Con Mèo Của Tôi

.

*

 

Lời giới thiệu

 

 

Đã gọi là “Xuân Con Mèo,” thì theo thông lệ và truyền thống là phải có tí “mùiMèo mới trọn phim bộ… Vì vậy, tôi xin viết vài hàng về con “Mèo Mùa Xuân” cho hợp lệ “tình trạng quân dịch (?)” và cũng nhân tiện, tôi xin quá giang vào đây thêm một chút đỉnh về “Con Mèo 2 chân” của riêng cá nhân tôi cho vui nhà vui cửa đầu năm con Mèo. 

 

Cũng xin ráo trước là chẳng có chuyện gì mới lạ đâu.  Một con “Mèo Mùa Xuân” thì cũng y hệt như các “Con Mèo” quí vị thường thấy hàng ngày vậy thôi; vì lẽ “văn hóa Mèo” không có lệ “ăn tết” chẳng hạn như vay thêm nợ, trang hoàng nhà cửa, mua sắm quà cáp, chưng diện quần áo mới…

 

(Người viết xin được viết chữ hoa cho các chữ “Con Mèo” trong  bài viết bên dưới).

 

TVG

 

*

 

 

Việt Nam từ ngàn xưa vốn là nơi tương đối ấm áp, mưa thuận gió hòa, hợp với căn bản nông nghiệp.  Đa số người Việt làm việc đồng áng (cày cấy, trồng trọt, nuôi gia súc…) trong đó có nuôi năm con vật chung quanh nhà là: Trâu (Sửu), Ngựa (Ngọ), (Mùi), Gà (Dậu), Heo (Hợi); và hai con trong nhà là: Chó (Tuất) và Mèo (Mão / Mẹo).  Quí vị có để ý là tất cả bẩy (7) con vật vừa liệt kê đều có mặt trong bộ 12 con Giáp của Việt Nam ta.

 

Khác hẳn với Tầu, “Con Mèo” là một đặc thù văn hóa Việt Nam.  Người Tầu dùng “Con Thỏ” (Thố) cho chi thứ Tư của 12 con Giáp chứ họ không dùng “Con Mèo.”  Theo tôi, có lẽ vì nước Tầu ở phía bắc (bên trên nước ta), phong thổ lạnh hơn.  Ngoài ra, người Tầu từ thời cổ có đời sống thiên về du mục, nghĩa là họ chuyên cỡi ngựa, săn bắn, và liên tục di chuyển thay đổi chỗ ở, cho nên họ không chú trọng vấn đề định cư, canh tác và nuôi gia súc…  Thành thử người Tầu ít nuôi Mèo; ít nói về Mèo.  Chữ “Mèo” (Miêu) thấy rất ít trong các văn bản cổ (thơ, phú, văn) của Tầu; ngược lại, chữ “Thỏ” (Thố) thì thấy rất nhiều…

 

Với nền văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam, danh từ “Con Mèo” được dùng tượng hình và tượng thanh rất rộng rãi trong văn chương bác học, bình dân, ca dao thơ phú và cả trong ngôn ngữ bình thường trao đổi hàng ngày.

 

Sau đây xin giới thiệu một bài thơ chữ Nôm tiêu biểu về “Con Mèo” của Nguyễn Trãi:

 

“Con Mèo / Miêu”

 

Lọ vằn sinh bởi mãi phương tây

Phụng sự như lai trộm phép thầy

Hơn chó được ngồi khi giỡn bếp

Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây

Đi nào kẻ cấm buồng the kín

Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy

Khó mấy sang chẳng nỡ phụ (*)

Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày.

(“Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập” – bài số 251)

 

_______

Ghi chú:

 

(*) Bài thơ “Miêu” (Con Mèo) của Nguyễn Trãi trong “Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập” là một bài thơ “Thất ngôn bát cú” (mỗi câu 7 chữ và toàn bài gồm tổng cộng 8 câu); nhưng mà qua nhiều văn bản ghi lại “Thi tập” này (mà tôi đã tham khảo) tất cả đều ghi thiếu sót mất một (01) chữ ở câu thứ 7 (chỉ còn lại 6 chữ?)  Thật là lạ! Tôi không hiểu tại sao? Và dù tìm hoài cũng không ra! Đành có sao xài vậy!

 

*

 

 “Con Mèo” (bây giờ hãy nói về loại mèo 4 chân trước) là một con vật từ tốn, thong thả, hiền lành, được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh hàm ẩn nhiều ý xấu.  Những cá tính riêng của Mèo được dùng để ví von, ám chỉ, trêu chọc, khiêu khích, đôi khi để sỉ nhục con người qua các tương phản dựa theo những con vật quen thuộc khác như “Chuột,” “Chó,” “Cọp…”

 

Chẳng hạn:

 

1.Trong liên hệ tình cảm Nam Nữ

 

Tuy chúng ta đã biết đại khái Mèo là một động vật có vú, đẻ con và nuôi con cho bú…. Nhưng tôi thấy hình như chưa có ai (?) “nghiên cứu” để hiểu cho rõ ràng xem Mèo đựcgiao hợp” (“cụm từ” này là chữ viết tắt của 4 chữ “giao lưu hợp tác” chứ không có ý gì khác!) với Mèo cái ra thế nào trên nóc nhà mỗi buổi tối (chỉ nghe những tiếng kêu thất thanh, oai oán, khá rùng rợn!!!)  Ậy! Thế mà con người đã vội vàng đem con Mèo ra để ví von, gán ép các chuyện yêu đương, bồ bịch lăng nhăng thiếu đứng đắn!  Chẳng hạn:

 

-“Mèo chuột”: Ám chỉ chuyện trai gái lén lút.

-“Mèo mỡ”: Chuyện yêu đương lăng nhăng.

-“Mèo mả gà đồng”: Chuyện trai gái lăng loàn, hạ cấp.

-“Mèo lành chẳng ở mả”: Đàn bà hư đốn không lo liệu chuyện gia đình.

-“Mèo không ăn vụng thì đi đêm làm gì?”: Ám chỉ, ngờ vực chuyện “đi ngang về tắt” của người không chính chuyên, đàng hoàng.

 

2.Cách làm việc

 

Suốt cuộc đời, Mèo chỉ đơn giản làm có 4 công việc: Ăn, ngủ, bắt chuột, và đi “ị “(và dĩ nhiên hay dấu kít)…   Con người vừa phức tạp vừa “chấp” đã vẽ ra nhiều cách làm việc rất nghe rất “nản”; Đồng thời lại vu vạ cho là “làm” giống y hệt như cách làm việc của Mèo mới chết chứ(?!). 

 

Chẳng hạn:

 

-“Làm như mèo mửa”: Làm qua loa, đại khái không đi đến đâu cả! Chắc chắn phải đem làm lại từ đầu mới xong!

-“Mèo cào không xẻ vách vôi”: Khuyên trước khi làm việc gì thì phải lượng sức mình; nếu không thì dù cố gắng lắm cũng vô ích.

-“Mèo vật đụn rơm”: Kẻ tài trí thô thiển mà muốn làm chuyện đại sự ngoài khả năng của mình.

-“Như Mèo dấu ‘kít’ ”: Một cách làm việc thiếu lương thiện.

 

 

3.Cá tính

 

Mèo có nhiều cá tính rất gần gũi với con người; và con người đã dùng những cá tính đặc trưng của “Mèo” để dè bỉu đầy ác ý, đố kỵ, ghen tị với những người khác sống ở chung quanh mình như:

 

-“Giấu như mèo dấu ‘kít’ ”: Chê những người dấu diếm một cái gì đó (nghề, tài, nguồn lợi  v..v..) quá kỹ.

-“Lấp lấp ló ló như mèo dấu ‘kít’ ”: Dáng dấp lấp ló thiếu vẻ lương thiện.

-“Mèo khen mèo dài đuôi”: Tự sướng, tự đề cao, tự khen ngợi, tự công kênh mình lên.

-“Ăn như mèo”: Ăn từ tốn, chậm rãi.  Phụ nữ ăn như Mèo thì được khen là có nết; nhưng đàn ông ăn như Mèo thì bị xem như có tật xấu.

-“Lèo nhèo như mèo vật đống rơm:”: Nói dai, nói dài (để xin xỏ, nài nỉ điều gì!)

-“Mèo ngồi xó bếp:”: Tính lười biếng; thiếu bươn chải.

-“Im ỉm như mèo ăn vụng”: Che giấu lỗi lầm bằng cách im lặng; hoặc thấy điều gì có lợi thì cố giữ kín chỉ mình biết để mong hưởng một mình.

 

 

4.Hoàn cảnh

 

Mèo mà cũng có hoàn cảnh nữa hả giời???  Không phải vậy đâu!  Đây là hoàn cảnh của chính con người; nhưng con người lại “vờ vĩn” đem Mèo ra làm vật “ví von” so sánh để khỏa lấp cái tâm địa không được lương thiện của mình? Ai mà biết được?!

 

-“Mèo mù vớ cá rán:”: Vận may đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẩn, ngặt nghèo.

-“Mỡ để miệng mèo”: Đặt trước mặt người thứ gì mà họ đang mong muốn thèm khát.

-“Mèo già hóa cáo”: Ngụ ý người già (sống lâu) tích tụ được nhiều kinh nghiệm tốt.  Cũng có nghĩa là lúc mới bắt đầu làm việc thì rụt rè nhút nhát; nhưng ở lâu thì tinh ma như quỷ.

“Như mèo thấy mỡ”: Nhìn thấy một món lợi trước mắt và thèm muốn chiếm đoạt cho được.

-“Run như mèo ướt”: Bị quá lạnh; hoặc quá sợ hãi.

“Tiu ngỉu như mèo cắt tai”: Vì thất bại nên buồn rầu; Vì thất vọng nên nản.

“Kêu như mèo con mất mẹ”: Than vãn, kêu van hơi quá đáng.

-“Mèo uống nước bể không bao giờ cạn”: Khuyên người nếu biết sống tiện tặn thì không bao giờ thiếu thốn.

-“Chẳng biết mèo nào cắn miêu nào”: Mỗi người đều có sở trường riêng của mình; chưa chắc ai đã hơn ai à nha?

 

 

5.Mèo – Chó

 

Mèo có bao giờ ưa gì Chó (và ngược lại)?  Tương tự như vợ lớn và vợ bé có bao giờ quý mến, thân thiện với nhau?! Trong cuộc sống, có nhiều trạng huống, con người phải dùng cả 2 con vật “thù nghịch” này trong cùng chung một vấn đề để trình bày cho trọn vẹn ý nghĩa của một sự kiện.

 

-“Như chó với mèo”: Dường như không thể hòa thuận với nhau được.

-“Chó treo mèo đậy”: Phải phòng ngừa những chuyện đáng tiếc sẽ xẩy ra (trộm cắp chẳng hạn).

-“Chửi chó mắng mèo”: Chửi bâng quơ, chửi đổng.

-“Buộc cổ mèo, treo cổ chó”: Nói kẻ có tính bần tiện, bủn xỉn.

-“Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”: Một quan niệm mê tín ngày xưa.

-“Không có chó bắt mèo ăn ‘kít’ ”: Phải dùng người làm một việc gì không đúng với khả năng của họ. (… tôi được độc giả “cảnh báo” là phải tạm ngưng không nên viết thêm cái “món hữu cơ – organic substance” này nữa!? Chỉ vài trang giấy mà đã dùng cỡ 4 – 5 chữ ‘organic’ rồi; đã tạm đủ xài..).

-“Chó chê mèo lắm lông”: Phê phán người khác mà không thấy lỗi của chính mình.

-“Chó gio, mèo mù”: Chê những người ngu, đần độn.

“Đá mèo, quèo chó:”: Bực mình vì chuyện đâu đâu… nhưng lại trút sự bực tức của mình những trên con vật nuôi trong nhà (hay ‘thủ hạ’ của mình!)

“Chó giữ nhà, mèo bắt chuột”: Ai cũng có nghề nghiệp, công việc riêng của mình. Đừng ghen tị nhau; cũng đừng can thiệp vào chuyện của người khác.

– “Mèo đàng lại gặp chó hoang”: Thứ / hạng người vô lại gặp nhau tương tự như “Ngưu tầm ngưu!”

-“Nhất chó bốn đeo, nhì mèo tam thể”: Loại chó và Mèo có “thịt” ngon (?) (Đây là ý kiến riêng của dân nhậu thuộc đảng ve chai! Tôi không biết nhậu; và chưa hề ăn thịt chó và thịt mèo bao giờ!; cho nên không biết gì để bàn thêm vào đây!).

 

 

6.Mèo – Chuột

 

Chuyện “Mèo Chuột” thì đã được bàn qua loa trong phần “tình cảm lăng nhăng” ở trên rồi.  Bây giờ lại thấy hai đối tượng “đố kỵ” này cùng “nằm chung giường(“đồng sàng” – hay cùng trong một câu nói) mới ly kỳ.

 

-“Mèo già khóc chuột”: Chỉ hạng người hay nói những chuyện đâu đâu, hoang tưởng, không ăn nhập vào vấn đề.

-“Mèo khóc thương chuột chết”: (“Miêu khốc lão thử giả từ bi”) Ám chỉ người đạo đức giả.

-“Lôi thôi như mèo sổ (xẩy) chuột”: Chỉ sự thẫn thờ, ngơ ngác của người đang tiếc rẻ, nuối tiếc vì trót làm lỡ một dịp may nào đó.

-“Rình (vờn) như mèo rình (vờn) chuột”: Sự kiên nhẫn, chờ đợi cho đến khi xong việc mới thôi.

-“Chuột gặm chân mèo”: Làm một việc liều lĩnh, nguy hiểm.

-“Chồng mèo vợ chuột”: Tình trạng gia đình, hôn nhân đang đứng bên bờ đá (loại “Ông ăn chả, bà ăn nem”).

-“Chuột cắn dây buộc mèo:”: Làm ơn cho kẻ có thể quay lại hại mình.

-“Mèo già lại thua gan chuột nhắt:”: Người lớn tuổi trưởng thành mà lại nhát gan hơn trẻ con.

-“Mèo nhỏ bắt chuột con”: Liệu sức mình mà gánh vác, cáng đáng công việc.  Tài hèn sức mọn mà đảm trách việc lớn thì chỉ chuốc lấy hại vào thân.

 “Mèo con bắt chuột cống”: Người tuổi trẻ tài cao; làm được việc mà người lớn làm không được.

-“Miêu thử đồng miên”: (nghĩa đen là “Mèo chuột ngủ chung”); Ám chỉ những kẻ bất lương a tòng với nhau làm chuyện xấu xa.

 

 

7.Mèo – Cọp

 

Mèo có hình dạng giống Cọp; chỉ có kích thước và môi trường sinh sống là khác nhau.  Người Tầu có đôi khi còn gọi Mèo là “Cọp nhỏ” (“Tiểu hổ”) Mèo và Cọp được dùng để so sánh 2 sự kiện hoàn toàn tương phản nhau: Lớn-Nhỏ; Mạnh-Yếu; Nhanh-Chậm

 

-“Hùm mất hươu tiếc hơn mèo mất thịt”: Càng ở quyền lợi địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp hơn.

-“Nam thực như hổ nữ thực như miu”: Nam ăn như cọp; Nữ ăn như Mèo. [Phản: “Nam thực như hổ Nữ thực như heo!.”]

 

Chẳng riêng chuyện “Mèo – Chuột;” mà chuyện “Mèo – Cọp” cũng được dùng để chỉ vấn đề tình cảm nam nữ, hôn nhân, gia đình không được tốt đẹp; như ý muốn.  Đây cũng là sự tương phản trên hai khía cạnh:

 

 

a- Pháp lý (?)

 

Mèo để chỉ tình nhân, “bồ nhí…” mặn mà nhõng nhẽo, “thầm lén vụng trộm.”  Trong khi “Cọp cái” (còn gọi là “Sư tử Hà đông”) chỉ bà vợ già dữ dằn nhưng “công khai và hợp pháp!” ở nhà (cũng như ở chợ!)

 

 

b- Cách ứng xử

 

Không phải tự dưng vô cớ mà người ta gọi “bồ bịch,” tình nhân là “Mèo.”  Có nhiều lời giải thích tại sao đàn ông thích “Mèo” (tình nhân, bồ nhí) hơn “Cọp” (vợ chính thức).  Sau đây tôi xin liệt kê một số “trải nghiệm” của các đấng mày râu có máu mạo hiểm, can trường, và gan dạ:

 

Mèo không quát tháo ầm ĩ hay gầm gừ như vợ.

Mèo bao giờ cũng chải chuốt chưng diện; trong khi vợ thì đầu bù tóc rối.

– Vuốt ve “Mèo” có cảm giác mềm mại, thích thú; trong khi “bố bảo” cũng không dám vuốt ve “Cọp.”

Mèo ăn uống nhỏ nhẹ từ tốn; trong khi Cọp chẳng cần giữ ý tứ chi cho mệt! Tốn thời giờ!

Mèo biết cách tỏ ra “vâng lời (!)” làm cho đàn ông tưởng bở là “sở hữu chủ.”  Trong khi Cọp luôn luôn tỏ ra mình là chủ (Chúa sơn lâm – Chủ gia đình!)

Mèo có đủ điều kiện dự “Thi Hoa Hậu;” trong khi Cọp thì còn khuya! (Mission Impossible!)

– Nếu không may bị Mèo cào thì đôi khi phe ta còn thấy thích thú; chứ một khi mà Cọp chỉ nhe nanh đưa đưa móng ra “dứ” nhè nhẹ thì phe ta phải tìm cách “chém vè” cho mau; Lỡ chậm chân mà “chém” không kịp thì chỉ có từ chết đến bị thương (Đề nghị phe ta nhớ mua “bảo hiểm nhân thọ” trước khi định có “Mèo” – để “Cọp cái” còn có đủ tiền tái giá nhé !)

– Tiếng Việt thật phong phú.  “O Mèo” lại còn có nghĩa là “tán gái” mới châm!

 

Tôi xin tạm ngừng câu chuyện “Con Mèo” loại “khoa học giả tưởng” của tôi ở đây bởi vì “Con Cọp” thật (real deal/non-fiction) của tôi dường như vừa mới xem xong hết mấy bộ “phim bộ;” đang quởn không có việc gì quan trọng để làm; có thể quờ quạng sao đó lượm được bài này rồi… đọc!!!  Lúc đó bảo đảm “chăm phần chăm” tôi sẽ thành con “Mèo (đực) bị…  ướt” thôi!!!

 

 

Trần Văn Giang

 (Xuân Con Mèo)

 

__________

Tham khảo:

 

– “Tục ngữ phong dao” của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, 1928.

– “Từ điển thành ngữ ca dao” Viện Ngôn ngữ học, 1994.

– “Thành ngữ điển tích” (trong Việt Nam tự điển) do Lê Văn Đức soạn (Nxb Khai Trí – Saigon 1970)

– “Thành ngữ tiếng Việt” của Nguyễn Lực và Lương Văn Đang (Nxb Khoa học xã hội 1976)

–  “Văn Chương Truyền Khẩu” của Giáo sư Lê Văn Ðặng (Hải Biên Seattle, 1994).

– Bài “Chuyện mèo chuột trong đời sống người dân miền Tây Nam Bộ” của Trần Minh Thương, 2010.

 

Con Mèo Của Tôi – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *