Bốn Cái Ngu Xưa và Nay

.

 

 

*

 

 

Trong cuộc đời con người từ khi sinh ra cho đến chết bị vấp phải hàng trăm, hàng ngàn cái ngu.  Có ai tự hào là chưa bị “ngu” lần nào?

 

 

Triết gia La Rochefoucauld cho rằng:

 

 

“Có ba thứ ngu dốt: Không biết điều phải biết; Biết không đúng điều đáng biết; và biết điều không nên biết.”

 

 

Câu nói đó bao hàm nhiều cái ngu xảy ra do đầu óc thiếu suy nghĩ chín chắn, thực hư, đúng sai và ôm đồm vượt khả năng, nhận thức.

 

 

Nói đến khôn và dại thì có thiên hình vạn trạng.  Cũng một công việc; Khi làm thành công thì thiên hạ cho rằng khôn; còn nếu thất bại thì cho rằng dại; không biết đâu mà lường! Có rất nhiều câu chuyện khôn/dại hằng ngày chúng ta thường gặp.  Nhưng đặc biệt câu nói “Thất bại là mẹ thành công” thì nghĩa ngược lại, cho thấy thất bại cũng là bài học để rút lấy kinh nghiệm để thành công. Vì vậy không nên võ đoán quá sớm việc, hay kết quả xảy ra.

 

 

Luận về khôn và dại tùy theo từng quan niệm của mỗi người. Ngày xưa cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với bài thơ “Dại Khôn” như sau:

 

 

“Ở đời có dại mới có khôn,

Chớ dại ngu si, chớ quá khôn.

Khôn được ích mình, đừng để dại,

Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn.

Khôn mà hiểm độc là khôn dại,

Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn.

Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại

Gặp thời dại cũng hoá nên khôn…”

 

 

Nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907) cũng trong bài thơ tựa đề “Dại Khôn” cho là:

 

 

“Thế sự đua nhau nói dại khôn

Biết ai là dại biết ai khôn?

Khôn nghề cờ bạc là khôn dại

Dại chốn văn chương ấy dại khôn

Này kẻ nên khôn đều có dại

Làm người có dại mới nên khôn

Cái khôn ai cũng khôn là thế

Mới biết trần gian kẻ dại khôn.”

 

 

Từ xưa, tục ngữ ca dao ta đã đề cập nhiều về chuyện khôn/dại trong đời sống, tình yêu, chuyện dựng vợ gả chồng…  Đó là câu:

 

 

 “Ở đời có bốn cái ngu.

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu…”

 

 

Trong cuộc đời này có tới hàng nghìn, hàng vạn cái ngu nhưng tại sao ca dao chỉ nhắc tới có 4 cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu?

 

 

Làm mai, lãnh nợ gác cu, cầm chầu

 

 

Làm mai thì dễ hiểu là làm mối cho người này lấy người khác. Khi vợ chồng hạnh phúc thì không sao, nhưng nếu lục đục, đổ vỡ thì họ thường lấy người làm mai làm mối ra mà trách mà chửi. Đúng là làm ơn mắc oán!

 

 

Ngày nay ở trong nước dịch vụ “làm mai, làm mối” ăn nên làm ra. Ông/bà mai mối như cáo già săn lùng với gái quê trong hoàn kinh tế cảnh khốn của chốn “bùn lầy nước đọng” để gả cho hôn phu tứ xứ, không kể gì mấy anh đui què sứt mẻ của Tàu, Hàn, Đài Loan.   Hành động mai mối bất lương loại sống chết mặc bay miễn là thu lợi lớn bỏ túi.  Thành ngữ ta có câu “trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng” nhưng trong trường hợp này thì trai ở Hoa Lục, Hàn Quốc, Đài Loan… là loại khôn lỏi vì họ (già, trẻ) không đủ điều kiện về tài chánh, công ăn việc làm và có khi thân thể bị khiếm khuyết nên không thể nào lấy được vợ bản xứ.

 

 

Theo báo chí trong nước cho biết trong các năm 2017-2022, tại Việt Nam có hơn 84,600 trường hợp kết hôn với người nước nước ngoài, trong đó Cần Thơ được ghi nhận xếp đầu danh sách tỉnh, thành trong 10 tỉnh ở miền Nam. Hầu hết các cuộc hôn nhân nầy qua mai mối… Báo chí cũng loan tin nhiều trường hợp lấy chồng ở những nơi nầy rơi vào tình trạng “nô lệ tình dục” và những tổ chức mai mối nầy thì “sống chết mặc bay!” Đây cũng là thảm trạng cho gái quê, gái nhà nghèo nghe lời dụ dỗ, hứa hẹn để thoát khỏi cảnh “ao tù nước đọng!

 

 

 

Lãnh nợ là việc làm nghĩa, trung gian giữa người vay mượn và thân chủ cho vay như một sự “bảo chứng” vô vụ lợi để có sự tin tưởng cho nhau… Người lãnh nợ thông thường là người có uy tín, có tài sản ở địa phương. Chẳng may con nợ không có điều kiện trả nợ hay con nợ tráo trở quỵt thì “trăm dâu đổ đầu tằm” lên người lãnh nợ vì vậy nên Người lãnh nợ bị cho là ngu! Với hành động này hàm ý muốn nói đừng bao giờ nên dại dột vì cả nể mà tự dưng lãnh nợ cho người khác.  Các cụ ngày xưa xếp vào cái ngu thứ hai.

 

 

Ngày nay lãnh nợ được coi như “dịch vụ” ăn nên làm ra với ngân hàng, các tay trùm làm ăn… họ nắm cái cán với người vay nợ phải có tài sản (bất động sản, ruộng vườn…) thế chấp, nếu trễ nợ sẽ bị tăng tiền lời, không trả được thị siết nên không bị liệt vào ngu.  Trongg nước xảy ra nhan nhản trường hợp cho vay mà con nợ “dở khóc dở cười” trước thảm cảnh thế chấp!

 

 

Gác cu ngày xưa là thú vui bẫy và chơi chim cu. Để bẫy được chim cu, phải tốn nhiều công sức và thời gian để chọn, nuôi và thuần dưỡng con chim mồi để làm mồi bẫy con chim khác. Nuôi chim cu cũng xem tướng chim như gà đá: “đầu nhỏ, mỏ cong, cườm cao, giao cánh, ức nở.” Giọng chim cu gáy có 4 âm chính: âm thổ, âm đồng, âm son, âm kim. Lúc đầu tập gù, gáy cho chim từ miệng rồi sau đó dùng tiếng tiêu tập cho chim gáy bình thường và thúc “giục” khi có đối tượng.

 

 

Có lẽ người xưa cho rằng nghề gác cu tốn nhiều công sức, mất nhiều thời gian mà thu nhập chẳng bao nhiêu (?) nên cho là ngu (?)  Có được vài con cu mồi cho vào bẫy rồi đi gác cu kể cũng vui. Không hiểu sao người xưa lại khắt khe liệt việc gác cu vào 1 trong 4 cái ngu ở đời?

 

 

Cầm chầu là người thủ vai đánh cái trống chầu trước sân khấu để khen hay chê khi có gánh hát bội trình diễn. Hát bội (hát bộ trong văn hóa nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam xuất hiện vào thế kỷ thứ XIII đời nhà Trần).

 

 

Thông thường người cầm chầu là người có chức sắc hay địa vị ở địa phương. Người cầm chầu chi trả số thẻ (lớn, nhỏ) để ban thưởng cho diễn viên trên sân khấu. Nếu cầm chầu đánh tiêng “cắc, cắc” bên thùng trống có nghĩa là chê hát dở, còn nếu đánh nhiều nhịp “tùng, tùng” là khen hát tốt. Nếu người cầm chầu khen nhiều thì tung nhiều thẻ, chi nhiều tiền thưởng, nếu khen ít thì lại bị diễn viên (thường gọi là con hát, cả nam lẫn nữ, đào hát) chê trách và cho là keo kiệt. Đôi khi diễn viên tinh ý, linh động trong vai diễn châm biếm đả kích người cầm chầu. Cầm chầu như “làm dâu trăm họ!

 

 

Chuyện gác cu và cầm chầu (của hát bội) hiện nay không còn phổ biến nữa.  Nghệ thuật truyền thống hát bội nầy ngày càng mai một, nên không biết có ai còn cầm chầu hay biết chuyện cầm chầu không?

 

 

Làm mai, lãnh nợ, cả tin, học đòi

 

 

Hai mục làm mai và lãnh nợ không còn liệt kê vào 2 cái ngu như người xưa mà trở thành “dịch vụ” làm ăn của những kẻ khôn ngoan lọc lừa, tinh ranh để hưởng lợi. Với hiện tình xã hội thì hai cái ngu mới về cả tin và học đòi có vẻ phù hợp.

 

 

Cả tin là nhẹ dạ, tin ngay một cách dễ dãi mà không cần suy xét. Trường hợp nầy xảy ra nhiều trong xã hội trên nhiều khía cạnh như suy nghĩ chín chắn, cả nể bạn bè, người thân… hùn hạp làm ăn, đầu tư vì lòng tham.

 

 

Cả tin thể hiện tư tưởng non kém để tin vào những thứ mơ hồ, không đúng, thiếu thực tế. Nhẹ dạ trước những lời cám dỗ, chiêu bài mánh mung mà không tiên đoán được hậu quả xảy ra như thế nào. Câu nói bình dân, thông dụng nhất với người dân nghèo thành phố và người dân quê là bị “tiền mất tật mang” vì cả tin vào lời thầy lang, bùa chú, mê tín dị đoan rồi đành than thở!

 

 

Báo chí trong nước đã từng đề cập đến việc đóng góp đầu tư, bong bóng bất động sản xảy ra trong nước.  Nhiều công ty xây nhà, chung cư, quảng cáo rùm beng dự án để chiêu dụ thân chủ. Thủ tục đầu tiên thỏa thuận là các điều khoản đặt cọc, tiền trả trước (down payment) tùy theo ấn định của chủ đầu tư, khách hàng đôi khi phải vay ngân hàng… Thế nhưng việc xây cất cứ ì ạch kéo dài, bỏ hoang làm khách hàng mất cả chì lẫn chài.  Nếu có kiện tụng thì là chuyện “bắc thang lên hỏi ông trời” hay “kiện củ khoái.”  Đôi khi họ khai phá sản thì đành ngậm bồ hòn!  Hậu quả là hai bàn tay trắng.

 

 

 

Học đòi là bắt chước, a dua, theo đòi trong cuộc sống xã hội. Triết học có đề cập đến vấn đề “mặc cảm tự ti” (cảm thấy bản thân thua kém, hèn yếu) và “mặc cảm tự tôn” (cao ngạo, xem ‘mục hạ vô nhân’). Những kẻ bị mặc cảm tự ti khi có cơ hội may mắn thay đổi cuộc đời thường trở thành tự tôn, không khiêm nhượng mà khoa trương, khoác lác.  Kẻ học đòi trở thành trò cười cho thiên hạ.

 

 

 

Nhà văn Huy Phương viết:

 

 

Thời nay, trong xã hội Việt Nam, bọn ‘trưởng giả học làm sang’ này xuất hiện đầy dẫy. Chúng ở trên rừng về, tuy còn  mang ‘nón cối dép râu,’ ngồi kiểu nước lụt, nhưng nghênh ngang chẳng xem ai ra gì! Đi ‘ô tô con’ thì phía trong cửa xe giăng một sợi dây để treo chiếc khăn lau mặt màu ‘cháo lòng.’ Vào tiệm ăn, thì phải chọn thứ đắt nhất, không cần biết đến ngon dở, tìm những thứ quý hiếm như trăn, nhím, mễn, rượu bào thai, rượu rắn…

 

 

Sau này cứ nhìn vào những biệt phủ sang trọng, có cái kiểu Pháp, có cái kiểu Ý…, càng có vẻ o“ngoại” càng sang. Cách trang trí trong nhà thì kệch cỡm, quê mùa, với những bộ bàn ghế thật đắt làm bằng gỗ quý, chạm trổ rồng phượng công phu…

 

 

Khi một quan chức lớn xây biệt phủ, mua xe đắt tiền, trang trí trong nhà không thua gì các cung điện, thì hàng loạt quan chức có quyền lực khác cũng không chịu thua. Mà khổ một nỗi, cái khiếu thẩm mỹ của các ngài cán bộ đỏ vừa nhà qué, vừa rẻ tiền, trông kệch cỡm.

 

 

Phong cách, lối sống không phải là cái gì trừu tượng, khó hiểu, mà nó được thể hiện, bộc lộ từ trang phục, đồ dùng sinh hoạt cá nhân đến thái độ, hành vi ăn, mặc, ở, nói năng, đi lại, tiêu dùng, giải trí chẳng giống ai…

 

 

Đám tang được tổ chức chẳng khác nào một ngày hội, nhố nhăng, hổ lốn. Đám ma được làm theo cả lối Ta, Tàu, Tây… có đủ cả kiệu bát cống, lợn quay, đi lọng, vài ba trăm câu đối, bức trướng, vòng hoa phúng điếu.  Vài trăm người đưa đám nghiêm nghị, thành kính đi sát ngay sau linh cữu, trong đủ thứ tiếng kèn huyên náo: kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu với âm thanh chói tai, rộn rã… Người dân hai bên đường đổ xô ra xem đám ma như xem một sự lạ. Đám ma to đến nỗi những người trong tang gia cảm thấy hết sức sung sướng và hàng phố nhốn nháo cả lên khen đám ma to như khoa trương sự giàu có với thiên hạ!

 

 

 

Thói a dua, học đòi theo thời thế chẳng hay ho gì ở những kẻ ham hố chơi trội, ham hố chạy đua kiểu “thời thượng”… bị thiên hạ mỉa mai và xem thường.

 

 

Chuyện Vãn “Bốn Cái Ngu, Xưa và Nay” theo thời gian và hoàn cảnh xã hội đã thay đổi vì “sông có khúc, người có lúc.”

 

 

Chuyện đời là thế.

 

Vương Trùng Dương

 

 

Trần Văn Giang (Ghi lại)

Bốn Cái Ngu Xưa và Nay – Vương Trùng Dương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *