Tản mạn ngày họp mặt Khóa 10 tháng 6/2008 tại San Jose
.
.
* Phần 1
.
Chuyện ngày thứ Sáu 13 tháng 6 năm 2008.
By Trần Văn Giang
.
Sau khi được anh Nguyễn Tùng Buông (aka “chủ xị”) thông báo chính thức ngày thứ sáu 13 tháng 6 năm 2008 sẽ là ngày họp mặt Khóa 10 tại “Thung Lũng Hoa Vàng (San Jose, CA).” Cái ngày “thứ sáu 13” này cứ như keo dính chặt vào đầu tôi – y hệt như ngày “tax day (15 tháng 4)” – tôi phải làm cho xong, nếu không sẽ bị phạt nặng! Tôi vội vàng thi hành phương thức gọi là “chuyện đã xong rồi (done deal – fait accompli)” bằng cách xin phép sở làm cho nghỉ trước và mua vé máy bay ngay tức thì để sở làm không còn có lý do gì giữ tôi ở lại vào ngày này dù cho họ có viện lý do “emergency!” hay bất cứ lý do nào!
Bà xã tôi cũng đã ra chỉ thị khẩn cho tôi là nếu có đi thì phải kéo theo cái “rờ moọc” (thằng con trai 8 tuổi) vì bà xã thân cò lặn lội bờ ao chỉ có 98 lbs (nên biết thêm trọng lượng này cân sau khi đã ăn cơm tối và có gồm đủ cả quần áo, giầy dép…) không kham nổi 2 đứa con “super hyper” cùng một lúc.
.
Rồi cái gì phải đến, đã đến… Vâng, ngày thứ sáu 13 tháng 6 năm 2008 đã đến…
.
Đã lâu rồi cha con tôi không đi máy bay cho nên rất quờ quạng về các thủ tục mới về an ninh của phi trường. Thiệt tình, bây giờ mới thấy việc đi qua các thủ tục an ninh của phi trường khó khăn không kém gì chuyện đi vượt biên. Cứ thử đến phi trường một lần là các bạn sẽ thấy căm thù bọn… “khủng bố” hết chỗ nói… Hành khách phải cởi cả… giầy dép, giây lưng… bỏ vào giỏ để khám xét (X-ray scanned). Còn may là cha con tôi thuộc thành phần nhát gan không có máu mạo hiểm chứ nếu có xỏ lưỡi, xỏ mắt, xỏ mũi, xỏ rốn, xỏ… thì phiền hơn nữa… sẽ mất hết cả nửa ngày, cởi ra mặc vô, cũng chưa lên máy bay được. Một số vật dụng cá nhân như nước uống, xà bông gội đầu, thuốc cạo râu, kem (skincare cream) và dầu (medicated oil) xoa tay xoa chân xoa tứ tung… đều bị nhân viên an ninh moi ra bỏ thùng rác vì hoặc là quá “size” hoặc là “illegal liquids!” Tiếc những ngày xưa thân ái, hồi được bà con đưa ra phi trường rồi đứng ngồi trò chuyện với nhau mệt nghỉ cho đến khi máy bay cất cánh mới thôi đã không còn nữa… thiệt tình muốn chửi thề một phát ở đây…
.
Máy bay xuống phi trường San Jose lúc 5:45 chiều ngày thứ sáu 13, cha con tôi được bạn Tiền Quốc Cơ đến đón tại phi trường. Bạn Cơ cũng mới chân ướt chân ráo đến Mỹ; chạy xe đến đón chúng tôi với một tờ “MapQuest’s printout” rất đẹp chỉ dẫn đường đi từ nhà đến phi trường đàng hoàng. Thế mà, trên đường trở về (nhà bạn Cơ), Cơ đã lái xe đi lạc trên “freeway” hơn nửa tiếng đồng hồ mới về đến nhà; làm bạn Trần Trung Chính (đang ngồi chờ ở nhà Cơ) phải sốt ruột gọi qua điện thoại di động hỏi thăm xem tại sao đi lâu quá không thấy về nhà?
.
Cuối cùng sau một hồi lòng vòng đường trong, lòng vòng đường ngoài thì cũng về đến nhà Cơ. Ở đây đã có Trần Trung Chính và Nguyễn Đình Tuấn chờ sẵn để cả đám nhà trai “bắc cờ rau muống tương cự đà” cùng nhau đi đến nhà chị Ngô Cẩm Tú họp mặt một lượt cho nó oai! Thật ra, chiến thuật “một hai ba chúng ta cùng đi… cả nhà” này Mỹ nó gọi theo danh từ “kỹ thuật” là “safety in number!” Chúng tôi đều là dân bắc kỳ loại “cù lũ nhí” hơi rét khi nghĩ đến chuyện gặp lại mấy mợ Khóa 10 toàn cỡ hai bà Triệu ẩu và Triệu tả nên phải thủ kỹ (không dám dương ẩu!) cho nó chắc ăn là như vậy ấy mà… “cẩn tắc vô ưu” chứ chẳng dám hù dọa ai đâu!
.
Riêng bạn Trần Trung Chính thì tôi vẫn gặp khá thường xuyên ở miền nam Cali, nhưng Nguyễn Đình Tuấn thì có đến hơn 2 thập niên mới gặp lại. Kể từ năm 1975, sau khi định cư tại Mỹ, đây là lần thứ 3 tôi gặp mặt Tuấn. Thỉnh thỏang chúng tôi có nói chuyện rất dài dòng văn tự với nhau qua điện thoại về các vấn đề sinh kế, sức khỏe, sex life, gia đạo cạo da đầu… nhưng về phần dung nhan mùa hạ của Tuấn thì tôi chỉ đoán già đoán non thôi… vì nghe Tuấn than vãn rằng mỗi lần đi nhẩy đầm, khi Tuấn mời các em sồn sồn ra nhẩy mà các em cứ xưng với Tuấn là “bác bác cháu cháu” nghe thiệt nản! Nay thấy cái đầu bạc trắng (muối nhiều hơn tiêu) của bác Tuấn thì thấy mấy em gái đó tỏ cái ý “kính lão đắc thọ” với bác Tuấn cũng không có gì gọi là quá đáng!
.
Sau khi cắm sào trước cung đình của Hoàng thái hậu (Queen-Mom) Ngô Cẩm Tú, chúng tôi, 4 đảng viên thâm niên bắc kỳ di cư 54 và một “tà loọc” 8 tuổi (con trai của Trần Văn Giang), được tiếp đón ngay tại cổng chính ngọ môn bởi nụ cười tươi như hoa anh đào (?) của mợ siêu mẫu (Super Model / aka Super Mom!) Trần Thị Sâm. Sau vài câu đưa đẩy chào hỏi, tay bắt mặt mừng, tôi quay sang hỏi thăm mợ Sâm là:
.
– “Ah! Sâm còn giận tôi không?”
.
Số là vài ngày trước khi họp mặt mợ Sâm có thổ lộ tâm tình với các bạn Khóa 10 là mợ bỗng cảm thấy rất “hưng phấn trong lòng” về cái buổi họp mặt họp mũi này. Tôi bày đặt tài lanh, dại dột giải thích toạc móng lợn với mợ chữ ni bây giờ “rated R” rồi chứ không còn cái ý nghĩa ngây thơ vô số tội như ngày trước nữa! Mợ Sâm nghe vậy giận tôi lắm. Câu hỏi của tôi ngay lúc gặp mặt hình như làm mợ Sâm bị khơi lại vết thương lòng cho nên mợ ve vẩy, phẩy cả hai bàn tay về phía tôi như đuổi tà:
.
– “Giận rồi! Sâm vẫn còn giận!”
.
Chèng đéc quỷ thần ơi! Trần Văn Giang tôi đã thủ sẵn một bài thơ như vầy để đền cho mợ Sâm như sau:
.
One day, I got an email from an old classmate
saying: “Class Reunion Dude! Remember this date…
We’re gonna get together at our Queen-Mom Tú’s
to eat and talk and act like a bunch of coo-coos.
Years have passed and we’ve really spun.
Now, we’ll see what damage all those years have done.
But remember: ‘No excuse, you must be there!
Or else – I mean, you will be square!’ ”
My mind started working: “Were the girls still pretty?”
“Would they flirt like crazy or eat like horsie?”
“Would they tell me: ‘The years seem good to you!’ ”
“or they just elbow me and punch me in the… too!”
Big reunion! Gonna have lots of fun
Big reunion! Am I still a “top or bottom gun?”
I arrived few minutes late but it is kinda routine!
been working on my entrance I met a beauty queen
Her greeting words, ‘till now, jingling in my ears.
I talked to myself: “Boy! I am glad I am here!”
I moved over closer to this knocked-out dame
and said: “Hey, Sugar, do you know my name?”
That good-looking woman put me in right place
When she looked me in the eyes and laughed in my face:
“Where were you back in the school, Mate?
Sorry big guy, but you are years too late!”
I said: “Sugar. Look a little deeper probably you’d find.
There’s some sweet big guy who stayed a little behind.
So, If you gave him a call – you’d be glad you’ve done
in the “Khóa 10’s Big reunion!”
(Khóa 10’s Big reunion – viết nhanh bởi Trần Văn Giang)
.
Sau khi nghe bài thơ tình cảm “giờ thứ 25 này,” mợ Sâm có lẽ đã thấy “phơi phới trong lòng” rồi (không còn là “hưng phấn” nữa) và cũng bớt giận. Phản ứng của mợ Sâm lúc đó là:
.
– “Wow! What can I say?”
.
Sau đó các bạn Khóa 10 đã cùng lũ lượt kéo nhau ra đứng trước của nhà chị Tú, giống hệt như hồi đám sinh viên tụi mình sửa soạn xuống đường trước cổng Trung tâm Quốc gia Nông Nghiệp ngày trước, để chụp những tấm ảnh đầu tiên của buổi họp mặt tháng 6/2008. Trong những tấm ảnh “lịch sử” này, các bạn sẽ thấy (được liệt kê theo thứ tự tên):
.
Nguyễn Tùng Buông
Nguyễn Thiện Căn
Trần Trung Chính
Triệu Hán Chương
Tiền Quôc Cơ
Nguyễn Công Danh
Trần Văn Giang
Trần Đạt Hòa (và chị Hàng Ngọc Ẩn – khóa 6)
Lý Bạch Lang
Nguyễn Thi Rỡ
Trần Thị Sâm
Nguyễn Đình Tuấn
Ngô Cẩm Tú
Ngô Bạch Yến (đến từ Việt Nam).
.
Đến khi tất cả các bạn đi vào bên trong nhà chị Tú thì có thêm các bạn sau đây đến tham dự:
.
Phạm Văn Hánh (và vợ là chị Nga)
Trần Kiều Nga (và chồng là anh Toại)
Trần ngọc Trình.
.
Nhìn qua các bạn Khóa 10 từng người một, tôi cảm thấy may mắn và sung sướng vì mình còn sống sót và mạnh khỏe hôm nay để hân hạnh đến tham dự buổi họp mặt vô tiền khoáng hậu. Mọi người tôi gặp mặt hôm nay đều mạnh giỏi yêu đời, nhất là các mợ thấy vẫn còn “điện nước đầy đủ.” Không (chưa) thấy bạn nam hay nữ nào phải đến bằng xe lăn (wheel chair) hay kéo kè kè bình dưỡng khí (oxygen) bên cạnh.
.
Vì luật hữu vi và vô thường không thể tránh được của cuộc đời, phần ngoại hình của các bạn Khóa 10 đã có nhiều thay đổi (bụng bự, đầu hói, tóc bạc, da nhăn, răng rụng xuống cầu…) nhưng vẫn chưa đến nỗi cần phải đeo bảng tên trước ngực mới nhận ra nhau. Về phần khí phách nội công thì mọi người xem ra còn sung mãn hơn lúc còn son trẻ. Ai cũng ăn to nói lớn; tiếng nói sang sảng. Chỉ sợ có lúc hàng xóm (của chị Tú) phải gọi cảnh sát đến can thiệp vì hiểu lầm là nhà chị Tú có mở hội chợ bất hợp pháp, không giấy phép!
.
Chương trình “vừa đánh vừa đàm,” không ai bảo ai, bắt đầu liền tức thì. Phần “đánh” với thực phẩm và thức uống đã được sửa soạn chu đáo. Dù cho tôi có khiêm nhường cách mấy cũng phải bình chọn là “5-star buffet” (tạm dịch là “nhà hàng 5 sao không người lái”). Không biết Thái hậu Ngô Cẩm Tú có nuôi chó nuôi mèo gì ở nhà không? Chứ nếu Khóa 10 ở lại ăn vạ thêm 3 ngày nữa cũng không thể nào ăn hết thức ăn giời ạ! Riêng các chư vị “ăn chay ngủ mặn” như vợ chồng Hánh và vợ chồng chị Nga cũng có phần ăn chay sửa soạn đặc biệt rất đầy đủ và tươm tất. Thay mặt các bạn, tôi thành thật cảm ơn Thái hậu Ngô Cẩm Tú và các bàn tay nội trợ công-dung-ngôn-hạnh tài tình của các mợ Khóa 10. Phần “đàm” thì đã có nói qua loa, sơ sơ ở trên rồi – sôi nổi hết cỡ thợ mộc, hơn cả hòa đàm Ba-lê. Người nào cũng “coỏng” đến gần xùi bọt mép! Tất cả các câu chuyện quá khứ đều được đem ra ôn lại, chuyện hiện tại và tương lai được mổ xẻ và bàn luận. Các chuyện tình duyên yêu thầm nhớ trộm, gia đạo vợ cả vợ hai vợ ba, công danh sự nghiệp lên voi xuống chó, chuyện khí hậu trời mưa trời nắng, tin tức khí tượng cho tầu chạy ven biển, tin thị trường chứng khoán lên xuống trong ngày, chuyện chó lạc mèo lạc… đều có nói đến, Nói tóm lại, không có một hòn đá nào mà không bị lật ngửa lên để xem xét. Nếu kể hết chi tiết cho đầy đủ phải tốn mất đến 300 trang giấy trắng. Tôi xin ghi lại một vài câu chuyện điển hình được xem như sôi nổi nhất; bắt đầu từ câu hỏi của bạn Nguyễn Công Danh dành riêng cho bạn Trần Trung Chính:
.
– “Tôi thấy Chính toàn là nói chuyện về người khác mà không thấy Chính nói về mình. Bây giớ Chính có thể cho mọi người biết là Chính đã có mấy vợ rồi? và người vợ bây giờ là ai?”
.
Chính trả lời là:
.
– “Tôi không nói về tôi bởi vì không ai hỏi cả (!) Bây giờ bạn Danh đã hỏi thì tôi xin trả lời là…”
.
Ái chà chà! Qua sự tiết lộ chính thức, với ấn bản “original” (không phải bản copy chuyền tay…) của bạn Chính, hôm nay Khóa 10 mới biết là trái tim của Chính có nhiều ngăn “sơ cua;” vì vậy “love story” của Chính đã chia ra làm ba “chapters” rồi mà vẫn còn đang tiếp tục được viết thêm; chưa có dấu hiệu gì là sẽ có “closing chapter” hết trơn hết trọi! Chính đã lấy, cho đến hôm nay, 3 vợ (“vợ cả, vợ hai, vợ ba. Cả hai ba vợ đều là vợ cả”). Tất cả 3 cuộc hôn nhân đều có sắp đặt tính toán trước từ bên nhà gái (!?) Chính dường như lấy vợ nhỏ (vợ bé) trước để “test drive” cho chắc ăn, rồi sẽ lấy vợ cả (vợ lớn) sau? Điểm đặc biệt và kỳ thú nhất ở đây là “OMG !” Chính kết hôn vì lý do “từ thiện” chứ không phải vì “tình yêu!” Dầu sao đi nữa, Chính cũng là một người phi thường (“super hero”). Chính làm được những việc mà ít có ai làm được; cho dù đã được huấn luyện chu đáo đi nữa! Sau khi tạm hoàn tất xong 3 chứng chỉ hôn nhân, Chính có lẽ đã đủ điều kiện để lảm cố vấn hôn nhân rồi!
.
Theo nhận xét cá nhân (và rất chủ quan!) của tôi, ba người bạn phái nam của Khóa 10 nổi bật nhất trong buổi họp mặt là:
.
Trần Trung Chính – Nói nhiều nhất và nói to nhất. Có rất nhiều chi tiết bị (vì vô tình hay cố ý thì tôi hổng biết?) bị lập đi lập lại. Phải công nhận bạn Chính có một “bộ nhớ” (memory) bằng xương bằng thịt mà bén hết xẩy. Nhất là các bạn Khóa 10 đều đã xấp xỉ lục tuần; cái tuổi mà bệnh “Ao-dai-mơ” (Alzheimer’s” – bệnh quên / lú lẫn) đang bắt đầu lấp ló đâu đó ở đầu ngõ. Bạn Chính tường thuật lại nhiều câu chuyện đã xẩy ra trước năm 1975 một cách chính xác từng chi tiết về, tên, tuổi, ngày giờ, vị trí, tình tiết… Về phần chấm câu (punctuation) bạn Chính thường mở đầu và chấm dứt mỗi câu bằng một tiếng Đan Mạch (Đ.M.) ngon ơ ! Có lẽ bạn Chính vì phải đeo máy điếc (hearing aids) cho nên đôi khi không biết bạn Chính có biết chính mình đang nói cái gì không? Tôi đã có đôi lần khéo léo nhắc bạn Chính về mục “phụ đề / lồng tiếng” này là có nhiều nữ thính giả khóa 10 không hiểu hết tiếng Đan Mạch.
.
Nguyễn Đình Tuấn – “A certified comedian” của Khóa 10. Bạn Tuấn không hổ danh với cái “tittle” “Chàng trai nước Việt.” Bạn Tuấn đã cho các bạn cùng khóa những trận cười mà chỉ chút xíu nữa chủ nhà phải gọi “911” vì có khách cần xe cứu thương (“medical assistance”). Có môt bạn đã đề nghị là trong lần họp mặt kỳ tới của Khóa 10, phải giao cho Nguyễn Đình Tuấn vai trò “em xi” (MC). Sự vắng mặt của bạn Tuấn chắc chắn sẽ là một thiếu xót không thể chấp nhận được; bởi vì không người nào của Khóa 10 có thể thay chỗ của bạn Tuấn (ngoại trừ bạn Nguyễn Thiện Căn! Nhưng mà chờ một chút nhe! Xin mời đọc về bạn Nguyễn Thiện Căn trong các dòng kế tiếp sau đây…)
.
Nguyễn Thiện Căn – “Người khách” của buổi họp có vẻ mặt thầm lặng một cách khó hiểu (?) Chẳng hề nói đến một nửa lời! Chỉ cười ruồi chiếu lệ! Anh em Khóa 10 thắc mắc là bạn Căn có đang “buồn ị” hay “ngậm ngải” hay đã “bị đổi giống” hay sao mà thấy lạ thiệt??? Hồi còn đi hoc, ai cũng biết bạn Căn cũng là một “certified comedian” của Khóa 10 (đồng hạng với Tuấn “chàng trai nuớc Vịt” cơ mà???) Để các bạn không có dịp tham dự buổi họp mặt hình dung vị trí của bạn Căn như thế nào, tôi xin gói gém tất cả chi tiết vào một tấm ảnh, nếu chúng ta đồng ý rằng một tấm ảnh có thể nói lên một ngàn chữ (“a picture can say thousand words”). Đây là tấm ảnh của bạn Nguyễn Thiện Căn trong buổi họp mặt: “A cat in a dog show.”
.
Về phía phái nữ, ngoài sự tham dự đặc biệt của chị Ngô Bạch Yến đến từ Việt Nam, còn có sự tham dự của hai nhân vật Hoàng gia. Đó là:
.
– Hoàng Hậu Chung Thị Kim Liên – Vợ yêu quí của vua Chiêm Thành Chế Củ (aka, Trần Duy Chế).
– Đương kim Hoàng Hậu Thái Lan (lookalike!) Trần Kiều Nga.
.
Thật là quý hóa cho các đồng môn Khóa 10. Chúng ta đã có, không phải một, đến hai “Hoàng hậu” một lượt! Khóa 10 oai thật!
…
(Lưu Ý: Tôi xin nói thêm ở đây là đầy đủ các chi tiết về các bạn khác đã tham dự buổi họp mặt tháng 6/2008 sẽ được nói đến trong phần tạp ghi từ các cây bút khác của K10 sau bài viết của tôi).
.
Bữa tiệc họp mặt được “highlighted” bởi một cái bánh thượng thọ to tổ chảng đặc biệt dành cho các bạn Khóa 10 đã đến tuổi lục tuần, sáu bó (kể cả 60 tuổi tây và cả 60 tuổi ta!) Các cây nến đã được các bạn “sáu bó” thổi mệt nghỉ, trợn mắt phì phò văng nước miếng tùm lum mà nến vẫn không tắt (tricky candles!)…
.
Buổi tiệc “Họp Mặt Khóa 10” không chấm dứt cho tới gần 1 giờ sáng ngày thứ bẩy 14 tháng 6 năm 2008. Thực ra, nếu không có chương trình đi “tham quan” vùng vịnh (“Bay Area”) bằng xe “limousine” đã sắp đặt sẵn vào sáng sớm ngày thứ bẩy thì có lẽ cả đám Khóa 10 đã làm 1 đêm không ngủ để đấu hót cho đã đời, cho ngán ngẩm chè đậu luôn…
.
Tóm lại, những chuyện đã xẩy ra cho mọi người trong Khóa 10 chúng ta trong gần nửa thế kỷ qua đều không phải là chuyện chúng ta đã định trước, hay nghĩ ra trước. Tất cả đều do bàn tay của thượng đế. Dù đã có nhiều vật đổi sao dời nhưng bản chất con người với tất cả cá tính của những ngày còn cắp sách đến trường vẫn còn y nguyên (ngoại trừ bạn Nguyễn Thiện Căn à nha!) Đó là một điều đáng quý. Có nhiều bạn đã e ngại, hoang mang, phân vân không biết có nên tham dự buổi họp mặt không? Bởi vì rất dễ thấy mình đứng trước nhiều trạng huống phải so sánh bản thân mình với những người bạn chung quanh. Những băn khoăn đó có thể là người con gái (hay con trai) mà mình thầm yêu trộm nhớ ngày trước nay đã có gia đình, có con, có cháu nội cháu ngoại đầy đàn rồi trong khi mình thì đã ly dị hai ba lần; hay là người bạn thân nhất ngồi cạnh mình trong lớp học ngày trước bây giờ là một tiến sĩ khoa học đang dạy tại một trường đại học nổi tiếng hay một doanh nhân rất thành công trên thương trường trong khi mình đang phải cày 2-3 “manual jobs” mà vẫn không đủ tiền trả “bills” mỗi tháng? Tất cả các e ngại, hoang mang và phân vân đó đều là hoang tưởng và hoàn toàn không thích đáng; không hề ăn nhập gì với cái tình bạn đồng môn thắm thiết quý báu của ngày họp mặt hôm nay (ngoại trừ bạn mình cố tình không muốn nghĩ như vậy! In this case, I could not help you!) Không có một thành kiến “negative” nào có thể trì kéo chúng ta ra khỏi cái mục tiêu chính của buổi họp mặt là: “Let the good time roll! Period.”
.
Nhìn kỹ lại chúng ta thấy có nhiều điểm giống nhau hơn là lúc còn đi học: Ai cũng có gia đình riêng phải chăm sóc; ai cũng có ưu tư về vấn đề sinh kế; ai cũng có thêm thói quen bận tâm về các triệu chứng của tuổi già; ai cũng sắp đến tuổi về hưu trí rồi… tuy nhiên hãy cùng đồng ý với nhau là “so far so good.” Ngày hôm nay chúng ta sống trong thời đại của Viagra, Paxil, Zantac… Cuộc sống có triển vọng tốt đẹp hơn bao giờ hết. Mình gặp nhau ở đây để gặp lại các cảm hứng của thời niên thiếu rồi sẽ thấy mình tự tin hơn. Thấy mình sẽ có thể đi bất cứ nơi nào, làm được bất cứ cái gì mình muốn. Sắp đến mùa “Olympic 2008” rồi. Cứ nhìn quốc gia Jamaica của Nam Mỹ. Nước đá (ice) mà họ nhìn thấy mỗi ngày có lẽ chỉ là cục nước đá trong ly nước uống thôi, vậy mà họ có “Jamaica’s Bobsled team” để dự bộ môn trượt tuyết với tốc độ cao trong các kỳ “Olympic” Mùa Đông.
.
Nothing is impossible. Dream the impossible dreams !
.
Cám ơn các bạn Buôn, Tú, Lang, Cơ, Chính, Trình… đã bỏ biết bao nhiêu công sức cho ngày họp mặt và sắp đặt các chương trình thăm viếng thật hoàn hảo vui vẻ. Các bạn xứng đáng được lãnh huân chương “Hiệp Sĩ.”
.
Sau cùng Trần Văn Giang tôi xin chúc tất cả các bạn Khóa 10 dồi dào sức khỏe và thịnh vượng bởi vì thiếu hai món “tiểu tư sản” này hạnh phúc khó mà trọn vẹn lắm!!!
.
Tôi cũng xin phép mượn những dòng thơ chân tình trong bài “Hòn sỏi” của một người bạn tôi là chị Nguyên Nhung để tạm chấm dứt phần viết của tôi trong bài tản mạn “nước ốc gạo” này:
.
Như hòn sỏi
Ném xuống mặt hồ
Sóng gợn
Chút âm ba còn vọng mãi trong hồn
Đến bây giờ
Khi tuổi đã hoàng hôn
Mới chợt hiểu
Có nhiều điều rất quý.
Màu đỏ thắm
Cuả cành hoa phượng vĩ
.
Lung linh
Dịu dàng
Soi bóng xuống dòng sông
Chút nắng vàng
Lấp lánh trên ngọn thông
Đốm lửa sáng
Lắt lay trên ngọn nến.
Anh (Em) đã đến
Rồi ra đi lặng lẽ
Trời mùa đông
Buốt giá mảnh trăng tàn
Có nỗi buồn
Chợt tới
Nhẹ như sương
Như hòn sỏi
Ném xuống mặt hồ
Lặng sóng. . .
(“Hòn sỏi” – Nguyên Nhung)
.
Rất mong gặp lại mỗi năm một lần như thế này để những hòn đá cuội đã chai lì qua thời gian lại có dịp được liệng lõm bõm xuống mặt hồ yên lặng của cuộc đời vô thường bất trắc trong vài ngày ngắn ngủi…
.
Trần Văn Giang
Canh Nông – Khóa 10.
* Phần 2
.
Sau đây là cảm nghĩ riêng của một số bạn Khóa 10 viết về buổi họp mặt tháng 6 / 2008 tại San Jose, California. Lúc đầu, tôi định lấy ý của các bài này rồi gộp chung (“integrated”) vào bài viết của tôi ở phần trên thành một bài duy nhất thôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy dự định đó không ổn. Thứ nhất vì vấn đế “tam sao thất bản”; thứ nhì vì vấn đế tế nhị dễ làm mất lòng bạn bè nếu mình hiểu không đúng như ý của người viết. Bây giờ mời các bạn đọc các bài viết khác của các cây viết Khóa 10 gọi là “có sao đọc vậy” (“WYSIWYG – What You See Is What You Got.”), và liệt kê dưới đây theo thứ tự (thời gian) trước sau mà Trần Văn Giang tui đã từ từ nhận được (“first-come, first served.”)
.
1- Các bạn Gái Khóa 10
By Trần Thị Sâm
.
Ngô Cẩm Tú, cô bạn gái của thời cắp sách, tính tình đẹp như tên gọi, nụ cười thêm duyên nhờ chiếc răng khểnh. Điểm nổi bật ở Tú là cặp mắt kiếng to mà bốn mươi năm sau vẫn còn y nguyên.
.
Người bạn gái này luôn luôn là bờ vai chất chứa tâm tình gửi gấm của bạn bè, không phận biệt nam hay nữ. Bờ vai ấy là điểm tựa rất êm ả, rất bình yên. Nụ cười đằm thắm, cởi mở; ánh mắt chân tình, khuôn mặt trong sáng lộ rõ nét thông minh đã làm bạn bè thấy gần gũi ngay từ khi mới gặp. Đó là đặc điểm rất đáng quí của Cầm Tú.
.
Năm thứ nhất, Cẩm Tú rất “Bạc Liêu,” năm thứ hai thì Cẩm Tú đã rất “Sài gòn.” Qua những tháng ngày của tuổi sinh viên đầy hy vọng, đầy mộng mơ, Cẩm Tú luôn bên cạnh, chia xẻ những giấc mơ ngọt lịm ấy. Nhớ lại những ngày chúng tôi cùng nhau ngồi học bài trước mỗi kỳ thi ở hàng ba nhà Tú. Tú luôn luôn sọan sẵn dàn bài, câu hỏi, câu trả lời vì vậy bài học cho dù`có khó khăn cũng trôi qua một cách dễ dàng nhẹ nhàng. Phải thú thực cũng chính ở hàng ba nhà Tú, chúng tôi học thi thì… hơi ít, nhưng đã chỉ dẫn cho nhau những công việc tạm gọi là “công-dung-ngôn-hạnh” thì khá nhiều… Những kỷ niệm đẹp này mỗi khi nhắc lại, chúng tôi đứa nào cũng cảm thấy thật ấm cúng.
.
Bốn mươi năm nhìn lại, cô bạn gái này vẫn giữ y nguyên nụ cười và ánh mắt thân tình; tình cảm bạn bè lúc nào cũng đầy đặn như những tháng năm xưa.
.
Quả là tôi may mắn đã có người bạn gái dễ thương như Cẩm Tú.
.
Nguyễn Thị Rỡ, cô bạn gái hiền thục, nhỏ nhẹ nhất lớp. Rỡ với mái tóc dài che nửa khuôn mặt, cặp mắt dài đa tình, ánh mắt và nụ cười luôn đi song, dáng dấp pha đôi chút liêu trai đã làm nhiều bạn trai cùng lớp cùng trường phải ngơ ngẩn một thời.
.
Giọng cười của Rỡ bốn mươi năm vẫn còn đượm nét hồn nhiên, trong sáng. Tuy tháng năm có làm hình dáng Rỡ hao mòn phần nào; nhưng tâm tình hiền hậu vẫn còn y nguyên.
.
Rỡ sống nội tâm và bình dị, không bon chen, chấp nhận cuộc đời với ánh mắt bình an, không ước muốn cao sang, không ước muốn những gì phù phiếm. Người bạn gái có tâm hồn và tính tình đơn sơ hiền hậu luôn luôn là người bạn tôi quý mến đặc biệt.
.
Ngô Bạch Yến, cô bạn Sài-gòn “chăm phần chăm.” Bạch Yến có giọng nói như chim hót, nhỏ nhẹ và dịu dàng; ánh mắt trong suốt thông minh; nụ cười e ấp; dáng dấp khoan thai và hòa hoãn, chẳng bao giờ làm phiền hay buồn lòng bất cứ ai.
.
Nhớ lại những ngày xa xưa ấy, cô bạn có khiếu viết “course” rất nhanh và rất đầy đủ, nhờ những bài ghi đầy đủ ấy mà chúng tôi qua được những kỷ thi gay go. Gặp lại nhau sau bao năm, ánh mắt vẫn thông minh và thân thiện, Bạch Yến vẫn khoan thai nhỏ nhẹ như thủa nào. Thời gian có trôi nhanh, nhưng bánh xe thời gian không làm phai mờ nụ cười e ấp của Bạch Yến.
.
Chung thị Kim Liên, nói tới Bạch Yến mà không nhắc đến Kim Liên là một thiếu sót không thể tha thứ. Bạch Yến và Kim Liên là một cập bài trùng, hai cô bạn gái tâm đầu ý hợp trong muôn vàn khía cạnh của cuộc sống. Kim Liên đảm đang, lanh lợi và có cặp mắt rất sâu sắc, tinh tế. Kim Liên khéo léo trong vấn đề giao tế, biết người biết ta, thông minh và chăm chỉ.
.
Hoàng Thị Thanh Nữ, cô bạn gái hay e thẹn, nhỏ nhẹ. Nữ có dáng dấp thanh tao, quý phái… Sự thân mật giữa tôi và Nữ khá đặc biệt có lẽ vì tôi và Nữ nói, thở và suy nghĩ trên làn sóng điện có cùng một tần số như nhau chăng? Một tình cảm gắn bó khó tả… Mỗi ngày, mỗi giờ của thời áo trắng, là những kỷ niệm đẹp, ngọt ngào khó quên…
.
Nữ thông minh là điểm dĩ nhiên, Nữ đằm thắm… Tình cảm bạn bè còn chất chứa đầy trong tôi mỗi khi nghĩ đến cô bạn dịu dàng tao nhã này.
.
Mong rằng quả đất tròn như mọi người đã nói để chúng tôi có thể gặp lại một ngày rất gần.
.
Lê Thị Hoàn, nhỏ nhắn, thông minh, tự tin và vô tư một cách tự nhiên… Hoàn thường hay giải thích các vấn đề, các câu hỏi theo triết lý hơi… chủ quan. Hoàn rất có khiếu trong các việc biện luận, tranh cãi. Nhờ sự thông minh và tự tin Hoàn luôn luôn thuyết phục các bạn hiểu rõ vấn đề theo một phương thức không thể sai lầm!!! Các bạn gái đã cùng nhau “suy tôn” Hoàn lên làm “bác” từ thuở “bác Hoàn” tuổi mới chớm hai mươi.
.
Làm “bác” kể cũng oai đấy nhỉ? Nhưng mà phải nói thêm là cái duyên ngầm, cặp mắt nâu to, chiếc răng khểnh của bác Hoàn cũng đã làm nhiều anh Khóa 10 đi ngẩn về ngơ một thời chứ chẳng đùa…
.
Trần Kiều Nga là một thành viên thật đặc biệt của Khóa 10. Chi Nga là sinh viên chuyển trường (từ ngoại quốc) vào năm thứ hai. Chị đã có mái ấm gia đình riêng từ khi đang đi học, vì thế chị ít có cơ hội “mạo hiểm ngoài giờ giới nghiêm” như các bạn cùng khóa. Chị học rất giỏi, rất siêng năng, rất mẫu mực. Chị là học trò “cưng” của thầy Trình, được bạn bè cùng khóa xem như bậc trưởng thượng. Chị luôn luôn được các bạn cùng lớp, cùng khóa nể nang, quí trọng.
.
2- Nhớ Lại Chuyện xưa
By Ngô Cẩm Tú
.
Tôi muốn viết vài hàng về anh Mã Minh Trung, một người bạn rất tốt, nhưng rồi không viết được mấy câu. Tôi muốn bật mí một chút xíu về những “Thâm Cung Bí Sử” của các chị Khóa 10 nhưng sợ có chị sẽ khóc nhiều như “mưa trên phố Huế.” Thôi thì tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện có liên hệ đến một người bạn Khóa 10 tên Dương văn Tưởng.
.
Từ khi tốt nghiệp trường NLS đến nay, tôi chưa từng có dịp gặp lại anh Tưởng; chỉ nhớ là anh ốm, cao trung bình và nét mặt hơi buồn. Vào năm thứ tư ở trường Cao Đẳng NLS, anh Tưởng đã xin cưới tôi và nói rằng gia đình anh đốc thúc anh lập gia đình nên nếu tôi đồng ý thì sẽ làm đám cưới ngay sau khi ra trường. Tôi rất ngạc nhiên và trả lời rằng tôi chưa có dự tính lập gia đinh. Từ đó đến ngày ra trường, anh không nhắc nhở đến chuyện xin cưới hỏi này nữa (?)
.
Nhưng câu chuyện “cầu hôn” này chưa chấm dứt tại đây và trở thành một chuyện khá đặc biệt vì anh Tưởng đã xin cưới hai chị Khóa 10 trong cùng một năm. Chị khác là Ngô Bạch Yến, dù rằng lúc đó chị Yến đã là người tình chưa cưới của anh Phạm Quang Bá như tất cả các bạn đều biết rõ. Nhân chị Yến sang Mỹ tham dự cuộc họp mặt Khóa 10 ở California năm 2008, chị Yến và tôi có dịp tâm sự và mới khám phá ra việc anh Tưởng đã xin cưới cả hai người (!)
.
Anh Tưởng hay thật ! Một chuyện vui như vậy mà không một bạn Khóa 10 nào biết rõ chuyện, kể cả chị Yến và tôi. Bây giờ anh Tưởng đã qua đời rồi. Tôi thành thật xin chúc linh hồn anh sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc. Anh bao giờ cũng là một người bạn tốt.
.
Nhiều bạn Khóa 10 và tôi đã rời bỏ quê hương, đi xa ngàn dặm để gặp người hữu duyên của mình nên hai câu thơ sau đây rất đúng với chúng ta:
.
“Hữu duyên thiện lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng”
.
Thân chúc các bạn vàng Khóa 10 mạnh khoẻ, vui vẻ và chúng ta sẽ còn rất nhiều cuộc họp mặt ồn ào, đầy nụ cười trong tương lai.
.
3- Cảm nghĩ về cuộc hội ngộ 36 năm của khoá 10.
By Lý Bạch Lang
.
Năm tôi còn tí tẻo… 2 bó, tôi khăn gói từ ”lục tỉnh nam kỳ” lên tá túc trong khuôn viên Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp để bắt đầu lớp vỡ lòng của 4 niên học. Người tôi gặp đầu tiên và cũng né tại chổ là huynh trưởng Tùng râu khoá 9 khi “huấn nhục” vì vóc dáng anh rất ngầu, người tôi bắt chuyện làm quen lần đầu trong lớp mình có khuôn mặt rất thư sinh, hiền từ là anh Hà xuân Tiểu. Sau vài tuần lễ, tôi để ý có một nhóm trông có vẻ văn minh Sè gòn, lanh lẹ, nhứt là bạo dạn và bảnh trai, nói tiếng rất… đúng chính tả. Nhóm đó là Chính, Tuấn, Tiến, Cơ, rồi lại thêm Giang, Trình, Căn, Hiển. Những người thường xuyên cư ngụ hoặc thỉnh thoảng ra vào cư xá như Long, Chương, Lếnh, Buông, Danh, Đạt, Hòa, Hánh, Nhanh thì gặp luôn, có khi cả ngày ngày thứ bảy. Bên phái nữ thì đúng là “hoa lạc giữa rừng gươm,” cả trường không có bao nhiêu, lúc đó ước gì mình thi rớt để ghi danh Văn khoa may ra được cảnh “gươm lạc giữa rừng hoa.” Hôm nào trong sân trường cũng thấy có người cao cao là Tú, Sâm; có người thấp thấp nhỏ nhỏ là Hoàn, Yến, Phượng; có người thầm lặng, khép nép là Rở, Phúc; có người lúc nào cũng cười cười là Liên; có người cũng đi học như mình mà “tinh anh học thức” đã phát tiết là Nga… Nhưng mình chả có quen thân thiện với ai bên phái yếu nầy; có lẽ vì mình thuộc loại… chậm phát triển.
.
Năm thứ nhứt là một dấu ấn đậm nét tôi không bao giờ quên, cũng như cảm giác của em bé ngày đầu tiên đến trường trong một bài văn hay của Thanh Tịnh. Có điều là là tôi không nhớ mình rời trường ngày nào, người bạn cuối cùng trong 4 năm học mà mình có lời từ giã để đi đâu đó, rồi sau nầy đi ra biển, là ai? Thấm thoát mà đã gần nửa thế kỷ… Cảm ơn ơn trên đã cho tôi gặp lai đầy đủ bạn bè mà mình đã “classified” trong đầu theo ấn tượng 40 năm trước. Những ấn tượng đó đã giúp tôi nhìn thấy anh chị em vẫn như xưa, không có việc “dĩ vãng dầm mưa lén bước về” như Đinh Hùng đã phán. Anh chị em đang họp mặt tại đây với những phong cách như xưa, 40 năm trước như ngày hôm qua. Cuộc hội ngộ nầy còn vui hơn ngày xưa nữa vì không còn bức rào nào ngăn cách chúng ta ở tuổi quá chính chắn cuối đời. Tôi không thấy ai bộc lộ một thoáng ngậm ngùi về tuổi xuân đã mất, những bản “thành khẩn khai báo” rất “đạt” khiến cho trần nhà muốn sập vì tiếng cười. Trần trung Chính với “vocal cords” chạy bằng “pin lifetime” cho nên 40 năm rồi cũng chưa rè, một mình như Triệu tử Long tả xung hửu đột với Danh, Tuấn và Catharine DeSâm về bản tự khai, cuối cùng rồi cũng qua truông. Tuấn “chàng trai nước Việt” gần như là chủ trì tiếu lâm hội, người chỉ nghiêm trang được 4 phút 59 giây, dáng nghiêm trang của “chàng trai nước Việt” nầy thuộc loại dạng nghiêm trang ẩn tàng nhưng dáng yêu đời và tiếu lâm lại thuộc dạng tường minh. Đặc tính nầy khiến “chàng trai nước Việt” thành lão hoàn đồng. Đề nghị Tuấn làm MC trong tiếu vương hội Khóa 10 khi họp mặt… Nhiều nhân vật, kỷ niệm và chuyện vui không tả hết được.
.
4- Khóa 10 Canh Nông
By Nguyễn Tùng Buông
.
Khi còn trẻ chúng ta có nhiều giấc mơ đẹp. Bây giờ, hình như không còn giấc mơ nào đến nửa. Những mơ ước đã tựu thành hay tan biến, theo thời gian, đã trở thành những dấu vết hao mòn của kỷ niệm. Cho đến năm nay, bất chợt tôi có ước mơ gặp lại bạn bè Khóa 10, tôi nghĩ cũng chỉ là ước mơ thôi. Rồi với sự đồng tình hưởng ứng mạnh mẽ khởi đầu với hai hiền tỉ Sâm và Tú, ước mơ ấy đã trở thành sự thật.
.
Chiều thứ sáu, June 13 2008, trên sân nhà chị Tú, như một phép lạ, tôi đã thấy bạn bè quây quần, cười nói. Khi một người đến, là một tiếng ồ vang lên, những cặp mắt háo hức nhìn chầm chặp vào. Tội nghiệp người mới đến, được trầm trồ ngắm nhìn từ đầu đến chân:
.
không biết có phải nó hay không,
sau bây giờ trông xìu quá dzậy,
tóc bạc nhiều quá,
hồi đó đâu có đi khom khom thế này,
trông còn ngon lành quá,
hình như là thằng…
hình như là chị…
trông lạ quá, không thể nào đoán ra được, chịu thua,
à nhớ ra rồi, nghe tiếng nói thì nhận ra liền,
nhớ ra rồi, nụ cười của nó vẫn như xưa
…….
Tôi thấy một cụ đứng nghiêm trang, tóc trắng ngắn gọn, trông đạo mạo như chính khách Phan Huy Quát. Chỉ vài giây thoáng qua, đây là Tuấn một 100% phần dầu rồi. Thời gian đã làm thay đổi con người, một Tuấn ngày xưa, phá phách trêu chọc bạn bè nổi tiếng, bây giờ nghiệm nghị quá, không ngờ được!
.
Một người khác, tôi phải mất vài phút mới nhận diện được, đó là chị Yến, từ Việt Nam qua. Bây giờ chị hơi đen, có da có thịt hơn, chứ không mảnh khảnh nhe nhàng như khi xưa. Nhớ ngày xưa, đi thực tập hè năm thứ nhất ở Thủ Đức, anh Bá chơi “cha,” bận cái áo sát nách, thêu hình con chim Yến tổ bố sau lưng, tay cầm cuốc cầm xẻng , trông ngầu lắm, đố cha thằng nào dám đến tán chị Yến. Bốn năm sau, anh mua đứt bản quyền! Khi ngồi trong xe “limousine” ngày hôm sau, thăm viếng các vùng ven biển miền Bắc California, rượu vào lời ra, anh Hánh thành thật khai báo là đã bày trò thêu hình con chim Yến lên áo cho anh Bá. Tôi thấy chị Yến dòm xéo qua anh Hánh, không biết ánh mắt đó biểu lộ sự cám ơn hay thầm trách . Bây giờ anh Bá nỡ lòng để chim Yến ngày xưa bay vượt trùng dương đến thăm bạn bè một mình như thế này!
.
Chị Liên, không thay đổi nhiều, vẫn giọng nói mộc mạc miền Nam, vẫn tiếng cười ngày xưa, nên nhận diện dễ dàng, tiếc rằng không có Chế ở đây. Giống như anh Bá, anh Chế mua đứt bản quyền chị Liên sau bốn năm cùng học. Bây giờ nghe nói anh Bá và anh Chế hay liên lạc về kinh kệ với nhau, tôi quên hỏi chị Liên ngày xưa anh Chế đã dùng chiến thuật nào để cua Chị, trong khi đám tụi nầy vẫn còn như những con nai vàng ngơ ngác, ngây thơ vô số tội !
.
Tôi thì bây giờ chủ trương:
.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Ráng nghe lời vợ hơn là đi tu.
.
Cái trò thấy mặt đặt tên, rồi cũng chấm dứt. Buổi chiều xuống thấp dần, nắng California vẫn cố ngoi lên chói chang cho các bạn hiền nhìn rõ mặt nhau, để giúp cho cái trò đặt tên nầy đạt được kết quả tốt trên 50 %.
.
Rồi tất cả bước vào trong nhà, cuời nói tưng bừng, chính khách “Phan Huy Quát” đã vội vàng trở thành “Tuấn, chàng trai nước Việt,” không đầy năm phút. Ồn ào vẫn như xưa, trêu chọc vẫn như xưa. Nhưng bây giờ tất cả đã trưởng thành, đa số lên chức ông bà nội ngoại, nên không thằng nào ngán thằng nào. Chứ ngày xưa, tôi cũng hơi “ớn” Tuấn vì không biết hắn phang mình lúc nào!
.
Còn nhiều điều muốn nói, xin để dành cho các bạn khác. 40 năm sau ngày nhập học, 36 năm sau ngày ra trường, những cô cậu kỹ sư mặt búng ra sữa ngày nào, đã lên hàng ông bà nội ngoại. Như một giấc mơ, tôi thấy mình trẻ lại, đứng đâu đó ở góc sân trường của 45 Cường Để, nghe lại tiếng cười nói hồn nhiên của bạn bè. Hình ảnh cư xá ngày xưa hiện về: con đường loang lổ, đất đá chen lẫn nhau, với hai hàng me già nghiêng ngửa từ cổng cư xá đến giảng đường chính; bên cạnh là Dược Khoa; bên kia đường là một phần của trường với sân “volley” chung một hàng rào Văn Khoa. Nhớ những khuya leo qua lầu 4 trường Dược với Tài, mượn cái không khí yên tĩnh và ánh sáng của hành lang để học bài thi, nhớ những đêm nghe nhạc Làng Văn, chia nhau mấy điếu thuốc lẻ bên tách café với Lang, Long, Ý, Lếnh…
.
Tôi nhớ mấy câu dạo đầu trong một bài nhạc của mình:
.
Đời người như con nước
Theo nhau xa cội nguồn
Cõi này đi về mãi
Lâu rồi vẫn chưa quen
.
Cõi này tôi có thể vẫn chưa quen. Nhưng tôi không thể nào quên hình ảnh bạn bè Khóa 10, những ngày đẹp nhất trong đời tôi quanh quẩn 45 Cường Để.
Cám ơn các bạn đã tìm đến nhau.
.
5- Các gà trống của Khoá 10
By Nguyễn Đình Tuấn
.
Xin trình thuật lại những gì tai nghe mắt thấy, nếu có điều chi không vừa ý, đó là ngoài mong ước của người tả cảnh.
.
Bạn Lục Phé Buông
Từ khi gặp Buông ở “Subic Bay” vào ngày đứt phim đến nay, chàng tuổi trẻ không khác chi lắm, chỉ có mái tóc nhiều muối hơn tiêu và vài sợi tóc mây ra đi không hẹn về (hình như các bạn hiền, kẻ cả ta, đều như thế, chỉ trừ vài tên công lực thâm hậu như Trần Văn Giang vẫn còn mái đầu xanh). Nhưng điều đáng ghi nhận là tinh hoa từ Buông đã phát tiết theo hướng nghệ thuật, âm nhạc, thơ phú. Mỗi khi tức cảnh sinh tình, lập tức chàng chia sẻ cho các bạn ta nhiều vần thơ lai láng, trữ tình. Thêm vào đó, Buông còn có thêm nghề tay trái: chuyên làm bầu “show” kiêm MC trong các dịp họp mặt đồng môn, lại thêm việc tạo dựng “website Ngày Mùa” cho các bạn Nông Nghiệp có nơi ra vào thong thả, để trước là thăm hỏi nhau sau là thả hồn về ngày xửa ngày xưa qua các hình ảnh đầy kỷ niệm.
.
Út Bạch Lan
Ngày xưa khi còn ở trường, tôi thường hay chọc phá bạn bè bất kể thân hay sơ. Tôi thường hay đặt tên hiệu tiếu lâm với các bạn trú ngụ ở khu “dorm” của Trung Tâm QGNN là “băng Cư Xá” nên không ít thì nhiều các bạn này cũng hơi bực mình vì tính đùa dai của tôi. Tuy nhiên, tôi nhớ là mối liên hệ của Lang với tôi có vẻ thân mật hơn vì tính hiền hòa và cũng có máu tiếu lâm, cũng chịu đùa cợt của chàng Út.
.
Đến nay thỉnh thoảng chàng xuất hiện trên “Net” với những vần thơ chấm phá ngoạn mục đầy thi vị nhưng không kém phần trào phúng. Hôm đầu tiên gặp lại Lang ở nhà Queen-Mum Ngô Cẩm Tú thấy chàng không cao thêm được tí nào mà cân lượng có phần sút giảm không hiểu tại sao? Mãi đến hôm sau họp mặt ở Út gia trang gặp được hiền nội của chàng mới nghiệm ra rằng các cụ thường phán là: “Âm Thịnh Dương phải Suy,” không biết có đúng không? hoặc là Út chăm lo tu tập công phu chi đó nên cần phải giảm cân nhẹ nhõm.
.
Trần Trung Chính
Không ai gặp bạn Chính một lần mà có thể quên được cả về ngoại hình lẫn cách ăn nói của bạn. Bất cứ chuyện về đề tài gì, bạn Chính có thể lôi ra hằng hà sa số chi tiết, mà chúng ta phải lên “Google Search” cả ngày mới tìm ra. Đề nghị bạn Chính nên nhờ sự giúp sức của các anh tài “IT” như Trần Văn Giang, Nguyễn Tùng Buông, Quách Văn Phong… để “Setup” một cái “Search engine” tựa đề “BigDude” may ra khấm khá đem ra “IPO” chia cho các bạn vàng K10 vài trăm “shares.” Chúng ta cùng nhau về hưu non ngay lập tức, tha hồ họp mặt bất kỳ khi nào ta muốn… Tuy nhiên, hình như bạn Chính nom trẻ trung và nhẹ cân hơn so với hình ảnh cũ ngày xưa, nhất là khi các bạn ta được nghe lời tự thuật của Chính ở Út gia trang về những người nữ đã đi sòng sọc qua đời chàng, thì tôi mới thấy bạn Chính quả thật có một quả tim rộng rãi như ngoại hình, đã đem tình thương bác ái cứu vớt được dăm ba nàng Kiều sa cơ lỡ vận. Hy vọng là số tử vi của bạn Chính do Thầy Mã Minh Trung chấm cách đây gần 40 niên có lời bàn rằng đây là bài ca “không tên cuối cùng” của Trần Trung Chính. “Qua cơn bỉ cực đến thời thới lai.”
.
“Sì Thẩu” Tiền Quốc Cơ
Khi còn đi học “sì thẩu” phá phách không ai bằng, chưa kể đến miệng lưỡi cong queo như lươn. Dù đã nhẩn nha ăn nhậu dưới XHCN hơn 30 niên, tha hồ hủ hoá mãi mới chịu xum họp ở SJ, Có lẽ “sì thẩu” ăn nhậu với tư bản đỏ hơi nhiều nên trông hơi nặng cân hơn thời son trẻ, thêm vào nhiều hành tung bí ẩn. Sì thẩu đấu võ mồm thì không ai bằng, nhưng lại hà tiện chữ nghĩa trên “email” nên mới đây đã gây ra một trận “Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải” trên mạng với các bạn ta. Thật ra đây chỉ là lời qua tiếng lại để thỏa lòng nhớ mong giữa những văn hữu bất đắc dĩ, nhờ vậy K10 mới khám phá Quách Văn Phong là một thiên tài chuyên trị văn tự trào.
.
Trần Văn Giang
Đây là một bạn K10 mà có lẽ tôi thường gần gũi ngay từ khi còn ở trường, vì Giang và tôi cũng ban Biến Chế Nông Sản. Đến sau ngày đứt phim cũng gặp nhau được vài lần ở California. Tuy rằng đã được xem bóng của K10 đón sì thẩu Tiền Quốc Cơ vài năm trước, tôi cũng ngạc nhiên khi gặp lại bạn Giang đã tăng thêm cân lượng cứ như “stocks” của “Dow Jones / Nasdaq” thời “dot.com” còn thịnh vượng. Có lẽ đúng như cổ nhân đã phán rằng: “Phát tài đi đôi với phát tướng chăng?” Vì vậy mà Trần Văn Giang đã trở thành một cây bút trên mạng mà các bài viết đã được loan truyền khắp nơi có người Việt Nam cư ngụ, gây nhiều ngạc nhiên cho các bạn ta. Đến đây mà không kể thêm về Kenny “Golden Boy” của Giang / Hạnh thì quả là một thiếu sót lớn. Trong dịp hội ngộ K10 này bạn Giang phải kéo theo đệ tử này mà tôi thường gọi đùa là “$6M-dollar-boy.” Trong các bạn ta có lẽ không ai còn được diễm phúc chăm sóc, nưng niu trẻ thơ như hai bạn. Mới có hơn 6 tuổi mà Kenny phải trải qua ba ngày với toàn khứa lão sáu bó mà cậu bé không hề nổi cơn lè nhè, vẫn theo kịp chuyến du hành vùng Vịnh San Francisco và các buổi đấu hót của các khứa lão, mà còn lên sân khấu đóng góp cho phần văn nghệ của buổi họp mặt Nông Nghiệp. Tôi cũng rất “enjoy” được gần gũi “Golden Boy” trong mấy ngày qua, vì riêng chúng tôi không có con trai mà chỉ có toàn thị mẹt.
.
Trần Ngọc Trình và Phu Nhơn
Từ khi còn ở dưới mái trường xưa, Trình đã có vẻ già dặn hơn các bạn ta cũng lớp cả trong lẫn ngoài: đi đứng chậm rãi, nói năng điềm đạm, không có chụp giựt như đám nhà lá chúng ta (bên ni gọi là dân housing). Đến nay trông cũng vẫn thế không già đi tí nào, tuy nhiên chỉ cần cắp nách thêm cái ô đen là đúng thời trang của ông ngoại. Ngoại trừ đám bạn ta ở Việt Nam cáp độ sớm hơn nên con cháu đầy đàn, còn băng ở bên ni thì có lẽ Trình là K10 đầu tiên được lên chức ông ngoại.
.
Phạm Văn Hánh và Phu Nhơn
Có lẽ khi xưa tôi ít có dịp tiếp xúc với Hánh, nhưng dù ở nơi nào cũng không thể nào lẫn lộn được nhờ nước sơn sáng bóng như mun của chàng. Nhưng được gần gũi với cặp này trong mấy ngày qua, tôi mới nhận được tính tình hiền hòa và chân thật của cả hai. Ước mong hai bạn giữ được mối tình nầy mãi mãi như bài hát của Đức Huy “Yêu Em Dài Lâu.“
.
Nguyễn Công Danh
Danh vẫn không thay đổi nhiều, vẫn còn chọc ghẹo các bạn ta như thuở nào, chiều cao không thay đổi nhưng có phần nặng cân hơn xưa. Đây là một tay kiếm mà khi xưa tôi đã đặt tên hiệu của Danh cùng với Đào Trọng Quế và Nguyễn Thiện Căn là “ba chàng ngăn ngắn gây máu lửa.” Qua vài ngày xum họp tôi nhận ra Danh chỉ muốn châm chọc các bạn ta để tránh bị mọi người rọi kiếng chiếu yêu, vì hình như chàng cũng có lòng thầm thương trộm nhớ ai đó mà không có dịp “tỏ lộ cang tràng?” Danh ơi, các bạn ta đã ngoài hoặc trong lục phé cả rồi, không nói ra thì sợ rằng không còn dịp nào nữa đó nhe. Chuyện đã gần bốn thập niên rồi đâu có ai dành giựt chi mà lo.
.
Nguyễn Thiện Căn
Vào cuối tháng Tư Đen, Căn và tôi đã cùng tạm dừng chân ở đảo Wake. Căn với tôi cùng nghe radio, cùng nghe tin “vi ci đi dép lốp” đặt chân vào Saigon. Sau đó có nhiều dịp “phone” cho nhau hỏi han sức khỏe cho đến ngày chàng lên xe bông. Đây là tay kiếm lạ lùng. Căn trở nên suy tư hơi nhiều. Nhớ lại khi xưa ngang dọc trong dãy hành lang trường và cả trên sân “volley,” mà nay bỗng dưng rất hà tiện lời nói chỉ cười ruồi mà lại rất có duyên. Có lẽ Căn là một dạng người mà thời gian không ảnh hưởng chi đến sắc diện, có phải nhờ nước sơn sáng bóng như gỗ mun này chăng?
.
Triệu Hán Chương
Một trong những bạn vàng K10 có một hình ảnh cân bằng cả trong lẫn ngoài có lẽ là Chương Còm. Tôi nhớ lại những ngày xưa thân ái chưa bao giờ tôi gặp Chương có những sự nóng nảy hay tức giận với ai trong lớp, lúc nào cũng tươi vui khà khà, ai sao cũng được, ai làm bậy thì cứ làm đi. Mà hình như chàng Còm cao tuổi nhất trong đám K10. Niên trưởng có khác đám xây lô cố nhi nhô suốt ngày. Đến nay Chương Còm không thay đổi chi: mái đầu vẫn xanh như thuở nào, đời sống bình dị không ồn ào có lẽ đem lại nhiều bình an trong tâm hồn giúp cho chàng Còm không bị thời gian tàn phá như ta đây.
Túm lại, như các bạn đều nhận thấy tình thân K10 nhờ vào mạng “Net” và các bạn ta chịu khó gõ vào mạng nên mới có dịp hội ngộ ba hoa chíc chòe, quên cả ăn ngủ; để đến khi trở về cố quận vẫn còn nhớ, vẫn tiếc nuối. Mong sao các bạn ta sẽ càng hội ngộ đông hơn và thân thương mãi mãi dù cho tuổi đời có cao hơn lục phé…
Đến đây vì lý do kỹ thuật nên không kịp kèm thêm lời bàn về các cánh hoa hương sắc (aka gà mái dầu) của K10. Xin xem hồi sau sẽ rõ. Dù sao đi nữa ta vẫn còn dịp hội ngộ phải không các bạn hiền . . .
Hết
Trần Văn Giang
(Có sao ghi lại như vậy không thêm không bớt! No more, No less!)
07/07/2008