Bệnh nói nhiều
.
.
Hai đứa trẻ nói chuyện với nhau:
“Khi tao ồn ào quá thì mẹ tao lấy roi quất và đít tao… Đến khi tao ngồi im lặng thì mẹ tao sờ vào đầu xem tao có bị ấm đầu không?”
TVG
*
Trong một cuộc khảo sát gần đây ở Thượng Hải, Trung hoa, 1.000 người đàn ông được đề nghị trả lời câu hỏi: “Bạn khó chịu nhất với thói xấu nào của người bạn đời?” Kết quả là 91.27% quý ông trả lời: “Nói nhiều.”
Có người còn trình bày cụ thể là mỗi lần đi làm về đến nhà, thời gian mà anh ta được yên tĩnh trước khi phải nghe vợ chê trách chuyện này chuyện nọ, trung bình chỉ độ 2 phút. Thí dụ:
“Sáng nay anh đi làm, rời nhà sau cùng lại quên tắt đèn nhà.”
Hoặc:
“Tối qua anh đi buồng tắm mà lại quên xả nước.”
Hoặc:
“Anh nói là lúc chiều đi làm về anh sẽ mua bánh mì; mà bánh mì đâu?”
…
Có ông chồng than thở là ngày nào cũng vậy, không lỗi nọ thì tội kia. Mỗi khi về đến nhà, việc đầu tiên là phải xem sắc mặt vợ thế nào và chuẩn bị dỏng tai lên mà nghe mắng. Cứ như thế, chỉ sau mấy năm chung sống, tình yêu của người đàn ông với vợ chuyển dần thành… nỗi sợ.
Nói đến trò chuyện với vợ lại càng chán nữa. Không hiểu tại sao đàn bà thích nói như vậy? Chuyện ở công sở, ở ngoài đường, chuyện họ hàng, anh em, bạn bè, chuyện hàng xóm, chuyện con hư… Nghìn lẻ một thứ chuyện! Nếu chồng cứ chịu khó ngồi nghe thì những bài “dân ca hay nhạc cổ điển” ấy có thể là bất tận.
Thử nhớ lại khi mới yêu nhau, cô ấy có như vậy không? Đa số thừa nhận là hồi đó cũng thế nhưng khi ấy đàn ông lại thích nghe. Còn bây giờ đã thành “của nhà” rồi lại không có hứng nữa. Nhưng nếu bây giờ đi chơi với các em khác thì họ lại thích nghe.
Có phải phụ nữ nói nhiều hơn đàn ông không? Đúng thế! Nhưng tại sao họ nói nhiều thì câu trả lời không đơn giản.
Trước hết, phụ nữ thường là người quán xuyến mọi việc trong nhà mà đó là loại việc ít khi khiến họ hài lòng do chồng con luôn gây ra những “chuyện bực mình,” nên không nói không được. Nếu nhà nào không có phụ nữ mà đàn ông phải đảm nhiệm vai trò đó thì anh ta cũng sẽ nói nhiều như thế thôi.
Hai là từ hàng triệu năm trước, trong khi đàn ông đi săn bắn, chiến đấu thì đàn bà ở nhà nuôi con, hái lượm, đó là những việc có thể vừa làm vừa nói, vì thế bệnh nói nhiều trở thành “gene” di truyền đến ngày nay.
Ba là gần đây, các nhà khoa học Mỹ và Anh phối hợp nghiên cứu trong một dự án quốc tế phát hiện khu vực não bộ phụ trách về ngôn ngữ của phái đẹp lớn hơn phái mạnh 12% diện tích. Với hàng tỷ tế bào ngôn ngữ nhiều hơn, phụ nữ có khả năng sử dụng một vốn chũ nghĩa nhiều hơn nam giới, nên nhu cầu giao tiếp và chia sẻ thông tin của họ bao giờ cũng mạnh giỏi hơn nam giới nhiều lần.
Các nghiên cứu riêng biệt ở Anh và Mỹ cũng cho kết quả phụ nữ càng được nói nhiều thì sức khỏe tâm lý càng sung mãn. Ngược lại, nếu họ ít nói là sức khỏe có vấn đề và đó là pha đầu tiên của bệnh “tự kỷ ám thị,” có thể dẫn đến “trầm cảm.” Nghiên cứu còn phát hiện, trong khi hai bán cầu não trái và phải của đàn ông hoạt động độc lập với nhau thì ở phụ nữ chúng lại “nối mạng” với nhau và do sự hợp đồng tác chiến đó, khả năng nói và nghe của họ tốt hơn đàn ông nhiều lần. Người vợ có thể vừa nói chuyện với chồng vừa quát đứa con không được cho tay vào mồm và đồng thời vẫn nhận biết nồi canh bị trào ra ngoài.
Người ta áp vào hai tai của nhiều đàn ông và đàn bà ở mọi lứa tuổi như nhau 2 cái “headphones” và mỗi bên tai cho phát những chương trình riêng biệt thì đàn ông hoặc là không nhớ gì hoặc chỉ nhớ rất tốt một trong hai câu chuyện được phát vào tai, trong khi phụ nữ có thể nhớ đầy đủ cả hai câu chuyện đi vào hai tai cùng lúc. Có lẽ vì thế các “sếp” thường thích sử dụng nữ thư ký vì cô ta có thể nghe và trả lời hai máy điện thoại một lúc hoặc vừa nghe điện thoại vừa gõ vi tính, vừa trả lời khách hàng mà không một thư ký nam nào làm được như vậy.
Hóa ra phụ nữ nói nhiều là do… trời sinh ra thế. Nếu anh nào thấy ù tai nhức óc không chịu nổi và nảy sinh ý định bỏ vợ này đi lấy vợ khác thì trừ phi anh ta lấy một chàng “pê-đê,” còn nếu lấy đàn bà thì chắc chắn tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Lời khuyên của nhà tâm lý với đàn ông có vợ là hãy cố gắng luyện thói quen nghe vợ nói như nghe hát hay. Bạn đừng mơ tưởng lấy được cô vợ cả ngày chẳng nói một câu, vì nếu có người vợ như vậy e rằng lại có trăm thứ bệnh. Chừng nào bạn nghe bà xã nói mà thấy hay như nghe nhạc thì cầm chắc hạnh phúc trong tay rồi.
Còn với phụ nữ, xin các “quý bà” nên biết đàn ông không có khả năng nghe được nhiều là do tính hiếu thắng. Họ chỉ thích tranh luận. Bởi vậy muốn chồng nói nhiều cho “vui cửa vui nhà,” hãy nêu vấn đề cho anh ta tranh cãi chứ đừng nói theo kiểu giải bày như với bạn gái. Còn nếu bạn sống với chồng thấy buồn quá vì cái mặt anh ta lúc nào cũng xì xị ra, ruồi đậu vào mép không buồn đuổi; mà đêm mình lại nằm mơ về những gã đàn ông ở công sở cứ trông thấy gái là hót như khướu thì bạn sai lầm rồi đấy. Những gã đó ở nhà cũng chẳng khác gì chồng bạn đâu.
Trịnh Trung Hòa
Trần Văn Giang (Sưu tầm)