Chuyện Phiếm Về Chữ “Quỡn!”

.

 

Về ý nghĩa, “Quỡn” (đọc giọng  miền Nam nghe như “Quởn” – với dấu hỏi) là “rảnh rỗi, ở không,” là từ ngữ mang ý nghĩa bình dân dân dã của địa phương miền Nam. Nếu nói “hổng quởn” nghĩa là “tui hổng có quởn làm ba cái chiệng đó đâu nà!” 

 

Chữ “Quỡn” bản thân nó gây ra tranh cãi rất nhiều. Nguyên văn, viết là “hưỡn” nhưng mà người miền Nam hay đọc H thành QU, ví dụ anh Hoàng thành anh “Quàng,” hóa học phát âm hay nói thành “quá” học.

 

Khi đọc chính tả cho con cái ta thì phải phát âm là “huỡn.” 

 

Huỡn” là biến âm của “hoãn” (ví dụ trì hoãn). Người miền Nam hay nói huỡn đãi với nghĩa là rảnh rỗi, chậm chạp (xem truyện Mối Tình Năm Cũ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư). 

 

Tuy nhiên, khi người miền Nam phát âm thì “huỡn,” hay “quỡn,” hay “quởn,” hay “quởng” thì đều “xêm xêm” như nhau, đều phát âm thành “guởng.”  Vì vậy mà nhiều người khi nghe “guởng” thì tự động “dịch” ngược ra tiếng “chuẩn” văn phạm là “quởn” mà không biết rằng “huỡn” mới đúng chính tả.

 

Chữ “huỡn” là một chữ rất đặc biệt Nam Kỳ Lục Tỉnh. “Tự điển Phương Ngữ Miền Nam” của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Văn Ái có chữ này, “Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của (Quỳnh” Tịnh Của) cũng có từ ngữ này nhé!

 

Vì vậy như nói ở trên, “hưỡn” là một từ ngữ vui vui, chữ đặc sệt Nam kỳ và không phải là một chữ đứng riêng hoàn toàn với ý nghĩa riêng, mà là chữ nói trại đi từ chữ “hoãn” như chữ “hoãn binh,” “trì hoãn.”

 

Tại sao lại từ “hoãn” mà ra “huỡn” và đọc là “quỡn” hay “quởn” (theo giọng Nam)?

 

Vì miền Nam chuyên môn kỵ húy, sợ đọc trùng tên. 

 

Thí dụ như ở Mỹ Tho có cổ tự Vĩnh Trường, vì sợ phạm húy tên của vua Minh Mạng đặt mà chùa có tên Vĩnh Tràng. Số là ở Mỹ Tho có ngôi chùa Vĩnh Trường với ngụ ý mong ước cho chùa luôn được:

 

“Vĩnh cửu đối sơn hà.

Trường tồn tề thiên địa.”

 

Rồi lịch sử truân chuyên do sự phạm húy của vua. Thí dụ chữ “Vĩnh Trường,” phải đổi là “Vĩnh Tràng” vì có nguồn gốc hi hữu như sau:

 

– Thứ nhất: 

 

Do hai câu thơ trên, tên chùa phải là Vĩnh Trường mà đến nay vẫn quen gọi là chùa Vĩnh Tràng, vì người ta kể là ngày xưa do huý kỵ trong bản đế hệ của Nhà Nguyễn. Đó là bốn câu do vua Minh Mạng đặt ra:

 

    綿洪膺寶永

    保貴定隆長

    賢能堪繼述

    世瑞國嘉昌

 

Phiên âm

   

    MIÊN HƯỜNG ƯNG BỬU VĨNH

    BẢO QUÝ ĐỊNH LONG TRƯỜNG

    HIỀN NĂNG KHAM KẾ THUẬT

    THẾ THOẠI QUỐC GIA XƯƠNG 

 

(Tương tự, thay vì cầu Trường Tiền ở Huế người ta gọi là cầu Tràng Tiền.

 

Nhưng dồi trường được miễn gọi là dồi tràng, “trường túc bất chi lao” cũng được miễn theo nguyên tắc này.

 

– Thứ hai: 

 

Trong tiếng Việt chữ “tràng” gốc nôm chỉ có nghĩa là dài, như “tràng hạt,”  “tràng pháo,” “tràng áo” (tức là vạt áo)… chớ không có nghĩa là “dài lâu” của chữ “Vĩnh Tràng.”

 

Còn trong chữ Hán “trường” có ba lối viết khác nhau và ba nghĩa khác nhau như:

 

  • một là dài lâu trong “trường cữu, trường tồn,”
  • hai là ruột như “tá tràng, trường dịch,”
  • ba là chỗ đất rộng, nơi tụ tập đông người như “trường ốc, công trường.” 

 

Người ta có thể đọc tùy tiện là “trường” hay “tràng” tùy theo âm điệu của hai từ ngữ gần nhau chẳng hạn như “trường tồn” mà không đọc “tràng tồn” như “Tràng An” mà ít người đọc là “Trường An.” 

 

Riêng người miền Nam thường thích phát âm một cách dễ dãi, đơn giản, thoải mái… “Vĩnh Tràng” nói dễ hơn “Vĩnh Trường” cũng như văn tôi xin bổ túc bằng câu nầy: 

 

“Thắng cha nầy nói chiệng tràng giang đại hải quá trời!”

 

Thầy Dương Ngọc Sum có khi viết:

 

Có em nào ‘hưởn’ ghé qua cho Thầy quá giang với. Thầy cũng có đôi điều cần bàn với các em. Nhớ thông báo để Thầy chuẩn bị. 

 

Thầy Sum.

  

Tuy nhiên chữ “Quởn” mang ý nghĩa thân mật hơn, gần gủi hơn trong ý nghĩ riêng tư của người nói với đối tượng của mình.

 

Đôi điều quởn quởn tán gẫu…

 

 

Việt Hải 

 

________

Phụ chú

 

Xin phép và cáo lỗi cùng tác giả về việc lược bỏ vài đoạn ngắn cho bài gọn hơn; nhưng vẫn giữ những ý chánh!

 

 Trần Văn Giang (ghi lại) 

.

Chuyện Phiếm Về Chữ “Quỡn!” – Việt Hải

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *