Chuyện “Mặc”
.
(Hình một đám cưới Ả-Rập)
Thưa quý vị,
Đã nói về chuyện “Ăn,” thì phải nói về chuyện “Mặc.” Đó chỉ là sự thuận lý. Nếu không, chẳng khác nào như nhà cháu đã kể cho quý ị vị nghe về Lương Sơn Bá mà chẳng đả động gì đến Chúc Anh Đài. Chỉ có một điều làm nhà cháu phải suy nghĩ. Đó là như theo thông lệ, cái bài thứ hai nối tiếp theo bài thứ nhất nào, hay bất cứ câu chuyện kể thêm nào, hoặc một “movie sequel” đều rất dở. Thí dụ như “Exorcist 2” hoặc “Jaw 2” đều “bể” mặc dù “Exorcist” và “Jaw” nguyên thủy là những phim thành công rất lớn. Nhà cháu mong rằng chuyện “Mặc” này không rơi vào cái qui lệ thường tình đó. Vì “Ăn” và “Mặc” phải được viết chung vào với nhau thành một chuyện mới gọi là đúng “quẻ” tam tông miếu.
“Mặc” rất phức tạp chứ nó không đơn giản như chuyện “Ăn.” “Mặc” phản ảnh các đặc thù về văn hoá, luân lý, phong tục hoàn cảnh khí hậu, địa thế, trình độ dân sinh (vệ sinh y tế) của một dân tộc hay một xã hội.
Sự “Mặc” có lịch sử đàng hoàng. Lịch sử đó biến chuyển theo lịch sử tiến hóa của con người. “Mặc” thay đổi từ hình trạng đơn giản nhất tức là chẳng mặc gì cả; rồi dần dần phức tạp đi đến độ khó hiểu. Quý vị thử quán sát cái thời trang hiện đại mà xem. Nó còn khó hiểu hơn xem tranh Picasso.
Bắt đầu từ thuở khai thiên lập đia, Ông Adam và bà Eva mỗi người chỉ đeo một cái lá nho to bằng bàn tay thôi [không phải thế đâu!!! Có lẽ bà Eva phải đeo 2 cái lá nho và một cái lá “vông” mới đủ!] Thế mà họ vẫn dzui dzẻ rong chơi. Sinh con, cháu đầy đàn, có người nào ngượng ngùng cái gì đâu. Nếu con người đừng có nhiều trí tưởng tượng, đừng màu mè vẽ vời, nếu con người thực sự muốn gần gũi với trời đất hơn, sống theo thiên nhiên, muốn bỏ các món đồ phụ tùng giả tạo phiền phức, thì có lẽ lịch sử con người đã thay đổi theo một chiều hướng tốt đẹp hơn. Thí dụ điển hình: “Nếu không phải mặc, thì không phải trồng bông vải. Như vậy lich sử cường quốc Mỹ sẽ không có giai đoạn bắt dân lành da đen ở Phi Châu về làm nô lệ hái bông. Có lẽ đã không có hàng trăm ngàn người chết vì cuộc nội chiến Nam Bắc; và hơn thế nữa, sẽ không có vấn đề kỳ thị chủng tộc “đen trắng” dai dẳng cho đến ngày hôm nay…”
Nhà cháu thấy sống một cách “thiên nhiên” như thế mà lại hay, lại thoải mái hạnh phúc hơn. Bởi vì quý vị chỉ phải lo “Ăn” thôi, không phải lo “Mặc.” Cuộc đời chúng ta vốn dĩ đã ngắn ngủi, may ra sẽ có thêm một chút ít thời giờ để nghỉ ngơi.
Bây giờ, tạm bỏ qua một bên ba bốn cái “nếu… thì…” Nhà cháu chỉ xin bàn qua loa về cái phức tạp của sự “Mặc.”
Có lẽ quý vị đã có dịp xem phim “Roméo và Juliette.” Người nào xem phim này mà không thương cảm cho mối tình thơ mộng, éo le của anh chàng Roméo và nàng Juliette? Nhưng có một điểm rất kỳ thú mà ít có vị nào lưu tâm: đó là y phục của Roméo và Juliette. Anh chàng đẹp giai Romeo mặc một cái áo “phồng phồng” đẹp hết xẩy! Romeo cứ thong thả mặc cái áo đó với quần “xì lỏn” thôi thì đã coi quá mạnh giỏi rồi [giống như mấy vị Scottish mặc áo vest ở trên và váy ở dưới!] Nhưng của đáng nợ, anh chàng Romeo lại chỉ thích mặc một cái quần chật đến ngộp thở. Cái quần này làm nhiều nữ khán giả nhìn phát ngượng! Nhà cháu coi phim này lúc nhà cháu còn bé tí. Nhà cháu rất ngớ ngẩn, cứ tưởng là anh chàng đẹp giai Romeo bỏ một trái dưa leo trong túi quần mà quên không lấy ra?!
Người đẹp Juliette mới có nhiều chuyện để nói. Nàng mặc một cái “soa rê” cầu kỳ, lộng lẫy. Nhưng nếu quý ị vị có cơ hội đọc “lịch sử y phục” (“History of Costume”) thì quý vị sẽ thấy thương nàng Juliette nhiều hơn. Juliette khổ tâm vì mối tình thì ít, mà đau đớn về y phục thì nhiều. Vào cái thời buổi của Juliette, phụ nữ phải mang một cái áo lót bằng thép mỏng [nhà cháu không dám thêm hay bớt một chữ nào chỗ này!] Áo ngực ôm chặt thân thể của phụ nữ từ thắt lưng trở lên. Nó làm làm phụ nữ đẹp và hấp dẫn hơn nhưng nó cũng làm cho phụ nữ khó thở, khó cử động, khó di chuyển, ăn không được nhiều. Chính cái áo này làm cho nữ tài tử Olivia Hussey, đóng vai Juliette, lúc đó mới có 14 tuổi mà “đồ đạc” của cô nàng nhìn rất chết người!
Chưa hết, để cho thêm phần tha thướt, bên trong cái “soa rê,” phụ nữ phải mang một cái hệ thống đai sắt giống như một cái chuồng chim từ thắt lưng trở xuống. Cứ tưởng tượng, Juliette được bọc thép thì còn gì là thẩm mỹ. Mỗi lần lên xe xuống ngựa, là phải có một “hiệp sĩ” lơn tơn chạy ra đỡ nàng xuống; nếu không, nàng sẽ lăn kềnh ra chẳng còn thể thống gì cả. Hình như tên “khốn lịn” vẽ ra kiểu áo đó có thù truyền kiếp với đàn bà phụ nữ???
Theo tâm lý thông thường, con người có khuynh hướng “Đẹp khoe, Xấu che.” Chính vì thế mà phụ nữ Tây phương thích mặc áo hở… vai. Phụ nữ Việt Nam có thân hình mảnh mai (?) nên thích mặc áo dài. Mấy thím xẩm Trung Hoa có đùi đẹp (?) nên thích mặc áo xường xám xẻ dọc theo đùi. Nhà cháu thấy mấy thím Ả Rập mới là bí hiểm. Mấy thím nầy mặc bộ y phục phụ nữ Ả Rập gọi là “Chado” che từ đầu cho đến chân, gồm cả lưới che mặt nữa, chỉ còn chừa hai con mắt! Như vậy chỉ có giời mới biết mấy thím Ả Rập có cái gì đẹp! Một cách mặc rất độc đáo nữa là của mấy thím Chà Và Ấn Độ: người quấn gần hết một cây vải; nhưng mà những chỗ đáng phải che lại được triển lãm lộ thiên, miễn phí. Thật oái oăm!
Sau khi vượt biển tìm tự do, bỏ lại bao nhiêu người thân khổ sở, rách rưới thương tâm ở quê nhà. Nhà cháu được “sì pong so” vào đất Hoa Kỳ ngay đúng thời kỳ “đít cô đít cậu,” “rock and roll” và “punk rock” chửi bố lẫn nhau. Nhận xét đầu tiên của nhà cháu là ở trên đất Mỹ này, có nhiều người tưởng là một năm có 365 ngày “Halloween.” Họ mặc mà không biết mình đang mặc cái gì? Sự “Mặc” đã biến thành một thứ “hiện tượng” mà nhà cháu mù tịt chẳng hiểu gì cả. Cái thời trang hiện nay của các thiếu nữ trên đất Mỹ là mặc áo ngắn và quần xệ dưới rốn. Một khoảng lớn da thịt ở bên trên và bên dưới thắt lưng được phô bày một cách táo bạo. Ngay ở đoạn da thịt nầy, nhiều cô còn khoe vài ba cái “tattoos” hoặc một hai cái nhẫn xỏ qua rốn [ouchy !!!]
Chủ nhật vừa qua, nhà cháu và vợ con đi lễ nhà thờ công giáo Mỹ ở gần nhà. Lễ diễn tiến đến lúc giáo dân phải xếp hàng để đi lên nhận bánh thánh. Khi đứng dậy để vào xếp hàng, nhà cháu thấy một cô thiếu nữ Mỹ da trắng cũng vừa đứng dậy để xếp hàng ngay trước mặt nhà cháu. Cô bé này nhìn vào khuôn mặt thì khoảng độ 14 hoặc 15 tuổi thôi; nhưng thân hình thì “ngổn ngang gò đống kéo lên” đầy đủ như thiếu nữ hai mươi mí rồi. Điều đáng nói là trong thánh đường tôn kính và trang nghiêm này, cô bé mặc một cái áo ngắn “cũn cỡn” và một cái quần xệ tuốt luốt dưới rốn một cách nguy hiểm!
Nhà cháu mới kín đáo nói khẽ bằng tiếng Việt và ra hiệu cho bà xã thấy cái cảnh “quái đản” này. Cũng đúng ngay lúc nhà cháu ra hiệu, cô bé đưa hai bàn tay nắm cái quần của cô ta ở bên hông. Nhà cháu cứ đinh ninh là cô bé nghe thấy có nhiều tiếng xì xèo bằng tiếng Việt, tiếng Mỹ và tiếng Mễ chung quanh; đồng thời cũng có nhiều cặp mắt đang chiếu tướng cái “sự hở rốn” quá trớn của cô ta, vì thế cô ta thấy hơi “nhột” nên sẽ kéo cái thắt lưng lên cao một chút cho nó đỡ kỳ cục. Ngược lại, nhà cháu hết sức ngạc nhiên vì cô bé, thay vì kéo lên, lại kéo cái quần xuống cho thấp hơn một chút nữa! Trời đất quỷ thần ơi! Nhà cháu nhìn mà tưởng như đang xem mấy cái “reality show” trên TV buổi tối sau khi các đấng nhi đồng đã yên giấc rồi: Đằng phía trước bụng cô bé, thấy có thấp thoáng hiện ra hình ảnh quen thuộc của Chủ Tịch nhà nước Cu-Ba Fidel Castro. Phía sau lưng của cô bé, con đường dẫn vào “địa đạo Củ Chi” thấy rõ mồn một, không cần phải tưởng tượng thêm một chút nào.
Đó là cảnh nhà thờ trong buổi lễ ngày Chúa Nhật. Ở ngoài đường phố thì khỏi phải nói, còn nhiều sự “Mặc” táo bạo hơn. Vì vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi trên thị trường chứng khoán “Wall Street,” Stocks của thuốc “Viagra” điều chế bởi hàng nhà thuốc tây Pfizer cứ lên giá vùn vụt.
Ăn thì có lúc có giờ thôi. Còn mặc thì phải mặc suốt ngày. Thành ra sự mặc làm bận tâm con người rất nhiều. Mặc thế nào để đi xin việc? Mặc thế nào để đi đám cưới? Mặc thế nào để đi đám ma? Mặc thế nào để đi chơi với bồ? ..v..v.. Nhất là đối với các cô có thân hình giống như cái vỏ chai “Coca Cola” thì câu hỏi “Mặc thế nào?” lại càng quan trọng hơn. Vì sự “mặc” của các cô ấy có thể gây tai nạn chết người trên đường phố!
Sự “Mặc” hôm nay không còn chỉ đơn thuần để che thân thể cho kín đáo hoặc giữ ấm cơ thể nữa. Mặc cũng không chỉ vì thẩm mỹ mà nó còn có ảnh hưởng xâu xa đến nhiều lãnh vực khác.
Trên phương diện xã hội học. Sự mặc đã tạo ra sự phân chia giai cấp. Nếu mọi người đều mặc như ông Adam và bà Eva cả thì lấy đâu ra để phân chia giầu nghèo, chủ đầy tớ. Người ta nói: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng.” Phải rồi, chỉ bình đẳng khi mới sinh ra không có mặc quần áo thôi! Không ít thì nhiều, mặc làm cho công bằng xã hội bị xáo trộn. Đó là chưa kể đồng phục làm con người có đầu óc phe nhóm, đảng phái đố kỵ.
Về phương diện tâm lý học. Sự mặc làm con người tự tin hơn; đôi khi can đảm hơn như áo giáp chẳng hạn nhưng đồng thời cũng làm con người thêm hiếu chiến, thích bạo lực.
Về phương diện y tế, thôi thì vấn đề này nhà cháu để quý ị vị tự tìm hiểu lấy. Nhà cháu có nhớ một nhà khôi hài Mỹ đứng trên sân khấu, mặc một bộ đồ dân Ả rập với khăn chùm đầu và áo thụng dầy. Ông ta chỉ tay vào bộ quần áo và nói:
“Do you know, under this robe, I am not alone!”
Các vị khỏi đoán, cũng biết là bạn đồng hành của mấy đồng chí Ả Rập là gì rồi!
Thành thật mà nói, nếu mặc đúng cách, người đẹp sẽ đẹp hơn và người xấu sẽ… bớt xấu. Theo thiển ý của nhà cháu về định nghĩa của “mặc đúng cách” là mình nên biết là mình đang mặc cái gì? Nếu cứ vô tình toa rập bắt chước thời thượng “à la mode,” thì đôi khi chỉ làm trò cười cho thiên hạ hoặc làm cho mấy anh chàng Calvin Klein, Ralph Lauren, Versace, Pierre Cardin ..v..v… giầu có thêm.
Trước khi tạm chấm dứt bài này, nhà cháu thấy thiếu một cái gì nếu không đề cập đến Brooke Shields. Cũng hơi lâu rồi, Brooke Shields đếm bạc mệt nghỉ nhờ làm quảng cáo cho “designer Jean” của Calvin Klein trên TV. Tội nghiệp, cô nàng bị các nhà đạo đức đòi đá cô ra khỏi màn anh nhỏ chỉ vì mỗi khi xuất hiện trên quảng cáo cho “tight Jean” của Calvin Klein thì cô ta nói là:
“Nothing can come between me and my Calvin Klein!”
Nhà cháu đố quý vị cao niên đoán xem “Nothing!” đó là cái gì?
_________
Tái Bút:
Nhà cháu trích lục một số thơ về “mặc” dưới đây để quý vị đọc cho đỡ… nản.
Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa
(Phạm Thiên Thư)
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc…
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
(Nguyên Sa)
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
(Ca Dao/Dân ca)
À ơi ! À ơi ! Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu
(Hữu Loan)
Thân Mến
Trần Văn Giang