Quê hương trong trí nhớ
.
“Quê hương nếu ai không nhớ
Chắc không lớn nổi thành người.”
Có những đêm khó ngủ, lòng chợt nhớ quê hương da diết. Thôi thì tôi ngồi dậy gõ vài chữ coi như được dịp tâm tình với bạn đọc:
Sóc Trăng quê tôi đó, nằm bên bờ hữu ngạn sông Hậu Giang. Bắc giáp 2 tỉnh Cần Thơ và Trà Vinh, Đông giáp biển Nam Hải, Nam giáp tỉnh Bạc Liêu và tây giáp tỉnh Chương Thiện. Dân số toàn tỉnh có khoảng 300 ngàn dân (năm1972), gồm 3 sắc dân chính là: người Việt, người Hoa Kiều và người Miên (Khmer). Gần như mỗi sắc dân chiếm một phần ba của tổng số dân số, 3 dòng văn hóa đi song với nhau như ba sọc đỏ trên nền cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa, và họ sống với nhau thật là êm thắm thuận hòa đã trên 200 năm rồi, chớ đâu ít ỏi gì.
Bắt đầu nói về người Việt trước. Trước hết xem lại lịch sử tại sao người Việt có mặt tại vùng nầy: Vào thế kỷ XVI (16) sau khi Nguyễn Kim mất, cơ nghiệp của họ nầy lại lọt vào tay người con rể của ông là Trịnh Kiểm, Trịnh Kiểm rất bạo tàn đã giết chết con trai lớn của ông. Nguyễn Hoàng là con trai thứ, sợ quá nên mới nhờ chị của mình xin với Trịnh Kiểm cho vào vùng đất đằng trong. Khi Nguyễn Hoàng đã thoát được tay Trịnh Kiểm thì ví như hổ được mọc thêm đôi cánh, ông và các con cháu sau nầy quyết bành trướng về phương nam như: diệt Chiêm Thành, bức hiếp Vương Quốc Khmer bằng vũ lực hoặc bằng chánh trị vì vậy người dân Việt dần dần có mặt đến tận mũi Cà Mau. Chi tiết nầy sẽ nói rõ thêm trong phần viết về sắc dân Khmer. Tôi nhớ một học giả người Pháp khi viết về dân tộc Việt khẳng định rằng: “Mỗi người đàn ông Việt Nam luôn có ông quan nhỏ trong lòng,” điều nầy tôi thấy cũng đúng thôi, bởi dù còn 2 sắc dân khác bên cạnh nhưng người Việt chọn cách sinh sống là làm việc trong chánh quyền từ tỉnh, quận, xã đến nông thôn hoặc đi lính, rồi làm nhiều loại thợ, tài xế v..v… cuối cùng là làm nông.
Bây giờ nói tới sắc dân Hoa Kiều, không biết người Hoa đến với nước ta vào thời kỳ nào. Có người nói chắc đâu vào thế kỷ III (Thứ 3?) Nhưng với biên giới núi liền núi, sông liền sông thì làm sao kiểm soát được chuyện leo rào, nhập cảnh lậu? Còn theo lịch sử thì người Hoa đến Việt Nam trong lần nhiều nhất có đến ba nghìn người là vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Nhóm theo Trần Thượng Xuyên được phép khai thác, mở mang cù lao Phố, Biên Hòa, còn nhóm theo Vương Ngạn Địch khai thác vùng Mỹ Tho và sau cùng là nhóm Mạc Cữu thì mở mang vùng Hà Tiên. Rồi lần hồi người trong nhóm tách rời khỏi các nhóm của họ mà đến nơi nào xét ra làm ăn thuận lợi. Đến thế kỷ XIX (Thứ 19), toàn quyền thực dân Pháp lại cho người Hoa nhập cư thêm khoảng vài chục ngàn người nữa để những người nầy khai thác vùng đất còn rất hoang du của Bạc Liêu và Cà Mau.
Sở dĩ tôi biết kha khá về người Hoa là tôi nhờ thằng bạn người Hoa của tôi tên là Ngọc, bảo là bạn, chớ thật ra nó lớn hơn tôi đến 3 hoặc 4 tuổi nhưng nó học chung lớp với tôi kể từ năm đệ Thất. Tôi, sau khi đủ điểm trong các kỳ thi lục cá nguyệt nên được miễn thi bằng Tiểu Học, đây cũng là năm đầu tiên Bộ QG/GD cho đặc ân nầy (1958) rồi sau đó tôi vào lớp đệ thất trường tư, còn nó sau khi đã xong trung học đệ nhất cấp của trường Tàu “Dục Anh” ở Sóc Trăng cũng vào đệ Thất trường Việt giống như tôi. Xin nói thêm học sinh trường người Hoa khi bắt đầu vào trung học, họ được học sinh ngữ Việt, cho đến khi họ xong cấp I trung học, nghĩa là họ có 4 năm học Việt ngữ coi như tương đương bằng tiểu học của trường Việt, nó và tôi tiếp tục học chung 4 năm đệ nhất cấp.
Bây giờ xin trở lại bài viết chính, có năm bang phái người Hoa đến Việt Nam là: Phúc Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ và Hải Nàm. Mỗi bang phái đều có ngôn ngữ riêng biệt, có nghĩa là họ không thể nói và hiểu được nhau gì cả, ngoại trừ bang Quảng Đông và Hải Nàm cùng nói chung thứ tiếng Quảng Đông nên hy vọng họ hiểu nhau được. Sở dĩ tôi nói “hy vọng” là vì tiếng nói còn chịu âm hưởng của phong thổ, thí dụ như người miền Tây chúng tôi rất khó hiểu người Quảng Bình hay Quảng Trị dù là cùng chung một nước. Riêng tỉnh tôi dường như thấy có 3 bang mà thôi. Bang Phúc Kiến có thể nói là bang trí thức và sang cả nhất của người Hoa, họ thường được đề cử giử chức vụ làm “ông Bang” tức là người đại diện của toàn thể người Hoa trong tỉnh, họ sống với nghề mở tiệm thuốc bắc, phòng làm răng và các dịch vụ thương mãi lớn, kế đến là bang Quảng Đông, phải nói là tôi cảm tình nhiều với bang nầy có lẽ vì tôi “hẩu xực” (khoái khẩu) từ các món ăn của họ.
Cũng giống người Phúc Kiến, người Quảng Đông thích sống ở thành phố hơn thôn quê, kinh doanh chính là mở nhà hàng, khách sạn và vài ngành nghề khác nữa và đặc biệt là tiệm nước. Tiệm nước có nghĩa là nhà hàng bán cà phê vớ (bí tất) với thức ăn sáng luôn bày sẵn trên mặt bàn như: bánh bao, xíu mại, há cảo, dầu chấu quẩy, bánh tiêu, bánh bò, bánh nếp nhân thịt vv…. đã thế bên ngoài còn có thêm xe hủ tiếu, mì phía trên nóc xe có vẽ tranh trên kiến soi gương nhiều điển tích như Lã Bố đại chiến với tam anh hùng Lưu, Quan, Trương hoặc Tiết Nhơn Quí chinh đông, chinh tây v..v… Xe mì thường bán suốt ngày từ lúc mở cửa cho đến khi đóng cửa, còn các loại bánh ăn sáng như bánh bao, xíu mại, há cảo… thì được thay thế bằng bánh ngọt vào xế trưa như: bánh quai chèo, bánh gan, mè láu, bánh in, bánh pía, bánh bông lan v..v… và tất cả cũng đều bày trên mặt bàn như thức ăn buổi sáng, thực khách muốn ăn thứ nào cứ tự nhiên nghen, nhớ ăn xong ra cửa trả tiền là được rồi. Còn một cái tôi thích ở người Quảng Đông nữa là cái âm của tiếng Quảng Đông cũng hơi giống như cái âm của Hán Văn. Đây cũng là môn học mới mà bộ QG/GD buộc chúng tôi phải học coi như là sinh ngữ II sau sinh ngữ chính là Pháp Văn ở vài năm đầu cấp trung học. Xin thí dụ:
Tiếng Việt Hán tự Tiếng Quảng Đông
Lớn Đại Tài
Nhỏ Tiểu Xiểu
Ăn Thực Xực
Uống Ẩm Nhẩm
Cơm Phạn Phàn
Tiếng Việt đếm số: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bẩy, tám, chín, mười.
Hán tự: nhất, nhì, tam, tứ, ngũ, lục, thất, bát, cửu, thập.
Tiếng Quảng Đông: dách, dzì, xám, xây, ựng, lục, xất, bát, cẩu, xập.
Xin hỏi quý vị có thấy cái âm của Hán Văn gần giống cái âm của tiếng Quảng Đông phải không nào? Theo tôi nghĩ thì tiền nhân của chúng ta khi học chữ thánh hiền, thay vì dùng hẳn lối phát âm của Quảng Đông nhưng vì tự ái dân tộc mà tạo lối phát âm riêng trài trại ra vậy thôi. Bây giờ coi như tạm xong chú ba Quảng Đông, tới lượt nói về chú ba Triều Châu. So với 2 đại ca trên thì người Triều Châu thua kém hơn nhưng tính cần cù, chăm chỉ, siêng năng của người Triều Châu thì khó ai bì kịp. Một nửa dân Triều Châu cũng ở tại phố chợ cũng có nhà buôn, nhà máy xây lúa v..v… còn một nửa thích ở vùng ngoại ô sống nghề làm rẫy, trồng trọt các thứ như: rau củ, trà tươi, bầu bí, ngô khoai v..v…
Đến đây xin nói sơ qua về tín ngưỡng của người Hoa, hầu hết người Hoa theo Phật giáo phái Đại Thừa. Tuy vậy đức tin của họ rất là phong phú đa dạng, có người nói có lẽ người Hoa bị tiêm nhiểm quá nhiều loại sách xưa như Phong Thần, Tây Du Ký, đệ nhất, đệ nhị Tài Tử thư v..v… nên họ tin trên trời có Ngọc Hoàng Thượng Đế, dưới âm phủ thì có Diêm Vương, thập điện để trị tội những người làm ác. Chưa hết đâu, họ còn lập đình thờ những danh tướng anh hùng đã tuẩn tiết vì họ tin những vị nầy đã hiển thánh (sinh vi tướng, tử vi thần). Điển hình như ông Bổn: tức là danh tướng Nhạc Phi thời nhà Tống. Theo tổ sư viết truyện Chưởng Kim Dung: Nhạc Phi là học trò của Châu Đồng chân nhân nghĩa là ông nầy là sư đệ của Đông Tà Hoàng Dược Sư (ông bố của Hoàng Dung, cha vợ của Quách Tỉnh), ông lãnh ấn vua đi đánh nước Kim nhưng ông bị gian thần Tần Cối hãm hại, sau khi ông bị bức tử thì hiển thánh. Còn vợ chồng Tần Cối thì bị người Hoa rất câm ghét nên họ làm “dầu chấu quảy” mà tưởng chừng là hình hài của vợ chồng y, mà bỏ vào chảo dầu sôi mà chiên lên ăn. Kế đến họ thờ ngũ tướng có công tạo dựng nước Tây Thục thời Tam Quốc: Lưu Bị, Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi và Triệu Tử Long, đó là những nhân vật rất quang minh lỗi lạc, đức độ khó ai sánh bằng cho nên người Hoa hâm mộ là vậy. Rồi đến thờ đức bà Thiên Hậu, theo truyền thuyết bà nầy hay ra tay cứu vớt những người bị nạn trên sông, trên biển giống như đức Quán Thế Âm Bồ Tát… Đó mới nói những đình thờ ở địa phương nơi họ sinh sống thôi, chứ còn trong nhà thì họ lập một bàn thờ bằng gỗ quý ở giữa nhà để thờ gia tiên, ông bà và phía trên thì có thêm một vài cái khánh nhỏ để thờ đức Quan Công hay đức bà Tây Vương Mẫu, còn dưới sàn nhà họ thờ 2 vị: Thần Tài và Thổ Địa, ngay khu nhà bếp cũng có kê tấm ván nhỏ lên vách để thờ Táo Quân…
Theo nhận xét chung thì dân Hoa kiều rất thông minh, họ thành công trong lãnh vực kinh doanh buôn bán. Nhiều người cho rằng sở dĩ họ thành công là do vài nhân tố đặc biệt như: Tinh thần đoàn kết, luôn hổ tương cho nhau, kế đến cách phục vụ khách hàng thật chu đáo của họ. Hãy kiểm chứng những điều đó: khi bạn đi vào con đường Đồng Khánh, Chợ lớn sẽ bạn ngạc nhiên khi thấy trên một đoạn đường ngắn thôi mà có những 9,10 gian hàng bán đồ chạp phô (bách hóa), hàng hóa bày bán rất là giống nhau, nhưng lạ một điều không hề có sự canh tranh, giả dụ như hạ giá để kiếm được nhiều khách hàng hơn các cửa hàng bên cạnh như các sắc dân khác thường hay làm, mà trái lại họ còn hổ trợ cho hàng xóm của mình khi mình có dịp may mắn bán được nhiều hàng như ngày hôm nay. Theo như người bạn tôi kể: Một lần nọ, anh vào một trong những tiệm đó, anh chứng kiến: có một khách hàng vào đây hỏi mua đến 10 chiếc đèn dầu “manchon” nhưng ông chủ tiệm nầy có khoảng 6,7 cái gì đó thôi, rồi ông chủ tiệm vui vẻ nói với khách hàng: “Hãy chờ tôi chốc lát, tôi ra nhà kho lấy thêm cho đủ 10 cái,” chắc quý vị không ngờ là ông chủ nầy đã qua nhà bên cạnh lấy thêm vài cái cho đủ số hàng mà khách yêu cầu. Rồi sau đó ông chủ tiệm nầy sẽ trả tiền cho ông hàng xóm 3 cái đèn đúng y với giá tiền mà ông bán ra cho khách hàng (tức là khoảng 500 đồng cho mỗi chiếc). Coi như là như ông giúp cho ông hàng xóm bán được 3 chiếc đèn “manchon” hôm nay, chớ không phải là: trả lại giá vốn cho ông hàng xóm đâu nhé (chừng 350 đồng/mỗi chiếc). Đó, quý vị thấy có khâm phục cách làm ăn buôn bán của người Hoa chưa? Đúng là “Làm vui lòng khách đến và hài lòng khách đi.” Xin kể tiếp một chuyện nữa: năm 1972 tôi có dịp đến Hồng Kông và vào lúc đó tại một rạp chiếu phim nhỏ ở đây đang chiếu phim “Hà Nội một ngày,” đây là phim tuyên truyền của Cộng Sản bắc Việt. Do tính hiếu kỳ, tôi lấy vé vào xem: phim trắng đen, kỷ thuật thu hình ôi sao quá kém so với phim ảnh miền Nam chúng ta. Cốt chuyện nói về sinh hoạt của dân chúng trong một ngày, như là công nhân đang làm việc trong nhà máy, thợ thuyền trong cơ xưởng sản xuất v.v… Nhưng mỗi khi nghe còi hụ báo động: có tàu bay Mỹ đến bắn phá, thì tất cả mọi người đều chạy nhanh ra hầm trú ẩn hoặc công sự chiến đấu rồi chĩa mũi súng AK thẳng lên trời để bắn máy bay Con Ma “Phantom” (chuyện nầy cấm cười đấy nhé!). Ý của tôi muốn nói ở đây là: mặc dù CS Hà Nội rất là ma mãnh, thế mà ngay giữa lòng Hà Nội, tôi không biết là ở phố nào nhưng có rất nhiều khu buôn bán lớn của người Hoa, ngay bảng hiệu, họ cũng viết toàn bằng chữ tàu, y chang trong khu vực Chợ Lớn của miền Nam vậy.
Bây giờ sẽ nói về người Miên. Phải nói đây là một điều đau buồn cho sắc dân Khmer, một sắc dân bị xem như là khách, là dân thiểu số trong khi họ đang sống trên mảnh đất mà xưa kia ông cha họ đã từng làm chủ, cũng giống như dân da đỏ hiện đang ở Bắc Mỹ. Trở lại lịch sử: Trước công nguyên, vương quốc Phù Nam với một nền văn minh Óc Eo thì phải gọi là đế quốc Phù Nam mới đúng, sau đó lại bị Chân Lạp (Chenla) xâm chiếm, Chân Lạp chia nơi đây ra làm 2 miền: Thủy Chân Lạp là vùng gần bờ biển và Lục Chân Lạp tức là vùng đất cao phía bắc Phnom Penth, nhưng rồi vào thế kỷ VIII (Thứ 8) Chân Lạp cũng do nội chiến mà suy yếu, để rồi sang thế kỷ IX (Thứ 9) thì bị dân Khmer thôn tính, rồi Khmer xây dựng Vương quốc Ankor ở nơi đây. Đến thế kỷ XVI (Thứ 16) Vương quốc Ankor lại suy nhược phải thần phục nước Xiêm La. Cùng thời gian nầy, ở đằng trong con cháu các chúa Nguyễn đang ráo riết mở mang bờ cỏi về phương nam với binh lực thật là hùng mạnh. Chuyện nầy đã thấu tai quốc vương Khmer nên Chey Chetta II (đệ Nhị), hắn ta rất muốn nhờ tay chúa Nguyễn đẩy lui quân Xiêm La ra khỏi đất nước, chính vì vậy Chey Chetta II đã phải cầu hôn công nương Ngọc Hạnh, con của chúa Nguyễn Phúc Nguyên…
Nói đến bước đường nam chinh, sở dĩ thành công dễ dàng như vậy, không thể nào chúng ta không nhắc đến cái công lớn của hai bậc nữ lưu vọng tộc, đó là:
1) Huyền Trân công chúa con vua Trần Nhân Tông chịu hy sinh lấy ông vua hời: Chế Mân để có được 2 châu Ô, Lý. Người đời rất cảm thương thân phận của bà nên hát câu: “Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo…”
2) Vạn Hạnh công nương thời chúa Nguyễn chịu gả cho vua Miên, rồi bà nầy đã òn ỷ xin với chồng cho dân Việt được định cư trên đất Miên, đây là cũng bước đầu cho việc bành trướng vùng đất phương nam mênh mông bạt ngàn. Có người gọi bà là công chúa nhưng tôi nghĩ nên gọi bà là công nương thì đúng hơn bởi vì thời bấy giờ vẫn còn là vua “thời hậu Lê”, cho nên các vị chúa Trịnh hay chúa Nguyễn coi như các lãnh chúa chư hầu ở thời Xuân Thu: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Công vậy thôi. Số đất đai mà quan quân chúa Nguyễn lấy được từ Khmer thật là nhiều, cho đến khi bọn Thực Dân Pháp chiếm được Đông Dương, họ vẽ lại ranh giới các nước Việt, Miên, Lào làm chúng ta mất đi một phần đất đáng kể… Hãy xem bản đồ Việt Nam vào thời vua Minh Mạng để biết thêm (?)
Bản đồ nước Việt Nam thời Nhà Nguyễn
Phần kể câu chuyện nguồn gốc người Miên có mặt tại tỉnh của tôi, thấy cũng tạm đủ rồi bây giờ nói tiếp phần lối sống và sinh hoạt của sắc dân dễ thương nầy. Thường thì người Miên ở thành phố rất ít, trừ những gia đình phục vụ trong quân đội, và một số ít người làm nghề buôn bán, kỳ dư họ sống ở ngoại ô, trong cái buôn sóc riêng biệt của họ, trong những căn nhà ọp ẹp bên cạnh ngôi chùa gạch ngói mái cong, nền đúc cao trông thật là nguy nga tráng lệ và có trên trăm tuổi. Toàn tỉnh có chừng khoảng một trăm ngôi chùa như thế có nghĩa có chừng 100 sóc tương đương, sóc lớn có vài ngàn người, như sóc Đại Tâm (Sài Ca Nã) cuối sân bay Sóc Trăng mà nhiều người biết và có những sóc nhỏ khoảng chừng 8, 9 trăm người (Phần nầy, tôi biết được là nhờ người bạn tôi: Lâm Pặc, ở Sóc Vồ cách thị xã Sóc Trăng chừng 3 cây số kể lại). Người Miên ở trong sóc thường làm nghề nông, họ chỉ mướn một ít ruộng đủ để làm thôi ngoài ra họ trồng thêm hoa màu phụ như bắp, khoai, rau củ v..v… hàng năm vào khoảng tháng chín hoặc mười thì họ bắt đầu trồng thêm dưa hấu để bán vào dịp Tết. Dưa hấu người Miên rất ngon, họ thường chọn giống ruột vàng rồi họ tỉa bỏ bớt trái lúc nhỏ, một dây dưa chỉ còn chừng 2 hoặc 3 trái thôi, vì thế trái rất lớn nên người Việt rất ưa chuộng thường mua về chưng theo mâm hoa quả trên bàn thờ vào ngày Tết.
Hầu hết người Miên theo đạo Phật phái Tiểu Thừa khác với người Việt và Hoa. Đại Thừa hay Tiểu Thừa nếu được hiểu như phái bảo thủ và phái cấp tiến thì chắc không sai lắm. Còn một điều cần nói thêm nữa là tôi chưa thấy có dân tộc nào trên thế giới mà cúng dường vào tôn giáo của mình nhiều như người Miên. Họ có thể cúng khoảng trên 40% hay hơn nữa vào ngôi chùa nơi họ cư ngụ. Ngôi chùa đối với họ thật là thiêng liêng trọng đại vì là nơi hội họp khi có chuyện cần giải quyết, nơi phổ biến tin tức cho người dân trong sóc, rồi là nơi giải trí: Chùa thường mời những gánh “Dù Kê” (giống như cải lương của người Việt) đến đây trình diễn mỗi khi có lễ lộc hoặc sau khi xong mùa vụ, chùa còn là trường học dạy chữ Miên và đạo lý cho con em của họ và điều sau cùng: đây là nơi họ gởi xương cốt sau khi quy tiên. Cũng chính vì thế mà vai trò của vị Sãi Cả (Hòa Thượng trụ trì) rất là quan trọng và uy quyền. Cũng xin nói sơ về hỏa thiêu của người Miên, người Miên sau khi chết thì thi thể được tắm rửa sạch sẽ và có ban chuyên môn về hỏa táng đến cắt gân ở lưng, khủy tay và đầu gối xong rồi mới tẩn liệm vào chiếc quan tài bằng gỗ tạp rẻ tiền (vì sau đó sẽ đem đốt) bên ngoài chiếc hòm thì được lấp ráp thêm những mãnh ván gỗ quí chạm trổ hoa văn sơn phết đủ màu sắc trông thật rực rỡ (phần nầy mượn ở chùa), quàn ở nhà không bao lâu thì phải đem thiêu. Hỏa táng thường thực hiện ở một đám đất nào đó, trước hết họ đào cái hố lài lài chất đúng một thước củi (loại củi đước) phía dưới và gát vài thanh sắt bên trên để chịu đựng chiếc quan tài, kế đến dùng đúng một thùng thiếc dầu hỏa (“kerosense”) chừng 20 lít rưới lên củi, bật lửa lên đốt và cho đến khi cháy hết củi thì thân xác chỉ còn lại mớ xương vụn, họ nhặt lên, rửa sạch bằng rượu, xong cho vào thố sành mang về chùa đặt vào tháp chứa xương cốt, đến đây thì công việc hỏa táng mới thật sự hoàn tất. Bây giờ có bạn thắc mắc hỏi tại sao trước khi tẩn liệm lại cắt gân làm chi? Xin thưa vì nếu không cắt thì khi đốt cơ thể sẽ co quặp bởi do gân bị rút lại, đứng ở xa nhìn vào cũng giống như người chết tự động ngồi dậy, trông rất dễ sợ. Họ đã chứng kiến nhiều lần như vậy nên họ nghĩ ra cách là nên cắt gân.
Để đúc kết phần nói về người Miên, tôi xin kể chuyện ngoài lề một chút nhưng vẫn có dính dáng với vị sãi Cả. Chuyện là gia đình tôi theo đạo Phật, bên họ ngoại tôi tu hành tinh tấn lắm, cậu lớn của tôi là cố Hòa Thượng Thích Hồng Chánh trụ trì ở chùa Long Hưng, cũng là người sáng lập tư thục Bồ Đề ở Sóc Trăng. Mẹ tôi sau ngày nghỉ buôn bán thường tìm vui bằng cách đi thăm viếng chùa chiền trong tỉnh, kể ra thì bà cúng bái rất nhiều chùa nhất là sau khi bà biết thằng con Út của bà phục vụ trong quân chủng kiêu hùng nhưng không kém phần nguy hiểm. Rồi do một cái cơ duyên nào đó bà đã được vị sãi Cả chùa Miên ở Trà Quýt, một xã nhỏ nằm khoảng nửa đường Sóc Trăng – Phụng Hiệp, đưa cho bà một lá bùa, gọi là “Cà Tha” chăng? Nhờ bà trao lại cho thằng nhỏ, tức là tôi và nhớ nói với tôi luôn giữ trong người thì sẽ được tai qua nạn khỏi. Thật tình mà nói tôi cũng chưa thấy lá bùa đó ra sao cả, bởi vì nó đã được mẹ tôi bọc vải đỏ và khâu kỷ lại lớn độ bằng cái thẻ “Credit card” rồi trao cho tôi. Nói thật thì tôi không tin lắm mà nghĩ thực tế hơn: trước nhất là phải sống sao cho có đạo hạnh, nghĩa nhơn (chữ Tâm kia… mới bằng ba chữ tài, đức năng thắng số mà lị), kế đến là mình phải luôn học hỏi trao dồi nghề nghiệp và luôn trao đổi những kinh nghiệm quý báu với bạn bè thì đó mới là cách vượt được mọi nguy hiểm. Tuy nói vậy, do tôi không được sống gần cha nhiều, bởi cha mất sớm nên tôi rất yêu quí mẹ mình, tôi luôn nghe lời bà là đặt lá bùa đó trong túi áo bay bên trái mỗi lần đi bay và nghĩ rằng nếu một mai “Phi bào thay chiếu, con về đất” thì hình hài nầy vẫn còn lưu giữ chút kỷ vật của mẹ trao. Và tôi để ý thấy rằng từ ngày nghe lời mẹ thì những lần ra trận, tàu bay thì vẫn bị trúng đạn địch quân như thường lệ, nhưng tôi có phần bình tỉnh hơn, quyết định sáng suốt hơn ở trận mạc. Lá bùa linh thiêng? Hay trong tôi luôn có hình ảnh mẹ yêu, bằng mọi cách nhất định tôi phải trở về để mẹ khỏi phải mong chờ…
Rất có thể phần viết phía trên, có vài bạn nhìn với một khía cạnh nào đó cho là tôi viết có ý kỳ thị sắc tộc, nếu bạn nào nghĩ vậy thì tôi xin lỗi chứ thật tình tôi không có ý đó. Mà kỳ thị cái mốc xì gì, khi tất cả mọi người sống trong nước Việt Nam Cộng Hòa đều là công dân Việt cả mà. Tôi nhớ ở thời Đệ Nhất Cộng Hòa, sau khi dẹp xong mọi lực lượng phe phái và tôn giáo, đất nước trở nên yên bình, thì một đạo luật về người ngoại quốc ra đời, tôi không nhớ rõ mọi chi tiết trong đó nhưng đại khái là nếu là người ngoại quốc lưu ngụ tại Việt Nam sẽ bị cấm hành một số nghề nào đó, hạn chế đi lại v..v… và phải đóng một khoảng thuế rất lớn, vô hình chung thì người Hoa hay người Miên vô phương giữ được quốc tịch cũ và nếu là công dân Việt Nam thì được hưởng mọi quyền lợi, như được bầu phiếu cũng như được ứng cử vào những chức vụ dân cử v..v… nhưng cũng phải có bổn phận là phải thi hành nghĩa vụ quân dịch nếu trong tuổi thanh niên. Chính vì thế trong đơn vị tôi lác đác có vài quân nhân người gốc Hoa và gốc Miên…
Bây giờ coi như tạm xong phần kể về 3 sắc dân: Việt, Miên, Hoa sống trong tỉnh, tiếp theo tôi sẽ kể về đặc sản của quê hương tôi. Điều nầy ai cũng biết là Sóc Trăng cũng như các tỉnh miền hậu giang khác sản xuất chính là lúa gạo, trước là nuôi sống cả nước và nếu dư thừa thì xuất cảng đến nhiều quốc gia trên thế giới, đó là do đất điền để làm ruộng, còn đất thổ thì sao? Đất thổ là đất để trồng trọt, ở Sóc Trăng số đất thổ không nhiều lắm và vùng đất tốt nhất phải kể là miệt Kế Sách, có lẽ nơi đây gần cửa Bassac hay xưa kia vùng nầy nằm trên cửa sông ấy không chừng, nên được phù sa, trầm tích bồi đấp mà phì nhiêu đến như vậy ư ? Một trong những nhà vườn lớn ở đây có gia đình ông Hội đồng Trần Ngàn, ông là thân phụ bà Trần Thị Tạo tức là bà Tướng Cao Văn Viên. Nơi đây họ trồng rất nhiều: cam, quýt, bưởi, sầu riêng, mít, ổi, măng khụt v..v… cho trái rất ngon, tuy nhiên số lượng không nhiều lắm chỉ đủ cung ứng trong tỉnh mà thôi, chứ không xuất ra khỏi tỉnh.
Kế tiếp đây, xin nói về ngư sản cá tôm. Cũng vì địa thế đặc biệt của tỉnh như là nằm trong vùng châu thổ, phía bắc là sông hậu giang chảy ra biển, phía đông là bờ biển Nam hải nên Sóc Trăng có đủ 3 loại cá: Cá đồng, cá nước ngọt (cá sông cái), cuối cùng là cá biển. Bây giờ hãy nói về cá đồng trước, cá đồng có 5 loại chánh: Lóc, trê (gồm trê vàng, trê trắng, trê dừa), rô, sặc (Sặc rằn to bằng bàn tay và sặc bướm nhỏ cở 3 ngón khép lại) và sau cùng là cá thát lát ngoài ra còn vài loại cá nhỏ nhiều xương nên ít người chịu ăn như: cá linh, cá rói, cá chốt, cá chạch v..v… nếu bắt được nhiều cá nhỏ nầy, người ta bâm nhỏ cho vịt ăn hay chỉ làm phân trồng trọt, ngoài lượng cá vô biên còn tôm tép trên đồng thì nhiều vô số kể, ngoài ra còn có lương, rắn, rùa, nếu làm ra món nhậu cũng hấp dẫn lắm đó. Người dân quê họ sinh sống bằng nghề nông, việc đánh bắt cá là việc phụ thôi, họ thường đánh bắt vào ban đêm như giăng câu, bủa lưới, đóng đáy, đặt vó, đặt nò v..v… cá đồng rất mạnh và sống dai nếu bắt được nhiều họ đem bán cho nhà vựa, vựa sẽ chở ra tỉnh, hoặc chở về Saigòn.
Chuyện nầy chỉ là chuyện làm quanh năm suốt tháng nên không bắt được nhiều cá lắm đâu, muốn bắt được nhiều là phải kể những vụ tát đìa, chụp đìa vào khoảng tháng Giêng hoặc tháng hai âm lịch mỗi năm. Tại sao phải rơi vào thời điểm nầy? Xin thưa đây là lúc tất cả các loại cá phải mưu sinh thoát hiểm tìm cách xuống ao, đìa vì nước trên đồng đều khô cạn sau năm sáu tháng không mưa. Số lượng cá bắt ở đợt nầy là quá nhiều, người nông dân phải nghĩ cách làm mắm, phơi khô rồi sẽ bán những sản phẩm nầy về sau, cũng nhớ chừa lại một ít để ăn trong lúc mùa vụ tới bắt đầu vào khoảng cuối tháng ba, khi những cơn mưa đầu mùa trút nước xuống thì cũng là lúc bức tranh thủy mặc đồng áng rất sống động nhộn nhịp trở lại “Rủ nhau đi cấy, đi cày. Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu. Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.” Đây cũng là hình ảnh “Quê hương trong trí nhớ” của nhiều người dân Việt ở hải ngoại trong những đêm trằn trọc, khoắc khoải khó ngủ.
Phần cá đồng coi như tạm đủ, tôi xin kể tiếp theo là cá sông cái. Cá sông cái phần lớn là loại cá da trơn như cá tra (“basa“), bông lau, cá dứa v..v… Đặc biệt giống cá tra sinh sản rất mạnh, nên dân vùng Châu Đốc hay Long Xuyên thường vớt cá con đem bán vào các nông trại để tiếp tục nuôi thêm 9,10 tháng nữa cho cá đủ sức lớn, mới lưới lên đem bán. Nhiều nông trại nuôi rất dơ, chuyện nầy ai cũng biết nên không phải bàn nhiều. Cá basa nếu đánh bắt được từ sông cái, đem nấu lẫu canh chua ăn với bún thì tuyệt lắm đó. Ngoài loại cá da trơn, có nhiều loại cá có vẩy lớn rất ngon thịt như cá chép, cá chẻm, cá he v..v… Một điều lạ nữa là khúc sông từ Trà Ôn đến Đại Ngãi lại có một loại cá lạ, gọi là cá “Cháy,” cá có vẩy màu bạc, mình cá có nhiều xuơng nhỏ. Khi bắt được cá, người ta làm sạch sau đó đem nấu canh ngót (kho lạt) thì vô tình khám phá ra rằng nước canh nầy ngon ngọt kỳ lạ, nên người ta nghĩ cách chan nước canh vào tô bún, có rau ghém, có xoài tượng xắt sợi thì ăn ngon hết biết. Rồi sau đó cá cháy được nhiều người biết đến khi ông nhạc sĩ nào đó viết một bản nhạc “Về Sóc Trăng ăn cá cháy…” vào đầu thập niên 1960. Và cũng trên khúc sông nầy ngư dân thường đánh bắt được nhiều tôm càng xanh rất lớn, khoảng 2 hoặc 3 con cân nặng 1 ký. Tôm càng xanh đúng là loại hải sản quí, làm bất cứ món gì cũng đều ngon nên ai cũng thích, cũng muốn mua vì thế mới có câu: “Đắt hàng như bán tôm tươi.”
Loại cá nói sau cùng là cá biển. Cũng vì địa thế đặc biệt của tỉnh tôi, nông nghiệp phát triển mạnh nên ngư nghiệp phải kém đi theo luật bù trừ, mặc dù bờ biển cũng dài lắm đó. Tại xã Trung Bình, đội ghe thuyền đi đánh bắt không nhiều lắm và là loại tàu nhỏ nên không ra khơi xa được, vì vậy thu thập thường là loại cá nhỏ như: cá nục, mòi, bạc má, ngừ, thu, chim (trắng, đen), lưỡi trâu, mực v..v… Thỉnh thoảng họ cũng bắt được một vài cá lớn như cá gộc, cá đường cân nặng vài chục kílô, khi đó họ phải chở thẳng ra Sóc Trăng vì chỉ ở chợ tỉnh mới tiêu thụ hết lượng cá nầy. Người Hoa rất thích thịt cá nầy, họ xào với rau cần tàu, cà chua hoặc vả nấu cháo, còn tôi không thích lắm vì thịt của nó lạt như thịt ức gà tây vậy.
Đặc sản sau cùng tôi muốn nói là những thức ăn, bánh trái đã gây ấn tượng cho mọi người mỗi khi nói về Sóc Trăng. Đầu tiên phải kể là lạp xưởng. Lạp xưởng hiệu Quảng Trân của Sóc Trăng trước 75 được tiếng là ngon và bán khắp nước, ngày nay nhản hiệu nầy lại xuất cảng ra nước ngoài, nơi nào có nhiều người Việt sinh sống. Nhưng nói nhỏ các bạn nghe: Người dân chánh gốc Sóc Trăng, họ không mê hiệu nầy đâu mà họ chỉ ưa chuộng loại lạp xưởng tươi, được làm tại Vũng Thơm (Phú Tâm) phải nói là ngon gắp bội. Giả tỷ một buổi sáng, mưa gió bất thường, quý bà có thể là mẹ mình, hoặc chị em mình không thể đi chợ được thì bữa cơm trưa hôm nay mọi người trong nhà tạm dùng một quả trứng chiên “ốp la” và một thanh lạp xưởng Vũng Thơm rán chảo đặt lên đĩa cơm nóng, đạm bạc quá phải không quí vị, nhưng bảo đảm là ngon lắm đó.
Cũng tại cái xứ Vũng Thơm nầy lại sản xuất 2 loại bánh ngon nữa là: bánh ‘Pía‘ và “Mè láu” (2 tên bánh nầy gọi theo tiếng Quảng Đông). Bánh “Pía” có thể gọi là bánh đậu nướng, chúng ta thấy có nhiều vào dịp Trung Thu, bánh Pía Vũng Thơm nhờ bảo quản tốt, có thể để lâu chừng khoảng 30 ngày nên bánh được bán khắp miền đất nước và bán ra nước ngoài vào dịp tết Trung Thu. Mè láu là loại mì to sợi đem chiên phồng và dòn, ngào với đường nén chặt lại, rồi cắt thành thỏi vuông ăn rất ngon nhưng không thể giữ được lâu (sẽ bị mốc), nên chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà thôi.
Món ăn cuối cùng của Sóc Trăng rất nổi tiếng, ngay cả những nhà hàng bán thức ăn nhanh ở CA hay TX đều có bán, đó là bún nước lèo Sóc Trăng. Nguyên liệu chính để nấu bún nước lèo là cá lóc loại to (người miền Bắc gọi là cá quả?), mỗi con phải gần 1 kilogram, và cần vài con như vậy, làm sạch bằng cách thái bỏ vẩy, như vậy thái được luôn lớp da đen bao phía ngoài thịt, xong bỏ vào nồi nhôm lớn mà luộc chung với ngãi bún và một bó sả còn nguyên tép, khi cá chín, vớt cá ra, gở lấy thịt nhớ gở miếng lớn mới thấy ngon, cũng vớt ngãi bún và sả bỏ đi, xong trút thịt cá trở lại nồi nước, đợi sôi lên mới nêm vào chút mắm sặc, nước mắm, chút muối, chút đường phèn sao cho vừa miệng, như vậy là xong nồi nước lèo. Cách ăn thường được bà nội trợ bày biện như sau: rau ghém thường là bắp chuối, cải bắp, xắt mỏng hoặc rau muống chẻ và hẹ, rau thơm đặt dưới đáy tô, bắt bún để lên trên, vớt ít cá để lên mặt bún rồi chan nước lèo đang sôi vào cho ngập mặt bún và sau đó cho thêm một thìa tương ớt (ớt, tỏi bâm nhuyễn ngâm dấm) và một miếng chanh, thế là quí bạn có một tô bún nước lèo ăn sáng rất ngon, thật đậm tình quê hương. Có một điều khác biệt giữa các miền vùng là người miền nam khi ăn bún nước hoặc bún khô, họ thường để rau ghém ở dưới đấy tô trong khi đó người bắc hay trung thì lại đặt rau ghém trên mặt tô cùng cá thịt. Nhưng bây giờ thì hầu hết các hàng quán đều để rau ra riêng trong dĩa nhỏ, ai muốn ăn kiểu nào tùy thích…
Như tôi kể trên, bún nước lèo nguyên liệu chính là cá lóc nên giá bán của tô bún rẻ tiền hơn nhiều so với tô phở, tô mì hay tô hủ tiếu và cũng vì ngon, rẻ nên được mọi người đều ưa thích. Bởi thế, nhiều người dân Sóc Trăng đem chuông đi đánh xứ người, đã đem món quê hương về Sài Gòn mở quán. Nói tới Sài Gòn mà không nói tới khẩu vị của người Sài Gòn thì hơi thiếu sót, khẩu vị của dân Sài Gòn cũng lạ lắm quý vị ơi, dường như ảnh hưởng nặng của chú ba trong Chợ Lớn hay sao đó, mà thích ăn béo, ăn nhiều mỡ dầu. Nên món bún nước lèo quê tôi khi về Sài Gòn thì bị dân nơi đây đòi hỏi phải có vài miếng thịt heo quay nữa đặt trên mặt bún với cá và phải là miếng thịt quay ở cạnh sườn mới được, nghĩa là có đủ: da, thịt, mỡ, xương. Sự đòi hỏi phi lý của người thành đô đã làm mất đi hương vị khởi nguyên của tô bún nước lèo và sự đau lòng người dân Sóc Trăng như tôi không ít.
Nguồn: http://www.haingoaiphiemdam.net/Que-huong-trong-tri-nho-Nguyen-Quan-104736
Nguyên Quân
Trần Văn Giang (ghi lại)
.