Tản mạn về Tuổi Già
.
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
(Tản Đà)
Sáu bó rồi mà tui vẫn chưa biết là mình già hay còn trẻ… chán! Ra ngoài, những anh chị lớn tuổi hơn thì nói tui còn trẻ, khoái chí ! Tới khi con cái dắt mấy đứa cháu nội tới thăm, nghe câu: “Thưa ông nội,” tui mới xác định được vị trí của mình: Hết còn chỗ đứng trong giới trẻ mà chỉ còn… chỗ ngồi kế bên Bà Nội!
Lần đầu về xứ, thoáng một cái đã ở bên Pháp 18 mùa Đông (tại lạnh quá nên dễ nhớ hơn mùa Xuân), chưa kể mấy năm cải tạo và lưu lạc bên Nam Dương. Về lại chợ Thủ, thời gian hình như đã dừng lại từ lúc tui ra đi. Những chuyện xa xưa tựa hồ như chỉ mới xãy ra cách đây mấy bửa. Gặp một em trai ngoài chợ, mừng quá gọi lớn:
“Ê! Tường, khỏe không mậy?”
Bổng giật mình nghe câu trả lời:
“Chú hỏi gì vậy?”
Má ơi! Vậy mà tui cứ tưởng mình vẫn còn trẻ, cùng lứa tuổi với em đó, tưởng là thằng bạn nên kêu lầm tên nó thuở nào! Hỏi ra mới biết, nó chính là con của thằng Tường, bạn học cùng lớp ngày xưa. Hèn chi, giống Cha nó quá ! Tới thăm, vẫn cảnh cũ nhưng qua bao tháng năm, chỉ còn trơ lại như căn nhà diển tả trong bài “Hàn Nho phong vị phú” của Nguyễn Công Trứ. Bạn bè gặp lại, mừng mừng tủi tủi. Nội Ngoại Suôi gia hết trơn rồi mà vẫn quen miệng Mầy-Tao như thuở đầu trần chân đất. Nó nói tui phát tướng, thấy là biết Việt Kiều. Tui nhìn lại nó, ốm nhom, áo quần tơi tả. Chỉ có một điểm giống nhau, xin mạn phép cụ Phan Khôi:
“Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ nơi xứ Thủ gặp lại nhau.
Hai mái đầu xanh giờ nay đã bạc,
Nếu chẳng quen lung,
Đố mà nhìn ra cho được…”
Một buổi sáng đẹp trời, sau giấc ngủ êm đềm, thiếu phụ thức dậy sửa soạn, chuẩn bị cho một ngày mới. Đang ngắm bóng mình trong gương, bất chợt, nàng giật mình thảng thốt: hình như có một sợi tóc bạc quái ác ẩn hiện giửa những mượt mà đen bóng. Cố nhìn cho kỹ lại, trời ơi, đúng rồi. Không, trăm lần không, vạn lần không. Nàng không thể chấp nhận được sự phản bội tàn nhẩn đó. Nàng thấy mình còn quá trẻ, tâm hồn còn ngập đầy thơ nhạc, thể xác còn căn tràn sức sống, hát “karaoke” còn dài hơi vững nhịp, cặp chân còn khá dẻo dai suốt đêm trên… sàn nhảy. Nàng vẫn còn đang Xuân phơi phới đấy! Bằng mọi giá, phải nhổ cho được sợi tóc quỉ quái mới được! Từ đó, nàng đâm ra mất ngủ vì lo sợ mình già. Hễ soi gương là kiếm… tóc bạc. Nhổ ít, bạc ít, nhổ nhiều bạc nhiều, càng nhổ càng bạc. Phát biểu như các quản giáo hồi còn trong cải tạo:
“Rồi đây nàng sẽ quá độ lên giai đoạn… sói mà không kinh qua giai đoạn bạc.”
Cuộc tình sẽ rụng rơi mái tóc giả chứ không lạt phai màu tóc nhuộm. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý sợ già của quý bà, trước sau như một, sẽ không bao giờ thay đổi! Nàng đành tự nhủ: “Sợi tóc bạc cũng có cái duyên riêng cùa nó chứ! Thôi già rồi, dù đó chỉ là ‘Già Không Đều’ vì tuổi thì già nhưng tâm hồn thể xác vẫn còn có chỗ Trẻ.”
Em tuy… năm mấy hãy còn xuân!
