Bài Thơ Tình Kỳ Lạ Trong Ngôi Mộ Cổ
.
Hình minh họa – có lẽ là “đồ nhái?!”
*
Theo nhiều nguồn tư liệu văn học, vào năm 1994, khi khai quật một ngôi mộ cổ ở tỉnh Triết Giang Trung Hoa, người ta đã tìm thấy một bài thơ tình kỳ lạ. Bài thơ này được khắc trên một tấm gỗ quí và được thiếu nữ nằm trong áo quan ôm trước ngực. Ngôi mộ được xác định là đã có khoảng chừng hai thế kỷ và người thiếu nữ khoảng chừng 17 tuổi.
Vì bài thơ không đề tên tác giả nên người ta phân vân không biết nó là của cô gái đã sáng tác hay là của ai khác. Bài cổ thi “Ngũ ngôn tứ tuyệt” này không có tựa đề và được trình bày như sau:
Nguyên tác:
君 生 我 未 生
我 生 君 以 老
君 恨 我 生 遲
我 恨 君 生 早
Dịch âm:
Quân sinh ngã vị sinh
Ngã sinh quân dĩ lão
Quân hận ngã sinh trì
Ngã hận quân sinh tảo
(Khuyết danh)
Dịch nghĩa:
Chàng sinh, em chưa sinh
Em sinh, chàng đã già
Chàng hận em sinh muộn
Em hận chàng sinh sớm.
Dịch thơ:
Bài thơ trong ngôi mộ cổ
Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
Em sinh chàng đã hết ngày xanh
Chàng mang hờn oán em sinh muộn
Em hận chàng sinh trước tuổi mình
(Hoàng Nguyên Chương dịch)
Các mối liên quan về nguồn gốc bài thơ trong ngôi mộ cổ
Khi đọc bài thơ trên tấm gỗ, giới khảo cổ và giới văn học đã thấy đây là một chuyện lạ, họ đoán thiếu nữ trẻ tuổi này đã qua đời vì một nguyên nhân đặc biệt nào đó có liên quan đến nội dung bài thơ cho nên giới văn học đã đổ xô truy tìm nguồn gốc của nó và cuối cùng họ đã biết được xuất xứ.
Thật ra bài thơ này không phải do người thiếu nữ nằm trong áo quan viết mà nó đã có từ thời nhà Đường. Theo một truyền thuyết thì bài thơ này do một kỹ nữ nào đó ở đất Tần Hoài đã viết ra. Nó chỉ là khổ thơ đầu của một bài thơ có 4 khổ, được gom lại thành 8 câu. Nàng kỹ nữ trẻ tuổi xinh đẹp này có quen một khách tình lớn tuổi.
Tình cảm họ vô cùng sâu đậm nhưng vì cách biệt tuổi tác quá lớn, vì dư luận xã hội… họ không thể cùng nhau chung sống. Trước khi chia tay đi nơi khác, nàng viết bài thơ này trên một tấm lụa để tặng cho người tình vong niên. Theo một tư liệu khác thì bài thơ được viết trên một chiếc quạt, nguồn này có vẻ hợp lý bởi vì do viết trên quạt (“Đề quạt”), diện tích bề mặt có hạn nên bài cổ thi mới gom lại chỉ còn 8 câu thay vì phải trình bày 16 câu.
Còn về trường hợp thiếu nữ nằm trong áo quan có thể đã mắc phải mối tình bi thương nào đó giống như người kỹ nữ xa xưa nên đã mượn 4 câu thơ để mang theo mình về cõi nghìn thu.
Bài thơ “Đề quạt” của người kỹ nữ như sau:
君 生 我 未 生 o 我 生 君 以 老
Quân sinh ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão.
君 恨 我 生 遲 o 我 恨 君 生 早
Quân hận ngã sinh trì, ngã hận quân sinh tảo.
君 生 我 未 生 o 我 生 君 以 老
Quân sinh ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão.
恨 生 不 侗 時 o 日 日 與 君 好
Hận sinh bất đồng thì, nhật nhật dữ quân hảo.
君 生 我 未 生 o 我 生 君 以 老
Quân sinh ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão.
我 離 君 天 涯 o 君 隔 我 海 角
Ngã ly quân thiên nhai,quân cách ngã hải giác.
君 生 我 未 生 o 我 生 君 以 老
Quân sinh ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão
化 蝶 去 尋 花 o 夜 夜 栖 芳 草
Hóa điệp khứ tầm hoa, dạ dạ tê phương thảo.
Dịch nghĩa:
Chàng sinh, em chưa sinh; em sinh chàng đã già
Chàng hận em sinh sau, em hận chàng sinh sớm.
Chàng sinh, em chưa sinh; em sinh chàng đã già
Hận không sinh cùng thời, ngày ngày vui bên anh.
Chàng sinh, em chưa sinh; em sinh chàng đã già
Em xa chàng chân trời, chàng cách em góc bể.
Chàng sinh, em chưa sinh; em sinh chàng đã già
Mơ hóa bướm tìm hoa, đêm đêm đậu nhành cỏ (*)
______________
(*) Phương thảo: Là cỏ thơm, vì trái thanh vần nên tạm dịch là nhành cỏ)
Nếu bài thơ 8 câu trên được tách ra thành 16 câu, ta sẽ có bốn khổ thơ ngũ ngôn tứ tuyệt khá hoàn hảo như sau:
Nguyên tác: Dịch âm Hán Việt:
君 生 我 未 生 Quân sinh ngã vị sinh
我 生 君 以 老 Ngã sinh quân dĩ lão
君 恨 我 生 遲 Quân hận ngã sinh trì
我 恨 君 生 早 Ngã hận quân sinh tảo
君 生 我 未 生 Quân sinh ngã vị sinh
我 生 君 以 老 Ngã sinh quân dĩ lão
恨 生 不 侗 時 Hận sinh bất đồng thời
日 日 與 君 好 Nhật nhật dữ quân hảo
君 生 我 未 生 Quân sinh ngã vị sinh
我 生 君 以 老 Ngã sinh quân dĩ lão
我 離 君 天 涯 Ngã ly quân thiên nhai
君 隔 我 海 角 Quân cách ngã hải giác
君 生 我 未 生 Quân sinh ngã vị sinh
我 生 君 以 老 Ngã sinh quân dĩ lão
化 蝶 去 尋 花 Hóa điệp khứ tầm hoa
夜 夜 栖 芳 草 Dạ dạ tê phương thảo
Dịch thơ:
Chàng sinh, Em chưa sinh
1.Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
Em sinh, chàng đã hết ngày xanh
Chàng mang hờn oán em sinh muộn
Em hận chàng sinh trước tuổi mình.
*
2.Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
Em sinh, chàng đã hết ngày xanh
Hận sao không được sinh cùng lứa
Để được ngày ngày vui với anh.
*
3.Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
Em sinh, chàng đã hết ngày xanh
Em xa chàng mãi chân trời vắng
Chàng cách xa em góc biển tình.
*
4.Chàng sinh từ lúc em chưa sinh
Em sinh chàng đã hết ngày xanh
Ước cùng hóa bướm tìm hoa đẹp
Sát cánh đêm đêm đậu cỏ nhành.
(Hoàng Nguyên Chương dịch)
*
Ý kiến thêm về bài thơ trong ngôi mộ cổ và bài thơ “Đề quạt”
Sau khi được giới văn học giải mã, chúng ta đã tạm hiểu được nguồn gốc xuất xứ của bài thơ. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là truyền thuyết. Nó vẫn còn mang một lớp sương khói mơ hồ, hư hư thực thực.
Dù không rõ được chân giả của bài thơ như thế nào nhưng ai cũng hiểu được đây là bài thơ tình rất đặc sắc. Tác giả đã chọn thể thơ ngũ ngôn rất ít lời nhưng có sức chứa (hàm ngôn) rất lớn. Điểm nổi bật là tác giả đã sử dụng “phương pháp lặp” một cách có chủ ý.
Trong “lặp câu,” đã lặp lại 2 câu đầu trong suốt cả 4 khổ thơ để nhấn mạnh về sự nghiệt ngã phũ phàng của thời gian đối với sự xuất hiện của con người.
Trong “lặp chữ” (“điệp từ”), đã sử dụng 15 lần chữ “Quân”(chàng, anh), 12 lần từ “Ngã”(ta, em), 15 lần từ “Sinh,” 3 lần từ “Hận”(oán giận, hờn oán)… hoặc các lặp chữ khác như “Nhật Nhật” (ngày ngày), “Dạ Dạ” (đêm đêm) v..v.. Mặc dù sử dụng nhiều lần như vậy nhưng không gây nhàm chán mà trái lại đã cấu tứ phong phú hơn cho bài thơ, gây nhiều âm vang và ấn tượng cho người đọc. Biện pháp nghệ thuật này đã nhấn mạnh và nêu nên được sự khó khăn, không may mang đầy khổ đau ray rứt, đổ vỡ tiếc hận của cả hai nhân vật. Bên cạnh đó “phương pháp đối” đã sử dụng như các chữ:
“Trì” (muộn) – “Tảo” (sớm),
“Thiên nhai” (chân trời) – “Hải giác” (góc biển),
“Nhật Nhật” (ngày ngày) – “Dạ Dạ” (đêm đêm)…
đã khiến cho ý tình bài thơ thêm sâu thẳm mênh mang. Về cách cấu trúc câu và nghĩa từ của bài thơ cũng rất đơn giản nên khi chuyển ngữ nó gần như sát nghĩa với từ Việt. Lời tuy giản dị trong sáng, ngắn gọn nhưng lại rất cô đọng hàm súc cho nên việc dịch cho đạt ý tác giả đã dụng công quả là không dễ.
Phải nói đây là bài thơ tình lãng mạn khá đặc biệt. Nội dung ý tưởng của nó có thể khiến cho nhà xã hội học, nhà đạo đức học, nhà tâm lý học, nhà triết học phải cau mày suy nghĩ về sự phức tạp của người đời và đời người trước thời gian. Nó mang hồn của cái bóng ẩn danh để nói lên những vấn đề mà con người xưa nay không thể nói. Điều này khiến chúng tôi chợt nghĩ:
“Phải chăng thơ tình cũng là tấm gương soi thời gian, soi rõ được tâm hồn muôn nơi muôn thuở của nhân loại. Nó cho ta thấy rõ được cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái dở cũng như những suy tư ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng…và cả những điều phức tạp khó hiểu nhất của con người?!”
Hoàng Nguyên Chương
_______________
Bài đọc thêm
Trong giới thi nhân và khảo cổ đã từng lưu truyền một bài thơ tình tìm thấy trong ngôi mộ cổ của một thiếu nữ.
Khi mở vỏ quách và nắp ván thiên chiếc quan tài chạm chổ công phu bằng gỗ ngọc hương dày hàng tấc người ta hết sức kinh ngạc khi tìm thấy tấm gỗ quý khắc một bài thơ tình kỳ lạ chứa đựng một thiên tình sử bi thương, đọc lên thấy tim mình như thắt lại.
Nội dung bài thơ nguyên bản như sau:
Quân sinh ngã vị sinh
Ngã sinh quân dĩ lão
Quân hận ngã sinh trì
Ngã hận quân sinh tảo
(Khuyết danh)
Chỉ có 4 dòng, 20 âm tiết và vẻn vẹn chỉ có 9 chữ nhưng được lặp lại nhiều lần, trong đó chữ HẬN: 2; lần chữ SINH: 5 lần; Cặp chữ QUÂN – NGÃ lặp lại đến 8 lần; đã tạo ra hiệu ứng rất đặc biệt.
20 âm tiết trong bài thơ người đọc thấy không thừa không chán không nhàm trái lại nó nhấn mạnh nỗi bất hạnh, nỗi đau thêm da diết khắc nghiệt và số phận thêm bi thương. Nghệ thuật dùng “điệp từ” (chữ được lặp lại!) khéo léo.
Bài thơ rất khó dịch bởi lời thơ quá ngắn, ý thơ quá cô đặc, ngôn từ quá chặt chẽ. Đã có nhiều bài dịch nhưng thấy chưa đạt, chưa sát.
Ví dụ một bản dịch của Mai Văn Tạo:
“Chàng sinh thiếp chửa ra đời
Thiếp sinh chàng đã già rồi còn đâu
Chàng buồn vì thiếp sinh sau
Bởi chàng sinh sớm thiếp sầu ngàn thu.”
Bài thơ dich theo thể lục bát đã làm sai và yếu đi rất nhiều.
Vì chữ QUÂN – NGÃ dịch là Chàng – Thiếp vừa ngược với chủ ý nguyên bản, tạo ấn tượng trực cảm cho người đọc nghĩ rằng đây là chuyên vợ chồng của Chàng của Thiếp. Hay chữ HẬN dịch là BUỒN hay SẦU là không ngang nghĩa với chữ HẬN. Ấy là chưa kể ta còn phải thêm vào một số chữ để dễ dàng gieo vần làm yếu đi bài thơ, ví dụ như bài trên thêm vào hai chữ “còn đâu.”
Cũng có một vài bản dịch khác như sau:
Khi chàng sinh em còn hạt bụ
Em sinh ra chàng đã già rồi
Chàng hận vì em đã sinh muộn
Em hận vì chàng đã sớm ra rồi.
hoặc
Chàng sinh, em chẳng là gì
Em sinh chàng đã già đi hơn rồi
Chàng hận em muộn chào đời
Em hận chàng sớm già rồi còn chi.
Mong thi hữu cùng tham gia dịch và luận về bài thơ Tình này.
Nguồn:
https://lyso.vn/van-hoc/bai-tho-tinh-ky-la-t37360.html
***
Sau đây là một số “comments” cho bài thơ này:
Chàng sinh, thiếp ở nơi đâu
Em sinh, chàng ngụ trốn nào có hay
Chàng buồn vì thiếp không hay
Em buồn, nhớ đến kiếp sau cùng chàng.
*
Chàng sinh trước Thiếp mới sinh
Thiếp sinh Chàng đã có tình với ai (Có thể nói rằng ông này đã có vợ nên duyên 2 người không thành => hận)
Chàng giận tại thiếp sinh sai (sinh chậm)
Thiếp hận bởi lỗi phen này tại ai (Ông này không yêu lại cưới sớm => đến khi yêu bà này thì đã quá muộn)
*
Chàng chào đời thiếp vẫn còn trong trứng nước
Thiếp lọt lòng chàng bước tới nơi nao?
Giận đời chẳng thắt duyên Chàng – Thiếp
Kiếp sau Thiếp xin cắt rau (nhau) cùng Chàng.
*
Tình chàng em chưa kịp thấu
Nghĩa nàng anh chửa hoàn ân
Hận trời ta chẳng thành đôi
Ta hận duyên ta chẳng thành.
*
Chàng sinh, thiếp ở nơi đâu
Em sinh, chàng ngụ trốn nào có hay
Chàng buồn vì thiếp không hay
Em buồn, nhớ đến kiếp sau cùng chàng.
*
Chàng ra đời em chưa là trứng nước
Em lọt lòng chàng đã bước nơi nao?
Hận đời chẳng thắt duyên nhau
Kiếp sau xin được cắt rau cùng ngày.
Trần Văn Giang (ghi lại)
.