Những Chữ Thường Hay Bị Viết Sai Chính Tả

 .

 

 

 *

                                                                           

 

* Bàng quan và Bàng quang

 

Bàng quan nghĩa là làm ngơ, đứng ngoài cuộc, xem như không dính líu gì đến mình.

 

Bàng quang nghĩa là cái bọng đái.

 

 

* Biếng nhác và Hèn nhát

 

Người miền Nam phát âm hai tiếng nhác nhát như nhau nhưng về chính tả thì phải phân biệt: Nhác dùng cho biếng nhác, lười nhác, nhác trông, nhác thấy, nháo nhác, nhớn nhác và Nhát dùng cho hèn nhát, nhát gan, nhát dao, nói nhát gừng.

 

 

* Bóc và Bốc

 

Bóc lột nghĩa là chiếm đoạt thành quả lao động của người khác (ví dụ: địa chủ bóc lột sức lao động của nông nô thời phong kiến), còn viết Bốc lột là sai chính tả.

 

 

* Chia sẻ khác với Chia xẻ

 

Chia sẻ nghĩa là cùng chung chịu khổ đau hoặc cùng chung hưởng sung sướng (chia sẻ vui buồn). Còn Chia xẻ nghĩa là cắt thành nhiều mảnh, làm cho không còn nguyên vẹn (chia xẻ lực lượng), khác với Chia rẽ (dấu ngã) nghĩa là gây mâu thuẫn, mất đoàn kết.

 

 

* Chiều hay Chìu?

 

Chiều (viết có ê) trong mọi trường hợp: chiều chuộng, chiều ý, chiều hướng, ngược chiều, buổi chiều… Viết Chìu là vô nghĩa vì không có chữ này trong tự điển tiếng Việt.

 

 

* Chửi hay Chưởi?

 

Chửi là chửi rủa hay chửi mắng. Còn chữ Chưởi không có trong từ điển tiếng Việt.

 

 

* Cúi và Cuối

 

Cúi có nhiều nghĩa:

 

  1. Hạ thấp đầu hoặc thân mình xuống hướng về phía dưới (cúi đầu, cúi khom lưng).

 

  1. Con Cúi (nói tắt) tức là dải bông cuốn lại thành sợi hoặc cuộn rơm để giữ mồi lửa.

 

Còn Cuối (có chữ ô) nghĩa là sau cùng.

 

 

* Dòng không phải Giòng

 

Dòng có nghĩa là kế tiếp không dứt đoạn như dòng sông, dòng nước, dòng điện, dòng thơ, dòng họ, dòng dõi, dòng giống v.v… chứ không có chữ Giòng trong tự điển tiếng Việt.

 

 

* Dở và Giở

 

Dở có nhiều nghĩa:

 

  1. Không hay (dở ẹc).

 

  1. Chưa xong, chưa hoàn thành (dở dang).

 

  1. Không dứt khoát (dở dở ương ương, dở khôn dở dại, dở ông dở thằng…).

 

Còn Giở có nghĩa là:

 

  1. Mở ra cái đang gấp xếp hoặc bao gói (giở sách, giở gói hàng…)

 

  1. Dùng đến biện pháp không hay để đối phó (giở trò lừa bịp, giở giọng, giở mặt, giở quẻ).

 

 

* Dục bỏ hay Vụt bỏ?

 

Đây là lỗi chính tả do người miền Nam viết theo giọng nói của mình. Đúng ra là “Vụt bỏ” nghĩa là vứt xa một vật gì không còn dùng nữa.

 

 

* Gác không phải Gát

 

Gác có nhiều nghĩa:

 

  1. Canh gác.

 

  1. Tạm để sang một bên, không nghĩ đến (chuyện đời gác bỏ một bên).

 

  1. Tầng nhà trừ tầng trệt (lầu son gác tía).

 

  1. Đặt ngang lên trên (gác chân).

 

  1. Vật gồm nhiều thanh tre hoặc gỗ xếp khít nhau treo lên cao để xếp đồ vật trong nhà (gác bếp).

 

Chữ Gát tuyệt nhiên không có trong tự điển tiếng Việt.

 

 

* Giành hay dành?

 

Giành là giành giựt, tranh giành.

 

Còn Dành là dành dụm, để dành.

 

 

* Giẫm hay Dẫm?

 

Giẫm có nghĩa là đặt bàn chân mạnh lên.

 

Không có chữ dẫm trong tự điển tiếng Việt.

 

 

* Giấu giếm hay Dấu diếm?

 

Có hai chữ dấu. Một có nghĩa là yêu (ví dụ: Yêu dấu). Chữ kia có nghĩa là Vết (ví dụ: Dấu vết).

 

Giấu và Giấu giếm đều có nghĩa là cất kín, giữ kín, không cho ai biết (Bonet, 1999:223; Huình Tịnh Của Paulus, 1896a:375, Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:219).

 

Dấu và dấu diếm  cái dấu, đồ để làm dấu (Huình Tịnh Của Paulus, 1896a: 233).

 

Hiện nay có nhiều người viết dấu kín, dấu nhẹm, che dấu… là sai chính tả.

 

 

* Giùm hay Dùm?

 

Từ điển xưa nay chỉ có Giùm, không có Dùm nhưng hiện nay trên “Internet,” số trang viết sai chữ này đã nhiều gấp đôi số trang viết đúng (?)

 

 

* Góa không phải Giá

 

Góa hay ở góa là tình trạng của người mất vợ hoặc mất chồng. Giá nghĩa là gả con gái đi lấy chồng (giá thú, xuất giá, tái giá). Dân gian thường gọi người mất vợ hoặc mất chồng là ở giá hoặc bà giá thì hoàn toàn không đúng.

 

 

* Góc và Gốc

 

Góc là một phần mặt phẳng giới hạn bởi 2 nửa đường thẳng (góc nhọn, góc bẹt, góc độ, góc học tập, góc biển chân trời…). Gốc là phần dưới cùng của thân cây hoặc là nền tảng, cơ sở (gốc cây, gốc rễ, gốc gác…).

 

Có nhiều người đã nhầm lẫn 2 chữ này cũng như giữa chữ o ô ở các trường hợp khác như: khăn đóng chứ không phải khăn đống, chóng mặt chứ không phải chống mặt,

 

 

* Ín không phải Ính

 

Người miền Nam thường viết theo giọng nói nên mới sai chính tả như chín viết thành chính (chín chắn), tín viết thành tính (uy tín), kín viết thành kính (kín đáo) v.v… hoặc ngược lại chính xác viết thành chín xác (9 xác) …

 

 

* Lát hay Lác?

 

Lát (tận cùng bằng t) có nhiều nghĩa:

 

  1. Miếng mỏng xắt từ nguyên chiếc (lát gừng, lát thịt…)

 

  1. Một thời gian ngắn (đợi một lát).

 

  1. Đặt và gắn gạch hay ván gỗ thành một mặt phẳng (đường lát gạch, nền nhà lát gỗ…)

 

Lác cũng có nhiều nghĩa:

 

  1. Hắc lào.

 

  1. Lé (con ngươi của mắt lệch về một bên).

 

  1. Cây cói (chiếu lác).

 

  1. Dùng trong Lác đác nghĩa là thưa thớt, mỗi nơi một ít hoặc thỉnh thoảng mới thấy.

 

 

* Láu cá không phải Láo cá

 

Láu cá nghĩa là ranh ma chứ không có tiếng Láo cá. Nhiều người miền Nam thường nhầm lẫn viết au thành ao hoặc ngược lại.

 

 

* Lễ lạt hay Lễ lạc?

 

Lễ lạt (tận cùng bằng chữ t) nghĩa là các cuộc lễ hoặc các thứ lễ vật. Nhiều người viết Lễ lạc vì tưởng lễ phải đi với lạc nghĩa là vui (lạc thú) là sai chính tả.

 

 

* Lụt không phải Lục

 

Người miền Nam viết theo giọng nói nên viết sai Lục lội hoặc con dao bị Lục thay vì Lụt lội hoặc con dao bị Lụt.

 

 

* Lượt và Lược

 

Lượt nghĩa là lần và dùng trong lần lượt, lượt là, lượt mượt lượt thượt.

 

Còn Lược dùng trong nghĩa lọc lấy tinh chất (lược cà phê), cái lược chải tóc, giản lược, sơ lược, lược thuật, lược khảo, sử lược, sách lược, chiến lược…

 

 

* May mắn không phải Mai mắn

 

May mắn (tận cùng bằng chữ y) nhưng người miền Nam thường hay viết nhầm là Mai mắn.

 

 

* Nửa và Nữa khác nhau thế nào?

 

Người miền Nam thường gặp nhiều khó khăn khi phải phân biệt hỏi ngã. Cách giải quyết căn bản là dựa vào nghĩa của từ để nhớ mặt chữ: Nửa, nghĩa là 1/2, luôn luôn viết với dấu hỏi,

 

Còn Nữa nghĩa là thêmhơn, tiếp tục thì viết với dấu ngã. Có thể đặt ra mẹo để nhớ: gặp phân nửa thì đừng viết ngã nữa

 

 

* Quàn và Quàng

 

Quàn nghĩa là đặt tạm linh cửu ở một nơi trước khi làm lễ mai táng (nhà quàn).

 

Còn Quàng có nhiều nghĩa:

 

  1. Ôm hoặc vòng tay qua cổ hay vai người khác.

 

  1. Mang vật mỏng vào người (quàng khăn, quàng áo mưa…)

 

  1. Vướng mắc khi đang đi (“Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây”).

 

  1. Bất chấp đúng sai, phải trái (nói quàng nói xiên).

 

 

* Sá hay Xá?

 

dùng cho đường sá, sá chi, sá kể, sá quản.

 

Còn dùng cho ân xá, xá tội, bệnh xá, ký túc xá, xá xị, xá xíu, xá ba xá (= lạy).

 

 

* Sáp nhập không phải Sát nhập

 

Sáp nhập nghĩa là nhập nhiều tổ chức vào làm một. Viết Sát nhập là sai chính tả.

 

 

* Se hay Xe?

 

Se nghĩa là khô bớt nước trên bề mặt, cũng dùng khi nói về khí trời hơi lạnh (se se lạnh) hoặc se sua (chưng diện làm dáng).

 

Còn Xe nghĩa là xoắn kết nhiều sợi nhỏ lại thành một như xe tơ, xe chỉ, xe cói…

 

 

* Sớn sác hay Xớn xác?

 

Sớn sác nghĩa là vô ý, bộp chộp, không trông trước trông sau. Viết Xớn xác là sai chính tả.

 

 

* Suôn sẻ hay Suông sẻ?

 

Suôn nghĩa là thẳng liền một đường (Nguyễn Kim Thản 2005:1421). Nói Suôn là nói trôi chảy, không vấp váp, khác với nói Suông là nói mà không làm. Người Bắc phân biệt hai từ suôn và suông rất dễ dàng. Người Nam phát âm hai từ như một và khi không biết mình muốn nói gì thì viết tuốt luốt là Suông mặc dù từ điển chỉ có Suôn s chứ không có suông s.

 

 

* Sử dụng hay Xử dụng?

 

Chữ dùng đúng là Sử dụng nhưng người miền Bắc thường lẫn lộn giữa sx nên viết là Xử dụng.

 

 

* Tắc và Tắt

 

Tắc dược dùng trong ách tắc, bế tắc, tắc tị, tắc cống, tắc trách, nguyên tắc, phép tắc, quy tắc, xã tắc, tắc họng, tắc lưỡi ,.. nhưng Tắt dùng trong tắt lửa, tắt đèn, tắt hơi, tắt mắt, viết tắt…

 

 

* Tụt và Tuột

 

Tụt có nhiều nghĩa:

 

  1. Lùi lại phía sau (tụt hậu, tụt dép, tụt quần, tụt lại sau hàng quân, tụt dốc…)

 

  1. Giảm về số lượng, mức độ (nhiệt độ tụt xuống).

 

  1. Bám vào vật gì rồi tự buông mình xuống dần dần (tụt từ trên cây xuống).

 

Còn Tuột cũng có nhiều nghĩa:

 

  1. Bị rời ra khỏi, không giữ lại được (tuột tay làm rơi bể cai chén).

 

  1. Rời khỏi một cách mau lẹ và dứt khoát (rơi tuột xuống hang).

 

 

* Tr và Ch

 

Người miền Bắc lẫn người miền Nam vẫn có người viết sai giữa 2 vần nầy, ví như Trọn tình (mối tình trọn vẹn) khác với Chọn tình (chọn lựa mối tình) hoặc Cạnh tranh chứ không phải cạnh chanh v.v…

 

 

* Uơn và Ươn

 

Huờn (u-ơ-n) đọc là hu-ờn có 2 nghĩa: hoàn = trả lại và hoàn = viên tròn (thuốc đông y), nếu viết lộn thành Hườn (ư-ơ-n) thì đọc như “Hường.”

 

Huỡn (u-ơ-n) đọc là hu-ỡn có 2 nghĩa:

 

  1. Hoãn = chưa làm ngay (hoãn cuộc họp).

 

  1. Rảnh rỗi, nếu viết hưỡn (ư-ơ-n) thì đọc như “hưỡng.”

 

Cũng như chữ “nguyên” vì sợ phạm húy (thời phong kiến) nên viết là nguơn (u-ơ-n) chứ không phải viết là “ngươn.

 

 

* Xán lạn và Sáng lạn

 

Xán lạn nghĩa là sáng sủa, rực rỡ (tương lai xán lạn), viết Sáng lạng là sai chính tả. Có chữ gần giống là Sáng láng có nghĩa là rất sáng (đôi mắt sáng láng), thông minh (đầu óc sáng láng).

 

 

* Xăm và Xâm

 

Xăm có nhiều nghĩa:

 

  1. Dùng mũi nhọn xiên vào thứ gì (xăm gừng, xăm mứt).

 

  1. Dùng kim châm vào người thành một hình vẽ rồi bôi thuốc lên (xăm mình, xăm tay).

 

  1. Quẻ thẻ dùng dể xin thần thánh ứng cho biết tương lai (đi xin xăm ở Lăng Ông).

 

Còn xâm cũng có nhiều nghĩa:

 

  1. Lấn sang phạm vi khác (xâm lấn, xâm lăng, xâm canh…)

 

  1. Ở trạng thái bị chóng mặt (bị xâm vì say nắng).

 

 

* Xoay xở không phải Xoay sở

 

 

Xoay xở nghĩa là làm mọi cách để giải quyết được khó khăn. Viết Xoay sở là viết sai chính tả. Nhiều người, nhất là người miền Bắc, thường hay nhầm lẫn giữa chữ x và chữ s.

 

 

* Xui, Xuôi và Sui

 

Xui có nhiều nghĩa:

 

  1. Xui xẻo.

 

  1. Xui khiến (trời xui đất khiến).

 

  1. Dùng trong xui bẩy, xui dại, xui giục (xui bẩy, xúi dại, xúi giục).

 

Còn xuôi có nghĩa là:

 

  1. Trái với ngược (xuôi dòng nước).

 

  1. Suôn sẻ, thuận lợi (việc gì cũng xuôi cả). Và Sui tức là Sui gia có nghĩa là gia đình của dâu hoặc rể mình. Có nhiều người nói và viết nhầm là Xui gia, anh Xui, chị Xui… (vậy là gia đình này xui xẻo rồi he!).

 

 

 

 

Phan Lục

(theo Tạp Chí Dân Văn)

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

 

 

Những Chữ Thường Hay Bị Viết Sai Chính Tả – Phan Lục

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *