Tại sao người Việt lót “Thị” cho gái, “Văn” cho trai?

.

  1. Thị

 

Nói tới Thị xin mọi người trở về cái thời hồng hoang, ăn lông ở lỗ của bộ lạc và thị tộc.

 

Xã hội khi đó rất lạc hậu nên cần người, sanh đẻ rất khó nuôi, thành ra vai trò người đàn bà rất quan trọng.

 

Thị tộc mẫu hệ là hình thức thị tộc đầu tiên và phổ biến của xã hội loài người. Người phụ nữ có vai trò lớn, là người đứng đầu gia đình và các thị tộc.

 

Thị tộc phụ hệ là giai đoạn kế tiếp thị tộc mẫu hệ, ra đời từ thời kỳ đồ đá.

 

Dân tộc Việt phải nhắc tới Hồng Bàng Thị (鴻龐氏) dịch ra là họ Hồng Bàng, nhưng ý nghĩa ban đầu là “người mẹ Hồng Bàng.”

 

Bên Tàu có Thị, như: “Phục Hi thị” (伏羲氏), “Thần Nông thị” (神農氏), “Cát Thiên thị” (葛天氏), “Hữu Hỗ thị” (有扈氏) cũng là kiểu này.

 

Nữu Hỗ Lộc thị thời nhà Thanh là một trong bát kỳ, Sùng Khánh Hoàng thái hậu dòng tộc Nữu Hỗ Lộc thị là thân mẫu của Càn Long Hoàng đế. Hòa Thân, một nhân vật đầy quyền lực cũng thuộc Nữu Hỗ Lộc thị.

 

Thị là một danh xưng mặc định cho người đàn bà. Cả Tàu lẫn Việt đều chỉ đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít chỉ phụ nữ là “y thị.”

 

Thành ra có những cách gọi, xưng hô đàn bà như bà Trần Thị, Nguyễn Thị, Lý Thị, Vương Thị.

 

Nên nhớ Việt tộc là một tộc khá cá biệt của thế giới văn minh, chúng ta theo chế độ mẫu hệ dài hơn người Tàu nữa, Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh là bằng chứng.

 

Tôi đã từng nói Việt tộc ta trường tồn là có một phần “mẫu hệ,” nhờ mẫu hệ mà 1000 năm bị Tàu đô hộ ta không mất gốc.

 

Cái chế độ mẫu hệ ở Việt Nam ta từ hồi Bà Trưng, Bà Triệu và tới nay đã là phụ hệ khi con mang họ cha. Tuy nhiên con mang họ cha là lý thuyết thôi, trong gia đình quyền lực của các bà vẫn bao trùm.

 

Cái câu “Hỏi má mày” nghe trong xóm làng hơi nhiều.

 

Ông bà xưa Việt Nam ta có câu “Mua heo chọn nái mua gái chọn dòng” là vì thế.

 

Người Việt mình rất nhân văn, không có tục bó chân đau đớn như Tàu, cũng chẳng có tục tùy táng người hầu, vợ lẽ sau khi chết…

 

Việt cổ có tục xâm mình,  ăn trầu và nhuộm răng đen.

 

Người Việt đặt tên con gái thì mang nguyên chữ 氏 Thị vô làm chữ lót một cách bất di bất dịch.

 

Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan, bà là chánh thất vua Gia long, là mẹ đẻ của Hoàng tử  Cảnh.

 

Đoan Huy Hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc – tên thường gọi là Bà Từ Cung là thứ thất của vua Khải Định – mẹ của vua Bảo Đại… rồi bà Nguyễn Hữu Thị Lan, bà Bùi Thị Xuân, Ngô Đình Thị Hiệp…

 

Người Việt đặt lót Thị nhiều chứ người Tàu không thấy kiểu này.

 

Nói vậy cho dễ hiểu, Việt đặt là Bành Thị Chơi, Tàu đặt tên là Bành Sướng Chơi và Tàu kêu thông dụng là bà Bành thị.

 

Không phải con gái là cứ đặt Thị, có người không lót chữ Thị, cũng tùy ý thích thôi.

 

Thí dụ như: Bà Đạm Phương nữ sử tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh là cháu nội vua Minh Mạng.

 

Ca sĩ Quỳnh Giao tên thiệt là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang là cháu sơ vua Minh Mạng.

 

Nhưng lại có bà Tôn Nữ Thị Ninh (?)

 

Cái tên này hay nè (?): Công Tằng Tôn Nữ Tạ Thị Đánh Đu Tòn Ten Bong Lòng Đèn Lấp La Lấp Lánh Như Ánh Thuỳ Dương.

 

Ta nghe Thị Mẹt, Thị Màu, Thị Nở, Thị Hết, Thị Bẹt là một dạng gọi trỏng của người Việt Nam.

 

Nhưng thị cũng là một cái họ riêng dù hiếm hoi. Vua Minh Mạng cho người Khmer họ Thị

 

Kết luận: Lót chữ Thị 氏 là dấu vết và nhắc nhớ tới mẫu hệ của Việt tộc ta.

 

 

  1. Văn

 

Văn ra đời sau chữ Thị vì phụ hệ đi sau mẫu hệ.

 

Trong Nho giáo xưa thì học là giỏi, trau dồi học vấn, văn ôn võ luyện.

 

Võ thì mạnh bạo, nhưng sát phạt, không dám khoe, văn thì phải khoe.

 

Ông bà ta quan niệm học hành thi cử tiến thân.

 

“Trai nam nhân thi chữ
Gái thục nữ thi tài”

 

Chữ 文 Văn xuất xứ đầu tiên nghĩa là “chữ.”

 

Chữ tượng hình là chữ bắt chước hình tượng các loài mà đặt ra kêu là “Văn” (文), gộp cả hình với tiếng gọi là “Tự” (字).

 

Văn Tự là chữ viết, thành ra ta có Anh Văn, Pháp Văn, Hoa Văn…

 

Văn còn là “Văn minh” (文明), “Văn hóa” (文化).

 

Người xưa tôn thờ sao Văn Xương, Văn Khúc vì tượng trưng cho thông minh, hiếu học, học giỏi, văn chương, mỹ thuật, âm nhạc, thành đạt.

 

“Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.”

 

Người Việt thích lót chữ Văn cho con trai là muốn con mình học giỏi, thi đậu, thành đạt.

 

Các bạn nên hiểu là bên Tàu cũng có lót chữ Văn, tuy nhiên không nhiều như Việt mình, thí dụ Triệu Văn Trác, Mã Văn Tài.

 

Nhưng con gái mà tên Phạm Văn Phương thì cũng lạ.

 

Văn cũng là một cái họ khá phổ biến của người Tàu và Việt Nam, thí dụ Văn Thiên Tường.

 

Nhưng cũng như Thị, người Việt không phải cứ con trai là lót chữ Văn.

 

Thí dụ như:

 

Hồ Quý Ly có con là Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương.

 

Nhà Lê Sơ, con cháu Lê Lợi đặt tên là Lê Nguyên Long, Lê Bang Cơ, Lê Nghi Dân, Lê Tư Thành…

 

Chúa Nguyễn thì lót chữ Phúc cho con: Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Khoát…

 

Vua Minh Mạng thì làm bài phiên hệ “Miên-Hường…” đặt cho con.

 

Họ Ngô thì lấy chữ Đình lót cho con: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Diệm…

 

Tóm lại: Chữ lót văn là như vậy đó

 

“Đêm qua chớp bể mưa nguồn
Hỏi người tri kỷ có buồn hay chăng
Cá buồn cá lội tung tăng
Em buồn em biết đãi đằng cùng ai?”

 

 

Nguyễn Gia Việt

(Dansaigonxua)

 

*

 

Lời bàn của Mao Tôn cương… ẩu:

 

Đọc bài này tui nghiệm ra một điều là hiện nay Việt Nam, Canada, Mỹ, Pháp đều theo Phụ Hệ; có nghĩa là con sanh ra là mang họ Cha.  Người vợ Mỹ thì kèm theo họ chồng nếu muốn Cha là Chủ gia đình, là Trụ Cột gia đình nên có câu như sau:

 

“Con không Cha như nhà không Nóc.”

 

Nhưng Quyền Lực thực thụ trong gia đình là: “Hỏi Má Mầy…” là biết liền!

 

*

 

Lời bàn của Học giả An Chi:

 

Về vấn đề này, ông Lê Trung Hoa có cho biết như sau:

 

“Chúng tôi đọc thấy một điểm đáng chú ý trong cuốn ‘Les langages de lhumanité’ của Michel Malherbe (…): Có lẽ tên đệm Văn có nguồn gốc từ tiếng Arập ben (con trai) và tên đệm Thị cũng từ tiếng Arập binti (con gái) do các thương nhân Arập vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam. Tuy tác giả không nêu cứ liệu, chúng tôi thấy có thể đúng, vì:

 

– Về ngữ âm “ben” cho ra “Văn,” “binti” cho ra “Thị” là có thể chấp nhận.

 

– Việt Nam chịu ảnh hưởng “họ” của người Trung Hoa. Nhưng người Trung Hoa trước đây và hiện nay không dùng các từ đệm Văn và Thị phổ biến như người Việt Nam” (Họ và tên người Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.62, ch th.1).

 

Ông Hoa nói như thế còn chúng tôi thì cho rằng, nói “ben” có thể cho ra “Văn” và “binti” có thể cho ra “Thị” chẳng khác nào nói rằng, tiếng Pháp “petit” đã cho ra tiếng Việt “bé tí” còn “colosse” thì đã cho ra “khổng lồ,” chẳng khác nào nói tiếng Ý “ciao” đã cho ra tiếng Việt “chào” còn tiếng Tây Ban Nha “niđo” thì đã cho ra “nhỏ nhí.”

 

Nhận xét của Malherbe xuất phát từ một sự so sánh vô nguyên tắc mà sự công nhận của ông Lê Trung Hoa thì cũng chẳng có cơ sở khoa học nào. Lẽ ra, ông Hoa phải hiểu tiếng Việt hơn Malherbe mới đúng. Trong trường hợp này, Malherbe đã làm một công việc mà Henri Frei đã làm cách đây gần 120 năm trong quyển “Lannamite, mère des langues” (“Tiếng An Nam, mẹ của các thứ tiếng” – Hachette & Cie, Paris, 1892), trong đó quan năm Frei này đã so sánh tiếng Việt với nhiều thứ tiếng, có khi thuộc những ngữ hệ cách nhau rất xa. Ngữ học so sánh có những nguyên tắc của nó; không thể cứ thấy hai từ giống nhau thì vội vàng khẳng định chúng là bà con, như Frei và Malherbe đã làm và ông Lê Trung Hoa đã cả tin.

 

Thật ra thì chữ lót “Văn” trong tên của nam giới chính là chữ “Văn” trong “Văn thân,” nghĩa là xăm mình. Nhưng trước khi phân tích và chứng minh, xin hãy chép lại đoạn nói về “Tục lệ xăm mình của người Việt cổ” ở Wikipedia (cho đến ngày 19/9/2011):

 

Sách “Lĩnh Nam chích quái” (phần “Hồng Bàng thị truyện”) viết như sau:

 

“Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với vua. Vua nói: ‘Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại.’ Nói rồi, vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy. Đặc biệt thời Trần, những thành viên thuộc đội quân Thánh Dực bảo vệ xa giá sẽ được xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân (Quân đội Thiên tử). Nghệ thuật này còn được thấy rõ rệt dưới triều đại này với việc xăm hai chữ ‘Sát Thát’ (Giết giặc Tartar) trong thời kỳ kháng chiến chống Nguyên Mông, thể hiện sự quyết tâm đồng lòng chiến đấu, bảo vệ giang sơn của cha ông ta. Thường những người xăm trổ thời ấy đều là những chiến binh dũng cảm và can trường, họ xăm trổ để thể hiện sức chịu đựng và chí hướng của mình. Nhiều người dân thường cũng xăm lên bụng những chữ ‘Nghĩa dĩ quyên khu,’ ‘hình vu báo quốc’ thể hiện tinh thần thượng võ.”

 

Câu “Vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái vào người” trong “Lĩnh Nam chích quái” là một câu có tính chất hồi chỉ và nó hồi chỉ “dân trên núi xuống nước đánh bắt cá.” Những người dân này chỉ là đàn ông. Cho đến tận thời nay, ra khơi đánh cá vẫn chỉ là đàn ông mà thôi. Thiên tử quân đời Trần cũng chỉ là đàn ông. Cho đến mãi thế kỷ XX thì trong nội bộ người Việt, xăm mình vẫn chỉ có đàn ông (chứ phụ nữ Mãng, chẳng hạn thì có xăm mặt). Cứ như trên thì xăm mình là một nét đặc trưng của đàn ông người Việt thời xưa và đặc trưng này đã được đưa vào tên họ của họ. Truy nguyên ra thì thấy như thế và những cái tên, chẳng hạn như Trần Văn Ổi vốn có nghĩa là người họ Trần tên Ổi có xăm mình; Phạm Văn Me vốn có nghĩa là người họ Phạm tên Me có xăm mình; Võ Văn Xoài vốn có nghĩa là người họ Võ tên Xoài có xăm mình; mà hễ có xăm mình thì đều là đàn ông.

 

Ý nghĩa của tục lệ này dần dần phai mờ với thời gian nên về sau, chẳng cần có xăm mình gì cả thì con trai sơ sinh vẫn thường được cha mẹ dùng chữ Văn làm tiếng lót khi đặt tên.

 

Còn Thị là một từ Việt gốc Hán, chữ Hán viết là 氏. Đây là tiếng dùng để chỉ phụ nữ. Nghĩa này của nó được Từ nguyên và Từ hải ghi là “phụ nhân xưng thị” (đàn bà gọi là thị) còn “Vương Vân Ngũ đại từ điển” thì ghi là “phụ nhân” (đàn bà) và “Mathews Chinese – English Dictionary” thì ghi “a female” (người thuộc giới tính nữ). Từ nguyên còn cho biết rõ thêm rằng ngày nay thị cũng là một từ mà phụ nữ dùng để tự xưng (Kim dịch vi phụ nhân tự xưng chi từ).

 

Trong tiếng Việt, nó còn có một công dụng mà “Từ điển tiếng Việt” 1992 đã ghi như sau: “Từ dùng để chỉ người phụ nữ ở ngôi thứ ba với ý coi khinh.” Vậy rõ ràng thị có nghĩa là đàn bà. Nhưng do đâu mà nó trở thành tiếng lót, tức tên đệm của phụ nữ? Thì cũng là từ công dụng của nó trong tiếng Hán mà ra, sau một quá trình chuyển biến ngữ nghĩa. Công dụng này đã được “Hiện đại Hán ngữ từ điển” (Bắc Kinh, 1992) chỉ ra như sau:

 

“Đặt sau họ của người phụ nữ đã có chồng, thường thêm họ chồng vào trước họ cha để xưng hô” (Phóng tại dĩ hôn phụ nữ đích tính hậu, thông thường tại phụ tính tiền gia phu tính, tác vi xưng hô). Thí dụ: Triệu Vương thị là “người đàn bà mà họ cha là Vương còn họ chồng là Triệu.”

 

Người Việt Nam ngày xưa đã không làm y hệt theo cách trên đây của người Trung Hoa mà chỉ đặt “Thị” sau họ cha rồi liền theo đó là tên riêng của đương sự theo kiểu cấu trúc “X thị Y”, hiểu là “người đàn bà họ X tên Y.” Cấu trúc này giống như cấu trúc có yếu tố công (= ông) mà dân Nam Bộ đã dùng để gọi nhà yêu nước Trương Định một cách tôn kính: Trương Công Định, có nghĩa là “ông (được tôn kính) họ Trương tên Định.” Hoặc như của chính người Trung Hoa khi họ khắc trên mộ chí của Trương Khiên mấy chữ Trương Công Khiên (chi mộ), có nghĩa là “(mộ của) ông (được tôn kính) họ Trương tên Khiên.” Vậy, cứ như đã phân tích, Nguyễn Thị Mẹt là người đàn bà họ Nguyễn tên Mẹt, Trần Thị Nia là người đàn bà họ Trần tên Nia, còn Phạm Thị Cót là người đàn bà họ Phạm tên Cót, v..v…

 

Cách hiểu nguyên thủy này đã phai mờ dần theo thời gian, làm cho về sau người ta tưởng rằng thị chỉ là một yếu tố có tính chất “trang trí” cho tên của phái nữ mà thôi. Chính vì đã không còn hiểu được công dụng ban đầu của “Thị” nữa nên người ta mới dùng nó mà làm tiếng lót, nghĩa là tên đệm, cho các bé gái khi chúng chào đời. Người ta đã làm như thế mà không ngờ rằng ngày xửa ngày xưa, các cụ bà của chúng chỉ được dùng tiếng “Thị” để chỉ định sau khi họ đã trưởng thành và rằng thị chỉ được dùng chủ yếu là trong lời nói, đặc biệt là trong ngôn ngữ hành chính, chứ không phải là cho việc đặt tên.

 

Ý nghĩa và xuất xứ của hai tiếng “Văn” và “Thị” trong họ tên người Việt trước đây, theo chúng tôi đại khái là như thế. Chứ hai từ “ben” và “binti” của các chú lái buôn người Arập thì chẳng có liên quan gì với nó cả.

 

Ngoài ra còn có cách lý giải vui như sau: Ông bà ta có câu “gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt.” “Văn” là ý muốn con trai phải có tài ăn nói, “Văn hay chữ tốt” (để đi tán gái?). Còn “Thị” là muốn nhắc nhở chị em phụ nữ phải chăm lo làm đẹp để luôn thu hút ánh nhìn của con trai. Con gái mà có sắc đẹp, ưa nhìn thì sẽ thu hút con trai, nếu không sẽ bị ế.

 

An Chi

 

 

Trần Văn Giang (st)

 

Tại sao người Việt lót “Thị” cho gái, “Văn” cho trai? – Nguyễn Gia Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *