Trưởng giả học làm sang
.
Nông Đức Mạnh, cựu tổng bí thư đảng CSVN,
và chiếc “ngai” trong căn phòng khách nhà riêng.
(Nguồn hình: Báo Tiền Phong)
Trong chúng ta chắc cũng có nhiều người biết đến vở hài kịch bất hủ nổi tiếng của văn học Pháp “Trưởng Giả Học Làm Sang” của đại văn hào Moliere Pháp (1622-1673). Đây là một vở kịch ngụ ngôn phê phán thói rởm đời, tự phụ của những người có chút tài sản nhờ thời vận thì lại bắt đầu “bắt chước làm sang,” tự xếp mình vào hàng thượng lưu, quý tộc.
Thời nay, trong xã hội Việt Nam, bọn “trưởng giả học làm sang” này xuất hiện đầy dẫy. Chúng ở trên rừng về, tuy còn “nón cối dép râu,” ngồi kiểu nước lụt, nhưng nghênh ngang chẳng xem ai ra gì! Đi “ô tô con” thì phía trong cửa xe giăng một sợi giây để treo chiếc khan lau mặt “màu cháo lòng.” Ăn uống thì phải chọn thứ đắt nhất, “thuốc lá có cán, cà phê sữa đá, soda hột gà…” Vào tiệm ăn, thì phải chọn thứ đắt nhất, không cần biết đến ngon dở, tìm những thứ quí hiếm như trăn, nhím, mễn… rượu bào thai, rượu rắn. Có người thường dùng phở với trứng gà, nhưng bọn trưởng giả này, bún bò cũng có trứng gà vào cho sang.
Sau này cứ nhìn vào những biệt phủ sang trọng, có cái kiểu Pháp, có cái kiểu Ý…, càng “ngoại” càng sang. Cách trang trí trong nhà thì kệch cỡm, quê mùa, với những bộ bàn ghế thật đắt làm bằng gỗ quý, chạm trổ rồng phượng công phu. Cứ nhìn bộ bàn ghế trong phòng khách của Nông Đức Mạnh…thì đủ thấy cái “gu” mỹ thuật của hàng trưởng giả này ra sao? Chắc cái ghế ngồi của Nữ Hoàng Anh cũng không xa xỉ đến thế! Nhìn lại chiếc bàn làm việc và ghế ngồi của các tổng thống Hoa Kỳ, Pháp hiện nay mới thấy giản dị, thô sơ đến mức nào. Càng nhà quê, dốt nát, càng mặc cảm thì phải thể hiện thứ rởm đời, xa xỉ, hào nhoáng bên ngoài, tưởng như vậy, mình mới thuộc loại đại gia, trưởng giả, quý tộc…
Mới đây, báo chí trong nước phanh phui ra chuyện bộ bàn ghế trong nhà ông Nguyễn Hữu Hùng, cục phó Cứu Hộ Cứu Nạn, Bộ Quốc Phòng, vừa thiệt mạng trong vụ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng cũng có những bộ bàn ghế bề thế, được chạm trổ công phu và cao quá đầu người. Đây là bộ bàn ghế “đầu rồng, gỗ cẩm lai” từ Việt Nam và Cambodia đang được quảng cáo rao bán với giá khoảng $70,000.
Nguyễn Hữu Man, Phó Tư Lênh QK 4 bị tai nạn lũ lụt qua đời cũng không được báo chí trong nước tha tội, người ta khám phá ra ông này cũng biệt phủ, bàn ghế cũng chạm trổ rồng phụng, “sang chảnh” cùng một lứa. Đúng ra thì nên bỏ qua cho người đã chết yên nghỉ (Laissez les morts tranquilles), nhưng ở đây phải nói là vì quá quắt lắm, báo chí mới không bỏ lỡ qua cơ hội khai thác, cho công luận biết, hạng sĩ quan cao cấp trong quân đội cũng chạy theo thời trang, không bỏ lỡ cơ hội cho bằng đồng ngũ.
Sách vở thường tuyên truyền câu nói của ông Hồ:
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau!”
Ông Hồ cũng nói:
“Cán bộ trước hết phải làm mực thước cho người ta bắt chước.”
Bọn con cháu “boác” sau này ngu dốt hiểu những câu nói trên theo kiểu “đạo đức XHCN!”
Có lợi nhuận, đất đai béo bở, đảng sắp hàng đi trước. Một quan chức lớn là gương xây biệt phủ, xe đắt tiền, trang trí trong nhà không thua gì các cung điện, thì hàng quan chức có quyền lực cũng không chịu thua. Mà khổ một nỗi, cái khiếu thẩm mỹ của các ngài cán bộ đỏ vừa “nhà quê,” vừa rẻ tiền, trông kệch cỡm. Một bộ bàn ghế phải là từ thứ gỗ quý, do tay những người thợ cao cấp, đẽo gọt, chạm trổ, ngồi hẳn là đau lưng, đau đít, nhưng khiếu thẩm mỹ của thủ trưởng hẳn là xứng đáng với chức vụ, bổng lộc.
Bổng thì ít, nhưng lộc thì nhiều, từ anh công an đứng đường cho đến trung ương đảng. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, nằm đất ngủ võng bao năm nay được thời, tội gì không giường cao, nệm ấm. Nghèo kiết xác, vô sản từ đầu đến đuôi, chỉ với một cái bàn chải đánh răng, cái chén, đôi đũa dắt lưng, dôi dép râu đêm gối đầu, ngày kỳ lưng lúc tắm, bây giờ một bước lên xe, phải lột xác cho xứng với đẳng cấp, đó là đại gia, trưởng giả.
Đây cũng là một lối “trả thù dĩ vãng” mà trước đây tôi đã có dịp nói đến trong trường hợp những gia đình ngày xưa cực khổ, không có nổi miếng ăn, nay gặp thời xu hào “rủng rỉnh” muốn xây lăng mộ cho thân nhân như lăng mộ của các bậc Vua Chúa thời phong kiến. Nếu công trình nằm bên một kiến trúc đẹp hơn mình, công phu hơn mình thì không ngần ngại, đập đi xây lại cho hơn hẳn người.
Lẽ cố nhiên theo sự tự do và chọn lựa của mỗi cá nhân, người ta có thể chọn lựa lối trang phục của mình. Tuy vậy, người xưa đã có câu: “Y phục xứng kỳ đức!” Ăn mặc, trang phục sao cho tương xứng với hoàn cảnh, địa vị… của mình. Lương công nhân, ăn mì gói mà kéo một chiếc “Merdedes” thì… khổ thân. Như vậy không phải cứ cán bộ đảng viên cao cấp là có quyền xây biệt phủ, nuôi cá sấu, mua BMW, cho bỏ những ngày cơ cực nằm hầm, lội rừng, ăn lá tàu bay.
Trong trang nhà của trung ương tuyên giáo đảng CSVN, đã nhìn nhận trò “trưởng giả học làm sang” của đảng viên cộng sản, nổi lên như một phong trào từ thời chiếm được chính quyền, đã nói rõ:
“Phong cách, lối sống không phải là cái gì trừu tượng, khó hiểu, mà nó được thể hiện, bộc lộ từ trang phục, đồ dùng sinh hoạt cá nhân đến thái độ, hành vi ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, tiêu dùng, giải trí của cán bộ, đảng viên. Những cán bộ, đảng viên chuẩn mực thì thường cảm thấy xa lạ, thậm chí ‘dị ứng’ với những trang phục lòe loẹt, mang mặc không đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh giao tiếp và cũng không sử dụng những đồ dùng sinh hoạt cá nhân xa xỉ, đi những xe sang vượt tiêu chuẩn cho phép, ăn uống lãng phí, tiêu dùng xa hoa, giải trí phù phiếm. Tuy nhiên, vẫn có một thành phần cán bộ, đảng viên lại thích nổi trội trước đám đông không phải bằng tài năng, công lao đóng góp, cống hiến cho tập thể, xã hội, mà bằng những thứ hào nhoáng bên ngoài như trang phục sang chảnh, trang sức lộng lẫy, biển số xe ‘lộc phát,’ tiện nghi sinh hoạt cá nhân đẳng cấp, biệt thự siêu sang, ăn chơi xả láng, thậm chí tiêu tiền như… ném qua cửa sổ.”
Hôm nay nhân nói chuyện bàn ghế chạm trổ của ông Nông Đức Mạnh, và những “chiến sĩ chết vì nước” như ông Nguyễn Hữu Hùng và Nguyễn Hữu Man, tôi liên tưởng đến một thứ trưởng giả khác, mà lại xảy ra nơi chốn thiền môn! Đó là những bộ bàn ghế bằng gỗ quý nặng nề trong hội trường và những phòng làm việc của chùa Viên Giác. Năm 2000, tôi có dịp dự Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam hải ngoại tại thành phố “Hanover,” Đức Quốc, tổ chức tại chùa Viên Giác của Hòa Thượng Thích Như Điển. Ở đây tôi không nói đến chuyện quy mô đồ sộ của ngôi chùa, vì Viên Giác được xem như là ngôi chùa lớn nhất Âu Châu.
Tại chùa, ít nhất là có hơn 10 bộ bàn ghế kiểu “trưởng giả” này! Tuy nó không được trau chuốt trang trí long phụng, nhưng công trình không phải là nhỏ. Chỉ một cái ghế ngồi không thôi cũng phải bốn người mới khiêng nổi. Nhà chùa cho biết những bộ bàn ghế này được đặt làm tại Việt Nam, và được chở bằng tàu thủy đến cảng Hamburg, rồi chuyển về chùa bằng các loại xe cần cẩu. Để những bộ bàn ghế này được an vị nơi những căn phòng rộng rãi, sang trọng, công sức tiền bạc của con người bỏ ra không phải là ít. Và nó hoàn toàn không phù hợp với khung cảnh của một ngôi chùa một chút nào cả.
Nếu như nhà chùa đạm bạc, sống đơn giản, như dùng bàn ghế Ikea cũng đủ, thì số tiền dùng để khuân những bộ bàn ghế bằng gỗ quý, nặng nề từ Việt Nam dùng được cho bao nhiêu việc nhà chùa đáng ra phải làm. Đây cũng là lối sống phô trương, không phù hợp với đời sống “nâu sòng” nhà Phật.
Trong lúc nhiều người trong chúng ta mơ trở thành tỷ phú để có thể mua biệt thự, xe hơi đắt tiền, du thuyền, sắm máy bay riêng, trong khi chính những tỷ phú giàu lại có cuộc đời khiêm tốn, giản dị.
Warren Buffett, Mark Zuckerberg, Carlos Slim Helu… luôn chọn lựa lối sống đơn giản, họ không cần phải chi nhiều tiền hơn cho nhu cầu… trưởng giả.
David Green – sáng lập kiêm CEO của hãng bán lẻ đồ mỹ nghệ “Hobby Lobby,” tài sản có $6 tỷ. Ông thừa tiền sắm máy bay riêng nhưng ông vẫn thích đi máy bay hạng bình dân. Thay vì vung tiền để sống cho ra…đại gia, thì Green dành phần lớn tài sản của mình vào các hoạt động từ thiện.
Theo tạp chí “Forbes,” ông chi hơn $500 triệu cho các hoạt động từ thiện. Liệu chủ nhân của bộ bàn ghế “đầu rồng” trị giá $70,000, còn sống có dám bỏ ra $100 để giúp các nạn nhân thiên tai không?
Những gì gọi là đại gia, trưởng giả, quý phái nó toát ra từ thái độ, nhân cách, cử chỉ, lời nói của con người. Một phụ nữ đeo các món trang sức đắt tiền, mang trên người đủ thứ áo quần thời trang nổi tiếng nhất thế giới, chưa hẳn là một người đàn bà… quý phái. Có khi nó trở thành một thứ lố bịch, không đi đôi với con người, như những con khỉ trong gánh xiếc. Anh giàu chưa chắc đã là người sang, tỷ phú cũng khó trở thành quý phái.
Vậy những anh chàng gặp thời, chân còn dính phèn, một bước lên quan, xe cộ xênh xang, cửa vào nhà ba lớp, khoe giàu khoe của, thì cũng là một loại ấy thôi!
Huy Phương
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/truong-gia-hoc-lam-sang/
Trần Văn Giang (st)
.