Nói tiếng Mễ?
(“Are you speaking Spanish?”)
.
*
Lời mở đầu
Xin mời quý vị đọc một vài mẩu chuyện đời thật của tác giả TVG để thấy sau bao năm sống đời tị nạn trên đất Mỹ, tiếng Anh (và cả tiếng Mễ) của mình không thấy khá hơn mà tiếng Việt thì lại quên khá nhiều rồi!
- Enjoy a few short pieces written by TVG a while ago, and kindly pardon my “interspersed” English!
TVG
*
1- Năm 1976-79, tôi làm việc rửa chén và phụ bếp (“cook helper”) cho một nhà hàng ăn nhỏ loại “All You Can Eat” của Mỹ ở San Diego, USA. Vào buổi chiều, người bếp chính (là người Mỹ trắng) về rồi thì trong bếp chỉ còn lại tôi và một anh chàng rửa chén khác (cũng là thuyền nhân – người Việt gốc “củ cải muối”); bên ngoài phòng ăn thì có hai cô tiếp viên (“waitresses”) người Mỹ. Chủ nhà hàng cũng là người Mỹ trắng. Ông chủ thường ngồi chỗ quầy tính tiền và trả lời điện thoại.
Trong giờ nhà hàng mở cửa hay có điện thoại của khách hàng gọi vào nhà hàng; Quanh quẩn họ chỉ hỏi: Một là, hỏi đường (“directions“) đi đến tiệm; Hai là, hỏi nhà hàng hôm nay có những món gì?… Vậy thôi.
Một hôm ông chủ nhà hàng có việc phải chạy ra nhà băng, hai cô tiếp viên cũng đang bận tay, tôi chẳng đặng đừng phải bốc điện thoại trả lời khách hàng gọi đến. Mặc dù mới đến Mỹ cuối năm 1975, nhưng kể ra Anh văn của tôi cũng không đến nỗi tệ lắm – Năm 1978, tôi đã “scored” 550 điểm trong kỳ thi TOEFL – Test of English as Foreign Language – tại San Diego; Nên biết hệ thống đại học University of California, UCLA chẳng hạn, chỉ cần “score” với 500 điểm cho sinh viên ngoại quốc là đủ “qualified” anh Ngữ Về Anh ngữ. Phần Nghe (“Listening comprehension”) của tôi cũng kha khá; nhưng vì tôi đã 26 tuổi khi đến đất Mỹ nên lưỡi đã cứng! Vì vậy phần Phát Âm / Đọc (“pronunciation”) bị “accent” tiếng Việt nặng lắm (!). Sau khi nghe bà khách hỏi đường đi tới tiệm, tôi hiểu ngay câu hỏi và bắt đầu chỉ dẫn (dĩ nhiên bằng Anh ngữ) cho bà khách này bằng cách nói địa chỉ tiệm cũng như cái ngã tư (“crossed streets”) gần nhất. Bà khách này sau khi nghe tôi trình bày (?) xong, im lặng vài giây đồng hồ rồi nói:
– “Are you speaking Spanish?”
Trời đất!
2- Năm 1975, nhiều người Việt tị nạn cs đến Mỹ ở hoàn cảnh hoàn toàn ngọng tiếng Mỹ. Một anh bạn láng giềng tị nạn của tôi, trước đây khi còn ở Việt Nam là dân đánh cá ở Vũng tầu, đã kể cho tôi câu chuyện như sau.
Anh ta có một người chú họ đi du học ở Mỹ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến thăm anh ta ở San Diego và đồng thời chỉ dẫn anh cách học Anh ngữ cho mau chóng. Ông chú nói:
– “Cách học Anh ngữ tốt và mau nhất là xem TV (“Direct English”)… Cháu cứ chịu khó xem TV… Mới đầu tiên sẽ chẳng hiểu gì cả, nhưng chỉ một vài tháng là có thể hiểu chút ít Anh ngữ rồi.”
5-6 tháng sau đó, người chú họ đó lại thăm và hỏi lại xem việc học hành Anh ngữ (qua TV) của thằng cháu đã tới đâu rồi; thì thấy thằng cháu vẫn ngọng 100% như ngày nào. Người chú thắc mắc hỏi:
– “Thế cháu có chịu khó xem TV như chú đã chỉ dẫn cháu không?”
Anh ta trả lời và chỉ vào cái màn ảnh TV trong nhà:
– “Vâng. Cháu vẫn xem TV mỗi ngày… Như chú thấy cái đài mà cháu thích nhất đang có trên màn ảnh TV kia kìa…”
Ông chú nhìn vào TV mới kêu trời:
– “Trời đất! Hèn gì mà mày không hiểu, không nói được Anh ngữ. Thằng chết tiệt! Thằng khùng! Đó là ‘đài Mễ.’ (‘Spanish Channel‘)”
3- Năm 1978, tôi quyết định bỏ tất cả các công việc tay chân đang làm (rửa chén, phụ bếp, phụ thợ xây cất…), ôn lại một ít vốn liếng Anh ngữ, thi lại các “Tests” như SAT, ACH, TOEFL… để chuẩn bị trở lại trường học Mỹ. Tôi dự định cố gắng lấy một mảnh bằng hoàn toàn Mỹ để kiếm cơm nuôi thân và gia đình cho khả dĩ hơn trên đất Mỹ… Từ khi trở lại trường học (1979), Anh ngữ của tôi (cả phần Đọc lẫn Nghe) đều tiến triển rất khả quan. Tôi đã có thể coi TV và hiểu khi nào là chương trình (“programs”) chính, khi nào là phần thương mại (“commercials”) không như trước đây cứ tưởng phần thương mại là một phần của chương trình đang xem; không phân biệt được cái nào ra cái nào hết trơn hết trọi?!…
Hai chương trình TV mà tôi thích nhất là: “Benny Hill’s Show” và “Archie Bunker Show.”
Anh chàng “Benny Hill” là một thiên tài hiếm có. Trong mỗi chương trình của “The Benny Hill’s Show” dài cả tiếng đồng hồ rất vui nhộn, cười mệt nghỉ mà các diễn viên không cần phải nói một câu Anh ngữ nào… Tất cả chỉ cần các động tác diễn xuất và nhạc đệm. Thành ra dân gốc Mễ, Việt, Tầu, Rệp… tóm lại các đám di dân còn ngọng Anh ngữ, xem đều hiểu từ đầu đến cuối không khó khăn gì; Dân “A-na-mít” tị nạn cs ta rất ưa thích cái “show” hài hước này chứ không chỉ riêng gì tôi.
Riêng chương trình “Archie Bunker Show” là một bài học, một hình ảnh tiêu biểu phản ánh xã hội Mỹ về “kỳ thị chủng tộc”… Cái hay của “show” này là cách phô bày sự kỳ thị (qua vai trò của anh chàng Archie Bunker) để khán giả nhìn thấy rõ là nó xuất phát từ sự ngu xuẩn (“ignorance”) và lòng ganh tị (“jealousy”). Anh chàng Archie Bunker là một Cựu chiến binh Mỹ, làm thợ tay chân, sống rất vất vả nghèo… Thành ra anh ta ghét, kỳ thị tất cả các giống dân thiểu số sống chung quanh anh ta. Hai vợ chồng Archie Bunker, đứa con gái và anh chàng con rể thất nghiệp sống chen chúc trong một căn “apartment” nhỏ có hai phòng ngủ. Archie Bunker rất công khai, không hề dấu diếm, là anh ta ghét dân Do thái, Ba lan, Mỹ đen, Mễ, dân Á châu đầu đen… nói chung là tất cả dân di cư thiểu số đang sống trên đất Mỹ. Archie Bunker cho là chỉ vì đám di dân “ugly – xấu xí” này mà cuộc đời và gia đình anh ta phải nghèo và vất vả (vì họ đã lấy mất việc làm tốt của anh ta, trời ạ?!) …
Trong một “show,” vào giờ ăn tối, gia đình Archie Bunker sắp sửa dùng bữa thì nghe có âm thanh rề rề của một gia đình hàng xóm người Mễ đang đọc “Kinh lạy Cha” (dĩ nhiên bằng tiếng Mễ) bên kia vách tường. Archie Bunker nổi nóng quát ầm lên:
– Trời đất! Xin vui lòng đọc kinh Chúa bằng Anh ngữ dùm tui ! (“Oh my God ! Please pray in English!”).
Anh chàng con rể, trong “show” này, là một thanh niên loại cấp tiến (“liberal”) người di dân gốc Ba lan; luôn luôn bất đồng ý kiến với ông bố vợ Archie Bunker nóng tính; có vẻ không bằng lòng, hỏi Archie Bunker:
– Why? Tại sao? Họ là người Mễ thì tại sao họ phải đọc kinh bằng Anh ngữ?
Archi Bunker trợn mắt quát:
– Bởi vì Chúa không hiểu tiếng Mễ (“Because God does not understand Spanish OK!”)… Vì vậy mà mấy thằng Mễ đến sống ở đây trên 100 năm, cầu Chúa hoài, mà tụi nó vẫn ngu và nghèo!
Trời đất!
4- Tôi có đứa con gái, cháu Annemarie. Từ lúc cháu còn bé sơ sinh, tôi đã gởi cháu ở nhà trẻ (“daycare center”) của Mỹ và đến bây giở đi học liên tục trường Mỹ cho nên cháu chỉ nói hoàn toàn 100% tiếng Mỹ mặc dầu cháu nghe và hiểu tiếng Việt cũng rất lơ mơ (nhưng vẫn cứ trả lời bằng tiếng Mỹ tỉnh bơ!). Bà xã tôi có vẻ hơi ưu tư:
– “Thôi chết rồi! Con Annemarie nó chỉ nói toàn tiếng Mỹ… bây giờ phải bắt đầu dạy nó nói tiếng Việt Nam là vừa…”
Rồi khi cả gia đình tôi đang ngồi tại bàn ăn, bà xã tôi dạy cháu vài tiếng Việt bằng cách bắt cháu lập lại một câu tiếng Việt thật đơn giản:
– Con lập lại “Con ăn cơm.”
Cháu gái không đọc, nhưng lại nhìn mẹ và ngơ ngác hỏi:
– “Are you speaking Spanish?”
Trời đất!
Trần Văn Giang
Orange County