Ngồi buồn gãi háng – Cụ Trần Văn Hương

.

tongthongtranvanhuong

Cụ Trần Văn Hương

(viết theo Wikipedia)

Cụ Trần Văn Hương (1902–1982)  là cựu Thủ tướng (1964–1965, 1968–1969),  Phó Tổng thống (1971-1975), và rồi Tổng thống trong thời gian ngắn ngủi bảy ngày (từ 21 tháng 4, 1975 đến 28 tháng 4 năm 1975) của chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

 

Thân thế

Cụ Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại làng Long Châu, quận Châu Thành (nay là thành phố Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nghèo. Nhờ học giỏi và được sự hy sinh của gia đình, cậu học sinh Trần Văn Hương được ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm… Sau khi tốt nghiệp, Cụ  Trần Văn Hương được bổ về dạy tại trường Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho.  Đây cũng chính là ngôi trường cũ mà Cụ đã theo học mấy năm trước. Thời gian 1943-1945, Cụ Hương là giáo sư dạy môn Văn chương và Luận lý tại trường này. Cụ là một thầy giáo đã từng đào tạo nhiều học trò nổi tiếng (tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, cũng tự nhận là một học trò của Cụ) và từng giữ chức vụ Đốc học Tây Ninh.

 

Thời kỳ tham chính

Sau cái gọi là “Cách mạng tháng Tám 1945” của Việt Minh, Cụ tham gia chính quyền Việt Minh với tư cách nhân sĩ tự do. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, Cụ được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, năm 1946, do Cụ biết Việt Minh là Cộng sản trá hình đã bắt đầu đường lối quy chụp cho nhiều trí thức là “Việt gian” để tiêu diệt, trong số đó có Cụ.  Thấy Việt Minh bắt đầu thủ tiêu một số trí thức, cho nên Cụ bỏ về quê sống ẩn dật và tuyên bố bất hợp tác với cả chính quyền Việt Minh, Pháp và Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, sau này là Quốc gia Việt Nam. Sau đó, Cụ vào Sài Gòn mở hiệu thuốc cho đến năm 1954. Trong thời gian đó Cụ lập đảng Phục Hưng, nhóm họp một số nhân vật chính trị (như Tổng trưởng Kinh tế và Kế hoạch Trần Văn Văn).

Sau Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, năm 1955 Cụ ra làm Đô trưởng Sài Gòn trong chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm trong một thời gian ngắn. Sau đó, Cụ từ chức để phản đối chính sách của  TT Ngô Đình Diệm,  thời Đệ nhất Cộng hòa. Năm 1960, Cụ cùng 17 nhân sĩ thành lập nhóm “Tự do Tiến bộ,” tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle (thường được gọi là “nhóm Caravelle”), chính thức xác nhận địa vị đối lập với chính quyền. Khi cuộc đảo chính quân sự ngày 11 tháng 11 năm 1960  của đại tá Nguyễn Chánh Thi xẩy ra và thất bại.  Vì nhóm “Tự do Tiến bộ” của Cụ đã tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chánh này cho nên Cụ cùng 17 vị nhân sĩ nhóm Caravelle bị chính quyền bắt giam. Trong tù, Cụng có viết một tập thơ lấy tên là “Lao trung lãnh vận” (tức là “Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù“).

 

Thủ tướng

Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, năm 1964, Cụ lại được cử giữ chức Đô trưởng Sài Gòn lần thứ hai. Không lâu sau, ngày 4 tháng 11 năm 1964, Cụ lại được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời giữ ghế Thủ tướng và lập Nội các.

Tuy nhiên chính phủ của Cụ Trần Văn Hương không tồn tại được lâu vì ngày 27 tháng 1 năm 1965, tướng Nguyễn Khánh làm một cuộc chỉnh lý, lật đổ chính quyền dân sự và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu bị truất phế. Cụ Trần Văn Hương cũng bị bắt và quản thúc một thời gian ở Vũng Tàu.

Đến năm 1968, để tạo ảnh hưởng chính trị, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời Cụ ra làm Thủ tướng lần thứ hai.

 

Phó tổng thống

Năm 1971, trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ hai của nền đệ nhị Cộng hòa, Cụ cùng TT Nguyễn Văn Thiệu đứng chung liên danh ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975.

 

Tổng thống

Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống.Cụ cũng chỉ nắm chức vụ Tổng thống trong 7 ngày. Đến ngày 28 tháng 4, Cụ đã trao quyền lãnh đạo cho tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với các lực lượng cộng quân đang tiến vào sát thủ đô Sài Gòn.

Cụ được xem là vị tổng thống dân sự (do dân cử) cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

 

Sau năm 1975

Sau 1975, Cụ chọn ở lại quê hương, tiếp tục sống ở căn nhà 216 đường Phan Thanh Giản (nay đổi tên thành đường Điện Biên Phủ ?), Sài Gòn. Năm 1977,  Cụ “được” chính quyền cộng sản Việt Nam trao trả “quyền công dân,” nhưng Cụ khước từ. Cụ nói rằng:

“Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!”

Vào những năm tháng cuối đời, Cụ sống chung với em gái, em rể, và người con trai lớn là Lưu Vĩnh Châu, tên thật là Trần Văn Dõi, một cán bộ cộng sản, nguyên là đại úy quân đội việt cộng đã từng tham gia trận Điện biên phủ.

Cụ mất ngày 27 tháng 1 năm 1982, nhằm ngày mồng ba Tết Nhâm Tuất, hưởng thọ 80 tuổi.

*

Như đã nói ở phần trên, Cụ Trần Văn Hương có làm một bài thơ lúc cụ nằm trong tù vì chống đối chính phủ của TT Ngô Đình Diệm… Trong bài thơ đó có một câu đã được báo chí thời trước 1975 nhắc đi nhắc lại hoài hoài:

 

Ngồi rù gãi háng dái lăn tăn.

Báo chí ghi lại là:

Ngồi buồn gãi háng dái lăn tăn.

Ý của câu “Ngồi buồn gãi háng dái lăn tăn” là :

Nếu  chẳng có việc gì làm thì cứ tà tà ngồi gãi háng / dái cho đã… thay vì nói nhảm!

 

*

Nguyên văn bài thơ là:

Suốt ngày ăn ngủ, ngủ rồi ăn.

Chẳng thấy chuyện gì chuyện khó khăn.

Nằm khểnh sờ môi, râu tủa tuả,

Ngồi rù gãi háng, dái lăn tăn.

Làm sang phe phẩy tay còn quạt,

Đi tắm trần truồng mổng thiếu chăn.

Ăn, ngủ, ỉa xong đầy đủ cả.

Muốn chi chi nữa, biết mần răng.

(“Lao Trung Lãnh Vận” – Cụ Trần Văn Hương)

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

 

Ngồi buồn gãi háng – Cụ Trần Văn Hương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *