Đi Chùa
.
*
* Phật tại tâm.
*
“Đi chùa mà trong tâm không có Phật, thì đi chùa để làm gì? Hãy dung thới giớ đó làm việc gì có ích lợi cho đời, còn có ý nghĩa hơn. Thời giờ luôn là thứ quý giá mà con người đang lãng phí vào những điều vô bổ. Họ phí phạm thời gian, mà kết quả thu về chỉ là con số không.”
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nghe những lời ấy từ một vị tu hành. Chẳng phải người xuất gia luôn mong ai cũng tu tâm dưỡng tánh, đến chùa lễ Phật, đọc kinh nguyện cầu sao?!
Có lẽ hiểu ý tôi, Thầy liền giải thích thêm:
– Ý Thầy muốn nói đi chùa nên mang theo cái “tâm hướng Phật.” Chẳng phải chỉ đi cho vui, cho hợp thời trang, theo phong trào. Đương nhiên, cửa Phật luôn luôn rộng mở đón chào bất cứ ai.
– Thưa Thầy, đến chùa lễ lạy chắc là họ phải có lòng hướng Phật chớ?
– Anh là người nhìn xa trông rộng (?). Tôi kể cho anh nghe câu chuyện sau đây rồi tùy anh tự đúc kết những gì chúng ta đang đề cập nghe…
Có một gia đình Phật tử, nhà ở Xóm Bến, rất sùng đạo. Vào dịp lễ Vu lan cả nhà 6 người cùng nhau đi chùa để “báo ân mẹ cha.” Họ lại không cho bà mẹ già theo cùng. Lý do đơn giản, vì mẹ tuổi già sức yếu chậm chạp, ăn mặc xuề xòa, những người con e ngại khi đi cùng bà trước đám đông. Đứa con lớn nói:
– Mẹ hãy ở nhà, trên đó đông người, khói nhang nghi ngút, mệt mỏi lắm. Chùa to, có nhiều bậc thang dẫn tới chánh điện, mà dắt theo mẹ lê từng bước, chẳng biết khi nào chúng con mới được vào trong cúng bái, làm Lễ Vu lan.
Gương mặt bà mẹ buồn vì lại phải đón nỗi cô đơn, quạnh hiu trong căn nhà quá lớn, dù đây chẳng phải lần đầu tiên bà lủi thủi một mình, những khi con cái đi chơi, có khi đi xa mấy ngày trời. Những lần như thế, bà chỉ ước ao có ai đó hàn huyên cho qua thời giờ.
Chiếc “Ti-Vi” là người bạn không cảm xúc, nhưng cũng giúp vơi đi nỗi lòng đôi chút. Bà mê coi cải lương, nhưng thường có tật ngủ quên không tắt. Con trở về thấy vậy, luôn la rầy, phàn nàn mẹ quá lãng phí, không biết tiết kiệm điện. Đã không làm ra tiền mà còn phá thêm (!) Từ đó, bà không dám xem “Ti-Vi,” thậm chí tắt đèn tối thui cho đỡ tốn điện!
Tới một hôm khác trong lúc họ đi chùa, bà buồn quá nên sang nhà hàng xóm nói chuyện giải khuây. Khuya quá chẳng thấy con về, không thể nào ở lì mãi nhà hàng xóm, bà đành trở về căn nhà tối thui. Do đôi mắt kém, ánh trăng không đủ soi lối đi, bà trượt chân té ngã, đầu đập xuống bậc tam cấp, tử vong ngay tại chỗ. Chẳng một ai hay.
Những người con từ chùa về, tới cổng ánh đèn xe pha chiếu rõ cái tướng của mẹ nằm. Họ nói:
– Đụng đâu ngủ đó! Vậy mà cứ đòi đi chùa. Lên cửa Phật tôn nghiêm mà nằm vật vờ như thế, có phải là “mắc cở với thiên hạ” hay không?
Nhưng rồi họ hốt hoảng khi thấy rõ cảnh tượng, một vũng máu loang lổ còn tươi rói trên sàn! Mẹ đã tắt thở từ bao giờ. Họ gào khóc thảm thiết:
– Lúc ở chùa, chúng con cầu nguyện trước Phật cho mẹ sống lâu trăm tuổi, sao mới đó thôi mẹ đã vĩnh viễn ra đi?
Rồi họ hăng hái đọc kinh Phật thật to để thể hiện sự thành tâm. Luôn quỳ lạy nhiều gấp đôi người chung quanh. Thế mà Phật vẫn không minh chứng cho lòng thành…
Thế là họ từ giã ngôi chùa cũ, tìm ngôi chùa khác lớn hơn để trao niềm tin.
Đới với họ, có lẽ chùa to, nhiều thầy và có đông người đến viếng mới là nơi linh ứng và luôn có Phật hiện ngự (?).
Quang Nguyen