Họp Mặt Tân Niên 2009 – Tha Hương Ngộ Cố Tri
(tại Quận Cam, California, USA)
Trăng tròn rồi lại khuyết. Mặt trời lên cao rồi sẽ lại xuống thấp. Ngày tháng cứ thế mà âm thầm trôi đi. Chừng tỉnh giấc lại thì thấy ngày họp mặt tân niên 2009 của hội Nông Nghiêp Hải ngoại đã đến! Thiệt là quá đã. “Tha hương ngộ cố tri.” Nơi đất khách quê người mà vẫn còn có dịp gặp lại “những người muôn năm cũ” thì còn gì vui cho bằng?
Gọi là “họp mặt tân niên” cho có cái không khí “năm mới năm me” vui vẻ chứ thực ra thì ngày giờ buổi họp mặt (03/01/2009) đã bước vào tháng mà các cụ mình ở quê nhà đã bắt đầu trồng cà rồi (“… tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà…”) Anh tân hội trưởng Nguyễn Văn Hoàng (Khóa 1 Canh Nông) trong lời chào mở hàng đã giải thích lý do họp mặt vào mùa “trồng cà” này là vì những ngày (tốt) sát tết Kỷ sửu các nhà hàng đều bị “booked” hết. Thôi thì cũng xin quí vị thông cảm cho. Chỉ vì duyên cớ “kẹt giỏ” đó mà “Hội Nông nghiệp Hải ngoại” họp mặt theo kiểu “trâu chậm uống nước đục.” Nhưng kể cũng tốt chán… còn hơn là đám trâu chậm phải chịu chết khát…
Như sáu câu vọng cổ vẫn ca ra rả rằng: “Nhìn cuộc đời có biết bao việc bất trắc xảy ra, thế tất phải chịu. Đành phải cuốn theo chuyển biến của dòng đời…” Hay nói vắn tắt huỵch tẹt “tam đoạn luận” là mới đầu năm Kỷ “xỉu” mà sao kinh tế Mỹ đã có mòi suy thoái rất thê thảm: nhiều hội viên phe ta ở hơi xa phố “Bôn sa có gì lạ không em!” một tí mà lỡ bị (hoặc sắp) mất “dốp” (jobs), thua “sì tóc” (stocks), tiền “saving” hưu trí (401K) bỗng nhiên đi xuống nhanh như nước ròng sông Cầu Ông Lãnh… thành thử không còn lòng dạ nào mà “tự tại tiêu dao” thoải mái đến tham dự. Có bao nhiêu mần bấy nhiêu. Đếm đi rồi đếm lại, buổi họp mặt “trồng cà” ngày 03/01/2009 gom được 10 bàn (độ 100 người).
Khi chương trình họp mặt đã diễn ra quá nửa đường, lúc sắp vãn tuồng rồi thì anh Hoàng Mai Chào mới đến bàn tôi và ghé tai tôi tỉ tê là: “Nhờ anh Giang viết dùm cho Nội san một bài tường trình về buổi họp mặt này.” Lúc đó, tôi còn đang hăng tiết vịt trao đổi văn hóa (nói nôm na là đấu võ mồm) với hai niên trưởng Nghiêm Xuân Đài và Vũ Ngọc Bích (2 vị ngồi cùng bàn với tôi). Chỉ nghe cái “phiếu đặt hàng” mà anh Chào yêu cầu, tôi hơi hoảng! Ăn hết ngon! (đã nói là “sắp vãn tuồng” thì còn có thêm món nào được đem ra nữa đâu mà ăn ngon?) Lý do là tôi vẫn đang mải “an nhiên tự tại” không để ý các lớp lang diễn tiến tuần tự của chương trình buổi họp mặt như thế nào. Tôi vội quơ ngay một miếng giấy lau miệng (“napkin”) ở trên bàn và mượn một cây bút ghi vội lại các chi tiết theo trí nhớ trên miếng giấy lau miệng này! Cũng còn may là có sẵn niên trưởng Nghiêm Xuân Đài tuy là tuổi hạc cũng cao gần đụng trần nhà nhưng mà mà trí nhớ của niên trưởng còn bén lắm – có chi tiết gì của buổi họp mà tôi quờ quạng không nhớ rõ thì tôi cứ đè niên trưởng Nghiêm Xuân Đài ra hỏi là ra ngay. Tài thật! Nên biết thêm, niên trưởng Nghiêm Xuân Đài với tôi có mấy cái duyên kỳ ngộ rất lý thú: Năm 1973 khi tôi đại diện cho sở Bảo vệ Mùa màng (Nha Canh Nông) đi công tác ở Pleiku; anh chị Nghiêm Xuân Đài đã có mời tôi về nhà riêng của anh chị dùng cơm. Đến bây giờ (36 năm sau!) tôi còn nhớ rõ mồn một. Hơn thế nữa, anh Nghiêm Xuân Đài có thời kỳ cũng sống và làm việc ở Ban Mê Thuật và cũng là hội viên của hội “Đồng hương Ban Mê Thuật.” Cả hai nơi “phố núi cao, phố núi đầy sương” Pleiku và “buồn muôn thuở, bụi mù trời” (BMT) Ban Mê Thuật vốn dĩ đều là “vùng trách nhiệm” của bên gia đình vợ tôi; thành thử anh Nghiêm Xuân Đài với tôi là chỗ thâm giao thuộc loại “mì ăn liền:” Mới gặp lại mà như quen đã lâu (“cố tri” là vậy!) Nói mãi không hết chuyện…
Bây giờ, tôi xin tuần tự ghi lại những diễn tiến của buổi họp mặt:
Trên giấy mời, chương trình họp mặt ghi “bắt đầu lúc 11 giờ sáng,” quan khách lần lượt đến nhà hàng, ghi danh, đóng tiền (chi phí họp mặt và niên liễm…) và cái thông lệ (còn gọi là “hủ tục”) “không ăn đậu không phải Mễ; không đi trễ không phải Việt nam” là chuyện đương nhiên phải có rất dễ hiểu trong các dịp hội hè phe ta… Vì là dân địa phương của xứ “Bôn sa,” tôi đã có cái hân hạnh đón và đưa anh Bùi Thế Trường (Khóa 6 TL) từ nhà trọ ở thành phố Santa Ana đến thẳng nhà hàng. Anh Bùi Thế Trường là một hội viên đến tham dự buổi họp mặt từ Úc. Đây là một sự quý hóa cho riêng cá nhân tôi được diện kiến và đàm luận với anh Bùi Thế Trường vì anh có kiến thức về Khoa học và Sức khỏe rất phong phú. Khi nói chuyện với anh tôi phải biên “notes” vì anh cho tôi biết rất nhiều chi tiết (information) hữu ích mà tôi không thể nhớ hết! Tôi và anh Bùi Thế Trường còn có một liên hệ cùng thuyền (“same boat”). Đó là cái “nghiệp viết lách:” cùng đóng góp bài vở cho khoahoc.net và Nội san Nông nghiệp từ nhiều năm qua). Chúng tôi tuy đã có nhiều lần liên lạc với nhau qua “Email” và điện thoại; nhưng đây là cơ hội tốt ngàn năm một thuở để giải tỏa cái ấm ức “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình.”
Ngay tại bàn ghi danh chúng tôi đã gặp gỡ một số quí vị nhất quyết không chịu theo hủ tục “ăn đậu” mà theo châm ngôn “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” đến sớm sủa như anh Nguyễn Hoàng Long, anh Nguyễn Ngọc Ẩn và chị Nguyễn Thị Quới, anh Hoàng Mai Chào, chị thủ quỹ Dương thị Hà…
Một tiếng sau (lúc 12 giờ trưa) chương trình buổi họp mặt được anh MC Dương Thụy Lân, Phó hội trưởng, chính thức khai mạc. Tất cả anh chị em hội viên được mời đứng lên chào cờ Việt Mỹ và làm một phút mặc niệm tưởng nhớ đến các chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì tổ quốc và các đồng bào đã bỏ mình trên các cuộc hành trình tị nạn, tìm tự do. Phần nghi lễ rất long trọng và nghiêm trang này do anh Nguyễn Hoàng Long phụ trách. Cám ơn anh Nguyễn Hoàng Long.
Sau lễ khai mạc, anh Nguyễn Văn Hoàng với tư cách là “Tân Chủ tịch” hội “Nông Nghiệp Việt Nam Hải Ngoại” nhiệm kỳ 2008-2010 có lời chào quan khách. (Anh cũng tự giới thiệu anh là bà con với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – cùng họ Nguyễn Văn… với nhau ấy mà!) Trước khi giới thiệu ban chấp hành mới, anh Nguyễn Văn Hoàng đã có nhã ý mời các “cựu” Hội trưởng tiền nhiệm lên sân khấu để các hội viên có dịp biết dung nhan mùa xuân của người cũ và người mới… Chúng tôi thấy có sự hiện diện của các vị huynh trưởng như Bùi Bỉnh Bân, Nguyễn Xuân Hân, Nguyễn Song Thuận… và người bạn trẻ Dương Thụy Lân. Thành phần ban chấp hành mới được giới thiệu là:
Chủ tịch: Anh Nguyễn Văn Hòang
Phó CT Nội vụ: Anh Dương Thụy Lân
Phó CT Ngọai vụ: Anh Trầm Hữu Tình
Tổng thư ký: Chị Dorothy Trần Thị Được
Phó Tổng thư ký: Anh Đặng Phước Tưởng
Thủ quỹ: Chị Dương Thị Hà
Ủy viên bao chí: Anh Hòang Mai Chào
Anh Nguyễn Văn Hoàng
Anh Nguyễn Song Thuận.
.
Tôi nghĩ là anh Nguyễn Văn Hoàng đã hơi khiêm nhường khi nói rằng mặc dù với chức vụ chủ tịch hội nhưng anh chỉ cho mượn cái tên của anh thôi chứ mọi việc đều do các bạn trẻ làm cả (?) Thực tế, theo tôi, nếu không có anh dẫn dắt như một con chim đầu đàn thì có lúc cả bẩy chim non đều vô rọ “tiêu tán thoòng, “như cánh vịt quay” hết trơn hết trọi còn gì?
Anh Nguyễn Văn Hoàng cũng đã giới thiệu 7 người khách của hội hầu hết là thân hữu của anh đã bỏ thời giờ để đến chung vui hôm nay; trong số đó có nhạc sĩ Nguyễn Văn Dũng (em trai của nhạc sĩ tài hoa Văn Phụng). Anh Nguyễn Văn Hoàng cũng đã “đặc biệt” giới thiệu anh Bùi thế Trường (Khóa 6 Thủy Lâm) từ Úc đến tham dự.
Sau phần diễn văn, giới thiệu… Thức ăn được nhà hàng “Grand Garden” lần lượt dọn ra. Chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn, có sao xài vậy, bắt đầu.
Khởi đầu là tiếng hát của chị Nguyễn Thị Hà – tự “Hà Ui (?)” (Khóa 7 Canh Nông). Chị Nguyễn Thị Hà hát hai bài: “Suối Tóc” (của Văn Phụng) và “Mây lang thang” nhạc ngoại quốc lời Việt (của Nam Lộc).
Anh Dương Thụy Lân tiến lên phang tiếp một bản nhạc tình lời Pháp mà tôi vì tiếng tây tiếng u còn kém nên không biết là bài tên gì? Sorry nhé.
Sân khấu tự nhiên sáng rực và nóng bức hẳn lên vì có sự trình diễn thật đặc biệt của ca sĩ Ngọc Thủy (nghe sư phụ Nghiêm Xuân Đài tiết lộ ca sĩ Ngọc Thủy là em vợ của anh Nguyễn Hoàng Long?) Ca sĩ Ngọc Thủy ngoài giọng hát điêu luyện, truyền cảm còn có vóc dáng, dung nhan và y phục nhìn rất chết người – Ối giời đất! Ngọc Thủy có thể gây ra tai nạn xe cộ chết người nếu cô ta đi bộ một mình trên đường phố “Bôn sa” đông xe. Trong đợt trình diễn mở màn, Ngọc Thủy hát hai bản “Em đi chùa Hương” (thơ Nguyễn Nhược Pháp, nhạc Trung Đức) và “Về đây nghe em” (của Trần Quang Lộc).
Ngay sau sự góp mặt quá “hot!” của Ngọc Thủy thì có sự trình diễn quá “kool!” của anh Nguyễn Xuân Thanh (Khóa 14 Thú Y) Anh Xuân Thanh có giọng rất ấm và cách trình bày điêu luyện. Tôi nghĩ nếu anh Xuân Thanh muốn; anh sẽ có thể đi hát “chuyên nghiệp” rất mạnh giỏi (đây một nghề tay trái dễ trốn thuế rất tốt trong thời buổi kinh tế tụt dốc này!) Sau đó anh Xuân Thanh song ca với Lan Hương bài “Lối về xóm nhỏ” (của Trịnh Hưng) Và “5000 năm dựng nước” (thơ Song Thuận nhạc Xuân Điềm).
Anh Phan Công Toàn thay đổi không khí ca nhạc bằng một bản nhạc “oldies” bất hủ. Đó là bài “What a wonderful world.”
Rồi Ngọc Thuỷ trở lại và song ca với Lan Huơng bản “Anh là lính đa tình / Tình lính” (của Y vân).
Tiếp theo là phần đóng góp rất “bất ngờ” của Trần Văn Giang. Thực ra có một lý do nho nhỏ cần nêu ra ở đây là Trần Văn Giang tôi xin phép lên kể một vài mẩu chuyện vui đầu năm là để anh nhạc sĩ “One-man-band” có thời giờ đi “phòng tắm” xả bình đã quá đầy (chỉ vì phe ta hát hăng quá làm anh không thể bỏ “keyboard” mà “đi” được!) Trước khi giao “microphone” cho tôi, anh nhạc sĩ “one-man-band” còn nhắc sau lưng là tôi: “Xin anh nhớ giữ ‘microphone’ cho dài cỡ 5 phút nhé!” Tôi đã nói vài lời chào quan khách nhân dịp đầu năm và kể 4 chuyện vui (mà không thấy ai cười cả!) cũng tạm câu giờ đủ 5 phút như đã được dặn dò. Thằng con trai 8 tuổi của tôi (cháu Kenneth Trần) thấy bố dám uống thuốc liều lên sân khấu, cho nên cháu cũng theo gót chân bố thừa thắng xông lên ngay sau đó để xin được độc tấu “keyboard” một bản nhạc classical tựa đề “Fur Elise” của Beethoven.
Ca sĩ Ngọc Thủy lại trở lại sân khấu lần thứ ba để hâm nóng sân khấu sau màn trình diễn hơi nhạt nhẽo lạnh lẽo của hai cha con Trần Văn Giang với bài “Đón xuân” (của Phạm Đình Chương) và rồi Ngọc Thủy song ca với Lan Hương bài “Gái Xuân” (thơ Nguyễn Bính, nhạc Từ Vũ).
Không hiểu ông nhạc sĩ “One-man-band” kỳ này có cần phải đi phòng tắm thêm lần nữa hay không (tui hổng biết!) mà chị Trần Thị Được (Khóa 15 Canh Nông), Tổng thư ký của tân Ban Chấp Hành, cũng là “Army Captain Dorothy Tran Thi Duoc,” được ơi ới gọi mời lên sân khấu gấp để chia sẻ với bà con Nông nghiệp một vài kinh nghiệm cũng như sinh hoạt đời lính (xin nhấn mạnh ở đây là chị Trần Thị Được đi lính Mỹ chứ không phải lính khố xanh khố đỏ Việt nam đâu đấy nhe!) Thật là một sự ngạc nhiên lớn cho mọi người bởi vì chị Trần Thị Được trong bộ áo dài Việt Nam tha thướt và mái tóc cắt chải thời trang số một La mã nhìn trẻ đẹp “hết xẩy” giống y như một người mẫu áo dài chứ không có một tí dáng dấp gì của một Đại úy, một nữ quân nhân quân đội Hiệp Chủng Quốc…
Sau đó khi anh nhạc sĩ “One-man-band” trở lại sân khấu. Tiết mục ca hát lại tái tục sốt dẻo… anh Xuân Thanh hát song ca với Lan Hương bài “Đường về hai thôn” (của Phạm Thế Mỹ) và sau đó Xuân Thanh đơn ca bài “Qua cơn mê;” (của Nhật Ngân); Chị Tố Tâm (Khóa 16 Thú Y) hát bài “Yêu và mơ”(của Văn Phụng).
Anh Thọ (?) chồng của chị “Mexico” Dương Thị Hà (Khóa 4) xin hát “xuông” (không cần đến ban nhạc) bài “Chỉ là phù du” (của ai tui hổng biết!) – Sư phụ Nghiêm Xuân Đài tiết lộ là chị Dương Thị Hà sở dĩ có biệt hiệu “Mexico” bởi vì lúc đi học ở trường NLS đã có lần chị Dương Thị Hà lên hát bài “Mexico” hay tuyệt vời và cái danh hiệu “Mexico” dính chặt luôn với tên Dương Thị Hà từ khi đó! – Anh Thọ cho biết lý do anh hát không cần ban nhạc là vì: “Tui chưa bao giờ hát với ban nhạc hết trơn hết trụi!” Chèng đéc ơi! Ai cũng theo chân anh Thọ hát theo kiểu “zero-man-band” thì có lẽ con số thất nghiệp sẽ còn gia tăng khủng khiếp hơn nữa. Thiệt không giúp gì cho kinh tế cả…
Phần kết quả sổ số có phần thưởng đã được anh Dương Thụy Lân công bố; nhưng rất tiếc hơi trễ, có nhiều hội viên trúng giải đã “tưng bừng tham gia và âm thầm từ giã” từ hồi nào lặn mất dạng rồi…
Nhân cơ hội họp mặt này, ngoài hai sư phụ Nghiêm Xuân Đài và Vũ Ngọc Bích, tôi có dịp thăm chào hỏi các niên trưởng khác như Bùi Bỉnh Bân, Lê Viết Dự, Chu Quang Cẩm, Trần Văn Đạt… và các bạn Nguyễn Triệu Lương (NLS Bảo Lộc / Khóa 12 Canh Nông), Nguyễn Công Danh (Khóa 10 Thủy Lâm), Vũ Văn Tiên (Khóa 12 Thú Y), Nguyễn Tiến Dũng (Khóa 14 TL – Chủ tiệm “Phở 79” chứ không phải thủ tướng vi-xi), Phạm Đ. Nhật Đồng (Khóa 13 CN – chủ nhà hàng “Grand Garden”)… và một số quí vị đồng môn khác mà tôi không tài nào nhớ nổi tên! Nếu quí vị không thấy tên mình kể ra ở đây thì cũng xin rộng lượng thứ lỗi cho.
Nhìn lại, ui chao! Đồng hồ đã chỉ 3:30 chiều. Nhà hàng có lẽ cần chỗ để sửa soạn cho đám cưới vào buổi tối. Thế là chương trình tạp lục của ban tùm lum được tạm ngưng để chờ (hẹn) tái diễn vào khoảng ngày này sang năm tới. Nên biết chủ nhà hàng là anh Phạm Đ. Nhật Đồng (Khóa 13 Canh Nông) đã vui vẻ tính giá cả rất nhẹ nhàng. Anh Đồng cũng hăng say ngồi tại bàn suốt thời gian họp mặt để chuyện trò mệt nghỉ với các đồng môn, đồng khóa.
Nhiều người ở nán lại trong vài phút để chụp ảnh lưu niệm; rồi cũng chia tay ra về ngày mai cày tiếp…
Tóm lại. Đây là một ngày thật vui, thật quý báu. Giầu hay nghèo không phải là vấn đề; bởi ai đến cõi này bằng xe Lexus 2009 hay xe Toyota Corolla 1997 rồi cũng có ngày vào “hộp” và được xe “limousine 7 cửa” đưa vào lò. Làm sao sống đẹp với lòng mình là tốt; mà một khi muốn sống đẹp với lòng mình thì phải có bằng hữu chứ không thể cu ki một mình. Mọi việc trên đời đều do duyên nghiệp mà nên. Lão tử đã dậy là cứ thuận theo sự tự nhiên thì mọi chuyện sẽ êm thắm…
.
Chúng ta lỡ có thua (CS) chuyến này và phải tạm sống lưu vong là vì mình binh sai chứ không phải mình bất tài hay hèn nhát. Hà cớ chi phải buồn lo…
.
Đời người có khác nào bóng câu qua cửa. Dẫu có dọc ngang trời đất; rồi cuối cùng cũng… “tím chiều hoang biền biệt.” Hôm nay, cùng nhau có một chút thời giờ chung vui như vầy thì (so với số đồng môn kém may mắn hơn chúng ta) còn ước ao gì hơn nữa…
Cuộc sống là vậy: “Tới vội vàng như cơn mưa Sài gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975; rồi đi vội vã… như cánh vạc bay…” không (chưa) biết ngày sau sẽ ra sao? Hãy vui cho xong hôm nay rồi tính.
Hẹn tái ngộ.
Thân mến.
Trần Văn Giang (Ghi lại)
Orange County, 03/09/2009
.