Nhớ lại một kỷ niệm vui hồi còn trong “Trại Cải Tạo.” Lần đầu tiên được xem phim câm, chiếu ngoài trời, phụ đề tiếng Anh phía dưới có tên “Trẻ Mãi Không Già” mà tức cười. Nàng bộ đội cầm “micro” thuyết minh. Trên màn ảnh, có một cặp tình nhân trên bãi cỏ. Nàng nằm dài, chàng ngồi kế bên. Đôi mắt mơ màng, môi nàng mấp máy và chàng cuối đầu xuống. Trên màn ảnh, thấy chữ “Kiss Me My Love.” Giọng nói cô thuyết minh bổng trở nên lạnh lùng dữ dội như ra lệnh: “Cuối Xuống Tôi Bảo!” Anh em vỗ tay, cười rần rần. Lại có ông già, ngồi quay hoài cuộn chỉ trong cái máy thời gian. Lúc ra về, ai nấy cười quá xá:
“Mút chỉ rồi anh em ơi.
Ở Mãi Không Về,
chứ không phải ‘Trẻ mãi không Già.’
Hết cuộn chỉ này thay cuộn khác.”
Tới đầu năm 1976, trước Tết Bính Thìn, có nhiều người ra về theo diện bà con Cách Mạng bảo lãnh. Đám còn lại như tui, loại con bà phước, cháu ni sư thì ta cứ yên tâm ở lại học tập cho nó tốt thôi ! Ngày về, sớm hay muộn là tùy… các anh. Sau đó ít bữa, anh bạn chung một A kể lại giấc mơ lạ kỳ như sau:
Anh ta chiêm bao thấy đang ngồi, tự nhiên có một ông già, tóc bạc phơ đến vỗ đầu, miệng nói:
“Thiệt tội nghiệp cháu tôi quá.”
Ngạc nhiên, anh hỏi:
“Ông là ai vậy?”
Bị ổng mắng:
“Tổ Cha mầy. Thời buổi này con cháu đâm ra bất hiếu hết trơn. Tao là Ông Nội mầy, từ mấy tháng nay mầy viết đi viết lại tên tao cả chục lần trong bản tự khai ba đời đó.”
Tôi lật đật thưa:
“Ông Nội, họ kêu con khai chứ con đâu có biết mặt ông. Mà ông Nội đi đâu vậy?”
Ông Nội trả lời:
“Bà Nội mầy ở dưới khóc quá trời. Thấy ai được bảo lãnh cũng ra về hết trơn nên Bã kêu tao lên đây làm giấy cho mầy sớm theo về… với Ông Bà!”
Gặp lại sau mấy lần chuyển trại, tuy nét mặt vẫn trẻ trung nhưng tóc đà bạc trắng. Anh cũng vẫn tiếu lâm như ngày nào:
“Học tập chưa xong mà đầu đã bạc. Thôi, ráng ở lại đây, học cho xong môn Song Thủ Bổ Bác. Tay Búa Tay Liềm của Lão Ngoan Đồng để Cách Mạng trang bị cho bộ râu và cây gậy mới mong mai sau có chỗ đứng trong lòng dân tộc. Nếu không thì chắc ngồi luôn chứ oải quá rồi, sức ở đâu mà đứng nổi nữa.”
Có một người cùng đơn vị, lớn tuổi hơn, trước kia là Sếp tui, mới được con bảo lãnh qua đây năm 1990. Mười mấy năm được Nhà Nước lo cho ăn học trong “Trại Cải Tạo,” nên răng rụng gần hết. Qua đây rồi mà anh cũng không chịu mang răng giả. Anh triết lý rất hay:
“Răng hư là triệu chứng bộ tiêu hóa có vấn đề. Cơ thể đã già lại còn mang răng giả chỉ để nhai xương cho dòn chứ tuổi này còn dám cười duyên với ai! Bày đặt gắn cái đó, bao tử chịu không nổi thì có nước húp cháo rùa.”
Tui hỏi ông ta:
“Ngày xưa anh đi tu nghiệp bên Mỹ như đi chợ; về đơn vị khoe với em út vụ ‘trả Thù dân tộc,’ vậy chớ qua đây anh có đi trả thù ai chưa?”
Ông cười trừ:
“Người mình khi nói về đàn ông, đàn bà thì hay lắm chú à. Còn trẻ thì gọi là hai vợ chồng, có nghĩa đàn ông trẻ khỏe hơn đàn bà nhiều, hai vợ một chồng cũng được, bảy ba ra vô không kể. Tới khi già yếu rồi thì kêu là hai ông bà. Lúc đó thì ngược lại, bà khỏe hơn ông! Nước chảy ngày càng tới, đến lượt chú rồi, mới thấy tuổi già nó dở đủ thứ. Như tôi bây giờ, vạn sư hưu, xí xóa bỏ qua hết cho yên thân.
Nợ Đầm đem trả cho Tây,
Tuổi già ốm yếu, ăn chay, đi chùa.
Không phải ốm vì yêu hay yếu vì ôm đâu nhé!”
Một đồng hương ở Pháp lâu lắm rồi, về hưu từ năm 1974, kể lại tuổi già bệnh hoạn của ông làm tui cười đau bụng. Rảnh rỗi, ông đến mấy trại tiếp cư tị nạn, thông dịch, làm giấy tờ giúp miễn phí cho dân mình. Thấy ai nấy ốm o gầy còm, ông tội nghiệp hỏi:
“Sau 75, thuốc men không có, lỡ bệnh hoạn rồi làm sao?”
Nghe vậy, dân tị nạn trong trại kia trả lời:
“Coi vậy mà trời sanh trời nuôi bác ơi. Không có thuốc tây thì mình trị theo lối Việt Nam cũng hết bệnh hà!”
Ngạc nhiên, ông hỏi lại:
“Ủa! Trị theo lối mình là trị cách nào?”
Người kia đáp:
“Bây giờ, có nhiều thầy trị hay lắm, chẳng hạn như cháu đây, hồi trước nói xin lỗi, đi tiểu kiến bu tùm lum chớ phải chơi đâu mà nhờ ông Thầy Nước Lạnh trị cho cháu có hai ba tháng thôi là dứt cái vụ đó. Trị dễ ợt, không cần thuốc men gì hết!”
“Trời ơi! Tui cũng bị bịnh như chú từ hồi năm mươi mấy tuổi đến nay, phải kiêng cử đủ thứ. Thuốc tây thì uống mỗi ngày, sáng ra uống cà phê với đường giả. Thèm miếng bánh sinh nhật của thằng cháu nội đích tôn hết sức mà không dám rớ. Việc gì quên được chớ uống thuốc thì không à nha!”
Ông vui như lân thấy pháo hỏi tiếp liền:
“Vậy sao? Đâu chú nói cho tôi nghe coi.”
Người dân kia giải thích:
“Đâu có gì, cứ mổi buổi sáng thức dậy, bác uống liền một hơi một lít rưởi nước lã. Rồi trước hai buổi cơm trưa chiều, uống thêm nửa lít. Nhớ đừng ăn vặt, chừng qua một tháng thôi là bác thấy kết quả. Nó rửa sạch trơn gan ruột, hết bịnh luôn!”
Bán tín bán nghi, nhưng ông nghĩ trong bụng, tưởng làm sao chớ trị cách đó thì dễ quá! Hồi còn bên Việt Nam, Bia 33 uống cả thùng, sá gì ba cái lẻ tẻ, đồ cái thứ một lít rưởi buổi sáng. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng bệnh thương nhau, ông lật đật “phone” cho ông bạn già người Pháp làm chung Sở, để báo phương cách mầu nhiệm trị bệnh tiểu đường mới nhập cảng từ… Việt Nam! Cả hai vui mừng quyết định ngày mai áp dụng liền.
Rạng ngày sau, ông thức dậy sớm, lấy chai nước suối “Evian” loại một lítt rưởi chế ra ly. Nghĩ trong bụng, có 6 ly 0.25 như vầy nhầm nhò gì! Ông ực một cái trót lọt. Một ly nữa, đi ngọt ngay. Thêm ly thứ ba, phải lấy… hơi, uống thành hai lần. Tới ly thứ tư bắt đầu… khựng! Lạ chưa! Sao bia xuống trơn tru mà cái thứ nước suối mắc dịch này lại kiếm chuyện kỳ cục vậy cà! Phải gần 20 phút mới uống xong 6 ly. Nhìn lại đồng hồ, sắp trễ xe bus. Ông lật đật mặc áo, xách dù ra đi. Lên xe, vừa ngồi xuống ghế, nhè phát chứng… mắc tiểu.
Má ơi, hồi nãy, lụp chụp sợ trễ xe, quên “hát phim ngắn.” Chịu trận gần 20 phút với bầu tâm sự nặng trĩu mới tới trạm xuống. Nhiều lúc xe bị dằn xóc, ông muốn chết được chớ phải chơi đâu! Tội cho ông, xuống trạm phải lết bộ gần 200m mới tới cổng, sau đó phải đi né bên lề đường dẫn vào trong cơ quan, sợ rủi ro gặp ai đó chào hỏi bắt tay thì có nước qua đời. Nhẹ bầu tâm sự vừa xong, thấy ông bạn Pháp gương mặt hầm hầm chung vô thế chỗ, miệng nói:
“Mẹ họ, chút xíu nữa là có án mạng xảy ra trên xe bus rồi. Tui mắc tiểu quá chừng mà thằng tài xế dịch vật lái xe như đi ăn cướp không tránh ổ gà thiếu điều bể bọng. Tui tưởng chết rồi chứ!”
Có sự khác biệt rất xa về quan niệm tuổi già của dân VN với dân Âu Mỹ, giữa người mình ở trong, ngoài nước, ông bà hồi xưa và đời bây giờ. Với dân Âu Mỹ, hỏi tuổi đàn bà là điều khiếm nhã vô cùng, nhất là đối với người lớn tuổi. Thân thiện lắm thì câu trả lời cũng rất Tây: tuổi Song Nam, Hổ Cáp… Có người nói, cái chết không có nghĩa lý gì hết nhưng chỉ buồn là sáng ra không còn được uống ly cà phê nóng (M. Pagnol).
Trên tàu Pháp, tiếng lóng gọi “Commandant là Le Vieux,” “Le Pacha,” coi như ông già là chức vị mặc dù nhiều khi ông vẫn còn trẻ.
Lúc mới qua, tui có quen một người Pháp cùng tuổi. Lúc đó, anh vẫn còn độc thân vui tính. Hai mươi năm sau gặp lại trên hè phố, tay bắt mặt mừng. Cùng nhau đi dạo, để ý thấy anh đi hơi cà nhắc. Tui hỏi thì anh ậm ờ không trả lời. Đi ngang qua tiệm giày, có một kiểu vừa ý, anh liền vào mua. Thử được số 42, anh lại bảo cô tiếp viên gói cho anh một đôi số 41. Tui ngạc nhiên hỏi, anh mua tặng cho ai vậy? Thì anh bảo không, chỉ mua cho anh ta! Tui nói số 41 làm sao đi được đau chân chết. Sau đó, anh giải thích, từ ngày vợ anh có tuổi, bà đâm ra sanh chứng gắt gỏng. Mỗi khi thấy mặt anh là hình như có chuyện để cằn nhằn cự nự. Về nhà không có gì vui. Chẳng thà anh mang đôi số 41, dù phải cà nhắc ngoài đường nhưng bước vô nhà, lột đôi giày ra, sướng tê người, quên luôn Tổ Quốc, mặc cho bà muốn nói gì thì nói (Ê, ê… Đây là chuyện Tây, quí vị liền ông phe ta đừng tưởng thiệt bắt chước là tụi mình… què với nhau hết đó).
Một tác giả Pháp, viết về tuổi già Việt Nam nhận xét hết xẩy là người mình suốt đời chỉ biết lo cho con cháu, không bao giờ nghĩ đến chuyện dành dụm riêng tư. Đến lúc làm việc không nổi nữa thì ở nhà giữ cháu. Đám con lớn lên, đi làm nuôi lại cha mẹ vì người dân thường ở xứ mình không có trợ cấp cho người già. Người Pháp khi lớn tuổi, họ tính từng ngày mong nghỉ việc lảnh tiền hưu, đi chơi. Người mình còn sức là còn làm, ở nhà phụ với con cháu được cái nào hay cái đó.
Đời sống ở nước ngoài cũng ảnh hưởng khá nhiều đến dân mình: thích đi du lịch, họp bạn đồng hương, hoạt động xã hội, “karaoké,” khiêu vũ… Những chuyện đó, nếu còn ở lại Việt Nam, chưa chắc gì mình làm. Tuổi già ở VN rất cam phận, ngồi yên, đi đứng thong dong, từ tốn, hai tay đong đưa không quá gối. Ra ngoài nhìn thẳng, không ngó ngược ngó xuôi, sợ thiên hạ chê già mà còn ham vui mất nết.
Chắc chưa có ai dám làm giấy khai sanh đặt tên con mình là… Già ! Nè, bộ tính giởn mặt, chọc cho chúng chửi, hết tên đặt rồi sao? Cái già coi như là danh từ duy nhất, ngoài ra nó là tĩnh từ. Gọi ai là thằng cha già, con mẹ già tức có vấn đề và thường đi đôi với trạng từ… gân, dịch, ham vui, bứng giựt, bộp chộp. Dân Việt Nam ở đây gọi tiếu lâm là… Già Không Đều.
Thời tụi mình còn nhỏ, ông nội, ông ngoại nghỉ trưa thì mình đi kiếm chổ khác chơi. Bây giờ đó hã, khỏi đi! Muốn đi thăm cháu, thì ông nội phải “phone” trước coi nó thức chưa rồi mới dám đi chớ không, tới nhà bấm chuông cháu nó giật mình! Xưa, cha mẹ đặt đâu thì con ngồi đó. Ngày nay, con chỉ chổ nào thì mình ngồi chổ đó cho yên.
Già cưng cháu là chuyện thường. Nhiều khi cưng quá mình cũng bị kẹt. Ba tui, mỗi khi đi công chuyện dưới Sài Gòn, đều ghé qua nhà thăm mấy đứa cháu. Có lần, nhè trước mặt ông mà tui phát vô mông thằng cháu nội đích tôn, ông liền xách gói bỏ về trên quê. Sau đó Vú tui kể lại là Ba tôi than phiền, nó sanh con ra… để đánh. Ông đã quên hồi tôi còn nhỏ, ổng cho tui ăn “bánh tét hỏng nhưn”
dài dài…
Người già thuở xưa bên Việt Nam không (kiêng) sợ chết mà nói là “theo về với ông bà” cho nên sắm sẳn quan tài để sau nhà, xây kim tỉnh trước. Ngày nay, già phải tẩm thuốc bổ, uống kích thích tố cho sống thọ để… yêu đời, cởi ngựa, ngắm hoa.
Điều kỳ lạ, ít có ai tự thấy mình già. Bạn bè lâu năm gặp lại, người này thấy người nọ già quá trời. Cái già hình như chỉ dành cho người khác.
Sợ già là điều cố hửu của con người. Đến khi thực sự già, chấp nhận mình già lại đâm ra sợ đủ thứ chuyện: Sợ ăn uống không tiêu, sợ mỡ sợ đường, đi đứng sợ té, sợ trái gió trở trời. Trong bài “Ngỏ Ý” của Thầy Nguyên Sa có đoạn:
“Đợi đến ngày mai, tôi e sợ rằng đời sẽ bỏ tôi làm phu lục lộ, đi đo sự già nua của tâm hồn mình bằng mớ tóc bù tung và đôi mắt quầng thâm của người yêu, nàng đi lấy chồng rồi và sinh con đẻ cái.”
Cách đây mấy năm, truyền hình Pháp có chiếu phim tài liệu, nói về một làng hẻo lánh bên Nam Mỹ, nằm giửa thung lũng của rặng núi “Andes.” Nơi đây, toàn những người sống trên trăm tuổi mà vẩn còn khỏe mạnh, cày cuốc làm việc ngoài đồng áng (làm việc thôi nha, còn… vụ khác thì không có nghe bàn tới). Tác giả phim trên còn kể lại chuyện vui xứ đó: Trên đường, thấy có một ông già chừng 70 tuổi, vừa đi vừa khóc. Động lòng, anh ta dừng xe lại hỏi xem ông ta có cần gì không thì ông cho biết là “vừa… bị cha đánh đòn!” Quá ngạc nhiên, nhưng anh ta cũng kiếm cách an ủi: “Thôi, ông đừng buồn, dù sao cũng là cha mình.” Nghe vậy, ông càng khóc lớn hơn vừa nói: “Không phải vậy mà vì lần này bị đòn mà… ông bà nội tôi không có can!”
Sống lâu nhứt ở Pháp phải kể là bà Jeanne Calment. Báo chí loan tin buồn khi Bà từ trần năm 1997 hưởng thọ… 122 tuổi. Nghe nói hình như có một người vui. Chuyện gì mà kỳ cục vậy ! Người ta qua đời mà lại vui?
Thì ra, bên Pháp, có lối bán nhà rất lạ của những người già (Viager). Đại khái, người bán đòi một số tiền lớn nào đó (bouquet) tương ứng với bao nhiêu phần trăm của căn nhà. Sau đó, mỗi tháng người mua phải trả góp (Rente) như tiền mướn nhà cho đến khi nào người bán qua đời thì nhà đó mới thuộc sở hửu người mua. Có khi là nhà trống, người mua vào ở liền. Có khi người bán ở lại đó, người mua cứ chờ đến khi nào người bán qua đời mới lấy được nhà. Thỏa thuận mọi đìều kiện, giá cả dĩ nhiên tùy thuộc và số tuổi, sức khoẻ của người bán. Như đánh bài vậy mà, năm ăn năm thua (50/50?).
Khoảng 42 năm trước, khi một Bà già (lúc đó cũng đã trên 80 tuổi rồi) chủ nhà có người chịu mua nhà kiểu “viager” căn nhà của Bà, với điều kiện bà được ở lại đó. Nhà đẹp, tiền “Bouquet” khá lớn, tiền trả hàng tháng cũng cao vì người mua chắc mẩm rằng chừng vài năm nữa (ai biết đâu, nhiều khi ngày… mai bà ra đi hổng chừng) căn nhà sẻ thuộc về mình, tha hồ lời tiền của, sướng nhé!
Nào ngờ, ai cũng học hoài mà không thuộc được chữ Ngờ ! Hàng tháng cứ phải lo trả tiền nhà mà lại không được vô ở. Mắc thấy mồ chứ đâu có rẽ, biết làm sao bây giờ. Mong cho bà ra đi mà bà vẩn sống khoẻ mạnh ngon lành. Sẵn tiền đó, bà chỉ có việc mua sắm, cho tiền con cháu thôi. Người mua, quá mỏi mòn vì chờ đợi, bèn… qua đời trước bà sau gần 20 năm đóng hụi mà vẫn chưa được dọn vô nhà. Người con của ông ta phải tiếp tục trả nợ thêm cả chục năm mới được dọn vào.
Trong phạm vi văn chương, như truyện Kiều chẳng hạn, Nguyễn Du diển tả cái già đến rất đường đột, tàn nhẩn. Nó len lén chen vào cuộc đời hồi nào không hay để rồi bất chợt, hất chân con người:
Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi,
Cái già sòng sọc nó thì theo sau.
Cho nên, chúng ta phải vui sống, trào phúng, đừng thèm nghĩ mình già hay trẻ cho mệt. Nguyễn Công Trứ hóm hỉnh tự trào trong bài “Tuổi Già cưới Nàng hầu“:
Giai nhân dục vấn lang niên kỷ,
Ngủ thập niên tiền nhị thập tam!
(Đêm động phòng em hỏi anh mấy tuổi?
Nói cho em biết nha, 50 năm về trước anh mới có… hăm ba hà!!).
Giởn cho vui chút thôi, nếu có về bên nhà, nhớ nghe, tui nhắc lại là đừng có nghe mấy nàng ngâm nga, tình tứ đâm ra mờ mịt tưởng thiệt là chết bỏ xác đó nha:
Đứng xa cứ tưởng… Ông Già,
Lại gần mới biết, chỉ là… Chú thôi.
Nắm tay, đích thực… Anh rồi,
Lên giường thủ thỉ là… Tôi với Mình.
Để rồi sau đó trở qua đây, lén thở than một mình không cho má bầy trẻ biết:
Chưa đi, chưa biết Sài gòn,
Trở về bên Mỹ, hổng còn một xu!
Nghĩ ra mới thấy mình… ngu,
Thằng lớn nhịn đói, thằng cu… ngoẻo đời !
Một tiếng kêu… CHA,
Ba tiếng kêu… CHÓ
Hỡi Trời !!!
Ba bài thơ liên hoàn “Lão Tướng Quần Vợt” của cụ Hương Thủy đã từng làm các Nữ Đấu Thủ đỏ mặt, bỏ vợt chịu thua:
Càng già càng dẻo lại càng dai,
Lão tướng ra quần chẳng kém ai.
Đấu mấy hiệp liền không chịu nghỉ,
Tranh ba ngày lẻ chẳng mòn hơi.
Khi mau, khi chậm khi mơn ngắn,
Lúc xuống, lúc lên, lúc thọc dài.
Gác qua, gác lại phô đủ kiểu,
Mòn lông banh nỉ Lão còn chơi!
Mòn lông banh nỉ Lão còn chơi,
Cầm sức cho nên chẳng dám lơi.
Chống đở gay go, sùi bọt mép,
Cò cưa dai dẳng toát mồ hôi.
Chơi trưa chưa phỉ đòi chơi tối,
Đánh chiếc xong rồi lại đánh đôi.
Phút chốc cơn mưa đâu ập đến,
Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi.
Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi,
Lát nửa lau khô, Lão lại chơi.
Biểu diển sân quen, hay đáo để,
Nắn dồi banh mới, sướng mê tơi.
Người trên ụp xuống phì phào thở,
Kẻ dưới nâng lên, khúc khích cười.
Đối thủ gặp nhau mùa nắng cực,
Quần năm ba hiệp ngã lăn nhoài!
Già thường sinh ra lẩm cẩm, nói nhiều mà toàn là chuyện đời xưa, đời trước. Vô lai rai ba sợi, hứng chí, còn dám mở máy “radio” kể, khoe các chiến tích vẻ vang trên tình trường với chị hàng xóm mà vốn xưa nay nín thinh, dấu nhẹm bà xả. Nè, ngậm miệng lại dùm nghe quí vị liền ông! Chết cả đám rồi lây lan tới bạn bè chớ không phải chơi đâu! Trong “Trại Tù Cải Tạo” gọi là: “Phải khai báo thành khẩn thì C. M. (đọc là… Con Mẻ) sẻ tha thứ vì C. M. biết hết rồi, không dấu diếm được đâu hihihi.”
Tây nói:
“Muốn nói láo với Bà Xã, phải có trí nhớ dai!”
Ê, mấy quí ông chồng phải trả cho tui $5, tiền nhắc nhở quí báu đó à nha!
Trời sanh người đàn bà không bao giờ quên bất cứ chuyện gì của ông xã mình. Như hai ông bà kia ra ngồi ghế đá công viên phơi nắng sáng, bà nói với ông:
“Em nhớ ngày xưa, hồi mới quen nhau, lần đầu tiên hẹn hò đi chơi, anh ngồi sát bên em trong công viên Tao Đàn như trong thơ Xuân Diệu vậy.”
Ông lật đật ngồi sát vào bà. Bà tiếp tục:
“Mau quá, mới đây đã mấy chục năm rồi mà Em cũng còn cảm nhận cánh tay anh choàng qua vai em như hôm qua.”
Ông bèn choàng vai bà. Mắt bà sáng lên, bà nói trong mơ:
“Lúc anh cắn nhè nhẹ vai em, em mắc cở quá chừng, sợ có ai thấy kỳ chết.”
Nghe câu đó, ông vụt đứng dậy nói với bà:
“Em chịu khó ngồi chờ anh một chút nghen, anh chạy vô nhà lấy… hàm răng gỉa!!!”
Thấy ớn chưa, lỡ có chuyện gì, mấy chục năm sau cũng còn nhắc hoài!
Nói vây chứ nhiều chuyện trước mắt thì già lại quên, chẳng hạn như kiếm hoài không ra tức muốn chết, cặp kiếng đọc báo mới để đâu đó hôm qua mà bữa nay không nhớ thấy.
Chuyện tiếu lâm xưa, có ông già phụ nuôi cháu nội cho cha nó đi làm xa. Ông nổi danh trong làng vì thuộc làu mấy chục bộ truyện tàu. Làng xóm có chuyện gì, ông thường ví von đem chuyện Phong Thần, Tam Quốc… ra so sánh xưa với nay. Bởi vậy, hồi xưa . . .
Gởi cháu đi học, tới tháng lại không nhớ đóng tiền trường. Tháng nào như tháng nấy, phải nhắc hoài, Thầy Đồ đâm ra bực mình. Một hôm, Thầy gọi đứa cháu lại bảo nó về nói với ông nội mày là hôm nay học câu: “Hán trào Tam Kiệt, Khổng Minh, Trương Lương, Hàn Tín.” Nó về kể lại trong lúc ông đang ăn cơm chiều. Bỏ đũa xuống, ông nói: “Cha, coi bộ Thầy mày quên rồi đó. Ngày mai vô lớp, nhớ kín đáo nhắc ổng, Hán trào Tam Kiệt là Khổng Minh Trương Lương Tiêu Hà chớ không phải Hàn Tín.” Ngày sau, đứa cháu làm như ông nó dặn, thì Thầy Đồ bèn nói nhỏ với nó: “Mầy về nói với ông nội mày là chuyện xưa nhớ hay quá mà sao chuyện đóng tiền học mỗi tháng lại cứ quên hoài vây!”
Nhớ hồi nào còn trai trẻ, hùng dũng bước đều một hai, hát vang trời: “Súng là vợ, đạn là con, thà hao mòn hơn… cất kỹ!” Chỉ có một số ít người vì lý do sức khỏe hay sao đó nên được miển dịch vĩnh viễn khỏi làm bổn phận Công Dân…. Nam.
Rồi ngày qua đi, qua đi…
Đến lúc hát bài “Giã Từ Vũ Khí”:
“Một mai qua cơn mê để có một ngày,
có một ngày chinh chiến . . . tàn !
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi
ngoài con chim héo… em ơi!
Người thì âm thầm như những đêm không trăng sao,
buông dao đồ tể thành Phật,
súng đạn quăng cái xạch thành ông . . . Từ.”
Ngược lại, cũng có người không chịu cam phận, còn nhớ tiếc thời vàng son, oanh liệt của mình, giờ nhìn cải dưa, nhớ xưa cà rốt như “Hổ Nhớ Rừng . . . Lá Thấp”:
Sáng nay, ngồi nấu nước chè,
Nhớ lại chuyện cũ nó đè trong tim.
Ngồi buồn, ngó xuống… con chim,
Xưa sao hùng dũng giờ im thế này!
Lắc qua, lắc lại mỏi tay,
Sao cứ ủ rủ, ngây ngây, khờ khờ.
Thôi rồi! Tàn một giấc mơ,
Cần câu còn đó, mồi trơ hết rồi . . .
Lúc tui lập gia đình, cha tui có nói một câu mà tui nhớ mải đến bây giờ:
“Lấy nhau vì Tình, ở với nhau vì Nghĩa, sống với nhau cho phải Đạo, đó là 3 giai đoạn trong đời sống Vợ Chồng. Người đàn bà có thương có yêu mới chịu về làm vợ, nâng khăn sửa túi cho chồng. Họ mong đến khi tuổi già có nơi nương tựa, gọi là sống với nhau đến bạc đầu. Sanh con đẻ cái, nối dỏi tông đường, dung nhan không còn được như xưa, mình phải biết ơn mà đối xử cho phải Nghĩa. Khi lớn tuổi, qua mấy mươi năm chung sống dù không còn nói chuyện với nhau nhiều như xưa nhưng tánh ý đã tương thông, đó là Đạo Vợ Chồng vậy.”
Án Anh đem Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín ra thuyết phục Vua để từ chối đứa cháu trẻ của Ông ban cho, quyết lòng ở lại với người vợ già của mình, còn sáng ngời trong truyện xưa tích cũ…
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, lúc bị tù oan, nhờ có Bà vợ lặn lội ra tận triều đình Huế đánh trống kêu oan mà ông được giải nạn. Đến lúc Bà qua đời, ông bận công vụ ở xa không kịp về tống táng. Ông viết hai câu đối rất thương tâm:
“Ngã bần khanh năng trợ, ngã oan khanh năng minh, thiên hạ giai xưng khanh thị phụ
Khanh bệnh ngã bất dược, khanh tử ngã bất táng, thế gian đàm tiếu ngã phi phu.”
Tạm dịch:
“Thuở tôi nghèo, Bà giúp đỡ, Lúc tôi oan, Bà giải tội, ai ai cũng khen: Bà xứng danh là Vợ Hiền
Bà lâm bệnh tôi không thang thuốc, Bà nằm xuống tôi chẳng cất chôn, trên đời ai cũng chê: Tôi không xứng mặt làm Chồng.”
Thông tắc cùng, cùng tắc biến, biến tắc thông mọi sự đều mãi mãi trải qua như vậy. Khi lớn tuổi, giác quan con người không còn bén nhạy như xưa. Âu cũng là điều may, nếu không mình sẽ triền miên trong Ngũ Uẩn.
Về lại quê nhà, tối tối, ngồi nói chuyện với Ba tui trước sân, cỏ mọc um tùm, ếch nhái kêu inh ỏi. Tui nói để nhờ người đến phụ với con, dọn dẹp sân vườn lại cho gọn gàng thì Ba tui nói: “Kệ nó con, Đừng Nghe, Đừng Thấy…”
Ba tui rất thích hai câu thơ nói về cuộc đời:
Lai như lưu thủy hề, thệ như phong
Bất tri hà xứ lai hề, hà sở chung.
Tạm dịch:
Tới như dòng nước, tan như gió,
Chẳng biết từ đâu, đi đến đâu.
Mải mê nói chuyện, tới đây tự nhiên tui thấy buồn cười cho chính mình. Tui vẫn chưa thoát ra được hai chữ Nghe và Thấy của Ba tôi dạy. Tôi vẫn còn Nghe Thấy rất rõ trong tâm tưởng những việc thuở xa xưa. Tui viết tản mạn như hồi học lớp Đệ Tứ dịch bài “Thème” bị Thầy P.D.Nh. (anh của Nhạc Sĩ Pham Duy) chê… Văn Hôi Nước Mắm!
Thuở đó, tui vừa 14 tuổi, học đệ tứ, Bài “Thème” dịch 4 câu thơ ra tiếng Pháp, lời than thở của con trâu trong “Lục Súc Tranh Công”:
Trâu mỏi mệt, trâu liền năn nỉ,
Một mình trâu, ghe nổi gian nan.
Lóng canh gà vừa mới gày tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã…
Tui dịch ra như vầy:
Le buffle se dit pitié,
Je suis seul et travaille beaucoup.
Dès que le coq chante,
Le propriétaire appelle tout de suite le berger…
Thầy P.D.Nh. sửa lại:
Le buffle, exténué par un long travail, murmure ses plaintes.
Que de misères ai-je tout seul supportées.
Sitôt que le chant du coq annonce la fin des veilles
Le maître se hâte d’appeler mon gardien…
Đọc lại câu của mình, đúng là “Văn Hôi… Nước Mắm” thiệt ! Vì lời phê này mà tui nhớ đến bây giờ. Tui thấy hơi “bị…” “Già Không Đều” mặc dù “Không Còn Có Chổ Trẻ” (viết theo cách nói… thời thượng đó nha. Tới luôn bác tài, cho vui bao la, mênh mộng… tình đời… hihihi).
Những tưởng khi già mình sẽ khác người, rốt cuộc cũng lẩm cẩm, vật vờ y hệt. Xin mượn mấy câu thơ của Tô Thức để kết luận bài này:
Lô sơn yên tỏa, Triết Giang triều,
Vị đáo thiên ban hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai vô biệt cảnh,
Lô sơn yên tỏa Triết Giang triều.
Tạm dịch:
Khói ngút sơn Lô, sóng Triết Giang,
Chưa đi tới đó những mơ màng.
Tới nơi mới thấy không gì khác
Khói ngút sông Lô sóng Triết Giang
Marcel NGUYEN
Trần Văn Giang (ghi lại)