Lá thư Úc Châu: Sách lược bánh mì!

.

 

Ông bà mình hồi xưa hay lắm nha! Hay ở chỗ cái gì mình không có, mà nó lọt qua tới Việt Nam quê mình, là đặt một cái tên ngay chóc, trúng phóc hè.

 

Như bên Tàu qua có: mực tàu, táo tàu, trà tàu, chè tàu, (thịt) kho tàu, bún tàu… Từ Thái Lan, tức nước Xiêm, con vịt “cạp cạp” lội qua; thấy nó khác con vịt của mình, bèn đặt tên là vịt Xiêm… rồi chuối Xiêm, rồi dừa Xiêm, mãng cầu Xiêm, hồng Xiêm… Hồi xưa ông bà mình, chỉ thắp đèn dầu mù u khói um trời…giống ma trơi; cho tới khi có đèn dầu lửa thì đặt tên là đèn Huê Kỳ!

 

Chỉ đi xe bò, xe ngựa, xe trâu, tới lúc có xe chạy bằng hơi (nước, hoặc chạy bằng hơi, do dầu xăng cháy nổ, thụt “piston” xịt khói) thì gọi là xe hơi hay xe Huê Kỳ.

 

(Huê Kỳ chớ không phải Hoa Kỳ, cũng như người Việt gốc Hoa thì gọi là Huê kiều vì ông bà mình sợ phạm úy. Hoa là tên một bà lớn trong triều đình nhà Nguyễn; chính vì thế thay vì cầu Hoa mình có tên cầu Bông từ đất Đa Kao bắt qua kinh Nhiêu Lộc về Gia Định).

 

Khi CS chiếm miền Nam, đánh trống thổi kèn um sùm; sẽ xây dựng bằng mười ngày nay; mà đôi dép làm cũng không được, phải mang dép Lào. Chớ trước 75 dân mình mang dép Nhựt không hè! (Lào với Nhựt ai ngon hơn?) Tây nó chiếm Nam Kỳ Lục Tỉnh của mình, rau củ xứ ôn đới nó đem theo để ăn, mà xứ nhiệt đới mình không có trồng, thì mình thêm chữ tây vào gọn hơ hè như: khoai tây, hành tây, dâu tây, dưa tây, bèo tây, gà tây… Đồ Tây mình mặc, mình mang như: quần tây, giày tây.

 

Xưa giờ bịnh hoạn uống thuốc bắc, thuốc nam giờ thì uống thuốc tây. Riêng cái món bánh tây, bà con miền Bắc đặt tên, thì trong Nam mình gọi nó là ổ bánh mì. Vì hai lẽ: một là nó có hình dạng như cái ổ; hai là nó làm bằng bột mì. Sau người mình kéo nó dài ra như bánh mì “ba-gết” (baguette) cho dễ cầm…

 

Nhà thơ Kiên Giang đã viết:

 

Đáp tàu khói, về quê ăn Tết/ Gió bấc đầu mùa gợn sóng đêm/ Ôm ổ bánh mì làm gối nhỏ/ Đem về cho mẹ với cho em…”

 

(Sắp nhỏ ở nhà quê mà được ổ bánh mì ăn với đường tán là khoái luôn tới một tháng!)

 

Chính vì được hoan hô nhiệt liệt như vậy nên Sài Gòn và các tỉnh hồi xưa có biết bao nhiêu lò bánh mì do mấy chú ba tàu làm chủ…

 

Melbourne bên Úc nầy hồi xưa lò bánh mì là của mấy thằng Ý. Sau dân Việt Nam mình nhào qua, chịu thương chịu khó, chồng chạy xe “van” giao bánh, bỏ mối cho mấy nhà hàng; vợ đứng bán suốt 12 tiếng quần quật một ngày; nên Ý chào thua sang lò lại, chạy mất dép. Làm lò bánh mì vốn lớn vì phải mua máy móc, nhưng lời nhiều. Cục bột có một chút xíu, ủ men rồi nướng nó nở bự chảng, bành ky nái. Hai đô sáu ổ, lời 1 đô thôi, một lời một mà. Tuy kiếm bạc cắc như vậy nhưng chủ lò bánh mì chạy Mercedes đời mới… Thế mới kinh chớ! Còn bánh mì bán tại các siêu thị lớn của Úc: Coles and Woolworths người Việt mình đua chưa lại tụi nó đâu. Chen vô được là giàu khẳm.

 

Nhưng dễ gì!

 

Mới đây Ủy hội Khách hàng và Cạnh tranh một cách công bằng của Úc, đã phạt nặng mấy siêu thị nầy về cái tội quảng cáo láo là “freshly baked in-store,” tức “mới ra lò,” Chớ thực ra là bánh mì đông lạnh mấy mươi đời vương, vượt đại dương (tới miệng tui) là từ Đức, Ái Nhĩ Lan và Đan Mạch. (Hèn chi mấy thằng Úc ăn bánh mì nầy mở miệng ra là cứ chửi thề, khoái xài tiếng “ĐM – Đan Mạch” đó thôi!).

 

Trên bàn ăn bánh mì là một diễn viên tài năng! Vai phụ, vai chánh, bánh mì đều “chơi” hết ráo. Vai phụ, trong tuồng Tây, thì đóng với “Oeufs au plat,” tức hột gà “ốp la” (ăn xong thì “la” vì ngon quá); hoặc với “Omelette,” hột gà “ốp lết” (ăn xong rồi “lết” vì no cành hông, đi không nổi đành “lết” vậy. Hoặc với “patê” (paté), “giăm bông” (jambon), “xúc xích” (saucisse), bơ (beurre), mứt trái cây (confiture), súp (soupe), “bít-tết” (bifteck), “ra gu” (ragout)…

 

Đó là tuồng thịnh soạn; còn tuồng bèo bèo ăn thì bánh mì đóng với phô mai “Con bò cười” (La vache qui rit!). (Ai nói ngu như bò không biết cười đâu nè?!) Hoặc trét bơ mặn Bretel, rắc chút đường cát trắng. Bánh mì chấm sữa đặc có đường hiệu Con chim (Nestlé, Thụy Sĩ). (Ai nói con chim không có sữa đâu nè?) Còn tuồng Tàu, ăn kiểu Chú Ba, là bánh mì với thịt quay, vịt quay, phá lấu, lạp xưởng, xíu mại… Còn tuồng Ấn Độ, ăn kiểu anh Bảy Chà, kem đánh răng Hynos, thì bánh mì đóng với cà ri gà, cà ri dê… cà ri chà…

 

Riêng người Việt mình thì cho bánh mì đóng vai “thích đủ thứ”. Nghèo thì bánh mì chấm cà phê sữa, ăn với đường cát hoặc xịt nước tương… Hoặc xé bánh mì bỏ vào tô phở, tô hủ tiếu mì hay tô cháo lòng, ăn dặm thêm, no bụng mà đỡ tốn tiền kêu tô nữa. Kha khá hơn một chút thì ăn bánh mì với cá mòi sốt cà đóng hộp hiệu “Sumaco” nhập cảng từ Maroc.

 

Bất cứ trên bàn tiệc nào, từ sang tới hèn, từ giàu tới mạt, thành tới tỉnh, từ quận tới xã, từ ấp tới nhà, đều có bánh mì hết ráo… Đám giỗ, quảy, hỏi, cưới, thôi nôi, đầy tháng có cà ri, có bò kho, có nước là có bánh mì để chấm. Bánh mì là vai phụ trong các món ngon đó vì không có bánh mì thì bún, cơm đều thay thế được.

 

Nhưng cũng là cơm mà là cơm tay cầm: bánh mì thịt thì là vai chánh, hát mình ên, không đứa nào khác dám chen vô. Đó là bánh mì thịt! Xe bán bánh mì thịt không cần thêm món nào khác, chiếm một góc ở ngã tư đường phố Sài Gòn nào đó, đã nuôi sống biết bao gia đình người Việt Nam mình cần cù và lam lũ. Qua nước Mỹ, nước Úc nầy đây, bán bánh mì thịt không chỉ đủ nuôi sống mà còn làm bà con mình giàu hết biết, triệu phú đô la chớ tui hỏng có nói dóc đâu.

 

Bên Mỹ thì có Lees Sandwiches đó; đâu có thua sút gì với McDonald’s hay Hungry Jack’s… Nhưng quan trọng nhất là bánh mì đóng vai chánh trong nhiều sách lược chánh trị! Như mấy bữa nay, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đến thủ đô Washington, D.C. gặm bánh mì với “cheese,” “ham” và “salad” có “mustard” tại Dog Tag Bakery (Dog tag là “Thẻ bài”) ở Georgetown để ủng hộ cựu quân nhân Mỹ.

 

Ối cái chuyện nầy em yêu của tui làm hồi xưa rồi cách đây gần nửa thế kỷ để ủng hộ quân nhân VNCH mình! Nhớ hồi xưa đi lính, tuần nào không đi phép, thì em yêu từ Sài Gòn mang theo một ổ bánh mì bự chảng, dưa leo thái mỏng, ngò, đồ chua, hành tây, hành lá, vài khoanh ớt cay, tiêu cho ngọt muối cho mặn xin đừng bỏ nhau và một lon “guigoz” thịt chà bông lon ton lên khu Tiếp tân trường Bộ Binh Thủ đức, trên đồi Tăng Nhơn Phú, mà thăm nuôi chàng (đang đường trường xa con chó nó tha con mèo).

 

Ổ bánh mì với thịt chà bông ngày xưa đó, nợ em yêu tới giờ, tui trả vẫn chưa xong! Vậy mà mấy anh mình dám phán rằng ăn bánh mì rẻ hơn ăn “phở” (có hai cái nháy nháy). Rồi lại nhớ! Sau khi CS chiếm miền Nam, lùa đồng bào vô hợp tác xã nên bà con mình lãng công, nghe kẻng ra đồng, cứ đứng chổng mông lông nhông chơi hè. Hậu quả là phải ăn độn bo bo, thứ dành để nuôi heo. Rồi dộng thêm mùa lụt tràn bờ năm 1978, dân đói thân sơ thất sở. Sợ dân loạn, Lê Duẩn bèn sai đàn em qua Đông Đức mà ông đi qua bà đi lại, xin bột mì.

 

Chở từ nơi xa mút chỉ cà tha về tới là bột mì nó mốc cha hết ráo. Giao cho lò bánh mì, (pha bột gạo cho cố vào, ăn cắp bớt bột mì, bán cho mấy chú Ba làm bánh tiêu, bánh bò) nên bánh mì cứng ngắc, chọi chó lỗ đầu. Tội nghiệp em yêu, cũng ráng giành giựt, chòi đạp để mua về cho tía con tui một ổ. Em yêu lấy dao yếm bửa nó ra thành nhiều lát (chớ cắt làm sao đứt); xong đem hấp trong xửng cho mềm, trét mỡ hành, cuốn xà lách và rau thơm hành lá, chấm nước mắm ớt chua ngọt… ăn chóp chép cho đỡ thèm ngày tháng cũ. Bánh mì của Tây cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sách lược giữ nước Ta! Trong lịch sử Việt Nam cận đại vì thiển cận, bế quan tòa cảng, cấm đạo quyết liệt và sắt máu, rập khuôn theo chánh sách của Tàu phong kiến Mãn Thanh; (bao giờ cũng coi nó là cha, là anh), nên triều đình phong kiến nhà Nguyễn mới thất bại trong việc giữ nước.

 

(Chớ Nhựt Bản, Thái Lan đều mở cửa ra, nên đất nước họ mới tồn sinh!)

 

Dẫu từ Bắc tới Nam, biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa của tất cả các anh hùng dân tộc chống Tây đều bị dìm trong biển máu. Vì thực dân Pháp bắn súng “ùng oàng”; mình đem tầm vông vạt nhọn, giáo mác mà chống thì làm sao lại?! Ngộ biến phải tùng quyền! Cây súng Tây nó tối tân nên ông Cao Thắng bắt chước làm theo Tây để bắn Tây.

 

Và cũng có biết bao nhiêu người con yêu nước khác như: ông Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện và Petrus Ký… là những người từng đi Tây, đi Mỹ (như Bùi Viện) dùng của Tây mà đánh lại Tây. Dùng chữ quốc ngữ của Tây sáng chế ra (một phần công của ông Petrus Ký… quảng bá) để mà nâng cao dân trí. Dùng nền giáo dục ca tụng sự tự do của Tây để từng bước đấu tranh ôn hòa nhưng quyết liệt để đòi lại độc lập cho nước nhà như ông Phan Chu Trinh đã làm!

 

Trong bài: “Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc” năm 1861, nhà thơ đất Ba Tri Nguyễn Đình Chiểu “rầy” mấy đứa theo Tây làm lính mã tà để kiếm rượu lạt, bánh mì! Rầy như vậy là quá phải!

 

Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ!

 

Nhưng trong chốn nhân gian thời ấy cũng có câu thơ là:

 

Vân Tiên ngồi dựa gốc dừa

Tay cầm chai rượu miệng nhai bánh mì

Nguyệt Nga mới hỏi ăn gì?

Vân Tiên mới nói bánh mì thịt quay!

 

Bánh mì của Tây, thịt quay của Tàu, ta ăn no bụng rồi tìm cách đối phó, lúc cương lúc nhu với quân xâm lược, bằng quân sự lẫn văn hóa để bảo toàn được nước nhà thì việc gì mà “cữ” ăn bánh mì của Pháp phải không?

 

 

Đoàn Xuân Thu
Melbourne

Lá thư Úc Châu: Sách lược bánh mì! – Đoàn Xuân Thu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *