Từ Người Việt Tị Nạn
.
(Trại tị nạn của người viết – Refugees’ Tent City – Camp Pendleton Califormia – cuối năm 1975)
1.
Cơ hội “ngàn năm một thuở” tại các trại tị nạn mà dân Việt gần như không thể có được khi sống tại Việt Nam là: sự tự do thay đổi lý lịch và học Anh Ngữ miễn phí. Thực ra, đây cũng là hai sinh hoạt bận rộn và nhộn nhịp nhất của dân Việt tạm trú tại các trại tị nạn.
Sự thay đổi lý lịch gồm cả việc đổi tên, đổi tuổi và đổi sự không tưởng: địa vị xã hội (social status).
Chị Nguyễn Thi Gáo với một cái tên cúng cơm rất mộc mạc, hiền lành của “hoa đồng cỏ nội.” Từ sau khi chị bị té giếng, hồi còn là thiếu nữ ở Cần Thơ, đầu óc của chị cho đến nay chưa hoàn toàn tỉnh táo, đó có thể là lý do mà chị vẫn còn “độc thân tại chỗ” với cái tuổi ba mươi mí rồi. Nhân cơ hội ngàn năm một thuở này, chị đổi tên cho có vẻ tỉnh thành, thơ mộng, văn nghệ hơn; và đổi tuổi cho trẻ trung hơn là: “Nguyễn Thị Phương Loan” hai mươi mốt tuổi. Cụ bà Nguyễn Thi Thau, là mẹ của chị Gáo, than phiền với hàng xóm tị nạn là:
– Chèng đéc ơi!” Tôi đặt cho nó tên là Gáo, tức là gáo dừa để múc nước cho sạch sẽ và bền bỉ. Không biết ăn nhằm cái giống gì? mắc chứng gì? mà nó đổi tên thành “Lon!” [Loan] bằng sắt cho nó mau rỉ sét, mau lủng.
Với sự thay đổi đầy tiện nghi này, hy vọng rằng chị đã gặp được tình quân, có thể là cựu “Trung Tá Y Sĩ” hay cựu “Đại Tá” gì đó một cách mau chóng.
Cụ Lý Toét nằm chung lều [mỗi lều có khoảng 4 đến 6 gia đình tị nạn] với tôi đã 65 tuổi, tức là có lẽ đã tới tuổi về hưu hợp lệ ăn “tiền già” nếu sống ở đất Mỹ. Vì chúng tôi thuộc đợt thuyền nhân đầu tiên, ú a ú ớ, không có người hướng dẫn, cứ sợ ra khỏi trại Mỹ nó thấy tuổi già không mướn làm việc thì chết đói mất. Cụ khai lại, thụt bớt tuổi, chỉ còn có 55! Tôi đóan là cụ sẽ đấm ngực, sẽ kêu trời không thấu về cái lỗi lầm quá tai hại này! Bởi vì cụ còn phải “cày” thêm khoảng một chục năm nữa mới về hưu được! Có lẽ cụ đã qui tiên trước khi nhận cái “check” phụ cấp hưu trí đầu tiên của sở xã hội Mỹ. Tội nghiệp chung cho dân tị nạn, nhân bần chí đoản. Chỉ vì sự lo âu về sinh kế trên đất lạ mà đầu óc trở thành đặc kịt như khoai tây, không thể phân tích lợi với hại; hai mắt giống như mắt ngựa kéo xe bị che cả hai bên, không nhìn xa được. Cho nên tự ý khai báo lại, sửa đổi tầm bậy tầm bạ trong cái hoàn cảnh vô luật lệ, vô sổ sách này.
Thôi cụ à! Nếu cụ có lỡ qua đời rồi thì tôi cũng xin cầu chúc hương hồn cụ được mạnh giỏi, được an nghỉ vĩnh viễn không phải lo âu, bận tâm về sinh kế nữa!
2.
Gia đình Bác Toàn (không phải tên thật!) cũng ở chung lều với tôi, trong lần tiếp chuyện đầu tiên với Bác gái, Bác đã “khiêm nhường” thông báo cho tôi cái địa vị xã hội của gia đình Bác như sau:
– Ông nhà tôi là “cựu Đại Tá” của QLVNCH! Trước đây gia đình tôi làm chủ 3 tiệm thuốc tây ở Sài gòn. Gia đình tôi còn có cả một bầy vú em, con ở phục vụ. Bây giờ ở đây (trại tị nạn) cái gì cũng phải tự làm lấy. Thật khổ ghê!
Cô con gái lớn của Bác, người có cái nhan sắc giống như nhan sắc của anh hề Tùng Lâm, cứ luôn miệng than vãn là:
– Tiếc quá, lúc “chạy” không đem theo được “con nhỏ làm tóc.” Bây giờ đầu tóc như ổ quạ. Thật rõ chán!
Nhận xét của chị rất đúng. Tóc của chị cả lúc nào nhìn cũng giống như đau ban mới khỏi!
Lúc đó tôi ngây thơ, rất “nể nang” cái “danh giá” của gia đình Bác. Tôi vẫn tiếp tục giữ liên lạc, thăm hỏi gia đình bác nhiều năm sau khi ra khỏi trại tị nạn. Gia đình Bác được bảo trợ (sponsored) và định cư tại San Diego ngay từ ngày đầu của tháng 9 năm 1975. Bác trai sau này làm “Security Guard” và Bác gái chứa cờ bạc xì phé ở nhà để kiếm thêm tí tiền “xâu” cho ngân quỹ gia đình.
Năm 1984 tôi lập gia đình. Tôi đã mời hai bác tham dự đám cưới của tôi. Tại đám cưới này, tôi mới biết sự thật về cái “danh giá” của gia đình Bác. Đồng thời cũng tại đám cưới của tôi, Bác gái mới biết được là quả đất tròn; không có gì che dấu được lâu dưới ánh sáng mặt trời. Bác trai, trước năm 1975, là Trung Úy của Cục Tiếp Vận và làm dưới quyền của Trung Tá Chín. Trung Tá Chín cũng được ông Bố vợ tôi mời dự đám cưới của tôi vì Trung Tá hồi còn ở chức vụ Đại Úy / Thiếu Tá, đã từng là Sĩ Quan Tùy Viên cho ông Bố vợ của tôi. Hai thầy trò [Trung Tá Chín và “Đại Tá” Toàn] gặp nhau trong hoàn cảnh không có hẹn, xếp đặt trước tại đám cưới. Như tôi được giải thích rõ rằng hơn sau này, nhà Bác Toàn chẳng có làm chủ tiệm thuốc tây nào cả. Bác gái chỉ buôn lậu thuốc Tây lặt vặt [có thể là buôn bán thuốc Tây giả!] Nhà Bác ở trong một ngõ hẻm ở khu Trương Minh Giảng cũ. Đi bộ từ ngoài đường cái vào đến nhà Bác phải hát bài “Anh Đến Thăm Em Một Chiều Mưa” hết 3 lần mới đặt chân tôi cửa nhà Bác. Khi muốn trở ra đường cái từ nhà Bác, tốt nhất là phải nhờ con Bác dẫn ra; nếu không bảo đảm sẽ bị lạc nếu đến thăm nhà Bác lần đầu. Bác gái đã thật can đảm thăng một lúc 4 cấp cho Bác trai, từ “Trung Úy” lên tuốt luốt “Đại Tá” không phải tại mặt trận, mà tại trại tị nạn chỉ vài ngày sau “30 tháng 4 năm 1975.”
3.
Sự thay đổi địa vị xã hội tương tự như vậy không phải là hiếm. Anh binh nhì tự thăng cấp mình lên thành Thuợng Sĩ. Anh “Trung Sĩ Y Tá” thành “Trung Tá Y Sĩ.” Anh “Thư Ký Hành Chánh” thành Phó Tổng Giám Đốc ..v..v.. Người nào cũng làm quan lớn, chủ tiệm, chủ thương nghiệp, chủ chợ, chủ phố cho Mỹ mướn, chủ vựa cá, chủ đồn điền cà phê, chủ đồn điền trà, hoặc chủ ruộng đất cò bay thẳng cánh. Chẳng có ai làm lính trơn, chài lưới, cày ruộng, du đãng đường hẻm, cướp giựt hoặc ăn mày vô sản bần cố nông cả. Thật đúng là loạn! Không biết đâu là vàng, đâu là thau để xét đoán, lựa chọn. Nhiều cô gái ngây thơ nhẹ dạ, mắt mờ, tai ù sau khi say mê nghe các anh “tài tử” thuyết trình không nghỉ về cái lý lịch “trời ơi ất hỡi,” vô căn cứ. Các cô làm đám cưới vội vã với các anh có cái lý lịch “vàng son” này ngay tại trong trại tị nạn. Khỏi cần phải bàn thêm, các cô này bây giờ có lẽ đã thấy hoặc phát giác ra cái thực tế, cái lý lịch “lủng” của các thợ “phỉnh” một cách phũ phàng! Một số lớn các cô này đã trở thành nữ thi sĩ. Hèn gì! Thi sĩ Hà Huyền Chi đã có lần nhận xét như sau:
– Sau ngày “30 tháng 4 năm 1975,” văn đàn Việt Nam ở hải ngoại bị lạm phát thi sĩ.
4.
Việc học Anh Ngữ miễn phí trong trại tị nạn mới thật là ngoạn mục. Trong đời đi học của tôi, tôi chưa thấy bao giờ học sinh lại học chăm chỉ như vậy. Tôi nhớ hồi còn ở Saigon, Mẹ tôi phải chạy ngược, chạy xuôi vay nợ để cho tôi có tiền đóng tiền trường học thêm Anh Ngữ tại trường Nguyễn Ngọc Linh vào buổi tối. Thế mà tôi vẫn cố gắng tìm mọi cơ hội để “cúp cua” trốn học. Bây giờ thì tình thế hoàn toàn khác hẳn. Lính TQLC Mỹ đã dựng một số lều thật lớn để dùng làm lớp dậy Anh Ngữ. Thầy giáo, cô giáo hầu hết là những người Mỹ tình nguyện của các hội “Thiện Nguyện Tình Nguyện Nhân Đạo” (Voluntary Agencies – gọi tắt là cơ quan “Volag”) dậy học Anh Ngữ cho dân tị nạn. Họ không lãnh lương bổng gì cả. Sau giờ ăn chiều, chỉ chậm chân một tí là không tìm được chỗ ngồi trong các lớp học này. Phải đứng suốt mấy tiếng đồng hồ.
Những “sex symbol” của trại là các anh thông dịch viên, những anh trợ giáo (teacher aids) cho các thầy các cô người Mỹ của các lớp học Anh Ngữ này. Các anh trợ giáo nầy đại đa số là nhân viên cũ của sở Mỹ ở Việt Nam. Các anh trợ giáo nói Anh Ngữ nghe như gà tây kêu, thế mà sao lúc đó tôi còn dốt đặc như cán mai, không thể phân biệt được thế nào là hay thế nào là dở cả! Mọi người trong trại tị nạn ngưỡng mộ các anh trợ giáo như thần tương. Các em gái xinh đẹp thơ mộng của trại bị các anh này “cua” hết ráo! Dân tị nạn đực rựa độc thân thuộc lọai “ngọng” như tôi chỉ có nước ở giá, làm hội viên bất đắc dĩ của hội “người Việt dái khô” hoặc mang tâm sự buồn giống y hệt như tâm sự của cụ Tổng Thống Trần Văn Hương đã mô tả khi cụ còn ở tù trong thời kỳ chống Pháp dành độc lập:
“Ngồi buồn gãi háng, dái lăn tăn”
5.
Cụ Lý Toét luôn luôn chọn chỗ ngồi cạnh tôi trong lớp học anh ngữ. Lý do là chúng tôi ở chung lều, đã quen thuộc với nhau rồi. Kẹt kẹt, cụ phải cần phải hỏi tôi về anh ngữ thì cũng không ngượng. Cũng nên biết, cụ hỏi tôi không phải vì tôi giỏi dang gì! Nhưng vì tôi cũng đã biết “lõm bõm” Anh ngữ, còn cụ chưa từng đi học Anh Ngữ hay tiếp xúc với ngoại quốc bao giờ cả. Thắc mắc đầu tiên của cụ là:
– Này anh ạ, tiếng Mỹ sao quái đản quá vậy? “ai” [I] cũng là tôi, mà “mi” [me] cũng là tôi? Không biết đường nào mà lần. Anh chỉ tôi cách phân biệt “ai” với “mi” sau giờ học nhé.
Sau vài tuần lễ, cụ Lý Toét có vẻ tự tin hơn. Lớp học Anh ngữ đã tiến đến cấp khó hơn; có nghĩa là học trò phải tập nói làm một câu dài đầy đủ chủ từ, động từ và túc từ chứ không phải học từng chữ một như mấy tuần đầu. Thầy giáo cho học sinh trong lớp tuần tự đọc và áp dụng câu “this is a…”
– This is a door.
– This is a chair.
– This is a table.
Rồi đến lượt cụ Lý Toét. Thầy giáo chỉ vào một cái ghế bố [TQLC Mỹ phát cho mỗi dân tị nạn một ghế bố gấp lại được để làm vừa giường ngủ vừa làm ghế ngồi] xếp đứng ở trong góc lớp và ra dấu cho cụ lập câu và đọc. Mọi người đều được dịp cười gần bể bụng vị cụ Lý Toét dịch là:
– This is a “Chair Father!”
Ối giời đất ơi ! Cụ đã ghép chữ đúng theo nghĩa đen. “Ghế” là chair và “Bố” là father. Tôi phải giải thích cho cụ sau này tốt hơn là nên tránh dịch nghĩa đen như vậy. Mình nên học thuộc lòng cái danh từ Anh Ngữ của từng đồ vật hay người. Ghế bố phải được dịch là “Cot” chứ không phải là “chair father!”
6.
Anh “Thượng Sĩ” Tiến, người cũng ở cùng lều với tôi, sáng nào anh cũng ngồi trên ghế bố cầm đọc đọc tờ báo Anh Ngữ mà anh vẫn nhặt từ thùng rác do lính TQLC Mỹ quẳng để “hù” bà con láng giềng trong lều. Các cụ cao niên cứ tấm tắc khen anh Tiến là “giỏi quá, đã đọc được báo Mỹ rồi.” Riêng tôi, qua nhiều lần ngồi nói chuyện với anh về vấn đề học tiếng Mỹ, tôi vẫn có câu hỏi thật lớn là không biết anh Tiến có đủ trình độ Anh Ngữ đễ đọc báo Mỹ không? Nhưng dù sao tôi phải khen ngợi anh ở chỗ anh có cố gắng. Một hôm, sau khi đọc mục rao vặt, tìm việc, anh nói lớn, trống không để cho mọi người trong lều cùng nghe chứ không nói trực tiếp riêng với người nào cả:
– Ở ngoài [trại tị nạn] Mỹ họ mướn người “coi con nít trên xe buýt” mà cũng trả đến $2.10 một giờ [lương tối thiếu lúc bấy giờ.]
Vì có tính hiếu kỳ nên tôi mới hỏi anh:
– Cái nghề đó tiếng Mỹ gọi là gì đó anh Tiến?
Anh trả lời:
– Đó là nghề “Busboy.”
Tôi may mắn đã biết được nghĩa chữ nầy hồi còn đi học Anh văn buổi tối ở Sài Gòn, nên tôi nói:
– Không phải đâu anh. “Busboy” là người dọn bàn trong nhà hàng đó !
Nhưng anh Tiến cứ nằng nặc cãi cho bằng được “Busboy” phải là “coi con nít trên xe buýt.” Cuối cùng, tôi đành phải chào thua anh vì sự quả quyết cuả anh làm tôi cũng áy náy, ngờ vực không biết mình nhớ đúng hay sai!
Trong lớp học, anh là người hăng hái đưa tay hỏi thầy cô về mọi vấn đề của cuộc sống. Anh hỏi cả cách chửi thề bằng tiếng Mỹ như thế nào. (Nên biết anh Tiến hỏi thầy bằng tiếng Việt và câu hỏi được trợ giáo dịch ra Anh Ngữ để cho thầy hoặc cô trả lời). Riêng câu hỏi về chữ chửi thề bằng Anh ngữ, cô giáo trả lời là anh không cần phải học trong lớp. Khi ra khỏi trại, đời sống sẽ dậy cho anh biết một cách tự nhiên.
Có một lần, cô giáo yêu cầu anh dịch một câu ngắn làm thí dụ cho một đề tài về làm câu của buổi học. Anh Tiến dịch là:
– “Your eye is as beautiful as the stars (Mắt em đẹp như những vì sao!)”
Cô giáo khen là câu nói của anh Tiến rất “loãng moạng!” (Romantic). Nhưng rất tiếc là, theo lời cô giáo, người yêu của anh Tiến chỉ có một mắt !!! Câu này phải nên sửa lại là:
– “Your eyes are as beautiful as the stars.”
Sau này, tôi có dịp gặp lại anh Tiến ở San Jose khoảng năm 1992. Anh làm chủ một cây xăng Shell. Lúc đó có lẽ anh đã biết phân biệt số ít và số nhiều của danh từ Anh ngữ rành mạch hơn.
7.
(Một cảnh bên trong Tent City – Camp Pendleton California)
Khi làm giấy tờ định cư tại “bò-sát-sinh-sen-tơ” (processing center) trong trại. Tôi gặp một ông Mỹ trắng chỉ dẫn dân Việt tị nạn cách điền vào các mẫu đơn và hoàn tất hồ sơ nộp cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Rất đặc biệt là ông ta nói tiếng Việt trôi chảy. Tiếng Việt với giọng Quảng Nam mới ly kỳ. Tôi rất lấy làm thích thú vì trong khi mình còn ấp a ấp úng chưa nói được chữ tiếng Mỹ nào mà đã có người Mỹ nói tiếng Việt quá giỏi! Tôi tìm cách lân la lại làm quen với ông Mỹ này và được biết ông là Mục Sư Tin Lành đã từng làm việc Tuyên Úy cho quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Tôi hỏi Mục Sư:
– Thưa Mục Sư. Mục Sư có biết là đang nói tiếng Việt với giọng “Quảng Nam” không?
Mục Sư trả lời:
– Tôi biết chứ! Ông thầy tôi là người “Đè Nẽng” mà! Tôi còn phân biệt được giọng Bắc, giọng Nam và giọng Huế nữa.
Tôi hỏi thêm:
– Thế Mục Sư đã có gặp những trường hợp khó khăn nào khi giao thiệp với người Việt bằng tiếng Việt Chưa?
– Có nhiều lần rồi! Trong một lần đọc bài giảng [sermon] cho giáo dân tin lành người Việt trong trại tị nan. Tôi lấy làm lạ vì thấy họ cười khúc khích. Sau buổi lễ, hỏi ra thì tôi mới biết là tôi dùng dấu chữ Việt trật lất làm cho ý nghĩa thay đổi hết. Thay vì tôi muốn nói: “Chúa ‘ban’ phước lành cho anh chi em [God bless you all.]” Tôi lại nói là: “Chúa ‘bán’ phước lành cho anh chị em [God sell the blessing to you all!]” Trong một lần khác, tôi nói: “con chim nó ‘ngồi’ trên cây [the bird is sitting in the tree.]” Đáng lẽ tôi phải nói: “con chim nó ‘đậu’ trên cây mới đúng.”
Tôi xin bái phục vị Mục Sư Mỹ này làm Sư Phụ.
8.
Năm 1976, tôi và tám chín đứa “tứ cố vô thân” và “thất cơ lỡ vận” giống như hoàn cảnh của tôi, mướn chung nhau một “apartment” 2 phòng ngủ ở San Diego – California và chia nhau tiền thuê mỗi tháng cho đỡ tốn kém vì đứa nào cũng làm lương tối thiểu cả. Mỗi lần, vì một lý do nào đó, “Manager” của khu “apartment” đến thăm, thì đám “tứ cố vô thân” vội vàng chạy trối chết trốn vào trong các tủ (closets) quần áo, bởi vì điều lệ thuê nhà không cho phép người thuê ở quá đông như vậy. Họ biết sẽ đuổi cổ ra khỏi “apartment.” Thật tội nghiệp! Bạn cứ tưởng tượng quang cảnh chúng tôi lúc đang ăn cơm vội vàng bỏ bát đũa chạy vào tủ quần áo để trốn; giống hệt như lúc bạn bước vào bếp buổi tối, bật đèn lên rồi nhìn thấy một đàn gián (cockroaches) chạy bán sống bán chết vào các góc kẹt trong nhà bếp vậy!
Trong đám “tứ cố vô thân” này có anh “roommate” Sĩ Phú. Anh Phú, chẳng những là một ca sĩ tài danh mà còn là một Thiếu Tá phi công trực thăng của KQVN. Anh Phú nói tiếng Anh rất giỏi vì anh Phú đã được đi học lái trực thăng tại Hoa kỳ. Anh Phú chạy qua Mỹ với cùng tình trạng “khố rách áo ôm” như tôi. Anh “độc thân tại chỗ” vì bỏ lại vợ và 5 con ở Việt Nam. Lâu lâu, cuối tuần mấy anh em thường rủ nhau đi nhà hàng Mỹ để nghe nhạc sống cho đỡ buồn. Một hôm, vì ngứa nghề, anh Phú lên nói với anh chàng Mỹ trưởng ban nhạc là anh muốn được lên hát góp vui một bản nhạc. Không biết anh nói thế nào mà anh trưởng ban nhạc, sau đó, nói qua cái “microphone” tuyên bố với tất cả thực khách là:
– Ladies and Gentlemen, this is my honor to introduce to you our special guest singer, Mr. “Seafood” who will sing for us a beautiful hit song, the “Unchained Melody.”
Từ sau hôm đó, anh Phú có cái “nickname” là “Mr. Seafood.”
Đến khi tôi thấy đã khua rồi, ngày mai còn phải dậy sớm đi cày. Tôi nói với đám “tứ cố vô thân:”
– Thôi mình đi về đi! Mai còn phải dậy sớm đi làm.
Anh Phú trả lời là:
– Mày chờ tao vào “restroom” để “giặt” [wash] bộ râu xong rồi mới về nghe. [Anh Phú có râu như Tướng Kỳ!]
Sau này, khi có dịp gặp lại anh Phú lúc anh còn sống, tôi vẫn thường nhắc lại với “Mr. Seafood” về cái kỷ niệm này.
9.
Hôm nay, cái “nạn” của đất nước đã đánh dấu năm thứ 41. Nhiều người tị nạn trong chúng ta đã đổi quốc tịch để thành “Mỹ vàng!” Tên họ được viết đảo ngược (tên gọi đặt trước tên họ). Nhiều “Mỹ vàng” còn tiến bộ hơn, đổi cả tên lẫn họ thành tên Mỹ. Anh bạn Nguyễn Văn Tèo bây giờ trên giấy tờ là “Tony Newell !” Lúc đầu đọc nghe thấy kỳ kỳ; nhưng riết rồi cũng quen. Tôi còn nhớ lúc anh Tèo mới vào quốc tịch với cái tên mới Tony, bạn Mỹ gặp anh trên đường phố, gọi anh: “Tony, Tony …” Vậy mà anh nghe thấy, vẫn cứ bước đi thẳng như không có chuyện gì xẩy ra! Chính ngay anh cũng quên tên mới của anh là “Tony!” Có một lần anh đi ra tiệm giặt ủi của Mỹ để lấy quần áo giặt ủi về. Bà chủ tiệm người Mỹ nhìn cái biên nhận với cái tên mới “Tony Newell” của anh, rồi bà ta nhìn anh nói là:
– You do not look like “Tony Newell” to me!
10.
Mấy chục năm trời đã trôi qua mà cứ tưởng như mới ngày hôm qua. Đầu óc tôi cứ lơ đãng để ở một nơi nào đó ở Phi Luật Tân. Tôi chợt bừng tỉnh với cái thực tế của hiện tại khi thằng con trai năm tuổi của tôi gọi to:
– Bố! bố! “Giặt” cái đầu cho con. Xà bông đang chẩy vào mắt con “nóng” quá!
Tôi nghe mà không khỏi vừa cười thầm vừa lo âu! Cười thầm vì tiếng Việt đã bị Mỹ hoá nghe khôi hài, ngớ ngẩn. Lo âu vì không biết tương lai tiếng Việt trên đất Mỹ sẽ đi về đâu? Chính bản thân tôi tiếng Mỹ đã không thấy giỏi hơn chút nào mà tiếng Việt đã quên bớt đi rất nhiều. Lo âu cho thế hệ con, thế hệ cháu về sau này? Không biết tiếng Việt có trở thành “endangered species” giống như voi và tê giác ở Phi Châu đang bị giết để lấy ngà làm đồ trang sức và sừng làm thuốc bắc hay không?
Trở về thăm quê nhà, nói chuyện với bạn bè cũ, láng giềng cũ thì sự lo âu đó càng to lớn hơn. Mình là người ngọai quốc sống trên đất Mỹ đã đành. Bây giờ, mình cũng lại là người ngoại quốc đối với ngay quê hương cha sanh mẹ đẻ của mình. Đó là cái giá mà mình phải trả cho sự tự do. Đành phải chấp nhận “gặp thời thế, thế thời phải thế.” Người Việt ở quê nhà bây giờ đang nói tiếng Việt với chữ Việt khác hẳn với chữ Việt như hồi tôi còn sống ở quê nhà. Nhiều khi tôi phải nhờ người nhà giải nghĩa mới hiểu! Trời đất!
“Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này!”
(Nguyễn Công Trứ – “Quân Tử Cố Cùng”)
.
“Xin trời đất thương cho nước Việt và dân Việt!” Tôi vẫn cầu nguyện.
___________
Tái Bút:
1.
Để tặng các cô gái nhẹ dạ đã vội vàng lỡ lấy lầm các anh “tài tử” có vợ năm sáu con ở trong trại tị nạn, tôi xin phép chép lại các dòng nhạc, câu đối và câu thơ câu sau đây:
Tình là tình, nhiều khi không mà có!
Tình là tình, nhiều lúc có như không?
(Lời Nhạc của bài “Tình Có Như Không” – Trần Thiện Thanh)
Vợ Cả, Vợ Hai, Vợ Ba
Cả hai ba vợ đều là vợ cả!
(Vè dân gian ?)
Trót lỡ nên em phải đợi chờ
Chợ đời em hỡi đã buồn chưa
Chừa buôn, chừa bán chừa ân ái
Ai ấn mà em đã vội chừa!
(Tú Mỡ – Hồ Trọng Hiếu)
2.
Để tặng các cô khác may mắn hơn, lấy được chồng “hiền,” tôi xin chép các dòng thơ sau:
Một, em ham diện, ham vui
Nên anh tất bật đua đòi quanh năm
Hai, em bếp núc khó khăn
Khiến anh bể bụng, lên cân dài dài
Ba, em văn nghệ lai rai
Nên anh với rượu gỡ hoài chẳng ra
Bốn, em quen thói thật thà
Nên anh lộ cái điêu ngoa bao lần
Năm, em ghét nợ, ghét nần
Nên chi thẻ nhựa một thân anh cà
Sáu, em cây lá đầy nhà
Em lo cho chúng hơn là cho anh
Bẩy, em ăn ở chí tình
Nên anh mang tiếng ma lanh dối đời
Tám, em khéo nết đẹp người
Giận gì em cũng mỉm cười làm duyên
Chín, em giả bộ Ðiêu Thuyền
Khiến anh, Lã Bố tốn tiền mua hoa
Mười, em hung dữ như ma
Ðôi khi đổ cửa nát nhà vì ghen.
(“Mười Ghét” – Hà Huyền Chi)
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh.
Chín thương em ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.
(“Mười Thương” – Ca Dao )
3.
Xin hiểu là tên tất cả các nhân vật được đề cập trong bài này đều không phải là tên thật. Ngoại trừ tên anh Sĩ Phú.
Thân mến,
Trần Văn Giang