Chuyện “Ăn”

.

 

*

 

Chỉ mới đọc qua loa cái tựa đề, có lẽ là một số đông quý vị đã phải cau mày phán rằng:

 

Trong cái trang nhà tràn đầy những áng văn thơ mộng về tình quê hương, tình đầu, tình cuối, tình giữa, tình dang dở, tình muộn; những suy tư, những hẹn hò, những sưu tầm, khảo cứu tuyệt vời về khoa học, y tế, văn học nghệ thuật và phong tục tập quán… này sao lại “chêm” cái bài có tựa đề phàm tục như thế này? Trang nhà mà lại có mùi [thức ăn] thì còn gì là giá trị nữa?

 

Tôi trước khi gởi xin đăng bài “Chuyện Ăn” này cũng đã đắn đo rất nhiều. Số là cách đây không lâu, sau khi cãi vã ỏm tỏi với người tình “chân không rung,” tôi ngồi nặn hết tim óc ra viết được một bài thơ về mối tình tan vỡ rất ư là mùi mẫn. Tôi rất đắc ý với bài thơ này, và tự ý so sánh thấy nó không thua kém gì bài “Hai sắc Hoa Ti Gôn” của TTKH !!! Tôi liền vội vàng gởi xin đăng trên một tờ nhật báo có tên tuổi ở phố “Saigon Nhỏ.” Tôi sốt ruột chờ xin một tờ báo ngay tại trước chợ Việt Nam khi báo vừa mới phát hành cho không (miễn phí!)   Mở tờ báo ra, tôi đau điếng vì tờ báo “ác ôn” đó đã in bài thơ đau khổ đầy nước mắt của tôi ở ngay giữa vài cái quảng cáo tìm chó lạc, mèo lạc, bên trên một cái quảng cáo thuốc gia truyền trị bệnh “Đái đường,” bên dưới một cái quảng cáo khác về chữa trị “Bệnh trĩ, yếu sinh lý?”  Tờ báo “khốn lịn” này đã vô tình “giết” thi hứng của một thi sĩ “tên tuổi” (loại tên chưa ai biết đến mà tuổi thì mọi người đã biết!).  Quặu quá, tôi văng tiếng “Đan Mạch” tứ tung !

 

Khỏi phải nói thêm, kể từ sau hôm đó thi hứng cuả tôi “tịt” luôn. Tôi mới chuyển sang viết văn. Như đã nói rồi, tôi không hiểu quý vị có rộng lượng hơn tờ báo thương mại tham tiền quảng cáo kia hay không? Hay quý vị cũng lại cho văn của tôi có giá trị như một cái quảng cáo tìm chó đi lạc. 

 

Tôi chỉ xin quý vị rộng lượng một chút để tôi có đủ can đảm trình bày caí kích thước bốn chiều (4-D) của chữ “Ăn” này.

 

Nhà văn Chu Tử khi kết thúc cuốn chuyện YÊU đã viết một câu xanh rờn là:

 

“Tất cả chỉ là giả, chỉ có tình yêu là thật.”

 

Xin thưa là tôi vốn không biết “quê” là gì bởi lẽ bộ phận “quê” trong người của tôi đã được tháo gỡ ra từ khuya rồi!  Tôi chẳng có e thẹn gì ráo, tiện tay “chôm” luôn câu nói bất hủ đó rồi cạo sửa lại là:

 

“Tất cả chỉ là GIẢ, chỉ có ĂN mới là THỰC.”

 

Chưa kip cạo sửa xong thì đã nghe một cụ cao niên nào đó gắt toáng lên:

 

– Ăn với uống thì có liên quan gì đến THỰC hay GIẢ. Sao lại cạo sửa văn của người khác một cách bần tiện như thế?”

 

Dạ thưa “nhân chi sơ tính bần tiện” và tôi không phải là một ngoại lệ. Văn của tôi còn đầy lỗi chính tả, nhưng tôi “nói có sách, mách có chứng” quý vị à!

 

“Thực” đây là tình cờ vào một buổi đẹp trời nào đó, đi ngang dẫy hàng ăn ở trong khu thương xá “Phước Lộc Thọ – Little Saigon,” quý vị thấy người yêu thơ mộng của quý vị đang ngồi rung đùi, thong thả xơi một tô bún ốc “xe lửa” bốc khói nghi ngút. Nếu quý vị không phải vội vã, đi vòng trở lại một lát sau đó, quý vị sẽ thấy người em thơ mộng của quý vị còn “tráng miệng” thêm một vỉ “gỏi cuốn” nữa.

 

“Giả”  đây là sau khi đi “dung dăng dung dẻ” với người yêu cũng ở khu vực “Phước Lộc Thọ” quanh đó,  rồi tạt vào cũng ngay cái quán ăn hôm nọ. Người yêu thơ mộng của quý vị không ăn hết một “vắt” mì nhỏ!

 

Như vậy theo suy luận phóng đại của tôi là:

 

“Khi ĂN, con người mới thực là con người.”

 

Tôi muốn nói là ĂN một mình, khi không có người yêu ở bên cạnh kia kìa. Người xưa có câu “Người sao thì chiêm bao vậy.”  Tôi thấy hình như vẫn chưa đủ.  Tôi cần phải thêm một câu nói của Tây phương là “Ăn là người (You are what you eat).” Ngay chính dân nhà mình cũng phải đồng ý là “Có thực mới vực được đạo /gạo” hoặc “Dĩ thực vi tiên” mà lị. Vậy thì hẹp hòi gì mà chẳng cho chữ “ĂN” một chỗ đứng xứng đáng đâu đó trong văn học nghệ thuật.

 

Như được kể lại, khi mới lọt lòng mẹ, là tôi đã khóc thất thanh lên đòi ăn. Mụ đỡ hiểu ý, vội vàng kiếm một bình sữa cho tôi lót dạ rồi thì đâu vào đó cả. Cụ Nguyễn Công Trứ đã có lần nói:

 

“Chợt mới sinh thì đà khóc chóe…”

 

Như vậy động tác đầu tiên của cuộc đời là “khóc” và động tác thứ nhì, như kinh nghiệm bản thân, là: “Ăn.”  Trong một đời người, “Ăn” đứng thứ nhì trên khía cạnh thời gian tính thì ai dám bảo là không quan trọng?  

 

Tôi dần dà lớn lên, và chữ ăn thiên mệnh cũng lớn theo. Tôi hăng hái “gianh ăn” với anh chị; và “ăn vụng” như mỏ khoét.

 

Không biết quý vị có để ý không? Chứ tôi thấy Việt Ngữ phong phú của mình xử dụng chữ “ăn” hơi nhiều! Có đến gần “ba-mươi-lăm-phần-trăm” các động từ (đây là thống kê riêng của tôi). Chẳng hạn, tôi xin kể qua loa trong sinh hoạt hàng ngày, như:

 

Làm” thì bảo là “làm ăn,” “chơi” thì bảo “ăn chơi,” “học” bảo là “ăn học,”  “hút” là “ăn hút,”  “mặc” là “ăn mặc,” chuyện vợ chồng phòng kín thì bảo là “ăn nằm!” (kinh thật ! nằm mà vẫn ăn được?) …

 

Ôi thôi thì:

 

“Ăn tết,” “ăn hỏi,”  “ăn cưới,”  “ăn quịt,” “ăn cướp,” “ăn trộm,”  “ăn mày,”  “ăn chia,”  “ăn chỉa”…

 

Có rất nhiều trường hợp chẳng thấy có cái gì để “ăn” hết, ấy thế mà chữ “ăn” vẫn được dùng như:

 

“Ăn nhịp,” “ăn khớp,”  “ăn mòn,”  “ăn năn,” “ăn ảnh,” “ăn sương”…

 

Mỗi khi tức giận, thiên hạ vẫn thường hay gán ghép cho nhau “ăn” một cách tận tình những món không được lành mạnh mà tôi không tiện kể ra ở đây (?).

 

Đến khi học lớp 10  (Đệ tam cũ) ở trường trung học Mạc Đĩnh Chi, cái trường mà các em gái nhớn bé Gia Long, Trưng Vương thường “chọc quê” là trường “Má-Đi-Chợ” (để mua đồ ăn?)  Kể lại chuyện này, tôi vẫn còn ấm ức như bị “” đá (Cấm cười vì tôi không có ý định so sánh đâu đấy nhé).  Tôi rất thích chương trình Việt Văn, nhất là Ca dao Tục ngữ Việt Nam. Chữ “ăn” thấy nhan nhản trong ca dao:

 

“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”

“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”

“Một con ngựa đau, cả tầu không ăn cỏ”

“Ăn cây nào rào cây ấy””

“Ăn cháo đá bát”

 

Về câu đối mới thật ly kỳ. Có những câu đối rất khúc mắc từ xa xưa mà cho đến nay vẫn chưa có người đối được.  Tôi “xiu tầm” được một câu đối bất hủ của cụ Cử Luận (?) mà cho đến nay, như tôi được biết, vẫn chưa ai đối được đó là:

 

Đường đất thịt, trơn như mỡ

Giò đến hàng nem, chả muốn ăn.”

 

Câu đối tài tình ở chỗ liệt kê tuần tự các món ăn như “Đường,”  “Thịt,”  “Mỡ,”  “Giò,”  “Nem” và “Chả” và kết thúc bằng một chữ “ăn.” 

 

Và tôi cũng ghi được câu đối sau đây trên tường một tiệm phở để quý vị tự cho điểm lấy một mình:

 

“Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ đã chín rồi, đừng nói với em câu tái giá.”

“Muối tiêu không đáng ngại, lão thấy còn gân chán, hãy vui cùng lão miếng gầu dai.”

 

Học đến lớp 12 (Đệ nhất cũ), về thơ mới, đến mục thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, lúc đó tôi còn rất gà mờ, thiển cận.  Thơ là:

 

“Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?”

(Hàn Mặc Tử – “Lang Thang”)

 

Tôi cứ nghĩ vớ va vớ vẩn là ông thi sĩ này vừa tham ăn, mà lại vừa muốn ăn những món oái ăm. Ậy!  Đến khi đi vượt biển tìm tự do, lênh đênh đói khát trên biển Thái Bình Dương bẩy ngày rồi. Nhìn chung quanh cái “thuyền” chỉ thấy trời, mây, gió, và nước biển bao la. Tôi mới thấy thi sĩ Hàn Mặc Tử là thi sĩ của dân Việt tị nạn vượt biển. Thi sĩ đã đưa cái tâm trạng của dân vượt biên vào Văn học sử cả mấy chục năm rồi mà bây giờ tôi mới nhận ra được.

 

Chưa hết!  Lúc còn ở quê nhà, sau khi học xong chương trình “Kỹ sư Canh Nông” ở Sài Gòn, là một chuyên viên nông nghiệp, tôi có một dịp đi tiếp xúc và thăm dân quê ở Bình Định.  Nên biết, dân Bình Định rất hiếu khách.  Thấy tôi đến thăm, chủ nhà sai vợ con bưng ngay một mâm thức ăn để mời tôi “xơi.” Mặc dù đã dằn bụng hai tô bún bò Huế tại chợ quận rồi, những vì vấn đề ngoại giao, lịch sự khó từ chối, tôi phải cầm đũa. Trên mâm chỉ mộc mạc có món trứng chiên, “bánh tráng (bánh đa) nhúng nước” và một chén nước mắm nhỏ. Thú thật, tôi là dân thanh phố uống nước “phông tên” từ bé cho nên có thể ăn trứng chiên, nhưng “bánh tráng nhúng nước” xuông (?) thì tôi không tha thiết cho lắm. Một bô lão, có lẽ là thân phụ của gia chủ, ngồi tiếp chuyện với tôi. Cụ đoán được ngay là tôi không thích “bánh tráng nhúng nước.”  Cụ mở đầu câu chuyện như sau:

 

– “Bánh tráng nhúng nước” này là món ăn “chiến lược” đấy!

 

Tôi nghe qua hãi quá, cố vận động mớ kiến thức của mấy năm đèn sách ở tỉnh thành xem “bánh tráng nhúng nuớc” có ăn nhậu gì với “chiến lược” không?  Tôi tuyệt nhiên không tìm thấy câu trả lời nào cả. Nhìn bô lão đầu tóc râu bạc phơ, tư thế ung dung đáng kính, tôi nghĩ thầm câu chuyện này chắc là đứng đắn chứ không phải đùa giỡn, nên hỏi:

 

– Thưa cụ, cháu không hiểu ý cụ muốn nói gì về “bánh tráng nhúng nước?”

 

Thay vì trả lời câu hỏi của tôi, bô lão lại hỏi tôi liên tiếp những câu hỏi liên quan đến Việt Sử lớp 5 (lớp nhất cũ) như sau:

 

Cậu có biết Vua Quang Trung từ lúc điểm quân ở Phú Xuân (Huế), để đánh quân Thanh sang giúp Lê Chiêu Thống ở Thăng Long, rồi không cho quân sĩ ăn tết, cứ thế mà tiến quân, chiếm Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, vào thẳng Thăng Long sau đó mới cho quân sĩ ăn tết trong vòng bao nhiêu ngày không?

 

Tôi mừng quýnh. Vì đây là bài Việt Sử mà tôi học “tủ” để thi vào lớp 6 (Đệ thất cũ). Tôi anh dũng trả lời không thiếu một dấu phẩy:

 

– Dạ thưa Cụ, Vua Quang Trung từ khi rời Phú Xuân đến lúc vào Thăng Long chỉ mất có 5 ngày 5 đêm.

 

Bô lão ung dung hỏi tiếp:

 

– Thế cậu có biết tại sao Vua Quang Trung đại thắng quân Thanh không?

 

Thưa vì, thứ nhất, quân Thanh vẫn tưởng quân sĩ ta đang mải nhậu nhẹt, hoặc đang bận lắc “bầu cua cá cọp” ở Phú Xuân trong mấy ngày Tết. Họ đâu có biết quân sĩ ta không ăn Tết. Hơn nữa, Vua Quang Trung chuyển quân như vũ bão. Khi quân lính mệt, thì cứ hai người cáng một người. Quân đi không nghỉ chân. Vua Quang Trung đã dùng một ưu điểm quân sự.  Đó là yếu tố bất ngờ!

 

– Cậu còn thiếu một điểm rất quan-trọng.

 

Tới chỗ này, thú thật tôi hơi bất mãn. Nhờ bài Việt Sử học “tủ” nầy mà tôi đậu hạng cao vào lớp Đệ thất, thế mà bô lão này muốn “chơi” tôi thấy rõ. Tôi bướng bỉnh hỏi lại:

 

– Thưa Cụ, không biết là cụ có nhớ lầm không?

 

Bô lão lại ung dung đáp:

 

Lão đâu có nhớ lầm. Cậu nên biết quân sĩ của ta nếu không “ăn” thì lấy sức đâu ra mà cáng với võng? Vào thời buổi đó đâu có gạo sấy “mí lị” đồ hộp như bây giờ. Mỗi lần muốn ăn là phải giở nồi niêu, xoong chảo ra xào nấu inh ỏi. Sửa soạn một bữa ăn phải mất vài tiếng đồng hồ. Ăn xong, còn phải rửa nồi, rửa chén đũa. Chiến sĩ anh hùng của ta ai cũng thích ăn, nhưng rất ít người muốn rửa chén. Thế là sau mỗi bữa ăn lại phải cãi vã một hơi nữa xem ai đến lượt rửa chén. Thử làm một bài toán nho nhỏ. Nếu một ngày phải ăn ba bữa, thì có lẽ “9 tháng 10 ngày” sau quân ta chưa chắc gì đã ra đến Thăng Long. Khi đó quân Thanh đã ăn tết xong. Đã chỉnh đốn hàng ngũ đâu ra đấy.  Quân Việt có đánh hùng hục chưa chắc đã thắng nổi quân Thanh một cách dễ dàng như vậy; và không biết lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu nữa?  Xin lỗi cậu, lão phải dài giòng văn tự chỗ này, với mục đích cho cậu thấy sự sáng suốt của Vua Quang-Trung. Ngài giải quyết tất cả sự dài giòng này của lão bằng “bánh tráng nhúng nước.” Quân sĩ được lệnh mang theo “bánh tráng (bánh đa) khô.” Khi đói cứ việc nhúng nước rồi vừa đi vừa ăn. Vừa ăn vừa đánh. Không phải nấu nướng làm chi cho ô nhiễm không khí. Quân ta đại thắng quân Thanh phần lớn là nhờ “bánh tráng nhúng nước.” Như vậy, “bánh tráng nhúng nước” không phải là món ăn “chiến lược” thì gọi là gì?

 

Tôi bái phục bô lão sát đất. Hôm đó tôi còn nhớ là làm liều hỏi chủ nhà xin thêm bánh tráng và ăn “láng coóng” hết 2 đĩa bánh tráng nhúng nước xuông mà vẫn còn sống sót để tiếp tục ca bài “Anh không chết đâu em!” trên đường trở về Sài Gòn.

 

Câu chuyện “ăn” coi vậy không ngắn đâu quý vị ạ. Nó còn dài hơn là chuyện dài “nhân dân tự vệ” nữa. Tôi chỉ xin đi một vài đường sơ lược đại khái để quý vị thấy “ăn” được dùng trong văn, thơ, câu đối, tục ngữ, ca dao, sử ký…

 

Việc ăn còn có trong phong tục nữa cơ quý vị ạ!  Các bô lão lúc gần qua đời vẫn cố gắng ăn thêm một bữa nữa, để nếu có bề gì thì sẽ không làm “ma đói.”  Người nào mà lỡ vội vã từ giã cõi đời không kịp ăn, thì thân nhân nẩy miệng ra cho ít gạo sống vào để người chết không là “ma đói.”  Người ta tin rằng có như thế con cháu mới dễ “làm ăn!Đây là chuyện có thật!  Quý vị có tin hay không đó là đời tư của quý vị; tôi không dám bàn thêm vào.  Riêng phần tôi, tôi đã chứng kiến bà Cô “xấu số” được ăn gần nửa bát gạo sống.  Hãi thật! Chết hẳn hoi rồi mà vẫn phải “ăn.”

 

Tóm lại “ăn” đóng một vai trò rất lý thú trong văn chương bình dân cũng như văn chương bác học. “Ăn” hiện diện trong tất cả mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh “hỉ, nộ ái, ố …” của nhân sinh.

 

Để chấm dứt, tôi mượn 2 câu thơ của thi hào Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” như sau:

 

“Lời quê góp nhặt giông dài.

Mua vui cũng được một vài trống canh.”

 

Thân Mến.

 

 

Trần Văn Giang

Chuyện “Ăn” – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *