Bỏ đi Tám!

.

 

*

 

Ca dao quê mình vốn có một câu dài thòng hè:

 

“Sáng mai đi chợ Gò Vấp.

Anh mua một xấp vải đem về.

Cho con Hai nó cắt.

Con Ba nó may.

Con Tư nó đột.

Con Năm nó viền.

Con Sáu đơm nút.

Con Bảy vắt khuy.

Anh bước cẳng ra đi.

Con Tám nó níu.

Con Chín nó trì.

Ớ Mười ơi! Sao em để vậy còn gì áo anh?”

 

Thằng bạn nhậu cắc cớ vừa hỏi khó, vừa chọc quê tui:

 

“Sao dân Lục tỉnh Nam Kỳ của ông có tới chín con vợ lận?”

 

Dân quê tui xưa giờ đâu ai có tới chín con vợ? Nuôi sao nổi? Chẳng qua thằng cha may mắn trong câu ca dao nầy là chủ một hãng may.

 

Nó bèn hỏi tiếp:

 

“Ðặt tên là để kêu! Sao mấy ổng hổng chịu ‘Hồng, Lan, Mai, Cúc’ gì hết ráo mà kêu theo thứ không vậy cha nội?”

 

Chẳng qua là vầy, tui trả lời:

 

“Hồi thời tui mới sanh ra, bậc làm Tía Má thường đặt hai tên cho con mình. Một gọi ở nhà; hai đề trong giấy khai sanh, hộ tịch. Tên trong khai sanh thì đẹp. (Thường là tên người yêu cũ của Tía mình hay người Tía thầm thương trộm nhớ loại ‘tình đơn phương vì ‘ẻn’ vẫn ngó lơ’).  Còn tên ở nhà, xấu háy, do Má mình, ít chữ hơn Tía mình, đặt như ‘Cu đen’ chẳng hạn để người khuất mặt khuất mày không cà nanh mà bắt con mình đi mất!”

 

***

 

Quê tui họ ít kêu tên lắm. Tên chỉ xài lúc cúng cơm, tức lúc mình ngỏm củ tỏi để cho thầy tụng đọc. Còn ngoài xã hội, chợ đời, giai tầng xã hội cao thấp khác nhau thì cũng gọi bằng thứ không hè!

 

Thầy Hai không hẳn là thầy giáo. Chỉ cần có học chút đỉnh làm thông ngôn hoặc thơ ký… là thầy Hai hết ráo.

 

Chú Ba, là chú chệt và thiếm xẩm có tiệm bán mì, hủ tiếu hay bán hàng xén trong xóm. Ðể giữ khách, chú Ba bán chịu, ghi sổ tất nhiên là dộng thêm tiền lời chút đỉnh. Nhưng bà con mình dễ dãi, hịch hạc coi đó là chuyện nhỏ. Coi chú Ba, như bà con trong nhà, em của Tía mình, để dễ mua chịu đó mà.

 

Nhưng xin bà con nhớ đừng thêm chữ Tàu thành chú Ba Tàu nhe! Chú Ba giận lắm, cho dù chú Ba là người Tàu thiệt; chớ hổng phải Tào lao.

 

“Giận là vì ngộ với nị là bà con. Gọi chú Ba Tàu thì mình là người dưng sao? Ðâu có được!”

 

(Tui e rằng nị muốn tui kêu là chú Ba, là bà con, để be bờ không cho tui ve vãn A Lìn, con gái của nị phải hông? Nị là người phân biệt chủng tộc. Nị chỉ muốn gả A Lìn cho thằng Tửng không hè! Không chịu gả cho người Việt! Vì nó làm biếng lắm! Chỉ khoái ăn nhậu tối ngày! Không lo buôn bán mần ăn gì hết ráo để nuôi con gái và đám cháu ngoại của nị phải không nè?)

 

Còn anh Tư, là đại ca trong chốn giang hồ đâm thuê chém mướn. Còn anh Năm, chuyên đá cá lăn dưa ở chợ Cầu Ông Lãnh, là đàn em của anh Tư.

 

Anh Tư, anh Năm thì không thích gì đám thầy chú thứ Sáu. Ðó là đám “phú-lít” (“police” – Cảnh sát) giữ trật tự trong chợ. Còn gọi là Sáu Lèo. Lèo (chẳng hạn như trong chữ “hứa Lèo”) là chuyên đặt chuyện nói dóc, làm khó làm dễ, hù dọa bà con mua gánh bán bưng để kiếm chút cháo. Nên hay bị chúng ghét.

 

Dựa hơi Sáu Lèo để mần ăn, là anh Bảy Chà, còn gọi là Chà ‘Sét ti’ (Chetty) chuyên thâu tiền hoa chi của chợ; tiện thể cho vay tiền góp. Sáng xuất, chiều thâu. Tiền lời chỉ “xanh xít đít đui” (‘cinq’ thành ‘six’; ‘dix’ thành ‘douze’ – 5 trả  thành 6, 10 trả thành 12) chỉ lời 20% thôi. Nhưng đó là cho vay cắt cổ, ăn lời cắt họng vì tính ra một tháng tới 600% vốn bỏ ra.

 

Riêng cái đám đông nhứt trong chợ đời là đám dân ngu khu đen, vác mướn, chạy xe ba gác, đạp xích lô là thằng Tám tay làm hàm nhai, có đồng nào xào đồng nấy.

 

***

 

Cũng cái vụ thằng Tám. Vì có cái giai thoại rằng: Sau 1954, hiệp định Genève đình chiến, chia đôi đất nước. Cả triệu đồng bào miền Bắc xuống tàu há mồm của Mỹ di cư vào Nam. Một nhóm trong Nam, từng tham gia kháng chiến 9 năm, xuống tàu Ba Lan tập kết ra Bắc.

 

Riêng ông Sơn Nam từ quê nhà, miệt rừng U Minh thượng lên Sài Gòn kiếm sống. Mẫu thân ông từ dưới quê lặn lội lên để coi “thằng Tám” chết sống ra sao?

 

“Mầy lên đây làm gì để sống?”

 

“Viết văn!”

 

Bà già hỏi lại:

 

“Viết văn là làm gì? Viết văn có sống được không?”

 

Ông Sơn Nam trả lời (chắc để cho mẫu thân của mình an tâm):

 

“Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày!”

 

Tui kể cái giai thoại ngồ ngộ nầy cho bà con nghe chơi. Thì có có một ông nội đọc xong chỉ gởi cho tui hai chữ: “Chú Tám?”

 

Thú thiệt, tui không biết nhà văn Sơn Nam có phải thứ Tám hay không? Dù hồi xưa, cách đây chừng một thế kỷ, gia đình ở quê có tới 10 đứa con là chuyện rất bình thường.

 

Tui bèn trả lời là:

 

“Thưa ông Nội! Hồi chút éc, cách đây cũng cỡ 60 năm, ở Cua Ðạo Ngạn, làng Ðạo Thạnh, Mỹ Tho, tui là bạn hàng xóm, sát vách nhà Ðào Thúy Hằng, con gái lớn của nhà văn Sơn Nam, để tui hỏi thử coi sao?”

 

Rồi tui được Mỹ Linh, tên ở nhà của Ðào Thúy Hằng, trả lời tui nguyên văn như vầy:

 

“Thu! Ông bà nội tui có ba người con: Bác Hai tui tên Phạm Minh Trí, kế là ba tui, Phạm Minh Tài mà hộ tịch cho thành Tày, cô Út là Phạm Thị Xuân. Bác Hai học giỏi, (có bằng Thành Chung) nhưng không được học bổng như ba tui, cô Tư cũng học hết tiểu học. Nhà ở miệt rừng, gói ghém đủ ăn nhưng sống thong dong, không lam lũ.”

 

Ủa vậy sao? Vậy mà có một nhà phê bình văn học tuốt bên Tây viết, lâu nay tui cứ tưởng thiệt giờ té ra trật chìa hết ráo. Ổng dám phán như vầy nè:

 

“Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, nhiều tài liệu ghi Tày, có lẽ vì trên khai sinh ghi Phạm Anh Tày. Chữ Tài đúng hơn vì ông có người em tên Trí!”

 

Phạm Minh Tài chớ Phạm Anh Tài cái gì? Vì anh của nhà văn Sơn NamPhạm Minh Trí, chớ hổng phải là em như ông phê bình văn học nầy đoán mò: Anh là Tài thì tất phải có em tên Trí. Tài Trí (!)

 

Mấy ông hộ tịch làng hồi xưa chỉ biết chữ quốc ngữ lẹt quẹt nên viết chính tả trật hà rầm hè. Tài thành Tày. Lan (tên một loài hoa) thành Lang (con chó sói). Hoặc ông Vương Hồng Sển, thực ra là Vương Hồng Thạnh, giấy khai sinh lại ghi nhầm là ‘Sển’.

 

Ông còn tới luôn bác tài, phán là: “Gia đình là nghiệp chủ khá giả, ông sống tuổi trẻ thong dong.”

 

Hồ nghi lời nhà phê bình văn nghệ nầy nói, tui bèn lục tìm trong hồi ký của ông Sơn Nam thì thấy:

 

“Tôi chào đời vào năm 1926 ở vùng U-Minh, thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Nhà ở ấp Giữa, làng Ðông Thái, trên bờ con rạch Thứ Sáu, cong queo, từ giữa rừng chảy ra biển, khoảng 4 kilômét. Xóm tôi hồi đó còn vài mươi gia đình người Khơ-me. Chung quanh nhà, đầy lau sậy, luôn luôn có muỗi.”

 

… Ðược đi học “College de Can Tho” là nhờ có học bổng. Dù vậy thân phụ ông phải cầm bộ lư và chân đèn để có tiền sắm quần áo cho ông đi học xa nhà.

 

Vậy mà nhà phê bình văn nghệ nầy còn “ủi” tới là: “Bút hiệu Sơn Nam là do kỷ niệm người vú nuôi gốc Miên.

 

Nhà nghiệp chủ, có của ăn của để nên có vú nuôi? Cái nầy là người mù sờ voi thiệt rồi. Hồi xưa trong quê, đứa con nào còm cõi, còi cọc vì Má thiếu sữa thường hay nhờ bà hàng xóm cho bú thép. Nhà miệt rừng, đất phèn không thì làm gì giàu để có được chị Vú nuôi bao giờ?

 

***

 

Khi quyển “Hương Rừng Cà Mau,” tập truyện ngắn được nhà xuất bản Phù Sa của nhà văn Ngọc Linh xuất bản, Sơn Nam nói:

 

“Tôi gởi một quyển về cho bác Hai tôi, lúc đó đã khoảng 90 tuổi. Ông không biết chữ Hán, chữ Quốc ngữ gì cả, nhờ đứa cháu ngoại đọc cho nghe. Nghe xong, ổng nói: ‘Thằng nầy nói dóc, nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ.’ ”

 

Kết luận mần văn là nói dóc nhưng phải có căn cứ. Thế nên khi viết về tiểu sử của một nhà văn nổi tiếng thì mình cũng làm siêng siêng một chút tra cứu thêm đi nhe. Ðoán mò rồi đoán trật lất thì coi sao đặng nè?

 

Nhà văn Sơn Nam qua đời vào xế trưa ngày 13, tháng Tám, năm 2008, hưởng thọ 82 tuổi. Nếu ông còn sống, với cái tánh hịch hạc dễ chịu, dễ chơi của dân Lục tỉnh Nam Kỳ, chắc ông sẽ rầy tui:

 

“Ðôi co, nói tới nói lui chi cho mệt vậy hè? Bỏ đi Tám!”

 

 

Đoàn Xuân Thu
Melbourne

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

 

Bỏ đi Tám! – Đoàn Xuân Thu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *