Tên Cúng Cơm

.

*

 

*Vài nét về Tên và Họ của người Việt Nam.

 

Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến quân chủ ở Tàu và Âu châu, Tên và Họ chỉ dành riêng cho giới quí tộc và tăng lữ. Thứ dân không được quyền có tên và Họ.

 

Thời kỳ này đã trải dài khá lâu…

 

Ngày nay, Tên và Họ không còn là một thứ đặc quyền xã hội mà đã trở thành điều bắt buộc do luật pháp quy định cho mọi người dân của một quốc gia. Tên và Họ do cha mẹ của đứa trẻ mới sanh chọn lựa một cách tự do để đặt cho con mình, không phải bị lệ thuộc bởi những điều cấm kỵ “nhập gia vấn húy” của thời xa xưa.  Riêng Họ thì phải giữ để biết tông tộc gia đình. Ngày nay, ở một số quốc gia Âu châu như Pháp, Đức, luật pháp đã cho phép đứa trẻ có quyền mang Họ mẹ, Họ cha, Họ ghép giữa Họ Cha – Họ Mẹ hoặc Họ Mẹ – Họ Cha. Luật nầy đã được áp dụng ở Đức từ năm 1976, nhưng phấn lớn người dân Đức tỏ ra không mấy hoan nghênh, và ngày nay, bắt đầu từ tháng giêng 2005 luật này sẽ áp dụng ở Pháp.

 

I/ Tên của người Việt Nam

 

Thời xưa, vì chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu quá lâu mà Việt Nam trong việc đặt tên cho con cái cũng có phần giống theo Tàu.

 

Thường thì đứa bé mới sanh chưa được cha mẹ đặt tên ngay như ngày nay, mà phải đợi đến ba tháng sau mới đặt tên. Có lẽ thời gian ba tháng là một giai đoạn phát triển của đứa bé có nhiều khó khăn về sức khoẻ. Sau ba tháng, phải chăng người ta thấy đứa bé nuôi được nên mới đặt tên cho đứa bé.

 

Tên của người Tàu và người Việt Nam trước đây rất phức tạp: tên chánh, tiểu danh hay nhũ danh, tên tự, tên hiệu (hay tước hiệu), tên thụy (hay tên cúng cơm).

 

Những người thuộc các ngành nghề chuyên môn trong xã hội lại có tên riêng cho từng ngành nghề. Các tu sĩ của các tôn giáo lại có tên dành riêng cho họ thường được gọi là tên thánh hay pháp danh. Vua chúa khi lên ngôi chọn cho mình một tên mới để dùng chánh thức trong việc cai trị và quan hệ ngoại giao.

 

1.-Tên chánh là tên của đứa bé mới sanh sau ba tháng được ông, bà, cha mẹ đặt cho. Ngày nay tên chánh là tên đặt cho đứa bé mới sanh và được ghi vào hộ tịch với cả ngày giờ và nơi sanh. Tên chánh được giữ suốt đời.

 

Nhưng việc đặt tên cho đứa bé mới sanh không phải là điều đơn giản và phổ quát như ta hiểu ở ngày nay.Thời xưa ở Tàu, vào thế kỷ 13 và 14, Tên chỉ dành cho giới quí tộc. Thứ dân không có quyền có Tên mà mỗi người mang một con số thay thế cho tên. Con số này là kết quả cộng lại số tuổi của cha mẹ. Thí dụ, người cha có 32 tuổi, người mẹ 30, thì đứa con sẽ mang tên Lục Nhị.

 

Tên chánh là tên thiệt thọ. Nhưng từ thời xưa, người có tên chánh vẫn có quyền đổi cho mình một tên khác, hoặc do chính mình quyết định theo sở thích hoặc vì lý do an ninh bản thân, hoặc do quan chức cấp trên quyết định như một ân huệ hay một cách bêu xấu, sỉ vả.

 

2.- Nhũ danh, thường bị hiễu sai lạc là tên chánh của một người đàn bà lúc còn con gái trong gia đình. Thí dụ, khi nói đến bà Nguyễn Văn Nhứt, người ta ghi thêm “Nhũ danh Bùi Thị Cư.” Thật ra, nhũ danh hay tiểu danh hoàn toàn không có nghĩa là tên riêng của người con gái, mà đó là tên của người lúc còn nhỏ, chung cho cả hai phái nam và nữ. Nhũ có nghĩa là cái vú, chỉ tên của người lúc còn bú vú mẹ. Vì thời xưa, khi đứa bé lớn lên, khi đi học, hoặc khi thành danh, thường đổi tên bằng một tên mới khác. Việc đổi tên rất phổ biến đối với người cộng sản. Hồ Chí Minh, Đỗ Mười, Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ đều không phải là tên chánh hay nhũ danh, mà đó là những tên do họ tự chọn cho họ. Riêng Hồ Chí Minh có tên chánh hay nhủ danh là Nguyễn Sinh Cung. Đến năm 12 tuổi, có tên Nguyễn Tất Thành. Đến giữa thập niên 20 của thế kỷ qua, ông cuổm tên Nguyễn Ái Quốc là tên chung của các Cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền cùng ký dưới các bài quan điểm của các cụ viết chống chế độ thực dân Pháp. Nhóm các các cụ tan rã, Nguyễn Sinh Cung bèn giữ cho mình tên Nguyễn Ái Quốc. Nhưng khi về Việt Nam, ông cũng không giám giữ tên này nữa vì mặc cảm thật sự không phải là tên của ông ta. Lúc ở Tàu, Hồ Chí minh lấy tên Lý Thụy, để kỷ niệm người tình là em vợ của Lâm Đức Thụ, người hợp tác với ông điềm chỉ cho Pháp bắt cụ Phan Bội Châu và chia nhau 150 ngàn đồng, số tiền thưởng công làm việt gian.

 

Nói về Tên và Họ của người Việt nam thì phải thừa nhận Hồ Chí Minh là con người có nhiều tên hơn hết. điều này bộc lộ rõ Hồ Chí Minh là một con người có bản chất gian xảo. Sau cùng ông chọn họ Hồ, theo người biết chuyện ở Hà nội, vì ông muốn trở lại với Họ của ông nội – không chánh thức – của ông là cụ Hồ Sĩ Tảo.

 

3.- Tên Tự, chính mình tự chọn riêng cho mình. Tên tự thường có nghĩa gần gủi với nghĩa của tên chánh, hoặc phản nghĩa lại với tên chánh, để như thế khi nói đến tên tự, người khác có thể đoán được tên chánh của người đó là gì.

 

4.- Tên hiệu, cũng hoàn toàn do chính mình chọn cho mình. Thường những người có sự nghiệp lớn hoặc các giới văn nghệ sĩ đều có tên hiệu.  Tên hiệu biểu lộ ý muốn, niềm mơ ước, mục đích muốn đạt. Nên tên hiệu thường tốt đẹp về ý nghĩa và âm thanh khi được đọc lên.

 

Vì tên hiệu biểu lộ ý muốn, mục đích muốn đạt nên thường người mang tên hiệu lại không đạt được điều mình mong ước gởi gắm ở tên hiệu.  Như một bà có nhan sắc như “ma lem,” thì lại chọn tên hiệu cho mình là Mỹ Duyên. Một cơ sở Thông tin Văn hóa muốn nói cho mọi người biết chủ trương của mình là viết sách, viết báo chỉ để nói toàn những điều đúng sự thật nên lấy tên hiệu là Nhà Xuất bản “Sự Thật.” Nhưng trên thực tế lại in và phổ biến toàn những sản phẩm nói dối, phản sự thật.

 

Đảng Cộng sản Pháp có tờ báo của Đảng mang tên là “Nhân Đạo” (l’Humanité) (?) nhưng chủ trương một đường lối chánh trị theo Cộng sản là gian ác, vô nhơn đạo.

 

5.- Tên thụy tên đặt thêm cho người vừa chết để gia đình dùng cúng kỵ người ấy. Tên thụy không phải là tên chánh tức hay tên thật của một người.

 

Nhưng ở thời xa xưa, không phải ai cũng có quyền có tên thụy, bởi tên thụy chỉ dành cho giới quí tộc. Dần dần về sau, dưới thời quân chủ, ở Tàu và Việt Nam, tên thụy mới được áp dụng rộng rải hơn, nhưng chỉ ở trong giới giàu có, có học. chớ người bình dân không mấy người có tên thụy.

 

Như vậy, tên thụy dưới thời phong kiến và quân chủ ở Tàu cho ta thấy việc cúng kỵ, hay thờ cúng ông bà, cha mẹ hãy còn là một hạn chế dành riêng cho một tầng lớp trong xã hội. Việc thờ cúng ông bà xác định thành phần xã hội, và cho thành phần này có quyền thừa hưởng di sản hoặc làm chủ đất đai.

