Bỏ Qua Đi Tám !
.
*
Lời giới thiệu
Người Sài Gòn thuở xưa (cho tới năm 1975) hay nói câu “Bỏ qua đi Tám.” Tại sao họ không nói là “Bỏ qua đi Hai, hay Năm, hay Chín…,” hay một thứ tự nào khác, mà phải là “Tám“?
Xin mời đọc cho biết một cách giải nghĩa được đề nghị…
TVG
*
Người Sài Gòn định danh cho nghề nghiệp, chức vị trong xã hội bằng các thứ bậc rất ngộ nghĩnh. Chẳng hạn:
* HAI: để chỉ dân có học, làm việc trong các công sở. Tỉ dụ “Thầy Hai thơ ký,” “Thầy Hai thông ngôn…”
* BA: để chỉ giới thương gia người Hoa, tạo thành một thế lực kinh tế lớn ở miền Nam Việt nam. Nghe gọi “Chú Ba,” biết ngay đó là người Hoa.
* TƯ: tức các anh chị đại ca trong giới giang hồ, tuy kiếm sống bằng nghề đâm chém nhưng cũng có “đạo nghĩa” chớ không tạp nhạp, thiếu nghĩa khí như các băng nhóm “trẻ trâu” bây giờ. Người Sài Gòn gọi là “Anh Tư dao búa,” giới bình dân và kể cả một số tiểu thơ khuê các coi bộ cũng thiện cảm với các “Anh Tư” này.
* NĂM: để chỉ giới lưu manh móc túi, cò mồi mại dâm…, gọi bằng “Anh Năm đá cá lăn dưa.”
* SÁU: để gọi giới cảnh sát, an ninh. Người Sài Gòn nói “Thầy Sáu Phú lít, (police)” “Thầy Sáu Mã tà… (Maton? – Lính canh).”
* BẢY: khi cần vay vốn làm ăn thì gặp các “Anh Bảy Chà và.” Hồi xưa người Ấn Độ qua Sài Gòn, họ thường buôn bán vải và nhứt là làm nghề kinh doanh tín dụng (cho vay lời).
* TÁM: đây là thành phần đông đảo nhứt trong xã hội, làm đủ thứ nghề thuộc loại lao động chân tay (bốc vác, gánh nước, phu lơ xe, tài xế…), tức giới bình dân.
* CHÍN: dùng chỉ giới chị em kinh doanh gằng “Vốn tự có,” gọi bằng “Chị Chín Bình khang.”
(*Lưu ý: Trên đây có hai thứ bậc được gọi bằng “Thầy” là “Thầy Hai” và “Thầy Sáu Phú lít.” Làm nghề cảnh sát, tuy được dân Sài Gòn tuy gọi là “Thầy” nhưng xếp theo thứ tự họ còn ở dưới cả dân đâm thuê chém mướn là “Anh Tư dao búa,” “Anh Năm đá cá lăn dưa…” Ngộ hà?!)
Trở lại với thành ngữ “Bỏ qua đi Tám”
Thứ bậc “Tám” thuộc về giới bình dân. Họ không ăn trắng mặc trơn như “Thầy Hai,” giàu có như “Chú Ba,” “Anh Bảy Chà Và,” bặm trợn như “Anh Tư dao búa” hay “Anh Năm đá cá lăn dưa,” thành thử họ yếu thế hơn. Mỗi khi đụng chuyện chẳng lành, họ ưa khuyên nhau đừng để ý tới làm gì cho nhức đầu: Thì “Bỏ qua đi Tám!“
Riết rồi, câu nói này cũng lan qua các thành phần xã hội khác, thay vì nói chữ nghĩa “Dĩ hòa vi quý” để khuyên nhau, người Sài Gòn nói gọn bang là “Bỏ qua đi Tám,” cho thấy cách sống hiếu hòa được chuộng hơn hết.
*Tái bút: Xin quý bạn đọc góp thêm ý kiến; còn nếu cảm thấy không đồng ý thì cũng tạm thời… “Bỏ qua đi Tám” nghen!
Nguồn: Trang Văn Chương Miền Nam
Trần Văn Giang (ghi lại)
.
.