Mần chưa đúng ý

.

KhongTu

 

Hoa Hâm, trấn giữ đất Kinh. Một hôm có tin vua Nghiêu sẽ đến thăm, liền triệu tập các quan đến mà nói rằng:

– Nhà Đường thịnh trị, tiền bạc dư thừa, dân chúng lại khỏe mạnh ấm no. Nay ta không biết phải tiếp đón làm sao đây nữa?

Chúng tướng nhất thời im lặng. Kẻ vò đầu. Người bứt tóc. Lại có kẻ nhìn lên xà nhà tìm ý tưởng cao siêu. Chợt có Tử Hớn làm đến chức Tham tướng bước ra nói:

– Làm người ai cũng muốn sống lâu, dù miệng cứ nói phải tích đức để về nơi miên viễn, nên hạ thần trộm nghĩ: “Vua Nghiêu nổi tiếng là người hiếu thảo, thì phải khoái sống lâu, bởi có sống lâu mới dễ chu toàn đường hiếu đạo. Vậy, cứ chúc vua Nghiêu sống thọ là bình tâm chắc cú.”

Hoa Hâm sáng rỡ cả mặt mày. Gật gù nói:

– Được! Được! Không rượu mà tán vẫn hay. Thiệt không hổ danh là hàng khanh tướng.

Tử Hớn chưa kịp lui về. Chợt có Vương Khả là quan coi về kho lẫm bước ra nói:

– Muốn hiếu thảo thì phải có tiền. Không có tiền thì dù có thương mẹ đến đâu cũng khó vuông tròn cho được. Vua Nghiêu dù giàu, nhưng ở đời mấy ai giàu mà dư, nên vua Nghiêu cũng không ra ngoài thông lệ đó. Vậy, bên cái thọ thì phải chúc… cái giàu, đặng sống dài dài khỏi thiếu hụt kim ngân, mới bình yên vui sướng.

Hoa Hâm nghe Khả nói vậy, liền đập bàn một cái… chát, khoát tay nói:

– Sống lâu mà nghèo, sao bằng sống ít mà giàu. Thiệt là đúng lắm.

Chư tướng từ nãy giờ, thấy sắc mặt của Hoa Hâm biến đổi từ rầu sang vui, bèn thở ra một cái như cất đi ngàn gánh nặng. Chợt có Tử Kính là quan lo về việc dạy học, bước ra nói:

– Vua Nghiêu chỉ có một đứa con trai. Tuy mới mười hai tuổi đã thích đàn ca hát xướng, lại chuộng đá gà, nên cách ăn nói thuộc dạng phàm phu tục tử, khiến vua Nghiêu bụng dạ nát tan, cơ hồ như có ai xách chỉa ba mà lụi vào lòng. Theo điều ấy mà xét, thì vua Nghiêu ắt mong một đứa con khác để trao gởi giang sơn, xiển dương điều hiếu đạo. Thần nghĩ : Bên cạnh chúc tho. chúc giàu, thì nên chúc cả thêm con, mới ngon lành hết ý!

Hoa Hâm khoan khoái đến cùng cực, bởi không nghĩ sự việc lại giải quyết dễ dàng mau như thế, nên nhẹ cả tim gan, cao hứng nói:

– “Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở. Vô tình tiếp liễu, liễu xanh um.” Chuyến này quả là trời giúp ta vậy.

Tối ấy Hoa Hâm về nhà. Vợ là Hàn thị ở thư phòng lúc thúc chạy ra, hớt hãi nói:

– Thiếp ở nhà chấm số Tử vi, mới hay bổn mạng chàng tháng nay không ổn. Lớp thì tuần triệt, lớp lại bị sao Thái tuế chiếu vào, khiến trong lòng thấp thỏm không yên, nên đã sai gia nhân sắp đặt bàn hương án. Trước là lễ Cậu Bà, sau xin được bình an, sau nữa xin chấm dứt chuyện… tuyển phi tần không tốt. Hoa Hâm nhìn vợ, rồi đưa tay phất một cái. Phơi phới đáp:

– Cậu Bà ở cõi trên, bận rộn với bao lời van nài của bàn dân bá tánh, mà nàng lại nỡ đặt thêm gánh nặng trên vai, thì dẫu không chết cũng xơ mình xơ mẩỵ…

Rồi ngẫm nghĩ một chút, lại từ từ nói tiếp:

– Số phận của một con người, tùy thuộc vào nhiều thứ. Chớ không hoàn toàn ở một trăm hai mươi tám ông sao kia, thì nàng để ý mần chi cho nhọc mình mệt óc?

Hàn thị cứ ngỡ khi được báo tin, chồng sẽ hôn trên tóc nồng một cái, nào dè lại trớt quớt ngọn tre, bèn bứt rức nói:

– Làm thế nào tiện việc cho mình mà không gây phiền sang người khác, mới là bậc trượng phu, xứng danh người quân tử. Còn chàng, trước là xem nhẹ lời khuyên, sau coi thường tâm ý. Thử nghĩ có nên chăng?

Hoa Hâm thấy sắc mặt của vợ đổi thay như thời tiết, thì bấn loạn tim gan, thảng thốt nói:

– Mọi việc ở đời đều do duyên nghiệp mà nên. Cần phải thuận theo tự nhiên chớ đừng có miễn cưỡng. Nàng tâm thành là vậy, nhưng số mạng lại… kia, thì trách ta làm chi cho ủ ê đời xuân sắc?

Mấy ngày sau, vua Nghiêu đến thăm. Hoa Hâm vòng tay nói:

– Xin kính chúc bệ hạ sống lâu, ra ngoài trăm tuổi.

Vua Nghiêu nghiêm mặt đáp:

– Người xưa có nói: “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường, là hai điều rất cần cho cái đạo làm người.” Đọc nhiều sách để trau dồi kiến thức, đi nhiều dặm để chứng thực điều đã học. Nay ngươi lại chúc ta ra ngoài trăm tuổi, chỉ là khiến cho ta phải muộn phiền thêm nữa mà thôi…

Rồi thở ra một cái, bực bội nói tiếp:

– Đã là người thì tránh đâu cho khỏi sinh bệnh lão tử, mà ngươi lại chúc ta… lão dài dài, thì chẳng những mắt mờ không đọc được, mà đầu gối mõi mòn còn lặn lội đi mô? Sống trong cảnh đó. Thà thác mà đầu thai qua kiếp khác, vẫn hơn húp cháo trắng mà nhìn trời hiu quạnh. Nếu ngươi thật lòng muốn chúc phúc cho ta, thì đừng bao giờ chúc tào lao như rứa!

Hoa Hâm tái mét cả mặt mày, miệng mồm cứng lại. Chợt có phó tướng đứng ở đàng sau kéo nhẹ vào bâu áo. Hâm vội thưa rằng:

– Kính chúc bệ hạ giàu có cao sang. Tiền vàng đếm mỏi tay mà chẳng bao giờ đếm hết.

Vua Nghiêu nghe tới tiền, mặt bỗng sa sầm… như gió lạnh mùa đông, lớn tiếng nói:

– Ta là cha thiên hạ, dĩ nhiên là giàu. Nay ngươi chúc ta được giàu thêm, thì chỉ có cách đánh tràn qua nước khác, mà một khi đánh tràn qua nước khác thì máu đổ thịt rơi. Mần răng ta làm được? Cầm bằng như cho vay lấy lãi, thì mẹ già đang hiện tiền. Lẽ nào im lặng mà coi được hay sao? Chừng lúc ấy, một bên là ngân bạc trắng phau, một bên là mẫu tử đậm đà. Làm sao ta tính?

Hoa Hâm chúc hai lần, trớt quớt cả hai, liền tối tăm mặt mũi, nhưng nghĩ tới lời thứ ba may ra còn vớt được, bèn gắng sức nói:

– Kính chúc bệ hạ được nhiều con trai, cho lòng vui khoan khoái.

Vua Nghiêu đang bực tức là vậy, chợt nghe tới con, gan dạ cháy phừng phừng, tức tối nói:

– Con trai đông thì được cái gì? Đứa đá gà, đứa bài bạc, đứa đua ngựa đua xe, đứa gom tiền cho em út. Ta thà chẳng có còn hơn!

Đoạn uất ức nói:

– Mới mười hai tuổi đã cá độ. La rầy thì vợ giận, đánh đập thì mẹ la. Thiệt ta không biết phải làm sao đây nữa?

Rồi dõi mắt nhìn vào cõi xa xăm, đau đớn nói:

– Trị quốc dễ hơn tề gia. Thiệt là đúng lắm!

Đoạn quay mình đi tuốt. Tối ấy, Hoa Hâm không tài nào ngủ được, bèn thơ thẩn ở vườn sau, mà nghe nỗi cô đơn chảy tràn trong huyết quản. Bất chợt có tiếng nói rằng:

– Phàm là đại trượng phu, việc đáng làm thì làm, đáng bỏ thì bỏ. Tại sao phải lưu luyến như nhi nữ thường tình? Chủ nhân thua chuyến này chỉ vì binh sai chớ không phải bất tài. Hà cớ chi phải buồn lo như thế?

Hoa Hâm giật mình dừng lại, thời nhận ra đứa tỳ nữ của mình, liền sửng sốt nói:

– Ngươi lau chùi nhà cửa, xắt thịt thái rau, mà lại dám đoán chuyện thiên hạ, là cớ làm sao?

Tỳ nữ nhỏ nhẹ đáp:

– Lời chúc của chủ nhân, là ước mơ của bao người vươn tới. Vua Nghiêu không phải là không hiểu, nhưng chỉ vì không trúng ý của người ta, thành thử mới ra điều như vậy. Xem thế đủ biết cùng, thông, họa, phúc, đều do cơ duyên mà ra cả. Chớ không phải cưỡng cầu mà toại ý được đâu!

Hoa Hâm ngạc nhiên đến cùng cực, bởi không thể tin được đứa nữ tỳ lại có thể giải bày như thế, liền nắm chặt đôi tay, gấp gáp nói:

– Thật không ngờ ngươi cũng là người có lý lẽ. Vậy ngươi hãy từ từ nói thử ta nghe. Nếu lọt tai thì ta sẽ trả giấy nợ cho ngươi, được quay về quê quán.

Tỳ nữ nghe vậy, liền cười mĩm chi một phát, mà nói rằng:

– Sống lâu, giàu có, lắm con. Cứ kể ra ở đời là quá sướng, ai lại chẳng mong cầu, nên thiên hạ cứ chúc tụng lẫn nhau là vì duyên cớ đó. Nhưng xét lại, có khi, sống lắm nhục nhiều, nhưng đã mấy ai gật đầu khi số tới? Còn nhiều của nhiều tiền, lắm khi lại làm hại mình, hại cả đám con, thành thử những cái thế nhân thường cho là sướng hóa ra là cái khổ. Vua Nghiêu chắc chắn hiểu được chuyện này, nhưng trong lòng vẫn bực tức, là vì cái mong đợi thì chủ nhân lại cứ im ru. Chẳng buồn nhắc đến!

Hoa Hâm như trên trời rớt xuống, ú ớ nói:

– Do đâu mà ngươi lại kết tội ta lẹ làng mau như thế?

Tỳ nữ cúi mặt nhìn xuống đất. Thẹn thùng đáp:

– Bọn ngự lâm quân kể cho thị tỳ nghe. Chớ tuyệt nhiên chẳng phải thị tỳ giỏi giang gì hết cả.

Hoa Hâm bỗng dưng bị kéo vào câu chuyện, mỗi lúc một gay cấn, nên không giữ được bình tĩnh, đến nỗi nắm tay đứa thị tỳ lúc nào cũng chẳng biết. Đã vậy còn dzọt miệng nói:

– Ta bị nhồi máu cơ tim, mà ngươi úp mở kiểu này, thì có khác chi… đứng thay phần số mệnh. Ta không chịu đâu!

Thị tỳ hốt hoảng đáp:

– Bọn ngự lâm kể với thị tỳ rằng: “Vua Nghiêu nổi tiếng là người hiếu thảo, nên chuyện nhỏ chuyện to đều vào hỏi mẹ, mà mẹ lại khoái hoàng hậu nương nương, nên chuyện ái phi cứ… ngàn reo trong gió. Vua Nghiêu thấy thế mới gọi Hòa Công là Tổng thái giám đến mà hỏi rằng: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn, nhưng ta lại muốn tát với ái phi, thì phải làm sao?” Tổng quản đáp: “Lấy cớ đi xem dân tình, rồi lén đưa ái phi theo, thì… công, tư, sẽ ngon lành hết cả.” Vua Nghiêu lại hỏi: “Nếu hoàng hậu đòi đi thì ta phải làm sao?” Tổng quản lẹ miệng đáp: “Phụng dưỡng cha mẹ là điều quan trọng. Chỉ xin hoàng hậu ở nhà săn sóc, thì ân nghĩa ấy nguyện đời sau báo đáp.” Vua Nghiêu trố mắt hỏi: “Sao lại phải để đến đời sau báo đáp?” Tổng quản nhỏ giọng thưa: “Kiếp này đền cho ái phi, nên phải hẹn kiếp sau là như thế.”

Rồi ngước mắt nhìn Hoa Hâm. Tha thiết nói:

– Ăn cây nào rào cây ấy, mà phải rào kỹ kỹ để con cháu mai nay có trái mà ăn, nên đến với chủ nhân tỏ bày gan ruột. Trước là tròn thân tình chủ tớ, sau đáp tạ phần nào ân nghĩa nặng mang, sau nữa chén cơm ăn cũng còn đang giữ được…

 

Mõ Sàigòn

 

Mần chưa đúng ý – Mõ Sài Gòn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *