Ăn chay

.

AnChay

 

Một hôm, trong một bữa ăn (cả nhà được mời đi ăn cơm chay trong ngày Rằm) người con nhỏ hỏi người cha rằng:

“Ăn chay là sao hả ba?”

Người cha bình thản đáp rằng:

“Ăn chay là không ăn thịt cá đó con.”

Người con nhíu mày khó hiểu:

“Vậy không ăn thịt cá, người ta ăn gì?”

Ông bố bật cười:

“Thì ăn rau đậu chớ ăn gì con.”

Cô bé nói:

“Không ăn thịt cá nhưng có ăn rau đậu thì ta gọi là ‘vegetarian’ chớ ba!”

“Ừ! Thì vậy.”

“Con muốn hỏi là tại sao kêu bằng ‘chay.’ Định nghĩa chữ ‘chay’ là gì?”

Đến đây thì người cha khựng lại, nhìn con:

“Thôi rắc rối quá mày. Hỏi tầm phào. ‘Chay’ là ‘chay’ chớ định nghĩa gì nữa.”

 

Cô gái không bằng lòng và nhìn tôi, tôi cũng lắc đầu. Tuy lắc đầu nhưng trong lòng tôi xốn xang lắm. Ừ nhỉ? Con bé hỏi đơn giản mà khó trả lời thật.

 

Trên đường về nhà tôi hỏi nó:

“Vậy theo con định nghĩa làm sao mới đúng?”

“Con chẳng biết, nhưng trong chữ ‘Vegetarian’ có nguồn gốc là ‘vegetable,’ có nghĩa là rau… ‘Vegetarian’ là người ăn rau kiêng ăn thịt. Chay mặn là sao?”

Tôi cũng chịu thua. Ngôn vậy, ngữ vậy, vậy thì hay vậy. Hai chữ “Ăn chay” cứ ám ảnh lấy tôi, và tôi đi tìm cách giải thích. Cũng chẳng khá gì hơn. Cứ như ông già cô bé “Chay là chay, là không mặn. Con bé rắc rối bỏ mẹ.” Theo tự điển thì: “Chay” (có một chữ Nho, chữ Hán kèm theo)

bắt nguồn từ chữ “Trai,” có nghĩa là trong sạch, lạt lẽo, kiêng cử. Ừ, như vậy đi nhé. Tuy nhiên không có cách gì nói cho con bé nó hiểu được.

Đi tìm nguồn gốc tôi mới đọc được như vầy (Theo Hòa Thượng Thích Thiện Hoa trong Phật Học Phổ Thông), Ăn chay là một phương pháp tu hành. Hòa Thượng viết:

“Vấn đề ăn uống là một vấn đề quan trọng đối với tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Nếu sống mà không cần ăn, thì tất cả chúng sanh đều thành Thánh cả rồi. Đức Phật Thích Ca, khi còn là một vị Thái Tử, đã nói một câu đầy ý nghĩa: ‘Sự sống sống bằng sự chết.’ Hãy nghĩ lại mà xem: từ khi lọt lòng mẹ đến bây giờ, để được sống, mỗi chúng ta đã làm chết bao nhiêu sinh vật rồi. Chúng ta ăn, chúng ta uống, chúng ta thở, chúng ta nằm, chúng ta đứng, chúng ta đi, mỗi mỗi động tác như thế, đều đã gây bao tang tóc cho những sinh vật ở chung quanh chúng ta! Đó là chưa kể những kẻ hung ác, giết để được thích thú, được tiền tài, danh vọng… Nếu sự sống mà không làm ai chết ai cả, thì cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao nhiêu! Sự ước ao này có thể thực hiện được một phần lớn, nếu chúng ta áp dụng phương pháp ăn chay mà Phật đã giảng giải.”

Như thế, ăn chay đối với người Phật tử không phải là một sự hiếu kỳ, một cách đổi món ăn cho ngon miệng, một cách kiêng cữ theo lời dặn của bác sĩ. Ăn chay chính là một phương pháp tu hành rất quan trọng, mà người Phật tử thực hành được nhiều chừng nào thì được nhiều kết quả tốt đẹp chừng ấy.

