Chánh Trị và Thua Cuộc
.
*
Lời mở đầu
Truyện xưa kể rằng Đỗ Sinh người nước Tấn, là người tài hoa, văn võ tinh thông, nhưng suốt đời chỉ vui thú yên hà, làm bạn cùng mây nước. Là con nhà đại phú, Sinh rất vui với cuộc sống hiện tại nhàn tản, không phải bận tâm tới cuộc sống vật chất hàng ngày. Vua nước Tấn, An Lạc Vương, là người bạo ngược, không màng gì đến việc trị nước. Loạn lạc xẩy ra khắp nơi; dân tình đau khổ, ta thán.
Giặc dã, loạn lạc nổi lên ngay tại quê hương của Sinh nhưng Sinh không bận tâm, coi việc trị nước an dân là việc của người khác. Sinh tuyên bố “không làm chánh trị” mỗi khi bị người thân thúc dục từ bỏ thái độ rửa tay gói kiếm, từ bỏ cuộc sống nhàn hạ để làm một cái gì cho quê hương đất nước. Rồi giặc dã tràn đến quê hương của Sinh. Sinh mất tất cả tài sản, đất đai, ruộng vườn, trở nên trắng tay. Khi Sinh biết hối hận về thái độ trùm chăn, “không làm chánh trị” của mình thì đã quá trễ; nước đã mất nhà đã tan; thân phận của Sinh là thân phận một kẻ lưu đầy, nhưng bị lưu đầy trên quê hương của chính mình.
NB
*
Tại Việt Nam, trong suốt cuộc chiến chống Cộng bảo vệ quê hương, rất nhiều người đã trùm chăn, hành sử y như Đỗ Sinh. Cho đến bây giờ tại Hải ngoại, chúng ta lại vẫn được nghe đi nghe lại điệp khúc cũ “không làm chánh trị.” Ta tự hỏi Chánh trị là gì? Tại sao lại “không làm?” và tại sao “phải làm?”
Theo Tự điển Larousse, Chánh trị (politique) là việc điều hành đất nước, xác định các thể chế sinh hoạt (“direction de l’État et determination des formes de son activité”).
Theo Tự điển Canadian Dictionary (Oxford), Chánh trị (politics) là nghệ thuật, phương pháp cai trị trong một nước (“the Art and Science of government”).
Theo Việt Nam Tự điển của Nguyễn Văn Khôn, Chánh trị là việc thi hành quyền trị nước. Nghĩa rộng là lừa đảo khôn khéo như làm việc phải có chánh trị. Thiếu chánh trị khi làm việc có nghĩa là quá thực thà.
Thực ra hai chữ chánh trị có nghĩa rất rộng: việc đối xử, giao thiệp với nhau trong một gia đình, trong một đoàn thể, trong xã hội đều là việc chánh trị. Không làm chánh trị tức là làm chánh trị đó – làm cái “Không làm.” Việc bỏ nước ra đi làm thuyền nhân, không chịu sống với Cộng Sản là một hành vi có tính cách chánh trị. Theo những người tị nạn Cộng Sản thì đó là một hình thức “bỏ phiếu bằng hai chân,” phủ nhận chế độ Cộng Sản. Trong ngôn ngữ thường dùng của đại chúng, hai chữ chánh trị được hiểu theo một nghĩa hạn hẹp là các tư tưởng, hành động có liên quan đến đảng phái, chánh quyền. Ta nên xác định rõ một vài từ ngữ có liên quan đến hai chữ chánh trị:
Làm chánh trị tức là trực tiếp tham dự vào các công việc có liên quan đến đảng phái, liên quan đến chánh quyền.
Lập trường chánh trị hay thái độ chánh trị là một hình thức xác định lập trường một cách tiêu cực trong một tổ chức, một tập thể.
Bất hợp tác, nhưng không tích cực chống đối, là một thái độ chánh trị. Lập trường của các người Việt quốc gia là không chấp nhận chế độ phản dân chủ Cộng Sản trên quê hương Việt Nam.
Trước ngày 30-4-1975, trong cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lăng Cộng Sản Bắc Việt, mấy chữ “KHÔNG LÀM CHÁNH TRỊ” được hiểu là đồng nghĩa với “KHÔNG CHỐNG CỘNG” đã được Cộng Sản lợi dụng triệt để, làm lũng đoạn hậu phương của Miền Nam. Chắc hẳn bạn đọc còn nhớ:
– Nguyên Chủ tịch của Tổng Hội Sinh viên Sàigòn Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Học sinh Sàigòn Lê Văn Nuôi, Dương Văn Đầy luôn luôn hô hào “Sinh viên, học sinh không làm chánh trị.” Những sinh viên biểu lộ ý muốn chống Cộng đều bị đe dọa hay loại trừ. Điển hình là việc ám sát Đại diện sinh viên Luật Khoa Lê Khắc Sinh Nhật hay việc bắn bị thương sinh viên Ngô Vương Toại. Sau ngày 30-4-1975, Mẫm, Nuôi, Đầy đã hiện rõ là các cán bộ Cộng Sản của Thành ủy Sài gòn.
– Ni sư Huỳnh Liên là người đã luôn luôn to tiếng khích động và cầm đầu các đoàn biểu tình xuống đường chống đối Chánh phủ của Miền Nam, hô hào đưa “Chánh trị ra khỏi tôn giáo.” Sau khi Cộng Sản hoàn toàn chiếm được miền Nam, Ni sư Huỳnh Liên đã hiện nguyên hình là một cán bộ tôn giáo vận của Cộng Sản.
– Các phong trào đòi hỏi đưa chánh trị ra khỏi học đường, các cuộc biểu tình trong ngày “ký giả đi ăn mày,” đòi hỏi tự do báo chí phi chánh trị… đã tạo ra nhiều bất ổn cho xã hội miền Nam.
– Tại miền Trung, nhất là tại Huế, nhóm người trẻ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha (em rể của Trịnh Công Sơn) Trần Xuân Kiêm… luôn luôn hô hào đưa chánh trị ra khỏi các sinh hoạt học đường, ra khỏi tôn giáo. Trong cuộc thảm sát hồi Tết Mậu thân tại Huế, họ đã hiện hình là các cán bộ Cộng Sản rất khát máu. Họ chính là thủ phạm trong các vụ thảm sát tại đây. Mọi người đều không lạ gì về gốc tích và hành tung của anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Còn sinh viên Nguyễn Đắc Xuân thì không được nổi bằng anh em Tường, Phan, nhưng y đã nổi tiếng sau Tết Mậu Thân. Chính y là người đã tự tay xử tử bạn cũ là Trần Mậu Tý khi CS chiếm đóng Huế chỉ vì Tý là đảng viên Đảng Đại Việt (chuyện này đã được kể rõ trong tác phẩm “Giải Khăn Sô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca).
Trần Xuân Kiêm là Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Huế vào thời điểm đó. Kiêm học Trung học tại Sàigòn (trường Trung học Pétrus-Ký). Kiêm đậu Tú Tài năm 1962, sau đó y về Huế học tại Đại Học Văn Khoa, Huế.
Kiêm không lộ mặt như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường… nhưng Kiêm đích thực là người giữ vai trò chánh, ẩn mình trong bóng tối, đứng đằng sau các vụ ruồng bố, thảm sát hàng ngàn đồng bào vô can trong vụ Tết Mậu Thân tại Huế.
– Trước năm 1975, các thành phố lớn như Sài gòn, Huế không bao giờ thiếu vắng các cuộc biểu tình đòi hỏi “Phi chánh trị,” làm hậu phương của miền Nam trở nên luôn luôn bất ổn, gây khó khăn không ít cho các Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa.
Trong tham vọng và kế hoạch bành trướng Chủ Nghĩa Cộng Sản theo lệnh Cộng Sản Quốc tế, Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngay sau khi chiếm được miền Bắc nước Việt, đã có kế hoạch xâm chiếm miền Nam. Sau năm 1954, Miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đạt được nhiều tiến bộ đã khiến cho các tên Cộng Sản nằm vùng hoặc bị vô hiệu hóa, hoặc bị lộ diện.
Trước viễn tượng tan rã của đám Việt Cộng nằm vùng nên năm 1958, Lê Duẩn được cử vào miền Nam nghiên cứu tình hình, hầu mong cứu vãn tình thế. Bản phúc trình của Lê Duẩn gửi Bộ Chánh Trị ở Hà Nội: “Đề cương cách mạng miền Nam” khẳng định chỉ có một đường lối duy nhứt để cứu vãn tình thế ngõ hầu Cộng Sản hóa miền Nam là phát động một cuộc “chiến tranh giải phóng,” một cuộc chiến toàn diện trên mọi lãnh vực: kinh tế, chánh trị, quân sự. Lập tức các đảng viên nằm vùng được lệnh moi vũ khí chôn dấu, lập các mật khu trong rừng núi, bắt đầu gây loạn ở miền Nam, bằng cách khuấy động, khủng bố tàn bạo tại các vùng quê theo đúng sách lược của Cộng Sản Trung Quốc: “Lấy rừng núi chế ngự nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị.” Gây xáo trộn trên toàn miền Nam về phương diện chánh trị là kế hoạch hàng đầu bên cạnh các áp lực về quân sự.
Tháng 5 năm 1959, Cộng Sản Bắc Việt cho mở lại đường mòn Hồ Chí Minh để bắt đầu chuyển vận võ khí, quân đội và cán bộ Cộng Sản vào thâm nhập miền Nam. Ngày 21 tháng 12 năm 1959, cái gọi là Mặt Trận Giải phóng Miền Nam chánh thức ra đời, đánh đấu một khúc quanh quan trọng của những điên loạn giải phóng giết người do Cộng sản Việt Nam gây ra cho dân tộc. Nằm đúng trong sách lược của Bắc Việt, hậu phương miền Nam bị chúng làm xáo trộn bằng đủ mọi cách, bằng các cuộc biểu tình, xuống đường đòi đưa chánh trị ra khỏi các sanh hoạt như tôn giáo, học đường…
Hầu hết, nếu không nói là tất cả, các phong trào chống đối đều bị Cộng Sản xâm nhập. Mục tiêu chính trị hàng đầu của Cộng Sản là làm cho miền Nam trở nên bất ổn định, càng bất ổn định chừng nào thì càng tốt cho công cuộc Cộng sản hóa chừng đó. Trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam, chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản, người Việt Quốc gia đã thua cuộc, để Cộng Sản thống trị cả nước từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự thất trận của miền Nam. Các nguyên nhân này đã được nói tới rất nhiều kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một trong những nguyên nhân đưa đến sự xụp đổ của miền Nam, theo chúng tôi, là “sự kém hiểu biết về hiểm họa Cộng Sản. không thấy được tầm quan trọng và nhiệm vụ của mỗi người trong việc bảo vệ quê hương.” Điều đó đưa đến việc thờ ơ, không tích cực tham gia trong cuộc chiến đấu một mất một còn với Cộng Sản. Có nhiều người đã nhìn cuộc chiến với cặp mắt bàng quang, không mấy quan tâm, dấu mình trong cái vỏ “không làm chánh trị” như Đỗ Sinh trong truyện kể trên. Họ coi cuộc chiến bảo vệ tổ quốc là cuộc chiến của riêng những người lính. Nay phần lớn đã thức tỉnh, nhưng thức tỉnh vào giờ thứ 25 của trận chiến. Than ôi quá muộn màng.
Cuộc chiến Quốc-Cộng 1954-1975 là cuộc chiến mà người Quốc Gia đã thua từ đầu ngay khi Hiệp định Genève được ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 còn chưa ráo mực. Ta thua vì nhiều lý do, nhát là ta không được người bạn đồng minh Hoa Kỳ cho phép thắng. Nhiệm vụ bảo vệ quê hương đè nặng trên vai người lính. Họ chiiến đấu nhưng không được phép thắng, chỉ được phép tự vệ khi bị địch tấn công. Trong những ngày cuối của tháng 4 năm 1975, họ đã chiến đấu trong bi thảm, trong đáy cùng của tuyệt vọng, Ta phải cảm ơn họ, các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng hòa, họ đã đơn độc chiến đấu. Mặc dù bị phản bội từ nhiều phía, họ đã giữ vững Miền Nam được 21 năm.
Cuộc di cư vĩ đại bỏ nước ra đi sau ngày miền Nam bị rơi vào tay Cộng Sản là một hành vi chánh trị, một lập trường chánh trị. Đó là khẳng định không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản.
Trên thực tế, cuộc chiến chống Cộng Sản chưa chấm dứt. Mặt trận chống Cộng đã thay đổi hình thái. Hiện nay cuộc chiến Quốc – Cộng được trải dài trên khắp thế giới. Trong suốt cuộc chiến 1954-1975, người Quốc gia chúng ta bị bắt buộc chỉ ở thế phòng thủ, không được phép tấn công, không được Hoa Kỳ bật đèn xanh cho phép đem chiến tranh ra tận hậu phương của quân xâm lăng, tức là miền Bắc của vĩ tuyến số 17. Bây giờ thế trận đã khác, hiện nay người Việt Quốc Gia đang đối đầu với bọn Cộng Sản – đối đầu trong thế công- tại khắp mọi nơi trên thế giới, tại bất kỳ nơi nào mà bọn hậu duệ của “Bác Hồ” héo lánh tới. Trong cuộc chiến mới mẻ này, chúng ta hoàn toàn không tùy thuộc vào đồng dollars, chúng ta không bị “các chủ nhân ông” sai khiến.
Chúng ta đã và đang thắng bọn Cộng Sản tại bất cứ nơi nào họ đặt chân tới. Chúng ta đang giữ thế chủ động. Nơi nào có người Việt Quốc gia cư ngụ là nơi đó có ngọn lửa chống Cộng. Tại khắp mọi nơi trên thế giới tự do, ta không thấy một Cộng đồng thân cộng nào cả. Trên thế giới, bất cứ một lãnh tụ nào khi đến thăm viếng một nước tự do cũng được đồng hương của họ long trọng tiếp đón. Trái lại, lãnh đạo của Việt Nam Cộng Sản, khi đến bất kỳ một nước tự do nào khác, như Hoa Kỳ, đều phải trốn chui trốn nhủi, không dám gặp người đồng hương.
Cộng Sản đã áp đặt chế độ vô sản lên dân tộc ta bằng bạo lực, bằng phá hoại, bằng giết người một cách man rợ. Nói dối và giết người tàn bạo không gớm tay là sở trường của Cộng Sản. Nay cái sở trường khốn nạn đó trở nên vô dụng khi họ phải đối đầu với đám “Người Việt di tản” đang sống tại các nước tự do.
Ta phải nhìn nhận rằng các cuộc tranh đấu, biểu dương lực lượng, các cuộc vận động dư luận của người Việt Hải ngoại, tuy chưa thành công làm tan vỡ đảng ăn cướp Cộng Sản Việt Nam, đã thành công trên nhiều phương diện. Thí dụ:
– CS Bắc Việt đã không dám làm cuộc tắm máu ở Miền Nam như Cộng Sản Cao Miên đã làm ở xứ Chùa Tháp khi chiếm được nước này.
– Cộng Sản Việt Nam đã không dám tự do giết người như họ đã từng làm trong quá khứ.
– Cộng Sản Việt Nam đã không dám đàn áp môt cách công khai các thành phần dân chúng không đồng ý với họ.
– Cộng Sản Việt Nam, dưới áp lực của Hoa Kỳ và của thế giới tự do, đã phải thả hết tù cải tạo. Áp lực đó, sở dĩ có được là nhờ các vận động của người Việt Hải ngoại.
– Cũng vì nhờ sự vận động nói rõ sự thực về con người Hồ Chí Minh trước dư luận thế giới của người Việt Hải ngoại khiến tên tội đồ của lịch sử dân tộc này không được UNESCO của Liên Hiệp Quốc tôn vinh là danh nhân của thế giới.
– Qua các cuộc vận động, tố cáo của người Việt tị nạn, công luận thế giới đã biết rõ về bản chất lưu manh, tráo trở, gian dối, độc tài chà đạp nhân quyền của những người Cộng Sản Việt Nam. Thí dụ tấm hình Cha Nguyễn Văn Lý bị Công an bịt miệng trong một cái được gọi là phiên toà tại Huế đã được truyền đi khắp thế giới, tố cáo nền Công lý bịt miệng của Cộng Sản Việt Nam.
Tại quê hương Việt Nam, sau 47 năm độc quyền cai trị đất nước, Cộng Sản đã phải thay hình đổi dạng nhiều lần để sống còn. Nhất là kể từ khi các chế độ Cộng Sản trên khắp thế giới từ từ cáo chung vào đầu thập niên 90.
Các người lãnh đạo mới của Cộng Sản Việt Nam tương đối có học thức hơn đám hậu duệ già nua của Hồ Chí Minh nên họ rất tinh ma trong việc độc quyền cai trị đất nước. Họ đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch để đối phó và khai thác đám người Việt quốc gia đang sống tại các nước tự do trên khắp thế giới. Nghị quyết 36, hoạch định các kế sách đối với đám Việt kiều di tản, là một trong muôn vàn mưu chước mới của Cộng Sản nhằm khống chế các Cộng Đồng người Việt Hải ngoại. Nào đổi mới, nào mở cửa, các chương trình du lịch, chấp nhận cho phép có quyền tư hữu, nới lỏng gọng kìm cai trị của chuyên chính vô sản… là những bước lùi chiến lược của Cộng Sản Việt Nam để được tồn tại. Cứ việc về du lịch, tiêu tiền ở Việt Nam nhưng tuyệt đối không được chống đối, đụng chạm đến chế độ. Công An của họ có tai mắt ở khắp mọi nơi. Mọi mầm mống chống đối đều bị lực lượng Công An của họ dập tắt từ trong trứng nước. Mọi ý đồ thay đổi chế độ đều bị đàn áp một cách tàn bạo. Sau cùng tất cả đều trông cậy vào các áp lực đến từ bên ngoài, nhất là các áp lực đến từ phía các người Việt Hải ngoại.
Người Việt Quốc gia vẫn chưa thành công trong mục tiêu tối hậu: đó là dứt điểm những người Cộng Sản Việt Nam, đem lại dân chủ, tự do cho đồng bào ở quê nhà. Vì đâu nên nỗi? Lý do nào đã giúp bọn phản dân hại nước vẫn nhởn nhơ trên quê hương ta? Sau đây là một vài lý do đã khiến người Việt Quốc gia chưa thắng, và có lẽ sẽ không bao giờ thắng bọn Cộng Sản nếu vẫn chưa thức tỉnh và cảnh giác:
– Người Việt tị nạn Cộng Sản vẫn tiếp tục gửi tiền về Việt Nam giúp đỡ đảng Cộng Sản. Ngay từ những ngày đầu tị nạn, chúng ta đã gửi tiền về giúp đỡ thân nhân còn kẹt tại quê nhà. Có ai lại không sót thương người thân đang gặp khó khăn đâu? CSVN có cả một hệ thống tổ chức quy mô để tóm thâu các số tiền gửi về quê nhà. Các trung tâm gửi tiền về Việt Nam mọc lên như nấm tại tất cả các nước có người Việt tị nạn sanh sống. Khoảng những năm 80, CS đã đứng trên bờ vực thẳm của tan vỡ vì kinh tế lụn bại do bất tài và quản lý dở. Nhưng họ đã thoát hiểm chính vì tiền của chúng ta gửi về. Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và đồng đảng đã thoát hiểm. Chánh sách đổi mới được phát động từ đó. Người Việt Hải ngoại hết bị gọi là “lũ phản động,” đến “trốn khỏi nước để đi làm đĩ điếm.” Nay tự dưng cs quay 180 độ. Chúng ta được csvn gọi với một cái tên đẹp và “hữu nghị” hơn là “khúc ruột ngàn dặm.” Mỗi năm các “khúc ruột ngàn dăm” gửi về quê độ 6 tỷ dollars USA còn gì? Ngoài ra, csvn còn có trăm phương ngàn kế để dụ dỗ chúng ta mang thêm tiền về Việt Nam du lịch, đầu tư, tiếp tế các chương trình được gọi là “từ thiện”…
– Bản tánh dễ quên của người Việt Quốc gia. Một số lớn người Việt tị nạn đã quên cái quá khứ “Tị nạn Cộng Sản” đau thương của họ; quên những ngày vượt biên hãi hùng; quên những chết chóc của bạn bè, đồng đội, của người thân mà thủ phạm là các tên CS. Điều tai hại là họ đã cố tình quên những đổ vỡ của quê nhà do CS gây ra. Họ đã và đang trở về Việt Nam hoặc để làm ăn, buôn bán với kẻ thù hoặc để hưởng thụ các thú vui vật chất để thỏa mãn thú tánh. Họ đã và đang làm hại cho chính nghĩa của người Quốc gia. Ngay cả thành viên những Hội đoàn của những người đã từng cầm súng bảo vệ quê hương đã đầu hàng csvn để được về Việt Nam ăn chơi, du hý. Chỉ mới cách đây vài năm, họ thuộc nhóm của những người thề không đội trời chung với Cộng Sản. Nay mọi sự đã đổi thay, lời thề năm nào đã thành chuyện của quá khứ, nên chôn vùi đi là hơn (?) “Cơn nguy biến đã qua, người ta không mấy khi nhớ những gì mình đã hứa” như người xưa đã nói. Một số tên tuổi trong các Cộng Đồng người Việt tị nạn như Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ, Đỗ Mậu… đã về Việt Nam, đầu hàng những kẻ thù cũ. Họ đã muối mặt phủ nhận cái quá khứ chiến đấu chống Công để đánh đĩ tâm hồn, thốt lên những lời ca tụng những kẻ đang phá hoại quê hương.
– Thời gian là yếu tố bất lợi cho những người chống Cộng. Sau hơn 30 năm tại Hải ngoại, số người chống Cộng nhiệt tình nhất càng ngày càng bớt đi vì tuổi tác, bệnh tật. Tinh thần Quốc gia chống Cộng sẽ không còn ở thế hệ thứ hai, thứ ba. Các thế hệ sau được sanh ra, lớn lên và trưởng thành tại các xứ tự do. Họ không có kinh nghiệm sống với Cộng Sản, không có một quá khứ chống Cộng như cha ông của họ. Trái lại tại quê nhà, các con cháu của những tên tai to mặt lớn Cộng Sản được huấn luyện để kế nghiệp cha ông, tiếp tục cầm quyền ở Việt Nam. Vì mệt mỏi và tuổi tác nên một số Hội đoàn ở hải ngoại bị nạn “khủng hoảng lãnh đạo” – tìm không ra người gánh vác công việc chung. CS đã lợi dụng sự sự khủng hoảng này để từ từ đưa người của chúng hay đưa người có cảm tình với chúng vào các vị trí lãnh đạo. Khủng hoảng lãnh đạo đã khiến một số hội đoàn trước đây có quá trình hoạt động và lập trường chống Cộng khá vững chắc tại hải ngoại, nay mất hết phong thái… Nhìn lại sinh hoạt Hội đoàn chỉ còn lại các buổi họp mặt vui như một… bữa ăn nhậu lớn để sau đó chụp ảnh lưu niệm đăng báo rất vui vẻ (?)
Kế hoạch xâm nhập các Cộng Đồng tị nạn tinh vi của Cộng Sản
Kế hoạch xâm nhập của CS rất tinh vi. Một thí dụ, nghị quyết 36 của chúng có ghi:
“Tích cực đầu tư cho các chương trình dậy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài. Tổ chức cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài biểu diễn… Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài như đài phát thanh, truyền hình và internet… Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở nước ngoài. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển và đơn giản hóa thủ tục đối với việc gửi sách báo, văn hóa phẩm ra ngoài.”
Tác dụng của nghị quyết 36 đã được cảm thấy rõ rệt (?) Cứ nhìn một số các hội đoàn (như cựu Học sinh Sinh viên, cựu Giáo chức, hội Phụ nữ, hội Tương tế, và ngay cả vài hội cựu Quân nhân…) công khai tuyên bố “không làm chánh trị” tức là “không chống Cộng Sản.” Họ từ chối tham dự mọi sinh hoạt có tánh cách biểu dương lập trường quốc gia của người Việt tị nạn. Mới đây, một Hội đoàn quốc gia rất có uy tín tại Montréal đã bầu một vị Chủ tịch mới để thay thế Chủ tịch tiền nhiệm vừa đột ngột từ trần. Chủ tịch đắc cử qua cuộc bầu cử độc diễn này là người đã và đang buôn bán công khai với csvn từ hàng chục năm qua. Trong quá khứ, người ta chưa bao giờ thấy vị Chủ tịch này có mặt trong các hoạt động chánh trị của Cộng Đồng. Các thắc mắc về các hoạt động buôn bán với Cộng Sản của vị Tân Chủ tịch đều bị Hội cố tình lờ đi, bảo rằng: “Hội ta không làm chánh trị.” Các hội viên của hội đã không ngớt lời ca tụng vị Chủ tịch mới này, khẳng định tính cách “Phi chánh trị” của Hội. Phải chăng “Phi chánh trị” có nghĩa là nếu một tên cộng Sản thứ thiệt lên làm Chủ tịch Hội cũng chẳng sao? Không chết thằng Tây nào?
Những hội đoàn và những cá nhân từng tuyên bố “không làm chính trị” hay thậm chí làm ăn, giúp đỡ, che chở, kinh tài cho CS hãy nhớ kỹ tấm gương của người dân vô tội Huế, gương cuả bà Nguyễn Thị Năm (Bà Cát Hanh Long) trong vụ “Cải cách Ruộng đất” – Bà ta đã che chở cho “boác” và các đồng chí cuả “boác” để rồi cũng bị xử tử. Cái gương đau đớn nhất là số phận cuả các ông bà trí thức trong cái “Mặt Trợn giải phóng miền Nam” hãy còn sờ sờ đó.
***
Trong cuộc đấu tranh chống CS, người Việt quốc gia tại Hải ngoại khó đạt được thắng lợi, nếu không nói là sẽ thất bại, vì chính chúng ta không muốn thắng lợi:
– Chúng ta vẫn cung cấp, bằng cách này hay cách khác, tiền bạc cho kẻ thù.
– Chúng ta tiếp tục đầu hàng kẻ thù, bằng cách về VN để làm ăn, buôn bán, tìm thú vui.
– Chúng ta không dấn thân hoạt động, để kẻ thù càng ngày càng thành công len lỏi trong hàng ngũ của chúng ta.
– Trong tập thể của chúng ta vẫn có người kêu gọi “Phi chánh trị” tức là từ chối tham dự mọi hoạt động có tính cách chống Cộng trong tập thể người Việt tha hương vì họa Cộng Sản tại quê nhà.
– Thời gian là yếu tố bất lợi cho chúng ta. Bệnh tật, tuổi tác, sức khỏe hao mòn với thời gian sẽ làm hàng ngũ của chúng ta càng ngày càng thưa vắng. Đã hơn 40 năm rồi mà kẻ thù vẫn nhởn nhơ trên quê hương.
Chúng ta đã đánh mất một nửa quê hương năm 1954; Chúng ta đã mất cả quê hương năm 1975 vì chúng ta không có quyền tự quyết định, tự điều khiển cuộc kháng Cộng. Hơn thế nữa, chúng ta đã bị địch cấy độc tố hết thuốc chữa “Không làm chánh trị” vào đầu óc, huyết quản…
Nay chúng ta đang đứng trước viễn tượng có thể sẽ thua cuộc thêm một lần nữa; nhưng thua cuộc lần này là do lỗi của chính chúng ta; không còn chỗ để đổ lỗi là “không có quyền tự quyết” (!). Chính chúng ta đã và đang trực tiếp hay gián tiếp nối giáo cho giặc? Chứ còn ai vào đây?
Hết biết!!!
Nguyễn Bách
Trần Văn Giang (ghi lại)