Vợ dạy mới nên!
.
*
* Ôn Cố Tri Tân.
Vua nước Tề là Hoàn Công, một hôm thấy trong người hơi oải, bèn cho gọi Tể tướng Quân sư Quản Trọng đến, mà nói rằng:
– Trí óc không minh mẫn, làm sao mà trị nước? Sức khỏe không dồi dào, khoái chí gì mà trị dân? Ta nay cảm thấy lục phủ ngũ tạng có điều không ổn, thì phải làm sao?
Quản Trọng dập đầu thưa:
– Hạ thần chỉ quen chuyện… Chính chị Chính em. Chứ y lý chẳng thông suốt chút nào hết cả.
Hoàn Công nhổm lên rớt xuống mấy lần trên ngai vàng, rồi uất ức nói:
– Đành là ngươi không rành y thuật, nhưng với tài quân sư cũng dư đủ cho ta một lời khuyên chứ? Sao lại hà tiện với… con Trời như thế?
Quản Trọng nghe vua phán lời như vậy, bỗng lạnh cả châu thân. Hơ hãi đáp:
– Chén cơm, nhà cửa, vợ con… hết thảy đều là do hồng phước của bệ hạ. Thần dẫu có làm thân trâu ngựa, hoặc nô bộc suốt đời, cũng chưa đủ đáp đền trong muôn một, thì lẽ nào giữ rịt trong mình mà coi đặng hay sao?
Đoạn, lết gần tới ngai vàng, nhỏ giọng nói:
– Tai vách mạch rừng. Xin bệ hạ đuổi tả hữu ra, để hạ thần dễ dàng dâng kế sách.
Rồi lúc chỉ còn vua, tôi. Quản Trọng mới ghé miệng vào tai Hoàn Công, cung kính thốt:
– Nem công chả phượng mà cứ xực hoài hoài đều chi, thì không nói cũng biết là ngán còn hơn chè đậu hay cơm nếp nát. Chẳng phải vậy sao?
Hoàn Công vặn mình đáp:
– Phải!
Quản Trọng lại nói:
– Lên xe xuống ngựa. Quân lính theo hầu. Nhất cử nhất động đều có người soạn trước. Chẳng chán lắm ư?
Hoàn Công hững hờ đáp:
– Phải!
Quản Trọng thấy qua hai cửa ải ngọt hết cả hai, bèn cao hứng nói tiếp:
– Đời thường đã là vậy, huống hồ chuyện “tình duyên,” thì không biết còn chán đến đâu nữa!
Hoàn Công, còn đang lơ mơ, bất chợt nghe đến hai chữ “tình duyên,” liền sáng mắt nói:
– Bệnh tình ta ngươi đã hiểu được căn nguyên, thì việc chữa trị dễ như lấy đồ trong túi.
Quản Trọng cho dẫu hết dạ khiêm cung, nhưng cũng là người, nên khi nghe vua tỏ bày như vậy, bèn mát cả ruột gan. Hớn hở nói:
– Từ phi tần đến Hoàng hậu nương nương, tất cả đều do Cơ Mật Viện truy tìm mà ra cả. Thử hỏi: “Tình yêu mà bị người khác chọn dùm, thì dẫu đến tóc bạc răng long, cũng không hiểu được thế nào là… thôi thúc.” Lại nữa, tình yêu sở dĩ lôi cuốn được người đàn ông, bởi ở đó họ nỗ lực tìm kiếm, hết dạ bươn theo, nên lúc đạt được chữ yêu thì lòng mừng như mở hội. Còn bệ hạ mang tiếng là có Tam cung Lục viện, nhưng nếu so ra đều là đồ có sẵn, chẳng ngon lành chi cả; nên dẫu có nhiều người đẹp bao quanh, lòng vẫn không có gì là hứng thú!
Hoàn Công nghe Quản Trọng thuyết cho một hồi, thấy có lý, bèn phới phới ruột gan rồi hấp tấp nói:
– Vậy để được yêu đời. Ta phải làm sao?
Quản Trọng lẹ miệng đáp:
– Đi săn là hay hơn cả.
Hoàn Công đang đà hứng khởi, chợt nghe đến chuyện “đi săn,” thì nản, rồi não ruột như gà nuốt phải dây thung, nói:
– Nai, hoẵng, nhím, kỳ đà, ta đều nếm đủ. Nay ngươi lại bày chuyện đi săn. Chẳng khiến cho lòng ta phải thêm chán ngán!
Lúc ấy, Quản Trọng mới nhỏ giọng nói rằng:
– Đất Vũ Bình, bên trái là sông Hàn, bên phải là sông Dương Tử, mát mẻ quanh năm, thành thử con gái đất ấy bảnh không làm sao chê được. Nay bệ hạ lấy cớ đi săn để giữ gìn sức khỏe, thì trước là Thái hậu không nghi, sau Hoàng hậu nương nương cũng yên lòng không ngó.
Đoạn, lấm lét ngước mắt lên nhìn, thời thấy Hoàn Công mặt mày hớn hở, tóe lộ tinh quang, bèn sung sướng nói:
– Sức khỏe là bạc, hoan lạc là… vàng. Đợi khi đến nơi, thần sẽ đưa bệ hạ rẽ đường sang hướng khác tìm lạc thú.
… Thế là vua tôi dẫn dắt nhau “đi săn.” Mà không biết có phải là vì dối vợ là nghịch với lòng trời hay không? Nên khi đang quất ngựa dong dong tìm gái đẹp, bất chợt Hoàn Công nhìn thấy một bóng đen cầm cờ bay ào trước mặt. Hòan Công đâm hoảng gọi Quản Trọng ơi ới và âu lo hỏi:
– Trọng phụ có thấy gì không?
Quản Trọng thưa:
– Hạ thần không thấy gì cả.
Hoàn Công lại hỏi:
– Đụng đến cõi âm ắt hung nhiều kiết ít. Có phải vậy chăng?
Quản Trọng bình tĩnh đáp:
– Nặng lễ mới dễ kêu, nên kiết hung đều tự ở nhân sinh mà ra cả.
Hoàn Công nghe vậy. Chưa kịp nói gì thêm, bỗng nghe trong người khó chịu, bèn ra lệnh hồi cung, khiến Quản Trọng ngạc nhiên đến cùng cực, ưu tư nói:
– Lâu lâu hổ mới về rừng một lần. Chưa kịp vui chơi gi hết trơn hết trọi. Sao bệ hạ lại đổi đường mau như thế?
Hoàn Công rầu rĩ đáp:
– Đàn bà nhớ dai, thương dai, nói dai mà… thù cũng dai. Ta chỉ sợ Hoàng hậu biết được, thì chẳng những nhà ngươi bị te tua, mà ngay cả thân ta cũng khó bề vui sống.
Lúc về đến hoàng cung, Hoàn Công sững sờ như người mất vía, rồi ngã bệnh, mấy hôm không ra chầu, khiến quần thần hết dạ lo âu, sầu lên búi tó. Gặp lúc có Diên Ngáo là học trò, xin được gặp vua, rồi khẳng khái nói:
– Nhà vua đau là tự mình làm ra cả. Chớ ma quỷ nào làm. Phàm chưng khí tán mà không thu lại được, thì tinh thần suy yếu. Khí ấy bốc lên trên mà không lui xuống được, thì sinh ra giận dữ. Khí ấy tụ ở dưới mà không vận lên được, thì làm cho người ta mê lú chóng quên. Còn khí ấy không xuống không lên, thì chẳng biết phải trái ra làm sao nữa…
Hoàn Công gật gật mấy cái, rồi nặng nhọc nói:
– Thế có quỷ thực không?
Diên Ngáo thưa:
– Đất có Thổ công, sông có Hà bá, núi có Sơn thần, biển có Long vương, thì kề cận với tha nhân là… quỷ ma chớ còn ai vô nữa…
Hoàn Công lại hỏi:
– Ta đi săn gặp phải một bóng đen cầm cờ bay ào trước mặt, là nghĩa làm sao?
Diên Ngáo ngẫm nghĩ một chút, rồi thủng thẳng đáp:
– Cầm cờ mà chạy tới, có nghĩa là thà chết không lui. Ai trông thấy, sẽ làm nên nghiệp Bá.
Hoàn Công vẫn có chí làm Bá, nên khi nghe Diên Ngáo giải bày như vậy, bèn sướng tận tâm can. Thoải mái nói:
– Ngươi nhớ để lại địa chỉ của ngươi, để đến lúc công thành danh toại, ta sẽ thưởng cho, đặng đúng với câu ơn đền oán trả.
Đoạn, sửa mũ, mặc áo, ngồi dậy ăn uống như thường. Chưa hết một ngày, bệnh đã khỏi tự bao giờ không biết.
Phần Diên Ngáo về đến nhà, vợ là Hàn thị hốc tốc chạy ra. Mau mắn nói:
– Thiếp nghe chàng vào cung chữa bệnh cho vua, mà cảm thấy như đang ngồi trên đống lửa, bởi từ hồi nào tới giờ chàng chỉ biết mỗi chuyện… bút nghiên. Mần răng toan tính?
Ngáo liền đem bịnh tình của vua ra mà kể, rồi cười cười nói:
– Hoàn Công thấy quỷ sinh lo mà thành bệnh, sau ta nói chệch qua là thấy quỷ sẽ hoàn thành được nghiệp bá, thì Hoàn Công khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỷ hay không có quỷ, hoặc quỷ hại mình hay lợi cho mình, cũng là tự tâm mình tưởng tượng mà ra cả, rồi yên trí như thế. Ta hiểu được lẽ đó nên lấy chữ bá làm thuốc, lòng dục làm củi, rồi sắc lên cho Hoàn Công uống. Chưa đặng một thang, đã thấy chữ công danh bày ra trước mắt.
Hàn thị trố mắt nhìn chồng, sửng sốt nói:
– Do đâu mà chàng hiểu được cách trị bệnh ngon lành như thế?
Ngáo từ tốn đáp:
– Trước đây ta không biết, nhưng từ khi gặp nàng, ta đã hấp thụ nhiều điều hay. Thiệt đúng là… Mẹ có công sinh ra, nhưng Vợ mới là dạy ta nên người đó vậy.
Hàn thị vội đưa tay rờ trán chồng, thì thấy nhiệt độ không tăng, biết là chiệng thiệt chứ không phải tào lao, nên thắc mắc nói:
– Sức khỏe bình thường, ắt là không có chuyện… chạm dây. Sao chàng lại có thể phang bừa ra như thế?
Ngáo đáp:
– Lúc bưng trầu cau qua hỏi cưới, ta cứ nghĩ rằng: “Lấy vợ là đeo gông vô cổ”; Nhưng khi sống với nàng, ta thật tự tại an nhiên, bởi nàng chỉ hy sinh để lo về ta tất cả. Ta lại sợ rằng: “Mình là con một, nên phải phụng dưỡng mẹ hiền, thì tránh đâu cho khỏi cảnh bên tình bên hiếu?” Ngờ đâu nàng hết dạ thương yêu, tận tình chăm sóc, khiến ta được thảnh thơi, mà bên trà bên rượu. Ta lại ưu tư rằng: “Nàng sinh ra trong một gia đình lắm chị lắm em, mà gia cảnh không có gì khá giả, thì chuyện bếp núc nấu ăn, ắt chỉ vài món xào món mặn là hết.” Ngờ đâu nàng lại biết nấu tùm lum đủ thứ, nay lẩu mai bún bò mốt mắm và rau, khiến ta phải ra sức ăn nhiều cho thỏa dạ. Ta lại nghĩ: “Nàng chỉ vừa đôi tám. Cắp cặp đến trường chỉ qua lớp một trường làng mà thôi, rồi ra nết ở cái ăn sẽ luông tuồng lắm vậy.” Dè đâu nàng giỏi phần vun xén. Xếp gọn chỗ này, ngăn nắp chỗ kia, khiến mẹ phải khen: “Tao coi vậy mà hổng bằng nó !“
Đoạn ngừng lại một chút để thở, lấy hơi, rồi tha thiết nói:
– Lúc ta thất bại trên đường đời, nàng là người an ủi. Lúc ta chán nản với tình người, nàng kề cận chia sẻ. Lúc ta thiếu rượu thiếu mồi, nàng cuống cuồng lo chạy tìm mua. Ta hỏi nàng: “Có phải đa phần khổ não trên đời này, là do tưởng tượng mà ra? Chớ sự thật, không phải đớn đau nhiều như thế…!“
Té ra coi vậy “Tình vợ” chưa phải là giây oan đâu hà!!!
Mõ Sàigòn
Trần Văn Giang (ghi lại)