Giỡn Chơi Cùng Chữ Nghĩa:

Bàn Về Nói Lái

.

 

Dẫn nhập:

 

Miền nam lúc trước, các cô gái quê thường ngồi chàng hãng, chê hê (giạng háng) để các củ, trái trước mặt, bên vệ đường bán buôn. Một ông chỉ vào các củ, hơi lệch hướng chút để hỏi mua. .

 

CỦ CHI?

 

1.

Củ chi. cô bán củ chi?

– Củ sao không chỉ, ông nì chỉ cu?

 

2.

 -Củ chi. cô bán củ chi?

 Mà da xấu xí. xù xì vậy cô?

– Củ môn. thưa bác đó mà !

– Chành vun ba góc, à ra môn lù (*)

– Bác này đâu phải thầy tu?

Con cua thì phải có mu có càng!

Nếu mà bác cứ làng àng (lèng èng)

Thì tôi gọi (CA?) nhé, cây “còng” đợi kia!

(Nguyên Lạc)

…………….

(*) Lấy ý:

“Căng ra ba góc da còn thiếu”

 (“Vịnh Cái Quạt– Hồ Xuân Hương)

 

*

 

NÓI LÁI

 

Nói lái là gì?

 

Nói lái (Spoonerism) là một trong những “biện pháp từ” trong tiếng Việt. Khi nói lái, người ta tráo đổi vị trí của các thành phần của chữ (âm đầu, âm cuối, thanh điệu…) để tạo ra chữ mới thường có nghĩa bất ngờ, dí dỏm, khi hiểu ra thường làm bật cười. Nói lái thường đưọc dùng trong văn nói (khẩu ngữ) và trong văn học dân gian đê trêu đùa, đả kích hay thông báo với ai đó một điều gì bí mật hoặc để tránh những tiếng thô tục.

 

Như vậy nói lái là  một hình thức vô cùng độc đáo của ngôn ngữ Việt, với khả năng nhạy bén về tính trào phúng và châm chọc.

 

Nói lái là cách nói vui làm cho lời thành sinh động và đời sinh động theo, lại hàm chứa mục đích phê phán hay phản ánh được chực chất có tính bi kịch. Muốn nói lái điệu nghệ nhất thiết phải có nhiều kinh nghiệm của cuộc sống: nghe thấy nhiều, tiếp cận nhiều.  Dường như người thiếu thông minh, ít máu hài hước chỉ có khả năng nói lái hạn chế?

 

Theo Cao Thoại Châu:

 

[Nói lái Nam bộ, nhìn chung thường cấu thành bởi hai chữ khác dấu nhau (róc rách, bùi ngùi…cùng dấu không tạo thành nói lái) trong đó hai phụ âm đầu hoán vị cho nhau. Thí dụ: “Bố chồng” “Chống bồ”; “Thầy giáo” lái thành “tháo giầy,” “giáo chức” thành “dứt cháo,” chắc là tại lương của các vị này ăn cơm không nổi!…

Nhiều trường hợp rất biến báo cốt sao truyền đạt được ý tưởng của người nói, chẳng hạn “lấy vợ” lái thành “vấy nợ” nghe càng có vẻ cảm thán thấm cái sự đời cho những ai một lần sa chân vào vòng đó! Hoặc “lấy chồng” lái ra “chống lầy” nghe hơi bi kịch bởi càng chống càng lầy, mắc vào rồi mới biết, khổ thân biết bao nhiêu!...]

 

Vài thí dụ về nói lái.

 

1.

–  Bùi Giáng Bán Giùi (Dùi)

–  Thầy giáo Tháo giày

–  Hoảng chưa Chửa hoang

–  Hiện đại chỉ tổ hại điện. Đấu tranh rồi biết tránh đâu. Đầu tiên tiền đâu?

Vũ Như Cẩn Vẫn như cũ.  Nguyễn Y Vân   Vẫn y nguyên

 

[…“Dự án tiền khả thilái thànhDự án tiền… khỉ thanghe rất ‘ấn tượng’ có khi nói ngắn mà đủ về một dự án tai tiếng vì không có hiệu quả kinh tế nhưng vẫn vẽ ra làm cho ngân sách bị “khỉ” nó tha vào túi!

– Về người mẫu: Chữ chân dàithànhchai dần,” ai không biết đôi chân dài là chân… gợi cảm, chân đẹp là người đẹp, nhưng nói lái không phải không bâng khuâng nuối tiếc cho những cặp chân dài đang bị chai dần !” Chai cái gì và bởi cái gì thì xin tự hiểu lấy!…]

 

(Theo Cao Thoại Châu – “Nói lái”)

Hay

 

Anh thức đủ nhớ em Thủ Đức

Người cơ thần nhớ kẻ Cần Thơ

(Nguyên Lạc)

………

*Cơ thần cô độc.

 

  1. Nhớ lại sau 45 (?) có một ông già ở Quảng Nam, đã chơi trò chơi chữ nghĩa này bẳng 4 câu thơ:

 

Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi

Chú khiêng lên hết chiến khu rồi

Thi đua chi mà thua đi mãi

Kháng chiến trường kỳ khiến chán thôi.

 

 

3.

3a. Về bài “Nói Dối/Nổ” của Nguyên Lạc đã đăng trên “Facebook,” có một phản hồi rất “ấn tượng” của Tôn Nữ Thu Dung cô nương như sau:

 

 — “Có ông ‘trung sĩ y tá’ xưng là ‘trung tá y sĩ.’  Còn ông xã của Dung trước là ‘kỹ sư.’  Nay ai hỏi, ổng khai gian mình là ‘cư sĩ!’ Thiệt tội lỗi!”

.

3b. Thêm câu chuyện nữa.

 

Tui có thằng bạn có một câu loại “nho chùm” như sau, đố tui giải thích:

 

“Hiền tạ thu xương đa tắc kiếc

   Thiên tường tác biệc thọ châu đài.”

 

Tui “ngọng” luôn.

 

Hắn trả lời:

 

Hiền tạ nói lái là Hà tiện

  Thiên tường → Thương tiền

  Tác biệc → tiếc bạc

  Châu đài → chai đầu

 

Thành ra dịch câu đố là 

 

“Hà tiện thương xu đa (nhiều) tiếc cắc,

 Thương tiền tiếc bạc tới chai đầu!”

 

Hì hì ! Phục sư phụ mày chưa?

 

 

Tôi thật bái phục!

 

Nói lái với đảo chữ:

 

Nên phân biệt nói lái với đảo chữ.

 

Đảo: Ngược, đảo ngược.

 

Trong nói đảo người ta thường dùng lối chuyển đổi trật tự, vị trí các chữ trong một nhóm chữ.

 

Thí dụ:

 

Sinh sự sự sinh.

Cá ăn kiến kiến ăn cá.

– Bữa sáng rau muống bữa chiều muống rau.

 

Hoặc:

 

– Hôm nay có món cà chua,

Ngày mai độc nhất lại mua chua cà.

 

Có nhiều cách nói lái:

 

Cách 1:

 

Đổi âm sau, giữ chữ đầu và thanh.

 

Ví dụ:

 

Mèo cái → mài kéo,

Đơn giản → đang giỡn (đối với miền Nam),

Trời cho → trò chơi,

Đại học → độc hại (đối với miền Nam),

Vô hàng → giang hồ (đối với miền Nam),

Mau co → mo cau.

 

 

Cách 2:

 

Đổi toàn bộ, trước ra sau, nhưng giữ thanh..

 

Ví dụ:

 

Đầu tiên → tiền đâu,

Từ đâu → đầu tư,…

 

 

Cách 3:

 

Đổi dấu thanh điệu (kiểu lái Bắc).

 

Ví dụ:

 

Thụy Điển → thủy điện,

Bí mật → bị mất,

Mộng năng → nặng mông,

“Mộng dưới hoa” (ca khúc của Phạm Đình Chương) thành… “Họa dưới mộng.

 

 

Cách 4:

 

Đổi phụ âm đầu.


Ví dụ:

 

Cao đẳngđau cẳng (đối với miền Nam),

Giải pháp → phải giáp.

 

Cách 5:

 

Đổi âm sau, giữ phụ âm đầu.

 

Ví dụ:

 

Bí mật → bật mí,

Một cái → mái cột,

Mèo cái → mái kèo,

Trâu đực → trực đâu,

Trâu cái → trái cau (đối với miền Nam),

Mắc cười → mười cắc,

Tánh mạng → táng mạnh.

 

Lưu ý:

 

Không phải chữ nào cũng có thể nói lái được. Những chữ láy toàn bộ, hai chữ lặp lại hoàn toàn, chữ có chung dấu thanh và âm đầu, dấu thanh và vần, âm đầu và vần đều không nói lái được.

 

Ví dụ:

 

Luôn luôn, mãi mãi, đi đâu (có chung phụ âm đầu và dấu thanh).

 

Đại đa số là lái đôi (hai tiếng), nhưng cũng có lái ba.

 

Ví dụ:

 

Muốn “cầu gia đạo” thì phải “cạo da đầu,”

Chà đồ nhôm → chôm đồ nhà,

Ban lãnh đạo → bao lãnh đạn,

Chả lo gì → chỉ lo già,

Có chỗ đứng → cứng chỗ đó,

Chả sợ chi → chỉ sợ cha.

Xăng thì rẻ  → Xe thì rảnh.

Bến Tre cúi ăn mít đặc → Bé trên cán ui mắc đ..


 

 

 GIAI THOẠI VỀ NÓI LÁI

 

  1. Đại Điểm Quần Thần

 

Sau đây là một câu chuyện nói lái khá nổi tiếng  thời Pháp thuộc:

 

Ông Nguyễn Văn Tâm, khi đó giữ chức Thủ hiến, được một tay thâm nho tặng cho một bức hoành phi rất đẹp, có khắc chữ bốn chữ lớn “Đại điểm quần thần” bằng chữ Hán. Nguyễn Văn Tâm sướng quá nghĩ bụng: “Đại điểm quần thần” đúng là ta, ta là thủ tướng, chức vụ chỉ có dưới Bảo Đại thôi. Liền treo luôn lên phòng làm việc. Ông ta có vẻ vừa ý, đem khoe với nhiều người.

