Thuật Xử Thế Của Người Xưa:
Hà Bá Cưới Vợ
.
*
Ngụy Văn Hầu (chữ Hán : 魏文侯; là chư hầu nhà Chu; trị vì nước Ngụy từ năm 403 TCN đến năm 396 TCN) cử Tây Môn Báo làm Thái Thú trấn nhậm Nghiệp Quận. Khi đến nơi nhậm chức, ông thấy Nghiệp Quận với quang cảnh tiêu điều xơ xác, dân chúng thì thưa thớt và hốt hoảng. Tây Môn Báo hỏi thăm vài người dân ở đó, họ bảo:
– Nghiệp Quận khổ vì có nạn “Hà Bá cưới vợ!”
Ông ngạc nhiên hỏi:
– Hà Bá mà biết cưới vợ ư?
– Thưa ngài, Hà Bá là thần sông Chương này. Thần rất thích vợ đẹp, mỗi năm bắt dân phải nộp một thiếu nữ có nhan sắc, thần mới cho mưa thuận gió hòa. Nếu không thần sẽ cho bão lụt, dâng nước cuốn trôi nhà cửa.
Tây Môn Báo hỏi:
– Ai bày ra việc ấy?
– Bọn đồng cốt và Tam lão (Tam lão là ba ông lão già làng có uy tín, thay mặt chính quyền địa phương giải quyết việc làng). Dân làng ở đây rất sợ Hà Bá làm lũ lụt. Hàng năm bọn đồng cốt, Tam lão, Hào trưởng còn bắt dân phải nạp mấy trăm quan tiền để làm việc cúng “Hà Bá cưới vợ.” Mỗi năm chúng bắt đầu đi dạo, thấy nhà nào có con gái thì chúng nói: “Xứng đáng làm vợ Hà Bá.” Nhiều người sợ phải nạp tiền thật nhiều cho chúng, nhà không tiền thì đành phải nạp con gái. Chúng chọn ngày tốt bắt kẻ xấu số kia đi tắm sạch sẽ, mặc đồ đẹp cho ngồi vào thuyền cỏ, đẩy ra giữa sông. Thuyền cỏ chìm, thiếu nữ ấy cũng biệt tích. Nhiều người nghèo không tiền đành đi trốn, vì vậy Nghiệp Quận ngày càng thưa dân.
Tây Môn Báo nói:
– Hà Bá đã thiêng như vậy, thì hôm nào tới ngày “Hà Bá lấy vợ” cho ta biết để ta hợp sức mà cầu.
Đến ngày đó, Tây Môn Báo mặc triều phục chỉnh tề ra bờ sông, thấy Hào trưởng, Đồng cốt, Tam lão và dân chúng cả ngàn người kéo đến xem. Bọn Tam lão đưa một bà đồng cốt đến, vẻ mặt cực kỳ kiêu ngạo, theo sau chừng hai chục đệ tử đồng cốt, trang phục rất diêm dúa.
Tây Môn Báo bảo bà đồng:
– Hà Bá là Phúc thần thì phải tìm một thiếu nữ thật đẹp mới được, ta coi cô gái này nhan sắc chưa xứng. Phiền mụ xuống nói với Hà Bá rằng, vâng mệnh quan Thái thú, xin thần cho hoãn để đi tìm một thiếu nữ nhan sắc khác và sẽ nạp sau!
Tây Môn Báo nói rồi sai lính khiêng ném bà đồng xuống sông một cái ùm. Ông bình thản ngồi im lặng chờ đợi. Hồi lâu không thấy động tĩnh gì, Tây Môn Báo mới nói tiếp:
– Có lẽ bà đồng này tuổi đã già lẩm cẩm và quờ quạng không làm được việc, đi đã lâu mà không thấy trả lời. Các đệ tử hãy xuống giục bà ấy lên cho ta mau!
Nói xong bắt hai đệ tử của bà đồng thảy cái rụp xuống sông. Rồi ông cũng ngồi im như trước. Một lúc sau, Tây Môn Báo lại nói:
– Sao lại không thấy lên?
Rồi sai hai đệ tử khác “đi giục,” lại chê chậm, rồi lại cứ như thế mà tiếp tục bắt liệng xuống sông, 2 đứa mỗi lần… cho đến hết đám đệ tử (!)
Kế tiếp, Tây Môn Báo quay qua nói với Tam lão:
– Họ là những người yếu đuối ngu muội nông nổi, ăn nói không rõ ràng. Phiền Tam lão xuống nói giúp cho minh bạch hơn.
Tam lão không chịu đi. Tây Môn Báo hét:
– Đi mau lên, rồi về nói lại cho ta biết sau!
Lính lôi Tam lão đẩy ùm một lượt xuống sông. Mọi người khiếp sợ tản thần. Tây Môn Báo đứng chắp tay kính cẩn đợi chờ, hồi lâu nói:
– Tam lão cũng không xong việc. Đành phải phiền đến các Hào trưởng vậy.
Các Hào trưởng cả sợ, vập đầu xuống đất lạy đến chảy máu. Tây Môn Báo nói:
– Nước sông cuồn cuộn, Hà Bá chỗ nào? Các ngươi hại không biết bao nhiêu thiếu nữ vô tội ở vùng này. Phải đền mạng cho họ!
Các Hào trưởng vừa lạy vừa nói:
– Chúng tôi bị đồng cốt lừa dối.
Tây Môn Báo nói:
– Bà đồng chết rồi, từ nay kẻ nào nói “Hà Bá cưới vợ” ta sẽ trị tội. Còn bọn Hào trưởng đã lấy của dân bao nhiêu thì nay phải trả lại cho đủ số.
Từ đó việc đồng cốt ở Nghiệp Quận mới dứt.
Lời bàn:
Đồng cốt là một trong những việc mê tín của thời thượng cổ. Thậm chí cho đến hôm nay trên Việt Nam, nhiều nơi vẫn lén lút sinh hoạt. Chuyện “cảm ứng” chưa chắc đã không có nhưng nó không sinh lợi cho nhân sinh. Qua truyện này ta thấy, đám đồng cốt là một lũ dã man, phi nhân cấu kết với đám cường hào để hại dân, hại nước. Chúng lợi dụng lòng tín ngưỡng chất phác của dân, đưa dân vào con đường mê tín.
Tây Môn Báo đến Nghiệp Quận thấy cảnh vật tiêu điều buồn bã, dân tình không có sinh khí, những gương mặt héo hắt sầu thảm, hỏi ra mới biết nguyên nhân. Ông không vội vàng hấp tấp, hoặc ra lệnh bắt bớ, vì làm như vậy không thể hốt được trọn ổ, và cũng có thể va chạm sự tín ngưỡng cố hữu của dân. Hồi đó họ đâu phân biệt được đâu là tín ngưỡng và mê tín. Ông phải chọn cách trừng trị bọn dã man mà không ai phản đối, không va chạm đến tín ngưỡng của dân, mà còn làm cho dân ý thức được rằng bọn đồng cốt là lũ lường gạt, buôn thần bán thánh, là đám giết người cướp của một cách công khai, tội còn nặng hơn những tên cường đạo.
Tây Môn Báo tham dự buổi lễ “Hà Bá cưới vợ,” với vẻ trang nghiêm kính cẩn, vẫn mặc đồ đại lễ và có một vài tên cận vệ mang hoa quả theo, vờ như tin “Hà Bá cưới vợ” là chuyện có thật. Cứ để mụ đồng nhảy nhót với gương mặt kiêu ngạo, như bao nhiêu lần kiêu ngạo trước đây. Viên Thái thú nhìn gương mặt cô gái được đem nộp làm vợ Hà Bá rồi lắc đầu nói: “Coi cô gái coi này không xứng. Phiền bà đồng xuống nói với Hà Bá rằng, vâng lệnh quan Thái thú đi tìm một thiếu nữ có nhan sắc và sẽ nạp sau!” Vì Hà Bá ở dưới nước nên bắt bà đồng thảy xuống nước, rồi ngồi đợi, vờ như bà đồng sẽ lên phúc đáp thật (!) Các bà đồng phụ tá với son phấn diêm dúa, gương mặt tự đắc khi nãy với đôi mắt trắng nhợt, giờ có lẽ hơi xuống sắc, cũng lần lượt ra đi, mà không thấy Hà Bá đâu? Cũng không thấy ai trở lại phúc đáp gì cả! Bây giờ dân chúng mới hiểu rằng, không có sự linh ứng nào ở đây cả. Rõ ràng bọn này là lũ lường gạt hại người.
Tây Môn Báo đã làm cuộc hồi sinh cho Nghiệp Quận. Nếu giết những tên bất lương mà Nghiệp Quận vẫn còn “nước dâng cuốn nhà,” thì dân chúng phải nghĩ là Hà Bá nổi giận thật (!) Bởi vậy ông phải làm cho ra lẽ. Sử nói:
“Tây Môn Báo cho quân lính hợp với dân chúng đào 12 con rạch từ sông Chương ra sông Hoàng Hà (cách nhau khoảng 120 km), nhờ vậy mà Nghiệp Quận không còn lũ lụt nữa. Đến đời Vũ Đế đời Hán, các quan nói làm đường cho vua đi, ra lệnh lấp các con kênh đó, dân chúng nổi lên phản đối, với khẩu lệnh ‘Phép tắc của bậc tiên hiền để lại không được thay đổi.’ Nghiệp Quận từ đó trở thành khu trù mật, dân cư sầm uất, là một trung tâm kinh tế lớn của Ngụy, nên người ta gọi là Nghiệp Quận là Nghiệp Đô.”
Tây Môn Báo là ông quan sáng suốt và mẫu mực. Sử ký nói:
“Tây Môn Báo cai trị Nghiệp Quận dân không dám dối.”
Ngô Nguyên Phi
Trần Văn Giang (ghi lại)
.