Họ NGUYỄN Việt Nam và Những Cuộc Đổi Họ
.
Lời giới thiệu:
Trong lịch sử Việt Nam, đã từng có nhiều trường hợp và sự kiện mang nhiều người đến với họ Nguyễn; đồng thời cũng có những người họ Nguyễn phải đổi sang họ khác…
*
Những cuộc đổi họ khác sang họ Nguyễn
Từ họ Lý ra họ Nguyễn
Đầu năm 1226 (tháng 12 năm Ất Dậu), Trần Thủ Độ tổ chức đảo chánh lật đổ nhà Lý, đưa Trần Cảnh lên ngôi tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400).
Nguyên Trần Thủ Độ ép vua Lý Huệ Tông (trị vì 1211-1224) nhường ngôi cho người con gái mới sáu tuổi là Chiêu Thánh công chúa tháng Mười năm giáp thân (cuối 1224), tức Lý Chiêu Hoàng (trị vì 1224-1225). Lý Huệ Tông lên làm thái thượng hoàng, xuất gia đi tu tại chùa Chân Giáo, pháp danh là Trong lịch sử Việt Nam, đã từng có nhiều trường hợp và sự kiện mang nhiều người đến với họ Nguyễn.Huệ Quang thiền sư. Trần Thủ Độ sắp đặt cho con cháu của mình là Trần Cảnh, mới tám tuổi, cưới Lý Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng lại nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông.
Để củng cố nhà Trần, Trần Thủ Độ kiếm cách tiêu diệt tất cả con cháu nhà Lý. Việc đầu tiên là Trần Thủ Độ bức tử thượng hoàng Lý Huệ Tông. Một hôm ngang qua chùa Chân Giáo gặp thiền sư Huệ Quang đang nhổ cỏ trong vườn, Trần Thủ Độ nói rằng: “Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ cái.” Nghe thế thầy Huệ Quang trả lời: “Lời nhà ngươi nói ta hiểu rồi.” Sau đó, Trần Thủ Độ cho người mời thầy Huệ Quang vào triều bàn việc. Huệ Quang biết ý, vào sau chùa thắt cổ tự vận.
Trần Thủ Độ ra lệnh đem gả các cung nhân và con gái họ Lý cho các tù trưởng các bộ tộc ít người ở các vùng núi xa xôi miền biên viễn. Tháng tư năm nhâm thìn (1232), nhân việc ban chữ húy về tiên tổ họ Trần, ông nội của Trần Thái Tông tên là Trần Lý, nên Trần Thủ Độ đưa ra biện pháp quyết liệt là buộc con cháu họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn.
Gần cuối năm nhâm thìn (1232), tôn thất nhà Lý tập trung làm lễ tế tổ tiên ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm (nay thuộc Bắc Ninh). Trần Thủ Độ cho làm nhà tế lễ bằng tre lá trên một cái hầm, khi con cháu nhà Lý tập trung hành lễ, Trần Thủ Độ ra lệnh chôn sống hết con cháu nhà Lý để dứt điểm một vấn đề làm cho Trần Thủ Độ lo lắng bấy lâu nay. Sau cuộc thanh trừng khủng khiếp này, con cháu nhà Lý không còn dám về Bắc Ninh làm lễ tế hàng năm, và họ thay tên đổi họ sống lẫn khuất trong dân gian để tránh bị tiêu diệt.
Đặc biệt hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ của Lý Anh Tông đã bỏ nước ra đi năm 1226, cùng đoàn tùy tùng khoảng 40 người vượt biên sang lập nghiệp ở Triều Tiên hay Cao Ly tức Korea. Tám trăm năm sau, con cháu của hoàng tử này đã về Việt Nam thăm lại đất tổ.
Một câu hỏi cần được đặt ra là tại sao triều đình nhà Trần buộc họ Lý đổi thành họ Nguyễn mà không qua họ khác? Điều này rất khó trả lời vì không có tài liệu cụ thể, chỉ biết được rằng họ Nguyễn là một dòng họ ít người bên Trung Hoa, và ngược lại họ Nguyễn có nhiều và có sớm ở nước ta. Phải chăng Trần Thủ Độ muốn cho họ Lý hòa lẫn trong số đông người Việt rải rác khắp nước (nguồn Vietsciences)
Họ Mạc đổi thành họ Nguyễn và các họ khác
Mạc Đăng Dung thuộc dòng dõi Mạc Đĩnh Chi, đỗ cử nhân võ và làm đô chỉ huy sứ năm 1508 (mậu thìn), nhờ thời thế dần dần được các vua nhà Lê tin dùng, thăng dần lên chức thái phó tiết chế các doanh quân thủy bộ, tước Nhân Quốc Công triều vua Lê Chiêu Tông (trị vì 1516-1522). Quyền hành càng ngày càng lớn, Mạc Đăng Dung lấn ép vua Lê và cuối cùng đảo chánh lật đổ vua Lê Cung Hoàng (trị vì 1522-1527), tự mình lên làm vua tức Mạc Thái Tổ (trị vì 1527-1530) lập ra nhà Mạc.
Khi Trịnh Tùng chiếm được Thăng Long, trung hưng nhà Lê được dựng lên (1593), con cháu họ Mạc tẩu tán khắp nước, một số lên Cao Bằng, một số chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An ẩn trốn, và một số vào Nam theo chúa Nguyễn. Con cháu họ Mạc đổi ra rất nhiều họ khác nhau. Sách Thế phả ghi rõ là con của Mạc Đăng Doanh, em của Mạc Kính Điển là Mạc Cảnh Huống vào Nam theo Nguyễn Hoàng, sau con là Mạc Cảnh Vinh đổi là Nguyễn Hữu Vinh. Không những chỉ một họ Nguyễn, mà chắc chắn còn nhiều họ khác nữa. Trước đây, những họ nầy không lên tiếng vì một mặt sợ các chính quyền quân chủ trả thù, và một mặt việc sử sách lên án triều đại nhà Mạc ít nhiều gây những ưu phiền cho con cháu họ nhà này.
Những người họ Mạc bị đổi sang họ khác. Về sau, nhân khi chính sự Đàng Ngoài dưới thời Trịnh Giang rối ren, năm 1739, hậu duệ của họ Mạc là Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển lại nổi dậy khởi nghĩa chống Trịnh trong vài năm.
Qua các cuộc đổi họ trên đây, lý do chính đưa đến việc đổi họ là do tiên tổ các họ nầy đã lên nắm chính quyền, lập triều đại, sau bị truất phế và bị nghi ngờ nên con cháu bị bắt buộc phải đổi họ. Ngược lại, trong lịch sử nước ta, có một dòng họ lớn từ thời Ngô Quyền lập quốc cho đến nay không thay đổi mà mỗi ngày một phát triển, hưng thịnh. Đó là họ Nguyễn Phúc ở Gia Miêu ngoại trang, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (nguồn Vietsciences).
Họ Hồ sang họ Nguyễn
Nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, dòng dõi Hồ Quý Ly. Họ theo chân chúa Nguyễn vào lập nghiệp miền Nam khi chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê – Trịnh tới Nghệ An (năm 1655). Ông cố (cụ nội) của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long (vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Châu, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn) cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó họ đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Cũng có tài liệu cho rằng họ Hồ đã đổi theo họ chúa Nguyễn ngay từ khi mới vào Nam.
Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1753. Ông còn có tên là Quang Bình, Văn Huệ hay Hồ Thơm. Sau này, người dân địa phương thường gọi ông là Đức ông Bình hoặc Đức ông Tám.(Nguồn diễn đàn lịch sử Việt Nam 2010).
Họ Huỳnh sang họ Nguyễn
Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819) là danh tướng và là công thần khai quốc của nhà Nguyễn. Ông là một trong số các võ quan cao cấp đầu triều Nguyễn, từng giữ chức Tổng trấn của cả Bắc Thành lẫn Gia Định Thành.
Trước ông có tên là Huỳnh Tường Đức, sau nhờ lập được nhiều công lao nên được ban quốc tính họ Nguyễn, từ đó ông có họ kép là Nguyễn Huỳnh, (vi.wikipedia.org).
Họ Ngô đổi sang họ Nguyễn
Nguyễn Quang Bích (chữ Hán: 阮光碧, 1832 – 1890), còn có tên là Ngô Quang Bích, tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong; là quan nhà Nguyễn, nhà thơ và là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp tạivùng Tây Bắc (Việt Nam).
Ông vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê – Ngô Từ – ông ngoại vua Lê Thánh Tông, nhưng do ông nội ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử sách thường gọi ông là Nguyễn Quang Bích. Nguyễn Quang Bích là học trò của tiến sĩ Doãn Khuê. Năm 1861, ông đỗ cử nhân và được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. (vi.wikipedia.org).
Việc đổi họ khác sang họ Nguyễn xảy ra nhiều khi triều đại nhà Nguyễn nắm quyền năm 1802 (vua Gia Long), một số con cháu của họ Trịnh cũng vì sợ trả thù nên lần lượt đổi họ sang Nguyễn, số còn lại trốn lên Bắc sang Trung Quốc.
Trong luật của triều đại nhà Nguyễn, những người mang họ Nguyễn được hưởng nhiều đặc lợi, được triều đình ban thưởng, và vì thế các tội nhân cũng theo đó đổi họ sang Nguyễn nhằm tránh bị bắt và được hưởng lộc…
- Những cuộc đổi họ Nguyễn sang họ khác
Trong lịch sử Việt Nam, cũng từng có nhiều trường hợp và sự kiện mà họ Nguyễn đổi sang các họ khác.
Cuộc đổi họ Nguyễn sang họ khác trong dòng họ của Nguyễn Trãi
Sau vụ án Lệ Chi Viên (năm 1442) dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi lại số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng con Nguyễn Phi Khanh là em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Phù con Nguyễn Trãi chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn.
Bà Phạm Thị Mẫn vợ thứ tư của Nguyễn Trãi có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa bà chạy trốn vào xứ Bồn Man (phía Tây Thanh Hóa); Sau lại về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Nay là thôn Dự Quần, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia. Tại Đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh.
Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Thanh Vũ.
Bà vợ thứ hai của Anh Vũ sinh được một con trai là Nguyễn Chân Phượng sau đổi sang họ Phạm về thôn Nỗ Vệ, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, để trông coi phần mộ và từ đường bà Phạm Thị Mẫn – thân mẫu của Anh Vũ. Nay thành chi họ Phạm Nguyễn. (Nguồn: vi.wikipedia.org)
Cuộc đổi họ sau Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo bản Phả ký (Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký) do Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân soạn năm 1743, Nguyễn Bỉnh Khiêm có cả thảy ba người vợ và 12 người con, trong đó có 7 người con trai. Cũng giống như cha, hầu hết các con trai của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều theo phò tá nhà Mạc. Bởi vậy sau khi nhà Mạc bị thất thủ dưới tay nhà Lê-Trịnh (1592), con cháu ông đều phải thay tên đổi họ, li tán thập phương. Một chi họ do người con trai cả của ông là Hàn Giang hầu Nguyễn Văn Chính đứng đầu đã di cư về vùng Trường Yên thuộc đất Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay và đổi từ họ Nguyễn sang họ Giang nhằm tránh sự trả thù của nhà Lê-Trịnh. Lúc sinh thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cử người con trai thứ 7 (con trai út) dẫn người cháu đội bát hương sang sinh cơ lập nghiệp ở làng An Tử Hạ, xã Kiến Thiết bên quê ngoại để trông coi phần mộ và thờ phụng ông bà ngoại Nhữ Văn Lan cùng mẹ Nhữ Thị Thục rồi về sau tạo thành một chi họ Nguyễn hậu duệ của Trạng Trình trên đất Tiên Lãng ngày nay. (Nguồn: vi.wikipedia.org)
Hậu duệ trạng nguyên Nguyễn Quang Bật đổi sang họ Đỗ.
Theo www.thuanthanh.gov.vn ngày 11/11/2012: Nguyễn Quang Bật (1464 – 1505) quê xã Bình Ngô, huyện Gia Bình, nay thuộc địa phận thôn Thường Vũ, xã An Bình, huyện Thuận Thành. Thuở nhỏ nhà nghèo nhưng ham học, phải làm nghề bán hàng nước ở cầu Khoai kiếm ăn. Ông học đến mức mờ cả mắt. Khoa thi năm 1484 thời Hồng Đức ông đỗ trạng nguyên với bài luận đối đình sách trả lời về cách dùng người của nhà Triệu Tống.
Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan Viện hàn lâm chức Hàn lâm viện thị thư. Năm 1495 ông được tham gia hội Tao Đàn làm sách Quỳnh uyển cửu ca, đứng tên thứ 7 trong số 28 người. Đời Cảnh Thống ông giữ chức Đô ngự sử đài, cùng thượng thư Lễ bộ Đàm Văn Lễ lĩnh mệnh phò lập Túc Tông. Bấy giờ hoàng tử Tuấn dựa vào thế lực mẹ nuôi là bà Kính phi muôn tranh ngôi mới đem vàng lụa đút lót hai đại thần nhiếp chính. Thượng thư Đàm Văn Lễ sợ biến loạn không làm tròn phận sự di chiếu của Hiến Tôn phải đem ấn truyền quốc về nhà riêng. Hoàng tử Tuấn giận lắm. Nhưng Túc Tông ở ngôi không bao lâu thì mắc bạo bệnh mất sớm. Do Túc Tông không có con nối nên bà Kính Phi ở trong cung đã tuyên lập hoàng tử Tuấn kế ngôi. Ngày 5/6/1505 Uy Mục đế lên ngôi chưa đầy nửa năm, nhớ mối hận ngày trước đã biếm chức thượng thư Đàm Văn Lễ và Đô ngự sử đài Nguyễn Quang Bật vào Quảng Nam giữ chức thừa tuyên sứ. Khi hai người đi đến sông Lam thuộc địa phận huyện Chân Phúc vua sai người đuổi theo bắt phải tự xử. Hai ông khi sắp gieo mình xuống nước còn ngâm bài thơ tuyệt mệnh bằng quốc âm. Được tin, các quan triều biết tội hai ông không đáng chết mới xúm vào can vua, vua đổ lỗi cho bọn Nguyễn Nhữ Vi làm bậy rồi giết đi. Do việc vua Uy Mục bắt tự xử, con cháu trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ở quê đã phải cải sang họ Đỗ để tránh tai hoạ tru di. Hậu duệ ông có đặt giải thưởng trạng nguyên Nguyễn Quang Bật để trao tặng cho học sinh xuất sắc nhất từng năm học trị giá 500.000 đồng. Hiện nay con cháu vẫn thành đạt, tiêu biểu là Trưởng ban biên giới chính phủ Lê Minh Nghĩa, Phó đô đốc hải quân Trần Dực và nhiều tiến sĩ, cử nhân khác?
Bài thơ tuyệt mệnh của trạng nguyên Nguyễn Quang Bật ghi trong gia phả và được đốc học Đỗ Trọng Vĩ, hậu duệ trạng nguyên ghi lại trong sách Bắc Ninh địa dư chí thế kỷ 19 như sau:
Trời, trời xanh. Nước, nước xanh
Ai đem người ngọc đến Nam Ninh
Nào chàng Liễu Nghị đi đâu tá
Sao chẳng đưa thư tới Động Đình.
Như vậy hậu duệ của Nguyễn Quang Bật không chỉ đổi sang họ Đỗ (hậu duệ Đỗ Trọng Vĩ) mà còn nhiều họ khác như: họ Lê: Lê Minh Nghĩa, họ Trần: Trần Dực.
Họ Nguyễn đổi sang họ Mạc.
Năm 1549, do công phò tá Mạc Phúc Nguyên, cha con Nguyễn Ngọc Liễn trở thành công thần hàng đầu ngoài hoàng tộc nhà Mạc, được cải sang họ vua. Mạc Kính làm thái úy Tây quốc công, Mạc Ngọc Liễn được phong làm Ngạn quận công.
Năm 1572 thời Mạc Mậu Hợp, thái uý, Tây quốc công Nguyễn Kính mất. Ông được chôn cất tại Cần Kiệm (Thạch Thất). Nhà Mạc tuy tặng ông là Tây Kỳ vương. Ông là công thần khai quốc duy nhất của nhà Mạc sống cả 5 đời vua Mạc.
Các con ông có 3 người đều làm đại thần nhà Mạc và được ban họ vua: Mạc Nguyên làm đến thái bảo, tước Phú quốc công; Mạc Hữu Mệnh làm võ tướng, Mạc Ngọc Liễn là phò mã nhà Mạc, làm đến chức thái bảo Đà quốc công chưởng phủ sự.(xem lịch sử họ Nguyễn thời nhà Mạc).
Họ Nguyễn đổi sang họ Lê
Theo gia phả dòng họ, Nguyễn Sư Mạnh sinh năm 1458 (Mậu Dần), cha người Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá), mẹ người làng Cổ Đô (Ba Vì – Hà Nội). Vì cha mẹ mất sớm, nhà lại nghèo nên mãi đến năm 27 tuổi ông mới lều chõng đi thi và đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân đời vua Hồng Đức thứ 15 (1484). Về khoa thi này, sách Đại Việt sử ký toàn thư (tập II, Nxb VHTT, H. 2003, tr 763 – 764) và sách Lịch triều hiến chương loại chí (phần Khoa mục chí) của Phan Huy Chú cho biết: Tháng 2 thi Hội các cử nhân lấy đỗ 44 người. Vào thi Đình đề văn sách hỏi về nhà Triệu Tống dùng nho sĩ, cho đỗ theo thứ bậc khác nhau. Nguyễn Sư Mạnh đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Tên ông được khắc trong bia “Hồng Đức thập ngũ niên Giáp Thìn khoa Tiến sĩ đề danh ký” ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) và chép trong Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục.
Hoạt động và cống hiến của Nguyễn Sư Mạnh chủ yếu ở thời Lê Thánh Tông (1460 – 1497) và thời Lê Hiến Tông (1498 – 1504) – là thời kỳ phát triển thịnh đạt của quốc gia phong kiến Đại Việt.
Năm Cảnh Thống thứ 3 (1500), Nguyễn Sư Mạnh tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Minh. Về sự kiện này, các tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư (tập III, Nxb VHTT, H.2003, tr 33); Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập II, Nxb Giáo dục, H. 1998, tr 5) và Lịch triều hiến chương loại chí (phần Bang giao chí) đều chép rõ: “Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 25 vua sai sứ sang nước Minh. Hình bộ tả thị lang Nguyễn Duy Trinh, Lễ khoa đô cấp sự trung Lê Lan Hinh, Thượng bảo thiếu khanh Nguyễn Nho Tông sang tạ ơn cúng tế.”..
Về tên gọi Lê Lan Hinh, sách Đại Việt sử ký toàn thư và Cương mục còn ghi rõ: Người xã Cổ Đô, huyện Tân Phong, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) năm Hồng Đức; nguyên trước họ Nguyễn, tên là Sư Mạnh, sau được ban quốc tính (họ Lê).
Mặc dù chính sử không ghi chép nhiều về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Sư Mạnh nhưng việc ông được vua Lê ban quốc tính đã ghi nhận những cống hiến của ông đối với triều đình, nhất là trong lĩnh vực ngoại giao. Chúng ta được biết, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã tổ chức phong thưởng tước vị và ban quốc tính cho những bậc “khai quốc công thần” trong đó có Nguyễn Trãi (Thường Tín – Hà Nội)… Tuy nhiên từ triều Lê Thái Tông (1434 – 1442) việc ban quốc tính không còn được thực hiện rộng rãi như trước, chỉ những người thực sự có tài năng, cống hiến to lớn mới được hưởng ân tứ ấy. Thời Lê Thánh Tông có Dương Bang Bản (quê ở Thanh Liêm – Hà Nam) được ban họ Lê tức là Lê Tung. Ông là nhà sử học nổi tiếng đã soạn Việt giám thông khảo tổng luận (1 quyển). Cho đến thời Lê Hiến Tông (1498 – 1504) có Nguyễn Sư Mạnh được ban quốc tính, gọi là Lê Lan Hinh.
Họ Nguyễn đổi sang họ Trịnh.
Tháng 1 năm 1553, do có nhiều chiến tích trong các đợt chống quân Mạc, Nguyễn Cảnh Hoan được phong làm Thái Bảo. Trịnh Kiểm thấy ông là người mưu lược nên rất kính nể, coi như thần tử thân thuộc và gọi ông là Trịnh Mô, cho quyền thu thuế và trông coi hai huyện Nam Đường và Chân Phúc thuộc Nghệ An.
Họ Nguyễn đổi sang họ Hàn
Hàn Thuyên vốn là họ Nguyễn, Nguyễn Thuyên được vua Trần ban cho họ Hàn vì ông làm bài văn ném xuống sông khiến cá sấu bỏ đi, như chuyện Hàn Dũ bên Trung Hoa trước đó. Sự tích kể rằng “Mùa thu năm Nhâm Ngọ 1282, khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2; bấy giờ có cá sấu đến sông Hồng. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường – Trung Quốc), cho đổi họ là Hàn Thuyên.”
Hàn Thuyên giỏi thơ Nôm. Ông được xem là người phát triển, phổ biến chữ Nôm của Việt Nam. Ông là người đầu tiên dùng luật thơ Đường vào thơ Nôm, nên đời sau gọi thơ Nôm theo Đường luật là Hàn luật.
Việc đổi họ từ họ Nguyễn sang họ khác hoặc ngược lại còn nhiều nguyên nhân khác nhau.
Khuyết danh
Nguồn: http://thietkegiapha.vn/ho-nguyen-viet-nam-va-nhung-cuoc-doi-ho.html