Vương Quốc Chàm Từng Bước Suy Vong
.
“..Người xưa đâu?
Mồ đắp cao hay đã sâu thành hào
Lầu các đâu?
Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu…”
(Lời bài hát “Hận Đồ Bàn” – của Xuân Tiên)
*
Sơ lược vương quốc Chàm
Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, nhà Tây Hán đổi nước Nam Việt ra Giao chỉ bộ và chia làm 9 quận:
- Các quận Nam hải, Thương ngô, Uất lâm và Hợp phố nay là Quảng đông và Quảng tây.
- Quận Châu nhai và Đạm nhĩ nay là đảo Hải nam.
- Quận Giao chỉ và Cửu chân nay là Bắc Việt và bắc Trung Việt, nơi định cư của người Lạc Việt.
- Quận Nhật nam ở cực nam của Giao chỉ bộ, quận này do nhà Tây Hán mới lập, sử Tàu gọi cư dân quận này là Man di.
Ranh giới quận Nhật nam từ phía nam núi Hoành sơn tới phía bắc núi Hải vân, gồm 5 huyện: Châu ngô, Ty cảnh, Lộ dung, Tây quyển và Tượng lâm. Dân cư gồm các bộ lạc người Indonesian và người Malayo-Polynesean. Huyện Tượng lâm ở cực nam của quận và là nơi người Malayo-Polynesean quy tụ đông nhất. Quan lại Tàu làm Thái thú quận và huyện lệnh.
Dân Tượng lâm rất hiếu chiến, thường cướp bóc các quận huyện khiến quan quân phải đánh dẹp gian khổ. Không kể quận Nhật nam, họ còn cướp phá cả Giao chỉ và Cửu chân.
Năm 192 sau công nguyên, con của viên công tào là Khu Liên giết huyện lệnh rồi tự xưng là vua. Sử Tàu coi Khu Liên là vua đầu tiên của Lâm ấp. Có lẽ vì Khu Liên ở huyện Tượng lâm nên sử Tàu gọi là Lâm ấp, sau đổi là Hoàn vương, sau lại đổi là Chiêm thành. Tuy nhiên trước sau họ vẫn tự gọi mình là “Champa” hoặc Chàm.
Theo giáo sư Trần Kính Hòa, Khu Liên không phải tên người mà là chữ dịch từ thổ âm của Lâm ấp kilinga có nghĩa là dân tộc lãnh đạo độc lập. Năm 1885 sử gia E. Aymonier tìm thấy một bia đá chữ Phạn ở làng Võ cạnh (thuộc tỉnh Khánh hòa), nội dung tưởng niệm vua Chàm đầu tiên là Sri Mâra. Sử gia H. Maspéro cho rằng Khu Liên và Sri Mâra là một người.
Vương quốc Chàm gồm 4 khu vực chính trị:
- Amaravati là nơi có đền đài và là kinh đô đầu tiên ở vùng Mỹ sơn, Trà kiệu và Đồng dương nay thuộc Quảng nam. Ngoài ra còn có Khu túc ở gần Huế. Theo sử Tàu, đây là một thành trì kiên cố có tường gạch bao quanh và 13 cổng.
- Vijaya ở Bình định có thành Đồ bàn, cũng gọi là Trà bàn, là kinh đô thứ nhì.
- Kauthara ở Khánh hòa là kinh đô thứ ba.
- Pandaranga ở Phan rang là kinh đô cuối cùng.
Căn cứ vào các di tích do các nhà khảo cổ Pháp sưu tầm được và các đền đài còn lại, lãnh thổ vương quốc Chàm được xác định từ núi Hoành sơn (nơi có đèo Ngang) tới Biên hòa. Ngoài ra di tích Chàm còn thấy ở Pleiku, Darlac và Xuân lộc.
Người Chàm chỉ có biên niên sử chép thời gian trị vì của mỗi vị vua. Niên đại là âm lịch của Tàu nhưng không ghi chi và can mà ghi con vật tượng trưng cho chi của năm đó. Sau đây là một đoạn trích trong biên niên sử triều đại cuối cùng ở Phan rang:
“Năm con chuột, Pô Âu-loah từ cõi trên xuống làm vua vương quốc Chàm, trị vì được 37 năm tại kinh đô Sri Ba-nưi. Đến năm con chuột, Pô Âu loah trở về cõi trên để Pô Nu-thuor-lak lên ngôi vua cũng năm con chuột và làm vua 41 năm tại Sri Ba-nưi. Đến năm con rồng Pô Nu-thuor-lak trở về trời.”
Sử gia Aymonier căn cứ vào sự kiện vua Chàm cuối cùng Pô Chơn từ bỏ ngai vàng sang Cam bốt lưu vong năm 1822 để tính ngược lên, ông xác định vua Pô Âu-loah lên ngôi năm 1000 sau công nguyên.
Dân tộc Chàm chịu ảnh hưởng văn minh Ấn độ, theo Ấn giáo (Hinduism) nhưng cũng có một số nhỏ theo Phật giáo và Hồi giáo. Các đền thờ có nóc hình tháp nên người mình gọi là Tháp Chàm. Không chỉ có đền thờ các thần linh mà còn có những đền thờ các vị vua được dân ngưỡng mộ như thần linh. Một điều rất lạ, biên niên sử Chàm không có vua nào là Chế Bồng Nga. Một vị vua tên là Pô Binh Thuor (1328-1373) mệnh danh là Chây Ba Ngo (ông hoàng bông hoa) nghe như Chế Bồng Nga nhưng Chế Bồng Nga chết năm 1392 tức là sau Binh Thuor 19 năm.
Hậu thế Chàm chỉ biết Chế bồng Nga qua sử Việt.
Người Chàm dùng chữ Phạn sau đổi sang chữ pâli. Các sự kiện lịch sử được khắc trên bia đá hoặc trong đền thờ. Văn chương có thơ và bài hát chép trên lá buôn còn lưu truyền tới ngày nay.
Nghề dệt tơ lụa rất tinh xảo, có xen kẽ màu và họa tiết mỹ thuật.
Nhạc và ca múa có sắc thái riêng, vui tai và đẹp mắt. Các vua triều Lê, Lý, Trần khi thân chinh sang đánh Chàm đều bắt các cung nữ Chàm về dạy ca múa cho cung nữ của mình. Nhạc cung đình Huế là bản sao ca vũ nhạc Chàm.
Các di tích ở Gio linh (Quảng trị) và Phan rang cho thấy người Chàm sớm biết đào kinh, đắp đập, tạo hồ chứa nước để dẫn nước vào ruộng. Tuy họ sớm biết cải tiến nông nghiệp nhưng phần lớn lãnh thổ là đồi trơ trọi sỏi đá và cánh đồng toàn cát; đất trồng trọt được không đủ sản lượng nuôi toàn dân. Đó là nguyên nhân họ thường cướp bóc các quận Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam.
Người Chàm rất giỏi đi biển, một số dân ven biển sống bằng nghề cướp biển.
Những cuộc cướp bóc trước còn là những nhóm lẻ tẻ sau trở thành các cuộc hành quân có tổ chức nhằm mở rộng biên giới về phía bắc.
Những cuộc xung đột giữa Giao châu và vương quốc Chàm
Năm 264 nhà Ngô chia Giao chỉ bộ ra Giao châu (gồm các quận Giao chỉ, Cửu chân và Nhật nam) và Quảng châu (gồm các quận Nam hải, Thương ngô, Uất lâm và Hợp phố).
Năm 399 vua Chàm là Phạm Hồ Đạt đem quân sang đánh chiếm Nhật nam và Cửu chân sau đó tiến quân lên Giao chỉ. Thứ sử Giao châu là Đỗ Viện phản công lấy lại được Nhật nam và Cửu chân. Năm 413 quân Chàm lại sang đánh phá Cửu chân nhưng bị đẩy lui. Để răn đe, năm 420 Thứ sử Giao châu đem quân sang đánh phá và chém giết cả thường dân. Sau đó Chàm hàng năm phải cống vàng và đồi mồi.
Năm 433 vua Chàm là Phạm Dương Mại sai sứ sang cống nhà Tống và xin lãnh cai trị Giao châu nhưng vua Tống không thuận. Từ đó Chàm liên tiếp quấy nhiễu Nhật nam và Cửu chân. Vua Tống sai thứ sử Đàn Hòa Chi và phó tướng Tông Xác đem quân sang trừng phạt. Để chống lại tượng binh của Chàm, Tông Xác cho lính vẽ hình sư tử lên người, voi sợ quay đầu chạy, bộ binh Chàm tan vỡ, vua Chàm chạy thoát. Đàn Hòa Chi lấy được tượng vàng và báu vật. Từ đó nước Tàu biết Chàm có nhiều của quý.
Năm 541 Lý Bôn nổi lên đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư về Tàu rồi lên ngôi là Lý Nam đế. Thoát khỏi ách đô hộ của kẻ thù phương bắc được 2 năm, vua Nam đế phải chống lại cuộc xâm lăng của kẻ thù phương nam. Vua cho tướng Phạm Tu ra đánh đuổi quân Chàm ra khỏi bờ cõi.
Tiếc rằng nhà Tiền Lý chỉ trị vì được 60 năm, sau đó Giao châu lại bị Bắc thuộc lần thứ ba.
Biết Chàm có nhiều của quý, năm 605 vua nhà Tùy sai Lưu Phương sang đánh. Lưu Phương cho đào hầm phủ cỏ lên để chống tượng binh của địch. Quân Chàm bị dụ tới trận địa đã chuẩn bị sẵn, voi dẫn đầu bị sa xuống hầm khiến đàn voi theo sau hoảng sợ quay đầu chạy, bộ binh tan vỡ. Vua Chàm bỏ chạy vào nam, Lưu Phương vào kinh thành cướp được nhiều vàng và của quý. Trên đường về nước, Lưu Phương bị bệnh chết.
Bị đánh bại, Chàm phải tiếp tục triều cống nhà Tùy nhưng vẫn quấy nhiễu Giao châu.
Năm 608 Đô hộ Giao châu là Trương Chu đem quân sang chém giết người Chàm rất tàn ác.
Quan hệ giữa triều đại Tiền Lê với vương quốc Chàm
Sau trận thiệt hại nặng nề với Lưu Phương, Chàm tỏ ra hòa dịu với lân bang.
Năm 980 vua Lê Đại Hành lên ngôi cũng muốn hòa hoãn với Chàm nên cho 2 sứ giả là Từ Mục và Ngô Tử Cảnh sang giao hiếu. Không ngờ 2 sứ giả bị vua Chàm bắt giữ. Nổi giận, vua liền thân chinh sang đánh. Vua Chàm là Tỳ Mi Thuế chết ngay trận đầu. Vua Đại Hành tiếp tục tiến về kinh đô. Vua Chàm mới lên ngôi kế vị phải bỏ chạy vào nam. Cung điện và đền đài bị quân ta phá hủy, một thiền sư người Thiên trúc bị bắt giữ.
Cuộc viễn chinh kéo dài một năm. Thắng trận trở về vua lấy được nhiều tượng vàng, báu vật và bắt về các cung nữ Chàm.
Sau đó vua Chàm xin làm phiên thuộc và triều cống hàng năm.
Đại Hành là vua đầu tiên thân chinh đi đánh Chàm và lần đầu tiên nước ta được vương quốc Chàm tiến cống.
Triều đại Hậu Lý và vương quốc Chàm
Sang triều Hậu Lý, chiến công “Phá Tống Bình Chiêm“ là 2 điểm son rực rỡ nhất lịch sử nước Việt.
Riêng về bình Chiêm, năm 1020 vua Lý Thái Tổ sai thái tử Phật Mã và tướng Đào Thạc Phụ đem quân sang đánh Chàm tại Bố chính để trừng phạt những cuộc cướp bóc ở biên giới.
Năm 1044 Thái Tông thân chinh đánh Chàm để trừng phạt những vụ cướp bóc trên biển. Tướng Chàm là Quách Gia Di chém đầu vua Chàm là Sạ Đẩu và đem đầu vua xin hàng.
Thấy cảnh dân Chàm bị giết hại, vua động lòng thương xót, xuống lệnh không được giết dân vô tội, ai không tuân sẽ bị trừng trị theo quân pháp. Tiến quân vào kinh đô (nay là làng Nguyệt biều, huyện Hương thủy, tỉnh Thừa thiên) vua bắt được vương phi Mỵ Ê. Thắng trận trở về vua bắt theo Mỵ Ê cùng các cung nữ và 5,000 tù binh. Tới sông Nhân lý vua cho đòi Mỵ Ê vào chầu, nàng quấn mền quanh mình rồi nhảy xuống sông tuẫn tiết. Về phần tù binh, vua cho vào Nghệ an lập nghiệp.
Thấy quân Chàm vẫn cướp bóc biên giới, vua Thánh Tông thân chinh đem quân chinh phạt. Trận đầu không thắng, vua phải trở về. Nửa đường nghe dân ca tụng bà Nguyên phi Ỷ Lan ở nhà trị nước yên ổn, vua không đành lòng trở về tay không bèn quay lại đánh tiếp. Trận này vua Chàm là Chế Củ bị bắt giải về Thăng long. Chế Củ xin nhượng 3 châu Địa lý, Bố chính và Ma linh để chuộc mạng. Thánh Tông thuận và tha Chế Củ về nước.
Địa lý sau đổi là Lâm bình. Bố chính có sông Gianh chia bắc Bố chính và nam Bố chính (sau này là nơi nội chiến giữa Trịnh – Nguyễn). Địa lý và Bố chính nay thuộc tỉnh Quảng bình. Ma linh nay là huyện Vĩnh linh và Gio linh thuộc tỉnh Quảng trị.
Sang đời Lý Nhân Tông, ở Diễn châu Nghệ an có Lý Giác nổi loạn. Vua sai Lý Thường Kiệt đánh dẹp, Lý Giác thua chạy sang Chàm. Vua Chàm là Chế Ma Na nghe lời xúi giục của Lý Giác đem quân sang lấy lại 3 châu đã nhượng ngày trước. Năm sau vua sai Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân Chàm, khôi phục lại 3 châu như trước.
Biên giới vương quốc Chàm nay lui xuống ngang cửa Việt (Đông hà, Quảng trị).
Triều đại Trần và vương quốc Chàm
Do âm mưu của Trần Thủ Độ, ngai vàng từ nhà Lý chuyển sang nhà Trần qua hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh.
Năm 1252 Chàm cho chiến thuyền sang đánh phá biên giới và cho sứ sang đòi lại 3 châu đã nhượng. Vua Trần Thái Tông thân chinh đi đánh, vua Chàm chạy thoát, vương phi Bố-la-gia bị bắt cùng nhiều tù binh. Từ đó biên giới được yên. Vua Chàm lại cho sứ sang triều cống như trước.
Tới đời vua Nhân Tông, nước ta 2 lần bị Mông cổ xâm lăng nhưng bị Trần Hưng Đạo cùng quân dân một lòng đánh bại. Kế đến giặc Lào quấy rối biên giới phía tây, vua Nhân Tông thân chinh đi đánh mới dẹp yên.
Năm 1293 vua Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Tuy nhiên ngài chỉ lo tu hành và du ngoạn đó đây. Năm 1301 nhân cuộc thăm viếng vương quốc Chàm, ngài hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân. Cả 2 triều đình Chàm và Việt cùng chống đối nhưng vua Anh Tông vẫn vâng mệnh Thượng hoàng gả em gái cho Chế Mân. Ngoài sính lễ, Chế Mân còn dâng 2 châu Ô và Lý. Châu Ô sau đổi là Thuận châu và châu Lý đổi là Hóa châu, nay là nam Quảng bình và bắc Quảng trị.
Chế Mân mất, con là Chế Chí nối ngôi. Chế Chí tỏ ra phản trắc, thường không giữ những điều 2 bên cam kết với nhau. Năm 1311 vua Anh Tông cùng 2 thân tộc là Trần Khắc Chân và Trần Khánh Dư chia làm 3 đạo quân sang chinh phạt. Chế Chí bị bắt giải về Thăng long, sau được phong là Hiệu Thuận Vương. Buồn phiền khiến Chế Chí sinh bệnh rồi chết tại Gia Lâm. Vụ này gây nên mối oán thù của người Chàm.
Biên giới vương quốc Chàm nay lui xuống ngang cửa Đại (Hội an, Quảng nam).
Vương quốc Chàm quật khởi
Cuối thế kỷ 14 nhà Trần bắt đầu suy trong khi ấy vương quốc Chàm hưng thịnh nhờ Chế Bồng Nga có tài thao lược.
Quyết chí lấy lại 5 châu đã mất, Bồng Nga rèn luyện một đạo quân ưu tú, nhất là thủy quân. Khởi đầu Chế Bồng Nga cho quân quấy rối biên giới. Vua Trần Duệ Tông cũng chỉnh đốn lại quân ngũ, đóng thêm chiến thuyền, chuẩn bị lương thực và luyện tập thủy quân. Năm 1377 Duệ Tông thân chinh đi đánh. Thủy quân đổ bộ cửa Thị nại (Qui nhơn) để chuẩn bị tấn công thành Đồ bàn là kinh đô của vương quốc Chàm. Chế Bồng Nga cho một tướng trá hàng và dối trá tiết lộ quân Chàm đã rút khỏi thành chạy trốn. Duệ Tông chủ quan khinh địch, cho quân tiến thẳng vào thành. Không ngờ quân Chàm từ các ngả đổ ra đánh úp. Duệ Tông tử trận, quân sĩ bị tàn sát. Hậu quân do Đỗ Tử Bình chỉ huy không lên cứu viện. Sau này rút về, Tử Bình bị giáng xuống làm lính.
Vài tháng sau Bồng Nga đem thủy quân vào cửa Thần phù (Ninh bình) tiến lên Thăng long, vào thành đốt phá. Thượng hoàng Nghệ Tông phải bỏ thành chạy.
Năm sau, 1378, Chế Bồng Nga lại ra đánh Thăng long, Nghệ Tông và Đế Hiển (nối ngôi Duệ Tông) lại phải bỏ kinh thành chạy.
Năm 1380 và 1382 Chế Bồng Nga ra đánh Thanh hóa và Nghệ an bị Lê Quý Ly và Đa Phương đẩy lui. Năm 1383 Nghệ Tông sai Quý Ly đem thủy quân vào phục thù nhưng bị bão, chiến thuyền hư hại phải quay về. Tới tháng 6 năm ấy Chế Bồng Nga theo đường núi ra đánh Thăng long lần thứ ba và ở lại vài tháng mới về nước.
Năm 1389 Chế Bồng Nga ra đánh Thanh hóa, Quý Ly và Đa Phương bị đánh bại phải rút lui. Nghệ Tông sai Trần Khát Chân ra chặn địch. Trần Khát Chân lập một phòng tuyến ở sông Hải triều (nay là sông Luộc). Chế Bồng Nga đem 100 chiến thuyền tiến vào. Trước đó một tên đầy tớ của Chế Bồng Nga phạm lỗi với chủ, sợ bị trừng phạt nên trốn sang đầu hàng Trần Khát Chân. Tên đầy tớ chỉ cho Trần Khát Chân biết thuyền của Chế Bồng Nga, Trần Khát Chân cho dồn hỏa lực vào thuyền đó. Chế Bồng Nga tử thương, quân Chàm tan vỡ. Tướng La Khải đem tàn quân chạy về nước. Thừa dịp Chế Bồng Nga chết, Khải cướp ngôi vua, gây xáo trộn khiến vương quốc Chàm suy yếu.
Triều đại Hồ và vương quốc Chàm
Năm 1400 ngai vàng nhà Trần chuyển sang nhà Hồ do âm mưu của Hồ Quý Ly ép cháu ngoại là Thiếu đế nhường ngôi cho mình. Để xoa dịu sự bất mãn trong nước, Quý Ly quyết định tạo một chiến công từ nước ngoài. Đỗ Mãn được Quý Ly sai đem 15 vạn quân thủy bộ sang đánh Chàm. Vì thủy bộ phối hợp không đồng bộ, cánh quân theo đường núi bị cạn lương, lính phải lấy áo giáp da nướng ăn. Cuộc hành quân do đó phải hủy bỏ.
Năm 1402 Hồ Hán Thương đem đại quân sang tái tục cuộc chiến. Vua Chàm cho sứ sang xin nhượng đất Chiêm động để bãi binh. Được ưu thế, Quý Ly đòi phải nhượng cả đất Cổ lũy.
Chiêm động đổi ra châu Thăng và châu Hoa, nay là nam Quảng nam. Cổ lũy đổi ra châu Tư và châu Nghĩa, nay là bắc Quảng ngãi.
Trước đây các châu Địa lý, Bố chính, Ma linh, Ô và Lý tuy bị nhượng cho nước ta nhưng người Chàm vẫn ở lại. Họ được tự trị, quan quân ta chỉ bảo vệ an ninh và thu thuế cho triều đình. Di dân Việt sống xen kẽ với người Chàm. Dần dần người Chàm hoặc bị đồng hóa hoặc cùng người Việt lai nhau. Chứng cớ là người Chàm chỉ có tên không có họ. Nay mọi người Chàm đều có đủ họ và tên (?).
Nhưng lần này người Chàm bỏ đi khi Chiêm động và Cổ lũy nhượng cho nước ta. Hồ Hán Thương lập một chương trình di dân quy mô. Dân được chiêu mộ từ Đông đô (Thăng long) trở vào gồm người nghèo và những người phiêu dạt vì loạn lạc hoặc thiên tai. Di dân được cấp trâu bò và nông cụ; nhà giàu hiến trâu bò sẽ được vua phong phẩm hàm. Hồ Hán Thương tổ chức cơ sở hành chính; dân vừa làm ruộng vừa sẵn sàng nhập ngũ khi hữu sự. Trục lộ giao thông được đắp thêm đường và đào thêm sông. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Thục thì đây là “Lần đầu tiên nước ta có chính sách thực dân” (colonialism).
Tiếc rằng nhà Hồ bị chấm dứt sau 7 năm trị vì (1400-1407) do cuộc xâm lược của giặc Minh. Thừa dịp này Chàm lấy lại Chiêm động và Cổ lũy không tốn một giọt máu. Di dân phải rút về Hóa châu.
Triều đại Hậu Lê và vương quốc Chàm
Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua là Lê Thái Tổ.
Tới đời vua Lê Thái Tông, người Chàm cho toán quân tình báo lẻn vào Hóa châu để thu lượm tin tức nhưng bị dân bắt được. Vua ra lệnh cho các địa phương từ Nghệ an trở vào phải tuần phòng nghiêm ngặt.
Năm 1441 và 1445, quân Chàm liên tiếp cướp phá Hóa châu. Nhằm trừng phạt Chàm, năm 1446 vua Nhân Tông sai Lê Thọ đem 60 vạn quân vào đánh. Lê Thọ chiếm Cổ lũy rồi tiến vào cửa Thị nại bắt được vua Chàm là Bí Cái. Người cháu của vua cũ là Ma Ha Quý Lai ra hàng được Lê Thọ lập làm vua. Bí Cái và các hàng tướng bị giải về Thăng long. Vua Nhân Tông chỉ giữ lại Bí Cái còn tha các hàng tướng về nước. Vua nhà Minh can thiệp cho Bí Cái được tha nhưng vua Nhân Tông không chịu.
Năm 1469, quân Chàm lại ra cướp phá Hóa châu. Vua Lê Thánh Tông quyết định thu hồi Chiêm động và Cổ lũy. Cuộc hành quân phối hợp thủy bộ. Đinh Liệt chỉ huy thủy quân. Vua Thánh Tông và đại quân theo đường bộ. Tới Nghệ an thủy bộ gặp nhau. Vua cho thủy quân tập trận trước khi tiếp tục hành quân. Khi đại quân tới Tân áp (nay là Tam kỳ, Quảng nam) vua Chàm cho quân ra chống cự. Nhằm tiêu diệt địch, vua cho 500 chiến thuyền vào Sa kỳ (nay là Bình sơn, Quảng ngãi) để chặn đường rút lui cùa địch, một mặt vua cho thủy bộ tấn công quyết liệt khiến địch phải rút lui. Khi địch rút về tới Sa kỳ bị thủy quân của ta đánh tan. Thừa thắng đại quân tiến vào Thị nại vây thành Đồ bàn. Vua Chàm là Trà Toàn bị bắt và bị giải về Thăng long nhưng bị bệnh chết dọc đường.
Do chiến thắng này, vua lấy đất Chiêm động, Cổ lũy và vùng Thị nại – Đồ bàn, lập thành đạo Thừa tuyên gồm 3 phủ: Thanh hoá, Tư nghĩa và Hoài nhơn. Vương quốc Chàm bị chia ra làm 3 nước: Chiêm thành, Nam bàn và Hoa anh.
Biên giới vương quốc Chàm nay lui xuống phía dưới đèo Cù mông (Bình định).
Các chúa Nguyễn và vương quốc Chàm
Năm 1558 Nguyễn Hoàng được vua Lê và Trịnh Kiểm thuận cho vào trị nhậm Thuận hóa; và 10 năm sau được lãnh thêm Quảng nam (nguyên là Thừa tuyên đời vua Lê Thánh Tông).
Năm 1611 quân Chàm xâm lấn biên giới, chúa Tiên (Nguyễn Phúc Lan) sai Văn Phong đem quân vượt đèo Cù mông đánh đuổi quân Chàm tới núi Thạch bi. Chúa lập ra phủ Phú yên gồm huyện Đồng xuân và huyện Tuy hòa. Văn Phong ở lại giữ an ninh, Lương Văn Chính được chúa giao cho nhiệm vụ di dân và khai thác từ đèo Cù mông tới sông Đà diễn (nay là sông Đà rằng).
Năm 1648 Chúa Thượng (Nguyễn Phúc Lan) đánh thắng quân Trịnh ở Nhật lệ, bắt được một số tướng và 3 vạn tù binh. Chúa tha các tướng về bắc còn 3 vạn lính được đưa vào định cư tại Quảng nam và Phú yên.
Năm 1653 vua Chàm là Bà Tấm xâm lấn Phú yên, chúa sai tướng Hùng Lộc đi chinh phạt. Bà Tấm thua chạy, cho sứ tới xin hàng. Chúa chấp thuận với điều kiện lấy sông Phan rang làm ranh giới. Từ sông về phía tây là đất Chàm, từ phía đông tới Phú yên Chúa lập ra phủ Thái khương (nay là Khánh hòa). Hùng Lộc được Chúa cho trị nhậm phủ mới.
Năm 1692 vua Chàm là Bà Tranh giết hại dân phủ Diên ninh, chúa Ngyễn Phúc Chu cho Nguyễn Hữu Kính đem quân đi tiễu trừ. Bà Tranh bị bắt và bị giải về Huế. Bị giam cầm tại núi Ngọc trản (nay thuộc huyện Hương trà tỉnh Thừa thiên). Bà Tranh bị bệnh chết.
Toàn phần đất còn lại của Chàm được Chúa Nguyễn lập thành trấn Thuận thành, sau đổi là Bình thuận.
Một quan chức Chàm là Kế Bá Tử được Chúa tin cậy phong cho làm Khám lý phủ Bình thuận. Kế Bá Tử cùng vài quan chức cũ của Chàm cai trị người Chàm nhưng phải mặc quần áo như người Việt. Người Chàm nổi lên chống đối dữ dội. Kế Bá Tử phải xin Chúa Nguyễn cho phục hồi vương hiệu Chàm để yên lòng dân. Chúa Nguyễn thuận và phong cho Kế Bá Tử là Phiên Vương phủ Thuận thành. Tuy vậy một số khá đông người Chàm bỏ vào rừng hoặc sang Chân lạp sống lưu vong, sau này là các cộng đồng Chàm ở Tây ninh, Châu đốc và Cam bốt.
Theo ký sự của các sĩ quan trên chiến thuyền Pháp “La Galathée” nhân chuyến viếng thăm Phan rí:
“Triều đình đặt tại Bal Chanar. Bên cạnh vua có một viên quan Việt đứng bên mặt trong buổi chầu và ngồi hàng thứ hai trong Hội đồng hoàng gia. Tại Hội đồng này mọi quyết định đều cần có sự chấp thuận của vị quan này.”
Năm 1822 vua Chàm cuối cùng là Pô Chơn từ bỏ ngai vàng để đi lưu vong bên Cam bốt.
Trong một lá thư của linh mục Lavoué có đoạn:
“Bình thuận đã khác xưa. Vương quốc Chàm không còn nữa, hiện chỉ còn là một tỉnh của Nam Việt và không còn có vua. Viên cai trị là người Nam Việt có đủ uy quyền với thổ dân cũng như với người Nam đến định cư ở đó. Thổ dân có chức việc của họ, những vị này chỉ cứu xét những việc thông thường nhưng khi có lỗi nặng phải có viên quan kể trên.”
Sự suy vong của vương quốc Chàm cảnh giác dân tộc ta về hiểm họa bá quyền của kẻ thù truyền kiếp từ phương bắc.
Bùi Quý Chiến
(Nguồn: Đặc San Lâm Viên)
___________
Tham khảo
– Việt nam sử lược của Trần trọng Kim.
– Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn.
– Việt sử Xứ Đàng Trong của Phan Khoang.
– Dân tộc Chàm – Lược sử của Dohamide và Dorohiem.
– Tập san Sử địa số 19-20 của Đại học sư phạm Sài gòn.
– https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C4%83m_Pa
Trần Văn Giang (st)