Kỷ niệm ngày cưới
.
Mỗi năm cứ đến khoảng thời gian dân Mỹ chuẩn bị cho “Ngày Quái Đản” (Halloween) là tôi liên tưởng ngay đến ngày đám cưới của tôi. Thú thật, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên – ngày đám cưới của tôi và ngày “Halloween” vào cùng một thời điểm.
Dầu sống ở đất “tư bản” yêu chuộng vật chất và tiêu thụ này đã hơi lâu mà tôi vẫn chỉ nhớ ngày ông bà và cha mẹ tôi qua đời thôi cứ không tài nào biết và nhớ rõ ngày nào là ngày Mother’s Day, Father’s Day, Grandfather’s Day, Grandmother’s Day, Mother-in-laws day (?), Valentine’s Day, Boss Day, Secretary’s Day, Donuts Day, Tacos Day, Bagels Day… Theo tôi, các tay tư bản Mỹ chỉ bày vẽ những ngày vớ vẩn để có dịp bán “đại hạ giá…”
Riêng “Ngày Quái Đản” (Halloween) thì tôi lại để tâm vì nó trùng vào ngày cưới vợ của tôi!
Thực ra, ngày cưới chỉ là một cái mốc thời gian chẳng có gì đáng nói; Hôn nhân mới là chuyện dài loại “nhân dân tự vệ…” cần được bàn loạn nhiều hơn.
Tổng thống Lincoln đã từng nói:
“Hôn nhân không phải là thiên đàng mà cũng không phải là địa ngục. Nó chỉ là một lớp ‘huấn nhục.’ ”
(nguyên văn)
Marriage is neither heaven nor hell; it is simply “purgatory.”
-Abraham Lincoln
Còn có gì chính xác hơn nhỉ. Lớp “huấn nhục” này thử thách sự chịu đựng của các cặp vợ chồng. Nếu qua khỏi thì họ sẽ lên thiên đàng. Còn không chỉ cần bước vài bước là đi thẳng vào địa ngục ngay sát bên.
Đại Triết gia Socrates của nền văn hóa cổ Hy lạp nói:
“Bằng mọi cách bạn phải lập gia đình. Nếu gặp phải người vợ hiền thì bạn sẽ là người sung sướng hạnh phúc; con nếu bạn lấy phải một người vợ không tốt thì bạn sẽ trở thành Triết gia.”
(nguyên văn)
By all means, marry. If you get a good wife, you’ll become happy; if you get a bad one, you’ll become a philosopher.
-Socrates
Quý vị nhắm mắt cũng có thể đoán đúng là Triết gia hạng gộc Socrates lấy phải bà vợ loại nào!
Về sự quan trọng của hôn nhân đối với con người, Sir Winston Churchill, cựu Thủ tướng lừng danh của Anh quốc trong thời Thế Chiến thứ II, đã nhận xét:
“Thành quả sáng giá nhất mà tôi đạt được là khả năng thuyết phục vợ tôi lấy tôi làm chồng.”
(nguyên văn)
My most brilliant achievement was my ability to be able to persuade my wife to marry me.
– Sir Winston Churchill
Anh chàng Bill gates, người giàu nhất thế giới, cũng đồng ý với Sir Winston Churchill khi ông ta trả lời câu hỏi của một phóng viên trong một cuộc họp báo ở Hoa kỳ (nên biết là câu chuyện của Mr. Bill Gates này tôi ghi lại từ bài giảng của Linh Mục Nguyễn Văn Khải DCCT trong buổi họp mặt gây “Quỹ yểm trợ đấu tranh cho nhân quyền và tù nhân lương tâm tại Việt Nam” vào ngày 9/1/2017 ở thành phố Westminster, California – USA, mà tôi chưa kiểm chứng được “nguồn,” thành ra tôi “‘nghe sao ghi như vậy”):
Hỏi: Mr. Gates, theo ông thì thành quả nào được ông xem là đáng kề nhất (most remarkable achievement) trong đời ông: Sự thành lập Công Ty Microsoft hay Chương trình Từ thiện của Ông?
(Nên biết thêm cho đến ngày 16 tháng 5 năm 2012, Chương trình Từ thiện của Vợ Chồng Ông Bill Gates – còn gọi là The Bill & Melinda Gates Foundation – đã tặng cho các chương trình từ thiện toàn cầu (về Kinh tế, giáo dục và y tế) tổng cộng 28 tỉ US Dollars. Vào năm 2014, Ông Bill Gates còn tuyên bố là ông hứa sẽ cống hiến (endowed) tổng cộng đến 43 tỉ US Dollars cho các chương trình từ thiện…)
Trả lời (TL) – của Mr. Bill Gates: Không phải Công Ty Microsoft mà cũng không phải các Chương trình Từ thiện. Thành quả sáng giá đáng ghi nhớ nhất của tôi là cuộc nhân của tôi với Melinda.
Hỏi: Tại sao vậy? Tại sao lại là cuộc hôn nhân?
TL: Nếu Bố tôi lấy phải một người vợ không tốt, tôi sẽ có đời niên thiếu rất ảm đạm (miserable childhood). Nếu con trai tôi lấy một người vợ không tốt, tôi sẽ là một người cha bất hạnh (unfortunate father). Còn nếu tôi lấy một người vợ không tốt, tôi sẽ là một người chồng đau khổ (very unhappy married man). Chính hôn nhân mới là thành quả sáng giá nhất của tôi.
Sự suy nghĩ Bill Gates, người giàu nhất thế giới, thật khác với người bình thường khu đen như chúng ta…
Bây giờ, tôi xin trở lại chuyện hôn nhân của người thường dân loại “có cơm no hai bữa, và có quần áo lành lặn (không thủng đít) mặc suốt ngày,” chứ không phải của vĩ nhân mà cũng không phải người giàu có bạc tỉ. Trong số đó có bỉ nhân viết bài này.
Nhìn lại những gì xẩy ra chung quanh tôi trong suốt 33 năm qua, tôi thấy sự thay đổi lớn về hôn nhân: Rất nhiều bạn bẻ và người thân thuộc hoặc đã phải tạm chia tay (separated) hay đã ly dị hẳn (divorced) với người phối ngẫu… Chỉ có một số ít vẫn còn sống hạnh phúc với nhau. Tôi thấy bây giờ là lúc phải viết vài hàng về “sự cố” (something wrong) này.
Một hôm, bà xã tôi cắc cớ hỏi tôi :
– Anh à. Hôn nhân của vợ chồng mình có vẻ khác với bình thường.
Tôi trả lời:
– Sao vậy?
– Phần lớn mấy đứa bạn gái của em quen từ trường học cho tới sở làm đều có 2-3 đời chồng cả rồi!
– Ừa… ừa… Mà 33 năm qua, với hai mặt con, dầu có cãi cọ bất đồng ý kiến lai rai, chúng mình vẫn cứ sống bên nhau tà tà vậy mà… Có sao đâu? ‘No star where’ mà!
– Có phải nguyên do là vì em đã lấy được người chồng tốt?
– Không phải như vậy đâu. Anh cũng xấu tính lắm chứ chẳng vừa (?!)
– Hay em là người vợ tốt?
– Cũng không phải luôn. Chúng ta chỉ là những con người bình thường, nhỏ bé, yếu đuối và đầy rẫy khuyết điểm. Chẳng có ai mạnh giỏi hay tốt lành hoàn hảo cả. Có lẽ trời còn thương tình cộng thêm chút may mắn thôi.
Để chứng minh những gì tôi vừa nói với vợ, tôi xin ghi ra đây hai đoạn phỏng vấn tiêu biếu và cách biệt: của một người vợ và của một người chồng – không nhất thiết họ phải là một cặp vợ-chồng, từ một văn phòng “Cố vấn hôn nhân” (Marriage Counselor) cho các cuộc hôn nhân loại đang “đứng bên bờ vực thẳm” (Love On The Rock) như sau:
- Phần phỏng vấn một Bà Vợ
Hỏi (H): Bà có khái niệm gì về tình trạng tài chánh trong gia đình hay không?
Trả Lời (TL): Ờ… ờ… Cả hai chúng tôi đều xài hoang; không biết sống tằn tiện.
H: Vợ chồng bà có cùng ưa thích một cái gì không?
TL: Không. Ông ấy chỉ thích đi câu cá; còn tôi lại rất ghét nước sông, nước hồ vừa bẩn vừa lạnh. Ông ấy thích xem phim ảnh về phi cơ và chiến tranh; trong khi tôi lại thích xem về các người giàu có lắm của. Cả hai người đều thích mua sắm… nhưng lại không muốn đi mua sắm chung với nhau. Các băng và đĩa nhạc của ông ấy làm tôi nhức đầu lắm…
H: Bà có “dễ giận hờn hay dễ nổi giận” không?
TL: “Dễ” theo cô phải định nghĩa như thế nào mới phải? Chẳng hạn tôi hỏi ông nhà tôi là: “Bộ đồ thể thao” bó sát thân thể này nhìn có vẻ không hợp với tuổi tác của tôi phải không? Ông ta trả lời là: “Đúng vậy!” Hỏi cô, làm sao tôi nhịn được!?
H: Bà có hay càm ràm (nagging) ông nhà không?
TL: Tôi hỏi cô là tôi phải làm cách nào để bảo ông ấy đi cắt đám cỏ mọc cao ở sân đằng trước nhà coi không được chút nào?
H: Ông bà có một cái nhìn chung nào đó về tương lai không?
TL: Cả hai chúng tôi đều muốn giàu có. Muốn thật giàu; nhưng chuyện đó chúng tôi biết là làm không được bởi vì… chúng tôi đã lỡ lấy nhau rồi (?!)
H: Ông nhà có làm gì cho bà phát điên không?
TL: Rất nhiều lần. Chẳng hạn ông ta tắm và để hơi nước bay ra dầy đặc phủ mờ hẳn tắm gương lớn trong phòng tắm. Ông ấy vặn nhạc lớn hết cỡ, và vì thế, ông không thể nghe tôi đã hét lên là “vặn nhỏ lại.” Ông ấy còn bỏ lại một tá hột sầu riêng trên bàn sau khi xơi xong hết hơn nửa trái sầu riêng (?!)
H: Có chuyện nhỏ nhặt nào của bà làm ông nhà bực mình?
TL: Rất nhiều chuyện… nhỏ… Chẳng hạn như tôi để vớ ướt (wet stocking) treo trong phòng tắm; làm mất chìa khóa xe; ký chi phiếu thiếu tiền bảo chứng…
H: Bà có khuyến khích chồng bà trong công việc làm và nghề nghiệp của ông nhà hay không?
TL: Tôi đã phải cố gắng hết sức. Tôi luôn luôn nhắc ông chồng tôi xin chủ hãng cho tăng lương mà ông ấy không chịu nghe!!
H: Bà có thấy gì là hứng thú nói chuyện với chồng bà không?
TL: Nói chuyện thì không có vấn đề gì cả. Vấn đề là có ai nghe hay không !?
H: Bà có cố gắng trang điểm cho thật đẹp hoặc mặc quần áo đẹp, hấp dẫn khi đi “party” với ông nhà không?
TL: Cô “giỡn” hoài!
H: Bà có làm gì để làm cho ông tự tin hơn (more confident) không?
TL: Tôi luôn luôn nói với ông ấy là: “Một người với khối óc và khả năng như ông có thể dễ dàng tự làm lấy cho chính mình món điểm tâm để ăn sáng…” Nhưng ông ấy lại không làm được!!! Ông ấy trả lời lại là : “Bất cứ người nào có khả năng tối thiếu về điện hay cơ khi có thể tự thay cái bóng đèn đã cháy… mà bà lại không làm được!!!”
H: Nếu có chuyện “sai sót” (mistakes) xẩy ra trong gia đình, bà và ông có đổ lỗi cho nhau hay không?
TL: Không hẳn như thế. Chúng tôi có khi đổ lỗi cho con cái, cho hàng xóm, cho chính quyền, cho quốc hội… đôi khi chúng tôi chỉ xập cửa một cái rầm; rồi bỏ đi…
H: Qua nhiều năm cưới nhau, với những sự chịu đựng và thông cảm lẫn nhau có làm cho chuyện “chăn gối” (sexual experiences) của bà khả quan hơn không?
TL: Trời đất! Nằm mơ cũng không có chuyện như vậy.
…
- Phần phỏng vấn một Ông Chồng
Người “Cố vấn Hôn Nhân” mở đầu cuộc phỏng vấn như sau:
“Xin ông cho chúng tôi biết đầy đủ chi tiết, ngay cả nhửng chi tiết không quan trọng, để giúp chúng tôi tìm ra một lời giải cho vấn đế ‘sự hôn nhân đổ vỡ’ của gia đình ông…”
Hỏi (H): Ông và bà có cãi cọ với nhau về vấn đề tiền bạc hay không?
Trả lời (TL): Không. Tôi đưa hết tiền lương cho bà ấy… và bà ấy xài thả dàn…
H: Khi cãi nhau, bà nhà có dọa là sẽ về ở bên nhà mẹ vợ của ông không?
TL: Không. Nhà mẹ vợ tôi ở khá xa chỗ chúng tôi… Ngoài ra, tôi có con nhỏ còn đang đi học. Không thể để chúng vắng mặt trường học.
H: Ông có mua hoa tặng cho vợ bao giờ không?
TL: Tôi mua hoa rất thường xuyên vì tôi mua được giá rẻ (wholesale price!).
H: Ông có thường đề ý sau khi vợ ông vừa làm đầu tóc mới hay mua quần áo mới.
TL: Có chứ.
H: Ông sẽ nói gì?
TL: Tôi hỏi bà ấy xài tốn hết bao nhiêu tiền?
H: Thế thì vợ ông trả lời ra sao?
TL: Bà ta “Xí” lên một cái rồi đi vào trong phòng.
H: Ông và vợ có những chuyện gì, vấn đề gì đáng nói mà ông bà hay nói chuyện với nhau?
TL: Nhiều lắm.
H: Chẳng hạn?
TL: Chuyện bạn bè chúng tôi vừa ly dị nhau.
Kết luận của “Cố vấn hôn nhân” là:
“Qua các câu trả lời của ông, cái ‘hôn nhân.’ của ông thuộc loại hết thuốc chữa; ngoại trừ kể từ nay ông trở thành người ấu trĩ hơn một chút (more immature)… thì may ra…”
Tóm lại, qua vài mẩu chuyện ngắn ở trên, chúng ta cũng học được ít nhiều các lời “vàng ngọc” từ các vĩ nhân, triết gia và anh nhà giàu Bill Gates và nhất là các ý nghĩ hạn hẹp “trời đất thiên địa” và lời nói “trớt quớt” của những anh chàng sắp mất vợ hoặc các mợ sắp mất chồng để mà tránh sự đáng tiếc, tốn kém phải xẩy đến cho mình trong hôn nhân và còn có dịp tiếp tục ăn mừng, “kỷ niệm ngày cưới.”
Vai trò của vợ và chồng trong hôn nhân y như vai trò hai chiếc dép của một đôi dép: Luôn luôn phải có đôi; không thể thiếu một chiếc vì một chiếc không làm thành được đôi dép; mỗi cái dép không thể đi một hướng khác với chiếc kia hay đi ngược chiều với nhau. Sau hết là: không thể chấp nhận một chiếc dép thứ ba, bất cứ loại gì, nằm cản đường ở ngay chính giữ hai chiếc dép cũ.
Hạnh phúc của cuộc đời quả là quá ngắn. Xin đừng làm nó ngắn hơn. Tốn kém lắm…
Trần Văn Giang
Orange County
(Mùa “Halloween” – Tháng 10 năm 2017)