Chí Phèo và Thị Nở
Lời giới thiệu:
Không hiểu cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí” của Bá Dương (“Bo Yang”) được xuất bản cách đây gần hai chục năm có liên quan gì đến sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc hôm nay hay không?
Nên biết bên Mỹ có cuốn sách nổi tiếng tương tự là “The ugly American” của WILLIAM J. LEDERER AND EUGENE BURDICK xuất bản năm 1958 đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất thời đó.
Tuy nhiên, hình như có nhiều liên quan giữa sự can đảm nhìn nhận ra những yếu kém của chính mình và sức vươn lên mạnh mẽ cho dân tộc (!)
Ở hoàn cảnh Việt Nam, đã gần một thế kỷ rồi, thế hệ cha ông của chúng ta cũng đã có rất nhiều người dám vạch thẳng những tính xấu, những hủ tục của người Việt mình để biết mà sửa đổi (!) Nhưng mà không thấy có ai chịu nghe??? Để xét cái kết quả (“không khá”) này, cứ việc nhìn vào hiện tình dân tộc Việt ở trong nước lẫn ở hải ngoại; cứ nhìn vào chính bản thân mình, đồng bào và các tổ chức / hội đoàn chung quanh mình chứ chẳng cần tìm đâu xa! Đến lúc này, thế hệ chúng ta, giữa những thay đổi lớn lao đang và vừa mới xẩy đến cho dân tộc chúng ta, giữa khát vọng phục hưng dân tộc… đây là một cơ hội thật tốt để cùng nhau đọc lại những nhận định mà các vị tiền bối đã viết về nhũng cái xấu xa của người mình và rồi tự đặt câu hỏi cho bản thân và cộng đồng của mình phải làm gì để cho dân tộc mình khá hơn?
“Có lẽ ta đâu mãi thế này …”
(Nguyễn Công Trứ – “Quân tử cố cùng”)
TVG
*
1- Chơi bời lãng phí
Trần Chánh Chiếu
(“Lục tỉnh tân văn,” năm 1907)
Theo tục ông bà để lại, hễ mãn một năm thì ăn Tết một lần ấy cũng là phải. Sao tôi thấy hễ tới ngày ấy, ai ai cũng đốt pháo, dựng nêu, treo bùa tứ tung ngũ hoành, đánh đáo đánh quần tới bảy bữa, rồi nào me, nào lú (1), bài cào, xóc đĩa, tổ tôm đủ thứ. Thậm chí có ông ăn Tết rồi thì bán nhà bán cửa, nợ réo trước nợ réo sau. Đã “bần nhược” (2) lại “đãi đọa” (3) vậy thì biết chừng nào mà giàu có như người ta đặng?
——————
(1) Theo Huỳnh Tịnh Của, “Đánh me” là “gây ăn thua trong cuộc chơi tiền,” còn “Lú” là “cuộc chơi con nít dùng tiền mà đánh đố.”
(2) Nghèo đói.
(3) Biếng nhác.
2- Ở đâu cũng thấy học đòi làm dáng
Hoa Bằng
(“Hiếu thượng,” Tri tân, năm 1943)
Cái hiếu thượng (1) của số đông người mình đã lộ rõ ở từ ngôn ngữ đến cử chỉ, từ hành vi trong gia đình đến động tác ngoài xã hội. Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải vì thích chữ tốt yêu văn hay nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái lạc khoản (2) có chức tước. Người ta in danh thiếp? Không phải vì cốt thông tính danh tỏ địa chỉ, song hình như chỉ cốt trưng những chức sắc tước trật và phẩm hàm. Người ta đăng cáo phó? Có lẽ ít vì cốt để báo tang, nhưng phần nhiều cốt để lợi dụng cái chết của ông bà cha mẹ mà quảng cáo cái danh phận của con cháu.
Cái bệnh hiếu thượng ấy truyền nhiễm đến cả nữ giới làm cho lắm người cũng mắc lây. Một dạo ở xã hội ta nổi lên cái phong trào “phi cao đẳng bất thành phu phụ.” Vì thế trong cuộc hôn nhân đã xảy ra lắm chuyện buồn cười. Hoặc mượn văn bằng của người khác để đưa nhà gái sát hạch lúc cầu hôn, hoặc giả làm nhà tòng sự (3) suốt mấy tháng để nhà gái nếu có dò la vẫn thấy sớm vác ô đi tối vác về…
——————
(1) Thích hướng lên trên, tức hiếu danh, bon chen…
(2) Tự đề tên họ chức tước ở một góc câu đối.
(3) Làm công chức.
3- Học vấn một đằng, công nghệ một nẻo
Phan Kế Bính
(“Việt Nam phong tục,” năm 1915)
Tính người mình không biết quý trọng công nghệ, người làm nghề tựa hồ như bất đắc dĩ không học được làm quan chẳng lẽ ngồi khoanh tay chịu chết mới phải xoay ra làm nghề thôi. Mà làm nghề thì không cần gì tinh xảo chỉ cốt bán rẻ tiền được nhiều người mua là hơn. Công nghệ suy nhược lại còn là vì người có học thức không chịu làm, người chịu làm thì lại là người không có học thức, chẳng qua chỉ theo lối cũ nghìn năm xưa chớ không nghĩ được cách thức nào mới.
Ít năm nay, có trường bách công dạy dỗ, có lắm lời tân học cổ động thì cũng đã tỉnh ngộ ra ít nhiều và cũng đã có người sinh được nghề khéo, học được nghề mới tranh được lợi buôn bán. Song cái tính khinh đường công nghệ thì vẫn chưa bỏ được. Có người nhờ công nghệ mà nên giàu có song vẫn tự coi mình là đê tiện, phải mượn cái phẩm ông Hàn ông Bá mới là vẻ vang.
4- Khéo tay mà trí không khôn
Phạm Quỳnh
(“Pháp du hành trình nhật ký,” năm 1922)
Xét ra ở nước Nam ta mới có các nghề mỹ nghệ là thịnh, phàm nghề khéo toàn là các nghề trang sức cả, còn mỹ thuật thì chưa có gì sánh được với các nước, nhưng ngay trong mỹ nghệ cũng chưa có kỷ luật, chưa có thể thống gì, chưa phân rõ các kiểu cách, các thời đại, các lề lối, các phương pháp, thợ thuyền phần nhiều là những người vô học, phi quen tay phóng lại lối cũ, thời bắt chước chép của người ngoài, thành ra tay có khéo mà trí không khôn, không biết biến báo mà vẫn giữ được tinh thần cốt cách cũ , tồn cổ mà khéo ứng dụng về đường sinh hoạt mời, nói tóm lại là không có trí sáng khởi (1) khôn ngoan, gây ra trong mỗi nghề một cái thể thức trang nghiêm mà đặc biệt. Cho nên các nhà nghề ta không thể bằng cả ở cái tay khéo được, cũng phải tập cho có cái trí khôn nữa.
Nay muốn gây lấy cái trí khôn ngoan trong mỹ nghệ, khiến cho có tinh thần có thể thức, thời không gì bằng lập ra một nhà bảo tàng mỹ nghệ, sưu tập lấy những đồ đẹp trong nước, chia ra từng thời đại, bày cho có thống hệ (2), để cho những nhà nghề đến đấy mà xem, mà học cho biết nghề mình duyên cách (3) thế nào, thể cách làm sao, rồi hoặc trông đấy mà giữ lấy cái cốt cách tinh thần cũ, hoặc nhân đấy mà biển đổi dần
——————
(1) Bắt đầu dựng lên, ngày nay hay viết là “sáng tạo.”
(2) Quan hệ của những cái liên tiếp nhau. Cũng nghĩa như hệ thống.
(3) Duyên (có khi đọc diên) ở đây là thủ cựu, cách là đổi mới. “Duyên cách”: Tình hình trong một khu vực nào đó cái cũ thế nào, cái mới ra sao.
5- Thiếu tinh thần cầu học
Nguyễn Văn Tố
(theo Lê Thanh, “Cuộc phỏng vấn các nhà văn,” năm 1943)
Phải nhận rằng người mình không ham học mấy. Thí dụ như người đỗ bằng tốt nghiệp, có công ăn việc làm thì thôi, không chịu học thêm. Tôi cho thế là nhầm lắm. Người ta dạy cho bấy nhiêu là để cho mình tạm đủ sức mà học lấy, khi ở trường ra mắt là chỗ khởi hành, mình lại tưởng đến nơi rồi. Nếu tôi được phép, tôi sẽ khuyên anh em thanh niên học rõ nhiều, vừa đọc văn Tây, vừa học lại tiếng ta, vì phần đông người ta mà viết văn ta còn sai nhiều.
6- Mô phỏng đã thành thói quen
Hoa Bằng
(“Phải có cái gì để làm đặc tính của người mình chứ.” Tri tân, năm 1941)
Hết thảy mọi phương diện, chẳng hạn, từ văn học tới nghệ thuật – chúng ta đều ăn của người, nhưng đã biết hóa để làm của riêng của mình chưa?
Bình tĩnh mà xét, từ hình thức đến tinh thần ta nay cũng có một đôi phần tiến. Nhưng cái óc mô phỏng hay còn rõ sờ sờ trung hết thảy mọi mặt.
“Chúng ta phải làm con cháu của cổ nhân chứ không nên làm nô lệ của cổ nhân.” Đối với cổ nhân ta nay còn phải dè dặt thay, huống chi đối với gió bốn phương, há lại nên bạ chiều nào che chiều ấy?!
7- Kiếp người bấp bênh văn chương sầu não
Nguyễn Văn Huyên
(“Văn minh Việt Nam,” năm 1944)
Sự đơn điệu tẻ nhạt của cảnh sắc thiên nhiên, tính chất chu kỳ của thiên tai, sự cách biệt của các nhóm người, sự phân chia nam nữ, nền giáo dục khắc nghiệt và khô khan khiển người Việt thiên về u buồn và sầu não.
Cá nhân bị giam hãm một cách chặt chẽ và giả tạo trong những khuôn khổ cứng ngắc như gia đình và làng mạc đến nỗi họ không quan niệm nổi họ có khả năng hành động một mình. Vì thế khi môi trường chung quanh không còn giữ họ lại bằng những mối ràng buộc thông thường mà lễ giáo quy định, người ta dễ đắm mình vào những bài hát buồn bã u sầu, khiến mọi nỗ lực trí tuệ tiêu tán.
Nền văn hóa vốn thấm nhuần lòng từ bi Phật giáo cũng góp thêm phần dồn nén các dục vọng cá nhân. Rồi quan niệm siêu hình của đạo Lão khiển nhiều tác giả thiên về một cái nhìn bi quan sâu sắc và một sự mỉa mai chua chát. Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Thu dạ lữ hoài ngâm cũng như các tác phẩm của Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu… chỉ là những tiếng vọng của nỗi đau nhân loại. Trong nhiều tác phẩm khác, ta luôn luôn thấy cùng những đề tài giống nhau về nỗi đau khổ, ước mong và hối tiếc, phản ảnh tất cả sự dồn nén tinh thần của cá nhân, hoặc gần như vậy, sự sợ hãi muôn thuở của một kiếp người bấp bênh, một cuộc sống chật hẹp.
8- Một nền nghệ thuật thiếu tư tưởng
Hoài Thanh
(“Có một nền văn hóa Việt Nam,” năm 1946)
Trong lịch sử ta biết bao thế hệ nhà nho kế tiếp nhau mài miệt trong sách vở của thánh hiền mà nào có sáng tác được gì đâu.
Ta không có một nền quốc học nếu quốc học là học thuật riêng của nước. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử ta cơ hồ không có sáng tác gì về học thuật. Ấy cũng vì ta kém óc trừu tượng khái quát, điều kiện căn bản để phát minh về tư tưởng.
Người phương Tây rất ngạc nhiên thấy ta hôm qua chỉ biết có “Tứ thư Ngũ kinh” mà hôm nay bỗng tin theo những thuyết rất mới mẻ, rất cấp tiến của khoa học hiện kim. Họ không biết rằng học thuật tư tưởng không phải là những căn bản tinh thần của dân tộc ta. Tư tưởng nào có lợi cho đời sống của dân tộc thì ta theo, nhưng một khi tình thế đổi thay, tư tưởng ấy trở nên có hại cho đời sống chung, ta sẽ trút bỏ dễ dàng không tiếc hối.
9- Đằng sau thói quen đẽo gọt là sự nhu nhược
Phan Kế Bính
(“Việt Nam phong tục,” năm 1915)
Văn chương gọt từng tiếng khác nào như người gọt củ thủy tiên, cái lá này bắt cho quăn, cài giò kia hãm cho thấp trông thì hoa nở đều nhau đẹp đẽ nhưng động vào đã gãy, để chưa mấy ngày đã úa. Cốt lấy cái khéo nhỏ nhặt làm mất đi cái khí mạnh, gọi là “nhu nhược chi văn chương!”
10- Xu thế trang sức quá nặng
Đào Duy Anh
(“Việt Nam văn hóa sử cương,” năm 1938)
Nghệ thuật Việt Nam thường bị bó buộc trong lề lối cổ. Phải tôn trọng những phép tắc xưa, cho nên nhà nghệ tài giỏi mấy cũng chỉ phỏng lại những hình thức có sẵn cho khéo, chứ không được theo tự ý mà sáng kiến những cách thức mới.
Nhà nghệ thuật Việt Nam không phải là người biểu diễn ý chí tâm tình của mình, cũng không phải người quan sát và biểu hiện tự nhiên mà chỉ là người giỗi bắt chước những kiểu mẫu sẵn. Có muốn hơn người thì họ chỉ cốt ra tay cho khéo cốt làm cho thật tỉ mỉ, thật tinh tế, thật dụng công, chỉ cốt xếp đặt các bộ phận cho xinh xắn lộng lẫy.
Tính chất đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam là tính trang sức. Nó thiếu hẳn hoạt khí, vì cách biển hóa tuy lưu động mà ở trong phạm vi hình thức, cách phối hợp tuy phiền phức mà ở trong phạm vi thái độ chế kiểu.
11- Lối tính toán thiển cận
Lương Dũ Thúc
(“Nông cổ mím đàm,” năm 1901)
Cách đại thương (1) là có gan làm giàu. Coi người ta phí (2) là bao nhiêu tiền bạc mà không sợ mất, là vì người ta tiên liệu đại lợi, kể chi sự phí. Chớ như người bổn quốc ta, muốn cho thấy trước mắt có lợi mới chịu làm. Nếu đem đại thương mà sánh với bán hàng bông (3) thì bán hàng bông ắt thấy lợi trước mắt, hễ mua sớm mai thì chiều thấy lợi, còn mua chiều sáng thấy, chớ như đại thương thì ít nữa là năm năm còn nhiều hơn là mười năm mới thấy lợi. Song so lợi dễ thấy thì là lợi ít, cái lợi mà lâu thấy thì thật lớn lắm.
Người nước nào đều có ngay gian xấu tốt, họ không phải là tiên phật chi hơn mình, song họ làm rồi thì quen, còn người mình không làm, nên cứ nghi hoặc hoài mà thôi.
——————
(1) Buôn bán lớn.
(2) Bỏ tiền của ra sử dụng.
(3) Bán hoa quả bông trái.
12- Mê tín gây nhiều lãng phí
Phan Kế Bính
(“Việt Nam phong tục,” năm 1915)
Lễ kỳ (1) an chủ ý là trừ khử ma quỷ cho dân xã bình an. Ta lại tin theo Phật thuyết (2), bày ra vàng mã, nào mũ Ngọc Hoàng, nào tượng Minh Vương, nào âm quan quỷ tốt, chiến khí binh tiền được việc cũng cam, nhưng nào có được việc gì đâu, rút lại chỉ tại ta tin nhảm.
——————
(1) Kỳ đây là cầu.
(2) Theo tôi (người viết / Trần Văn Giang) Cụ Phan Kế Bính có lẽ hiểu lầm (!?) Phật thuyết của Phật giáo về vấn đề đốt vàng mã, mũ Ngọc Hoàng v..v.. Đốt vàng mã không phải là sản phẩm của Phật giáo mà là sản phẩm của mấy ông nhà Nho Trung Hoa truyền sang Việt Nam dưới thời Việt Nam bị đô hộ. Một số các thầy “cúng,” những người nầy không phải là các Sư Tăng đạo Phật, vẫn còn dùng cái hủ tục mê tín dị đoan này vì nhiều người Việt nẫn còn tin!
13- Không ai chuyên nhất việc gì
Tân Việt (*)
(“Mỗi người một việc” – Đông Pháp thời báo, năm 1928)
Các nước phú cường, người nào làm việc gì. Nhà khoa học lo cả đời phát minh, người làm giàu thì cứ việc làm giàu. Còn nước ta thì không thế. Một người làm năm bảy việc, trong khi làm bầu gánh hát bộ, lại có xuất bản một cuốn tiểu thuyết ái tình, lại có mở một cửa hàng tạp hóa, ít lúc chi đó lại vọt xuống tàu sang Pháp làm chính trị.
Người ngoại quốc thấy vậy, cho rằng chúng ta có lòng ham hố quá, hoặc cho rằng không có đức chuyên nhất, không có tính nhẫn nại.
——————
(*) Một bút danh mà Diệp Văn Kỳ và Phan Khôi ký chung trên Đông Pháp thời báo 1928 (theo Lại Nguyên Ân). Nghe giọng (văn phong) thì người viết ở đây có lẽ là Diệp Văn Kỳ (?)
14- Dễ dãi trong tiếp nhận nên hỏng việc
Phạm Quỳnh
(“Giải nghĩa đồng hóa,” Nam Phong, năm 1931)
Người An Nam vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa (1), dễ am hiểu, dễ thu nạp lấy những cái khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người mà hóa (2) làm của mình, nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chỉ là cái khóe tinh (3), biết xem xét và bắt chước của người, chỉ phảng phất ở bề ngoài chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để (4) chỗ tinh túy.
Tỷ như thợ An Nam thì phóng chép tài lắm, những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ cũng bắt chước được như hệt cả.
Học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu thấu đã hóa được những cái người ta dạy mình.
Một người trí não khô cạn hay là vì không được tiêm nhiễm những cái tinh hoa của nòi giống mà thành ra khó cạn đi – một người như thế không thể không thể nào hiểu thấu được cái tinh thần của Tây phương. Có đồng hóa chỉ đồng hóa được cái bề ngoài, chỉ bắt chước được cái hình thức.
Cái cách đồng hóa dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt, mà có thể cho là cái tính xấu được. Chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
Đồng hóa một cách cấp tốc, một cách vô độ há chẳng phải là hại hơn lợi?
——————
(1) Tiếp nhận.
(2) Biến cải.
(3) Ngón nghề, mánh lới.
(4) Gốc rễ, cơ bản.
15- Quá tin ở những điều viển vông
Phan Bội Châu
(“Cao đẳng quốc dân,” năm 1928)
Mê tín sinh ra những việc nực cười. Ngày giờ nào cũng là trời bầy định mà bảo rằng có ngày dữ ngày lành, núi sông nào cũng là đất tự nhiên mà bảo rằng có đất tốt đất xấu, vì nấu ăn mới có bếp mà bảo rằng có ông thần táo, vì che mưa gió mới có nhà mà bảo rằng có ông thần nhà, cho đến thần cửa thần đường, thần cầu tài, thần cầu tử, trăm việc gì cũng trông mong vào thần, kết quả thần chẳng thấy đâu, chỉ thấy những cửa nát nhà tan, của mòn người hết, tin thần bao nhiêu thì tai họa bấy nhiêu…
16- Tầm thường hóa những giáo lý sâu xa
Phan Kế Bính
(“Việt Nam phong tục,” năm 1915)
Phật giáo là một tôn giáo riêng, cũng có lý tưởng. Mà lời thiện ác báo ứng cũng đủ khuyên răn người. Nhưng hiềm ta không cứu (1) đến nguyên lý mà chỉ tin những lời trần hủ (2), sùng tín cái vỏ xác ngoài còn cái lý cao xa của người ta, không mấy người nghĩ đến. Đã không ích gì, mà làm hại của cải cũng chỉ bởi lòng tin sai vậy.
——————
(1) Xét đoán, tra hỏi.
(2) Cũ kỹ, không hợp thời.
17- Vớ được sách nào theo sách ấy
Nguyễn Văn Vĩnh
(“Hương Sơn hành trình,” Đông Dương Tạp chí, năm 1914)
Có kẻ sáng ngày ra vào phủ thờ bà cô, ông mãnh nào, chiều lại vào làm tôi con ông Trần Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau cũng người ấy có thể chay lòng thực dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng, ông này không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào cả hoặc là đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với mọi ma thiêng thần dữ.
Nói rút lại, thì người An Nam ta tin bậy hình như theo lý tưởng này: Dẫu không có mà tin cũng chẳng hề chi, ngộ có mà không tin, có lẽ hại đến mình. Cho nên cứ tin liều đi.
Người ta theo lý tưởng ấy cho nên sinh ra những đạo không có tôn chỉ, quy tắc pháp ở trong tay mấy anh sư mô, thầy cúng, ngày nay làm theo sách này, ngày mai bịa ra sách khác, có ngược nhau cũng chẳng ai bảo sao. Mà người tin, người tộc trưởng, người làm lễ tang lễ hỷ, cũng cứ tùy bện mà theo, vớ được sách nào theo sách ấy, tùy cách lịch sự tùy gia tư (1) mà theo lễ này hay lễ kia, chứ không theo tôn chỉ nào cả.
Còn như sự đi chùa Hương và các chùa chiền khác, nhiều người cho như một cái tật của các cụ già và của người đàn bà. Cũng có kẻ bảo là việc hay, cũng có người cho là việc dở. Hay là vì các bà các cô đi lễ bái như thể nó cũng thêm được cái dáng đạo đức, cái nếp nhà ra một chút. Dở là vì các bà ganh nhau tốn kém và mấy ông sư ông vả lại cũng chưa quên hẳn sự đời.
——————
(1) Của cải, tài sản trong gia đình.
18- Đời sống tôn giáo hời hợt
Nguyễn Văn Huyên
(“Hương Sơn hành trình,” Đông Dương Tạp chí, năm 1914)
Mặc dù sự có mặt của vô số ma quỷ và thần linh, người Việt vẫn có một đời sống tôn giáo không lấy gì làm sâu sắc cho lắm. Người ta chỉ có những niềm tin mơ hồ về linh hồn, về sự sống ở thế giới bên kia, về các thần. Một số lớn thần được định tính không rõ ràng và thường thường là phi nhân cách. Không có sự giáo dục tôn giáo cụ thể, cũng như không có sự tuyên truyền tôn giáo có tổ chức.
Mọi người chỉ cầu tới tôn giáo do nhu cầu vật chất. Ở một số trường hợp, người ta tìm kiếm một kết quả trước mắt như khỏi bệnh, có con, có tiền tài. Người ta cũng cầu thần để cho đời sống một người đã khuất ở thế giới bên kia được dễ dàng, để thi đỗ, để nhanh chóng trong một việc, để đi xa một chuyển được bình yên… Thường thường trong ý thức dân gian, tôn giáo được quy lại chỉ còn là một lô thực hành thờ cúng đã trở thành bắt buộc. Lễ nghi là tất cả, nó đôi khi bao gồm những nghi thức rắc rối hoặc núp dưới một hình thức long trọng có tính cách bề ngoài.
19- Từ ảo tưởng tới thoái hoá
Phan Khôi
(Báo Thần chung, năm 1929)
Mấy trăm năm nay, thuyết minh đức tân dân (1) làm hại cho sĩ phu nhiều lắm, nhất là trong thời đại khoa cử thịnh hành. Buổi còn đang đi học thì người nào cũng nhằm vào hai chữ tân dân đó mà ôm những hy vọng hăo huyền, cứ tưởng rằng mình ngày sau sẽ làm ông nọ bà kia, sẽ kinh bang tế thế, rồi mình sẽ thượng trí quan, hạ trạch dân, làm nên công nghiệp (2) ghi vào thanh sử (3) đến đời đời, không ngờ thi không đậu hay đậu mà không làm ra trò chi, thì trở nên thất vọng, thiếu điều ngă ngửa người ra, tay chân xuôi lơ và bủn rủn.
Còn người khác đắc thời, thi đậu ra làm quan thì lại ỉ rằng bấy lâu mình đă có cái công phu minh đức, nghĩa là mình đă học giỏi rồi, thì bây giờ cứ việc thôi sờ học ư sở hành, chớ có lo chi.
Bởi vậy nên có những ông thượng thư bộ hộ mà làm chẳng chạy bốn phép toán, thượng thư bộ binh mà cả đời chẳng biết đến cái lưng con ngựa ra sao cái cò khẩu súng là gì. Mà rồi ông quan nào cũng như thượng đế cả, nghĩa là toàn trí, toàn năng (!)
——————
(1) Trích từ câu đầu tiên của sách Đại học, có nghĩa làm sáng đức và khiến dân luôn luôn đổi mới.
(2) Cũng tức là sự nghiệp.
(3) Thanh sét thời cổ ở Trung Quốc dùng thẻ tre để chép sử, nên lịch sử thường được gọi là thanh sử.
20- Chăm học nhưng chưa thoát khỏi tư cách học trò
Phạm Quỳnh
(“Bàn về quốc học,” Nam phong, 1931)
Nước ta vẫn có tiếng là ham học, nhưng cả nước ví như một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ ôn lại mấy quyển sách giáo khoa cũ, hết năm này đến năm khác, già đời vẫn không khỏi cái tư cách làm học trò!
Ấy cái tình trạng nước ta, sự học từ xưa đến nay và hiện ngay bây giờ cũng vẫn thế… Xưa khi học sách Tàu thì làm học trò Tàu, ngày nay học sách Tây chỉ làm học trò Tây mà thôi… chưa mấy ai là rơ rệt có cái tư cách – đừng nói đến tư cách nữa, hăy nói có cái hy vọng mà thôi – muốn độc lập trong cơi tư tưởng cả.
Như vậy thì ra giống ta chung kiếp (1) chỉ làm nô lệ về đường tinh thần hay sao? Hay là tại thần trí của ta nó bạc nhược quá không đủ cho ta cái óc tự lập.
——————
(1) Suốt đời.
21- Không có can đảm là mình
Nguyễn Duy Thanh
(“Muốn cho tiếng An Nam giàu,” báo Phụ nữ tân văn, 1929)
Ông Dorgelès trong quyển “Con đường cái quan” có nói đến thói hay bắt chước của người mình. Đại khái ông nói rằng: “Ngày xưa người Tàu sang cai trị An Nam, người An Nam đều nhất nhất theo Tàu cả. Nay người Pháp sang bảo hộ mới được gần một trăm năm, mà nhà cửa đă theo Tây thời rất dễ dàng, nói đến tiếng An Nam thời khô khan, hình như phải dịch tiếng mình ra tiếng nước ngoài… Khoa học có nói rằng giống thằn lằn hễ bám vào cây nào thì lâu dần sẽ giống da cây ấy. Ở bên An Nam này thời không thế, thằn lằn không đổi màu da mà chính cây đổi màu da để lấy màu da thằn lằn.”
Câu nói đau đớn thay mà xét người ta nói cũng phải. …Người viết văn phải có can đảm mà dịch những chữ nước ngoài ra. Mở đầu có hơi ngang tai, sau dần rồi cũng nghe được. Cụ Nguyễn Du không can đảm sao dịch nổi chữ tang thương ra chữ bể dâu, chữ thiết diện ra chữ mặt sắt (1)… Mà cũng lạ thay cho người mình không suy xét kỹ: Người Tàu nói chữ vân cẩu tang thương có khác gì chữ mây chó chữ bể dâu không. Ấy thế mà giá mình nói “Bức tranh mây chó vẽ người bể dâu” (2) tất phần nhiều người cho là mách qué! Người Tàu trước kia làm gì có những tiếng cộng hòa, cách mạng, cá nhân, vật lý học, kỷ hà học (3)… Vì sốt sắng làm cho tiếng nước nhà giàu thêm lên, nên họ không ngại khó, rồi mới đặt ra được cái tiếng ấy. Người mình thì không thế. Muốn dịch một chữ Pháp hay chữ Anh ra tiếng nước nhà mà không dịch nổi, thì cứ việc mở ngay tự vị (4) Tàu ra, trong ấy đă sẵn sàng cả rồi. Dù người Tàu có dịch sai chăng nữa cũng mặc cứ cắm đầu cắm cổ mà chép, ai biết đến đó mà lo.
——————
(1) Hai câu nguyên văn trong Truyện Kiều: “Trải qua một cuộc bể dâu” và “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.”
(2) Một câu trong “Cung oán ngâm khúc.” “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.”
(3) Tức hình học.
(4) Tức từ điển.
22- Thạo sử người hơn sử mình
Hoàng Cao Khải
(“Việt sử yếu,” 1914)
Sĩ tử khắp nước ta làu thông kinh sách mà không biết đất đai của nước ta và ṇi giống dân ta như thế nào. Họ chỉ biết Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông mà không biết Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ ra làm sao. Họ chỉ biết Khổng Minh, Địch Nhân Kiệt mà không biết các bề tôi Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn thờ vua giúp nước như thế nào. Họ chỉ biết núi Thái Sơn cao chót vót, sông Hoàng Hà sâu thăm thẳm, nhưng không hề hay biết núi Tản Viên từ đâu tới, sông Cửu Long ở Nam Kỳ – phát nguyên từ nơi nào. Ưa chuộng phong tục nước ngoài cho nên bao nhiêu nghi lễ về quan hôn tang tế (1), chúng ta đều bắt chước người Trung Hoa cả. Lại c̣òn lấy kỹ nghệ nước ngoài làm ưa thích. Đă không chịu học hỏi cách biến chế, óc sáng kiến của họ, mà tại đi tiêu thụ hàng hóa giúp cho họ. Đa số những vật liệu như đồ sứ, hàng tơ, lụa, hàng thêu, hàng đoạn (2)… chúng ta đều đi mua sắm từ bên “Trung Quốc” về dùng. Rồi dần đà lâu ngày, linh hồn của dân tự nhiên bị đổi dời, trí năo của dân ta tự nhiên bị bưng bít mà ta không hề biết, chỉ vì cái cớ chúng ta cứ chuyên trọng Bắc sứ (3) mà thôi.
——————
(1) Các việc thuộc về đình đám, ma chay, cưới xin…
(2) Hàng dệt bằng tơ, mặt bóng mịn.
(3) Tức lịch sử Trung Hoa.
23- Đầu óc vọng ngoại và hay kỳ thị (**)
Trần Văn Giang
Luôn luôn có đầu óc vọng ngoại, nghĩa là tôn sùng hàng (ngoại) hóa và người ngoại quốc – những gì đến từ bên ngoài Việt Nam đều tốt đẹp hơn ở nội địa. Có lẽ vì dân trí mình còn thấp kém lại bị ngoại quốc đô hộ quá lâu – trên ngàn năm. Đã đành là đối với người ngoại quốc thì e sợ, nhát nhúa, nhưng đối với nhau thì lại thích hống hách và kỳ thị.
Người mình có đủ mọi kiểu kỳ thị: Tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Hoà hảo, Cao đài, Tin lành v.v..); Địa phương (nơi, miền); Sinh trưởng (Nam, Trung, Bắc); Sắc dân (Kinh, Thượng, Cao miên, Chàm, Trung hoa…); Bằng cấp và Xuất xứ được đào tạo giáo dục (truờng Việt, trường Mỹ, truờng Tây, trường Tầu, trường Liên xô…)
Sang sống tị nạn ở hải ngoại, sau khi ăn nên làm ra, cũng thấy bắt đầu dở mòi kỳ thị người thiểu số, da mầu bản xứ (da đen và da nâu / Mễ) nhiều khi tính kỳ thị của người mình còn hơn cả người Da trắng chính gốc bản địa nữa (!)
24- Vô kỷ luật (**)
Trần Văn Giang
Bất cứ ở đâu cũng có thể lấy thịt đè người, to tiếng, chen lấn vô trật tự, khinh thường người khác có vẻ nhỏ bé, nhã nhặn hơn mặc dù chưa (hoặc chẳng cần) hiểu rõ họ là ai? Ở những nơi như chợ búa, hàng quán… Những nơi cần phải được xếp hàng theo thứ tự, tuần tự thì phe ta cứ tự tiện bất chấp luật lệ, lẽ phải tự nhiên (“common senses”), cứ tranh dành thế nào để rồi chen lấn, xô đẩy xếp thành một hàng ngang thôi mới vừa ý – hàng ngang có nghĩa rằng mọi người đều là số 1, không ai chịu thua kém ai? Thiệt tình, dân mình thiếu hẳn cái “văn hóa xếp hàng!” – Người nào hung bạo nhất, to tiếng nhất thì người đó cũng tự cho mình có cái quyền phải được phục vụ trước (?) Hay thật!
Sau biến cố tháng 4 năm 1975, người Việt Nam di tản đi tị nạn cộng sản khắp thế giới, sau khi đã được định cư ở những nước văn minh Âu Mỹ thì Cộng Đồng Việt Nam bị những sắc dân bản xứ và thiểu số khác coi thường chỉ vì cái “thói quen cố hữu 4000 năm chen lấn” này.
Vấn đề “vô kỷ luật,” thiếu lịch sự tối thiểu còn được thấy ngay trong các dịp đi dự tiệc cưới, họp mặt, lễ lạc, giờ hẹn phòng mạch bác sĩ… Cứ tự nhiên đi trễ cả tiếng đồng hồ sau giờ ấn định làm các quan khách, các thân hữu, người phục vụ phải chờ đợi trông ngóng mệt mỏi. Sự trễ nãi lạc hậu này đã trở thành một hủ tục gắn liền với người Việt Nam. Đến nỗi tại hải ngoại có câu vè châm biếm:
“Không ăn đậu (“bean”) không phải Mễ,
Không đi trễ không phải Việt Nam…”
________
Chú thích:
(**) TVG viết thêm 2 tiểu mục số 23 và 24.
Trần Văn Giang
(Ghi lại và viết thêm 2 mục 23 và 24)
Bạn Giang thân,
Cám ơn Bạn rất nhiều đã đặt viên đá đầu tiên cho trang nhà Gia Đình Nông Nghiệp Hải Ngoại.
Về phần tôi , tuy rất say mê nhưng không giỏi về High Tech.
Nhưng lại rất mong muốn dong góp một bạn một tay cung với các bạn.
Xin cho biết, tôi có thể làm đuợc một cái gì nho nhỏ trong việc xây dựng trang nhà Nông Nghiệp của chúng ta ?
Kính anh Hoa,
Cảm ơn cái “comfortable comment” của anh.
Tôi đang “tuning up” cái trang mạng mới toanh này để cái “look and feel” tốt đẹp hơn một chút.
Về High Tech, tôi cũng còn rất quờ quạng chứ chẳng có tài ba gì đâu. Đây là “Website” đầu tiên tôi làm cho nên lúc đầu tiên còn rất nhiều confusion và thay đổi / điều chỉnh.
Trong lúc này anh Hoa có thể giúp một tay phổ biến trang mạng NNHN này nhá.
Xin lưu ý: Để cho trang mạng NNHN gia nhập “Search Engine” mạnh hơn. Tôi đã đổi tên miền (Domain) từ nongnghiephaingoai.com thành ra là:
http://www.nongnghiephaingoai.com
Xin anh Hoa và quý vị để ý là nếu “click” vào “link” mới mà mở không được thì “Copy” cái “Link” và “Paste” vào “Address box” của “Browser” thì sẽ thây trang nhà của NNHN..
Thân mến,
Until next time.
Trần Văn Giang
Anh Giang oi,
Tôi là Huỳnh Trung Thạnh, NLS Khóa 11, Chuyên Khoa Khoa Học Thực phẩm.
Đọc những dỏng ghi lại những thói hư tật xấu của người Việt mình trên trang NNHN tôi thấy chì mới có nêu ra những thói hư tật xấu mà không thấy nói lý đó tại sao người Việt mình bị như vậy và không thấy để xuất một giải pháp nào để trị căn bệnh nầy hoặc làm giảm thiểu tối đa tác hại của căn bệnh này.
Tôi có viết một bài tham luận về những thói hư tật xấu nầy, với mục đích là thử tìm nguyên nhân sâu xa và cốt lõi đã tạo ra những thói hư tật xấu nói trên và từ đó nêu lên giải pháp để làm giảm bớt hoặc, làm triệt tiêu những thói hư tật xấu của người mình.
..
Thiết nghĩ đây là một vấn nạn lớn của Người Việt mình mà vì tự ái và tự tôn nên ít ai muốn đề cập đến, nhưng, tôi không ngại thử phân tích tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp để làm giảm thiểu tối đa những hệ luy dẫn đến những thói hư tật xấu của người mình… Dù sao bài tham luận này cũng chỉ là của cá nhân tôi nên tôi không dám chủ quán cho là đúng đắn… vì thế rất cần sự mổ xẻ, góp ý của nhiều người để soi sáng vấn để để cùng tìm giải pháp khắc chế căn bệnh trầm kha nầy. Tôi thành khẩn xin được nghe những nhận định khác nêu lên được nguyên nhân sâu xa của những thói hư tật xấu mà người Việt mình đang vươn phải… mong lắm thay…
Sau đây mời Anh đọc và xin Anh nếu được cho post bài này lên diễn đàn Nông Nghiệp Hải Ngoại để có thêm người mổ xẻ vấn đề và đưa ra giải pháp ngăn chặn thích hợp. Xin chân thành cảm ơn Anh trước.
Chào thân mến,
Huỳnh Trung Thạnh
Khóa 11 – NLS
CẦN XÉT LẠI VIỆC DẠY CON LỄ PHÉP QUA ĐỘNG THÁI
BĂT CON PHẢI “ KHOANH TAY, CÚI ĐẦU CHÀO “
Trung-Thanh
Đã có nhiều bài viết và nhận định về nét Văn hoá và con người Việt Nam, nêu lên ưu điểm cũng nhiều mà khuyết điểm thì cũng không ít. Bài Tham luận này chỉ tập trung vào việc truy tìm nguyên nhân sâu xa nhất trong sự cấu thành những đặc tính và tâm lý đã dẫn đưa con người VN tới những khuyết điểm, thói hư, tật xấu mà từ đó ảnh hưởng đến gia-đình, học đường và xã-hội (Kinh-tế, Chính-trị…) rồi đưa đến hệ lụy là chậm tiến và làm trì trệ sự phát triển quốc gia cho mãi đến ngày nay, 2011. Đây cũng là một bài viết nhằm thử trả lời câu hỏi “tại sao một người Việt thì làm nên chuyện mà 3 người Việt họp nhau làm thì hư chuyện ? “, điều này có thể cải thiện lại được không? Và bằng cách nào ?
Văn-hoá Việt-Nam là một đề tài quá rộng, ở đây chỉ bàn đến nét Văn-hoá lễ-phép trong giáo dục của VN thôi.
Hầu hết người VN đều công nhận là cần có lễ phép trong Gia đình, Học đường cũng như Xã hội, “lễ phép” là một từ ngữ chỉ sự tốt đẹp trong sự giao tế giữa con người với nhau nhưng thật ra từ ngữ này đã được dùng cho người tuổi nhỏ hơn, thứ bậc thấp hơn chào hỏi người lớn tuổi hơn hoặc thứ bậc cao hơn. Nếu lễ phép chỉ dừng ở mức này thì có lẽ nó không tạo nên những hệ lụy ( sẽ bàn đến sau ), đàng này nó kèm theo động thái “ khoanh tay và cúi đầu chào” có tính áp đặt và bắt buộc . Đây chính là nguyên nhân phát sinh nhiều hệ lụy.
Đã từ hàng ngàn năm nay, từ thời phong kiến xưa cũng như thời gian Nước Việt bi đô hộ, có 2 thành phần quốc dân , thành phần thống -trị ( là Vua, Quan ) và thành phần bị trị là thứ dân. Thành phần thống trị ( Quý tộc ) vì muốn giữ vững quyền thế và ngôi vị trường trị cuả mình, nên thành phần này đã áp đặt thêm động thái “khoanh tay cúi đầu” vào thủ tục lễ phép để tạo thêm phần trịnh trọng nghi lễ và tạo cái cảm giác họ lúc nào cũng ở vị trí bên trên , kẻ bề trên., kẻ luôn được tôn thờ (đó là 1ý do cái “Ta” phát sinh ) từ sự phân ngôi bậc cao thấp trong xã hội như vậy dễ nảy sinh sự cậy quyền thế mà hiếp đáp kẻ yếu thế hơn từ đó kẻ yếu thế, vì sự sinh tồn của họ, họ phải dút lót mua chuộc hoặc gian dối để được sống yên thân. Xã hội Việt Nam đã bị nhiểm truyền thống lễ phép này , nó tiềm tàng trong từng gia đình qua
– 2 –
lối giáo dục lễ phép cho con cái cũng giống như người các đời trước đã từng được dạy phải lễ phép bằng cách khoanh tay, cúi đầu chào, cho nên tất cả mọi người cho đó là hành động tốt đẹp và đúng, không ai thắc mắc gì ! Đây mới là thảm trạng, và thảm trạng này kéo dài tới ngày nay !
Đi sâu vào phân tích động thái “ khoanh tay, cúi đầu chào” trước một người, chúng ta bắt đầu nghiên cứu từ đơn vị gia-đình, từ trưởng gia đình cho đến thế hệ tiếp là con cái và cháu chắc đều bị giáo dục “lễ phép” cộng với động thái phải khoanh tay cúi đầu đi kèm kể từ lúc mới chớm có trí khôn ( 6, 7 tháng tuổi ) , động thái này được lập đi lập lại hàng ngày suốt trong đời sống con người VN. Điểm chính yếu cần nêu rõ ở đây là khi khoanh tay cúi đầu để chứng tỏ lễ phép thì trong suy nghĩ đơn thuần của trẻ thơ, nó xem nó nhỏ nhoi hơn đối tượng mà nó phải khoanh tay, cúi đầu chào; đây là khởi đầu của sự phát sinh tâm lý tự ti, tư tưởng giai cấp, sự phục tùng và sự sợ hải, đi dần vào tiềm thức của con người và khi lớn lên, cái tâm lý muốn thoát ly sự tự ti nhỏ nhoi đó luôn luôn hiện diện thường trực trong đời sống hàng ngày, do đó khi có điều kiện thì sự bức phá xuất hiện để họ trở thành tự cao, tự đại và có khuynh hướng tìm mọi cách để đè đầu ngươì khác lại, mà nếu không làm được vậy thì sinh ra oán thù !. Sự phân biệt lớn nhỏ đó thành hình càng đậm nét theo thời gian lớn dần vì động thái này được lập lại quá nhiều lần trong đời sống giống như ăn, uống và hít thở, sự việc này tạo nên sự ẩn ức tâm-lý trong tiềm thức sâu thẳm của con người VN , và khi lớn lên đứa trẻ đó nó tự nhiên chấp nhận sự chào hỏi gọi là “ lễ phép” qua động thái khoanh tay cúi đầu của người nhỏ, hoặc bậc thấp hơn nó, nhìn rộng ra toàn xã hội thì giai cấp lớn, nhỏ, nhỏ hơn, nhỏ nhỏ hơn… kéo dài ! Từ đó, khi lớn khôn biết suy xét , con người VN có thể có khuynh hướng làm ngược lại (để thoát ra khỏi cái ẩn ức tâm lý là mình bị xem là nhỏ nhoi ) hoặc phục tùng ( vì nhút nhác, sợ hải) hoặc khi có điều kiện và quyền hành thì hiếp đáp, độc tôn ( bạo lực nảy sinh từ đây ) nếu cộng thêm với môi trường xã hội áp dụng bạo lực để cai trị thì sự áp bức hoặc dối trá để thu đoạt quyền và lợi ắt phải xảy ra từ đó dẫn tới những hệ lụy trong gia đình, học đường, và xã hội .
Để đào sâu thêm đề tài này và nhìn rõ mối nguy hại to lớn từ động thái (xem ra rất bình thường ) “khoanh tay, cúi đầu”, hãy thử dẫn đi từ sự ẩn ức tâm lý do đông thái này tạo nên , đến những hệ lụy tiêu cực trong gia đình, học đường, xã hội như đã nói trên. {điều cần nhớ là những con người được bàn đến dưới đây đều đã được ( hoặc bị ) mang sự ẩn ức tâm lý này vì đã cùng
– 3 –
ở trong một xã hội có nét Văn Hoá lễ phép qua động thái khoanh tay, cúi đầu ( tạm viết tắc là “LPKTCĐ” )}. Có nghĩa là tôi. anh, chị, em, các cháu, hết thảy chúng ta đều đã bị mang trong người sự ẩn ức tâm lý này nếu đã bị dạy lễ phép theo lối cách này.
Trước nhất là môi trường gia đình, do truyền thống phụ hệ và “LPKTCĐ”, người cha, gia trưởng trong gia đình có cái cảm tưởng mình là trên hết và toàn quyền quyết định mọi việc trong gia đình theo ý mình, việc này dễ đưa
tới tình trạng khắt khe với các thành viên trong gia đình, do đó sự bàn luận và lắng nghe nhau trong gia đình VN hầu như xa vắng, từ dó sự cảm thông nhau rất khó bộc lộ.Con cái trong gia đình VN ngoài việc bị dạy “LPKTCĐ” mà còn bị áp lực ( không phải được khuyên nhủ, vì không vâng lời là bị hình phạt ) là phải vâng lời Cha Mẹ nên từ đó sự chống đối thụ động phát sinh và tích luỹ dần thành sự đối kháng rõ nét, rồi đưa đến tật dễ gây nên xung đột!
Nói tới liên hệ Vợ Chồng, thì sự ẩn ức tâm lý trên làm mất đi sự bình đẳng nam nữ, dẫn tới cảnh “chồng chúa vợ tôi” trong đời sống vợ chồng từ đó dẫn tới tật độc đoán, cố chấp ( nguyên nhân cuả độc tài ) về phía người chồng và phần thua thiệt nghiêng về phiá yếu hơn đó là người vợ, nhân rộng ra toàn xã hội thành tật hiếp đáp người yếu thế, thấp bậc hơn! từ hệ luỵ này dẫn đến những hệ lụy khác như tật tàn ác, tật thù dai, tật không nhận lỗi và vì lúc nào cũng muốn mình hơn người khác (mặc dù mình không có đủ tài) nên sinh ra tật đố kỵ khi thấy người ta hơn mình .
Sự liên hệ cứng ngắt trên, dưới trong gia đình làm mất đi sự sống hài hoà , sinh động và vui tuơi từ đó mất đi sinh khí của cuộc sống, mà khi phát hiện ra sự mất mác này, thành viên cấp dưới trong gia đình thường im lặng đối kháng bằng sự lừa dối, và cứ thế mà nhân rộng lên toàn xã hội thành tật dối trá để được yên thân !
Từ giáo dục của gia đình theo lối cách như vậy , tới tuổi đi học vào môi trường học đường cũng chấp nhận một cách tự nhiên văn hoá LPKTCĐ, đứa trẻ càng thấm nhuần hơn lối cách này, và dĩ nhiên là người Thầy cũng tự xem mình ở tầng lớp cao hơn học trò và tiêm vào đầu óc non nớt của trẻ thơ để nó phải biết là “ Thầy nói cái gì cũng đúng và phải nghe theo” nhân rộng ra thành tật phục tùng , tật tự ti và tật nhút nhát, sợ hải . Môi trường
– 4 –
học đường tại VN xem người Thầy ở đẳng cấp cao hơn cả Cha mẹ , cha mẹ lại dạy con là phải “ tôn sư, trọng đạo” bằng hành động LPKTCĐ cộng thêm
với tư tưởng phục tùng, nghiêng mình kính cẩn, làm ông Thầy có cảm tưởng mình to lớn lắm khiến cho những học sinh mầm non thiếu điều không dám nhìn mặt thầy, vô tình cha mẹ làm cho áp lực cuả lễ phép nặng thêm, sự kính trọng thầy trong mối trường học đường VN được xem là “trầm trọng quá mưc” dẫn tời 2 hệ lụy trái ngược nhau, đó là tật khúm núm từ học trò và tật tự cao, tự đại từ Thầy giáo. Thật sự các bậc Quân ,Sư Việt nam đã lợi dụng Khổng giáo một cách quá đà để tự tâng bốc mình, để thoả mãn cái ta ẩn ức tâm lý và để củng cố địa vị.
Đến khi trưởng thành và hội nhập vào đời sống xã hội thì với từng đó tính, tật ở con người Việt Nam, ở trong cùng một môi trường, sự giao tiếp, hành xử tất cả những sinh hoạt cho cuộc sống làm nảy sinh những hệ luỵ tiêu cực khiến xã hội không phát triển được. Chính học đường và môi trường xã hôi mà trong đó hầu hết con người bị nhiểm văn hoá LPKTCĐ làm căn bệnh “ẩn ức tâm lý” phát nhanh và trầm trọng hơn , nhưng điều nguy hiểm là chúng ta không nhận thấy được mình bị bệnh này ! Do dó sự nhận biết nguyên nhân căn bệnh này là diều tối cấn thiêt để chữa dứt nó , vì nó là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đưa tới những tâm tính tiêu cực [ như khoe khoang, kiêu ngạo, cố chấp, ngoan cố, độc tôn, tàn ác thiếu cao thượng , ưa chơi gác, ganh ghét, thích làm vua chuá, ưa nịnh bợ, tâng bốc, thích ăn hối lộ, tham lam…(những tâm tính tiêu cực này được trích trong bài viết: Hãy Vất Bỏ Khối Nặng Cuả Tính Ác & Sự xấu của Nhà Văn Phan Nhật Nam đăng trong Báo Việt Luận , số 2579 ngày Thứ Sáu 12-08-2011) ] trong con người VN rồi ngày qua ngày dẫn đến những hệ lụy tiêu cực đến cho gia đình, xã hôị, và cao hơn nữa là quốc gia !
(Đã có nhiều bài viết nhận xét về những tật xấu của người Việt Nam và so sánh người VN với người Nhật, Đại Hàn, hoặc với người Tây phương v.v…(1) nên bài viết này mục đích chính là chẩn đoán nguyên nhân đưa đến hậu quả người VN có nhiều khuyết điểm trở thành bệnh mà cần phải chữa trị, do đó bài này chỉ nhắc lại một cách tổng quát những khuyết điểm này).
Nếu nhận định trên là đúng thì ngay từ bây giờ (năm 2011), trước nhất là chính mỗi con người VN bất cứ ở nơi đâu hãy nhìn soi lại chính mình, đưa tay vào tiềm thức cuả mình nắm lấy cái “Ẩn -Ức Tâm- lý bị- coi –là- thấp, nhỏ”, cầm nó trên tay và nhìn kỹ nó một lần chót , ném nó vào thùng rác và
– 5 –
tự nhủ lấy mình là từ hôm nay sẽ không để sự tự ti chi phối mình vì mình luôn luôn bình đẳng trong bất cứ quan hệ nào giữa con người với con người, hãy dặn lòng mình là phải tôn trọng tất cả mọi người đúng mức cần thiết, hãy tập đứng thẳng người, nhìn thẳng vào mắt người đối thoại với lòng tự tin, không khoanh tay cúi đầu chào hỏi trước bất cứ ai dù người đó quyền thế cở nào, (chỉ có chính mình mới trị bệnh này được cho mình thôi), và cùng nhắc nhở nhau nên làm như vậy; tiếp nữa là dạy những đứa trẻ đang tuổi lớn khôn hãy thôi, đừng khoanh tay cúi dầu chào ai cho dù là Ông Bà hoặc Cha mẹ (đìều này có thể gây dị ứng cho những người lớn tuổi , nhưng đây là một cuộc cách mạng triệt để về văn hoá lễ phép thì không tránh được sự tổn thương, đau đớn. ), nhưng, chữ nhưng rất quan trọng ở đây, phải dạy và hướng dẫn cho các em LỊCH SỰ VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, NGAY CẢ ĐỐI VỚI NGƯỜI NHỎ TUỔI HƠN qua việc nhìn thẳng vào mặt người với câu chào đủ nghe: CHÀO ÔNG hoặc CHÀO BÀ hoặc CHÀO CHA, CHÀO MẸ, CHÀO CHỊ, CHÀO ANH hoặc CHÀO EM (ngay cả với người thấp tuổi hơn nó ) nhớ là dứt khoát không khoanh tay cúi đầu; nếu là trong gia đình, kèm thêm nụ cười hoặc sự ôm, hôn thì sự nồng ấm, hài hòa sẽ lan tỏa ra trong đời sống từ đó khơi mào sự yêu thương chân thật, sự hài hoà,bình đẳng sau này. Thêm nữa, đối với trẻ mới vừa tròn tháng có trí khôn thì tuyệt đối dạy cháu cách chào lịch sự qua câu nói “ CHÀO ÔNG, CHÀO BÀ…”, và dạy chúng nhìn vào mặt người nó chào, khi nhìn như vậy nó từ từ nhận biết và gởi thông đìệp cảm thông, hoà hợp, yêu thương chân thật và lâu dần nó có được sự tự tin nên nó sẽ mạnh dạn đối đầu với thử thách, không dối trá và có được nhiều đức tính tốt cần thiết cho một xã hội tốt đẹpsau này.
Muốn cho cuộc cách mạng này hiệu quả thì phải có thêm sự cộng tác từ hệ thống giáo dục học đường. Các thầy giáo cần điều chỉnh lại phương thức dạy các em về đức dục trong đó lich sự chào hỏi nhau là chính trong giao tế nhân sự bỏ đi phần lễ phép nặng nề cũ xưa LPKTCĐ và mang nhiều hệ luỵ. Chính các Thầy Cô giáo cũng cần nhìn vào mình để nếu có bị “ bệnh này” thì cũng phải tự chữa trước khi dạy các học sinh. Quý Thầy Cô cũng nên nhớ là dạy học cũng là một nghề vừa để mưu sinh vừa đóng góp sức mình vào công tác giáo dục cho Xã Hội, chứ không thể tự tạo cho mình vị thế đứng trên học trò, ( dĩ nhiên là cần có thêm những cải cách quan trọng khác trong chương trình giáo dục đức dục nơi học đường nữa ). Có như vậy mới gột rửa tận gốc căn bệnh trầm kha kinh niên “Ẩn Ức Tâm Lý Bị Coi Là Nhỏ, Thấp” này.
– 6 –
Động tác khoanh tay cúi đầu , xin nhắc lại, thoạt nhìn thì thấy tự nhiên quá đơn giản nhưng hệ luỵ của nó quá lớn lao và tầm ảnh hưởng của nó tiềm tàng sâu thẳm lên toàn dân tộc Việt Nam ( và cả cho những dân tộc nào có
văn hoá lễ phép theo lối cách này ).Nói rộng hơn trên bình diện quốc gia, những vị lãnh đạo quôc gia mà mang trong người chứng bệnh “Ẩn Ức tâm lý” này thì nguy hại cho xã tắc biết chừng nào, vì các vị đó nào biết nghe ý dân, ngược lạị, tính độc tôn khiến họ tìm đủ mọi cách để lọc lừa mà cai trị dân và những hệ luỵ này nảy sinh những hệ luỵ khác tiếp nối đến các cấp thấp hơn cũng làm như vậy, và thấp hơn nữa cũng làm y như vậy…, từ đó kỷ cương quốc gia suy đồi, kinh tế lụn bại là điều tất nhiên phải đến. Sau đây là một ví dụ , vào giữa Thế Kỷ 19, Minh trị Thiên Hoàng của Nhật nhờ bỏ sự độc tôn của mình mà nghe lời dân bỏ cái văn hoá không thích hợp mà chọn nếp văn hoá hay cuả Tây phương, du nhập vào và giáo dục cho toàn dân Nhật, từ bước tiến đó mà bây giờ Nhật đứng vào hàng cường quốc. Cũng như vậy, người Hàn Quốc, cũng khoảng giữa Thế Kỷ 19, Đời Vua Joseon đã áp dụng cải cách vì biết nghe ý dân , bỏ chế độ nô lệ, khơi mào ý niệm dân chủ, và tập trung chăm sóc đời sống của dân chúng, từ đó Hàn Quốc mới có được ngày nay, trái lại, cũng cùng thời đó, ở Việt Nam ta, dưới Triều Vua Nhà Nguyễn đã chủ trương bế quan toả cảng và bỏ qua bảng điều trần về việc cải cách đất nước của Đại thần Nguyễn Trường Tộ ( vì cái tính độc tôn, thiển cận của Nhà Vua và các Đại thần khác ! ), và từ đó cho đến nay những nhà lãnh đạo VN đã vì ngôi vị độc tôn của mình hoặc của đảng phái của mình mà không thật sự vì dân vì nước đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội để mở mang dân trí , tạo ấm no cho người dân, hoặc theo thể chế chính trị trong sáng để quốc gia có thể theo kịp đà tiến phát triển của Thế Giới. Cũng chỉ vì “cái ta” của tầng lớp lãnh- đạo thiếu khả-năng – đầy- quyền- lực trong việc dùng bạo lực để cai trị dất nước. “Cái ta” nầy là hệ luỵ tiềm ẩn của tệ nạn khoanh tay cúi đầu mà họ bị nhiểm và họ có được điều kiện (được ở vị thế lãnh đạo) để bứt phá ra.thành ý muốn độc tôn quyền lực.
Trở lại, để trả lời câu hỏi “ tại sao 3 người Việt Nam cùng họp nhau làm thì hư chuyện ?” xin thưa rằng vì mỗi người VN là một ông vua ( vì “cái ta”, hệ luỵ của LPKTCĐ ) cho nên khi bàn luận công việc thì không ai nghe ai và không ai chịu thua lý của ai do đó mà rã đám và dĩ nhiên là hư chuyện. Đó cũng là lý do mà con người VN không chịu đoàn kết với nhau hoặc đố kỵ nhau hàng bao năm nay vì ai cũng muốn người khác sắp hàng sau đuôi mình, dẫn đến sự khó khăn trong việc mưu tìm dân chủ cho đất nước.
– 7 –
Tóm lại, nếu toàn thể người Việt Nam không phân biệt chức vụ cao hay thấp, trong nước hay ngoài nước, già hay trẻ , thành thị hay nông thôn đều từ bỏ thói khoanh tay cúi đầu chào một cách toàn diện và triệt để như là làm một cuôc cách mạng văn hoá Lễ phép tận gốc để bứng đi cái giai cấp thứ vị
làm cản ngăn sự hài hoà, thông cảm, yêu thương thật sự sâu thẳm giữa con người với con người, không phân biệt lớn nhỏ, thì sự yêu thương nhau thật lòng mới nảy sinh từ đó và cũng từ đó những điều tốt đẹp khác sẽ nẩy sinh theo ví dụ như quý trọng sự bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm, sẳn sàng rộng lượng, tha thứ, biết tự trọng, không thù ghét suốt đời, biết lắng nghe, không có tính ác, không đố kỵ, không dối trá v.v… có như vậy mới hy vọng là hai hoặc ba thế hệ sắp tới nước Việt Nam mới bắt đầu tiến lên được để góp mặt cùng thế giới. Còn giữ mãi LPKTCĐ thì thật khó mà mong con người Việt Nam thoát khỏi những hệ luỵ tiêu cực dây chuyền và xoáy vòng cuộn lấy con người Việt Nam, và ước mong đất nước thoát vòng tăm tối chỉ là mơ tưởng viễn vông.
Đây là một bài tham luận nên rất cần những ý kiến phê phán, vì chủ đích là đi tìm cái chung tốt đẹp cho toàn thể người Việt chúng ta, nên chúng tôi rất mong được lắng nghe những biện luận khác hợp lý hơn.
Melbourne, 4-11-2011
Ghi chú:
(1) Xin liệt kê một số bài viết có liên quan đến đề tài :
– Hãy vất bỏ khối nặng của tính ác và sự xấu.
Phan Nhật Nam – Báo Việt Luận 12 và 19-08–2011
– Giáo dục con cái qua hai thế hệ.
Nguyễn Hồng Phúc- Báo Việt luận 08-04-2011
– Vạch áo cho người cùng xem.
Phan Thanh Tâm- Báo Việt luận 24-9-2010
– Tại sao con chúng ta thua kém nhiều dân tộc trên Thế giới.
Psonkhanh – Internet
– Sự thông minh và sự “chậm lớn” cuả người Việt.
Kim Dung – Báo Viêt luận 27-08-2010
– 8 –
– Cách xưng hô và tính bình đẳng xã hội.
Phạm Phú Đức – Báo Việt Luận 17-10-2008
– Phan Chu Trinh Và ly khai văn hoá Hán tộc.
Trần gia Phụng – Báo Việt Luận 08-04-2011
– Tại sao có sự khác biệt quá lớn giữa người VN và người Nhật.
Phạm Hoài Nam – Báo Việt luận 20 và 27-05-2011.
X
X X