Giống đực giống cái trong tiếng Pháp

và Văn phạm rắc rối của tiếng Việt

.

 

 

Chắc chúng ta đều biết tiếng Pháp có một cái khó khi học danh từ là giống đực, giống cái. Đàn ông thuộc giống đực, đàn bà giống cái thì dễ hiểu (L’homme et la femme); Nhưng tại sao cái nhà (la maison) lại giống cái mà cái vườn (le jardin) lại là giống đực?  Trẻ con Pháp nói chuyện hàng ngày tuy đã quen nhưng vẫn sai.

 

Ông Nguyễn Khắc Viện là một trong những người Việt Nam cận đại giỏi tiếng Pháp, là dịch giả của một trong những bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp hay nhất, người đã nhận giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp và ông cũng là tác giả nhiều bộ sách giới thiệu văn hóa, văn học và lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp.  Ông có kể cho bạn bè nghe một câu chuyện vui về cái thắc mắc chuyện giống đực, giống cái như sau:

 

“Năm 1992, lúc mình đã gần 80 tuổi, nhân ở Hà Nội có một bà Bộ trưởng Pháp phụ trách ‘Francophone’ sang, sứ quán Pháp có cho người đến khẩn khoản nói:

 

– Lần này thì phải mời ông gặp bà ấy cho được vì bà ấy phụ trách việc phát triển tiếng Pháp nên cũng rất muốn gặp ông.

 

Tôi hỏi đùa anh bạn Pháp ở sứ quán:

 

– Thế bà Bộ trưởng có xinh không?

 

Anh kia trả lời:

 

– Cũng khá xinh, từng là diễn viên.

 

Tôi nói:

 

– Thế thì tôi sẽ đến.

 

Hôm ấy có mấy chục anh em trí thức Pháp và Việt được mời, có cả ông đại sứ nữa.

 

Bà Bộ trưởng mời tôi phát biểu về vấn đề học tiếng Pháp. Tôi nói nghiêm túc đâu vào đó. Cuối cùng, nói:

 

– Nếu bà Bộ trưởng và các ‘madame’ có mặt ở đây cho phép, tôi xin phép được có một giải đáp cho một thắc mắc về tiếng Pháp mà 70 năm nay tôi không biết hỏi ai.

 

Bà Bộ trưởng nói:

 

– Xin ông cứ tự nhiên!

 

– Tôi nói là tiếng Pháp rất khó để nhớ giống đực, giống cái. Ngay từ thời lên bảy, lên tám, khi học tiếng Pháp chúng tôi đã thắc mắc về cái bộ phận của đàn ông mà không dám hỏi thầy; Vì nếu hỏi sẽ bị đuổi học ngay. Tôi ôm cái thắc mắc ấy 70 năm nay, đã 80 tuổi rồi, ở Pháp cũng như ở đây không ai trả lời cho cả. Nhân dịp được gặp Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiếng Pháp, tôi xin được giải đáp…

 

Thế là cả phòng cười ồ lên vui vẻ và tôi chắc bà Bộ trưởng hiểu được ngay là thứ tiếng bà có trách nhiệm quảng bá trong cộng đồng Pháp ngữ là không dễ dàng gì để học.”

 

Chuyện Mạo từ tiếng Việt cũng làm rắc rối người nước ngoài. Người Việt nói cái bàn, cái nhà, cái gường, cái nón… nhưng không thể nói cái chó, cái mèo mà phải là con chó, con mèo, con người…  Ðồ vật là cái, động vật là con. Bây giờ nhiều cô cậu thanh niên Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ “con Ðờ Rim,” rồi tiếp là “con Su” (Suzuki), “con a còng” (@), “con Tô” (Toyota), “con Mẹc” (Mercedes)…

 

Tôi có anh bạn quen một ông Mỹ, tên Johnson, lấy vợ Việt Nam và sinh sống ở Việt Nam hơn 16 năm. Johnson nói tiếng Việt thông thạo, thuộc nhiều thơ Kiều, Lục Vân Tiên. Tưởng người nước ngoài như thế xem như được Việt hoá rồi. Vậy mà Johnson vẫn lắc đầu than với anh bạn tôi:

 

“Văn phạm của xứ ông cũng rắc rối bỏ xừ! Xem nè, ‘thắng’ và ‘thua’ là hai chữ phản nghĩa chứ gì? ‘Thua’ và ‘bại’ là hai chữ đồng nghĩa, đúng hông? Vậy mà, hai câu nói: ‘Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán’ đồng nghĩa với câu ‘Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán?’ Lại không thể viết là ‘Ngô Quyền đánh thua quân Nam Hán!!!’ Phải không nào? Rồi còn, ‘áo ấm’ tương đương với ‘áo lạnh,’ ‘nín thinh’ giống như ‘làm thinh’ trong khi ‘ấm’ và ‘lạnh’ phản nghĩa nhau; ‘nín’ (không làm!) và ‘làm’ cũng là những động từ đối nghĩa với nhau.

 

Rồi ba hồi mấy ông dùng tiếng Hán như Quốc gia rồi đổi thành tiếng Nôm ra Nhà nước; Trực thăng (có thể không cần chữ máy bay phía trước) thành Máy bay Lên thẳng (phải có chữ máy bay phía trước), Thủy quân lục chiến thì đổi là Lính thủy đánh bộ, sao không gọi luôn là lính nước đánh đất ??? Lễ động thổ thì không thể sửa lại là Lễ động đất mặc dầu là thổđất?…”

 

Có chuyện vui khác liên quan đến hai từ con cái trong tiếng Việt cũng do anh bạn tôi kể lại. Câu chuyện thế này:

 

“Tôi quen vợ tôi, một phần vì yêu các cô gái Việt Nam, một phần cũng để trau dồi thêm tiếng Việt. Hôm hôm chúng tôi ra Hồ Gươm dạo chơi, tôi khen:

 

– Con hồ này đẹp quá!

 

Vợ tôi ‘chỉnh’ liền:

 

– Không, anh phải nói là cái hồ này đẹp quá!

 

Vậy mà đi ngang sông Tô Lịch thấy nước đen ngòm, tôi nói:

 

– Cái sông này bẩn quá!

 

Vợ tôi ‘sửa’ ngay:

 

– Ậy, anh phải nói là con sông này bẩn quá chứ không nói là cái sông!

 

Tôi la lên:

 

– Ồ! Sao lại thế, khi là cái, khi là con, làm sao phân biệt?

 

Vợ tôi ôn tồn giải thích:

 

– Cái gì động dậy, nhúc nhích thì gọi là con, như con sông có nước chảy.  Còn cái gì nằm im như cái hồ nuớc tĩnh mịch thì phải là cái hồ. Con chó, con mèo nó chạy được nên phải là con. Cái nhà, cái bàn, cái cột đèn đâu có di chuyển được nên phải là cái. Rõ chửa?

 

Lúc đó, tôi phá lên cười vì phát hiện một điều vô cùng thú vị:

 

– À, anh hiểu rồi! Tiếng Việt thật hay. Hèn gì cái… cái của anh nó nhúc nhích lên xuống nên phải gọi là con…, còn của… em, nó nằm im rơ một chỗ nên phải gọi là cái, cái… Ha ha…

 

Hôm ấy, tôi bị mấy cái nhéo đau điếng.”

 

 

Khuyết danh

 

___________

Ghi chú

 

Nên biết thêm khi chúng ta nói về Con dao và Cái kéo… Nếu theo luật “động đậy là Con” thì phải nói “Con Kéo” và “Cái Dao” chứ? vì Cái kéo thì mới động dậy chứ Con dao đâu có động đậy gì đâu?

Ngoài ra tiếng Việt còn có “Mạo tự kép.”  Thí dụ như:

Cái con dao này tôi mua đẵ lâu lắm, trong một dịp nghỉ hè….
Cái con sông Hồng, chỗ tại Hà nội, vào mùa cạn, ngày nhỏ, tôi đả từng chạy qua sông mà không bị ướt chân; và lòng sông vì được phù sa bồi nên có chỗ còn cao hơn nhà phố trũng đến 4 mét…

 

 

Trần Văn Giang (st)

.

Giống đực giống cái trong tiếng Pháp và Văn phạm rắc rối của tiếng Việt – Khuyết danh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *