Chuyện “Buồn”
.
Thưa quý vị,
Tiện nhân xin mau mắn lưu ý trước với quý vị đây không phải là bài viết về “Chuyện tình buồn” hay “Câu chuyện thương tâm” mà là chuyên tạp nhạp nói riêng về chữ “BUỒN.” Quý vị nào cảm thấy không có thời giờ cho loại chuyện nhảm nhí này thì quý vị có thể thong thả lật qua trang khác. Không có ai phàn nàn; và cũng chẳng có gì thiệt hại gì cả.
Buồn (nếu cộng thêm cái “đói” nữa thì càng tốt!) là nguồn cảm hứng vô tận cho thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác lênh láng. Buồn phần lớn gây ra từ sự mất mát một cái gì thương, quýcủa mỗi người: cha mẹ qua đời, mất tình nhân, mất vợ, mất con, mất việc, mất của, mất nhà, mất… nước… mất hết sạch; hay là có một chuyện không may, bất hạnh xẩy đến: thi rớt, bệnh tật, tai nạn… Buồn không phải là của riêng của mấy ông nghệ sĩ, văn thi sĩ. Quý vị đôi khi cũng cảm thấy buồn, cũng gặp chuyện buồn. “C’est la vie – Cuộc đời là như vậy.” Buồn đôi khi lại cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của mỗi người mới óai oăm chứ! Bởi vì phải có nó quý vị mới hiểu được thế nào là hạnh phúc, thế nào là may mắn.
Thời gian buồn có thể ngắn hay dài tùy mỗi hòan cảnh. Nhưng vấn đề cực đoan của buồn là sự buồn triền miên, sự rầu thúi ruột thúi gan không chịu ngừng. Ái chà chà! Cái mẻ này có thể đưa các quý vị đến trường hợp mà các chuyên gia y tế gọi là “trầm cảm (depressed!)” Nhiều người trong chúng ta mặc dầu cũng đã biết đọc biết viết, chẳng phải là mù chữ; có ăn học đàng hòang, không phải là ngu muội (vâng! kể cả tiện nhân) vẫn còn hiểu lờ mờ về cái “chùm” chữ lạ lùng này. Tiện nhân nhờ ơn thầy phước chủ có công việc làm ăn tương đối nhẹ nhõm một tí; thành ra cũng “quởn,” sau đây sẽ cố gắng dành chút thời giờ tìm hiểu một chút dùm quý vị về cái “chùm” này làm phước (???) Nên biết, nhiều đọc gỉa coi cái việc “làm phước” này của nhà cháu là “rửng mỡ.” Tiện nhân cũng từ bi hỉ xả không sao đâu!
Thú thật. Văn hóa Á châu của nhà ta dù sao vẫn còn có cái nhìn phiến diện về vấn đề “trầm cảm;” Không xem trầm cảm là một chứng bịnh suy nhược tâm lý cần phải được chữa trị, mà lại xem đó như là “sự yếu đuối, nhu nhược” chỉ dành cho “nhi nữ thường tình…” Nguyên nhân gây trầm cảm thường phải là một biến cố, một thay đổi xúc động mạnh hay là sự lo âu phiền muộn trường kỳ, ngày này qua ngày khác. Xúc động và phiền muộn này chi phối hòan tòan các sinh họat hàng ngày của quý vị. Triệu chứng sẽ là sự mệt mỏi chán nản, đăm chiêu tư lự, sụt cân, mất ngủ triền miên (hoặc ngủ li bì hay chỉ ngủ lơ mơ mê sảng), họat động rời rạc, bất lực hoang mang, mặc cảm tội lỗi, đầu óc tối đen, yếm thế chán đời… Những triệu chứng đã kể có thể còn kèm theo các dấu hiệu như lơ là buông trôi mọi việc ngay cả những họat động mà trước đây quý vị vẫn thấy rất thích làm (và làm đến chết bỏ!) cáu kỉnh vô cớ và đầu óc lờn vờn ý định tự tử…
Chẳng may mà quý vị thấy cái nguyên nhân lẫn triệu chứng mà tiện nhân vừa liệt kê dài giòng sao mà nó hao hao giống tình trạng sức khỏe hiện thời của quý vị; thì nhà cháu xin quý vị bỏ chút thời giờ rã rượi để đi gặp bác sĩ chuyên ngành tâm thần, nói với họ tất cả những điều u uẩn, uất ức khổ đau ra. Cũng còn may là bây giờ khoa học đã có cách trị liệu đàng hoàng rồi. Không còn ấm ớ quờ quạng như thuở trước. Đừng có mất thời giờ đóan mò hay tự chẩn bệnh lấy một mình rồi uống ào ào ba cái thứ thuốc vườn tầm bậy tầm bạ bỏ mạng lảng xẹc – như trường hợp của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Nên biết, theo tài liệu mới nhất cung cấp từ ông Nguyễn Bá Tín em ruột của thi sĩ Hàn Mặc Tử (tên thật là Nguyễn Bá Trí), thì thi sĩ chết bất đắc kỳ tử vì sau khi phát giác thấy mình bị bệnh cùi, thi sĩ quá sợ sệt, lo âu (hồi nào đến giờ bịnh nhân cùi đều bị kỳ thị chết bỏ !) uống ba thứ thuốc vuờn của mấy anh lang băm đường hẻm làm hư hết lục phủ ngũ tạng; chứ không có ai từ khi phát giác ra bệnh cùi mà chết trong vòng 5 năm hết trơn hết trọi! Bệnh này coi vậy mà sống dai lắm (ít nhất cũng 10-15 năm trở lên!) Nếu không, văn học sử Việt Nam còn có thêm biết bao nhiêu bài thơ bất hủ khác của thi sĩ Hàn Mặc Tử nữa? Thi sĩ Hàn Mặc Tử chết lúc mới vỏn vẹn có 28 cái xuân xanh à! Thật uổng, thật tội nghiệp!
Xin quý vị ráng mà “de” ra xa xa khỏi ba cái vụ buồn bực cực đoan vừa kể dài dòng văn tự đó dùm cho tiện nhân nhờ một tí. Buồn đến rồi buồn lại đi có sao đâu! Sau cơn mưa trời lại sáng mà. Ông Trời có nhiều chuyện để làm; đâu có thời giờ làm mưa gió bão hòai hòai trên đời tư của quý vị! Nghi lực, chí trai, “ọoc môn” của quý vị ở đâu? Cất dấu ở đâu rồi, đem ra xài đi để “cố ngăn dòng nước mắt” khi buộc lòng phải đứng trước hoàn cảnh ngang trái cay đắng (chỗ này có thể sửa soạn vô 6 câu vọng cổ được rồi!)
Bây giờ xin nói một chút về chuyện “Buồn” của mấy ông thi sĩ. Các ông thi sĩ tài tình thật! Các ông này nhìn cái gì cũng thấy ra được cái “Buồn.” Các bộ phân của cơ thể, các động tác của cơ thể đều có thể buồn lúc nào cũng đặng!
Chẳng hạn như:
“Ngồi buồn” – Đầu tiên là thi sĩ Tản Đà không có chuyện gì làm, ngồi “buồn” viết thơ hỏi trời xin cưới tiên nữ chơi. Sướng không! Ông hạ bút là:
Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ,
ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời
xem thơ trời cũng nực cười
cười cho hạ giới lắm người oái oăm.
(“Hỏi Vợ” – Nguyễn Khắc Hiếu)
Và Cụ Trần Văn Hương:
Ngồi buồn gãi háng d’… lăn tăn.
(“Lao trung lãnh vận” – Cụ làm trong lúc ở tù)
Đến “nằm buồn” – Lại cũng ông Tản Đà nữa:
…
Nguyên lúc canh ba nằm một mình,
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh.
Nằm buồn, ngồi dậy đun nước uống,
Uống xong ấm nước, nằm ngâm văn…
(“Hầu trời” – Tản Đà)
Rồi “đứng buồn” – Của Xuân Diệu:
Gió sáng bay về, thi sĩ nhớ;
Thương ai không biết, đứng buồn trăng.
Huy hoàng trăng rộng, nguy nga gió,
Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng.
(“Buồn Trăng” – Xuân Diệu)
Thôi thì “đi buồn” – Của Phạm Thiên Thư
nghe chừng gió cuộn đâu đây
bãi xa tiếng quạ dâng đầy nước sông
ta về người đi buồn không
muà mua hoa trắng cho lòng nhớ em
(“Trăng” – Phạm Thiên Thư)
Các bộ phận của cơ thể mà cũng biết buồn (?) chẳng hạn:
“Mắt buồn” – Nguyên Sa nhìn mắt vợ ông ta buồn, thấy sao nó quen quen, giống giống con gì?
Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
(“Nga” – Nguyên Sa)
“Tóc buồn” – Tóc mà cũng biết buồn (!)
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây muà thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
(“Đây Mùa Thu Tới” – Lưu Trọng Lư)
“Ngón tay buồn” – Cả mười ngón tay đều biết buồn cùng một lúc mới ngầu!
Mười ngón tay buồn chưa ráo lệ
Một cung bạch ngọc náo trường canh
Tay run điệu múa hương rừng thắm
Biển vọng hồi âm ngẩn mắt xanh
(“Đàn Thu Tay Ngọc” – Đinh Hùng)
“Vai Buồn” thấy nhan nhản. Liệt kê ở đây chỉ là tượng trưng thôi!
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng
(“Áo Lụa Hà Đông” – Nguyên Sa)
Ôi em yêu, em nũng nịu vai buồn
hãy trả chị những u sầu chợt vướng
(“Những Cành Tôi Gãy Nửa” – Tuệ Mai )
Buồn vì hòan cảnh, thế thái nhân tình:
“Buồn vì thi rớt” – Tú Xương viết:
Bụng buồn còn muốn nói năng chi?
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.
(“Buồn thi hỏng” – Trần Tế Xương)
Buồn Đời” – thì có Nguyễn Công Trứ ngâm nga:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
(“Cây Thông” – Nguyễn Công Trứ)
Buồn vì cảnh và sự vật chung quanh:
“Cảnh buồn” – Bà Hồ Xuân Hương cảm thấy buồn khi thăm ngôi chùa vắng tanh như sau (nhớ đọc kỹ lại các chữ nói lái trong bài này!)
Quán sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
Sáng banh không kẻ khua tang mít,
Trưa trật nào người móc kẽ rêu.
Cha kiếp đường tu sao lắt léo,
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo.
(“Chùa Quán Sứ” – Hồ Xuân Hương)
Dòng nước chẩy cũng biết buồn!
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay ?
(“Đây Thôn Vĩ Dạ” – Hàn Mặc Tử)
“Tình buồn” – Ôi thôi thứ buồn “tiểu tư sản,” xa xỉ này nhiều lắm, đủ thứ tình này… tình kia … kể không làm sao mà hết được:
Khi sông lỡ chia dòng
Nghĩa gì đục hay trong
Nói gì trăm bến lạ
Khi tình buồn mênh mông
(“Khi Em Làm Biển Dâu” – Hà Huyền Chi)
Và khó hiểu nhất là buồn mà không hiểu tại sao (không biết có cần đi khám bác sĩ không nhỉ???)
Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn…
(“Chiều” – Xuân Diệu)
Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, còn có một tập thể lớn cùng một lúc đang mạnh giỏi yêu người, yêu đời bỗng nhiên bến thành buồn thiu… thật buồn. Đó là nhửng “người di tản buồn!” Như đã nói, buồn là nguồn cảm hứng vô cùng tận cho thi nhân; cho nên ông Hà Huyền Chi đã có lần nhận xét là:
“Sau 30 tháng 4 năm 1975, văn đàn hải ngọai lạm phát thi sĩ!”
Tiện nhân đếm được hơn một nửa số dân di tản đều có khả năng làm thơ, mà bài thơ nào cũng hay tuyệt cú mèo mới chết người chứ! Quý vị cứ thử tìm đọc mục tin tức văn nghệ của báo chí hải ngọai (cho không, miễn phí ở chợ Việt Nam) thì thế nào mỗi báo, mổi kỳ cũng thấy có đăng một vài thi sĩ tị nạn ra mắt tập thơ mới!
Về phần âm nhạc, chủ đề buồn (tình buồn, đời buồn, cảnh buồn…) rất phổ thông đối với các nhạc sĩ sáng tác. Riêng cá nhân tiện nhân thấy có các bài ca “Buồn” sau đây là được ưa chuộng nhất:
Thứ nhất là bài “Buồn ơi xin chào mi” của Nguyển Ánh 9
Buồn ơi ta xin chào mi
Khi người yêu ta đã bỏ ta đi
Buồn ơi ta xin chào mi
Khi tình yêu chấp cánh bay đi
Buồn ơi ta đang lẻ loi
Buồn hỡi ta đang đơn côi
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa
Nếu trên đường tình ta lẻ loi một mình
Thì trên đường đời ta có mi buồn ơi! …
Buồn ơi thế nhân là thế
Sao người yêu vẫn mãi say mê
Buồn ơi yêu đương là thế
Sao tình ta mãi mãi đam mê
Người yêu cho ta niềm đau
Buồn hỡi cho ta quên mau
Buồn ơi hãy đến với ta
Để quên chuyện tình xót xa…
(“Buồn ơi xin chào mi” – Nguyển Ánh 9)
Cái tựa đề này hình như (tạm nói “hình như” vì không thấy ông Nguyễn Ánh 9 “đề cập gì cả!”) rập theo ý cái tựa đề của cuốn tiểu thuyết “Bonjour Tristesse” viết bởi Françoise Sagan xuất bản từ bên trời tây mãi năm 1954. “Bonjour Tristesse” cũng đã được quay thành phim và viết ra nhạc tây, cái nào cũng hay cả. “Cái “Buồn” trong bài “Buồn ơi xin chào mi” này đã được nhân cách hóa một cách rất thi vị thành ra một người bạn, hay đúng hơn một người tình chung thủy hơn, sẽ sẵn sàng đến để an ủi, chia sẻ với quý vị khi người tình thật của quý vị nói “bye bye” mà quên chẳng có nói “sorry” gì cả. Buồn nhỉ!!!
Bản nhạc thứ hai mà tiện nhân muốn nói là nhạc phẩm “Buồn” của Y Vân:
Buồn như ly rượu đầy
không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn
không còn rượu để say.
Buồn như trong một ngày hai đứa không gặp mặt
Buồn như khi gặp mặt không còn chuyện để vui.
Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Mà đời luôn cao ngất thương đau
Bao lâu ân ái chưa đậm màu
Toàn là cay đắng giết thương yêu.
Tình đôi ta thật buồn
như lứa hoa nở muộn
Tình yêu không trọn vẹn
buồn mỗi ngày buồn hơn.
(“Buồn” – Y Vân)
Bài này chữ “Buồn” được láy một cách thật tuyệt vời qua 4 câu mở đầu (xin viết lại):
Buồn như ly rượu đầy
không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn
không còn rượu để say
Nhưng bài ca “Buồn” bất hủ tuyệt cú mèo này, như theo lời nhắn nhủ của nhà thơ Lê Phụng Thiên khi gửi thư đến báo Nghệ Thuật, lại có một điều đáng “Buồn” là đọc trong thủ bút (bản viết tay) của nhạc sĩ Y Vân trên bài này không thấy nhạc sĩ Y Vân ghi là “viết theo ý bài thơ “Buồn như” của thi sĩ Tạ Ký. Có lẽ nhạc sĩ Y Vân nghe 2 câu này ở đâu đó lâu rồi “quên” mất là của ai? Hay là nhiều khi các tư tưởng lớn hay gặp nhau? Ai mà biết được? Rất tiếc nhạc sĩ Y Vân đã quá cố rồi, cho nên chúng ta không có dịp nghe lời giải thích của nhạc sĩ như thế nào về sự trùng hợp này! Cũng nên biết thêm là trường hợp bài nhạc được phổ theo nguyên văn lời thơ của một thi sĩ hoặc chỉ viết theo ý một bài thơ (không dùng nguyên văn) của một thi sĩ nào đó (như trường hợp bài hát “Buồn” này) là sự việc đã xảy ra không ít trong giới sáng tác ca khúc.
Nhân tiện đây, xin ghi lại nguyên văn bài thơ “Buồn như” của thi sĩ Tạ Ký mà (lời) của nhạc phẩm “Buồn” của Y Vân đã dựa theo để quý vị đọc chơi cho rộng đường dư luận:
Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.
Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trăng.
Buồn như yêu không được,
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa,
Chỉ còn dòng lưu-bút.
Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh-quẽ
Buồn như đóa hoa rơi.
(“Buồn Như” – Tạ Ký)
Tiếng Việt nói hàng ngày và văn chương chữ Việt sử dụng chữ “Buồn” cũng hơi nhiều, dùng cả 4 dạng tĩnh từ, danh từ, trạng từ và giới từ, với ý nghĩa đôi khi có thể trái ngược hẳn với nhau!!!
Thông thường nhất thì “buồn” được dùng như là một tĩnh từ chỉ một cảm tính quen thuộc của chúng ta được hiểu là “không được vui.”
Chẳng hạn như:
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”
“Buồn” được dùng như là danh từ như
“Cái buồn (cái buồn như xé tâm can!)”
Với trạng từ “buồn buồn…” thật là lạ ở chỗ chữ “buồn” ở dạng trạng từ này. “Buồn” được dùng 2 lần liên tiếp mà chẳng có nghĩa gì là “buồn” cả! Thí dụ :
“Buồn buồn bà xã tôi đi shopping chơi!”
Quái đản nhất phải là chữ “buồn” được dùng ở dạng giới từ. “Buồn” lại có nghĩa là “sắp sửa (?).” Các họat động sinh lý của cơ thể trong lãnh vực bài tiết đều có thể dùng chữ “Buồn” này một cách thỏai mái. Chẳng hạn “buồn nôn,” “buồn…” “buồn … “ (xin tự ý điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa nhé!)
Chuyện buồn (hay vui) nói riết rồi cũng phải đến chỗ phải ngừng. Tiện nhân chỉ mong quý vị tỉnh táo đừng đọc chuyện buồn rồi buồn lây một cách vô duyên! Trong mọi trường hợp, mọi hòan cảnh, xin quý vị cố gắng đừng để lâm vào hòan cảnh phải ca một trong 2 cái bản “Buồn ơi xin chào mi” của Nguyễn Ánh 9 hay là “Buồn” của Y Vân; mà hãy tìm cách nào đó để bắt chước anh chàng Đức Huy – anh chàng này bây giờ là “người di tản đã hết buồn” đã biết về Việt Nam ở để tìm vợ nhí – ca bài “Và con chim đã vui trở lại!!!”
Thân mến
Trần Văn Giang