Vậy ăn chay là gì? Có phải chăng ăn chay (ăn lạt) nghĩa là ăn những loài thảo mộc, hoa quả, rau cải, không ăn những món ăn thuộc loài động vật như thịt, cá, tôm, cua, sò, ốc, hến vì những vật hữu tình, biết tham sống sợ chết như người?

Cũng theo sách Phật học phổ thông thì người Phật tử ăn chay vì “lòng từ bi và bình đẳng.” Sách kể lại khi đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài A Nan hỏi Phật rằng:

“Bạch Phật, tại sao trước kia, Phật cho các Đệ tử ăn ‘Ngũ tịnh nhục’ (Ngũ tịnh nhục là năm thứ thịt thanh tịnh: Thịt ăn mà không thấy người giết. Thịt ăn mà mình không nghe tiếng con vật bị giết kêu. Thịt ăn mà mình không nghi người ta giết cho mình. Thịt con thú tự chết. Thịt con thú khác ăn còn dư) mà nay Ngài lại cấm tuyệt ăn thịt cá?”

Phật trả lời Ngài A Nan:

“Vì trình độ các ông trong buổi sơ cơ còn thấp kém, chưa có thể lãnh thọ giáo pháp Đại Thừa, thực hành đúng lý đặng, nên khi ta còn nói pháp Tiểu Thừa, phương tiện cho các ông tạm dùng ngũ tịnh nhục. Đến nay trình độ các ông đã cao, lãnh thọ được giáo pháp Đại Thừa, nên ta cấm tuyệt ăn thịt cá. Còn ăn thứ ấy, thì còn phạm giới sát sanh, nếu không trực tiếp sát thì cũng gián tiếp sát, làm mất hạt giống từ bi bình đẳng, không thể nào tu hành thành Phật được.”

Lời Phật dạy đã rõ ràng:

“Ăn chay là cốt yếu để nuôi dưỡng lòng từ bi và tinh thần bình đẳng. Đó là người theo Phật ăn chay.”

Còn đời thường, người không theo Phật thì ăn chay là vì lý do gì? Không phải mới từ nay mà từ ngàn xưa, một triết gia, ông Senèque, đã nói rằng:

“Mỗi bữa ăn, người ta dùng thịt là tự đầu độc, thành thử con người tự sát ngấm ngầm mà không hay biết, do đó con người bị mạng yểu, chết sớm.”

Thật thế, ngày nay những nhà y khoa bác sĩ trứ danh như ông Soteyko, Varia Kiplami có nói:

“Trong các thứ thịt, có nhiều chất độc rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.”

Bằng chứng cu. thể là rau cải để lâu ngày thì héo khô, hoặc ung bấy mà ít hôi; còn thịt cá để lâu ngày thì sình, ương, hôi tanh không ai chịu nổi, và khi ăn vào, ta thấy trong người rất nặng nề, mệt nhọc, khó tiêu. Hơn nữa, các loài thú vật, thường mắc bệnh này hay bệnh khác như: bệnh lao, bệnh thương hàn, bệnh sán, sên v.v…, nếu chúng ta ăn vào, sẽ vướng bệnh, rất nguy hiểm.

Như vậy, những người không theo đạo Phật thì họ ăn chay là để tránh những bệnh tật, và tăng sức khỏe, theo lời dặn ăn kiêng (diet) và ăn nhiều rau cải. Theo các nhà khoa học, y học Đông, Tây đều công nhận đồ ăn chay là nhẹ nhàng, thanh khiết, dễ tiêu hóa và có nhiều sinh tố rất bổ. Có nhiều người nói rằng: ăn thịt cá, mới có đủ sức mạnh. Có đúng vậy chăng? Như vậy các vị ni, sư ốm yếu hết cả hay sao? Ngoài ra, có nhiều sách vở, bài viết nói rằng người ăn thịt không có sức mạnh và sức chịu nhọc dẻo dai bằng người ăn chay trường.

 

Giáo sư Irwin Fischer ở Đại học Yale, sau nhiều cuộc thí nghiệm, đã tuyên bố rằng:

“Ăn thịt hay ăn những vật có nhiều chất đạm, sẽ làm cho con người không đủ sức chịu nhọc, không khác nào như người uống rượu.”

Bà White, một nhà bác học, cũng nói rằng:

“Các thứ hột, các thứ trái cây, đậu và rau cải là những thức ăn mà thiên nhiên đã dành để nuôi chúng ta. Các thức ăn ấy nấu nướng một cách giản dị, thì rất hợp vệ sinh và rất bổ. Nó làm cho thân thể tráng kiện, tinh thần sáng suốt và tránh biết bao nhiêu bệnh tật.”

Bởi vì con người từ khi sanh ra đã làm quen với thịt cá động vật nên ăn chay là chuyện khó khăn. Người ta chỉ ăn chay khi nào bị cấm ăn mặn mà thôi. Bác sĩ cấm, đạo giáo cấm… thì con người mới ăn chay. Nhưng không phải chỉ có người theo Phật mới ăn chay. Người theo các đạo khác cũng ăn chay. Đại Hồi có tháng “Ramadan” ăn chay hãm mình một tháng, người theo Công giáo (Thiên Chúa Giáo) ăn chay kiêng thịt mỗi ngày thứ Sáu trong tuần và những ngày lễ buộc.

Đại đa số người Việt ta theo đạo ông bà, đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo… và cũng theo truyền thống từ ngàn xưa thì việc ăn chay đã có từ lâu đời. Hiện nay tại thành phố này có đông người Việt sinh sống, nhiều chùa, tịnh thất, niệm phật đường có hàng ngàn, chục ngàn hoặc hơn là Phật tử nhưng tiệm ăn chay rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay. Muốn đi ăn một bữa cơm chay, mời khách từ xa đến một bữa cơm chay thật khó mà lựa chọn. Quán cơm chay hay nhà hàng chay ở đây võn vẹn có 3 nơi. Di Lạc Cơm Chay, Đi Đà, và Vegetarian House. Ở hai tiệm Di Lặc và Di Đà, thực đơn khá phong phú, thức ăn tinh khiết, khung cảnh trang nhã, ấm cúng, hiền hòa. Vậy mà không biết chủ nhân của các tiệm có sống được với công việc này không? Tại sao thế nhỉ ? Ăn chay, ăn mặn đâu có khác gì nhau? Ăn để sống, để có sức khoẻ… thế nhưng ít có người nào dám kinh doanh nhà hàng chay. Ta thua người Tàu ở điểm này. Nhà hàng chay của người gốc Hoa khá nhiều.

Trong dân gian có câu “bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất,” có nghĩa là mọi căn bệnh đều vào từ miệng, và mọi tai họa đều từ miệng mà ra. Đợi đến khi bác sĩ kêu mới để ý đến sức khoẻ thì còn gì nữa mà nói. Sức khoẻ là vàng phải không?

Ăn chay cũng có nhiều cách ăn. Theo tài liệu của thầy Thích Trí Siêu viết:

“Ăn chay là điều rất tốt nhưng nên ăn chay một cách thông minh. Những hành giả Yogi Ấn Độ ăn uống rất kỹ lưỡng. Họ chia thức ăn theo ba loại: tamasique, rajasique và sattvique. Thức ăn Tamasique là những loại có tính chất làm hại cơ thể tiêu hao nguyên lực và làm tâm trí hôn ám đần độn. Đó là thức ăn thiu chua hoặc quá chín, thịt cá, hành tỏi, rượu, thuốc lá, thuốc phiện, đồ hộp, đồ đông lạnh, v.v… Ăn quá no cũng được xem là Tamasique. Hành giả Yogi tuyệt đối tránh ăn những loại thức ăn này. Rajasique là những loại kích thích cơ thể, tâm trí và cảm xúc. Nó kích thích luôn cả đam mê và làm mất tự chủ. Hành giả Yogi cố tránh những thứ này càng nhiều càng tốt. Đó là trứng, cà phê, trà, đồ gia vị mạnh, quá chua, quá đắng, đường trắng, bột trắng, đồ hóa học, v.v… Ăn quá nhanh hoặc ăn nhiều thứ trộn lẫn cũng được xem là rajasique. Người tu thiền ăn những thứ này dễ bị loạn tưởng chi phối. Sattvique là loại thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể, đầy đủ sinh tố, dễ tiêu, giúp cho tâm trí bén nhạy, sáng suốt và vắng lặng. Đây là thức ăn chính của hành giả Yogi, gồm ngũ cốc, hoa quả, rau cải tươi, bơ, sữa, fromage, đậu hạt, mật ong, nước trái cây, nước suối, v.v…”

Như vậy ăn chay đâu phải cứ ăn rau đậu, ăn uống kham khổ mới là ăn chay.

Ngày nay, nhiều nơi trên thế giới cổ súy việc ăn chay để tránh bệnh tật. Ăn chay vì nhiều lý do khác không chỉ vì lòng từ bi, hoặc vì giới cấm.

Có một điều cũng nên kể ra. Đó là ở nhà, hoặc ra tiệm quán ăn chay, nhiều người thấy rằng dù nấu hay, nấu giỏi cách mấy đi nữa thì thức ăn vẫn không ngon bằng khi đến chùa ăn chay. Tại sao vậy? Có người bạn cười và nói rằng: “Của chùa có mùi nhang nên ăn ngon.” Ý bạn cho rằng vì ta ăn không phải trả tiền nên thức ăn ngon. Bạn đùa đấy thôi. Cơm chay ở chùa, đôi khi chỉ là tương, chao, rau, đậu rất đạm bạc nhưng ăn vẫn thấy ngon, thấy khoẻ và còn được phước nữa.

Mỗi người tự suy nghĩ và tìm cho mình một lý giải, một câu trả lời, hoặc không cần suy nghĩ gì cả.

Theo tôi, cơm chay ở chùa ngon hơn cơm ở chợ, ở nhà vì một lý do duy nhất: Người làm công quả cho chùa với một cái tâm trong sáng, dâng hiến, cúng dường nên khi nấu ăn vô tình họ có “chú nguyện” trong đó. Người nấu ăn tại chùa không còn suy nghĩ hơn thua, còn mất. Họ chí tâm thành ý nấu món ăn cúng dường. Họ nấu ăn với cái tâm Chánh Niệm cho nên thức ăn trở nên Chay Tịnh. Cũng ví như khi ta đi ăn (ăn mặn) với người mình thích thì bữa ăn “có vẻ” ngon hơn bình thường. Một người khi thương người khác, yêu mến người khác, họ làm một món ăn với tất cả tâm thành để mời khách thì món ăn đó chắc hẳn sẽ ngon hơn bữa ăn thường. (Tinh thần đã ảnh hưởng đến vật chất chăng?) Hà huống chi những bữa ăn ở chùa còn do chính các tăng, ni đang tu hành trong chùa nấu.

Cứ thử mà coi, khi nào ta vào bếp nấu ăn mà tâm ta không vướng mắc đến được, thua, còn mất, ganh ghét, đố kỵ..v..v.. Chắc chắn bữa ăn đó sẽ ngon hơn các bữa ăn khác. Độc giả thử coi sao?

Cách nấu ăn cũng quan trọng lắm. Theo bà Edward Brown, một người ngoại quốc theo Phật Giáo có viết:

“Nấu ăn không phải là một phương tiện tốn thì giờ để đạt được mục đích, nhưng chính là phương thuốc, là thiền, và dinh dưỡng. Thiền sư Suzuki, thầy tôi, đã dạy: ‘Khi làm bếp, con không chỉ sửa soạn bửa ăn, con còn sửa soạn cả tâm con và tha nhân.’ ”

Có thật như vậy không? Ta hãy thử xem. Hãy sửa soạn một bữa ăn cho gia đình với một tâm hồn thanh thản không vướng bận chuyện đời sẽ cảm nhận được ngay. Tổ Huệ Năng có nói: “Gánh nước bổ củi đều là thần thông.” kia mà! Nấu ăn cũng là thần thông đó quý vị.

Thật vậy, khi sửa soạn bửa ăn, ta cùng đóng góp, chia sẻ với người khác việc duy trì sự sống, làm gần lại con người với nhau. Sửa soạn một bửa ăn với các vật thực tươi ngon còn là cách biểu lộ lòng chân thật, biết ơn. Với sự trân trọng, ta sửa soạn bửa ăn sao cho sự tươi ngon của vật thực được thể hiện qua các món ăn, để ta có thể biểu lộ được bản tánh thiện của mình, của người.

Tôi có dịp được ăn cơm chùa nhiều nơi, theo nhận xét của cá nhân thì cơm chay ở tu viện Kim Sơn là ngon nhất. Những ngày lễ tết, tại tu viện nấu ăn cho hàng ngàn khách, các món cũng dồi dào hơn, ai ăn cũng khen ngon, khi đến tu viện Kim Sơn sau khi ăn xong tôi còn được phép

“togo” mang về nhà. Các vị tăng ni tu học ở tu viện nấu ăn rất “đạt” (nói theo kiểu nhà Thiền thì: “Ngộ”) tôi thích vãn cảnh ở Kim Sơn. Ở đó cơm canh rất đạm bạc vào những ngày thường, tôi ăn vẫn ngon. Kim Sơn với cảnh trí u nhã, thông reo, suối chảy thật tốt cho những ai muốn tìm những giây phút thoát tục.

Ở các chùa khác trong vùng, cơm chay cũng ngon lắm. Tôi có dịp đi qua hầu hết các chùa trong vùng. Từ ngôi tịnh thất nhỏ bé Lam Viên nằm trên đồi, Niệm Phật Đường Duyên Giác giữa khu phố hẹp đến ngôi chùa to lớn Đức Viên giữa chốn đông người qua lại, đến tận Chùa Giác Minh xa xôi, hoặc xa hơn nữa là chùa Vạn Phật… Tất cả các nơi đều có cơm chay cho khách thập phương khi đến viếng cảnh chùa hoặc lễ Phật trong các ngày lễ tết.

Ngoài các ngày lễ ra, đến chùa không chắc có cơm chay. Riêng Tu Viện Kim Sơn, bất kỳ lúc nào đến cũng có sẵn cơm rau, dưa muối sẵn trên bàn nơi nhà Đại Bi. Nhà Đại Bi như một nhà hàng lớn, ghế bàn ngay ngắn, nếu bạn đến đó vào những giờ không đúng bữa vẫn có sẵn cơm canh, cứ việc tự nhiên nhẹ nhàng đừng khua động giờ hành đạo của các tu sĩ, bạn cứ “selfservice” đi nhé. Dù cơm nguội rau dưa đạm bạc, bữa ăn vẫn ngon. Hãy ăn trong chánh niệm bạn nhé.

Ăn Chay là thế nào? Câu hỏi của cô bé trở lại trong tôi. Tu hành phải ăn chay chăng? Chắc chi người tu bắt buộc phải ăn chay? Xin đan cử một bài viết của du tăng Thích Trí Siêu:

“Quan niệm của đa số Phật tử VN là người tu hành không được ăn thịt, nếu ăn thịt thì không phải kẻ tu hành. Trong khi đó Phật tử các nước Nam Tông khi nhìn vào người tu hành Bắc Tông thì họ nói:

 “Tu hành gì mà lại ăn chiều, không giữ đúng giới luật của Phật!”

(Ghi chú: Theo Nam Tông-Nguyên Thuỷ-Theravada thì người tu sĩ chỉ ăn một bữa vào trước giờ Ngọ).

Khi thấy quý Thầy ăn chay, họ hỏi:

“Bộ quý Thầy theo Đề Bà Đạt Đa hay sao?”

Nếu không may, Thầy nào thành thật trả lời:

“Truyền thống chúng tôi tu hành phải ăn chay”

Thì họ bẻ lại ngay:

“Trâu ngựa kia ăn chay ăn cỏ, vậy chúng cũng tu hành sao?”

Người ăn chay thì hãnh diện cho mình tu thật. Còn người ăn mặn nhưng ngày ăn một bữa thì cho mình tu đúng lời Phật dạy.

Trước hết, trở về dòng lịch sử. Xưa kia đức Phật và chư Tăng đi khất thực, ai cho gì thì các ngài ăn cái đó, không đòi hỏi phân biệt chay mặn. Trong bộ “Mahavagga” có vài giới cấm Tỳ Kheo không được ăn thịt của một số loài vật như: voi, ngựa, sư tử, rắn và chó. Như thế có nghĩa là được quyền ăn những loại thịt khác. Khi đi khất thực, Tỳ Kheo được phép ăn năm thứ thịt, gọi là “Ngũ tịnh nhục.”

 

Theo các tu sĩ Nam Tông, khi đi xin ăn, một vị khất sĩ không thể nào đòi hỏi thí chủ phải cúng cho mình thứ này thứ kia. Hơn nữa khi đi khất thực, nhiều khi phải đi đến những làng mạc xa xôi hẻo lánh nơi mà thí chủ đa số không phải là Phật tử.”

Trong tập sách “Đạo Là Gì” thầy Thích Trí Siêu có ghi lại:

“Đại Đức Pinola Bharadvaja (Tân đầu – Lô Phả – La đọa) đã thản nhiên ăn ngón tay của một người cùi rụng rơi vào bình bát của ngài, khi người này cúng dường vật thực.”

Như thế thì độc giả nghĩ thế nào? Đúng? Saỉ Khó thật phải không. Vì chúng ta đang sống ở đời thường. Thôi thì tự nói với lòng mình rằng “ăn mặn nói ngay.” Nói lời ngay thật, sống lương thiện hiền hòa thì tốt đời đẹp đạo rồi.

Theo một một vài tài liệu, kinh sách trong Đạo Phật thì trong giới luật của Tỳ kheo (dù là 227 giới của Tiểu Thừa hay 250 giới của Đại Thừa) đều không có giới nào cấm ăn thịt cả. Do đó một Tỳ Kheo ăn thịt lạt hay thịt mặn, không thể bị xem là phạm giới được.

(http://zencomp.com/greatwisdom/uni/u-anchay/anchay06.htm)

Nhưng tại sao Phật tử lại có giới ăn chay? Có thể vì trình độ chư Tỳ Kheo lúc ban đầu mới thực hành, mới theo Phật trình độ còn thấp, chưa có thể lãnh thọ giáo pháp của Bồ Tát cho nên Phật Thích Ca phương tiện cho các Thầy dùng “Ngũ tịnh nhục.” Sau này trình độ tu học khá hơn, lãnh thọ được pháp Đại Thừa nên Như Lai cấm tuyệt không cho ăn thịt cá nữa. Nếu ăn các thứ ấy thì phạm giới sát sinh, không trực tiếp cũng gián tiếp sát sinh, làm mất hạt giống từ bi. Bởi thế người nào thọ giới Bồ Tát phải trường trai.

Nói cho ngay thì tùy tâm mà tu hành, nếu ta thích ăn chay vì lòng từ bi hoặc giữ giới Bồ Tát thì ta cứ việc ăn chay, nhưng đừng nên coi thường người ăn mặn, vì họ cũng có lý của họ. Được biết, dường như trong những đệ tử xuất gia, tăng đoàn ni sư của Phật chỉ có chư Tăng Ni Việt Nam, Trung Hoa và Đại Hàn là ăn chay, các nước khác đều ăn mặn (?)

Người theo công giáo có ăn chay không? Có đấy chứ. Người Công giáo ăn chay kiêng thịt vào ngày thứ Sáu và các ngày lễ buộc. Kiêng thịt, theo sự hiểu biết của tôi là kiêng các thứ thịt. Thịt bò, thịt heo, thịt gà, thịt vịt…và thịt cá, thịt tôm..v..v.. Vì cá tôm cũng là một loại thịt kia mà? Nói một cách chí tình thì các đấng Chí Tôn, đấng Giác Ngộ đều khuyên chúng ta nên ăn chay kiêng thịt động vật. Nhưng loài người (có thể) đã giải thích một cách khác chăng?

Chỉ một câu hỏi cắc cớ của một em bé làm tôi đi xa quá đổi là xa. Xin dừng lại.

Người Việt ở thành phố nầy hiền hòa, chịu khó. Đời sống của chúng ta đã tạm đủ, hoặc hơi dư nhất là về mặt thực phẩm, ăn uống. Chớ chi mỗi khi ăn ta lại nhớ đến những người nghèo khó, kém may mắn hơn chúng ta mà tiết kiệm chút ít, chay tịnh một chút ít để đóng góp vào bầu khí quyển tâm linh, cùng các đạo sư, các bậc hiền giả cùng cầu cho con người khắp mọi nơi được an vui.

 

 

Lê Bình

________

* Bài viết có tham khảo ở trang điện toán

http://www.buđhismtodaỵcom/index/anchay.htm

và Thánh Kinh của Thánh Luca.

Ăn chay – Lê Bình

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *