Từ điển tiếng Việt mở:
Chúng/Chủng, Hợp/Hiệp
.
1- Chúng / Chủng
Có chữ nghe và dùng đã quen (?) nhưng cũng lại lạ quá: Ông cha đã phải đưa các chữ chỉ số nhiều – chúng, các – của Trung Quốc về. Chả lẽ xưa ông cha ta nghèo không có nổi vật nào nhiều quá số ba ư? Tất nhiên có các chữ nhiều, lắm… nhưng qua thực tiễn ngôn ngữ, phải nhận rằng nếu thiếu chúng và các thì tiếng Việt kém phong phú, kém khả năng diễn tả. Ngôn ngữ có quy luật tiết kiệm. Nó không vẽ vời bày biện ra nếu không cần thiết.
Đến đây xin chỉ nói chữ chúng (chỉ số nhiều). Gốc của nó là Trung Quốc, chẳng hạn chúng sinh, dân chúng, chúng quốc, quần chúng v.v… Có nó, chúng ta có được tục ngữ này quá hay “chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết” (Ông sư không “hủ hóa, làm chuyện sai quấy” nhưng nhiều miệng cùng nói như nhau là sư khốn nạn ngay!). Ai cũng nói câu này nhưng không phải ai cũng biết chúng là nhiều và chúng khẩu là nhiều miệng. Lắm người còn hiểu chúng khẩu là miệng nói “trúng” phắp. (Xin chú ý thêm một chút điểm này: Tục ngữ trên nghe thuần Việt ở phần hồn; nhưng trong tám chữ được sắp xếp quá tuyệt vời bên nhau, thì có sáu chữ là gốc Trung Quốc – trừ hai chữ cũng và chết là tiếng “lô-can” (“lô-can” lại là gốc Pháp – “local,” bản xứ, bản địa).
Chữ chúng xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trong đời sống. Đây, có ai không đụng đến các chữ chúng ta, chúng tôi, chúng mày…? Ta, tôi, mày đứng một mình là ở số ít, chỉ một đơn vị. Nếu cài thêm chữ chúng vào thì ta, tôi hóa thành tập thể, số nhiều. Đến đây, lại thấy hơi ngứa ngáy (!) Ừ nhỉ, trước khi có đại từ nhân xưng chúng tao, người đại diện cho bộ tộc Âu Lạc nói thế nào để đối phương phía Bắc lăm le chiếm đất, lấn suối nể cái tập thể tao lớn mạnh? Phải nhận là không thể không tò mò muốn đi ngược lên đến tận nguồn xem sự thực đã là thế nào…
Trong phạm trù xưng hô bằng chữ chúng này lại có chuyện lạ để nói. Chúng tao, chúng mày, chúng con, chúng em… đều là nửa Việt, nửa Hoa thế nhưng cạnh chúng (đấy, xem chữ chúng lợi hại chưa?) lại có chúng ông, chúng bà toàn Hoa? Xưa ông cha chắc chắn có ông bà nhưng ông cha gọi ông bà là gì mà phải mượn ngoại ngữ? Phải chăng chữ ông bà của Trung Quốc nghe cao sang hơn? (Chứng minh: ông bà không chỉ dùng để chỉ quan hệ thứ bậc gia tộc, chúng còn nhảy vào quan hệ giao lưu xã hội. Dạ, xin rước ông bà lại nhà…). Ôi, giá như được đi ngược lại dòng thời gian!
Ở chữ chúng, xin nói thêm. Hiểu lầm chúng khẩu thành “trúng phắp” thì dùng queo chữ chúng là chuyện thường. Nhớ dạo Tổng thống Obama đến Việt Nam, báo chí, từ báo tỉnh tới báo đảng trung ương hay nói đến Hợp chủng quốc. Tôi hỏi một bạn làm báo:
– Sao lại gọi là Hợp chủng quốc?
– À, anh ơi, nước Mỹ nó nhiều chủng người đến định cư mà…
– Thế sao họ lại viết là United States chứ không phải là United Races…?
Tôi không nói với bạn ấy rằng thời Mạt Thanh, triều đình cổ hủ, bảo thủ, lạc hậu, rệu rã, trí thức Trung Quốc quay ra chán hàng “lô can” mà mê tít hàng phương Tây. Nên họ đã dịch đầy trìu mến tên các nước Âu Mỹ sang tiếng Trung Quốc. Chữ me trong America (Mỹ quốc) có thể dịch bằng năm sáu từ đồng âm sau: Mỹ (đẹp), Mai (hoa mai), Mê (mê mệt), Mỗi (mỗi một), Môi (than đá) nhưng họ chọn Mỹ, chữ đẹp nhất. Nếu như lúc ấy trí thức Trung Quốc đã thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lê thì chắc họ đã được chỉ thị phải dịch ra thành Mê quốc (Nước U mê)… May quá, trí thức Trung Quốc lúc ấy còn nặng tư tưởng “thoát Á” nên đã âu yếm dịch thành Hợp chúng quốc, nghĩa là nhiều bang hợp nhất. Có lẽ vì Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới hợp nhất nhiều tiểu bang – một dấu hiệu dân chủ, bình đẳng, đoàn kết – nên được ưa chuộng và nhóm dịch giả liền tặng cho Mỹ chữ Hợp chúng quốc cũng lần đầu tiên xuất hiện nghe quá tân kỳ, quá hấp dẫn.
Song báo chí nước ta, thậm chí cả cơ quan công quyền chóp bu vẫn cứ nhè Hợp chủng quốc mà xài. Đinh ninh đã mô tả khoa học khía cạnh nhiều chủng tộc… (Chú thích thêm một chút: Chúng ta biết Trung Quốc có Đông Chu liệt quốc, quốc ở tiếng Trung Quốc có cả nghĩa tiểu bang!)
2- Hợp / Hiệp
Nhân chữ hợp trong Hợp chúng quốc, lại nói đến Liên hợp quốc mà gần như hầu hết báo chí ta đều “nhất trí” đổi đánh vèo một cái thành Liên hiệp quốc. (Chúng ta trọng quốc tế lắm; nhưng chúng ta là tổ sư về việc hay réo sai tên cúng cơm của ông bà, bố mẹ, dòng họ người ta. Nhưng kỳ quặc là chưa hề gọi lầm “hợp tác xã nông nghiệp” ra thành “hiệp tác xã nông nghiệp” bao giờ. Có lẽ do bụt chùa nhà mới thiêng, sợ nói sai sợ nó bóp cổ.)
Hợp trong Liên hợp quốc có nghĩa như hợp trong Hợp chúng quốc, cùng là united chỉ khác nhau ở states và nations. Là hợp nhất, thống nhất làm một. Còn hiệp trong liên hiệp hay hiệp ước, hiệp định, hiệp thương thì có nghĩa cùng góp sức, góp ý, góp của. Hay hiệp trợ là cùng giúp nhau chứ không được phép hiểu nó ra là mấy bên giúp nhau như một. Cũng như không được phép nói hợp trợ. Bởi với “quy luật nôm na là cha mách qué,” e có ngày nó biến ra thành “họp chợ” mất thì hỏng!
Một thí dụ nhỏ: Trong Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, mỗi hội đều có điều lệ riêng, thậm chí chế độ nhuận bút bắt buộc phải khác nhau… Và với hội viên thì ông chủ tịch Hội liên hiệp không oai bằng ông chủ tịch của từng hội với tư cách pháp nhân có quyền ký chi tiền nghỉ mát, đi tham quan học hỏi (?) Hàn, Sing…)
Hai chữ hiệp và hợp có nơi dùng như một. Mách bạn cách này để xem khi nào hiệp với hợp là một (khi này rất ít bởi nó là phương ngôn), khi nào là hai. Cách thế này: Hôm nào đó, bạn nói với bạn gái vừa làm xong đầu tóc mới:
– “Ôi, kiểu highlight này hiệp với tóc em ghê góa!”
Hay khi nghe bạn gái của bạn hát “Gọi nắng trên vai em gầy…đường xa áo…bai…” thì bạn khen:
– “Ôi em hát nhạc Trịnh hiệp vô cùng, hiệp vô cùng!”
Sợ bạn bị bai lập tức mất. Ở đây cũng có thể hiểu bai theo nghĩa tiếng Việt: Quan hệ tình cảm của hai người xem ra đã bị bai (bye!).
Khuyết danh
Trần Văn Giang (st)
.