Ngôn ngữ Nam Kỳ bị mất từ từ
.
Nội chuyện bàn về cái “Sân bay Tân Sơn Nhứt” cũng thiệt nhức đầu rồi! (Vì nặng mùi nước mắm tĩn?!)
Năm 1920 Pháp giải tỏa gần hết cái làng Tân Sơn Nhứt, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định làm sân bay; phần đất còn lại không đủ tiêu chuẩn lập làng riêng, nên Pháp hiệp với làng Chí Hòa thành làng Tân Sơn Hòa.
Cái thuở đó tên sân bay tiếng Pháp là “Aérodrome.” Tân Sơn Nhứt là sân bay duy nhứt và đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương thời đó.
Người Nam Kỳ mình gọi tên tục là “Sân bay” và “Máy bay.” Cái gì vù vù trên trời thì gọi là “bay” hết ráo. Thí dụ: Chim bay, cò bay, mây bay…
Vì người Tàu kêu “Sân bay” là “Cơ trường” (機場) nên người Nam Kỳ khai sanh chánh thức chữ “Sân bay” là “Phi trường,” và “Máy bay” là “Phi cơ.”
Nhắc lại tập tánh dân Nam Kỳ mình nè.
Xưa nay cái gì chạy dưới nước kêu là “Tàu“; Cái nào chạy trên đường lộ (đường) là “Xe“; cái gì bay trên trời là “Máy bay” (phi cơ, phi thuyền…)
Phát hiện ra thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 tên “sân bay Tân Sơn Nhứt” là “Phi cảng Tân Sơn Nhứt” mà không là “Phi trường Tân Sơn Nhứt.”
Chữ “Cảng” trong văn hóa Việt xưa rày là “Cửa” (港) như cửa sông, cửa biển, nhánh sông cho tàu bè đậu – “Hải cảng” (海港,) “Thương cảng” (商港,) “Quân cảng” (軍港)…
Tỉ dụ như Hương Cảng (香港) là nghĩa là “Cảng thơm” (Hongkong).
Vì sao Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 gọi tên “sân bay Tân Sơn Nhứt” là “Phi cảng Tân Sơn Nhứt” mà không là “Phi trường Tân Sơn Nhứt?”
Sau 1975 tên làng Tân Sơn Nhứt được đổi thành Tân Sơn Nhất; và “Phi cảng Tân Sơn Nhứt” đổi thành “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.”
Cảng là của tàu, ghe, thuyền giờ qua tới cảng… máy bay???
Vui và ngộ thiệt! Tức cười cái là “Máy bay,” “Phi cơ” (飛機) biến thành “Tàu bay.” Lên máy bay nghe mấy cô tiếp viên nói: “Mời anh lên tàu bay” mà thấy ngộ quá!
Người Bắc Kỳ kể ra khá ngược ngạo khi kêu “Hỏa xa” (火車) là “Tàu hỏa” trong khi dân Nam Kỳ kêu là “Xe lửa.”
Nên nhớ đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho là có đầu tiên ở Nam Kỳ nha!
Tại sao tàu thuyền lại chạy trên mặt đất?
Họ (Bắc kỳ) kêu “Máy bay” là “Tàu bay,” kêu “Phi thuyền” là “Tàu vũ trụ?” Nghe “Phở tàu bay” là biết ai là ngưới bán rồi hén?
Nhiều người giải thích rằng chữ “Cảng hàng không” là chữ dịch từ chữ “Airport” (Anh), “Aéroport” (Pháp)… Hễ cứ có chữ “Port” là gọi “Cảng” hết ráo (dzui thiệt a?)
Rồi “Airship” là Khí cầu… Ừ cứ có chữ “Ship” là… “Tàu” hết ráo đâu có sao.
Nói như vầy là đánh tráo khái niệm.
Vậy chứ cái “Xe lửa” tiếng Anh, Pháp là “Train” có chữ “Ship” hay “Port” nào đâu mà dân Bắc Kỳ cũng kêu là “Tàu hỏa” đó.
Chữ Hán Việt nó có quy tắc của nó, người Nam Kỳ xài chính xác, chữ rất đẹp không có gì phải sửa tùm lum, rồi xọ từa lưa.
Chữ “Tào” (艚) người Nam Kỳ đọc là “Tàu” có nghĩa là “Thuyền,” còn chữ “Tào” (漕) này cũng là vận tải đường thuỷ mà thôi.
Tỉ dụ như bài thơ:
“Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen.”
Nếu đổi lại thành “Tàu bay đáp xuống một chiều” thì… coi như đem quăng vô thùng rác nguyên bài thơ.
Nhưng dân Bắc Kỳ cũng không thống nhứt chữ “Tàu bay” và “Cảng hàng không.”
Thí dụ bài nhạc “Chiều trên bến cảng” của một nhạc sĩ Miền Bắc có câu:
“Một chiều mùa hè gặp nhau trên bến cảng
Ta chia tay nhau
Trong lòng bao lưu luyến
Anh đi ra khơi theo mùa cá biển.”
Và:
“Khi chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên.”
Đọc xong ai cũng biết chắc mẩm “Cảng” là phải có sông hoặc biển.
Rồi mới đây sau vụ rớt phi cơ chiến đấu thì báo chí Việt Nam lại ghi là:
“Máy bay Su 22 gặp nạn: Các anh đều là phi công giỏi.”
Sao ngộ vậy ta? Tại sao không ghi là “Tàu bay Su 22” và có hai “Tàu công” thay vì “Phi công?”
Hết biết.
Theo Nam Kỳ Lục Tỉnh
Trần Văn Giang (ghi lại)
.