 

Chẳng bao lâu có người giải thích: Đại là to, điểm là chấm, quần thần là bầy tôi. Vậy Đại điểm quần thần Chấm to bầy tôi, nói lái thành Chó Tâm bồi Tây.

 

Bức hoành phi sau đó mất hút…

(“Giai thoại làng nho” – Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)

 

 

  1. Bùa ngừa hỏa hoạn của Nguyễn Khuyến

 

Có một xóm hay bị hỏa hoạn, dân xin cụ Nguyễn Khuyến, tức Tam Nguyên Yên Đổ chữ để dán ở đầu xóm, như bùa chú ngăn hỏa tai xảy đến. Cụ viết chử nhất (–), dựng đứng hai đầu chữ to hơn phần giữa, trông như cái chày.

 

Dân thắc mắc:

 

– Chữ gì vậy cụ? Trông như chữ nhất, mà lại là nét sổ thẳng đứng, trông như cái chày?

 

Cụ cười nói:

 

– Thì là cái chày chứ chữ gì!

 

– Sao lại là chày?

 

Cụ ôn tồn nói:

 

– Ta dùng chữ Nôm để… thoát Tàu ấy mà.  Chữ Nôm đấy. Cái chày đứng dựng là có ý nói “Đừng cháy!”  “Chày đứng” là “Đừng cháy” chứ còn là gì nữa, phải không?

 

  1. Vài chuyện tiếu về nói lái.

      3a.

 

Một đoàn tham quan tới thăm địa đạo Củ Chi, thấy có tấm biển treo giải cho ai đối hay nhất câu: “Cô gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi.”

 

– Anh thanh niên Cần Giờ nhanh nhảu: “Con trai Cần Giờ, giơ cần hỏi cần giờ.”

 

– Chị Hải Dương tiếp luôn: “Con gái Hải Dương hưởng giai ngoài hải dương.”

 

– Chú Hải Phòng đâu có kém cạnh: “Con trai Đồ Sơn, sơn đồ bán đồ sơn.”

 

– Em Hà Nội e thẹn: “Trai Hàng Chuối chuồi háng bảo hàng chuối.”

 

– Cậu nhỏ Bắc Cạn: “Chàng trai Bắc Cạn bán c. ở Bắc Cạn.”

 

– Một anh bộ đội mới xuất ngũ: “Chàng trai Giải Phóng phỏng giái hô giải phóng.”

 

Ai cũng xuất sắc biết trao giải cho ai đây các bạn?

 

(Sưu tầm trên Net)

 

       3b.

 

Thác bụi, thác bờ vì chưng “thờ bác”

Mê lầm, mê lạc cũng tại “mác lê.”

(Sưu tầm trên Net)

 

       3c.

 

Đèo Ngang, Đèo Nghếch:

 

Làng nọ ở Đèo Ngang, nghèo khổ quá, cầu xin ông trời giúp cho bớt khổ. Ông trời bảo:

 

–  Các ngươi mang tên “Đèo Ngang,” vị tất phải “đang nghèo.” Than với thở làm gì. Này, đổi sang tên “Đèo Nghếch” là toại nguyện ngay.

 

Quả thật, sau đó dân làng “Đếch nghèo” (nói lái của “Đèo Nghếch“). Ai nấy ăn nên làm ra, nhà cao cửa rộng, con đàn, cháu đống.

 

Nhưng chẳng bao lâu sau dân làng lại nghèo xác, nghèo xơ. Dân làng ơi ới gọi ông trời.

 

Ông trời tỉnh bơ:

 

–  Ôi!  Các ngươi đông con thế, nuôi sao nổi. Muốn thoát nghèo, e rằng các ngươi phải đổi tên lần nữa. Này, đổi sang tên “Đèo Đứng” là được việc… (Xin được miễn giải thích thêm…)

(Theo trí nhớ của một bạn văn)

 

***

 

Sao các bạn thấy thế nào?  “Mua vui cũng được một vài… trống canh!” hỉ.

 

Chúc vui.

 

Laughter Is The Best Medicine (Cười là liều thuốc vạn năng).

 

Và cũng xin ghi thêm vài câu danh ngôn sau đây:

 

A good laugh is sunshine in the house.

— William Thackeray.

 

Laughter is the sun that drives winter from the human face.

— Victor Hugo.

 

____________

Tham Khảo:  

 

Lãng Nhân Phùng Tất Đắc,

Sachxua.net,

Laiquangnam,

Cao Thoại Châu FB,

Wikipedia…

 

 

Nguyên Lạc

 

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

Giỡn Chơi Cùng Chữ Nghĩa – Nguyên Lạc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *