Chuyện những cô dâu tội nghiệp

.

 

 

Chuyện một trung tâm “tuyển vợ” tại Hải Phòng

 

Vào “chợ” cô dâu

 

Quả thật nếu không có Park, người đàn ông Hàn Quốc 45 tuổi dẫn dắt có lẽ không dễ dàng chính mắt được thấy những gì đã diễn ra trong “Trung tâm tuyển vợ” cho đàn ông xứ sở kim chi tại xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Để được vào khu vực này, người Việt buộc phải vượt qua những quy định hết sức chặt chẽ, gần như không được phép vào ngoại trừ đi với người Hàn Quốc và anh ta đã được người môi giới xếp đặt vào để… chọn vợ.

 

Park là giảng viên người Hàn, hiện đang công tác tại một trương đại học ở Hà Nội. Anh khá cao ráo, điển trai, chưa có gia đình mặc dầu đã 45 tuổi. Cách đây 3 năm, truớc khi sang Việt Nam công tác, Park đã từng nghe bạn bè của mình ở bên ấy nói chuyện về các “dịch vụ” tuyển vợ tại \/iệt Nam. Điều này khiến anh tò mò, gần như không tin rằng tìm cho mình một  người bạn đời lại giống như chọn mớ rau mớ cá ngoài chợ. Thế nên, khi người kể chuyện, sống tại Hà Nội, đề cập đến việc thâm nhập vào “thủ phủ xuất khẩu cô dâu” bí mật ở Hải Phòng, Park sẵn sàng hợp tác và tỏ ra rất hào hứng.

 

Buổi tối trước hôm đi Hải Phòng, Park trò chuyện rằng anh chưa bao giờ nghĩ trên đời lại có những cuộc “giao lưu” vô lý như vậy. Hôn nhân là chuyện cả đời nhưng lại quyết định trong vài phút gặp gỡ thì thật bất công cho cả hai bên. Chú rể không được quyền tìm hiểu, lựa chọn; cô dâu cũng chẳng biết gì về người chồng tương lai của mình, tính nết ra sao, gia đình bên ấy thế nào.

 

Lái xe theo Quốc lộ 5B (trước đây gọi la Đường số 5) đi thẳng ra Hải Phòng, mất khoảng 2 giờ 50 phút. Tới Hải Phòng, một người bạn tên là Thanh, thường gọi Thanh-đen, một tay “thổ công” ở Hải Phòng, dẫn tới Trung tâm tiệc cưới Hồng Ngọc, xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

 

Trước khi đến Trung tâm tiệc cưới, Thanh-đen dặn phải hỏi lại giá cả ngay từ đầu nếu không sẽ bị “chém” đẹp, và phải thỏa thuận với người môi giới là đến xem mặt để tìm hiểu trước xem có đồng ý hay không rồi mới cưới sau chứ chưa cưới ngay, nếu không họ sẽ bắt cưới luôn vào một hai hôm sau.

 

Tỏ ra là người sành sỏi ở đây, Thanh-đen cung cấp cho bảng giá chi tiết các “dịch vụ” khi đến Trung tâm tiệc cưới. Ví dụ: phải đóng cho ban tổ chức về việc họ thuê “địa điểm bí mật” khoảng 1 triệu đồng. Tiền ”hoa hồng” cho người môi giới từ 600-700 nghìn đồng. Tiền xe đi lại cho mỗi cô dâu từ 30 – 50 nghìn đồng tùy theo cô dâu là người Hải Phòng hay ngoài thành phố. Cô dâu ở tỉnh khác thì chi phí xe cộ sẽ cao hơn. Ngoài ra, mức giá này cũng cao nếu chú rể chỉ xem mặt chứ chưa cưới ngay.

 

Các cô gái dự thi “tuyển vợ” tại Hải Phòng

 

Do được sắp xếp lịch hẹn từ truớc nên Trang – người phụ nữ trong vai trò môi giới – liên tục gọi điện thoại cho Thanh-đen, giục phải có mặt sớm để chọn cô dâu chứ nếu đển muộn người ta sẽ chọn hết và dâu cũng mệt thì khó chọn được người ưng ý.

Tới Trung tâm Hồng Ngọc. Với “mật hiệu” trong điện thoại, Trang nhanh nhẹn đón khách và dẫn qua cổng không bị những người canh gác làm khó dễ, rồi dưa vào một  căn phòng nho nhỏ nhưng bàn ghế rất sang trọng, có máy lạnh:  “Các bạn ngồi đây chút xíu cho mát, dâu sẽ vào ngay bây giờ.” Nói xongTrang đi ra ngoài, đẩy một cô gái trẻ măng vào trong phòng rồi khép cửa lại.

 

Cuộc “ra mắt” chớp nhoáng

 

Cô gái có vẻ hơi nguợng khi lần đầu tiên vào gặp chúng tôi. Tuy nhiên, chỉ một lát sau lấy lại bình tĩnh, cô ào ào tuôn ra những câu nói đã được dạy thuộc lòng: “Em tên là Thắm, sinh năm 1997 (tức năm nay 20 tuổi.- PV), là con thứ ba trong một gia đình có ba chị em.” Trong cuộc trò chuyện, Thắm cho biết chị gái của mình cũng lấy chồng Hàn Quốc, sung sướng lắm nên Thắm cũng muốn được như chị,  kết hôn vói người Hàn Quốc.

 

“Em thấy anh Park thế nào? Em có thích anh ấy không?”- Người phiên dịch bắt đầu hỏi. Thắm nhẹ nhàng trả lời: “Em thấy anh ấy có vẻ hiền lành, lịch sự, trí thức, mà lại trẻ nữa. Em cũng thích anh ấy.”

 

Kể từ khi cô gặp đến khi cô nói thích Park thì chỉ chừng chưa đầy 3 phút!

 

Tôi đặt câu hỏi: “Nếu em biết anh Park bằng tuổi ba em thì em có đồng ý làm vợ anh ấy không?” Thắm lúng túng giây lát rồi nói: “Tuổi tác đối với em không thành vấn đề, bản thân em thấy anh ấy vẫn còn trẻ là được. Nếu yêu nhau thì điều đó có nghĩa gì đâu anh.” Cứ cho rằng câu trả lời của Thắm là thật nhưng cái gọi là “tình yêu” trong mấy phút phỏng vấn e quá vội vàng.

 

Vừa lúc đó, bên ngoài có tiếng Trang vọng vào giục: “Nhanh lên em, không còn nhiều thì giờ,  trưa rồi!.” Thắm đành đứng dậy nở một nụ cười rồi đi ra, Park nhìn tôi khe khẽ lắc đâu, không hiểu là không bằng lòng hay thương hại Thắm.

 

Ngay sau đó, Trang ấn thêm hai cô gái trẻ khác vào để chúng tôi lựa chọn. Nhan sắc hai “thí sinh” này không bằng Thắm nhưng bù lại, các cô rất tự tin. Dường như các cô đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng tuyển làm vợ trai Hàn: “Em thích lấy chồng Hàn bởi vì em yêu Hàn Quốc. Em thích hai món kim chi, kim bap và thích không khí ở Hàn,”  Linh, 18 tuổi, quê Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh, bắt đầu “tấn công” Park. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi có biết tiếng Hàn không thì cô gái trẻ này trả lời: “Chưa, em đang định đi học tiếng Hàn.” Mới 18 tuổi nhưng Linh tỏ ra rất trải đời khi nói lý do đến đây: “Em thấy con trai Việt chán lắm mà lại không chung thủy. Em nghe người ta nói đàn ông Hàn Quốc yêu vợ, chăm chỉ làm ăn, cuộc sống bên đó cũng ổn định hơn bên Việt Nam nhiều.” Cô gái thứ hai vào cùng với Linh cũng liến thoắng một hồi về bản thân nhưng có vẻ kém nhan sắc hơn nên chúng tôi nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện với hai cô.

 

Chúng tôi tiếp tục “phỏng vấn” thêm 12 cô gái khác. Có một điểm chung giữa các thiếu nữ này là ngoài các vấn đề về bản thân, gia đình, thì câu trả lời của các cô đều khá giống nhau. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước khi ra mắt “rể Hàn,” các thí sinh đều được dạy chung một “bài học,” miễn sao có thể lấy lòng được rể Hàn một cách nhanh chóng, và mục tiêu lớn nhất của các cô là cái đám cưới ngay một hai hôm sau.

Mặc dầu Park đã 45 tuổi, gương mặt trông không còn trẻ, nhưng khi chúng tôi hỏi cảm tưởng về Park thì không cô nào chê già, kể cả với các “ứng viên” mới 18 – 19 tuổi. Có lẽ mục đích của các cô là được xuất ngoai sang Hàn chứ không phải tìm người chồng phù hợp. Chuyện chênh lệch vài chục tuổi không là vấn đề đối với các cô.

 

Sau khi thanh toán tổng cộng khoảng hơn 3 triệu đồng về tiền địa điểm, tiền xem mặt cô dâu, tiền công môi giới, chúng tôi rời khỏi căn phòng, ra về trong sự tiếc nuối của Trang: “Ông bạn của các anh khó tính quá, nhiều thế mà không chọn được cô nào. Hôm khác tôi bố trí đông hơn, cứ xuống đây tha hồ mà chọn.”

 

Khi ra đến bên ngoài, Park bỗng sững người trước “ánh mắt biết nói” của Kim Ngân – một cô gái chúng tôi mới phỏng vấn lúc nãy. Ngân không có gì nổi trội so với các cô khác ngoài chất giọng miền Nam mau mắn, ngọt lừ. Cô mời chúng tôi đi uống nước vì lúc đó các “thí sinh” khác cũng đã lục tục ra về sau buổi ra mắt mệt mỏi nhưng không có kết quả.

 

Chúng tôi cùng Kim Ngân đến một nhà hàng gần đó. Cách cư xử của Ngân rất tự nhiên theo bản tính của người miền Nam chứ hình như không có ý gì khác. Điều đó khiến Park có vẻ cảm động. Anh rút bút ra nhờ bạn thông dịch để ghi vào sổ tay tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại và quê quán của Ngân, trong Nam cô ở tỉnh nào, cách Hà Nội và Sài Gòn bao xa, cô ra ngoài Bắc hồi nào, hiện tại ở đâu. Cuối cùng anh hứa sẽ nói chuyện với Trang để gặp lại Ngân sau. Xem ra, Kim Ngân có nhiều hy vọng mặc dầu lúc mời chúng tôi đi uống nước hình như cô không để ý đến chuyện đó.

 

 

Chuyện một cô dâu tội nghiệp

 

Khởi đầu một cuộc “chào hàng”

 

Năm Lan 23 tuổi, người anh bà con tới nhà chơi. Anh nói: “Một mẹ một con, không nhà không cửa, lấy chồng Hàn Quốc đi cho gia đình bớt khổ em à.” Má nói: “Ờ, người ta lấy chông Đài Loan, Hàn Quốc hà rầm nhưng tùy nó chớ dì hổng có ý kiến.” Lan nói: “Thôi má ơi, một mẹ một con được rồi, lấy chồng nước ngoài làm gì.” Bà ngoại gần 80 tuổi nói: “Tao thấy quanh đây các gia đình có con gái lấy chồng ngoại quốc ai cũng xây nhà xây cửa, còn bây ở nhà đi bán bánh tiêu bánh bò khổ quá, kiếm được vài ba chục ngàn trần ai.” Người anh họ nói: “Để con chở nó lên Sài Gòn chào hàng. Nếu trúng mối, qua bển từ từ rồi cũng có tiền.”

 

Cô gái quê Trần Thanh Lan

 

Họ hàng ai cũng thuyết phục. Mọi người đều hiểu hoàn cảnh của Lan, cha bỏ đi sống với người khác biệt tăm từ khi vợ chánh thức là bà Kim Anh mang thai Lan. Hai má con ở nhờ nhà bà ngoại. Sáng Lan đạp xe đạp, má đội cái rổ đi khắp nơi bán dạo, chiều về làm bánh tiêu, bánh bò, kể cả bánh khoai mì nữa để sống qua ngày.

 

Lan người hơi thấp nhưng được cái da dẻ trắng tươi, tóc đen mướt và hay cười. “Con nhỏ đi đâu cũng được mọi người thương mến, bởi vì tánh nó vui vẻ, đối đáp lanh lẹ, lại thiệt thà như đếm. Mấy thằng con trai trong xóm theo nó quá trời mà nó đâu có chịu.”

 

Có người đàn ông lớn tuổi, vợ chết, muốn cưới Lan làm vợ, Lan bảo: “Mua cho tui căn nhà nho nhỏ đặng má tui tá túc thì nhiêu tuổi tui cũng ưng.” Song ở miền quê, dễ gì người ta cho tiền mua nhà. “Thôi, để con hy sanh đời con cho má đỡ vất vả.”

 

Không hiểu người anh họ liên lạc với người môi giới cách nào nhưng rồi anh chở Lan lên Sài Gòn, tới đường Lãnh Binh Thăng, quận 10, tại một địa chỉ bí mật, và Lan kêu điện thoại về cho má: “Các bạn đông lắm má ơi, tới mười mấy hai chục chị lận, ai cũng vui vẻ, thân thiện.”

 

Lan ở trong nhà trọ đã được ban tổ chức mướn để phân tán ra mấy cô một nhà cho được kín đáo. Ăn uống đã có người lo, không phải trả tiền, họ sẽ tính vô chi phí khi các cô được lựa chọn. Khi có người tới coi mắt, các cô sẽ tập trung lại tại  “trụ sở” chính thức cũng rất bí mật.

 

Trong một lần đến xem mặt, một ông tên Hae Jang Su, hơn Lan 15 tuổi thấy Lan là ưng ý liền. Lan kêu điện thoại về Cần Thơ cho má: “Má ơi, con chào hàng xong gồi. Ngày mốt má với ngoại, với mấy dì lên dự đám cưới. Má nhớ đi sớm, ít nhứt là 5 giờ sáng, lên tới Sài Gòn khoảng lúc 8 giờ là vừa, đừng có trễ người ta không đợi đâu. Bận đồ gì cũng được hết trơn, không cần mướn áo dài.”

 

Mọi người cẩn thận ra bến xe từ 4 giờ sang, gồm bà ngoại, hai bà dì em của bà ngoại,  má, các dì em của má và con của các dì. Đám cưới “tập thể” mấy cặp một lúc. Cả nhà 11 người được xếp ngồi chung một bàn. Bà ngoại về kể: “Đám cưới lớn lắm, lần lượt cứ cặp này lên sân khấu chào mọi người xong  thì tới cặp khác, mỗi cặp cỡ chừng 10 phút.”

 

Lần đầu gặp rể, coi cũng không già lắm, bà Kim Anh gật đầu chào. Anh ta cũng cúi đầu chào lại má và mọi người phía nhà cô dâu. Làm lễ cắt bánh xong, cô dâu chú rể ra ngoài sân nhà hàng chụp hình. Cả nhà được đãi ăn từ lúc 11 giờ đến gần 2 giờ chiều, trước khi về cũng được chụp mấy pô hình rồi lục tục ra xe buýt, tới Bến xe miền Tây để về lại Cần Thơ. Lúc chia tay, nhân có thông dịch viên, má cảm động dặn chú rể chăm sóc cho Lan, anh ta cúi đầu liên tục rất lễ phép. Người môi giới đưa cho bà một phong bì, bên trong có 2 triệu đồng. Tên con rể là gì bà cũng quên không nhớ rõ.

 

Lan và người chồng Hàn Quốc trong cuốn album.

(Hình bên trên đã được gia đình xóa đi sau cái chết của Lan)

 

Có khoảng 10 cặp Hàn-Việt được tổ chức làm đám cưới chung hôm ấy, sau đó họ về ở chung trong khách sạn loại thường thường tại Chợ Lớn.

 

Hai ngày sau chú rể về nước. Lan lại về Cần Thơ, tuần ba lần đi trung tâm học tiếng Hàn. Bà Kim Anh thắc mắc: “Trung tâm gì đâu nhỏ chút xíu, dạy trớt gướt, học hoài mà hổng thấy nói được tiếng Hàn.” Lan nói: “Thôi, qua bển gồi con đi học thêm.” Lúc rảnh Lan làm bánh phụ với má nhưng không đạp xe đi bán nữa vì Lan có chồng nước ngoài gồi.

 

Hôm Lan sắp qua Hàn Quốc, bà Kim Anh làm mâm cơm mời bà con họ hàng. Có cậu trai tới năn nỉ Lan: “Đừng đi em ơi, qua bển xứ người chưa biết họ sống ra sao.” Cậu trai làm nghề bán rau cỏ bỏ mối ở chợ Cần Thơ. Bà Kim Anh mến nó, không biết ngoài chợ nó ra sao chớ tới nhà nó ăn nói lễ phép lắm. Bà nói: “Hai đứa cũng đẹp đôi nhưng nó nghèo, đâu có lo nổi cho con Lan.” Lan nói: “Đừng đi sao được, anh. Em nhận tiền của người ta gồi, giấy tờ cũng mần gồi, giờ mà bỏ họ bắt thường má với bà ngoại chết luôn.”

 

Ra sân bay Bình Thủy tiễn con lên Sài Gòn, tới phi trường Tân Sơn Nhứt sẽ qua Hàn Quốc, bà Kim Anh khóc. Con nhỏ chưa bao giờ đi đâu xa, nhiều lắm là đi “chào hàng” ở trên Sài Gòn, bây giờ qua xứ người, lại chưa nói được tiếng Hàn, không biết nó sẽ sống ra sao. Lan tươi tỉnh vẫy tay chào từ giã mọi người. Bà cũng vẫy tay nhưng không cười nổi mà cũng không biết đó là lần cuối cùng bà trông thấy con…

 

Nhật ký nàng dâu

 

– 19 giờ ngày 28/1

Tôi không biết bà ta nói gì với chồng tôi, ổng vô phòng lôi tôi ra ngoài. Ổng lấy hai tay nhấn hai vai tôi buộc quỳ xuống xin lỗi bà ta. Ổng nhéo vào mặt tôi 2 cái rất đau. Tôi kêu nhưng ổng còn ấn đầu tôi xuống nữa.

19 giờ 50 phút, cả nhà đang ăn tối. Bà ta nói với chồng tôi chuyện gì. Bất ngờ, chồng tôi đánh vào mặt tôi. Bà ta tiếp tục diễn tả, chồng tôi lấy hai ngón tay định đâm vô mắt tôi. Tôi khóc, chồng tôi không cho khóc, ra hiệu phải nín ngay.

 

– Ngày 29/1

Ăn tối xong, tôi rửa chén rồi định đi vô phòng nhưng bị bả ngăn lại. Chồng tôi đang xem ti-vi, đi đến gần tôi, đưa hai tay ra bấu vào mặt tôi. Sau đó anh ta lấy hai ngón tay bóp lỗ mũi tôi muốn nghẹt thở. Tôi cố nhịn nhưng không sao cầm được nước mắt. Họ ra dấu bảo tôi phải im.

 

Bà ta tới nhéo vô mặt tôi mấy lần, rồi bả nhéo lỗ mũi tôi nữa. Tôi chạy vô phòng, bả vô theo. Trong khi tôi đang xoa xoa mặt cho bớt đau thì bả kéo tay tôi xuống và tát tôi lia lịa. Rồi tới ổng nữa cũng vậy. Tôi hổng dám khóc mà chỉ hích hích thì bả lại bạt tai tôi và ra hiệu phải nín.

 

Bả vô toi-lét lấy cái quần, không cho tôi mặc, lấy cái khăn, không cho tôi lau. Tôi có làm gì đâu mà họ lại hành hạ thân xác tôi như vậy. Họ không cho tôi tắm rửa, không cho gội đầu luôn. Họ không cho tôi nói chuyện điện thoại. Tối ngày tôi chỉ biết im lặng, có miệng cũng như không. Họ luôn luôn chửi bới, đánh đập tôi về những điều nếu họ không hài lòng. Họ khinh tôi sao họ lại cưới tôi?

 

– Ngày 27/1

Chồng tôi đi làm về. Chẳng hiểu bà ta lại nói gì với chồng tôi, ổng nóng giận chạy vô phòng. Tôi cố ra dấu cho ổng hiểu là tôi không có lỗi gì hết nhưng bất lực. Bả lấy tay nâng cằm tôi lên 2 lần để bạt tai tôi trong khi đó tôi không dám ngước mặt lên vì sợ.

 

Tôi ước ly dị, về Việt Nam tôi sẽ trả lại cho họ tất cả. Tuy nhà tôi nghèo thiệt nhưng đừng xem thường tôi. Tôi cầu mong mình được trở về Việt Nam. Ngày nào tôi còn ở đây là tôi sống trong nỗi sợ hãi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với tôi nữa. Đến tấm hình cưới của tôi bả và ổng cũng đem ra đập và xé trước mặt tôi. Tôi nói với lòng mình rằng nếu ly dị được tôi sẽ về Việt Nam, sẽ không lấy thứ gì họ đã cho tôi. Tuy nhà tôi nghèo thiệt nhưng tôi không thiếu thứ gì, họ đừng làm như vậy. Làm như vậy tôi rất là xem thường họ.

 

– Ngày 26/1

Khoảng 8 giờ 50 phút, bả đang ở ngoài vườn, nhìn tôi và la hét, giận dữ. Tôi không hiểu nhưng nói đại ôkê. Nếu tôi biết tiếng Hàn Quốc, họ sẽ không ăn hiếp tôi đâu. Tôi chịu cực, quen vất vả nên không ngại, chỉ sợ họ bắt nạt tôi. Tôi khóc nhiều vì tức mà không nói được nên mới khóc…

 

– Ngày 25/1

Chồng tôi nằm trên giường xem cuốn nhật ký của tôi. Coi thì coi chớ có biết tiếng Việt đâu mà coi. Bất ngờ, chồng tôi ném cuốn sổ trúng vào gót chân tôi. Tôi khóc vì đau. Cả hai người quát tháo buộc tôi phải câm miệng… Cả hai kêu tôi nín nhưng tôi vẫn tức tưởi… tôi lết ra ngoài màn, rút như con chuột.. còn hai người đang ngồi trên giường, rồi la lên… Ông đi lại nắm tay tôi.

 

Họ cư xử với tôi thật thậm tệ như một con vật. Họ đâu biết rằng, những lần họ nhéo mặt, bóp mũi tôi thì vài ngày sau mặt mới hết sưng, mũi mới hết đau… Những gì bả làm cho tôi sẽ ám ảnh tôi suốt đời.

 

Càng ngày họ càng coi tôi không phải là con người. Họ qua Việt Nam cưới tôi chớ tôi có theo đâu mà họ làm như thế. Họ coi con gái Việt Nam chúng tôi là hạng người gì. Ai cũng đều là con người hết chỉ có khác nước mà thôi.

 

Nếu tôi nói rành tiếng Hàn thì đâu để họ ăn hiếp đến như vậy. Người Việt Nam tôi không dễ gì để họ xem thường nữa đâu.

 

Từ lúc có chồng, lên sân bay sang Hàn Quốc, tâm hồn tôi không còn niềm vui nữa.

Tôi lo gia đình, lo cho tương lai sẽ ra sao… Khi mà tôi và ổng ly dị tôi sẽ trở về Việt Nam, sẽ rất mừng vì được gặp lại gia đình và bạn bè của mình, nhưng về đó tôi sẽ phải đối mặt với bà con xóm làng và mấy dì ở chợ. Họ sẽ hỏi tôi. Tôi sẽ nói sao bây giờ cho họ hiểu.

 

Tôi thì không sao, không ăn thua gì hết. Tôi chỉ sợ má tôi sẽ buồn và càng thêm bịnh…

 

 

Kết cuộc thảm thương

 

 

Ngày 6/2/2008, cô dâu Trần Thanh Lan nhảy từ tầng 17 của tòa nhà đang sống xuống đất để tự tử. Đó là ngày thứ 26 cô làm dâu nơi xứ người.

 

Bà Kim Anh chỉ biết tin con qua cuộc điện thoại ngắn từ người môi giới: “Trần Thanh Lan nhảy lầu chết rồi dì ơi.” Bà xỉu. Không còn nghe được gì nữa.

 

Bà và người anh họ Lan bắt xe đò từ Cần Thơ lên Sài Gòn tìm lãnh sự quán Hàn Quốc lúc trưa mồng 6 tết. Bà còn nhớ: “Trình bày cả giờ là con tôi mới lấy chồng, họ nói nó chết ở bển” người gác VN mới cho vô cổng. Vô, họ bắt đợi từ giờ nọ qua giờ kia, cuối cùng ông lãnh sự mới ra nói để coi xem sao. Thằng anh nó nghe người ta mách, đi ra ngoài kiếm mua một tờ báo Phụ Nữ trước tết rồi gọi cho nhơn viên trực đường dây nóng nhờ giúp đỡ. Người của tòa báo đến giúp đỡ, làm đơn gởi Lãnh sự quán Hàn Quốc, đề nghị cung cấp thông tin về trường hợp của con Lan.”

 

Hai tuần sau, một cuộc điện thoại từ bến xe Cần Thơ, kêu bà mang giấy chứng minh ra nhận hàng. Món hàng mà chiếc xe tải từ Sài Gòn chuyển về là chiếc hộp gỗ từ lãnh sự quán Hàn Quốc.

 

Bà Kim Anh và di ảnh của Lan

 

Cầm cái hộp gỗ trên tay, bà Kim Anh không tin con mình đã chết. Làm sao nó chết được, nó mới dặn dò bà giữ gìn sức khỏe cách đây một tháng. Bà cứ để cái hộp gỗ trên bàn, cũng không dám mở ra xem có gì bên trong. Thì ra đó là các giấy tờ, quyển nhật ký và các vật dụng lặt vặt của Lan.

 

Nhờ sự giúp đỡ của nhiều tổ chức từ thiện, bà Kim Anh sang được tỉnh Gyeongsangbuk, nơi Lan làm dâu. Chuyến đi giúp bà kịp dự lễ 49 ngày của Lan nơi đất khách.

 

Con rể bà, Hae Jang Su giải thích: “Nó trèo qua cửa lùa không có chấn song trong phòng ngủ. Nó bị nhốt trong nhà. Nhảy cửa sổ để trốn ra ngoài  nên mới chết.” Bà chỉ khóc. Anh ta giải thích rằng do bất đồng ngôn ngữ, do khác biệt văn hóa, do hai bên không hiểu nhau… đủ thứ lung tung nhưng cái chính là con gái bà đã chết và  bà chỉ khóc, chẳng biết gì hơn.

 

Đem bình tro cốt con về Việt Nam, bà xót xa nghĩ rằng lúc tiễn con đi bằng da bằng thịt, lúc đưa con về bằng bình tro cốt, rồi bà lại khóc trên máy bay.

 

Sau khi đem tro cốt của Lan lên chùa Phước Long, về nhà, được người anh họ của Lan đọc nhật ký của Lan trong 26 ngày làm dâu Hàn Quốc thì bà mới hiểu tại sao con bà chết. “Tội nghiệp nó quá, lấy chồng nước ngoài mà khổ như ở tù”

 

 

Quảng cáo “Lấy vợ Việt Nam”

 

Hiện nay, có khoảng hơn 40.000 (hơn bốn mươi ngàn) cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, không kể tại các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan..vv.. với tổng số tính từ năm 2008 tới năm 2016 là 152.029 người. Nói chung, lấy chồng Trung Quốc thì họ bủn xỉn, keo kiệt, lao động cật lực; lấy chồng Đài Loan thì họ già lão, bịnh hoạn, tàn tật, có khi cả gia đình chung một cô dâu, sinh con ra không biết là con của chồng, của bố chồng hay anh em chồng; lấy chồng Hàn Quốc thì họ nóng tính, tàn nhẫn, hay chửi mắng, đánh đập, có khi đánh chết hoặc đâm chết.

 

Một cô dâu VN đào thoát trở về kể rằng, ở Hàn Quốc, đâu đâu cũng thấy quảng cáo của các công ty môi giới hôn nhân. Tấm quảng cáo sau đây là một ví dụ:

 

“Mua một người vợ từ Việt Nam giá chỉ có 6.000 USD.

  1. Bảo đảm còn trinh.
  2. Bảo đảm được giao trong vòng 90 ngày.
  3. Không thêm một chi phí nào khác.
  4. Nếu trong vòng một năm mà cô ta bỏ trốn thì bạn

sẽ được bồi thường một cô khác hoàn toàn miễn phí.”

 

Quảng cáo “Vợ Việt Nam giá có 6.000 đô la.”

” Mại dô! Mại dô” dân Củ sâm ơi!

 

 

Thật là nhục nhã!

 

VNCH trước năm 1975 không hề có chuyện đó. Nhất là dưới thời TT Ngô Đình Diệm, các xứ Kim chi, “Phọt-mô” (Đài Loan tên cũ là Formose, tên mới là Taiwan), kể cả “Chúng-Cọoc” cũng không nhằm nhò gì với VN. Nhục nhã thay cho người VN hiện nay. Lỗi đó tại ai?

 

 

ĐOÀN DỰ ghi chép

.

 

Chuyện những cô dâu tội nghiệp – Đoàn Dự (ghi lại)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *