Mẹ Chồng Nàng Dâu
.
*
– “Đi từ Nam ra Bắc tao không thấy có đứa con dâu nào như mày.”
– “Con đi khắp cái gầm trời này cũng không có người mẹ chồng nào như mẹ.”
– “Tao thì làm sao?”
– “Thế con thì làm sao?”
– “Mày chả làm sao, mày là nhất. Đi ra ruộng thì đi luôn đi. Ban ngày thì mải đi chơi, tối tắt mặt trời đổ lúa vào xay. Làm việc không khoa học chỉ có nghèo suốt đời con ạ.”
– “Con nghèo thì mẹ cũng nghèo theo, nên đừng có mà trù ẻo.”
Ngày nào bọn tôi cũng được nghe “dân ca và nhạc cổ truyền” miễn phí từ hai mẹ con nhà bà cụ Thao. Cụ năm nay tám mươi tuổi rồi, con dâu cụ thì hơn bốn mươi tuổi. Nghe đâu bảo ngày xưa cụ sức yếu, sảy mấy lần mới sinh được chú Tự. Vì là con cầu tự nên bà chiều chú lắm, từ nhỏ tới lớn muốn gì được nấy. Ngày chú Tự cưới cô Tin bà cụ cũng chẳng thích lắm, vì cô Tin học hết cấp một là nghỉ rồi. Nhưng chú Tự kiên quyết nên cụ phải cắn răng tổ chức lễ cưới. Cưới xong cô Tin sinh liền tù tì ba đứa con gái… Cụ cứ bĩu môi mãi cho cô Tin là đồ không biết đẻ.
Cụ bảo cô Tin:
– “Liệu mà sinh thêm thằng cu nối dõi, kẻo lúc bố chúng nó đi gái lại ngồi mà khóc. Con gái là con người ta.”
Cô Tin nghe thế bực mình bảo:
– “Con gái là con người ta, con dâu đích thực mẹ cha mua về, thế sao mẹ không đối xử tốt với con đi, con nào chả là con, con trai mẹ có ở nhà chăm mẹ đâu? Toàn thân con hầu hạ.”
Bà cụ hừ một cái rõ dài rồi quay mặt vào tường, chẳng nói gì thêm.
Mỗi ngày đều nghe thấy mẹ chồng con dâu nhà cụ kẻ xướng người tùy, hay hơn cả xem kịch trên đài VTV1 mỗi tối thứ bảy. Hôm nào không thấy hai mẹ con cụ cãi nhau, là thấy xóm hiu hắt hẳn đi.
Có một sớm, tôi vừa cho kem đánh răng vào miệng, thấy bà cụ nhà bên hậm hực gào toáng lên:
– “Tay tao bưng trầu, đầu tao đội lễ, tao rước mày về cái nhà này, chứ không phải con giun cái kiến nó tha mày về mà mày không biết lớn biết bé, đi không thưa về không gửi.”
– “Mẹ ngủ ngáy o o, đấm bảy ngày chả hự, con thưa gửi kiểu gì? Mà con đi bừa chứ đi đâu mà thưa với gửi, mẹ bớt bớt cái tính cổ hủ đi.”
– “A, tao cổ hủ, mày chê bà già này cổ hủ, để tao gọi chồng mày về xem nó có cho mày một trận không, mày dám chê mẹ nó à?!”
– “Mẹ đi mà gọi, con chả ngán. Mẹ chửi xong rồi thì ra ăn bánh quấn đi không nguội.”
– “Tao không ăn.”
– “Không ăn tận trưa mới có cơm đấy, lát bọn trẻ về nó ăn hết lại chả kêu. Bà Tư bún làm riêng cho mẹ đấy.”
– “Hừ, cái con mụ Tư bún chỉ khéo mồm, bán thì đắt, mày chỉ khéo vẽ vời tốn tiền.”
– “Thế mẹ có ăn không?”
– “Chả ăn thì sao?”
– “…”
Tôi cười nuốt cả kem đánh răng.
Cả làng tôi đều biết bà cụ Thao là địa chủ hết thời, ai cũng sợ cụ. Ngày cụ còn trẻ còn khỏe, đanh đá nhất làng, chẳng ai dám động đến cụ. Thế mà không hiểu sao cô Tin chịu được những gần hai mươi năm. Nghe đâu ngày cô Tin mới về làm dâu, làm bà cụ tăng huyết áp mấy lần, cụ còn dọa thắt cổ tự tử. Thế là cô cắt ngay cái màn tuyn, nối thành cái dây dài treo thòng lòng từ nóc nhà xuống, rồi bảo cụ leo lên. Cụ tức quá chửi ầm lên, nói cô muốn giết cụ. Cô phì cười bảo là cụ tự muốn chết, nếu không muốn chết thì xuống bếp ăn cháo cá đi không nguội nó tanh. Cụ chọn cháo cá. Vừa ăn vừa hừ, hừ, hừ.
Chú Tự đi làm xây dựng mãi dưới Quảng Ninh, một năm chẳng về được mấy lần. Bà cụ tuổi già hay ốm, hay nũng, hay giận. Chỉ có cô Tin mới trị được cụ. Mỗi lần hàng xóm nói cô khổ, vớ được mẹ chồng ghê gớm, cô cười hi ha:
– “Người già với trẻ con là một, dỗ dành một tí là ngoan như bống ấy mà.”
Ban đầu mọi người nghĩ cô khôn khéo ý tứ, cho là cô ba phải, sau rồi phát hiện ra cô chẳng bao giờ đi nói xấu mẹ chồng ở bất cứ đâu. Thành ra mỗi ngày thấy mẹ con cô “hát tuồng,” ai cũng dỏng tai lên nghe rồi đem đi buôn bán trong những vụ dưa lê ngoài ruộng. Mà bà cụ gắt gỏng là thế, nhưng đi đâu cũng một câu con Tin nhà tôi, hai câu con Tin nhà tôi. Sau hàng xóm cũng quen, lại nghĩ chắc cô Tin và bà cụ kiếp trước là nghiệt duyên, kiếp này phải trả nợ, cả đời dính vào nhau.
Hàng ngày hai người tranh chấp toàn chuyện “lông gà vỏ tỏi.” Từ việc hát ru con tới việc tắm cho lợn, mà cuối cùng toàn bà cụ thua. Vừa ăn vừa thua, vừa phơi lưng cho con dâu bóp thuốc vừa lầm bầm chửi biết thế ngày xưa tao ép thằng Tự lấy đứa nhiều chữ hơn. Học nhiều nó mới ngoan. Cô Tin cười ha hả, làm gì có ai nhiều chữ bằng mẹ, văn thơ mẹ cả cái chuồng trâu nhà mình chứa không hết.
– “Cha tiên sư bố mày…”
Một hôm, cô Tin cuống lên đi tìm bà cụ. Chả là không biết bà cụ nghe ai nói chú Tự có bồ. Thế là cụ bỏ ăn, nằm liệt hai ngày. Cô Tin gọi chú Tự về gấp, chú bảo bận chưa về được. Sáng hôm sau cô đi chợ, về thì không thấy cụ đâu. Cô tìm nhà trên xóm dưới, rồi hoảng hốt chạy ra ao, ra giếng, không thấy bóng người. Cô cuống lên gọi điện thoại:
– “Mẹ anh chết rồi anh có về không hả? Không thấy mẹ anh đâu, anh về ngay còn kịp tìm xác.”
Chú Tự về nhanh như một cơn gió, bốn giờ chiều đã có mặt ở nhà, hàng xóm hỗ trợ tìm cụ từ trưa không nghỉ. Thấy chú về cô khóc toáng lên, đánh chú thùm thụp, miệng liên tục sao giờ anh mới về, không thấy mẹ đâu cả, không thấy mẹ đâu cả. Thiu hết cả bánh giò rồi.
– “Mới có từ trưa thiu thế nào được?”
Cả nhà:
– “…”
Không biết cụ chui từ đâu ra, cả người lấm lem. Cô Tin nín bặt cả khóc. Cả xóm trắng mắt. Ai nấy đều thở phào. Chưa kịp phào xong thì cụ ngã lăn quay ra đất, mọi người lại tán loạn đưa cụ đi trạm xá cấp cứu. Bác sĩ bảo cụ bị tụt huyết áp do quá đói. Rồi bác sĩ nguýt cô Tin một cái rõ dài:
– “Đúng là một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi nổi một mẹ.”
Cô Tin:
– “…”
Truyền được nửa chai đường thì bà cụ tỉnh lại, thấy con dâu khóc thút thít cụ xì mặt ra:
– “Mày định khóc bây giờ cho đủ để lúc tao chết mày không khóc nữa phải không?”
Cô Tin:
– “…”
– “Bánh giò có mang theo không?”
Cô Tin:
– “…”
– “Biết ngay mà, chỉ có giả bộ thảo hiền là giỏi.”
Chú Tự, cô Tin:
– “…”
Có mẹ chồng giỏi ăn nói nó khổ thế đấy.
Cô hỏi cụ, mẹ trốn ở đâu cả ngày mà tìm mãi không thấy. Bà cụ hừ một cái, trốn trên cái hố mối bãi chè sau nhà chứ đâu. Mày cứ động tí là đầu óc lú lẫn, bã đậu.
– “…”
Trưa hôm sau bà cụ được về nhà. Sau khi ăn xong bát cháo gà tần thuốc bắc, cụ gõ cái gậy xuống đất, bắt chú Tự quỳ xuống trước bàn thờ ông cụ Thao. Chưa kịp nói gì cụ đã phang túi bụi:
– “Con chó có đuôi, con người có ý thức. Vợ anh ở nhà bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, để anh ra ngoài ăn chơi đàng điếm hả?”
– “Con không có.”
– “Tôi quản anh có hay không hả? Tôi là tôi biết hết, anh chê tôi già mắt kém anh định qua mặt tôi phỏng? Đường đường là thằng đàn ông, văn chương chữ nghĩa bề bề, thần l… nó ám thì mê mặc lòng. Tôi nói anh biết, nhà tôi chỉ có mình con Tin được có tên trong gia phả. Mấy con yêu tinh quạ cái kia đừng hòng bước chân vào. Anh khôn hồn thì biết đường mà về nhà hối lỗi với vợ con. Tôi chỉ có ba đứa cháu, tôi không cần cháu trai, anh thích đi kiếm con hoang con ở thì cút khỏi cái nhà này. Hừ, hừ, hừ.”
Sợ bà cụ tăng huyết áp, cô Tin đuổi chú ra nhà ngoài, tối đó cô ngủ cùng bà. Sáng hôm sau cô bảo chú:
– “Mẹ bảo tay mẹ bưng trầu đầu mẹ đội lễ mẹ rước tôi về, nên nhà này của tôi. Anh cứ chọn đi, bà cụ chả sống được mấy nữa, bà chỉ có mình anh, anh sống sao thì sống.”
Nửa tháng sau người ta thấy chú Tự xách ba lô về, sau đó đi theo mấy ông thợ cả ở làng nhận mấy công trình nhà văn hóa thôn bản. Còn bà cụ và cô Tin ở nhà vẫn cất bài ca đi cùng năm tháng.
– “Thế gian được vợ hỏng chồng. Nhà mày thì hỏng cả ông lẫn bà.”
– “Không phải đều là con mẹ à?”
– “Tao mà đẻ ra cái loại chúng bay à?”
– “Thế chồng con chui ra từ cái lỗ nẻ nào?”
– “Từ cái loại rạch giời rơi xuống chứ sao.”
– “Rồi rồi… con thần con thánh, sét đánh không chết. Mẹ ngồi im con kỳ lưng… trơn là ngã gãy cổ bây giờ.”
– “Hừ. Hừ. Hừ.”
Minh Nguyễn