Hà Nội Dưới Mắt Người Hà Nội

.

.

 

Hà Nội: Lòng tự trọng còn xa xỉ, nói gì đến văn hóa!

 

Ngày xưa yêu Hà Nội bao nhiêu thì giờ đây thất vọng về Hà Nội bấy nhiêu, đó là tâm trạng chung của rất nhiều người. Đạo đức lối sống xuống cấp trầm trọng, con người lạnh nhạt vô cảm, giờ đây Hà Nội không còn là chính nó nữa.

.

Độc giả Nguyễn Dũng bày tỏ:

 

“Hà Nội bây giờ không thể coi là một thành phố chứ chưa nói là thủ đô, bởi vì cái ‘phông’ văn hóa của người sống ở Hà Nội thật là kém. Đây là nói đến văn hóa ứng xử chứ không nói đến bằng cấp. Rất nhiều người ăn mặc rất bảnh bao, có trình độ học vấn cao nhưng cách cư xử của họ làm ta ngao ngán. 

Mở ‘mồm’ ra là văng tục, cần gì thì quỳ gối xin xỏ, không được thì nổi khùng giở thói côn đồ.

Thể hiện rõ nhất là khi bị CSGT phạt là xin xỏ, vận dụng quan hệ để nhờ vả hoặc ra oai hoặc giở trò ‘Chí Phèo.’ Cách ứng xử đó phản ánh trình độ nhận thức cũng như nhân sinh quan của họ chỉ dừng lại mức văn hóa làng xã của chế độ phong kiến mà thôi; Vì vậy Hà Nội bây giờ cũng chỉ là một ‘cái làng to.’ ”

.

Độc giả Võ Trung tiếp lời:

 

“Nói đến Hà Nội bây giờ chỉ là một mớ hỗn độn, đầy rẫy tham nhũng, chộp giật, không khí ngột ngạt, chi phí đắt đỏ nhưng chất lượng lại kém, tắc đường. Đây chỉ là một cái chợ để đầu cơ, lừa đảo.”

.

Vì sao Hà Nội lại trở nên xấu xí như vậy?

.

Hà Nội thời “tả pí lù”

.

Bài viết “Văn hóa thấp đi nhưng người Hà Nội vẫn rất tự tin” thể hiện quan điểm của nhạc sĩ Dương Thụ bàn về đời sống văn hóa của người hiện đại đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả. Phần đông độc giả đồng tình với quan điểm và cách nhìn của nhạc sĩ.

.

Độc giả TS Phạm Huy Thưởng bày tỏ ông là một người sinh ra và lớn lên trên đất Hà Nội. Là người Hà Nội, ông không thể không đau xót khi nghe những nhận xét của nhạc sĩ Dương Thụ:

 

“Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Dương Thụ về Hà Nội xưa, Hà Nội mới và Hà Nội thời tả pí lù. Thật đau đớn khi nói về văn hóa Thủ đô khi một năm chỉ có vài nhạc công cổ điển quốc tế đến biểu diễn.

Hà Nội là Thủ đô của gần 90 triệu dân mà không opera, không ballet, không giao hưởng thì nói về văn hóa là sáo từ. Các vở kịch, ‘tác phẩm văn học’ hiện tại thì nhạt nhẽo, chợ búa và hoàn toàn không có bản sắc và tính triết học. Với ‘thành tựu’ văn hóa duy nhất hiện nay là thi hoa hậu thì nói về văn hóa là quá xa vời. Một đất nước có hơn 9.000 giáo sư mà chỉ có 12 bằng phát minh trong 10 năm thì còn gì là văn hóa và khoa học. Lòng tự trọng còn là thứ xa xỉ thì nói gì đến văn hóa anh Dương Thụ ơi.”

.

Hà Nội trong mắt độc giả Thúy Phạm cũng “tả pí lù,” nhếch nhác không kém:

 

“Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, là đầu não của cả nước mà cơ sở hạ tầng nhếch nhác bẩn thỉu, không có sự đầu tư, đường sá thì chật chội, con người chỉ toàn lừa lọc, không văn minh.

Xài tiền ở Hà Nội giống như chúng ta bị ăn cướp vậy, giá cả thì trên trời, gấp 3-4 lần trong Sài Gòn.

Thật khủng khiếp. Nếu chúng ta đi xe ‘bus’ thì sẽ được nếm cảnh xô đẩy, chen lấn và bị móc túi bất cứ lúc nào. Vào bến xe thì hàng đống các thành phần ‘cò’ chèo kéo. Bây giờ cứ nghĩ phải ra Hà Nội là một nỗi kinh hoàng.”

.

Còn độc giả Thanh Tâm thì đồng ý với quan điểm của nhạc sĩ cho rằng người Hà Nội rất tự tin:

 

“Người Hà Nội có nhiều cái quá tự tin. Tự cho mình thanh cao, là bề trên của những người khác xem thường nhũng người khác ra mặt. Lấy ví dụ khi Hà Nội sáp nhập với các tỉnh khác thì ‘người cũ’ đã bắt đầu kỳ thị ‘người mới’ gọi họ nào là ‘Hà Tây vĩ đại,’ rồi những thói hư tật xấu, cách ứng xử nơi cộng cộng,… người ta lại đổ lỗi cho dân ‘tỉnh lẻ’ lên Hà Nội gây ra.”

.

Độc giả này còn so sánh Hà Nội với cuộc sống ở Sài Gòn, nơi độc giả này đang sinh sống:

 

“Sài Gòn cũng đâu thua kém Hà Nội, cũng có dân tỉnh lẻ lên, thậm chí chiếm đến hơn 30% dân của thành phố. Nhưng thử hỏi có người Sài Gòn nào lại đổ tội cho dân tỉnh lẻ hay chưa, hay dân tỉnh lẻ ở Sài Gòn văn hóa hơn dân tỉnh lẻ tại Hà Nội? Là dân của thủ đô cả nước, đáng lý ra người Hà Nội phải là tấm gương sáng, phải là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Đằng này thử hỏi có bao nhiêu người tự hào với người Hà Nội? hay chỉ có người Hà Nội là tự hào về mình thôi?”

.

Sinh ra trong một gia đình có 5 đời sống ở Hà Nội, độc giả Thanh Trang không tự nhận mình là “Người Hà Nội,” nhưng vẫn cùng chung một dòng cảm luyến tiếc về Hà Nội với nhạc sĩ Dương Thụ:

 

“Hà Nội trong tâm trí tôi được xây dựng bởi câu chuyện của ông bà, cha mẹ. Tôi là thế hệ thứ 5 trong gia đình, là một trong vài người không được sinh ra ở Hà Nội còn tất cả đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Những ký ức về Hà Nội như được truyền đi trong hơi thở, nhịp đập, trong cái nếp sống dù ở xa nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ được.

Gia đình tôi, đã hơn 4 đời, tính đến đời tôi và các anh em họ là đời thứ 5, tất cả ngoại trừ tôi và vài người được sinh ra nơi đất khách, nhưng chưa ai trong chúng tôi ghi trong tờ khai về quê quán 2 từ Hà Nội. Một phần chúng tôi trân trọng nguồn gốc Nam Định của mình nhưng phần khác, phần nhiều, chúng tôi tự biết rằng, 3 chữ ‘Người-Hà-Nội’ không phải một danh hiệu mà nó là tinh thần, là những lời dạy bảo, khuyên răn, là lối sống của các thế hệ trong gia đình. Chúng tôi lưu giữ nó như một sự tự hào, không cần phải nói ra, nhưng như đã nói nó chảy trong huyết quản chúng tôi. Dù có đi đâu, về đâu, chúng tôi vẫn chỉ muốn nhớ về Hà Nội, một trái tim hồng, luôn trường tồn với thời gian.”

.

Cho rằng cách nhìn, sự đánh giá về Hà Nội của nhạc sĩ là rất đúng, rất có trách nhiệm và bao dung. Rất nhiều độc giả bày tỏ lời cảm ơn với nhạc sĩ Dương Thụ.

.

Độc giả Trần Hoàng bày tỏ:

 

“Cảm ơn nhạc sĩ. Cách viết của nhạc sĩ cũng giống như những nét nhạc của ông; dung dị, sâu lắng, rung động và rất có trách nhiệm. Vấn đề là ai đã tạo ra văn hóa Hà nội như ngày nay, một Hà Nội xô bồ, nhộm nhoạm với văn hóa ứng xử thấp kém. Chỉ có người tạo ra nó thì mới có thể sửa đổi nó, giống như việc chỉ có người buộc chuông thì mới cởi được nút chuông.”

.

Lập diễn đàn để rộng đường dư luận

.

Rất nhiều độc giả trăn trở với nền văn hóa của thủ đô đặt câu hỏi:

“Đồng ý rằng ai cũng công nhận Hà Nội là một cái chợ rồi, song ta làm gì?”

.

Rất nhiều độc giả lên tiếng, đóng góp cao kiến để vực dậy văn hóa nơi đây. Trong đó, nhiều độc giả cho rằng chính quyền thành phố nên lập diễn đàn, hội thảo để mọi người cùng đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề.

.

Độc giả Chung Sức lên tiếng:

 

“Tôi nghĩ rằng những người tâm huyết với Hà Nội đã nhận thấy vấn đề, nhưng làm sao để thay đổi. Không lẽ người Việt Nam chúng ta chỉ ngồi nhìn và chấp nhập thực tế như vậy? Hay là chúng ta chỉ ngồi trông chờ vào thời gian để mọi việc thay đổi từ từ? Hoặc lại đổ lỗi cho cái cơ chế hiện tại chưa cho phép làm? Đây chính là thời điểm thách thức để thể hiện lòng quyết tâm của mình.”

.

Độc giả Vũ Núi đưa ra giải pháp:

 

“Tôi thấy cần thiết phải mở rộng đường (và tạo điều kiện) cho dư luận bàn về vấn đề xuống cấp của Văn hóa Người Hà Nội, để cho ‘Người-Hà-Nội’ mở mắt ra nhìn rõ mình hơn (Tôi thành thật xin lỗi những Người Hà Nội chân chính), không ảo tưởng, tự tin duy ý chí nữa, để cho chính quyền, cơ quan quản lý hiểu đúng về “sản phẩm văn hóa” mà mình được nhân dân cả nước giao cho lãnh đạo, quản lý. Có vậy mới cứu vãn được sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội.”

.

Độc giả Anthony, một việt kiều cũng đóng góp ý kiến:

 

“Thiết nghĩ những người yêu Hà Nội thật sự thì cần phải ủng hộ chính phủ duyệt điều chỉnh quy hoạch Hà Nội mở rộng 2030-2050 trong đó sẽ chuyển Trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị lên Ba Vì. Để Hà Nội cũ mãi mãi là Trung tâm văn hóa, xứng đáng là Thủ Đô của Việt Nam. Nếu được biểu quyết, tôi sẵn sàng kêu gọi đuợc trên 1000 người ở Hà Nội, Sài Gòn và kiều bào tán thành đề án này. Nếu điều đó thành sự thật thì mới mong rằng cuối thế kỷ 21, Việt Nam mới có thể tự hào với thế giới là có 1 thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến được.”

.

Còn độc giả Bi Vũ lại kêu gọi mọi người bắt đầu từ những việc nhỏ nhất:

 

“Tôi nghĩ cần có một diễn đàn để mỗi người nêu một giải pháp cụ thể. Nhiều người yêu Hà Nội, quan tâm đến Hà Nội sẽ đọc và làm theo. Từ hành vi, thói quen sẽ trở thành văn hóa. 1 năm, 2 năm hoặc 10 năm cũng vẫn còn hơn là không bao giờ thay đổi được. Ví dụ, Tôi không vứt rác linh tinh trên đường, con tôi cũng không làm thế, nếu có tôi phải nhắc ngay và quay lại nhặt. Bất kể thứ gì không được vứt trên đường phố, vỉa hè, những bà mẹ có con nhỏ cũng hãy làm như thế. Việc dù rất nhỏ… nhỏ lắm nhưng thể hiện con người bạn thế nào đấy.”

.

Cũng đồng quan điểm với nhạc sĩ Dương Thụ, cho rằng trách nhiệm vực dậy văn hóa thủ đô thuộc về toàn thể nhân dân cả nước, nhưng người then chốt vẫn là lãnh đạo thành phố, độc giả Đỗ Nha Trang bày tỏ:

 

 “Tất cả là ở lãnh đạo. Khi được hỏi về cao kiến để có thể biến Hà Nội trở thành một đô thị có nếp sống văn minh, sạch đẹp nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng ‘Người yêu Hà Nội nhất, có tư cách để trả lời câu hỏi này nhất chính là ông Bí thư Thành ủy và vị Chủ tịch Thành phố Hà Nội.’  Không biết các vị lãnh đạo của thành phố có khi nào nghĩ đến những điều này hay không?”

.

.

Kim Minh

(VNn)

.

Hà Nội Dưới Mắt Người Hà Nội – Kim Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *