Mưa
.
*
Hạt MƯA sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân!
Trong văn học cổ và trong dân gian ta ngày xưa, HẠT MƯA được ví như thân phận của người con gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, với các câu ca dao được truyền tụng rộng rãi trong dân gian như:
Thân em như Hạt Mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng đồng.
hoặc như:
Thân em như Hạt Mưa rào,
Hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa.
Cả hai câu ca dao trên đều nói lên thân phận của người con gái sướng hay khổ gì đều trông chờ vào sự rủi may, mà bản thân mình không thể chọn lựa được. “Hạt Mưa sá nghĩ phận hèn,” đã là thân con gái như Hạt Mưa rồi, thì còn quản gì được đến sang hay hèn nữa, nên chi Thúy Kiều không thể tiếc nuối cuộc tình duyên của mình với Kim Trọng, khi gia đạo gặp cơn nguy biến, mà đành lòng với số phận may rủi của mình, nên mới hạ quyết tâm “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” để bán mình chuộc tội cho cha.
Còn nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì may mắn hơn với thân phận HẠT MƯA của mình:
HẠT MƯA đã lọt miền đài các,
Những mừng thầm cá nước duyên may.
Trong Văn học cổ, ta còn thấy từ MƯA HOA, tức VŨ HOA (雨花) chỉ mưa xuống toàn là hoa, theo tích sau đây:
Theo truyền thuyết, vào thời Nam Bắc Triều có Lương Võ Đế là chúa của Nam triều rất hâm mộ đạo phât. Có cao tăng hiệu là Vân Quang Pháp Sư thường xuyên thuyết giảng Phật pháp trên Thạch Tử Cương ở Nam Kinh, chúng tăng lữ trên 500 người ngồi tọa thiền nghe giảng 3 bửa không tan. Phật Tổ chứng cho lòng thành đã cho một rừng hoa Mạn-đà-la rơi xuống như mưa. Những mưa hoa rơi xuống đều biến thành đá ngũ sắc lóng lánh rất đẹp, gọi là Ngũ Thái Thạch 五彩石, người đời sau gọi là Vũ Hoa Thạch 雨花石, nơi giảng kinh tức là Vũ Hoa Đài 雨花臺, một thắng cảnh nổi tiếng của TP Nam Kinh 南京 thuộc tỉnh Giang Tô hiện nay.
Trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Quan Âm Thị Kính” của ta có câu:
MƯA HOA rẩy khắp bên mình,
Nhấp nhô đá cũng xếp quanh gật đầu.
Ngoài MƯA HOA ta còn có MƯA MÓC, tức VŨ LỘ (雨露) chỉ hạt Mưa và hạt Móc (nhỏ hơn hạt mưa, rơi đọng lại trên hoa lá thành hạt Sương). Có xuất xứ từ sách Lễ Ký Tế Nghĩa (祭義) như sau:
Hạt mưa và hạt móc đều rất cần thiết cho cây cỏ lá hoa sinh tồn và phát triển, nên thường dùng để ví với ân tình của kẻ bề trên ban cho người bên dưới; gọi là Ơn Vũ Lộ hay là Ơn Mưa Móc, như trong bài thơ “Tống Lý Thiếu Phủ biếm Hiệp trung Vương Thiếu Phủ biếm Trường sa” của Cao Thích đời Đường là:
聖代即今多雨露, Thánh đại tức kim đa VŨ LỘ,
暫時分手莫躊躇。 Tạm thời phân thủ mạc trù trừ.
Có nghĩa:
Thánh chúa đường thời nhiều MƯA MÓC,
Chia tay tạm biệt chớ chần chừ !
Trong bài thơ “Tự Thuật bài 2 – Hội Gió Mây” của cụ Nguyễn Công Trứ có hai câu Thực như sau:
Ðã từng tắm gội ơn MƯA MÓC,
Cũng đã xênh xang hội gió mây.
Trong “Tụng Tây Hồ Phú” của Nguyễn Huy Lượng dưới thời Tây Sơn – Hậu Lê cũng có câu:
Trên dưới đều rồng mây cá nước phải duyên,
giọt VŨ LỘ tưới đôi hàng uyên lộ.
Sau MƯA MÓC ta còn có MƯA MÂY, hay còn gọi là MÂY MƯA, chữ nho là VÂN VŨ (雲雨). Có mưa là có mây, không có mây thì không thể nào có mưa được. Có xuất xứ như sau:
Theo thần thoại Trung Hoa, con gái của Xích Đế 赤帝 là Dao Cơ 瑶姬, chết trẻ, chôn ở Vu Sơn, hồn phách không tan, biến thành Thần Nữ. Trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc nước Sở thời Chiến quốc có ghi lại: Sở Vương đi chơi ở Cao Đường, mơ thấy Thần Nữ đến cùng ân ái, khi chia tay còn nói là “Đản vi triêu vân, mộ vi hành vũ 旦为朝雲,暮为行雨” (Thiếp kéo mây ở buổi sáng, làm mưa ở buổi chiều). Theo quan niệm cổ xưa thì nữ thần và vua giao hợp có thể làm cho phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Có nghĩa: Mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa. Nhưng dân gian lại không chịu hiểu theo nghĩa đó, hễ nhắc đến Sở Vương và Thần Nữ thì sẽ nghĩ ngay đến “Mây mưa ân ái giữa trai gái với nhau” mà thôi ! Vì thế, sau nầy hễ nhắc đến Thần Nữ Vu Sơn, Cao Đường Thần Nữ 高唐神女 là người ta nghĩ ngay đến một giai nhân tuyệt sắc gợi tình, và nói đến kéo MÂY làm MƯA, hay nói gọn thành MÂY MƯA, là người ta lại nghĩ ngay đến việc ái ân trai gái. Như cô Kiều đã ngăn Kim Trọng lại trong đêm gặp gỡ khi “Sóng tình dường đã xiêu xiêu,” mà kể lể rằng:
Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.
MÂY MƯA đánh đổ đá vàng,
Quá chìu nên đã chán chường yến anh…
Còn trong Truyện Nôm “Hoa Tiên Ký” của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì có câu:
Dương Đài rày sẵn MƯA MÂY,
Mà xem chúa Sở vui vầy giấc tiên.
Không nói MƯA MÂY thì đôi khi nói thành MƯA GIÓ, như khi tả Thúy Kiều thất thân cùng Mã Giám Sinh, cụ Nguyễn Du đã viết rằng:
Một cơn MƯA GIÓ nặng nề,
Thương gì đến ngọc tiếc gì đến hương !
Hoặc để nói cho đối xứng theo các biện pháp tu từ học của Trung Hoa là MƯA SỞ MÂY TẦN, như khi tả cuộc sống của Thúy Kiều ở lầu xanh:
Mặc người MƯA SỞ MÂY TẦN,
Nhưng mình nào biết có xuân là gì !…
Về nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì với sắc đẹp hấp dẫn, quyến rủ, gợi tình đến nỗi:
Bóng gương lấp ló trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình MÂY MƯA !
và khi đã được vua yêu rồi thì lại cảm thấy rất hạnh phúc và an phận:
MÂY MƯA mấy giọt chung tình,
Đình trầm hương khoá một cành mẫu đơn.
Nhưng ngày vui qua mau và chóng tàn, nàng cung nữ chỉ sống bằng hoài niệm và rầu rĩ khát khao mơ màng đến những phút giây ân ái khi xưa:
Tình rầu rĩ khôn khuây nhĩ mục,
Chốn phòng không như giục MÂY MƯA.
Giấc chiêm bao những đêm xưa,
GIỌT MƯA cửu hạn còn mơ đến rày…
Đỗ Chiêu Đức
(杜紹德)
Trần Văn Giang (ghi lại)
.