Lời giới thiệu của người sưu tầm:
1- Một người bạn nhậu của tui đã về hưu rồi, rất quởn, vô thăm trang mạng www.nongnghiephaingoai.com này và phê bình là:
“Tui quởn quá, mở cái ‘website’ của ông gọi là ‘Nông Nghiệp’ (nhà Nông chuyên Nghiệp?) này định tìm ở đây cách trồng rau muống, hay cần sa (?) để vừa ăn, vừa hút, vừa đem ra chợ bán kiếm thêm chút tiền còm cho kinh tế gia đình vì tiền hưu trí chính phủ Obama cho ít quá không đủ hút… mà lục lọi hết trang này qua trang nọ chỉ toàn thấy là thơ phú, nhạc trữ tình và ‘truyện nhi đồng’ không hà. Yêu cầu ông cho thêm cái ‘Mục kỹ thuật Canh Nông’ để chỉ dẫn bà con Mít tị nạn mình trồng rau, trồng cà loại dã chiến, mì ăn liền… “
OMG! I need to peeee…! Anh bạn tôi nói “linh tinh” vậy mà nghe cũng phải (?) Mặc dù phe ta chỉ chuyên trồng lúa, cao su, cà phê, mía, cây ăn trái… chứ “Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp Sài gòn” không có môn nào dạy về cách “Trồng rau muống” bao giờ đâu hà! Tuy vậy, tôi cũng ráng tìm kiếm trên mạng và góp vào đây một bài về “Kỹ thuật trồng rau muống.” Đồng thời cũng mở thêm trên trang mạng NNHN, của những người muôn năm cũ vốn dĩ thích nghề chân lấm tay bùn này, một mục nữa gọi là “Kỹ Thuật Nông Nghiệp” dành riêng cho các bài viết chỉ cách, phương thức trồng (?) đủ loại rau cỏ cây trái cho trọn bộ phim bộ.
2- Rau muống thì có 2 loại: Loại trồng dưới nước và loại trồng trên cạn (đất không ngập nước – ở Hoa kỳ, ngoài Tiểu bamg Lousiana, ra khó tìm ra loại đất ngập nước lắm!) Kỹ thuật trồng rau muống trên đất cạn có một vài điểm cần nên chú ý để nâng cao năng suất thu hoạch và hương vị của rau.
TVG
*
Về mùa trồng, tại khu vực phía Bắc Việt Nam (vùng lạnh – khí hậu giống miền Bắc và Đông Bắc Hoa Kỳ) thường gieo hạt từ tháng 2 đến tháng 3 Dương lịch. Còn khu vực phía Nam Việt Nam (nóng ấm quanh năm – khí hậu giống miền Nam và Tây Hoa Kỳ) có thể gieo trồng quanh năm.
Rau muống đất cạn thì lại có 2 loại giống chính là rau muống trắng và rau muống đỏ. Lượng hạt (*) gieo từ 45 – 50kg/ha (4.5 – 5kg/ 1.000m2).
______
Lưu ý:
Nên chọn đất để trồng rau muống xa các khu công nghệ, các làng nghề, bệnh viện, nghĩa trang, các nguồn nước thải để bảo đảm có rau muống sạch và an toàn.
Rau muống có thể trồng được trên nhiều loại đất (trừ đất nhiễm phèn, mặn trên mức trung bình). Nên chọn đất thịt nhẹ hay thịt trung bình, giàu chất hữu cơ, gần nguồn nước tưới. Đất phải được cày, xới kỹ, nhặt sạch cỏ trước khi gieo trồng. Rạch hàng lên luống: Mặt luống rộng 1.2m, rãnh luống 0.3m, cao 15cm.
Về mặt bón phân, để trồng rau đạt năng suất và phẩm chất an toàn thì kỹ thuật bón phân là điều rất quan trọng nằm trong kỹ thuật chăm sóc tổng quát. Tuyệt đối không dùng phân chuồng tươi, các loại phụ phẩm động thực vật tươi sống, phân bắc tươi (phân nhà cầu) và nước phân tươi để bón hoặc tưới trực tiếp cho rau muống.
Lượng phân bón, nếu là phân chuồng đã ủ hoai thì sử dụng bón lót từ 10 – 15 tấn/ha (1 – 1.5 tấn/1.000m2), cũng có thể dùng phân hữu cơ sinh học, hoặc phân hữu cơ chế biến thay thế phân chuồng với lượng bón từ 500 – 1.000kg/ha (50 – 100kg/1.000 m2).
Đối với phân hóa học, bón lót cùng với phân chuồng hoặc phân hữu cơ loại phân lân (phosphate) nội địa (lân nung chảy hoặc lân super). Nếu đất có độ pH < 7 (đất chua) thì sử dụng lân nung chảy với số lượng từ 300 – 400kg/ha (30 – 40kg/1.000m2). Nếu không có điều kiện bón phân hữu cơ hoặc trên đất trồng đã giàu hữu cơ thì chỉ cần bón lót trước khi gieo hạt bằng loại phân NPK SV(10-15-5+TE) với lượng 200 – 250 kg/ha (20 – 25kg/1.000m2).
Cần bón phân theo rãnh, theo hàng hoặc trên bề mặt luống rau (nếu áp dụng phương thức rải) để nâng cao hiệu lực phân. Sau khi bón lót xong thì nhớ xới và cào để phân được trộn đều với đất.
————-
(*) Hiện NNHN chưa tìm ra chỗ mua hạt giống rau muống trên đất Mỹ… Nếu quý vị nào biết mua ở đâu thì xin làm phước chỉ giúp (dùng phần “Comment” ở phía dưới bài viết này).
Trần Văn Giang (Sưu tầm)
– Theo Phạm Anh Đức – P.QLCN