huế mình
Phú Xuân, Thừa Thiên, Thuận Hóa, Thần Kinh
Gởi về tất cả tâm tình Huế ơi !
(Phạm Văn Duyệt)
Đây là lần đầu tiên bài này được đăng trên diễn đàn online. Lời thơ nói lên tâm trạng một người xa quê vẫn luôn vấn vương về miền đất Mẹ, với nỗi nhớ cảnh cũ người xưa, những kỷ niệm buồn vui thời tuổi trẻ. Xin kính tặng đồng hương, quý thân hữu và bạn đọc đã có dịp tới Huế hoặc từng nghe qua Huế, để cùng nhau chia sẻ chút tình với chốn Kinh Đô cuối cùng của đất nước.
Trong bài nhắc nhở đến gần 30 địa danh thân quen hay những phố chợ thôn làng bao quanh Huế. Tuy vậy vẫn không sao nói hết về Cố Đô. Nơi đây chỉ xin ghi lại vài nét về địa dư, lịch sử của cái tên Độn Thành Lồi mà nhiều người chưa hay biết, cùng Hổ Quyền, Điện Voi Ré thuộc địa bàn các phường Thủy Biều, Thủy Xuân và Phường Đúc. Nhưng trước tiên là khám phá nét đẹp nên thơ của Huế, kiêu sa diệu kỳ có một không hai, đó là hình ảnh người con gái với chiếc nón bài thơ và mái tóc thề thư thả bay lượn dọc đường Lê Lợi trong những buổi tan trường qua bài hát “Cô Nữ Sinh Đồng Khánh” của nhạc sĩ Thu Hồ:
Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
Cô đi về đâu tan buổi học rồi
Cô xuôi Đập Đá hay về Nam Giao
Cô về Vỹ Dạ hay về Đông Ba
Cô về Gia Hội hay ngược Kim Long
Khi gió mới lên làn tóc tung tăng
Xỏa ngang bờ vai khi tuổi dậy thì
Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên
Mắt tròn như mộng xây đời xinh xinh
Cô là tất cả trời đất xứ Kinh
Ai ra xứ Huê không ít nhiều mộng mơ
Khi nhìn thấy bên bờ Hương Giang nên thơ
Cô gái nữ sinh Đồng Khánh ra về
Mà lòng không thấy xuyến xao
Mà lòng chẳng thấy dạt dào
Một chút nhớ bâng khuâng
Với tình yêu Cố Đô
Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi
Cô đi về đâu tan buổi học rồi
Tôi mơ một bóng khi về đơn côi
Áo dài dáng đẹp tóc còn buông lơi
Ghi một kỷ niệm cuộc đời trong tôi.
* Độn Thành Lồi: Tham khảo Wiki, người xưa kể lại câu chuyện xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ V, theo đó cả hai dân tộc Việt Chiêm cùng tranh chấp chủ quyền vùng đất Thuận Hóa. Đôi bên không muốn gây chiến trận binh đao, mà đi đến giao ước, trong một thời gian ấn định, hể bên nào tạo lập được thành lũy cao hơn thì bên thua cuộc phải chịu dời đi.
Người Chiêm vốn tính thật thà, họ tuyến mộ dân phu trai tráng khỏe mạnh, ngày đêm hì hục ra sức xây dựng lâu đài nguy nga tráng lệ. Còn một ngày nữa là tới thời hạn chót, nhìn sang đối phương, chẳng trông thấy công trình gì đáng kể, họ hân hoan hồ hỡi, nắm chắc phần thắng lợi, liền tổ chức liên hoan tiệc tùng, ca múa thâu đêm. Có ngờ đâu phía người Việt vẫn âm thầm tương kế tựu kế, nhanh chóng trong vài giờ đã thấy sừng sững một tòa nhà cao vời vợi, che khuất lâu đài đối diện.
Hôm sau, những tưởng là ngày mừng vui chiến thắng, vua quan thần dân nước Chiêm cờ xí lộng lẫy, chiên trống inh ỏi khua vang, dắt nhau đến địa điểm thi đua. Họ mới ngỡ ngàng biết mình thua cuộc. Đâu có hiểu mưu lược thần kỳ của người Việt, chỉ trưng lên tòa nhà bằng giấy. Thế rồi bên thua tự động rút lui, để lại dấu tích được gọi là Thành Lồi, cách trung tâm Huế chừng 5 km về hướng tây
Sau hằng trăm năm hoang phế, mưa nắng dãi dầu, nơi này chỉ còn lại 3 mô đất rộng, kích thước mỗi mô chừng 20m x 30m.
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rằng: Thành Lồi là thành cũ Chiêm Thành ở thôn Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy. Tương truyền Vua Chiêm từng một thời đóng đô nơi đây, tên gọi là Thành Phật Thệ, được xây dựng trên vùng Đồi Long Thọ.
Thời nay ai đi ngang qua đây đều không tránh khỏi nỗi cám cảnh ngậm ngùi như Bà Huyện Thanh Quang thuở trước qua bài Thăng Long Thành Hoài Cổ:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Sát cạnh Thành Lồi, còn có Hổ Quyền và Điện Voi Ré. Cả 3 di tích cho thấy khu vực này nằm ở vị trí tâm linh quan trọng trong lịch sử của Champa và Việt Nam.
* Hổ Quyền:
Nơi đây là đấu trường tử chiến giữa voi – hổ nhằm tế thần trong ngày hội lớn, đồng thời phục vụ nhu cầu giải trí cho vua, quan cùng dân chúng.
Trước khi Hổ Quyền được xây dựng, Cồn Dã Viên, tọa lạc trên dòng sông Hương là nơi diễn ra các cuộc thư hùng ác liệt này. Năm 1750, Chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến đây để xem trận đấu được coi là khủng khiếp và đẩm máu nhất lịch sử, vì từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, 40 con voi đã tàn sát không thương tiếc 18 mãnh hổ.
Vào giai đoạn chưa có chỗ tỉ thí bảo đảm an toàn cho người xem, đã xảy ra vài sự cố hiểm nghèo. Như thời Vua Gia Long, trong lần thi đấu tổ chức tại Kinh Thành, một con hổ đã nhảy lên tát viên quản tượng té nhào xuống đất, rồi ông bị chính con voi của mình dẫm chết.
Thời Minh Mạng, vào năm 1829, vua ngự thuyền rồng xem trận đấu bên bờ bắc Hương Giang. Đang lúc giao tranh quyết liệt, thình lình chú hổ lao ra, bơi về hướng thuyền rồng. May mà Vua nhanh tay dùng cây sào đẩy lùi hổ. Lập tức quan quân chèo thuyền đến đâm chết ác thú, cứu Vua kịp thời.
Để tránh nguy cơ này tái diễn, Nhà Vua cho xây Hổ Quyền vào năm sau.
Thoạt đầu, các lễ hội nhằm rèn luyện kỹ năng chiến đấu cho voi, về sau biến thành trò tiêu khiển. Trong ngày đó, dân chúng và hương chức quanh vùng đặt hương án, bày biện lễ vật trên lộ trình Vua đi qua. Một toán lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường suốt từ đấu trường tới bến bãi đậu thuyền Vua. Trận cuối cùng diễn ra vào năm 1904, dưới thời Vua Thành Thái.
Hổ Quyền thiết kế theo hình vành khăn với 2 vòng tường thành. Vòng trong cao 5.9m, vòng ngoài 4.75m.
Có một thực tế là tất cả các cuộc giao chiến, voi luôn luôn là kẻ chiến thắng. Kết quả này phát xuất từ quan niệm của các Đấng Quân Vương, loài voi đại diện cho cái thiện, còn cọp thì ngược lại, tiêu biểu cho cái ác. Quý Ngài nghĩ rằng Thiện phải thắng ác. Chính vì vậy mà người ta làm mọi cách hổ trợ voi. Trước mỗi trận, hổ bị cắt nanh, bẻ vuốt, không cho ăn uống đầy đủ như voi
* Điện Voi Ré:
Cách Hổ Quyền vài trăm mét, là chứng tích một thời của đội kinh tượng. Công trình hoàn tất năm 1817, nhằm suy tôn lòng trung thành của loài voi từng tham gia vào các trận đánh.
Theo truyền thuyết, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, khi giao chiến với quân đội Đàng Ngoài, một tướng sĩ Đàng Trong chẳng may hy sinh giữa trận tiền. Quá u buồn trước cái chết của chủ, con voi đã chạy vượt qua chặng đường dài hằng trăm dặm về tận Phú Xuân, đến địa điểm phía đông Đồi Thọ Cương, nó rống lên mấy tiếng long trời lỡ đất, như bày tỏ niềm phẩn uất đau thương, rồi phủ xuống trút hơi thở cuối cùng. Cảm động trước nghĩa cử trung thành của con vật, cư dân địa phương đứng ra làm lễ an táng, xây mộ đường hoàng. Người ta đặt cho cái tên là Mộ Voi Ré.
Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, Ngài cho xây dựng bên cạnh Mộ này ngôi điện để thờ các vị thần bảo vệ và 4 con voi dũng cảm nhất trong các chiến trận triều Nguyễn. Điện Voi Ré rộng 2.000 m², kiến trúc theo thuật phong thủy. Vận dụng Thành Lồi làm bình phong. Phía trước là hồ trồng sen rộng 1.000 m², sâu 3 m, mùa hè sen nở màu hồng rực rỡ, ngào ngạt hương thơm. Voi thường ra đây tắm mát và uống nước trước khi tới Hổ Quyền thi đấu.
4.BIỂN MẶN
Một trong hơn 200 nhạc phẩm được ưa chuộng của Trần Thiện Thanh. Khi ca hát, lấy tên Nhật Trường. Ông tâm sự: “Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ không cho. Thế là phải chờ đến ban đêm đợi ông bà đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày rất thèm hát mà phải đợi tới tối, thấy ngày sao dài quá nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là ngày dài.”
Nổi tiếng về sáng tác cũng như ca hát. Cả hai lãnh vực đều rất thành công, được hằng triệu người hâm mộ.
* Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn nhận xét: “Giọng ca ngọt ngào, trau chuốt và vừa đủ lãng mạn để hát những tình khúc của ông, những tình khúc luôn có một vẻ gì đó nửa thật, nửa mộng, dỗ dành, năn nỉ.”
* Hoàn cảnh sáng tác Biển Mặn:
Vào thập niên 60, Trung Chỉnh thường theo Nhật Trường lưu diễn ở các tiền đồn. Ca sĩ kể lại trên chương trình Asia 51: có hôm hai người đi chung chuyến phi cơ ra Quy Nhơn. Khi bay ngang Phan Thiết, anh nhìn xuống biển xanh với nét mặt tư lự, rồi lấy sổ tay viết vội vài dòng. Sau đó hoàn thành ca khúc Biển Mặn vào năm 1967, nói lên suy tư của người lính, về một vùng quê đã nuôi lớn mình bằng muối biển mặn.
Cao ngất Trường Sơn
Ôm ấp tình thương nước xuôi ra nguồn
Tìm về Biển Đông, tình yêu thành sóng Thái Bình Dương
Rồi từng đêm sương,
Sóng vỗ về ru giấc quê hương
Nhưng quê hương chưa ngủ khi bom đạn tơi bời
Còn nhục nhằn dưới ruộng trên nương
Tôi thức từng đêm
Thơ ấu, mà nghe muối pha trong lòng
Mẹ là Mẹ Trùng Dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau
Tuổi trời qua mau,
Gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi
Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội
Mà lòng thì chưa hề yêu ai
Người yêu tôi, tôi mới quen mà thôi
Khi dừng quân trên vùng vừa tiếp thu
Vùng hoang vu bóng dừa bờ cát dài
Gió lên từng chiều vàng nàng xỏa tóc trên biển xanh
Người yêu tôi hay khóc trong chiều mưa
Lúc màu xanh biển mặn đục sắc mây
Bảo yêu anh em muốn chuyện đôi mình
Trong ngày xanh biển tình như màu trời xinh rất xinh
Tôi đến lại đi, xa vắng đời tôi chiến chinh lâu dài
Miệt mài đời trai, vượt truông dài che khuất biển xanh
Đẹp tựa trong tranh, gót bùn lầy cho lúa thêm xanh
Trong bao lần quân hành, tôi qua vùng khô cằn
Mồ hôi thành biển mặn trên môi.
* “Vài Nét về Bài Hát Biển Mặn,” Duy Khiêm, 25.2.06
“Tác giả diễn tả tâm trạng người lính trẻ sinh ra và lớn lên tại vùng duyên hải miền Trung. Trần Thiện Thanh gởi gắm tâm sự của mình vì Ông sinh ra ở Phan Thiết. Ông kể về những đêm ấu thơ chợt thức giấc, nằm nghe sóng biển rì rào để ru từng giấc ngủ. Nhưng quê hương đất nước hình như không ngủ được vì bom đạn vẫn còn cày nát ruộng đồng.
Tuổi thơ lớn theo nhịp chảy của dòng suối, con sông từ trên cao Trường Sơn luân lưu tràn ra biển cả. Nơi vùng biển đó, tình yêu quê hương của chàng trai sẽ biến thành những đợt sóng cuốn trôi ra tận Thái Bình Dương mênh mông, bao la bát ngát.
Ngày tháng dần qua, ngoài gạo cơm của mẹ cha, thì những cơn gió biển mặn cũng nuôi anh khôn lớn. Rồi một hôm đẹp trời, theo tiếng gọi non sông, anh giả từ gia đình, tình nguyện tòng quân vào quân đội Cộng Hòa. Mãi tới 3 năm sau, lúc 24 tuổi, anh mới kể lại tâm sự này.
Dạo ấy chiến tranh chưa đến hồi khốc liệt, người lính thường hành quân qua những làng mạc ven biển hoặc mật khu hẻo lánh xa xôi. Có vùng bị địch chiếm đóng một thời gian, rồi được ta lấy lại. Anh liền theo đoàn quân tới tiếp thu vùng vừa tái chiếm, giữ gìn an bình cho bà con thôn xóm. Chính tại nơi này, anh lính rơi vào tình yêu với cô gái trẻ ở vùng hoang vu rợp bóng dừa chạy theo bờ cát dài. Nàng hay ngồi mơ mộng, buông xỏa mái tóc huyền trong những buổi chiều vàng, và lại thầm khóc một mình lo cho duyên tình mỗi khi trời đổ mưa. Nhưng đang yêu là đầy mơ ước, nàng mong sao cho chuyện tình đượm màu trời xinh rất xinh.
Thời gian trôi mau. Anh lính phải theo đơn vị di chuyển về vùng khác, đành rời xa người tình bé nhỏ. Bao lần hành quân sau đó, anh đi qua những vùng khô cằn sỏi đá, dưới cơn nóng nung người, những giọt mồ hôi nhỏ xuống trên má trên môi, lưỡi nghe mằn mặn, làm anh chợt nhớ xóm nghèo ven biển của mình, để rồi hát nghêu ngao bài ca Biển Mặn.”
Trần Thiện Thanh còn sáng tác “Tâm Sự Người Lính Trẻ,” trong đó có những lời lẽ hẹn hò khi xa cách người yêu nghe thật tình tứ dễ thương:
Tàn đêm anh chưa ngủ
Lều sương hoen bóng trăng gầy
Từ khi ta cách trở
Kỷ niệm chưa xóa bao giờ
Người ơi, nếu hay rằng vì yêu
Vai áo tôi bạc màu để yên vui lối xưa
Tình kia vừa nhen tim đôi lứa
Xin hẹn một lời dù chỉ một lời thôi.
* Đời tư: Nhật Trường trải qua nhiều mối tình. Có 4 người con với Bà Trần Thị Liên, vợ đầu, ly dị trước 75. Sau đó kết hôn cùng ca sĩ Hạnh Dung. Rồi qua Mỹ sống chung với Mỹ Lan, cả hai đều hạ sinh 1 con trai.
Ca Sĩ Mỹ Lan nói rằng: Trần Thiện Thanh là người chồng tốt, rất thương yêu vợ con, biết lo cho gia đình, khéo léo và tỉ mỉ, cáng đáng mọi việc trong nhà.
Năm 2000, Ông cùng một số thân hữu tổ chức buổi hát rong tại Westminster, gây quỹ xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ. Ông bày tỏ: Đây là hành động tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng yêu mến, kính trọng và tưởng niệm người lính miền Nam trong tâm hồn và trái tim tôi. Tôi cảm thấy mình cần làm cái gì đó để góp công cho việc xây dựng tượng đài chiến sĩ Cộng Hòa đầu tiên trên đất Mỹ nói riêng và hải ngoại nói chung. Trong lúc sau 75, những tượng đài đó ở trong nước đã không còn – kể cả tượng mang tính chất nghệ thuật là “Tiếc Thương” cũng bị bàn tay Cộng sản hủy diệt.
Nhật Trường mất năm 2005 vì lâm bệnh nặng.
5.CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ
Pleiku là thành phố tương đối nhỏ về diện tích và dân số, nằm trên vùng Tây Nguyên. Do vị trí chiến lược quan trọng, tỉnh lỵ này được chọn làm nơi đặt bản doanh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2.
Tuy là thành phố nhưng là nơi lính nhiều hơn dân. Đủ cả sắc màu chiến y: nhảy dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, không quân, bộ binh, cảnh sát…
Trong muôn ngàn chiến sĩ đang ngày đêm xông pha ngoài trận tuyến thuở đó, có anh lính dáng dấp trông thật bình thường, chẳng chút gì đặc biệt về thân thế, cấp bậc hay chức vụ. Vậy mà vào một buổi chiều ghé thăm người bạn gái, bách bộ lang thang, đi lên đi xuống con dốc nơi phố thị, anh đã để hồn lắng đọng, làm nên bài thơ đầy xúc cảm, đưa hình ảnh Phố Núi trở thành địa danh sáng ngời trong thi ca cũng như âm nhạc. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà tên Vũ Hữu Định vẫn mãi còn được nhắc nhở mỗi khi người ta nói đến Pleiku. Đây là bài thơ nổi tiếng ấy:
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật gần
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc bên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên.
Theo hồi ký Phạm Duy: “Năm 1972, tôi gặp vài nhà thơ trẻ đang đóng quân tại miền biên giới Tây Nguyên. Lúc đó, tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp, Vũ Hữu Định mô tả cái thành phố ‘đi dăm phút đã về chốn cũ’ trong bài thơ rất dễ thương. Tôi quá ưa thích và lập tức phổ thành bài ca mà không thêm bớt một chữ nào.”
* “Phạm Duy và Bạn Thơ: Chút Gì Để Nhớ,” Kim Anh sưu tầm, sites.google.com:
“Người yêu thơ nói nhờ Họ Vũ mà Pleiku thành danh Phố Núi, còn Phạm Duy đã giúp Pleiku được nhiều người biết đến qua việc phổ nhạc bài thơ. Cả hai đã góp công đội vương miện cho thành phố vốn xa xôi hiu quạnh này. Người ta nghe trong đó có tiếng gió, tiếng suối, tiếng đá, tiếng cây rừng… âm thanh trong trẻo và phóng túng của đại ngàn tràn ngập qua một bài hát, mà lạ lùng thay, ca từ lại mềm mại như sương. Bài thơ kết hợp với những nốt nhạc tài hoa của Phạm Duy, đã biến khu phố nhỏ vùng cao buồn tênh thành một địa danh lãng mạn trong thi ca Việt Nam!”
Vũ Hữu Định sinh năm 1942, từng phục vụ ở chiến trường cao nguyên. Sau 75 bị bắt “học tập” 1 tháng. Cả đời nghèo, mê rượu, sống lang bạc kỳ hồ. Kiếp phù sinh quá ngắn ngủi. Nằm 81, sau chầu nhậu với bạn bè ở Đà Nẵng, Ông bị té lầu rồi đi vào thiên thu, giả biệt cuộc chơi.
Về đám tang nhà thơ, tác giả Trần Tuấn tường thuật trong bài “Vũ Hữu Định, Rượu Thơ Trần Thế” (vanchuongviet.org, 9.10.07):
“Chị Vân, vợ anh Định cho hay, Anh chết, không đủ tiền mua quan tài, bạn bè xúm nhau góp nhặt được $600, tôi vơ vét thêm một ít, trong khi cái rẻ nhất cũng $1.200. Cả nhà đang ngồi chết điếng, không biết tính sao, thì bà chị anh đi làm ăn xa bất chợt trở về. Chị bảo không biết sao mấy hôm cứ như lửa đốt, bèn đem một số tiền lớn về Đà Nẵng, cũng chưa tính để dùng vào việc gì. Ai ngờ lại làm đám tang cho em… Mẹ con, chị em ôm nhau mà khóc. Đám tang ảnh đông lắm, gia đình, bà con, bạn bè, hàng xóm, người đi xe máy hoặc xe đạp, kẻ lóc cóc chạy bộ theo sau…
* “Thi Sĩ Vũ Hữu Định và bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ,” nhacvangbolero.com:
“Trong Thơ Vũ, Phố Núi hiện ra đầy thơ mộng, khuất sau làn sương mờ lãng đãng, ở đó ngoài cây xanh, trời thấp, còn có người con gái mỏng manh như mây chiều, mái tóc mềm buông lơi trong những ngày đông gió lộng làm cho lữ khách bâng khuâng, ngây ngất.
Vũ Hữu Định đã vẽ lên chân dung đặc thù của Pleiku, bao gồm những hình ảnh rất nhẹ nhàng, tinh tế, từ con người đến cảnh vật. Ông khéo léo đưa thành phố nhỏ từ vùng núi rừng trở thành nơi nhuốm màu huyền thoại, pha chút bi tráng.”
Thi sĩ Kim Tuấn là lính đóng quân lâu năm ở đây, làm khá nhiều thơ cho phố núi sương mù, đã phải thốt lên: “Mình từng ăn dầm nằm dề tại chốn đất đỏ này mà chẳng làm nên tích sự gì. Bỗng dưng một gã giang hồ từ đâu đó ghé chơi, đã viết bài thơ nỗi đình nỗi đám cho Pleiku.”
Thêm 3 nhà thơ khác nói về Vũ Hữu Định:
* Du Tử Lê: “Khoảng đầu thập niên 70 là thời gian Nguyễn Tất Nhiên tha người về nhà tôi nhiều nhất, trong đó có Vũ Hữu Định. Một hôm Nhiên cười toe toét: – Em Pleiku má đỏ môi hồng đó anh !
Lúc này, ca khúc ‘Còn Chút Gì Để Nhớ’ đang trở nên thịnh hành. Tôi nghĩ, phải thành thật ghi nhận rằng, trước khi có bài hát này, gần như không ai biết tới Định. Điều tôi thích nhất nơi Định là anh không bao giờ thảo luận văn chương và rất họa hoằn mới bắt tôi phải nghe thơ của anh (điểm này trái ngược với Nhiên). Anh cũng không màu mè, không lên gân, không tác điệu cho ra vẻ của một người làm thơ. Cần gì, anh nói thẳng thành lời, không quanh co rào đón. Bên cạnh dáng dấp hơi ngơ ngác, cục mịch, trong ghi nhận của tôi, Định là người rất ý tứ.”
* Luân Hoán: “Với chiều cao 1.6 m nhưng có bề ngang, cộng với dáng đi chữ bát, và lối ăn vận lè phè, Định trông hơi thấp. Không mấy đẹp trai nhưng coi cũng bắt mắt. Nụ cười xuề xòa luôn đi trước giọng nói dí dỏm bộc trực đã thắp sáng khuôn mặt màu nâu sậm của anh.
Tôi gặp và quen Định năm 70, lúc đó hình như đang mặc áo Xây Dựng Nông Thôn, làm việc lòng vòng quanh ven rìa thành phố Đà Nẵng như Thanh Khê, Hà Khê, An Hải, Sơn Trà… Anh chợt đi chợt đến, lúc nào cũng có vẻ thong dong, giàu có thì giờ phất phơ phố xá. Đời sống vật chất không mấy khả quan, quen biết nhau khá lâu nhưng anh từ chối cho tôi đến nhà chơi.
* Đinh Trầm Ca: “Một hôm khoảng năm 72, Định cầm băng cassette do chính tay Phạm Duy ký tặng đi vào nhà tôi mở nghe. Lại một phen rôm rả ồn ào. Vì ở chung với tôi còn có đám học sinh rất yêu thơ nhạc và sính chuyện làng văn. Họ mượn về sang và hát theo. Định cũng biết đàn guitar và giọng ca ngọt ngào. Thời gian này hình như anh làm việc ở Đà Nẵng nên hay ghé tôi. Mỗi lần đến là một chương trình ‘thế giới đó đây.’ Anh luôn sôi động, có cái mới để kể. Chính anh đã nhen nhóm trong tôi chút lửa văn nghệ để rồi viết lại khá nhiều trong những năm 73 – 75 , mặc dù chẳng còn gì sau 30.4.75.”
Bài thơ hay, gợi nhớ một thời tao loạn. Tiếc là ngày nay, Pleiku đổi khác hơn xưa, mất hẳn bản sắc thơ mộng dễ thương thuở nào. Cái “hồn phố núi” và “hồn thơ” không còn.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)
6.NHA TRANG NGÀY VỀ
Theo hồi ký Phạm Duy: Năm 1944, tại Phan Thiết, Ông làm quen với góa phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt – Anh, nhũ danh Helene. Từ đó đôi bên nảy sinh mối tình nhẹ nhàng, say sưa và trong sạch. Tuy lòng quý mến nhau nhưng không ai dám bày tỏ yêu đương. Suốt tháng trời, cặp giai nhân thường dạo chơi quanh phố xá đông người hoặc trên bãi cát vắng vẻ nhưng không hề nắm tay nhau.
Sau khi giả từ đế theo gánh hát tiếp bước giang hồ, Phạm Duy nhận nhiều thư và thơ của Helene.
Hơn 10 năm sau, một hôm đang lang thang trước Chợ Bến Thành, đột nhiên Helene hiện ra.
Mừng mừng tủi tủi. Theo chân Helene về nhà nàng trên đường Trần Hưng Đạo. Bất ngờ, con gái là Alice, 16 tuổi, chạy ra quấn quít nắm tay Phạm Duy như người quen biết lâu ngày
.
Đang còn chấn thương vì thảm kịch sau vụ ái tình với Khánh Ngọc, Phạm Duy đi tìm an ủi ở người bạn cũ. Nhất là với cô con gái giống mẹ như đúc.
Thế rồi hằng tuần Phạm Duy lái xe hơi đưa Alice đi chơi, nghe Nàng trút bầu tâm sự của cô gái tuổi dậy thì. Dần dà cũng không thoát khỏi lưới tình, nhưng vẫn là tình cao thượng, kéo dài cả 10 năm. Alice gởi tặng Phạm Duy 300 bài thơ, Ông cũng viết nhiều ca khúc tặng nàng.
Theo Thời Báo Media (“Nha Trang Ngày Về,” 06.01.22):
Trước khi đi lấy chồng, Alice gởi Phạm Duy bức thư: “Mười năm quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi. Từ đây đến ngày cưới có thể L. sẽ xin gặp chú 1, 2 lần nữa. Chẳng để làm gì cả. L. chắc chú cũng nghĩ như L. Chẳng có gì bi thảm, chẳng có gì tiếc hận. Mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái”
.
* Nhạc Sĩ Phạm Duy và Nha Trang Ngày Về – Dã Tràng Ơi Sao Lấp Cho Vơi Sầu Này,” Niệm Quân, nhacxua.vn, 26.12.20:
“Trong đời nghệ sĩ bôn ba lưu lạc, Phạm Duy trải qua nhiều mối tình. Nhưng có lẽ sâu đậm nhất là chuyện tình thơ-nhạc với người thơ Alice (Lệ Lan). Ông kể lại: “Vì chênh lệch tuổi tác, cũng như không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ đầu rằng đây chỉ là mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Làm nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không mong chiếm đoạt người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi chẳng có ràng buộc nhau. Mỗi cuối tuần gặp gỡ. Thế là quá đủ.”
Năm 1970, sau khi Alice lấy chồng, Phạm Duy quay quắt nhớ về ngày tháng cũ. Ông bắt đầu viết chùm ca khúc “Tình ca một mình,” trong đó có bài “Nha Trang Ngày Về” đầy những oán tha, bi thương, sầu muộn giữa đêm khuya mịt mùng nơi biển vắng, khóc thương cuộc tình đã vuột mất.
Khi xưa, cũng tại bãi biển này, hai người từng hẹn hò tình tự. Nhưng đêm nay người xưa chẳng còn, biền biệt cách xa. Người nhạc sĩ chợt thấy nỗi niềm cô độc thấm vào tận buồng tim, rồi hụt hẫng, đau thương, không ngăn được dòng nước mắt tức tưởi. Cuối cùng, Ông tự nhủ thầm:
“Ân tình trong lúc đôi mươi
Bao giờ cũng vẫn mau phai.”
và đành chấp nhận “chít khăn tang” cho cuộc tình ảo mộng. Xin hãy nghe Ông tâm sự:
Nha Trang ngày về,
Mình tôi trên bãi khuya
Tôi đi vào thương nhớ,
Tôi đi tìm cơn gió,
Tôi xây lại mộng mơ năm nào
Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau
Đêm xưa biển này,
Người yêu trong cánh tay
Đêm nay còn cát trắng,
Đêm nay còn tiếng sóng
Đêm nay còn trăng soi,
Nhưng rồi chỉ còn tôi
Trên bãi đêm khóc người tình
Cát trắng thơm tho lùa vào trong nắm tay
Nào ngờ cát úa tuôn ra dần dà đâu có hay
Ân tình trong lúc đôi mươi
Bao giờ cũng sẽ mau phai
Cho ngàn thông réo tên ai, từ đó
Lớp sóng mơn man thịt mềm, da ngát hương
Nào ngờ sóng cuốn trôi đi lầu vàng trên bãi hoang
Khi tình tôi chít khăn tang
Ai gào ai réo đêm trăng
Cho từng lớp sóng kêu than
Nha Trang ngày về,
Ngồi đây tôi lắng nghe
Đê mê lòng tôi khóc,
Như oan hồn trách móc
Ôi trăng vàng lẻ loi Ôi đời !
Trời biển ơi ! không cố nuôi tình tôi
Nha Trang biển đầy
Tình yêu không có đây
Tôi như là con ốc,
Bơ vơ nằm trên cát
Chui sâu vào thân xác lưu đầy
Dã tràng ơi ! Sao lấp cho vơi sầu này?
7.MIMOSA THÔI NỞ
Từ 1959 – 63, ba tập thơ “Truyện Chúng Mình” của Nhất Tuấn ra đời. Là thi sĩ gốc quân nhân với những bài thơ tình ướt át, mặn mà, thiết tha. Ông đã đáp ứng ước mơ của lứa tuổi học trò đang bước vào giai đoan mộng mơ. Họ chuyền tay nhau chép những lời thầm thì đôi lứa, những hẹn hò đón đưa, những buổi đi lễ nhà thờ, những nhớ nhung xa cách, những giận hờn trách móc… Bên cạnh một số nhà thơ tiếng tăm thuở ấy như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa…, thì Nhất Tuấn cũng được giới thanh niên nam nữ vô cùng ái mộ. Nhiều người thuộc nằm lòng thơ Ông vì lắm chỗ phản ánh đúng tâm trạng của chính mình trong đó.
Do thụ huấn ở Quân Trường Võ Bị Đà Lạt, nên Ông hay nhắc nhở về loài hoa mimosa nở vàng rực rỡ vào độ thu đông khắp thành phố sương mù này qua một số bài thơ, cả lúc buồn cũng như lúc vui.
Lại một Noel nữa
Mấy mùa Giáng Sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời
Chắc Đà Lạt vui lắm
Mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Hương ngào ngạt không gian.
(Bài Niềm Tin)
Hoặc:
Một đi vĩnh biệt cao nguyên
Mimosa trả… cho miền núi non
Làm gì có chuyện sắc son
Thì thôi… đừng dại mỏi mòn mắt trông.
(Truyện Cây Hoa Mimosa)
Và đặc biệt là bài “Mimosa Thôi Nở”:
Noel xưa anh nhớ
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu
Mimosa… bừng nở
Đẹp như tình ban đầu
Đà Lạt mờ trăng lạnh
Đường về ta bước mau
Rồi anh hỏi khẽ em
Đã xin gì với Chúa
Trong đêm lễ Noel
Em lắc đầu chả nhớ
Nhưng hồng lên đôi má
Nắm tay anh đợi chờ
Trông em sao xinh quá
Và ngoan như nàng thơ
Mới bốn mùa thu qua
Mimosa… vẫn nở
Sao mối tình đôi ta
Ai làm cho dang dở ?
Đêm nay Noel đây
Chuông nhà thờ khắc khoải
Gió đồi lang thang bay
Mưa buồn giăng ngõ tối
Anh quỳ bên tượng Chúa
Cúi đầu chắp hai tay
Lạy Chúa con chờ đợi
Người ngày xưa về đây
Nhưng em không về nữa
Đường khuya mưa bay bay
Mimosa… thôi nở
Trong hồn anh đêm nay.
“Truyện Chúng Mình” bao gồm một số thơ tâm tình, chúng ta bắt gặp chàng thanh niên đôi mươi, yêu đương mơ mộng.
Khung cảnh thần tiên anh nhớ mãi
Chiều mưa hai đứa rủ đi xa
Đến gian quán nhỏ dìu nhau lại
Trời đất này riêng…một chúng ta
Hai đứa sánh vai đi bẽn lẽn
Người xoắn tay, kẻ cắn khăn thêu
Sợ thiên hạ thấy nên thèn thẹn
Ngơ ngẩn làm sao lúc mới yêu.
Thuở ấy, những năm đầu thập niên 60, chuyện yêu đương trai gái hãy còn đầy ngại ngùng che dấu, không dám bộc lộ công khai. Bởi vì lỡ để cho người ta thấy nắm tay nhau hoặc những cử chỉ liếc mắt đưa tình, thì hôm sau không tránh khỏi lời đồn đãi bàn tán của đám người xung quanh, bà con, bạn bè, xóm giềng, gây ra niềm băn khoăn, khắc khoải lo âu cho đôi nhân tình. Đó cũng là tâm sự thầm kín của nhiều thanh niên nam nữ:
Làm sao có lại em ơi !
Những nụ hôn chứa chất đầy tình ái
Những buổi chiều đi bên nhau ái ngại
Em sợ bà con và ngại bạn bè
Bởi họ là những người hay bàn tán quá
Thấy mình đi chung đã vội xì xào…
(“Làm Sao Có Lại Em Ơi,” Phạm Văn Duyệt)
Nhất Tuấn (Phạm Hậu) là thi sĩ được phổ nhạc nhiều nhất, với 40 bài hát. Xin cùng đọc “Tiếng Hát Đồi Sim” (Thơ Nhất Tuấn, nhạc Hoàng Lan):
Đà Lạt mờ sương khói
Một mình anh lặng im
Nghe hồn mình nức nở
Nghe hồn lắng trong tim
Giá mình đừng gặp nhau
Trên núi đồi Đà Lạt
Vì tình yêu ban đầu
Đã tàn theo sóng nhạc
Người xưa.. .người xưa đâu ?
Để…lòng anh tan nát
Đời bãi bể nương dâu
Cũng buồn như tiếng hát.
Trên Tạp Chí Cỏ Thơm có phần biên khảo của Phạm Anh Dũng: “Nhớ về Nhà Thơ Nhất Tuấn.” Dưới đây là 3 bài trong đó:
* Nhớ Người Đi (Hồng Thủy)
Những năm cuối đời, nhà thơ bị chứng mất trí nhớ (alzheimer) không còn biết gì. Hồng Thủy ghi lại tâm sự nát lòng từ người bạn đời của nhà thơ, cựu nữ sinh Trưng Vương, Bạch Thị Hoàng Oanh: “Oanh vẫn hiểu dạo sau này anh Hậu sống như một cái bóng trong nhà, chỉ thấy hình hài của Anh, dù không còn biết cảm xúc hoặc trò chuyện được nữa, nhưng cái bóng ấy vẫn làm cho Oanh cảm thấy ấm lòng, cảm thấy mình không cô đơn, cảm thấy mình còn chỗ dựa. Bây giờ bỗng dưng mất hết, cái bóng thân yêu ấp ủ mình đã bỏ đi, biến mất rồi Thủy ơi, hụt hẫng và cô đơn quá.”
Chuyện gì đến sẽ đến. Ai rồi cuối cùng cũng phải đến lúc chia tay, giả từ nhân thế. Đó là nỗi niềm của Nhất Tuấn trong bài “Thôi Trang Đời Đã Khép”:
Và những chiều Đà Lạt
Một mình trên đồi thông
Mưa nhạt nhòa trong mắt
Gởi sầu… vào mênh mông.
* Khi Thi Sĩ Khóc (Trần Mộng Tủ)
Đã lâu rồi anh không nhớ tên mình
Anh không nhớ tên xóm tên làng
Anh không biết sáng biết chiều…
Anh chỉ nhớ có một người duy nhất…
Anh chỉ tay vào nàng, gọi… Oanh ơi !
Bạn đọc thơ cho anh nghe
Có nhớ thơ của ai không
Anh lắc đầu từ tốn ăn miếng bánh
Nhưng ô kìa,
Hình như Anh đang khóc
Hình như có người đang đọc thơ Nhất Tuấn
Nước mắt giàn giụa trên mặt anh
Nước mắt giàn giụa trên thi sĩ
Khi nghe đọc thơ mình.
* Lại Trình Diện Phủ Tổng Thống (Phạm Hậu)
Một hôm, Phủ Tổng Thống mời 10 người thuộc Đài Phát Thanh Quân Đội và Phòng Báo Chí vào Dinh Độc Lập. Tới giờ hẹn, Ông Hoàng Đức Nhã, Bí Thư kiêm Tham Vụ Báo Chí Tổng Thống cho biết:
Hôm nay ngày đẹp trời, Tổng Thống cho mới các anh em tới nói chuyện và ở lại ăn cơm chiều với Tổng Thống. Tổng Thống được Trung Tướng Trung trình lên và có nghe radio, đọc báo thường xuyên, biết các anh em làm việc vất vã, lâu lâu cũng muốn anh em thoải mái một chút. Rồi Tổng Thống đi ra, bắt tay từng người, ngồi xuống nói chuyện với Ông Nhã và chúng tôi thật là vui. Bữa cơm chiều từ nhà hàng đem tới khá ngon.
Phạm Văn Duyệt
Trần Văn Giang (ghi lại)