 

Việt Nam chịu ảnh hưởng Tàu suốt thời gian dài. Nhưng Việt Nam không hoàn toàn giống Tàu bởi còn biết giữ cho mình một bản sắc dân tộc. Nhờ đặc tính này mà Việt Nam suốt chiều dài lịch sử lập quốc vẫn giữ được bờ cõi nguyên vẹn mãi cho đến năm 2000 mới bị Đảng Cộng sản ở Hà nội vì lệ thuộc Tàu mà đem đất và biển hiến dâng cho Tàu mà không đổi được một đồng xu.

 

Các loại Tên, người Việt Nam cũng bắt chước Tàu về cách đặt tên và cách chọn tên. Nhưng điểm khác nhau là ở Việt Nam, mọi người không phân biệt thành phần xã hội, đều có riêng cho mình một cái Tên.

 

Người Việt Nam dù không có tên thụy vẫn được người trong gia đình thờ cúng chu đáo. Và việc thờ cúng ông bà, cha mẹ, người trong gia đình ở Việt Nam hoàn toàn không bị giới hạn cho một thành phần nào, mà phổ quát cho tất cả mọi người. Việc thờ cúng gia tiên ở Việt Nam hiển nhiên trở thành một thứ “đạo dân tộc” hay “Việt đạo.”  Có thể nói ở người Việt Nam, việc thờ cúng gia tiên mang đậm nét ý nghĩa “dân tộc trường tồn, tổ tiên chánh giáo!”

 

Người Việt từ xưa, ở hàng thứ dân, chẳng những có quyền có tên họ cho mình, mà còn có quyền đặt tên cho nnhững người khác trong xóm làng thường gặp gỡ. Đây là một thứ quyền tự nhiên.

 

6.- Thấy mặt đặt tên: Chị Nguyễn Thị Hên, thứ Tư. Người trong xóm gọi chị là chị “Tư Hên.” Bổng một hôm chị bị tai nạn và mang tật ở một chân mà từ hôm đó chị đi khập khiểng. Người lối xóm bắt đầu đổi tên chị thành Chị “Tư què” hay Chị “Tư thọt.” Anh Lê Thành Châu chơi gà nòi nỗi tiếng, nhờ những trận đá lớn, gà của anh đều thắng cuộc. Trong nhà của anh lúc nào cũng có những chú gà lẫm liệt. Người lối xóm, hoặc những người quen biết anh bèn gọi anh là “Châu gà nòi.” Anh Nguyễn Văn Năm có tên “Năm lùn” vì bề cao của anh không quá một thước rưỡi theo thước ta.

 

Tên có khi được người lối xóm hoặc quen biết đặt cho theo nghề nghiệp, nơi cư ngụ hoặc theo thói quen đặc biệt của người đó.

 

Chị Bảy bán chè đậu được mọi người gọi chị là Chị “Bảy chè đậu” để phân biệt với chị Bảy khác, vì ở Nam kỳ, người ta gọi bằng Thứ, tránh gọi bằng tên chánh. Anh Lê Văn Dũng vì có một đặc tánh nào đó nên được mọi người biết đến người ta bèn gọi anh là anh “Dũng Xóm Cống” vì anh cư ngụ ở Xóm Cống.

 

Ngoài ra, còn có những tên hàm chứa tình thương, sự trìu mến của gia đình dành cho con cháu trong nhà như “chó con,” “tí,” “cu,” “nhít…” Những tên này có khi được dùng để gọi những đứa trẻ mãi đến lúc chúng đã trưởng thành.

 

Ca sĩ Bảo Hân nỗi tiếng khắp thế giới. Tên Bảo Hân thật đẹp như người mang tên. Giới hâm mộ Bảo Hân đều gọi cô Bảo Hân, chị Bảo Hân … nhưng về đến với gia đình, Bảo Hân được cả gia đình, từ ông bà, cô dì, cậu mợ… đều gọi là “Tít ơi, Tít à!”

 

Lấy làm bất mãn vì không được gọi Hân, cô nàng bèn đem tên Hân của mình biếu cho thằng cháu trai, con của chị. Và cu này mang tên Hân là tên chánh, tức là tên ghi trong khai sanh của cu cậu.

 

Có khi người ta chọn một tên thật xấu để đặt cho một đứa trẻ để đứa trẻ được mạnh giỏi, mau lớn, tránh không bị người khuất mặt “quở.”  Gia đình sanh con trai khó nuôi, bèn dùng tên con gái đặt cho cu cậu để lừa người khuất mặt rằng đó là con gái đấy.

 

Tên và cách đặt tên này vẵn còn lưu hành ở ngày nay. Chỉ có việc kiêng cử trùng tên với quan chức hoặc người trong xóm, làng thì ngày nay đã giảm bớt hay không còn giữ nữa. Việc “phạm huý” thì hoàn toàn bị xóa bỏ.

 

 

II/ Họ Của Người Việt Nam

 

Như ta thấy dưới thời phong kiến, quân chủ ở Tàu, tên gọi riêng từng người đã là một thứ đặc quyền xã hội, thì Họ lại là một giới hạn cực kỳ nghiêm ngặt. Bởi chỉ có giới quí tộc, vua chúa mới có Họ để biết ông bà, tiên tổ của họ là ai để  họ thờ phượng. Sự thờ phượng đem lại cho họ những đặc quyền tạo thành những sự nghiệp lớn cho họ và còn lưu truyền qua nhiều đời sau. Thứ dân chỉ cần biết sống hết đời mình là đủ rồi. Trên không cần biết có ai, mà dưới có ai cũng không phải là điều quan trọng.

 

Như ở thời nay, một thực tế đã xảy ra và trải dài hơn nửa thế kỷ mà cơ hồ không được ai biết đến.

 

1.- Nước Mông cổ bị Cộng sản chiếm và cai trị. Nhà cầm quyền Cộng sản Nga, năm 1925 đã tước đoạt quyền mang Họ của người dân Ngoại Mông để như thế vĩnh viễn xóa sạch chế độ phong kiến. Người Mông cổ từ đây chỉ có Tên mà không có Họ. Vì chỉ có Tên mà thôi nên sự trùng Tên rất phổ biến. Ở Thủ đô Mông cổ có đến mười ngàn phụ nữ mang một cái tên: Altantsetseg (Kim Hoa) hoặc Narantsetseg (Nhựt Hoa).

 

Mãi đến năm 1990, Liên Xô sụp đổ, người dân Mông Cổ mới có quyền tự do phục hồi lại Họ của mình. Nhưng việc tìm lại Họ, tức nguồn gốc của mình, không phải là chuyện đơn giản, vì bị xoá bỏ Họ quá lâu, mất hẵn đi mối dây liên hệ về tông tộc. Hơn nữa, người dân thường xuyên bị phân tán, di chuyển khỏi quê quán theo chế độ công an trị của cộng sản, nên tìm lại nguồn gốc càng khó hơn.

 

Ðể giúp cho hơn 60% dân chúng Mông Cổ hoàn toàn không biết dòng họ của mình là gì có thể tìm lại Họ, ông SERJEE thiết lập bản kiểm kê các Họ đã có từ trước cách mạng vô sản 1921 và cho phân phối theo từng vùng.

 

Theo những thông tin này, có nhiều người nghĩ là mình phải thuộc dòng đó, nhưng cái Họ lại quá xấu, đọc lên không thể nghe được, nên người dân bèn phủ nhận mối liên hệ với tông tộc đó. Nhiều người tự chọn cho mình cái Họ thật đẹp, thật kêu. Trong việc tái lập Họ, người Mông Cổ từ đây thật sự bắt đầu nếm mùi vị dân chủ.

 

2.- Ở Âu Châu, mãi đến thế kỷ 13, người Pháp nếu không phải thuộc giới quí tộc hoặc tăng lữ, chỉ gọi nhau bằng “tên rửa tội,” chớ không có quyền mang Họ. Giới quý tộc hoặc tăng lữ mang Họ gắn liền với tên đất đai thuộc quyền sở hữu của mình.  Ngày nay, ta thấy ở Pháp có một số Họ là địa danh. Như họ Auteuil, họ Soisson, họ Chirac [Hãy còn làng Chirac ở miền Tây Nam Pháp.]  Bởi nước Pháp thời xưa theo chế độ phong kiến.

 

Ðể phân biệt nhau vì trùng tên quá đông, người dân phải gọi nhau bằng biệt danh hay hỗn danh. Cách đặt tên này do một sự ngẫu nhiên, hoặc để nhắc lại một sự việc xa xưa, hay để nói lên một đặc tánh.  Biệt danh hay hỗn danh hoàn toàn không có giá trị như Họ, nhưng được lưu hành rất tự nhiên và có khi được truyền lại cho con cháu.

 

Như một người có tầm vóc cao vượt hơn nhiều người khác thì được lối xóm gọi “Anh Cao,” thay vì chỉ gọi tên riêng của anh là Nhựt. Con trai của Cao tên là Thời được mọi người gọi “Thời con của Cao.”  Cách gọi tên này trở thành tiện lợi trong giao tiếp hằng ngày nên được giữ lâu dài. Có một số tên theo cách “thấy mặt đặt tên” như vậy, về sau, đã trở thành Họ của một gia đình.

 

Ðến năm 1539, nhà vua định chế hoá tên họ cho dân Pháp và biệt danh, hỗn danh được giữ và truyền lại cho thế hệ sau như Họ chánh thức. Và cũng từ đây, hộ tịch được thiết lập để chấm dứt vĩnh viễn tình trạng dân chúng chỉ có tên mà không có Họ.

 

Nhưng đừng vội hiểu những Họ mà chúng ta biết ngày nay đều xuất hiện từ triều đại François 1er. Họ Thợ May (Couturier) không nhứt thiết là con cháu người thợ may đã may áo cho nhà vua và triều đình hồi thế kỷ thứ 16. Có một số Họ bắt nguồn từ thời Trung cổ do cách đặt biệt danh, được lưu truyền cho các thế hệ sau. Như vậy, có thể nói ở Pháp, một số Họ dành cho thứ dân đã có nguồn gốc từ thời Trung cổ. Việc sưu tầm lại lịch sử của những Họ này không phải là một việc làm dễ dàng, vì hoàn cảnh, nguyên nhơn xuất hiện của những Họ đó ngày nay không còn nữa.

 

Ðại để, chúng ta có thể phân loại Họ của người Pháp và tây phương theo các thể loại sau đây:

 

– Họ có nguồn gốc là tên

 

Ðể tránh sự trùng tên, người ta gọi tên một người kèm theo tên của người cha, hoặc do lấy biệt danh như trên đây.

 

Thí dụ: Pierre fils au Paul (Pierre con trai của Paul) trở thành Pierre Aupaul (Pierre là tên và Aupaul trở thành Họ của Pierre từ đây, do mượn tên Paul của cha).  Martin fils de Jean trở thành Martin Dejean.

 

Người Á Rập và Hồi giáo cũng có cách lập Họ giống như người Pháp trên đây, nhưng Họ ghép với tên các thần thánh. Thí dụ: Abd (= nô tỳ) ghép với một thuộc tính của Thượng đế (Allah) trở thành Abd al – Aziz, có nghĩa là Nô tỳ của đấng toàn năng. Abd al- Karim, là nô tỳ của đấng Ðộ lượng. Abdullah là nô tỳ của Chúa.

 

Người Á rập và Hồi giáo cũng có Họ ghép với tên cha hoặc mẹ như Abu (= cha của) hay Umm (= mẹ của).. Theo đây, Abu Musa Ali, có nghĩa là Ali, cha của Musa.   Một số Họ Á rập và Hồi giáo cũng bắt nguồn từ quan hệ ngành nghề, nhân dạng, tánh tình, tài ba, nơi cư trú, sanh quán.

 

Thí dụ:

– Al – Tawil, có nghĩa là người Cao.
– Al – Rashid, là người thẳng thắn
– Al – Hallaj, là người kéo sợi.
– Al – Isfahani, là người tỉnh Isfahan.

 

– Họ do ngành nghề

 

Ở Pháp ngày nay, người ta thấy có rất nhiều Họ, mà người mang Họ này hãy còn sanh sống bằng cái nghề có liên quan xa gần với Họ của mình.

 

Như De Laporte là Họ của một Kiến trúc sư (La porte = cái cửa) hiện đang sanh sống và làm việc tại Paris.

 

Tuy nhiên, có những Họ chỉ ngành nghề nhưng lại không có nguồn gốc theo từ nguyên. Như Họ Boulanger, người làm bánh mì, mà ngày xưa người thợ làm bánh mì lại là Fournier (cũng là họ ngày nay).  Họ Cuisinier mà ngày xưa người làm bếp là “le queux.”

 

– Họ do nguồn gốc di dân

 

Người mới đến định cư và lập nghiệp tại một vùng đất mới, bị dân sở tại phân biệt đối xử bằng cách gọi tên nơi sanh quán. Như Ông Lallemand (Ðức,) Ông Hollande (Hoà lan).  Ở Huê kỳ có tướng Westmoreland [= miền tây còn đất nữa.]

 

– Họ do nơi cư ngụ

 

Người ở gần rừng có Họ là Bois, Dubois, ở gần cầu, có Họ là Dupont, ở gần sông, có Họ là Rivière, …

 

– Họ do nhân dạng và tánh tình

 

Người có nước da trắng, lấy Họ là Blanc, Le Blanc; có nước da ngâm là Brun, Le Brun; có nước da đen, Họ là Noir, Le Noir; mập mang Họ là Gros, Legros; cao lêu nghêu thì Lelong (Dân biểu Brice Lelong).  Người trông có vẻ trẻ được cho cái Họ Lejeune (= trẻ;) người trông già bị mang Họ là Vieilard (= ông già).  Người được nhiều người nhìn nhận là người tốt, nên được gọi là ông Bon, Lebon; ông Toubon (đảng RPR, cựu Thị trưởng Paris 13) còn bị xem là người xấu thì bị gán cho Họ là Mauvais (xấu).  Hiện nay, ở nhà thương Lariboisière (Paris X) có một vị Bác sĩ giải phẩu bộ phận tiêu hoá có Họ là Mauvais. Nhiều bịnh nhân gặp phải Bác sĩ Mauvais giải phẩu đều muốn tránh, chỉ vì cái tên Mauvais (xấu) sợ bị xui xẻo. Nhưng Bác sĩ Mauvais lại là một vị lương y, bởi ông rất tận tâm đối với bịnh nhân do ông chửa trị.

 

3.- Nhìn qua lịch sử các Họ của Tây phương và của Tàu, chúng ta sẽ nhận thấy Họ của Việt Nam cũng có phần giống về mặt nguồn gốc. Chỉ có điểm khác biệt nổi bật do đặc tính văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa nhơn bản. Việt Nam là một nước quân chủ cho đến năm 1945 khi Hoàng đế Bảo Ðại tuyên bố thoái vị để làm dân một nước độc lập, nhưng Việt Nam lại hoàn toàn không phải là một nuớc phong kiến.

 

Hoàng thân quốc thích hoặc quan chức có công lớn với triều đình được phong tước và cấp đất để sanh sống, nhưng phần đất này chỉ được cấp cho sử dụng có thời hạn và không có quyền lưu truyền cho người thừa kế. Họ của người Việt Nam không gắn liền với đất đai của mình làm chủ. Và điều thấy rõ ràng là mọi người Việt Nam đều có Họ và thứ dân có thể cùng Họ với nhà vua hoặc quan chức chánh quyền.

 

Dĩ nhiên, ở Việt Nam việc đổi Họ cũng thường xảy ra trước đây một cách giản dị. Ngày nay, muốn đổi Tên và Họ phải do án lịnh của Toà án.

 

Theo thống kê của Hà Nội năm 1987, dân Việt Nam gồm 54 sắc tộc mà người Kinh là đông hơn hết. 54 sắc tộc này chia nhau lối 200 Họ từ vần A đến Ư. Như Họ Âu (Âu Trường Thanh) hoặc Âu Dương (có nghĩa là một vùng, một địa phương nhỏ, Âu Dương Lân, Âu Dương Thệ), Họ Ung, như Ung Bảo Toàn. Những Họ lớn như Họ Nguyễn, Họ Trần, Họ Lê…

 

Họ của người Việt Nam do xu hướng vật tổ như Họ Hùng hay Họ Hồng (Hùng Vương, Hồng Bàng) do hoàn cảnh lịch sử lập quốc mà thiên di từ Bắc xuống Nam và pha trộn với các Họ ở địa phương, hoặc do nơi cư ngụ, sanh quán.

 

– Ảnh hưởng vật tổ

 

Ở Việt Nam ngày nay, chúng ta còn thấy Họ Hùng hoặc Hồng, tuy Họ này rất ít. Ở Cao nguyên Daklak và Gia-Rai có Họ Hmok Pai của người Êđê, có nghĩa là con thỏ, nên người dân ở đây không ăn thịt thỏ.

 

– Do hoàn cảnh thiên cư lập quốc hoặc sanh quán

 

Những Họ Nguyễn, Trần, Lê, Hồ… là những Họ đã có từ phương Bắc gắn liền bước Nam tiến dựng nên nước Việt Nam ngày nay. Có những Họ trùng với Họ ở Tàu nhưng lại là Họ của Việt Nam. Họ Tống nghe qua tưởng đó là Họ của người Tàu, vì ở Ðài Loan có Tống Mỹ Linh là phu nhơn của Tưởng Giới Thạch. Nhưng Họ Tống (Tống Văn, Tống Hữu, Tống Phước) là Họ của tướng và một số dân quân của Nguyễn Hoàng, theo Nguyễn Hoàng lập nghiệp. Họ là những người dân sanh sống ở vùng núi Tống thuộc huyện Tống Sơn, Thanh Hoá, nơi sanh quán của Nguyễn Hoàng. Họ Chử phải có lịch sử dài cả 4.000 năm. Ta có truyền thuyết về Chử Ðồng Tử và Công chúa Tiên Dung. Thời Hùng vương thứ ba, có một người nghèo khổ không biết mình thuộc dòng họ nào, bèn lấy nơi ở là bãi sông (chử) làm Họ. Người đó là Chử Vi Vân, ông tổ của dòng họ Chử ngày nay. Còn Chử Ðồng Tử (có nghĩa là đứa trẻ ở bãi sông), là con của Chử Vi Vân.

 

Họ Bàng là một Họ xuất hiện tại tỉnh Hà Nam dưới triều đại nhà Trần khi Trần Thủ Ðộ triệt hạ nhà Lý. Ông viện dẫn lý do ông cố tổ tên Lý, nên bắt buộc mọi người, ai mang Họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn. Có một người không thi hành lịnh nhà vua, bèn chỉ cây bàng cổ thụ ở trước nhà mà tuyên bố: “Kể từ nay, gia đình ta thuộc họ Bàng,” (thi sĩ Bàng Bá Lân, Bàng sĩ Nguyên).

 

Họ có công lớn khai mở miền Nam, mở rộng bờ cõi đất nước là họ Nguyễn. Về nguồn gốc, họ Nguyễn trước kia xuất hiện ở phương Bắc, về miền Nam nước Tàu, vào khoảng 1766 – 1123 trước Tây lịch. Lúc bấy giờ tại vùng Kinh Châu (tỉnh Cam Túc ngày nay) có một nước nhỏ tên là Nguyễn quốc. Ðến đời nhà Châu (1136 trước Tây lịch), Nguyễn quốc bị Châu Văn Vương tiêu diệt. Hoàng tộc phải bôn tẩu về phương Nam và truyền lịnh cho mọi người hãy lấy tên nước làm Họ của mình, và định cư ở vùng Khai Phong làm nguyên quán.

 

Theo sử chép lại, thì ở thời Bắc thuộc, năm 353, thứ sử đất Giao Châu là Nguyễn Phu. Sau đó, năm 357, có một người nữa làm quan, cũng tại Giao Châu, là Nguyễn Lãng.

 

Theo An Nam chí lược của Lê Tắc, tại Giao Châu có thứ sử Nguyễn Di Chí cùng võ tướng Nguyễn Vũ Chi phá được đội chiến thuyền của vua Lâm Ấp tên Phạm Dương, thường tới khuấy phá vùng này. Phạm Dương có thể là khởi tổ của họ Phạm ngày nay, thuộc gốc Chiêm Thành.

 

Con cháu của Nguyễn Phu ở lại đất Giao Châu và truyền đến đời Nguyễn Bặc là Thái tể dưới triều Nhà Ðinh (thế kỷ thứ 10).  Thái tể Nguyễn Bặc quê quán ở Ninh Bình và được họ Nguyễn ngày nay nhận làm khởi tổ.

 

Họ Nguyễn có nhiều dòng và những dòng này nhìn nhận quê hương khác nhau. Dòng Nguyễn Hữu cho mình thuộc gốc Quảng Bình, dòng Nguyễn Phước lấy Thanh Hóa làm nguyên quán.

 

Vì họ Nguyễn phát xuất từ bên Tàu, nên ở Tàu cũng có người họ Nguyễn. Vậy họ Nguyễn Việt Nam và họ Nguyễn Tàu có phải cùng một gốc là dân của tiểu quốc Nguyễn thời Xuân Thu hay không?

 

Ngày nay, người Việt Nam họ Nguyễn đã tìm nguồn gốc của mình đến Nguyễn Bặc là thủy tổ sống ở thế kỷ thứ 10.

 

Chữ Nguyễn có nghĩa là gì? Tôi đã đặt câu hỏi này với nhiều vị học giả về chữ nho, nhưng chỉ làm ngạc nhiên các vị ấy mà thôi, chớ chưa nhận được câu trả lời làm thỏa mãn. Gần đây, tôi hỏi cụ Phạm Xuân Hi, một người thâm nho, thì được cụ giải thích, căn cứ theo chiết tự thì trong chữ Nguyễn có bộ phụ, chỉ cái mô đất hay một vùng đất cao. Như vậy phải chăng chữ Nguyễn có nguồn gốc xa xưa liên hệ đến Nguyễn quốc?

 

4.- Sau cùng, chúng ta cũng nên kể ra thêm một cách đặt Tên Họ vô cùng lạ lùng, gần như một thứ huyền bí.  Ðó là cách đặt Tên Họ của dân INUITS sống ở miền Bắc cực, phía cực Bắc của Canada. Sắc dân này vừa thành lập cộng đồng quốc gia NUNAVUT vào đầu tháng 4/1999, với dân số 24.000 người, trên một diện tích đất 2.000.000 km2.

 

Cách đặt Tên Họ của dân INUITS không chỉ mang ý nghĩa như cách đặt Tên Họ của chúng ta, tức cho người một danh xưng để giao tiếp trong quan hệ xã hội, mà đó còn là một nét đặc thù văn hóa của sắc tộc này, bởi nó đã tồn tại từ ngàn năm qua. Nói đó là một nét văn hóa của dân tộc INUITS vì nó gợi ta suy nghĩ về một vũ trụ quan mới, một chìu kích khác về vũ trụ và con người. Một vị lãnh tụ của quốc gia NUNAVUT cho biết ông có những đứa cháu mà phần đông trong số này lớn tuổi hơn ông rất nhiều.

 

Nghe nói như vậy chắc chắn không ai mà không ngạc nhiên!

 

Còn ngạc nhiên hơn, nếu có người chứng kiến một bà mẹ khi nói chuyện với đứa con gái lên mười mà “thưa ông nội.”

 

Mỗi người INUITS đều có một cái tên hoặc một loạt tên. Nhưng những tên gọi này lại không phù hợp theo ý nghĩa về Tên với Họ của chúng ta. Tên của người INUITS thể hiện một thứ bản thể của họ. Thật thế, tên để xác định những cá nhơn đó là ai, như để làm sống tiếp một người đã chết. Bởi tên của người INUITS mang một linh hồn. Một đứa trẻ vừa sanh được vài ngày, cha mẹ nó mới lấy tên của một người vừa chết trước đó mấy hôm đặt tên cho nó. Có khi lấy tên của người sắp chết đặt tên cho đứa trẻ mới sanh, để như vậy người sắp chết biết mình sẽ sống tiếp ở đứa bé mới sanh. Ðây không phải là một sự tái sanh, mà là một sự nối tiếp đời sống để như đời sống được kéo dài liên tục.

 

Do đó mà một đứa bé mới sanh hoặc một đứa trẻ lại có tuổi lớn hơn một người lớn, và có khi đứa bé hay đứa trẻ ấy là ông, bà của cha mẹ hiện tại của đứa trẻ.

 

lll.- Tìm về tông tộc là ý thức lịch sử dân tộc, thể hiện lòng hiếu để.

 

Ngày nay việc tìm hiểu dòng họ của mình đang bắt đầu phát triển. Không riêng gì người Việt, mà cả người Pháp cũng đã bắt đầu quan tâm tìm về cội nguồn.

 

Ở Pháp xuất hiện nhiều sách nghiên cứu về Họ và Tên. Có những văn phòng tư nhơn chuyên về việc thiết lập Tông chi. Có những Hội, Câu lạc bộ trao đổi giúp nhau những thông tin liên quan đến những Họ mà ngày nay con cháu bị mất nguồn gốc.

 

Riêng việc tìm về cội nguồn của người Việt Nam ngày nay đã trở thành cần thiết, bởi hoàn cảnh đất nước chiến tranh kéo dài quá lâu. Nhiều người phải di chuyển đến nơi khác sanh sống, lánh nạn. Dưới chế độ côïng sản ở miền Bắc, nhiều gia đình bị bắt buộc rời bỏ quê quán. Và hiện tại, ở hải ngoại có ba triệu người Việt Nam sanh sống như một nước Việt Nam thứ hai. Trong ít lâu nữa, những người Việt Nam của thế hệ thứ 3, thứ 4, sẽ ngỡ ngàng khi phải trả lời về nguồn gốc, tông tộc của mình.

 

Tìm về nguồn gốc của mình, về mặt đạo lý đó là một cách tỏ lòng hiếu để.

 

 

Nguyễn Văn Trần

 

 

___________

Ghi chú:


– Nguyễn Ngọc Huy: Tên Họ người Việtnam, MéKong tỵ nạn, Hoakỳ, 1996.
– Phạm Côn Sơn: Tộc phả tân biên, Saigon, 1999.
– Pierre Blanche: Dictionnaire et armorial des noms de famille de France, Paris 1974
– Paul Chapuy: Origine des noms patronymiques français, Paris, 1934.
– Albert Dauzart: Les noms de famille de France, Paris, 1977.
– Frédéric Bobin: Le Monde (quên ghi ngày, Paris)

– La Croissance: Tạp chí tháng 8/99, Paris.

 

Trần Văn Giang (st)

.

Tên Cúng Cơm – Nguyễn Văn Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *