Văn hóa cạn chén (nhậu)!
.
*
… Buồn như ly rượu đầy
không có ai cùng cạn;
Buồn như ly rượu cạn
không còn rượu để say…
(“Buồn” – Y vân)
Ngoài cái tên tựa mà tôi tạm thời chọn cho bài này, “Văn hóa cạn chén” (the “Bottoms-up”culture), còn có muôn vàn tên từ phàm tục, bình dân giáo dục cho đến thi vị, bi tráng để gọi một vấn đề (hay một tệ nạn xã hội). Đó là Uống rượu, nhậu, nâng ly, cụng ly, cạn ly, nhâm nha, lai rai, tiến tửu, nghinh tửu…
Cạn chén là một “bộ luật bất thành văn” duy nhất của xã hội Việt Nam hôm nay được áp dụng rất “nhất trí.” Từ cấp lãnh đạo nhà nước, cơ quan chính quyền cho đến xí nghiệp tư nhân, tiệc tùng ăn nhậu gần như là một nghi lễ bắt buộc khi tiếp quan khách cấp bậc nhà nước hoặc tiếp các đối tác thương mại… Không có “ăn nhậu” được hiểu là “không phải phép,” “không biết điều,” “không rượu không phải lễ (vô tửu bất thành lễ),” “khó chơi,” “chơi không vô…”
Lần đầu về thăm Việt Nam thăm nhà sau mấy chục năm tị nạn, khi tiếp xúc với thân nhân, bạn bè, người nào cũng than vãn là: “Cuộc sống quá khó khăn,” “Làm không đủ sống,” “Gạo châu củi quế…” nhưng tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy từ thành phố lớn cho đến thôn quê, từ đường phố lớn đông người chen chúc cho đến ngoại ô xa xôi vắng vẻ, từ nhà hàng sang trọng máy lạnh cho đến quán cóc xiêu vẹo lôi thôi nhếch nhác vỉa hè, khi chiều tối vừa lên đèn là đã… đầy nghẹt khách nhậu!!! Tôi có đem chuyện “vô số các quán nhậu đầy khách” ra hỏi một đồng môn cũ hiện đang làm việc cho một ngân hàng ở Sài gòn, thì người bạn này trả lời là:
“Ông nói đúng. Mỗi buổi chiều tan sở, có ít nhất 5 hay 6 nơi mời tôi đi nhậu. Tôi phải lựa chọn một chỗ ngon lành và tốt nhất để nhậu mỗi ngày. Mà nè! Ở thời buổi ‘đổi mới’ bây giờ, nói không quá, không nhậu không thể làm việc được; bởi vì các vụ làm ăn, trao đổi, ký kết, mọi quyết định quan trọng của cơ quan chính quyền cũng như cơ sở dân sự thương mại đều ‘xử lý’ không phải ở trong văn phòng; mà trên bàn nhậu!”
Trời đất! Ở Mỹ này, các nhà lãnh đạo chính phủ cũng như xí nghiệp tư họp bàn và quyết định mọi chuyện khi đầu óc họ tỉnh táo, thông thoáng mà còn đôi khi còn bị sai lầm đổ vỡ; vậy mà ở nước ta “mọi quyết định quan trọng” đều xẩy ở trên bàn nhậu khi các người can dự đều say khướt nôn ọe thì đất nước này sẽ đi về đâu? Có lẽ chỉ có một con đường rõ ràng nhất có thể nhìn thấy là sẽ “xuống hố cả nước”… xã hội mỗi ngày mỗi băng hoại hôi hám như những bãi ói mửa quanh bàn nhậu…
Cạn chén, cạn ly, ăn nhậu, hũ chìm, hũ nổi… đó là chuyện bình thường ở Việt Nam (!) Cán bộ có nhiều tiền, nhàn rỗi không sợ mất việc thì nhậu đã đành; Anh thợ hồ cũng nhậu, anh xe ôm cũng nhậu; Có bằng đại học cũng nhậu, công nhân tép riêu cũng nhậu; Người dở người giỏi đều nhậu; Phụ huynh người lớn nhậu, các em tuổi học sinh bắt chước nhậu, không uống được mười phần (như bố) thì cũng được hai ba phần là tốt rồi; Chuyện nhậu không còn dành riêng cho nam giới “hữu phong” mà phụ nữ con gái cũng theo chồng, theo con, theo bạn nhậu quắc cần câu… Trên bàn nhậu thấy có mặt đủ mọi thành phần, mọi giới, mọi trình độ… và nhậu với mọi “lý do.” Bạn bè gặp nhau (không nhất thiết phải là lâu ngày và tại sao) là phải nhậu… “nhậu giao lưu,” “nhậu kết nghĩa,” “nhậu trước lạ sau quen…” Rồi đến các dịp ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp, lễ hội, đại hội, hội nghị, đình đám, khởi hành, khai trương là phải có nhậu… Cứ nhậu trước cái đã rồi tính sau.
Ông Nguyễn Hiến Lê trong tập “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê” đã kể chuyện một ngôi làng ở miền Bắc chỉ họp nhau đào một cái giếng nước nho nhỏ thôi; vậy mà từ lúc bắt đầu khởi công đến khi hoàn thành giếng nước, dân làng đã tổ chức nhậu liên tiếp từng chặng một, đánh chén hết tổng cộng 42 con heo (?)… Thiệt tình “văn hóa ăn nhậu” của nước ta đã đến mức siêu đẳng…. Một hai ba cả nuớc chúng ta cùng nhậu, cùng nhau “nhiệt liệt liên hoan” mệt nghỉ cho tới ngày xuống hố một lượt cho tiện sổ sách… Chuyện đáng buồn là ở Việt Nam, nhậu còn được xem là một lợi thế thăng tiến trên đường công danh (?) Nhiều sếp lớn của cơ quan nhà nước cũng như xí nghiệp cần tuyển người “nhậu giỏi” để làm phụ tá giúp mình “uống” trong các buổi nhậu giao tiếp… hãi thật!
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam (?) (dân tị nạn “phản động” ở hải ngoại nên biết là cái “Bộ chuyên môn” này đã có một lúc – vào những năm 1980’s – nhà nước ưu việt của ta gọi là “Bộ Các Thứ Bệnh” cho nó “ăn khớp” theo với “Xưởng Đẻ” và “Nhà ỉa…” Sau đó vì bị dân chúng cười chế nhạo quá xá, nhà nước phải đổi tên lại cho “hoàn chỉnh” với tên cũ là “Bộ Y Tế”) mỗi năm cái quốc gia loại “ra ngõ đã thấy anh hùng” tiêu thụ khoảng 350 triệu lít rượu (?), trong đó 90% sản lượng là rượu nấu thủ công. Nên biết danh từ “rượu nấu thủ công” để chỉ Rượu Trắng. Rượu Trắng còn được gọi nhiều tên khác nhau như:
– Rượu Đế – Rượu trắng nấu lậu trốn thuế được đem đi dấu ở các bụi cỏ lau, cỏ năng, cỏ đế khi bị “Tây đoan” (một loại cảnh sát của thực dân Pháp chuyên đi bắt rượu lậu, hàng hóa lậu thuế) lùng bắt;
– Rượu Ngang – Rượu lậu phải “đi tắt về ngang” để đem bán;
– Rưọu Quốc Lủi – Rượu bán lậu như con cuốc trốn lủi trong bụi, trái nghĩa cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với “Rượu Quốc Doanh” của nhà nước…)
Cứ tạm cho là thống kê của “Bộ Các Thứ Bệnh” (chắc chắn phải kể cả bệnh nhậu! và bệnh teo não!) nhà nước ta đúng thì trung bình dân tộc Việt Nam anh hùng tính đổ đầu từ già cho đến sơ sanh nốc cạn chai trên 3 lít rượu trắng mỗi năm (?) Úi chà chà! Thế có chết người không?
Không phải chỉ nốc rượu vào dạ dày là xong đâu. Uống rượu thì phải có “mồi” chứ ai mà uống rượu xuông? Chả thế mà các tiệm nhậu, ở mọi nơi, mỗi ngày sáng chế ra thêm nhiều món thực đơn nhậu từ phong phú đến kinh hãi: “đặc sản” thịt rừng (nai, heo rừng, cá sấu…), thịt chuột, cóc, nhái, ếch, lươn, rắn, thỏ, đuông, cua đinh, bọ cạp… Rừng Việt Nam càng ngày càng ít đi vì bị tàn phá khai thác không luật lệ, không nương tay thì lấy đâu ra “đặc sản,” “hương vị quê hương” để cung cấp cho hàng hà quán nhậu mỗi ngày đều đặn như thế… Ai có đủ khả năng phân biệt thật hay giả? Mà đã không có ai kêu ca than phiền gì về chuyện “đặc sản” thật hay giả thì thắc mắc làm gì cho mất thời giờ nhậu quý báu… Cộng thêm các món nhậu với tên gọi rất “mênh mông tình dân” và “đậm đà thói đảng” như: “món ăn ba miền,” “nước mắt quê hương,” “thịt bò tùng xẻo,” “ngọc dương tiềm thuốc bắc,” “cá sấu hoa cà,” “cá kèo nướng mọi,” “sò huyết rang me,” “gà quay lu ketchup,” “dựng bò nấu bia,” “ngầu pín xắt lát…” Hết biết!
Rượu bia làm gan, dạ dầy, tim mạch, lục phủ ngũ tạng “banh ta lông” hết trơn hết trọi. Rượu làm thần kinh rối loạn, tâm thần như đang treo ngược trên cành cây – Không biết đầu mình đang đội trời hay đầu đang đội đất? Đâu có ai buồn để ý đến hậu quả tai hại của việc uống rượu uống bia. Mới 30 tuổi đầu, giữa ban ngày ban mặt đã lăn đùng ra chết vì bệnh gan; hoặc đột ngột “tạ từ trong đêm” vì tim ngừng đập (“cardiac arrest?”, hay là bị “thương mã phong?” Chỉ có trời biết). Rồi gia đình bợm nhậu quá cố đưa tin là bợm ta chết vì xui xẻo, trúng gió? (Gió “lào?”) Chưa tới 50 tuổi đã “đột qụy tai biến mạch máu não,” tàn phế vĩnh viễn. Đất nước còn trông mong vào sức lực và trí óc ở đâu ra để sản xuất, để thăng tiến giầu mạnh… Men rượu còn làm thay đổi cả cá tính con người, làm mất đi sự đàng hoàng, sự kính trọng. Rượu vào lời ra làm bạn nhậu gây gỗ thanh toán chém giết lẫn nhau; Rượu gây xâm phạm tình dục, bạo hành gia đình (say rượu đánh vợ đánh con dã man, vợ chém chồng …) tan hoang cửa nhà sau khi say xỉn; Chạy xe gây tai nạn lưu thông chết người cũng vì say xỉn…
Những tệ nạn và tai họa này các thơ phú văn chương lãng mạn; những tập phim bộ, phim kiếm hiệp bi tráng đâu có nhắc đến… Thật vậy. Thơ nhạc lãng mạn đã tạo nên những hình ảnh nam nhi với thần thái hào sảng uống rượu như nước lã; khác hẳn đời sống thực tế của con người phàm tục say rượu, ói mửa, phờ phạc, mệt mỏi, mất hồn…
Đầu tiên hãy thử nghe ông thi sĩ Vương Hàn (xì thẩu này chỉ là quan văn), trói gà không chặt, còn mơ ngủ ngay trong ban ngày trời sáng, của thời thịnh Đường bên Tầu (thế kỷ thứ 8 sau Công Nguyên) ca ngợi sự bi tráng của chiến sĩ uống rượu trước khi ra trận như sau:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
(“Lương Châu Từ” – Vương Hàn)
Dịch nghĩa nôm là:
Rượu bồ đào cùng với chén lưu ly
Muốn uống nhưng tỳ bà đã giục lên ngựa
Say khướt nằm ở sa trường, bác chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về.
Dịch ra thành thơ nôm:
Bồ đào rượu ngát chén lưu ly
Toan nhắp tỳ bà đã giục đi
Say khướt sa trường anh chớ mỉa
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
(Trần Quang Trân)
Rượu bồ-đào, chén dạ quang
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu
(Trần Trọng San)
“Xưa nay chinh chiến mấy ai về.” Nhận xét này của Chú Ba gàn bát sách luận gần đúng không cần phải bàn thêm. Bởi vì đi đánh trận khác xa với đi “shopping” hay đi dạo trong công viên. Trận mạc là chỗ tên bay đạn lạc chiến sĩ mất mạng dễ như không. Nhưng cái ông Xì thầu trói gà không chặt này không những đã xúi bậy mà còn có máu khôi hài: “Sa trường say ngủ ai cười.” Ậy! Uống rượu say khướt rồi vào chui phòng đắp chăn ngủ với vợ còn có thể chết (xin đọc lại tai nạn “âm thầm tạ từ trong đêm!” ở bên trên). Chứ ra trận mà say rượu thì chết là chắc chắn “chăm phần chăm.” Quờ quạng nửa tỉnh nửa mê đi ngơ ngơ giữa lằn tên mũi đạn thì không chết vì đạn của quân địch cũng chết vì đạn lạc của quân ta.
Bây giờ nghe ông danh sĩ thứ hai – nhà thơ Nguyễn Bá Trác – cũng lại ca nỗi niềm bi tráng (không hiểu sao “uống rượu” trong thơ phú cứ phải đi cặp với 2 chữ này nhỉ?) của chí sĩ tị nạn lưu vong thất thời qua bài “Hồ Trường”:
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu?
Nào ai tỉnh…
Nào ai say…
Chí ta biết, lòng ta hay…
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây…
(“Hồ Trường” – Nguyễn Bá Trác dịch thoát từ một ca khúc của Trung Hoa – tên là “Nam Phương Ca Khúc” – vào khoảng năm 1912)
Bài này đã làm những người yêu thơ rượu rất thích thú cái phong vị khảng khái mà bi tráng của kẻ sĩ vì vận nước phải dọc ngang trời đất (nói nôm na là đang sống đời tị nạn lưu vong trên đất người !) cho đến khi đã già lụ khụ, tóc bạc răng long, hay đầu hói răng giả hết rồi mà vẫn bất đắc chí; mượn chai rượu (“cognac”) để than thở, giải buồn (?) với người đồng hương (cũng đồng hoàn cảnh thất chí…) Riêng cá nhân tôi cũng là dân tị nạn vượt biển, vì không biết uống rượu và cũng không phải thi sĩ cho nên đọc và thấy bài thơ “Hồ Trường” bất hủ này có vài vấn đề cần phải nói:
– Thứ nhất, “Rót về đâu?” Rượu thì phải rót vào chén hay vào ly hay cùng lắm là rót thẳng vào miệng chứ không thể rót lung tung được; coi chừng rót lầm vào mắt mù, hay vào mũi thì có đường sặc sụa chết bỏ!
– Thứ hai, “Nào ai tỉnh, nào ai say?” Đã tính chuyện đi cứu nước thì luôn luôn phải “alert,” tỉnh táo như con sáo sậu. Chứ cứ say túy lúy thì ngay bản thân mình còn chưa cứu được nói gì đến chuyện trọng đại cứu nước cứu dân hà…
Bây giờ quay trở lại vấn đề say xỉn ở trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ta…. Cán bộ cao cấp nhậu say xỉn xong ngày mai đi họp đại hội đảng hay hội nghị tổng kết thành quả thì chắc chắn phải được việc rồi; chứ anh thợ bần cố nông thành trì cách mạng say xỉn mà ngày mai phải đi làm công việc lao động sản xuất bằng tay chân ở nhà máy; phải sử dụng máy tiện, máy cắt, máy cưa thì “khả năng” (cơ hội) được “nghỉ hưu” non (tất nhiên là không lãnh lương) rất cao!
Kể ra, cán bộ giầu có dư ăn dư mặc hay dân đen vô sản khố rách áo ôm đều say rượu khướt đằng nào cũng tiện cho nhà nước cả… Nếu tỉnh táo mạnh giỏi cán bộ lại cắc cớ nghĩ ra việc phản tỉnh, nộp đơn xin bỏ đảng, đòi hỏi thêm quyền này quyền nọ, biểu tình kêu oan ăn vạ rất phiền toái làm mắt mặt mất mũi đảng và nhà nước trước các con mắt của quan sát viên ngoại quốc. Mà làm cái quái gì phải ngăn cấm việc liên hoan, uống rượu cho mệt xác; Chỉ tổ làm phương hại đến ý nghĩa của châm ngôn cao cả mà đảng và nhà nước ta đã hết lòng đề phát: “Độc lập, Tự do Hạnh phúc.”
Không hiểu lãnh đạo nhà nước sáng mắt hơn nghệ sĩ Văn Vỹ không chứ: Cái quang cảnh đời sống của dân càng khó khăn, dân càng nhậu mút mùa lệ thủy không phải là dấu hiệu tốt đánh dấu sự thăng tiến của “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” đâu! Dân phải uống rượu nhiều để giải sầu, để cố quên đi cái thực tế quá cay đắng mà họ không thay đổi được! Nước xã hội chủ nghĩa anh em vĩ đại Liên sô trước đây cũng có tỉ lệ dân đen nghiện rượu (volka) cao nhất thế giới vì cùng một lý do; không phải vì họ sống đầy đủ, ấm no hay “tự do hạnh phúc!”
Lãnh đạo cao cấp nhà nước đang bận tham nhũng vơ vét; đang bận củng cố địa vị ăn trên ngồi trốc, tất tật tận dụng đời bố củng cố đời con, cha truyền con nối; và quá bận tâm đến việc ngăn chặn các cao trào của nhân dân đòi quyền dân chủ (còn có nhiều nhóm phản động đòi xin tí huyết của lãnh đạo đảng…) Cán bộ cấp địa phương một mặt thì thì bận sách nhiễu dân chúng, một mặt chu đáo tiếp đón các phái đoàn từ trên xuống… Ngoài ra, không hề thấy có một biện pháp hay phương án nào để cảnh giác, để làm giảm thiểu hay giáo dục tệ nạn ăn nhậu tới bến mút chỉ này? Mặt khác, các báo in, điện báo (“internet”), phim ảnh còn thi đua nhau giới thiệu, quảng cáo các món ăn chơi và nhậu nhẹt, rủ rê bợm nhậu gia nhập các hội nhóm (clubs) nhậu… Trên toàn quốc, các nhà máy bia, nhà nấu cất rượu “chính qui” cũng như “chui” mọc lên như nấm. “Cầu” nhiều thì tất nhiên phải có “cung.” Sản xuất không đủ thì cứ việc nhập cảng thêm rượu bia từ nước ngoài vào cho đủ. Uống rượu không đủ nồng độ (vì có rất nhiều rượu giả!) thì cứ cho thêm thuốc rầy, cồn sống… vào để uống cho ói ra mật xanh, cho “tím cả chiều hoang biền biệt…” mới đã nghiền.
Tóm lại, “Cách mạng vô sản vô địch” và tiếp theo là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” chỉ ban phát cho dân một thứ tự do duy nhất thật quý báu và ý nghĩa. Đó là “tự do ăn nhậu” (không cần biết là tiền lấy ra từ đâu để nhậu?)…
Tương lai và hy vọng thì mù mịt, nhưng rượu lúc nào cũng có sẵn và đầy đủ: Rượu đế ngâm sâm nhung, tắc kè, bìm bịp, rắn hổ, rắn ngũ xà, rắn cửu xà, bao tử nhím, hải mã… dân đen tha hồ uống cho bổ dương, bổ thận, bổ… nhào! Miễn đừng có tính chuyện phản động chống đối đảng nhà nước là tốt rối !
__________
Tái bút:
“Đừng bao giờ mong uống rượu để nhận chìm nỗi buồn; bởi vì nỗi buồn biết bơi” (People who drink to drown their sorrow should be told that sorrow knows how to swim)
– Ann Landers
Trần Văn Giang
.