Già Dịch

.

 

 *

 

 

Tôi hoàn toàn mù tịt về xuất xứ của hai chữ “Già Dịch.” Chẳng biết danh từ kép này do ông bà nào “sáng chế” ra để miệt thị những đấng “liền ông” ít nhất cũng đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” chứ dưới năm mươi thì ai dám gọi là lão già.

 

 

Đấy là tôi nói đến cái chữ “già” theo như quan niệm tuổi tác ngày nay chứ như thời xa xưa lúc nền y học đang còn phôi thai thì mấy ai sống thọ đến tuổi năm mươi. Chẳng thế mà trong sách truyện ngày xưa khi mô tả một người đàn ông ngũ tuần thì bao giờ cũng là: “một ông hay lão già trạc tuổi năm mươi” hay trang trọng hơn thì sẽ là “một lão trượng tuổi ngoài năm mươi” hoặc là trong các bài luận văn của học trò bậc tiểu học: “Nhà em có “nuôi” một ông nội tuổi năm mươi.

 

 

Các vì vua chúa của ta và Tàu cũng thế, dù hưởng không biết bao nhiêu là của ngon vật lạ trên đời, phục dụng không biết bao nhiêu là phương thuốc thần diệu mà rốt cục cũng chẳng mấy vị sống quá năm mươi. Có lẽ vì ông vua nào cũng xài phương thuốc của vua Minh Mạng nước ta: “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” nên sức lực chóng hao mòn và ông nào cũng muốn “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt,” nhấn hết ga, tận hưởng lạc thú trên đời cùng tam cung lục viện nên ông vua nào cũng chóng già dù cố gắng kéo dài tuổi thọ bằng cách sai người đi tìm “thiên niên hà thủ ô” hay “thiên niên tuyết sâm” hay “linh chi thảo…”, các vị thuốc hiếm quý trong truyền thuyết. Thời xa xưa, tuổi thọ thật ngắn ngủi nên mới có câu “thất thập cổ lai hy.

 

 

Bây giờ, với tiến bộ của y học, tuổi thọ của con người đã gia tăng quá sá quà sa, so với thời xưa. Chỉ cần lật báo hàng ngày, tò mò đọc các cáo phó sẽ thấy ngay các cụ quy tiên đa số đều quá tuổi bảy mươi, thậm chí có vị còn vượt qua con số trăm năm trong cõi người ta. Phải dài giòng văn tự loạn bàn về “cái già sồng sộc nó thì theo sau” như thế để thấy rằng bây giờ muốn gọi ai bằng ông già thì ít nhất người đó cũng đang đi trên đường số 7. Dĩ nhiên trong hạng tuổi này có cụ vẫn còn phong độ và nhất định bảo đối tượng đừng gọi anh bằng chú.

 

 

Tôi có ông bạn tuổi đời 6 bó, thân thể còn tráng kiện, mặt mày phương phi, quắc thước, dáng dấp còn “ngon cơm” lắm, chỉ phải cái tội lười biếng không chịu làm đẹp, níu kéo tuổi xuân “bán nguyệt nhất kỳ đáo thẩm mỹ viện,” nửa tháng một lần đến mỹ viện nhuộm tóc nên mới thoáng nhìn sơ qua, ai cũng biết là tuổi không còn “xoan” nữa. Lúc về thăm quê hương, một hôm, sau khi chễm chệ trên xích lô dạo chơi thành phố, nơi chôn nhau cắt rún, lão ta nhảy xuống xe, trong bụng nghĩ là phải “bo” cho anh chàng đạp xe một ít tiền xài chơi nên hỏi anh chàng bao nhiêu tiền cuốc xe vừa rồi. Anh chàng đạp xe kính cẩn thưa:

 

 

“Ôn cho bao nhiêu cũng được.”

 

 

Dân Huế, chỉ dùng chữ “Ôn” để gọi các cụ già khú đế, gần đất xa trời vì thế ông bạn tôi lòng hậm hực, không vui và tiền “bo” bị giảm bớt khá nhiều theo như ông ta thuật lại cho tôi nghe. Phải chi anh chàng đạp xe xích lô bảo là “Anh cho em bao nhiêu cũng được” thì chắc chắn là có món tiền “bo” lớn rồi. Ông bạn tôi như vậy là đã lọt vào danh sách của những ông “già dịch” rồi đó, quý vị có biết không?

 

 

Già,” là chuyện bắt buộc, dù không thành văn tự, trên dưới 60 tuổi đời. Còn “dịch” thì thật là thiên hình vạn trạng vì trên đời có rất nhiều thứ dịch như dịch tả, dịch hạch, dịch cúm người và hiện nay là dịch cúm chim v..v.. Tôi dịch y chang chữ “bird flu,” xin quý vị đừng xuyên tạc chữ “chim” nhé. Tiếng Việt Nam ta vốn giàu nên chỉ có một sự vật mà có thể dùng không biết bao nhiêu từ ngữ để diễn tả. Vậy để được mang danh là “già dịch” các lão già phải có những hành vi hay ngôn từ mang không nhiều thì ít tính chất “dịch” trong đó mới xứng đáng với hai chữ có tính cách miệt thị nhưng đôi lúc cũng là một lời mắng yêu, rất dễ thương và xúc động lòng già khiến cho “bần đạo thấy phơi phới trong lòng.

 

 

Thử tưởng tượng được một kiều nữ mắng: “Cái anh già dịch này nữa…” kèm theo một cái nguýt mắt dài bằng một cây số thì dù bạn đang đi trên đường số 6, số 7 hay số 8, tôi chắc bạn cũng sẽ động lòng xuân mà nhoẽn miệng cười vì người già ở Mỹ ai cũng được quỹ an sinh xã hội tặng cho một hàm răng để cười với đời; cười thôi, chứ dùng răng này ăn không ngon bằng nhai với hai hàng nướu trần.

 

 

Thật khó xác định như thế nào thì gọi là “già dịch.” Cũng những ngôn từ đó, những hành vi đó, nhưng xuất phát từ một thanh niên thì không bị buộc tội là “dịch.” Trái lại nếu là một trưởng lão thì lại bị mắng là “già dịch.” Đúng là không công bằng! Không còn gì là “kính lão đắc thọ” hết. Thời đại văn minh nên tôn ti trật tự trong xã hội bị đảo lộn tùng phèo! Thôi thì cũng đành chịu vậy!

 

 

Thông thường, theo ngâm cứu vừa sâu vừa rộng của tôi, (chứ không phải “sâu sát” như ngôn ngữ của mấy ông ngoài Bắc) hai chữ “già dịch” nhắm vào những ông già có hành động và ngôn từ mang tính chất trăng hoa, trai gái, bờm xơm kiểu “ông thầy.” Những hành động và lời ăn tiếng nói liên quan đến vấn đề “sex” (nhập gia tuỳ tục, nhập giang tuỳ khúc, mình qua xứ Mỹ nên xài tiếng Mỹ cho vui đời tỵ nạn) hay nôm na văn chương hoa lá cành là những vấn đề liên quan đến tình dục. Tỷ dụ: Một anh già bảy mươi lò mò về Việt Nam nhờ mối mai, quăng tiền “dollars” ra để dụ dỗ gái tơ hay cưới vợ bé, vợ mọn thì chắc chắn một ngàn phần trăm sẽ bị gọi là “già dịch” không chạy trốn đi đàng nào được hết. Kể ra thì cũng khổ cho mấy ông già còn động lòng xuân, tuy tuổi già nhưng tâm hồn còn non trẻ. Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ gặp gái tơ trên cánh đồng trống đã khai báo lý lịch tuổi tác là: “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam” đâu có nghe ai dám bảo cụ là “già dịch” đâu mà trái lại còn khen ông cụ có số đào hoa, bay bướm, phong lưu mã thượng.

 

 

Tuổi tuy già mà chưa cần đến các loại thuốc trợ lực như rượu thuốc ngâm tắc kè, rắn mối, rắn hổ mang, cóc nhái, ễnh ương hay hải cẩu bổ thận hoàn, sâm nhung, “Viagra,” “Cialis,” thì tại sao lại không cho mấy ông già này tiến thêm một bước nữa mà lại bắt mấy lão ta phải dậm chân tại chỗ chờ ngày thường xuyên thấy quả

lắc đồng hồ ngày đêm miệt mài chỉ 6 giờ. Thế có phải là bất công không?

 

 

Thiếu gì trường hợp “Lão bạng sanh châu!” Nói thế thôi, chứ mấy ông cụ này chỉ hăng tiết vịt một đôi lúc thôi, chứ đa số chỉ đốt pháo xì, đạn dược lép cả rồi nên vì vậy mới bị mắng là “già dịch.”

 

 

Các ông già này dù cho có xài hỗn hợp “Viagra” cộng thêm rượu thuốc Minh Mạng thì cũng không thể nào “nhất dạ lục giao sinh thất tử” được. Quý vị thường nghe “sinh ngũ tử” chứ chưa bao giờ nghe “sinh thất tử” vì quý vị quên rằng y học ngày nay tiến bộ vượt mức, nếu kết hợp Đông Tây y vào với nhau thì lục giao rất có thể sinh 7 nhóc con vì có một lần sinh đôi. Quý vị không tin tôi ư? Ngày nay, các người hiếm muộn đến gặp các bác sĩ chuyên khoa sẽ được họ đề nghị cho một cặp sinh đôi tức là “mua một tặng một” chỉ trả tiền cho một lần giúp thụ thai mà sinh được một cặp trai hay gái tuỳ thích. Thế thì có phải là “lục giao sinh thất tử” không nào?

 

 

Trên đây là một loại già dịch rất phổ thông đại chúng. Còn nhiều loại nữa vì chữ dịch mang rất nhiều biến thể. Tôi xin kể hầu quý vị một loại dịch khác:

 

 

Số là có hai ông già Việt Nam ngồi nhấm nháp trong một tiệm ăn, thấy cách đó mấy bàn một cô gái mắt xanh, tóc vàng đang ngồi xô lô. Hai ông bèn hứng chí phê bình văn nghệ, văn gừng vung vít bằng tiếng mẹ đẻ, bàn loạn lung tung về núi đồi sông lạch của thiếu nữ hơ hớ tuổi xuân. Một lát sau, thiếu nữ khi rời quán hàng, đi ngang chỗ hai ông già ngồi, đã đứng lại phán rằng:

 

 

“Hai bác ăn nói trây quá! Già không nên nết, đúng là già dịch!”

 

 

Hai lão già thiếu đường cắt mặt quăng cho chó gậm vì nãy giờ tưởng thiếu nữ là Mỹ chính gốc hay ít nhất cũng là Mễ trắng ăn đậu quanh năm, ai dè cô ta là dân Việt Nam có 50% máu Mỹ.

 

 

Câu chuyện thật 100%, hai ông già này hiện đang chơi “tennis” với người kể câu chuyện tiếu lâm tân thời này. Dân Việt Nam ta ở bên Tây, thuở chưa có ngày 30 tháng Tư, lúc mà dân Việt Nam ta chưa sinh sống nhiều ở ngoại quốc như ngày nay, thường cuối tuần hay tụ tập tại tiệm “cà phé” để tha hồ văng tục vô tội vạ bằng tiếng mẹ đẻ để xã “soupape,” để vơi đi ẩn ức tình dục và để ôn lại ngôn ngữ của quê hương sợ một ngày nào đó quên mất tiếng mẹ đẻ. Hai ông già dịch trong câu chuyện trên đây cũng đang xã “soupape,” không ngờ lại bị tổ trác, ngậm đắng nuốt cay, có miệng mà như ngậm hột thị chẳng nói năng gì được trước mặt cô gái mang hai giòng máu Việt Mỹ trong người mà máu cha mạnh hơn máu mẹ nên mới làm cho hai ông già mắc mớp.

 

 

Cũng là “già dịch” nhưng dễ thương hơn, tức là thành phần “trí thức” hơn, thưòng hay tụ họp nhau để ăn uống, tán láo và ôn lại những kỷ niệm thời xa xưa, tán gái cua đào, lăng nhăng đủ ba mươi sáu thứ chuyện trên trần thế, nhắc lại chuyện xưa tích cũ đại loại, chẳng hạn như là:

 

 

“Tao mới gặp con XYZ.  Trời ơi, ngày xưa nó đẹp như thế, tau mê nó như điếu đổ thế mà ngày nay tau không thể ngờ nhan sắc tàn phai thảm hại khiến tau phải tự bảo từ nay nhất định không muốn tìm gặp lại cố nhân nhan sắc một thời để khỏi phải ngậm ngùi tiếc thương.” 

 

 

Lão già phát ngôn như trên, cùng một trang lứa với tôi, lão ta ngậm ngùi vì vết thời gian hằn rõ nét trên gương mặt giai nhân nhưng lão ta quên nhìn mình trong gương để thấy rằng thời gian cũng đã không buông tha cho lão ta. Đúng là thấy người mà không ngẫm đến ta. Nhưng đấy mới là cái dễ thương của ông bạn già, ông chỉ nghĩ đến tha nhân mà quên bản thân. Nhưng ông ta vẫn bị gán cho hai chữ “già dịch” nếu có người nghe được những phát ngôn của ông liên quan đến một vấn đề mà người ta không muốn cho những ông già tuổi ngoại lục tuần bàn loạn đến vì đã qua rồi cái thời vàng son tuổi ngọc mộng mơ. Thật là bất công không thể nào nói hết được! Tức chết đi được mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chẳng lẽ bây giờ về than thở với vợ ư? Đừng có chơi dại mà tâm sự với vợ về những chuyện này. Chắc chắn 100% là sẽ không được thông cảm mà trái lại còn bị nguýt xéo kèm thêm một tiếng “hứ” kéo dài như còi xe lửa và sẽ vuốt mặt không kịp với hai chữ “già dịch” tuôn ra ngay lúc đó.

 

 

Tôi tự hỏi tại sao chỉ có lũ đàn ông chúng tôi bị mắng “già dịch” mà các bà thì lại “bình an như người lành dưới thế.” Hoạ hoằn lắm mới nghe được những chữ: “bà già chằng, bà già giết giặc,” nhưng ý nghĩa miệt thị nhẹ nhàng hơn nhiều.

 

 

Riêng tôi, tôi chỉ thích được nghe mắng yêu, đặc sệt giọng Nam Kỳ Quốc: “Thật là cái anh dịch dzật gì đâu…!” Nghe ra âu yếm làm sao! Quý vị có đồng ý với tôi không? Nếu đồng ý thì cố gắng đi kiếm cho ra người có thể mắng bạn như thế cho lòng xuân phơi phới, thấy mình vẫn còn đường tương chao tức là:

 

 

“… Còn nước, còn non, còn cô bán rượu anh còn say sưa.”

 

 

Hoàng Đức

 

  

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

Già Dịch – Hoàng Đức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *