Tượng “bác,” từ dáng đứng Raskolnikov đến miếu thờ Trần Thủ Độ
.
Bao nhiêu lời phản đối rộ lên, viện lẽ cái nghèo và cái khẩn thiết có thể phần nào giải quyết bằng tiền, nhưng họ vẫn nằng nặc đòi thể hiện tình nghĩa với “bác” bằng tượng, thật to, thật “hoành tráng” bởi nghĩa tình không thể đong đếm bằng tiền.[1] Rồi họ nhựa giọng phân trần, lập lờ giữa một “bác đơn độc 200 tỷ” với một “bác” “trong quần thể 1400 tỷ,” rồi họ ỉ ôi so bì về sự thua thiệt đài tượng của mình, v.v…[2] Họ đã mót xây tượng đến thế thì, thôi, khoan làm khó, hãy để họ thể hiện thứ nghĩa tình đang són ấy, nhưng điều quan trọng là phải thể hiện như thế nào.
Phải nhấn mạnh đến yếu tố này bởi hiện nước ta có nhiều “bác” quá, “bác” bê tông, “bác” đá hay “bác” đồng và chẳng lẽ lại tiếp tục là thứ… “bác” công nghiệp, loại “bác Hồ” rập khuôn có đôi mắt vô hồn và thân hình thẳng băng cứng đơ với ba biến tấu xoay quanh cánh tay quơ lên hay vung ra, 45 độ “xin chào,” 90 độ “đồng bào hỡi” và 180 độ “từ nay cách xa ngàn trùng?”
Tôi nghĩ đến tư thế của Rodion Romanovich Raskolnikov, nhân vật chính trong “Tội ác và Hình phạt” của Fyodor Dostovevski: nếu nhất định phải thể hiện cho bằng được “nghĩa tình” giữa “nhân dân” với “bác” thì phải tìm hiểu tư thế của chàng sinh viên luật này, lúc cúi mình hôn lên bàn chân của cô gái điếm Sonya Semyonovna Marmeladova:
“Anh không cúi mình trước riêng em, anh cúi mình trước những thống khổ của nhân loại.”[3]
Một Raskolnikov trẻ tuổi có thể nhìn ra nỗi đau của cả loài người qua số phận cô gái hành nghề bán thân mà mình tôn trọng và yêu thương, thì “bác,” nếu thực sư sống khôn thác thiêng, nhất định phải thấy được nỗi đau của đất nước qua từng phận đời bé mọn.
Có lẽ chưa lúc nào mà từng hình ảnh cam chịu của từng thân phận bé nhỏ và côi cút của người dân hèn mọn có thể gói ghém gần như trọn vẹn bi kịch của dân tộc trong hoàn cảnh thất thế, nhục nhã, yếu hèn và mất phương hướng như lúc này. Nếu Sonya bán thân để nuôi cả nhà thì, tệ ra, “bác” cũng phải thấy được nỗi đau chung qua những Sonya Việt Nam bị lừa bán hay dụ dỗ sang Tàu để làm cái máy đẻ, làm con ở, hay làm nô lệ tình dục. Mà nếu cả đời “bác,” theo tiểu sử chính thức, không có một trải nghiệm thực sự nào về ý nghĩa của “người yêu” với mình thì ít ra cũng phải thấm được nỗi đau chung qua hình ảnh của những ngư dân đang phập phồng mưu sinh trong tình cảnh bị bỏ rơi, hoàn toàn côi cút giữa trời xanh biển rộng. Chẳng xa lắm đâu, mới ngày 7 tháng Sáu đây thôi, anh Bùi Tấn Đoàn, 23 tuổi, quê quán Quảng Ngãi, bị tàu kiểm ngư Trung Quốc dùng vòi rồng bắn bay lên không trung, đập xuống sàn tàu trở thành người tàn phế. Mà đó là may, là chỉ mới gãy chân thôi, nếu anh không nhanh tay chộp được đống dây kéo lưới trên tàu thì anh đã thành mồi cho cá biển. Rồi bốn tuần sau, hai tàu cá với trên 30 ngư dân, cũng ở Quảng Ngãi, lại bị bọn cướp biển mang tên “kiểm ngư” ấy cướp sạch, cướp từ ngư cụ hành nghề đến cá tôm đánh được, cướp cả chì lẫn chài.
Vân vân, đếm sao xuể những hình ảnh lớn nhỏ khác nhau của sự đau nhục ấy? Nhục từ tấm biển “Cấm vào đây ăn trộm” bằng tiếng Việt tại Thái Lan, nhục đến lời tuyên bố lạnh tanh “Không được đến đây làm đĩ” tại phi trường Singapore và, như thế, vấn đề đặt ra là tính “điển hình” của cái tư thế ấy.
Thời còn nhỏ tôi đã đọc đâu đó trong loại sách nhồi sọ cháu ngoan câu chuyện về đôi mắt “bác.” Hình “bác” treo ở đó, trong phòng học, treo trên bảng đen, treo trên hàng chữ “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trên hết” để từ cao nhìn xuống khiến cả lớp, mấy chục học trò quàng khăn đỏ, phun nước bọt cãi nhau bởi, nhìn từ bất cứ góc nào, đứa nào cũng cảm nhận rằng “bác” chỉ chăm chú nhìn mỗi một mình mình. Cuối cùng thì câu chuyện “cháu ngoan” kết thúc một cách rất là… “bác ngoan” khi thầy giáo hùng hồn giải đáp về tấm lòng cao cả “Ôm cả non sông mọi kiếp người” của “bác.” Như thế thì, khi đã thể hiện hình tượng “bác” cúi mình, nhà điêu khắc phải xử lý sao đó để khi nhìn vào thì bất cứ ai – từ những cô gái trốn chạy khỏi các động quỷ Trung Quốc đến những ngư dân bị cướp hay những ai từng đau nhói trong lồng ngực trước các biển cảnh cáo bằng tiếng Việt – cũng đều có cảm tưởng rằng “bác” đang cúi đầu tạ tội với riêng mình.
Nhưng cũng phải công bằng: đã bắt “bác” cúi mình như Raskolnikov thì cũng nên đẩy Raskolnikov vào vị trí “bác.” Nếu, nếu Raskolnikov có thể bước ra khỏi trang sách để làm… “bác” của xã hội Việt Nam ngày nay, thì cái hành trình tự vấn của con người nặng đời sống nội tâm này về Tội ác và Hình phạt sẽ diễn ra như thế nào?
Vậy thì phải nhắc lại thảm kịch của chàng sinh viên nghèo túng nhưng kiêu hãnh về danh dự trong cái tên của mình và cháy bỏng khát vọng về lẽ công bằng trong trái tim mình. Thảm kịch bắt đầu khi Raskolnikov phân chia xã hội ra làm hai hạng “đáng sống – không đáng sống” và dùng búa hạ sát bà chủ tiệm cầm đồ, kẻ làm giàu phi nghĩa, chuyên khai thác sự túng quẫn của người khác để đẩy họ lún sâu vào vòng xoáy của sự túng quẫn. Đành rằng bọn sâu mọt xã hội ấy, theo lý tưởng của Raskolnikov, là hạng không đáng sống nhưng em gái của bà ta, nhân chứng bị diệt khẩu trong tình thế cấp bách bởi xuất hiện không đúng lúc? Raskolnikov đã lỡ tay kết thúc mạng sống của một người không đáng chết và tai nạn phát sinh này đã khiến anh ta bàng hoàng, xét lại cái lý tưởng bất toàn của mình để rồi vật vã, nửa tỉnh nửa mê trong những ám ảnh triền miên về tội ác đã gây ra và lý tưởng muốn theo đuổi.
Thú vị thay mà cũng mỉa mai thay, giữa “bác” và Raskolnikov lại có lắm sự trùng hợp về hiện tượng trong khi chan chát đối chọi nhau ở bản chất. Nếu Raskolnikov nêu tên bà chủ tiệm như là kẻ đáng chết, thì sinh thời “bác” cũng quấy đảo đất nước với những danh sách, thật dài, về những phần tử không đáng sống và, nhẹ hơn, là những thành phần không đáng để được sống tử tế, sống cho ra con người. Nếu Raskolnikov lỡ tay với một mạng người khi theo đuổi một lý tưởng bất toàn thì “bác” lại… già tay với rất nhiều người khi vận dụng một chủ thuyết bất lương, cái sự bất lương cô đọng trong lời hiệu triệu mang tên “Quốc tế ca”: Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình. Nếu lý tưởng mà Raskolnikov đau đáu là hành trình tư tưởng của riêng mình thì “bác” chỉ thô thiển áp dụng những bài học từ ngoài, những chỉ thị từ những bậc đàn anh cộng sản bên ngoài, hoàn toàn không có gì là của riêng mình và, nhất là, hoàn toàn không mang lại lợi ích gì cho đất nước của mình. Và khi “bác” thản nhiên an hưởng hào quang của một “cha già dân tộc” sau bao nhiêu lần “già tay,” thì Raskolnikov lại không thể sống bình thường chỉ sau một lần lỡ tay, vật vờ mê tỉnh với những cơn mê sảng vào ban đêm và bước chân lang thang vờ vật vào ban ngày, như một con bệnh tâm thần.
Cảnh ấy có thể sẽ khác và, rất có thể, phần lớn, Raskolnikov sẽ tiếp tục tỉnh táo với cuộc sống bình thường, không tự hành hạ mình đến thế, nếu anh ta hoá thân làm “bác.” Thời ấy, giữa xã hội Nga, Raskolnikov nhắm ngay vào bà chủ tiệm cầm đồ, nhưng giữa xã hội Việt Nam này thì anh ta biết nhắm vào đâu? Hạng ấy quá nhiều, nhung nhúc như một bầy sâu và, thậm chí, còn đáng tởm hơn thế rất nhiều.[4] Bà chủ của Raskolnikov làm giàu từ vàng bạc, nữ trang mà người cùng quẫn cầm cố, còn bọn chúng thì làm giàu bằng cách cầm cố nhân dân và đất nước, mặc tình đất nước và nhân dân lún sâu trong sự cùng quẫn. Cướp được tiền bạc và nữ trang của chủ tiệm cầm đồ, Raskolnikov mang đến chôn kín dưới một hòn đá, không động đến một xu dù cực kỳ túng thiếu, không xu dính túi. Còn bọn chúng thì phung phí cả những đồng tiền mà thế hệ chưa đẻ sẽ kiếm bằng cách mang đất nước ra cầm cố để vay nợ cho những dự án phù phiếm mà mục đích duy nhất chỉ là tư túi, tiêu hoang.
Đối diện với một danh sách rất dài hạng cầm cố nhân dân đất nước ấy, hẳn Raskolnikov phải lần lữa, phân vân, khất đi khất lại: tên nào cũng đáng đập đầu cho chết cả, nhưng ai mới là kẻ đáng chết hơn? Khi việc sàng lọc mục tiêu kéo dài tưởng chừng đến bất tận thì cơ hội hành động sẽ giảm xuống và xác suất lỡ tay giết người vô tội sẽ trở nên vô cùng bé. Như thế thì Raskolnikov sẽ còn tỉnh táo, sẽ tiếp tục mạnh mẽ với lý tưởng ban đầu và, rốt cuộc, hành trình tự vấn về Tội ác và Hình phạt sẽ biến thành cuộc truy vấn vô cùng tận về trách nhiệm và công lý.
Truy vấn đến tận cùng như thế thì ắt sẽ có lúc Raskolnikov ngộ ra, hiểu rằng anh ta chẳng phải giết ai cả trừ phi giết… mình, bởi, đáng chết nhất, phải là kẻ chịu trách nhiệm cao nhất. Hẳn nhiên đây không phải là Raskolnikov của Tội ác và Hình phạt mà là một Raskolnikov “Hồn Trương Ba da hàng thịt,” đã được chúng ta chiêu hồn từ trong trang sách của Dostovevski để bước ra chen chân trong xã hội Việt Nam hôm nay dưới hình hài của kẻ đang tiếp tục làm nghèo đất nước bằng… tượng. Có thể kẻ ấy, người mẫu của những pho tượng ấy, chỉ là một biểu tượng chứ không thực sự gánh chịu hết trách nhiệm cho những gì đã xảy ra nhưng, như một biểu tượng, ông ta cũng đáng bị xét xử trên ý nghĩa biểu tượng.
Như thế thì ngoài cái dáng cúi mình của Raskolnikov, đám người đang lau nhau đòi thể hiện nghĩa tình bằng những đồng tiền xương máu của nhân dân có thể xem xét đến tư thế của người chuẩn bị kết liễu đời mình.
Có thể là một “bác” rất… văn nhân theo hình ảnh lãnh tụ-nhà thơ: “bác” trầm ngâm, tư lự bên chén thuốc độc trước lúc quyên sinh. Có thể là một “bác” rất… võ tướng với ánh mắc sắc như dao với khẩu K-54 chĩa vào thái dương trước khi tự sát, hay cái lưỡi lê tháo từ nòng súng CKC chĩa ngay vào cần cổ trước lúc tự sát. “Bác” cũng có thể thẫn thờ với sợi dây lụa mềm ngồi tựa gốc cây trước khi tự ải và có thể trầm ngâm bên bờ Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch hay Hồ Tây trước lúc tự trầm.
Nhưng nếu việc kết liễu sinh mạng là sự trả giá cao nhất trên ý nghĩa trừng phạt và công lý thì, trên phương diện tư tưởng và nghệ thuật, nó vẫn chưa hẳn là cách thể hiện “cao giá” nhất. Tưởng tượng cảnh Raskolnikov, trong vai “bác,” tự chĩa khẩu súng K-54 vào thái dương bóp cò: súng nổ cái bụp, óc và máu xịt ra, đầu gục xuống là thôi, là chấm hết những oan nghiệt đời người, chẳng còn gì để nói về mặt tư tuởng hay nghệ thuật. Như thế thì phải hướng đến cái quá trình khám phá những “oan nghiệt” ấy. Nhất định phải có một tiến trình giác ngộ và tự khai sáng để Raskolnikov, trong vai “bác,” dần dà nhận ra cái cuộc đời kinh tởm của mình.
Hình tượng ấy hẳn phải thể hiện ở lúc anh ta ngộ ra sự thật, đau đớn và dũng cảm đối mặt với sự thật. Hãy tưởng tượng cảnh Raskolnikov sau những ngày lang thang vật vờ tại Hà Nội, như đã lang thang vật vờ ở Saint Petersburg “Tội ác và Hình phạt,” mặt dúm dó đau khổ bên cái lăng của mình, đứng gần nhìn thẳng vào xác ướp của mình với ánh mắt kinh tởm hay đứng thật xa nhìn vào cái nhà mồ xám xịt xấu xí trùm lên cái xác ướp của mình với ánh mắt bàng hoàng. Hãy tưởng tượng cảnh của Raskolnikov đứng trước cái Viện Bảo tàng hay những tượng đài khô cứng và máy móc theo lối công nghiệp. Anh ta là một con người dày vò với những đau đớn bên trong, thế nhưng pho tượng kia, cũng là hình hài của anh ta, lại khô cứng và máy móc như một hình nộm tuyên truyền và, như thế, anh ta phải nhìn nó bằng một ánh mắt khinh rẻ, bàng hoàng.
Tự khinh rẻ chính mình ắt sẽ dẫn đến tiến trình tự hủy hoại mình, và tôi nghĩ đến một hình tượng ngược, từ một ý tưởng của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn. Nếu tác phẩm mà Lê Thành Nhơn ấp ủ là một khối đá vung tay để tạc đẽo nên hình hài con người cho mình thì, ở đây, chúng ta có thể hình dung cảnh Raskolnikov, trong vai “bác,” dùng đôi tay mình đục phá chính mình để truy tìm bản lai diện mục của mình. Có thể anh ta dùng búa, thứ vũ khí đã đập chết bà chủ tiệm cầm đồ, đập vỡ hộp sọ ra để xem bên trong là những thứ gì, cái đầu mối của những chính sách đã đẩy đất nước và nhân dân lún sâu vào con đường cùng quẫn xoay vòng. Có thể anh ta đục ngực moi tim mình, cắt lưỡi hay xẻo miệng hay là tự cắt gân tay mình, cái bàn tay đã ký, đã ban hành bao nhiêu sắc lệnh, bao nhiêu nghị quyết phản dân hại nước, v.v…
Chết là hết, thì vẽ ra những hình ảnh chết chóc ghê gớm như thế về một người không còn sống nữa là điều không hay, là trái với đạo lý. Tôi hiểu điều đó nhưng xét ra thì ông ta đâu đã chết và sự việc cũng đâu đã… hết? Chế độ toàn trị chẳng đã rêu rao rằng ông ta “sống mãi” và, để ông ta “sống mãi” như thế, nó chẳng đã và đang đục khoét xương máu nhân dân cho những tảng đá hay khối đồng mang sắc mặt của ông ta hay sao? Vả lại, ông ta đã có được một nghi lễ tống táng ra hồn, hợp với truyền thống và hợp với đạo lý “chết là hết” đâu? Mà, suy cho cùng, thực hiện những hình tượng nghệ thuật như thế cũng là một cách để giúp ông ta tránh cái đớn đau mà những bậc thầy hay bậc đàn anh cộng sản đã chịu đựng khi bị đám đông cuồng nộ hạ nhục.
Chế độ cộng sản tại Liên Xô, tại Romania hay Đông Đức tồn tại được bao nhiêu năm? Hãy nghĩ đến những pho tượng đồ sộ của Vladimir Lenin hay Joseph Stalin bị đập phá hay giật đổ, bị cần cẩu bứng ra khỏi bệ đài như là treo cổ. Và hãy nghĩ đến những pho tượng bị tùng xẻo của Saddam Hussein, những thủ cấp bằng đồng của ông ta lăn lóc bên vệ đường Baghdad những ngày bom khói. Cái chế độ thối nát, vô tích sự và phản động tại Việt Nam không có lý do nào để tồn tại đời đời, và kịch bản này sẽ lập lại nếu không thay đổi tư duy dựng tượng.
Nghĩa tử là nghĩa tận, ai có thể giết một người thêm một lần nữa và ai có thể đập đổ hay treo cổ một pho tượng khi chính bức tượng ấy tự đập đổ hay treo cổ chính mình? Khi một nhà cai trị giả nhân giả nghĩa tỉnh ngộ, dám đối diện với trò gian dối của mình để tự trừng phạt lấy mình, dù chỉ làm thế trong hình hài một pho tượng, sẽ chẳng ai nỡ lòng đạp đổ.
Trong Kiến Văn Tiểu Lục, chương “Linh Tích,” Lê Quý Đôn đã thuật và bình chú câu chuyện Trần Thủ Độ hiện hồn tại miếu thờ của mình, yêu cầu những kẻ thờ cúng loại bỏ chính cái miếu thờ này:
Trong địa phận mộ có miếu thờ, hằng năm cứ mồng 7 tháng 7 làm lễ cúng giỗ, lễ phẩm rất hậu. Sau đó, thần thường phụ đồng vào người trong thôn, nói rằng “Ta đã tu hành rồi, dân nên làm cỗ chay, thờ cúng phụ vào nhà chùa, đứng có lập miếu bái, làm hại nhiều đến mạng súc vật.” Dân trong thôn theo lời, bèn bỏ miếu ấy đi. (Trần Thủ Độ ngấm ngầm dời ngôi vua nhà Lý vào tay nhà Trần, nào giết vua, nào hoang dâm với thái hậu, không việc gì là hắn không nhẫn tâm làm, sau khi chết mới tu hành, kể cũng đã muộn. Nhưng trải hơn 300 năm, không biết có phải từng qua địa ngục hay không, mà đến đây mới quay đầu tỉnh ngộ. Việc này cũng đáng răn bảo người đời…[5]
Trần Thủ Độ là một nhân vật đặc biệt, đã đi đến mức tận cùng ở cả hai khía cạnh tốt-xấu, phong thái hành xử ít thấy ở dân tộc Việt, nhưng thường thấy ở dân tộc Đức hay dân tộc Nhật. Trong tranh đoạt quyền bính ông ta cực kỳ tàn độc và thủ đoạn, nhưng trong cách trị nước ông là người cực kỳ nghiêm minh, pháp bất vị thân. Đáng nói hơn, trước hiểm hoạ mất nước từ sự đe doạ của siêu cường độc tôn của thế giới thời ấy, ông ta đã không hề nao núng, cực kỳ can đảm, cực kỳ anh hùng mà không phải dựa dẫm vào ai, không hề mang xã tắc ra cầm cố cho bất cứ thế lực hay chủ thuyết ngoại lai nào: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!.” Lê Quý Đôn đã tỏ ra bất công khi không nhìn nhận đủ góc cạnh về Trần Thủ Độ, nhưng đó không phải là điều mà chúng ta đang bàn. Cái chúng ta quan tâm, dẫu huyền hoặc khó tin, là chuyện một nhân vật lịch sử ăn năn, hiện về kêu gọi những kẻ thờ cúng mình “bỏ miếu.”
Hồ Chí Minh cũng là một nhân vật lịch sử và hãy cho ông ta cơ hội học cái bài học “bỏ miếu” ấy. Hãy để ông ta tỉnh ngộ và hối cải, ngay trong việc dựng tượng ông ta. Cách hay nhất để thể hiện sự điều ấy là không dựng thêm bức tượng nào. Đục khoét nhân dân cả năm được 1500 tỷ nhưng bỏ ra đến 1400 tỷ để dựng tượng thì chỉ có thể làm nặng thêm nghiệp chướng của ông ta. [6] Nhưng nếu khăng khăng phải dựng, thì hãy nghĩ đến những đám đông cuồng nộ tại Liên Xô, Đông Âu hay Iraq, vừa cho phép ông ta bày tỏ sự ăn năn, vừa cho phép ông ta chứng tỏ khả năng cáo già chính trị của mình nhằm ngăn chặn sự hung hăng của đám đông phẫn nộ ấy theo chiến thuật “pre-empt.”
Hãy tưởng tượng cái cảnh chưng hửng của đám đông khi hung hăng mang búa đến đập phá tượng ông ta để rồi phát hiện ra rằng ông ta, như một bức tượng, đang thay mặt họ dùng búa đập phá chính hình hài của ông ta. Hãy tưởng tượng cái cảnh tiu nghỉu của họ khi hùng hục lái xe cẩu đến bứng rễ ông ta để rồi phát hiện ra rằng ông ta, hay pho tượng về ông ta, đã lường trước điều họ muốn làm với cảnh tự lái xe cẩu để tự nhấc mình lên, bằng một sợi dây xích sắt tròng quanh cổ mình. Nhưng xa hơn, những hình tượng như thế không chỉ đơn thuần là chiến thuật pre-empt mà, nhân đạo hơn, còn giúp ông ta trọn vẹn một ước mơ dang dở.
Sinh thời, ngất ngây với hào quang của là một lãnh tụ chính trị “anh minh,” ông ta cũng đã phởn lên như một nhà tiên tri chính trị với những tuyên ngôn hay dự án ăm ắp viễn kiến tương lai. Từ một “đất nước bằng 10 ngày nay” đến sự giúp đỡ vô tư và vô tận của “các nước anh em,” từ “sự nghiệp 10 năm” đến “sự nghiệp 100 năm” v.v.. nhưng, rốt cuộc, như đã thấy, ông ta chỉ là một nhà tiên tri thất bại, thất bại một cách thê thảm, thất bại đến đau đớn. Thôi thì, như một phát súng ân huệ, qua cách dựng tượng này, hãy ban cho ông ta thêm một cơ hội tiên tri: tiên tri cái ngày nhân dân vùng lên đập nát những tượng đài của chính ông ta.
Sớm hay muộn, ngày đó sẽ xảy ra. Càng đục khoét xương máu nhân dân để dựng lên những bức tượng ngay đơ và vô hồn về ông ta, ngày đó sẽ càng đến gần hơn.
Nguyễn Hoàng Văn
10.8.2015
___________
Tham khảo:
[1]BBC, “Tình cảm không thể cân đong đo đếm”
[2]Long Nguyễn, “Chủ tịch Sơn La: Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”
[3]Bản tiếng Anh Crime and Punishment của Richard Pevear và Larissa Volokhonsky (Alfred A. Knopf: New York 1992). Đoạn tả phản ứng của Sonya và lời giải thích của Raskolnikov khi anh ta quỳ xuống hôn chân của cô:
“What is it, what are you doing? Before me!” She murmured, turning pale, and her heart suddenly contracted very painfully.
He rose at once.
“I did not bow down to you, I bowed down to all the suffering of humanity,” he utter somehow wildly and walked away to the window. “Listen,” he added, turning to her a minute. “I told one offender today that he wasn’t worth your little finger . . . and that I did my sister honour making her sit beside you.”
(Part 4: Chapter 4, page 322)
[4]Phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2011: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này.”
[5]Dẫn theo Kiến Văn Tiểu Lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm (Viện Sử Học), NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội 2007, trang 515.
[6]Tô Hội, “Xây dựng tượng đài bằng cả năm đóng thuế thì không ổn!” Ông Đỗ Văn Ân, cựu Bí thư Tỉnh ủy Sơn La: “Thì cả tỉnh Sơn La bây giờ, thu thuế mỗi năm chỉ được khoảng 1.500 tỷ đồng, thế nghĩa là tượng đài gần bằng tiền thuế của dân trong tỉnh trong 1 năm làm việc. Lấy 1.400 tỷ đồng làm tượng đài thì còn chi cái gì nữa, lấy cái gì ra mà chi, mà vận hành bộ máy, xây dựng điện đường trường trạm…”
Xem thêm: Sự thật tà đạo “tâm linh Hồ Chí Minh”
Nguồn:
http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=19084