Đêm giữa ban ngày
.
Lời mở đầu:
Xin các bạn fb, nhất là các bạn ở hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên (cũ), tìm giúp tôi một bạn tù của tôi tên Nguyễn Xuân Cao ở làng Đình Chu (nó thuộc huyện nào, tôi không nhớ). Tôi xin đưa lên đây vài nét chân dung của Nguyễn Xuân Cao (trích trong Đêm Giữa Ban Ngày) để các bạn biết thêm về người này. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
VTH
*
… Trận dịch bắt đầu từ chuyến tù hình sự được chuyển bằng xe ca từ trại Hà-Nam-Ninh lên. Trong đám tù nhét chặt cứng trong xe có một người đang hấp hối vì bệnh kiết lỵ. Người hấp hối thì để cho họ được chết yên, còn chuyển lên làm gì, tôi không hiểu. Chắc hẳn người ta muốn tống khứ tất tật đám tù cũ đi để giải phóng mặt bằng đón tù mới. Anh tù hấp hối không phải nhập trại, mà được đưa thẳng vào nhà xác. Đàng nào thì y cũng không trốn được nữa rồi. Đi còn chẳng nổi, nói gì trốn.
Ban đêm người hấp hối tỉnh lại, kêu gào thảm thiết. Nằm trong nhà giam tôi nghe tiếng y kêu khàn khàn yếu ớt như tiếng mèo. Chẳng có ai trong số lính gác rẽ vào xem y làm sao. Sáng ngày ra không thấy y trong nhà xác, mới đi tìm thì thấy y nổi lềnh bềnh trong bể nước. Thì ra y khát, gào mãi chẳng có ai đến, y liền bò ra bể nước, ngã xuống và chết chìm trong đó.
Những người tù nói lính gác sợ cái nhà xác lắm. Đồn rằng ở đó có ma. Những con ma tù không giống các loại ma khác, chết rồi chúng vẫn cứ luẩn quẩn ở nơi chúng qua đời. Tại sao không còn gì kiềm tỏa mà chúng không về nhà? Không có câu trả lời cho câu hỏi này. Vào những buổi mưa thâm tối trời hay là sáng trăng suông những con ma lúc còn sống sợ quản giáo với lính canh một phép, bây giờ thành ma hiện lên dọa quản giáo và lính, thấy họ sợ hãi bỏ chạy thì chúng cười khanh khách.
Trong trại Tân Lập có một số bể chứa nước cho tù dùng. Từ trạm thủy điện đặt bên ngoài trại nước được bơm vào các bể trong một hệ thống bình thông nhau.
Buổi sáng bắt đầu trận dịch: toàn trại ngã bệnh. Không có thuốc, hết người này đến người khác theo nhau ra bãi tha ma dành cho tù…
Trong nhà tù nhiều lần tôi được mục kích sức đề kháng mãnh liệt của cơ thể con người Việt Nam. Những người tù ốm vốn đã gày còm vì thiếu ăn vật vờ ngoài sân trại như những bộ xương biết đi, chẳng được chữa chạy, chẳng có thuốc men gì ráo, thế mà không chết.
Khi dịch tắt thì đến lượt tôi ngã bệnh. Trong thời gian có dịch tôi rất giữ gìn, không dám dùng một chút nước lã nào, đến cả nước rửa mặt đánh răng cũng dùng nước đã đun sôi. Mấy anh tù nhà bếp ưu ái tôi, tôi muốn xin bao nhiêu nước chín cũng được.
Kiết lỵ là một bệnh rất khó chịu. Sức khỏe xuống rất nhanh cùng với những cơn đau bụng quằn quại. Diệp Bản Minh, Tôn Thất Tần, cả hai ông nông dân phản cách mạng Phún Nàng Cái và Lầm Xì Lần đều lo cho tôi. Chốc chốc mở mắt ra tôi lại thấy hoặc người này hoặc người kia ở bên mình. Trần Chấn Hoa những ngày ấy chuyển đi nằm chỗ khác – y sợ lây. Vả lại, y cũng chán. Tôi kín như bưng. Chẳng có thể gợi ở tôi câu gì. Đôi khi, sốt ruột, y hỏi thẳng vào chuyện vụ án. Tôi bảo công an dặn đây là bí mật của Đảng không được nói với ai, thế là xong.
Một đêm tôi thức giấc vì nghe mơ hồ có tiếng người gọi.
– Ai đấy?
– Em đây, Cao đây!
Trong bóng đêm tôi thấy một bóng người lờ mờ cúi xuống. Cái bóng ghé sát tai tôi:
– Anh ơi, anh đừng chết!
Tôi bật cười. Làm sao có thể đừng chết được? Chết là cái không thể đừng. Sức mạnh của cái chết là không thể ngăn cản. Cao ghé người nằm xuống. Đó là một thanh niên nhỏ bé, nhưng rất nhanh nhẹn, bị tập trung cải tạo với tội danh biệt kích. Tôi không hiểu tại sao Cao bị tập trung cải tạo. Nhưng tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu. Trong nhà tù có quá thừa những điều làm tôi ngạc nhiên. Đây là nơi tập trung những điều phi lý nhất nhưng có thật. Nói theo cách “Descartes,” chúng tồn tại chỉ vì chúng hữu hình.
– Trong trại chỉ có hai người cộng sản là anh và em. – tôi nghe tiếng Cao thì thào bên tai – Em có trách nhiệm bảo vệ anh.
Cao tưởng lầm – một người như tôi ắt phải là đảng viên cộng sản. Tôi cố cựa quậy cánh tay nặng như chì để nắm lấy tay Cao:
– Cảm ơn em.
– Em đã bàn với bác Tần. Bác với em sẽ cố gắng chăm nom anh để anh chóng khỏe…
Tôi cười cay đắng. Giờ đây có hai người hết sức khác nhau đang ra sức giúp tôi chống lại cái chết: một phản cách mạng và một cộng sản…
Nguyễn Xuân Cao được ra trại bất thình lình.
Một sáng, toàn trại đang ngồi ngoài sân chờ đi lao động thì phó giám thị kiêm cán bộ phụ trách giáo dục gọi tên Cao. Cao lững thững đi lên trước hàng. Bao giờ cậu ta cũng lững thững như thế, mặc dầu cán bộ trại uốn nắn nhiều lần. Cái dáng đi ngang tàng như có ý nói: “Tao đây! Chúng mày muốn gì?”
Tôi ngồi ở hàng không nghe được họ nói gì với nhau. Chỉ thấy Cao quay lại nhìn tôi rồi đi theo cán bộ giáo dục. Lát sau, từ phía nhà giam Cao cắp quần áo chạy như bay về phía tôi. Một quản giáo chặn Cao lại.
– Em đi nhááá! – Cao kêu lên từ xa.
– Đi đâu? – tôi hỏi với.
– Em được thaaa… !
Viên quản giáo nắm lấy tay Cao, lôi tuột về phía cổng. Từ đó tôi không gặp lại chàng trai đáng mến nữa.
Tôn Thất Tần trở nên đăm chiêu.
– Tui không tin cậu ta được tha. – ông nói, mấy hôm sau – Anh có nghĩ rứa không?
Tôi hơi ngạc nhiên trước ý nghĩ của ông.
– Tha là chuyện bình thường. có gì lạ đâu? Cậu ta có thể bị oan, hoặc có những tình tiết giảm nhẹ…
– Tha chi mà mần rứa. – ông nhăn trán – Cao lại chưa hết một lệnh. Cũng không tha theo đợt, mà gọi ra một mình. Có khi nó bị chuyển đi trại khác cũng nên.
Tôi thì tôi tin Cao được tha. Có gì lại đâu, người ta xác minh xong rồi thì người ta tha. Chuyện xác minh kéo dài hàng nhiều năm là chuyện thường. Đã từng có những chiến sĩ cách mạng bị vu oan có khai báo bị ngồi chơi xơi nước cả chục năm. Giờ đây người ta đã biết chiến sĩ trinh sát Nguyễn Xuân Cao đúng là đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi bị bắt, trên lưng cõng đồng đội bị thương. Báo cáo tỉ mỉ của Cao về khu biệt kích Long Thành cũng chính xác. Nó rõ ràng là một chiến tích. Chẳng lẽ một việc dễ như vậy mà lại không xác minh được? Với tất cả sự giỏi giang của ngành quân báo.
Cách tha kỳ cục, không dám cho người được tha tiếp xúc với ai, không làm tôi ngạc nhiên. Trong một xã hội mắc bệnh sân khấu cuồng thì mọi sự đều có thể. Chẳng qua người ta thấy Cao thân với tôi, không muốn trước khi Cao ra về tôi nhắn Cao làm hộ việc gì đó, chuyển lời tới ai chẳng hạn. Có thể là như thế.
Cao để lại tất cả tài sản: hai cái tô men, thìa, đũa. Tôi đem cho một bạn tù nghèo. Anh chàng gày còm da bọc xương có cái bát men đại lại thủng lỗ chỗ. Ngày nào tôi cũng thấy anh ta hàn vá bằng nhựa PE đốt cháy thành những giọt đen như nhựa đường. Có hôm được xuất canh trại nấu xương bò, vừa được chia nước đã chảy tong tong. Canh nấu xương là quý lắm, anh ta húp vội húp vàng nhưng không kịp, nước canh chảy ướt cả ngực áo. Vả lại, tôi không muốn nhìn thấy những kỷ vật gợi nhớ tới chú em đã chăm chút tôi trong những ngày tôi tưởng là cuối cùng của đời mình.
– Tui e thằng Cao bị đưa lên Cổng Trời. – Tôn Thất Tần buồn rầu – Dễ rứa lắm!
Tội nghiệp, nếu Cao bị đưa lên đó. Cổng Trời là một trại giam ở xa tít mù tắp mãi tận Hà Giang, bên kia Mù Cang Chải, giáp giới Trung Quốc.
Cổng Trời đi vào huyền thoại, là nỗi kinh hoàng của tù. Những người đã từng sống ở Cổng Trời thậm chí không muốn kể về nó, không phải chỉ vì sợ công an trừng phạt (nghiêm cấm nói tới bí mật của các trại), mà còn vì sợ người nghe cho rằng mình bịa đặt. Nghe nói có chuyến tù hơn bảy chục người bị đưa lên Cổng Trời chỉ còn có hai người trở về. Dường như Tôn Thất Tần đã ở cái trại kinh khủng đó, nhưng ông ngậm tăm. Những người tù nói rằng ai đã lên Cổng Trời mà còn về được coi như sống lần thứ hai. Không giống những trại khác. Cổng Trời là nơi chỉ có tù số lẻ, và là tù đặc biệt quan trọng, đặc biệt nặng. Chế độ giam giữ ở đây rất khe khắt. Hơi một tí là bị khóa cánh tiên, bị hạ huyệt, còn nếu bị cùm hộp thì coi như đời đi tong.
Khóa cánh tiên là thế nào thì khi chuyển tới trại Phong Quang ở Lao Cai tôi mới được biết. Người tù bị khóa cánh tiên phải dang hai tay ra, lòng bàn tay mở ngang với ngực, sau đó hai tay sẽ bị kéo vào từ từ cho tới khi cổ tay sát nhau, lúc bấy giờ mới bập khóa số 8 lại. Với cách khóa này, lồng ngực người tù bị căng ra hết mức, rất đau đớn. Có người chỉ chịu được vài phút là ngất xỉu, nhưng cũng có những người chịu được hàng tiếng đồng hồ liền.
Hạ huyệt thì mắt tôi chưa thấy. Mà hạ huyệt hoặc cùm hộp cũng chỉ có ở một trại Cổng Trời mà thôi. Hạ huyệt, theo người ta kể, là thế này: người tù nằm vào một mảnh ván, bị cùm, mảnh ván được hạ xuống một hố sâu như cái huyệt, sau đó nắp được đậy lại. Trong huyệt ngộp lắm, không khí chỉ rỉ vào qua những lỗ nhỏ, người tù ở dưới phải há mồm như cá ngão để đớp từng ngụm không khí.
Kinh khủng nhất là cùm hộp. Đó là hai thớt gỗ to được khoét lõm theo hình hai cẳng chân người. Người tù bị cùm hộp là chắc chết, bởi vì chỗ lõm vào rất nhỏ, khi thớt gỗ trên hạ xuống cũng là lúc người tù chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngất liền – xương cẳng chân đã vỡ vụn. Bị cùm hộp người tù sẽ chết sau một hai ngày, giỏi lắm thì được một tuần. Nhưng đã có người chịu được tới hơn hai chục ngày. Ban Giám thị báo cáo trước toàn trại:
“Tên X. sau hai mươi ba ngày chịu kỷ luật đã đền tội!”
Trong ngôn ngữ công an, đền tội có nghĩa là chết. Xác tù chết bị vùi nông trong các hố, đàn lợn trại thường ra nghĩa trang lấy mõm cầy lên, nhai rau ráu.
Tôi xếp những chuyện kinh khủng đó vào lĩnh vực huyền thoại. Thật khó tin rằng những người mà trước đây tôi gọi bằng đồng chí lại có thể tàn ác đến thế.”
…
Vũ Thư Hiên
(Trích trong cuốn “Đêm giữ ban ngày”)