Tình yêu là gì?

.

 

 

*

 

 

Tình yêu có lẽ là một đề tài muôn đời của nhân loại.  Tình yêu hiện diện trong thi ca, tác phẩm văn học và âm nhạc bất hủ.  Có những thiên tài nổi tiếng đã sống và chết vì tình yêu.  Nhưng tình yêu là cái quái gì mà có mãnh lực ghế gớm thu hút con người ta như vậy?

 

 

Tình yêu chắc chắn là đến với mỗi người bằng mỗi vẻ khác nhau.  Ai trong đời mà chẳng đã trải qua hương vị yêu đương.  Mỗi người cảm nhận và đón nhận tình yêu một cách khác nhau.   Có người đã yêu, từng yêu, và vẫn còn yêu.  Tuy vậy cũng có người đã yêu và không còn muốn yêu nữa.  Có người hồi trẻ yêu cách khác và khi già rồi lại yêu cách khác.  Tình yêu thay đổi qua từng giai đoạn trong đời sống của mỗi người.  Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, khi nhìn lại, cảm nghĩ của họ có thể không còn giống như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.”

 

 

Xin nói trước, tôi không có dụng ý ca tụng tình yêu hay viết về những lãng mạn thi vị của tình yêu, mà chỉ viết một bài ngắn về những ý nghĩ đơn giản thực tế bẽ bàng và trần tục của tình yêu.  Có lẽ tuổi đời tôi khi đã vượt quá cái mức gọi là “tri thiên mệnh” từ lâu.  Tôi không còn những xao xuyến bồi hồi thi vị của tình yêu nữa, và chỉ còn sót lại trong trí nhớ những dư âm ngày xưa cộng với sự chai đá của trái tim đã đập quá vội vàng, quá nhiều, dù vẫn còn bền bĩ nhưng có lẽ đã thành chai lì.  Những xúc cảm ngây dại thuở mười lăm mười sáu không còn.  Còn chăng là trái tim vẫn còn đập đều đều nhưng theo một nhịp độ chừng mực hơn, thiếu đi cái nhịp điệu dồn dập tưng bừng hụt hơi ngây ngất của những khoảnh khắc choáng ngợp chấp nhận và bất cần, chuyện “yêu là chết trong lòng một ít.”

 

 

Thế thì tình yêu là gì vậy?  Mỗi người nhìn về vấn đề mỗi khác, dù cho “yêu nhau là cùng nhìn chung về một hướng.”  Tôi còn nhớ là đã nói với một vài người bạn – có người đã có gia đình, có người vẫn còn độc thân – là “thật rất khó mà kiếm được một người đầu gối tay ấp cùng hát câu phu xướng phụ tuỳ.”  Phản ứng của họ tỏ ra vẻ hiểu rằng tôi không có được một người bạn đời lý tưởng (?)  Tôi không biết là trong số bạn bè đã có gia đình, có người nào thực sự có được người phối ngẫu theo kiểu “chồng hát vợ khen hay!” 

 

 

Tôi còn nhớ có người đã từng nói, tối ngủ với vợ chỉ muốn đá vợ rớt xuống giường để được ngủ một mình; Có người thì “nhất vợ nhì trời,” sợ mất vợ như sợ bị… “mất việc,” nhưng lại ưa là cà đến những chốn hoa đăng;  Có đứa thì sợ “đồng chí Vợ” còn hơn là sợ…  Việt cộng!  Đi đâu chơi cũng thấp thỏm mỗi khi điện thoại di động reo lên;  Có người thì bất cần chả sợ gì cả, đi đâu cũng oang oang nói chuyện trai gái, mèo mỡ;  Có người thì vẫn còn giữ vợ, nhưng đi chơi thì đi với đào mới, nhắc tới vợ là lắc đầu thở dài;  Có kẻ thì lấy vợ xong là biệt dạng, bạn bè cũ không muốn lui tới nữa;  Có đứa thì muốn tự tử và hình như đã… thử vài lần (?); Có người thì lâu ngày mới gặp một lần, hỏi ra thì hắn mới cãi nhau với vợ, tìm bạn hàn huyên dăm ba tiếng cho nguôi ngoai nỗi bực mình;  Có người đã ly dị sống thơ thới đời độc thân, hiểu rõ câu “yêu là cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu”;  Có người thì tình yêu đổ vỡ, rồi lại yêu, nhưng tìm mãi vẫn chưa ra vợ;  Có người thì tưởng mối tình thơ dại học trò ngày cũ sẽ mang đến một tình yêu lý tưởng, nhưng mộng không thành, nay cặp người nầy, mai cặp người khác. 

 

 

Ối giời!  Bây giờ, cảnh sống tình yêu của các bạn tôi phần lớn là kết quả, không ít thì nhiều, của “một thời để yêu và một thời để chết.” Tình yêu đối với chúng ta hình như là một thứ gì đó không tuyệt đối.  Yêu nhau rồi lấy nhau nhưng tình yêu thường không phải là cái lý tưởng mà chúng ta tưởng tượng trong đầu…

 

 

Còn phần tôi xem ra thì cũng không khác, hay hay ho gì hơn các bạn mấy.  Hôm nào vợ không cằn nhằn là ngày đó cảm thấy vui.  Hôm nào cãi lộn với vợ là hôm đó chỉ muốn cho… “tan đàn xẻ nghé” luôn!  Tình yêu dành cho vợ thuở ban đầu giờ đây hình như đã biến chất; nay thành tình yêu riêng dành cho con nhiều hơn.  Nói như vậy không có nghĩa là tình yêu đã chết trong lòng.  Tôi vẫn còn biết yêu và biết rung động, nhưng tình yêu kia có lẽ không phải cái thứ tình yêu lãng mạn ngày xưa của tuổi học trò, tôn sùng và nâng niu đối tượng như “Thánh Nữ Đồng Trinh” hay “Quan Thế Âm Bồ Tát,” một thứ tình yêu trong trắng và thanh bạch, tình yêu lý tưởng và ngây thơ…  một thứ tình yêu thấy trong “Hoa vông vang” của Đỗ Tốn, hay tình yêu trong thơ văn của Tự lưc Văn đoàn.  Thứ tình yêu cao thượng đó không còn trong cảm nghĩ của mình.

 

 

Đối với tôi, tình yêu là một sự chiếm đoạt đối tượng mình muốn yêu: nếu chiếm được cả thể xác lẫn tâm hồn thì càng tốt, còn không thì thể xác là chủ yếu.  Rõ ràng là mình không còn yêu theo cái kiểu “yêu em yêu cả đường đi lối về” hay tình yêu thánh thiện, một mực chung tình.  Tình yêu bây giờ cũng không phải là tình yêu “đến hơi thở cuối cùng” trong một trận chiến đấu cho “tự do cuối cùng.” 

 

 

Đôi khi nhận thấy người nào đó muốn làm “Thánh tử đạo” trong tình trường, mình bỗng chợt cảm thấy tội nghiệp cho họ.  Lại có thêm một con thiêu thân dấn thân vào vòng nhân sinh tục lụỵ.  Có mấy ai mà tôi từng gặp đã hớn hở vì tình yêu mầu nhiệm thiêng liêng làm đời sống họ thăng hoa chắp cánh?  Có chăng là những kẻ che giấu đằng sau cái mặt nạ hạnh phúc kia nỗi đoạ đày luôn đè nặng trên vai không dám tỏ lộ cùng ai.  Đa số những người đã lập gia đình không ai thừa nhận là họ đã có một chọn lựa sai lầm trong đời sống.  Họ chỉ lên tiếng sau khi họ thoát được ra khỏi cái kiếp nhân sinh quan niệm “con là nợ; vợ là oan gia.” Còn không thì họ lại tỏ ra khoan khoái khi thấy “bên thua cuộc” có thêm một “chiến sĩ” khác mới gia nhập hàng ngũ của những kẻ trước đây lúc nào cũng vênh vang tự hào về bảnh lãnh của mình, và cho rằng “ta đây có được vợ đẹp con khôn!

 

 

Tôi đã từng lên tiếng cảnh cáo, gióng lên “hồi chuông cảnh tỉnh” cho những thằng bạn còn sống kiếp độc thân, sẵn sàng lao đầu vào kiếp người dâu bể.  Nhưng có lẽ tiếng nói của mình có thể được xem là thừa, không đáng phải quan tâm.  Họ không tin cho rằng tôi theo giáo phái “đứng núi nầy trông núi nọ,” hay “hạnh phúc đang trong tầm tay mà không hay biết.”

 

 

Đọc xong những điều mà tôi vừa mới viết ở trên có lẽ sẽ có người phán ngay câu: “Ái chà! Tên nầy có lẽ không có hạnh phúc.”  Tới đây, lại có thêm một vấn đề mới: “Thế nào là hạnh phúc?” Nếu bảo hạnh phúc là có vợ đẹp con khôn, có việc làm vững vàng, có nhà có cửa cao rộng, có xế xịn, mang “passport” Mỹ, một năm đi xuất ngoại nghỉ mát ít nhất một lần thì quả là mình hạnh phúc.  Nhưng trên đời nầy hạnh phúc thường là cái bóng mà người ta đeo đuổi hơn là cái thực tế mà họ đang có trong tay. Tôi không nghĩ là mình thuộc về một trong đám người nầy, nhưng tôi lại quan niệm tình yêu nếu là điều vĩnh cữu, là cứu cánh của cuộc đời thì đó là hạnh phúc.  Đối với tôi tình yêu thật chỉ là ảo ảnh, hiện hữu trong trí nhớ và trong tâm tưởng hay trong sự đeo đuổi kiếm tìm miệt mài không mệt mỏi vẫn chưa thấy.

 

 

Có lẽ sẽ có người nhìn thấy sự mâu thuẩn trong cách nói trên của tôi: Một lối biện luận vòng vo huề vốn để tránh né thẳng câu trả lời trực tiếp về tình yêu và hạnh phúc.  Tôi nhớ một vài năm sau khi khi lấy vợ, khi trông thấy những cặp tình nhân âu yếm nhau trên một đường phố nào đấy, lúc đó mình thường cảm thấy hân hoan sung sướng vì nhận ra rằng mình cũng có một người vợ đẹp xinh đang chờ đợi mình ở nhà.  Năm bảy năm sau đó, cũng những hình ảnh tương tự đập vào mắt, mình lại nghĩ, tội nghiệp cho họ, họ lại sắp vướng vào những hệ luỵ của đời sống mà mình đôi khi muốn tháo gỡ ra.  Lấy thí dụ nầy, tôi có thể nói tình yêu chính là những gì mà cặp tình nhân trẻ kia đang âu yếm, đang đắm chìm, đang sôi sục với lòng ham muốn khi họ ôm nhau, hôn nhau trên con đường phố nào đó.  Hạnh phúc của họ lúc bấy giờ là sự truy tìm hoan lạc không ngừng mà họ chưa thấy trọn vẹn. 

 

 

Tình yêu chính là nỗi khao khát thèm muốn nhục dục từ một đối tượng khác phái (?).  Cái ý muốm chiếm đoạt và làm chủ đối tượng đó bao giờ cũng mãnh liệt hơn cái bản lĩnh thực sự của một người, và cái bản lĩnh nầy bao gồm những “khả năng cho và cống hiến.”  Tình yêu vì thế, tự nó là tự ngã, hướng nội, và ích kỷ hơn là cái mà người ta thường nói là tình yêu là “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu.”  Cho ở đây có nghĩa là bỏ công bỏ vốn, bỏ năng lực đầu tư vào điều mà người ta mong mỏi thèm muốn hơn hết và muốn đạt được.  Sự kiện nầy thường xảy ra từ hai phía, do đó ta có cái mà người ta gọi là “mãnh lực của tình yêu.”  Khi chưa chiếm lĩnh được thân xác của đối tượng tình yêu, người ta dốc hết sức mình ra đế theo đuổi và chiếm đoạt. 

 

 

Yêu nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội mấy đèo anh (em) cũng qua.

 

 

Do đó chúng ta thấy cũng có những chàng sở khanh quất ngựa truy phong sau khi thoả mãn xong nỗi thèm khát ao ước dục vọng mà họ đeo đuổi với những con mồi của họ trước đó.  Đối với đa số, với những ràng buộc xã hội và lương tâm họ, khi họ đã đạt tới đích, họ chấp nhập những hậu quả sau đó và bằng lòng sống với nó – Nghĩa là sống với ảo ảnh hạnh phúc hậu tình yêu; Nghĩa là sống bằng những dư âm tình yêu ban đầu còn sót lại và tự đánh lừa mình cùng người khác cho rằng mình đang hạnh phúc.  Nhưng trong thâm tâm, trong tiềm thức có lẽ họ đã nhận ra rằng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở?!

 

 

Trong tình yêu, người ta cũng thường nhắc nhở đến “tiếng sét ái tình.” Đó là cái khái niệm “Love at first sight” trong Anh Ngữ hay “Nhất kiến chung tình” trong chữ Hán.  Chắc có lẽ dân tộc nào trên thế giới cũng có cách nói tượng tự như vậy.  Thực ra, đây chỉ là một cách nói ví von để chỉ một hiện tượng mà một người bấy lâu nay xây dựng lâu đài tình ái trong mộng mị, thêu dệt trong trí tưởng tượng của mình một đối tượng tình yêu lý tưởng, đối tượng đó phải là thế nầy thế nọ, và đến một ngày nọ, “nàng công chúa thơ mộng ngủ trong rừng gìa kia và chàng hoàng tử đẹp giai cưỡi bạch mã” gặp nhau sau những tơ tưởng dệt giấc mộng vàng, thế là tiếng sét ái tình đánh trúng cả hai!

 

 

Người Việt ta có câu:  Lấy nhau vì tình, sống với nhau vì nghĩa.

 

 

Ông bà tổ tiên ta đã đúc kết những kinh nghiệm và triết lý của cuộc đời trong câu nói đó.  Tình ở đây là tình yêu.  Khi ta còn trẻ, mới bước vào tình yêu, ta đã sống chết quyết lấy cho đuợc đối tượng mình yêu.  Khi lấy nhau rồi, thời gian trôi qua, một vài năm có, năm bảy năm có, tình yêu dần dần cũng nguội lạnh.  Không nói ra nhưng cả vợ lẫn chồng đều hiểu rằng tình yêu giữa hai người không còn sôi nổi và nồng thắm như xưa.  Ái ân cũng phai lạt, đôi khi đó chỉ còn là những cuộc dã chiến thần tốc, làm cho có.  Tuần trăng mật ngày mới cưới chỉ còn là kỷ niệm.  Có lẽ vì vậy, đa số những kẻ ngoại tình thường là những người muốn tìm lại những dư âm ngày cũ, xem đó là một cách để khơi lại những nguồn cảm hứng dạt dào, và có người để dành những tiềm năng nóng hổi mới “charged/sạc” điện dành riêng mang về dâng tặng lại người phối ngẫu.

 

 

Nhưng sự đời có bao giờ giản dị như thế?  Đã có bao kẻ thử lửa đã chết vì lửa, đi quá trớn và dừng lại không kịp.  Thế là có những cặp vợ chồng tan vỡ, và có người lại nại lý do là họ sống vì tình yêu.  Nhưng người Việt nói:

 

 

Làm thân con gái (thân trai thì cũng chẳng khác gì) mười hai bến nước, có bến đục và cũng có bến trong.” 

 

 

Rủi lấy trúng ông chồng (hay bà vợ) phải gió, loại “hoa lài cắm bãi cứt trâu,” đành phải lãnh trọn kiếp sống như lưu đày nô lệ, khổ hơn con chó!  Đó cũng là một thứ “nghĩa.”  Đa số những vợ chồng chấp nhận sống với nhau cho đến răng long đầu bạc là vì nghĩa, và cái “nghĩa” ở đây là những ràng buộc xã hội và những giá trị truyền thống áp đặt lên trên đời sống của mọi người.  Do đó, khi ta quan sát xã hội Tây phương, ta thường phê phán khi thấy tỷ lệ ly dị quá cao…  Nhưng có biết bao nhiêu cặp vợ chồng Việt Nam dù đang ăn đời ở kiếp với nhau nhưng thực sự không ít kẻ đang “đồng sàng dị mộng.

 

 

Khi người ta đang yêu, họ nghĩ rằng họ có thể hy sinh mọi thứ cho tình yêu.  Chẳng hạn như trong xã hội Việt Nam ngày trước, nếu cha mẹ cấm cản là họ bán sống bán chết quyết tử cho tình yêu.  Nhưng sau khi lấy nhau, nhanh thì một hai năm, lâu thì năm bảy năm, có người dần dần nhận ra rằng một trong những thứ quý giá nhất trong đời họ mà đã hy sinh cho tình yêu là sự tự do tuyệt đối mà họ từng có của những ngày độc thân.  Có gia đình, mọi hành động, mọi quyết định, sự tự do đi lại của những người đã “vào cuộc” đều bị hạn chế một cách tàn nhẫn.  Có người sẽ cắn răng chịu đựng, có người sẽ phản kháng…  Nhưng nói chung, họ sẽ hối tiếc nhớ lại những ngày xưa còn tự do “dung dăng dung dẻ…”   Cái sai lầm lớn nhất trong tình yêu chính là ở chỗ nầy.

 

 

Để tránh khỏi cái bi kịch tình yêu mà nhiều người đã mắc phải, điều cần ghi nhớ là bao giờ cũng nên xem người phối ngẫu của mình là người bạn, không những chỉ là người bạn đời đầu ấp tay gối như quan niệm truyền thống đã có, mà phải xem như là một người bạn tuyệt đối.  Có những điều ta không nói không làm đối với một người bạn thân nào đó của ta thì ta cũng không nên phá lệ đối với người bạn tình của ta.  Không ai thuộc quyền sở hữu của riêng ai.  Mỗi người có tự do cá nhân riêng của họ.  Ta không mở thơ riêng của bạn ra đọc thì ta cũng không nên bóc thơ của vợ hay chồng ra đọc.  Người phối ngẫu có quyền tự do tiêu xài, thí dụ như cho tiền cho người thân của họ chẳng hạn…  Họ có quyền đi đứng tới lui…  Tóm lại, ta đối xử với một người bạn thân của ta như thế nào là ta sẽ đối xử với vợ hoặc chồng như vậy.   Có như thế, tình yêu sau ngày cưới mới có còn cơ may tồn tại. 

 

 

Không phải chỉ có “Bà Tùng Long” mới biết gỡ rối tơ lòng; mới nhận ra những “common sense” hay nhận thức ra được “tự do đầu tiên và cuối cùng” của con người là tiền đề và điều kiện sống còn cho một hôn nhân “bách niên giai lão”; và còn hy vọng giữ lại được ít nhiều dư âm tình yêu ngày cũ.  Hơn thế nữa, đừng kỳ vọng tình yêu sau ngày cưới sẽ mãi mãi nồng nàn như ngày chưa cưới.  Có người ví von chuyện ái ân vợ chồng giống như ăn mãi một món thịt bò thì dù có ngon đi mấy thì cũng phải ngán.  Sẽ có người ngoại tình, dù chỉ là ngoại tình trong cách suy nghĩ.  Cứ để chàng hoặc nàng tự do trong việc truy tìm nguồn cảm hứng mới, đa số sẽ biến nó thànnh nguồn năng lực mới mang về bồi bổ lại những cái đã tàn phai trong tình yêu cũ kỹ của hai bô lão. 

 

 

Nói không ngoa, hôn nhân chính là nấm mồ chôn cất tình yêu.  Khi yêu, trăm chuyện đều cho qua.  Đang yêu, nói chuyện gì nghe cũng ngọt ngào thi vị hết.  Từ chuyện nho nhỏ như em mặc một chiếc áo mới, khen đẹp.  Đưa em đi “shopping” suốt ngày không biết mệt.  Em kể cho nghe chuyện nhà em, nào mèo nào chó, chuyện Ba em trồng hoa hay rau trái gì trong vườn, chuyện Má em biết nấu món ăn ngon…   chuyện gì em kể nghe cũng dễ thương.  Chuyện chàng viết văn làm thơ hay, chuyện chàng có chiếc xe xịn, chuyện chàng máy móc thứ gì cũng biết sửa…   Ôi thôi!  Chàng là hoàng tử trong mộng của em sao mà giỏi giang, sao mà “ga lăng” thế !… 

 

 

Thế rồi, chẳng bao lâu sau ngày cưới, dường như cả hai hết chuyện để nói.  Thực sự hai người có nhiều chuyện hơn, đủ thứ chuyện, nhưng chẳng ai muốn nghe, vậy thôi!  Chuyện chó chuyện mèo chỉ tổ làm chàng khó chịu thêm.  Chuyện chàng thích ăn thịt, nàng thích ăn rau cá, chuyện chàng ghét “shopping,” nàng thích sắm đồ.   Bấy nhiêu đó cũng đủ để cho “nấm mồ tình yêu” càng ngày càng mọc thêm nhiều cỏ dại.  Chuyện văn chương hay, nhạc mùi mẫn hoặc tranh đẹp của chàng là chuyện ngày xưa; hôm nay trước mắt phải là chuyện “dốp tốt,” kiếm cho được nhiều tiền, nhà phải lớn hơn nhà hàng xóm…  Chuyện mới là chuyện tiền nhà, tiền nước, tiền điện, tiền xe…  Chàng làm bao nhiêu nàng đều thấy không đủ…  Tính tình hai người dường như ngày càng xa cách.  Một người em gái nhỏ mà tôi quen biết, nghe tôi ta thán về hôn nhân gia đình như trên, em nhất định không tin.  Em bảo em sẵn sàng sống chết cho tình yêu.  Em sẵn sàng hy sinh tất cả để có được tấm chồng lý tưởng.   Làm sao mà tin cho được “hôn nhân chính là nấm mồ chôn cất tình yêu.”  Có lẽ em chưa từng yêu bao giờ.  Do đó, cái mãnh lực tình yêu bao giờ cũng hừng hực ghê gớm, biết hay không biết, tin hay không tin, đối với kẻ kinh nghiệm hay không kinh nghiệm đều dễ chết như không.  Tôi cảm thấy mình cũng không là một ngoại lệ, chỉ có điều là tôi sẽ không bao giờ dám có ý nghĩ “tảo mộ” thêm một lần nữa. 

 

 

Ôi tình yêu xem ra chẳng còn thơ mộng tí nào dưới cái nhìn trần tục thực tế như tôi.   Chắc chắn có người sẽ cho là “Tên nầy có lẽ đã vỡ mộng gối chăn, có hôn nhân không đuợc hạnh phúc.”  Nhưng đây này, mộng gối chăn chính là cái trọng điểm của hai chữ tình yêu như đã đuợc phân tích ở trên.   Còn hạnh phúc trong tình yêu thì sao?  Đó chính là những truy tìm không ngừng nghỉ những giấc mộng chăn gối.   Ngày nào còn hơi sức đeo đuổi cái đích đó là ngày đó còn hạnh phúc.

 

 

Một khi mà trái tim mình vẫn còn cảm nhận đuợc những rung động trước một người khác phái, là tôi có thể nói là mình vẫn còn tình yêu đầy ắp trong hồn.   Xem ra cái lẽ “yêu là chết trong lòng một ít, vì mấy khi yêu ai lại đuợc yêu” một cách trọn vẹn vẫn còn làm bao trái tim điêu đứng, chết đi sống lại, bao giờ cũng thèm hát câu:

 

 

“‘Yêu ‘ai’ thơ dại từ trời?

Theo ‘ai’ xuống biển vớt đời ta trôi?”

(Nhái theo ý bài hát “Giữ Đời Cho Nhau

– Từ Công Phụng / Du Tử Lê)

 

 

 Trước khi kết thúc bàn chuyện tình yêu rất nản này, tôi xin phép được góp một ý kiến “hữu nghị” sau đây:

 

 

Nếu một khi móng tay mọc dài thì chỉ nên cắt móng tay thôi nhá; đừng có dại đi cắt cả ngón tay.  Chuyện tình yêu cũng y như vậy: Khi tình cảm có vấn đề thì nên tìm cách giải quyết cái nguyên nhân của vấn đề (‘ego’ chẳng hạn) chứ đừng vội để tình cảm tan vỡ…

 

 

MAY THE PEACE OF THE LORD BE WITH YOU ALL !

 

 

 

Trần Văn Giang

Tháng 2/2025.

 

Tình yêu là gì? – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *