Khước từ làm thầy cũ!

.

 

o O o

 

Tui nghi rằng hồi xưa bậc chú bác, cô dì cũng như Tía tui và tui chắc ai cũng có học sách “Quốc văn Giáo Khoa Thư.” Trong sách đó, có kể chuyện Tổng thống Cộng hòa Pháp Marie François Sadi Carnot (1837-1894).

 

 

Một hôm nhân lúc rảnh việc, về chơi quê nhà. Khi đi ngang qua trường làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ tóc đã bạc phơ, đang ngồi dạy học, ông ghé vào thăm trường và chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:

 

 

“Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”

 

 

(*Dịch như vầy là “dịch vật!” Tiếng Pháp, ngôi thứ nhất là “Je” – Tôi, em, con – làm chủ từ; còn “Moi” cùng nghĩa nhưng làm túc từ. Cho dù người học trò cũ có làm ông to, ăn trên ngồi trốc thì đối với người thầy cũ, mình vẫn phải khiêm cung!

 

 

Nếu thầy còn trẻ chỉ lớn hơn mình chừng chục tuổi đổ lại thì phải dịch là:

 

 

“Em là Carnot đây, thầy còn nhớ em không?”

 

 

Còn nếu thầy đã già cỡ Tía mình như trong câu chuyện nầy thì phải dịch là:

 

 

“Con là Carnot đây, thầy còn nhớ con không?”)

 

 

Trong câu chuyện dạy cách xử thế của trò khi gặp người thầy cũ đã từng góp một phần để dạy dỗ ông Carnot thành đạt, tui không tìm được chi tiết nào để biết cách đối xử của người thầy cũ với đứa học trò bé nhỏ ngày xưa giờ làm tới Tổng thống thứ tư của nền Ðệ tam Cộng hòa Pháp (1887- 1894) ra sao?

 

Nghe anh bạn văn hỏi vậy, tui nói:

 

Ờ tui cũng hổng biết luôn. Nhưng tui nghĩ có thể người thầy cũ đã nói: ‘Carnot! Thầy nhớ con đó chớ! Hồi xưa con thường không thuộc bài, lơ đễnh hay ngủ gục trong lớp lắm thì làm sao thầy quên cho được’

 

Hay cũng có thể là: ‘Thưa Tổng thống Carnot! Tôi rất lấy làm hân hạnh được chào mừng Ngài trở về thăm trường cũ.’

 

 

Nhưng chuyện ở Việt Nam bây giờ thì anh bạn văn của tui lại biết rất rõ. Ông Ðại tướng, Chủ tịch nước về Kim Sơn, Ninh Bình thăm thầy cũ thì cờ xí rợp trời, kèn trống tưng bừng, dân cả huyện, cả làng đi rước Ngài Chủ tịch nước vinh quy bái tổ.

 

 

Trò cũ lịch bịch như con vịt (vì mập quá) leo lên bục đọc diễn văn. Ngài vừa đưa tay chém gió, vừa dạy bảo các thầy cô của ngôi trường mình đã từng theo học là hãy thi đua dạy tốt và học tốt.

 

 

Còn thầy cũ thì phát biểu cảm tưởng, đáp từ:

 

 

Dạ thưa Ngài Chủ tịch nước! Ngày xưa người thường hay bỏ học, tụ tập với bọn chăn trâu lấy cờ lau tập trận như ông Ðinh Bộ Lĩnh rồi làm nên nghiệp bá.”

 

 

Tui lại thắc mắc:

 

 

Ờ Ngài Chủ tịch nước về thăm Thầy cũ là vậy. Còn Ngài Tổng Bí Thư làm lớn hơn ông ni một bực; sao tui hổng thấy bài báo nào thuật lại chuyện ổng tưng bừng về thăm trường cũ hết vậy anh?

 

 

Anh bạn văn cười khè khè trả lời:

 

 

Ngài Tổng Bí Thư chưa hề đi học thì làm sao có trường cũ, thầy cũ để về thăm?

 

 

o O o

 

 

Ðó là chuyện của mấy ông tai to mặt bự. Còn đây là chuyện của một người tai nhỏ, mặt cũng nhỏ luôn vì sau 75, đói, hốc hác đến xanh râu. Chuyện của tui!

 

 

Tui còn nhớ sau năm 75, là giáo chức gốc quân nhân biệt phái nên đương nhiên tui không còn là thầy giáo. Tui phải “tháo giày,” tui mang dép!

 

 

Ông Ðại úy Trưởng phòng Hành chánh Trung tâm Huấn luyện (Nghĩa quân và Ðịa phương quân) Chi Lăng, Thất Sơn Châu Ðốc tù cải tạo về, thấy tui cứ “cà nhỏng chống xâm lăng,” quá huỡn, ở không đi đánh cờ tướng, bèn rủ tui đi bán vé số.

 

 

Bàn vé số đặt trên lề công viên trước Trung tâm Y tế Toàn khoa Thủ Khoa Nghĩa, số 4 đường Nguyễn An Ninh hồi xưa (Sau 75, đổi tên là Bệnh viện Ða khoa Hậu Giang, đường Châu Văn Liêm).

 

Ông nội nầy cũng hổng tốt lành gì đâu! Ổng chơi cha! Tui được ổng phân công ngồi trước bàn vé số canh Công an cho ổng ghi số đề.

 

 

Bán vé số lời đâu có bao nhiêu? Lấy vé số của thầu một tờ giá 45 xu, bán 50 xu. Lời được 5 xu tức 10%. Bữa nào xui rủi bán ế là khoảng 4 giờ chiều, một tiếng đồng hồ trước khi xổ số thì mình phải “sổ” vé số còn cù cặn của mình trước. Phải giựt khách mua giờ chót với các bàn vé số khác. (Ðói rách làm con người phải giành ăn, trở nên ác như thế đó bà con ơi). Phải xuống giá 45 xu, bán phá huề, chỉ lỗ công. Kẻo bán không hết là phải ôm dò. Mà dò thì lần nào cũng trật. Dò riết chịu hết xiết vì nợ đầy đầu.

 

 

Cách thứ hai là “tản” vé. Nghĩa là đem vé số cù cặn gởi cho những bàn vé số thân quen khác. (Có đứa có bằng Cử nhân Luật lận đó nhưng thời cuộc đảo điên phải ngồi trên Ðại lộ Hòa Bình bán vé số như tui!) Ế nhiều quá thì phải chẻ ra nhờ tới thằng cha Ba Tàu nhà vẽ Bút Ngân, sát hẻm Tài Xỉu, đường Lý Thái Tổ, gần sân vận động bán tiếp. Lúc nào nó ế thì nó lại nhờ dần lân với mình!

 

 

Ghi số đề, số đầu, số đuôi mới có ăn. Ghi được 100 đồng tiền huê hồng của thầu đề chia lại tới 30%.  Tiền lời bán vé số thằng chả chia hai với tui. Tiền huê hồng số đề thằng chả lủm hết. Tình “Huynh đệ chi binh” nó cay đắng ngậm ngùi trong thời buổi hỗn mang là như vậy đó bà con ơi!

 

 

o O o

 

 

Rồi có một chiều tháng Năm, năm 1981, tui ngồi dưới tán dù che bàn vé số, môi xám ngoét (như thằng ghiền á phiện), bập bập điếu thuốc “Hoa Mai” nhìn trời hiu quạnh, vần vũ sắp mưa giông. Huỡn quá, vé số ế quá, tui ngồi tiếc thương ngày tháng cũ; không thèm để ý đến thiên hạ lại qua.

 

 

Bất ngờ, tui giựt mình báo động: “Bò Vàng!” Ðang cắm đầu kết sổ làm phơi để chuẩn bị đi giao cho Thầu đề, thằng chả nhìn lên; mặt mày xanh cành như đít nhái! Vì hai con “Bò Vàng,” công an phường An Lạc đi dẹp lòng lề đường đã tới sát ngay bên đít.

 

 

Luống cuống gấp bàn vé số và ghế ngồi lại, chuẩn bị chạy thì một con Bò Vàng nhìn tui rồi hỏi:

 

 

“Anh từng dạy em ở Phan Thanh Giản! Anh còn nhớ em không?”

 

 

Nghe vậy tui quạu ngang xương hè, đâm xuồng bể:

 

 

“Dạ thưa cán bộ! Tui có dạy ở trường đó thiệt nhưng hình như học trò của tui không có ai giống cán bộ hết trơn!”

 

 

Hổng phải tui tiếc gì chữ “Thầy” lúc mình đang bị “mất dạy!” Nhưng trò cũ không nhìn thầy thì thôi. “Who cares?” Nhưng đã nhìn thì thầy ra thầy; trò ra trò chớ hổng có anh anh em em gì ở đây hết ráo!

 

 

o O o

 

 

Rồi chuyện ông thầy của nhà thơ Ðỗ Trung Quân trong bài “Có một chiều tháng Năm” cũng na ná như thế!

 

 

“Thầy còn nhớ con không? Tôi giật mình nhận ra người đàn ông áo quần nhếch nhác. Người đàn ông gầy gò ngồi sau tủ thuốc ven đường.

 

 

“Thầy còn nhớ con không?” Câu lặp lại rụt rè rơi vào im lặng. Hoa phượng tháng năm rơi đầy vỉa hè. Rụng xuống trên vai người thầy học cũ.

 

 

“Không… xin lỗi… ông lầm… tôi chưa từng dạy học. Xin thối lại ông tiền thuốc… cám ơn…”

 

 

…Vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt. Câu phủ nhận có phải vì manh áo rách; trước đứa học trò quần áo bảnh bao?”

 

 

Tui thấy ông nhà thơ nổi tiếng nầy hơi quê xệ khi ông thầy khước từ nhìn người học trò cũ. Không phải vì thầy nghèo, vì manh áo rách, vì phải đi bán thuốc lá lẻ vỉa hè. Thầy khước từ là vì người học trò cũ của mình giờ quần áo bảnh bao trong khi cả nước ăn độn bo bo thấy Mẹ. Trò bảnh bao trong lúc bao nhiêu người bần cùng thiếu đói lại không biết nhục thì mình lỡ làm thầy mình nhục giùm cho nó!

 

 

Chiều tháng Năm hoa phượng rơi đầy trên tóc (chỉ có trong thơ!). Bãi trường, học trò đi lượm ve chai làm “Kế hoạch nhỏ.” Thầy đi bán thuốc lá lẻ lề đường cũng như tui đi bán vé số vậy thôi. Buôn bán kiếm ăn lương thiện thì có gì đâu mà phải nhục nhã, phải tự ti mặc cảm?

 

 

Nhục nhã là mấy đứa tạo ra cái cảnh đau lòng nầy! Chớ “giáo chức, dứt cháo” dài dài như đám tụi tui thì có gì đâu mà nhục?

 

 

 

Đoàn Xuân Thu

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

.

Khước từ làm thầy cũ! – Đoàn Xuân Thu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *