Mười địa danh nổi tiếng trong âm nhạc miền Nam

.

 

*

 

Trong vài chục năm ngắn ngủi, các nhạc sĩ thân thương của Miền Nam Tự Do đã dày công sáng tác nhiều bài hát để đời. Một số địa danh đã được nhắc nhở trang trọng qua những dòng nhạc lãng mạn trữ tình. 

 

Bài này xin nêu lên mười vùng đất quê hương để cùng nhớ lại trang sử “nhạc vàng” từng được ưa chuộng mê say trước cũng như sau 1975.

 

 

  1. CẦU ÁI TỬ  

 

 

“Mẹ thương con ra cầu Ái Tử 

Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu

Chiều chiều trông về biên khu 

Lòng căm hờn oán quân thù.” 

 

 

Mở đầu là hai câu ca dao mà Nhạc Sĩ Duy Khánh nhắc lại trong bài “Lối Về Đất Mẹ.”

 

 

“Chiều qua giã từ đất Mẹ mà đi 

Vì nghe tình quê tình nước đôi bề 

Nước chia hai đường nước chưa về 

Trót thương cho người lỡ câu thề 

Lên đường từ ly, hỏi lòng mình lưu luyến gì.”

 

 

Vậy Ái Tử nằm ở đâu? Vì sao tác giã nói tới địa danh này?

 

Để lời lời câu hỏi đó, chúng ta hãy tham khảo wikipedia, lần giở lịch sử nước nhà giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh.

 

Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi Nhà Lê, Nguyễn Kim (1468 – 1545) cùng một số danh tưởng khác chạy sang Ai Lao phù Lê diệt Mạc, lập nên Nhà Lê Trung Hưng (1533).

 

Vì quý mến tài năng Trịnh Kiểm nên Ông gả con gái Ngọc Bảo cho viên tướng này.

 

Sau khi Ông mất, Trịnh Kiểm lên nắm binh quyền, liền giết ngay anh vợ Nguyễn Uông. Người em còn lại Nguyễn Hoàng lo âu cho số phận mình. Thỉnh ý Trạng Trình Bỉnh Khiêm thì được lời khuyên “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân.” Nghe xong Nguyễn Hoàng (1545 – 1613) nhờ Chị xin anh rễ cho vào trấn Thuận Hóa năm 1558. Nơi dừng chân đầu tiên là vùng đất hoang vu Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị. Chúa Nguyễn đóng đô ở đây cho đến 1626 thì dời đi. 

 

Trong thời chiến tranh Quốc-Cộng, một dạo Hoa kỳ từng sử dụng Ái Tử làm căn cứ quân sự.

 

Mới nghe qua ai cũng hiểu ái tử là thương con. Nhưng vì sao Duy Khánh lại mượn câu ca dao để mở đầu cho bài hát của mình?

 

Đây là chuyện kể của một người gốc Quảng Trị: vào giai đoạn toàn dân kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) có người chiến binh ôm mìn ngụy trang trôi theo đám lục bình bơi tới cầu Ái Tử đang thuộc quyền cai quản của Pháp với mưu toan giựt sập. Chẳng may viên lính gác cầu phát hiện bắn chết, có ngờ đâu đó là đứa con trai của mình.

 

Người Mẹ hay tin vội vã ba chân bốn cẳng chạy tới ôm xác kẻ lìa trần mà đau đớn tột cùng. Suốt mấy tháng trời bà vẫn hay ra cầu Ái Tử vật vã kêu gào thương khóc con. Phải chăng cảnh tượng này làm động lòng nhạc sĩ miền Trung đa tình? 

 

 

 

  1. PHÁ TAM GIANG  

 

 

Năm 1972, Thi Sĩ Tô Thùy Yên cùng Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh viếng thăm vùng địa đầu giới tuyến. Bay ngang phá Tam Giang thấy cảnh sông nước lửng lờ trong buổi chiều tà, chợt nhớ Saigon đang bước vào mùa thi, Nhà Thơ dạt dào thi hứng làm bài thơ dài đưa cho Nhật Trường xem. Quá xúc động và đồng cảm với thi nhân, Trần Thiện Thanh phổ thành bài “Chiều Trên Phá Tam Giang” để rồi nhận ngay vòng nguyệt quế. Thi Sĩ nổi tiếng hơn mà Nhạc Sĩ cũng được hâm mộ nhiệt thành. Đã 50 năm trôi qua vẫn còn hằng triệu người khắp nơi ca hát xem như tâm sự của chính mình.

 

 

“Chiều trên phá Tam Giang 

Anh chợt nhớ em

Nhớ ôi! Niềm nhớ! Ôi niềm nhớ 

Đến bất tận 

Em ơi! em ơi!”

 

 

Phá Tam Giang rộng 50 km² chạy dài từ Sông Ô Lâu tới Cầu Hai, ngang qua hai huyện Phong Điền và Quảng Điền, Thừa Thiên, với độ sâu 2-4m. Phá này được biết tiếng từ lâu với câu ca dao:

 

 

“Thương em anh cũng muốn vô 

Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang.”

 

 

Xưa có gã thư sinh từ xứ Nghệ vô kinh đô ứng thí. Khi ngang qua bến Sông Ô Lâu thì chàng phải lòng cô lái đò duyên dáng dễ thương. Hai người thề non hẹn biển sau khi đỗ đạt sẽ cùng kết tóc xe tơ.

 

Chàng thi đậu công thành danh toại, nàng ngày ngày ngóng trông tái hợp. Nhờ người nhắn gởi thì chàng mượn câu ca dao đó để thoái thác lời ước thề.

 

Về sau Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng (1690 – 1725) đã điều động dân phu đào bới mở rộng cửa phá cho nên sóng biển không còn. Nhờ vậy mà tai nạn giật thuyền bè giảm hẳn.

 

 

“Phá Tam Giang ngày rày đã cạn 

Truông Nhà Hồ Nội Tán dẹp tan.”

 

 

Còn cô lái đò vẫn giữ lòng chung thủy, mơ màng lặn lội băng rừng vượt núi kiếm tìm.

 

 

“Đói lòng ăn nửa trái sim 

Uống lưng bát nước đi tìm người thương.”

 

 

Tới nơi mới hỡi ơi chàng đã yên bề gia thất. Nàng choáng váng xây xẩm mặt mày. Cố lê lết trở về quê cũ với nỗi niềm chua xót thở than:

 

 

“Đi đường những lách cùng lau 

Những tràm với chổi bỏ nhau sao đành.”

 

 

Thế rồi không chịu nổi nghịch cảnh bị phụ tình, lỡ bước sang ngang, nàng trầm mình theo giòng nước nơi hai người từng tha thiết hẹn hò. 

 

 

 

  1. LẦU ÔNG HOÀNG  

 

 

“Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa 

Lầu Ông Hoàng đó, thuở xưa chân Hàn Mặc Tử đã qua

Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài hoang vắng.”

 

 

Đó là lời trong bài “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh.

 

Theo wikipedia, tòa lâu đài này được công tước người Pháp vốn là cháu nội vua Louis xây cất năm 1911 rộng 500 m² cách tháp Chàm Pôshanu vài trăm mét thờ công chúa người Chăm và cách thành phố Phan Thiết 7 km. Vua Bảo Đại từng mua lại Lầu này làm chỗ nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang dã nên thơ của bãi cát dài trắng xóa cùng tiếng sóng rì rào với gió thổi vi vu từ đại dương.

 

Về sau người Pháp xây dựng nhiều đồn bót quanh khu vực nên không tránh khỏi chinh chiến điêu linh, danh thắng này trở nên đổ nát hoang tàn chẳng còn để lại dấu tích. Nhưng nơi đây từng là chốn hẹn hò của đôi tình nhân Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) và Mộng Cầm (1917 – 2007) trong những năm 1936 – 1937. Ta hãy nghe Hàn thổn thức khắc khoải nhớ nhung thần tượng bẻ nhỏ tên Nghệ (Mộng Cầm) qua bài “Muôn Năm Sầu Thảm”:

 

 

“Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm 

Nhớ thương còn một nắm xương thôi 

Thân tàn ma dại đi rồi 

Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan 

Thấy gió là ôm ngang lấy gió

Tưởng chừng như trong đó có hương 

Của người mình nhớ mình thương 

Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì 

Nhớ lắm nhớ như si như dại 

Nhớ quá nhiều mà bại hoại chân tay 

Nhớ hàm răng nhớ hàm răng 

Mà ngày nào đó vẫn khăn khít nhiều 

Dẫu đau đớn vì lời phụ rãy 

Nhưng mà ta không lấy làm điều

Trăm năm vẫn một lòng yêu 

Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi!”

 

 

Thêm nữa, hãy đọc bài “Phan Thiết! Phan Thiết! để nghe thi sĩ Hàn Mặc Tử thở than rên xiết:

 

 

Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng 

Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng 

Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang 

Nơi đã khóc đã yêu thương da diết 

Ôi trời ơi! là Phan Thiết! Phan Thiết! 

Mà tang thương còn lại mãnh trăng rơi 

Ta đến nơi nàng ấy vắng lâu rồi 

Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ 

Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng 

Ta vãi vung thơ lên tận sông Hằng 

Thơ phép tắc bỗng kêu lên thống thiết 

Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết 

Mi là nơi ta ôm hận nghìn thu 

Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư.”

 

 

Nghe lời thơ tưởng chừng như không có ai đau thương vì tình hơn chàng thi nhân đoản mệnh. Có biết đâu rằng trong một lúc nào đó song đôi với Mộng Cầm mà nhà thơ họ Hàn đã dịu dàng thỏ thẻ như trong bài “Đà Lạt Trăng Mờ”:

 

 

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều 

Để nghe dưới đáy nước hồ reo 

Để nghe tơ liễu run trong gió 

Và để nghe trời giãi nghĩa yêu.”

 

 

Hiện nay khu vực Lầu Ông Hoàng là địa điểm du lịch của tỉnh Phan Thiết. 

 

 

 

  1. ĐỒI THÔNG HAI MỘ

 

 

Cạnh Hồ Than Thở, Đà Lạt có ngôi mộ đôi nằm hiu quạnh hoang vu trên đồi thông. Ngang qua đây mấy ai mà không khỏi chạnh lòng một nỗi u hoài. Trong tâm trạng đó, nhạc sĩ Hồng Vân đắm mình sáng tác bài “Đồi Thông Hai Mộ” kể lại cuộc tình bi thương ai oán có một không hai trên cõi đời này.

 

Chàng tên Tâm, con nhà địa chủ ở Gò Công. Đang theo học khóa Võ Bị Đà Lạt thì gặp Thảo, con một gia đình công chức. Hai người thầm yêu trộm nhớ và thường hẹn hò bên Hồ Than Thở. Mãn khóa ra trường, Tâm xin cưới Thảo nhưng bị cha mẹ từ chối vì vì không môn đăng hộ đối.

 

Buồn tình trắc trở, chàng xin ra tiền tuyến. Phần Thảo còn đau khổ hơn khi biết song thân người yêu khước từ và chàng vì phẩn chí mà tình nguyện xông pha ngoài biên ải. Tuy vậy nàng luôn một lòng chung thủy đợi chờ, lấy niềm vui qua những giờ phút trông ngóng thư người tình từ nơi phương trời lửa đạn.

 

Bỗng một hôm có thư báo về cái tin sét đánh ngang tai: Tâm vừa anh dũng hy sinh ngoài trận tuyến. Trời đất quay cuồng sụp đổ.

 

 

“Rồi nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi

Trang điểm qua màu phấn 

Để phai úa đến tàn cả hương sắc 

Tháng ngày luôn héo hon.” 

 

 

Chờ ai đây đợi ai đây khi mà người thương vĩnh viễn ra đi. Thế rồi tuyệt vọng tình, nàng nhảy xuống bờ hồ quyên sinh theo người yêu. Gia đình thương tiếc cho lập mộ trên đồi thông.

 

Ngang trái thay lá thư báo tử là lá thư lầm lẫn chết người. Tâm không tử trận mà vẫn còn chiến đấu dưới cờ. Tám tháng sau chàng trở về thăm thì nghe hung tin Thảo không còn.

 

 

“Sao người về đây để tìm nhưng thôi đã mất còn đâu 

Ôi buồn làm sao đồi thông xưa nay vắng bóng người yêu 

Đời hợp tan, hợp rồi tan như mây kia gặp gió.”

 

 

Thật đắng cay chua xót, đồng cảnh ngộ của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương thuở nào: “Đời vắng em rồi say với ai!

 

 

“Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu

Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu 

Thôi rồi tay nắm tay lần cuối 

Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.” 

 

 

“Gặp gỡ chừng như chuyện Liêu Trai

Ra đi chẳng hẹn một ngày mai

Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu 

Đời vắng em rồi say với ai?”

 

 

Nghĩ mình đã tới đường cùng. Chàng quẩn trí tự vẫn với ước nguyện mồ chôn nằm bên cạnh người yêu. Cha mẹ chấp nhận và cho mai táng gần Thảo.

 

 

Rồi mộ chàng được ở bên cạnh nàng như lời xưa thề ước 

Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô.”

 

 

Nhưng từ sau 1975, do tuổi già sức yếu, đường sá đi lại quá khó khăn nên cha mẹ phải đành đoạn di dời mộ chàng về quê quán. Còn Thảo tuy xa Tâm nhưng vẫn nằm yên nghỉ bên cạnh ngôi mộ trống của chàng. Ai qua đây mà không khỏi bùi ngùi cho số kiếp người bạc mệnh. 

 

 

 

  1. ĐỒI CHARLIE

 

 

Dựa theo bút ký Người Ở Lại Charlie của Nhà Văn Phan Nhật Nam, Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh đã soạn thành ca khúc cùng tên.

 

Charlie với cao độ gần 1000m là dãy đồi nằm cạnh huyện Dakto, Kontum.

 

Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khởi đầu giai đoạn chiến tranh khốc liệt nổ ra khắp các chiến trường miền Nam. Binh sĩ Cộng Hòa hành quân liên miên không một ngày thư thả. 

 

Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù của Người Anh Cả Nguyễn Đình Bảo đã quần thảo ở Toumorong, Dakto, Dambe, Krek, Snoul, Đức Cơ, Khe Sanh, Hạ Lào… Có nơi chỉ đáo qua vài ngày rồi phải vội vàng từ giã theo tình hình chiến sự nóng bỏng trên bốn vùng chiến thuật.

 

Tháng 4.1972 được lệnh trấn đóng đỉnh đồi Charlie với nhiệm vụ án ngữ và kiểm soát ngã 3 biên giới Việt Miên Lào. Chừng 500 binh sĩ nhảy dù đối đầu lực lượng địch hùng hậu cấp sư đoàn. Chúng vẫn sử dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung quen thuộc, cường tập pháo kích hàng ngàn hỏa tiễn suốt ngày đêm nhằm uy hiếp tinh thần và làm tiêu hao quân số trú phòng. 

 

Sau hơn mười ngày đêm tử thủ dưới làn mưa pháo, Trung Tá Bảo bị sập hầm trúng đạn tử thương. Ngay sau đó Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó Lê Văn Mễ lên thay thế khi mà đơn vị gần như cạn kiệt vũ khí và lương thực.

 

Tình hình quá khẩn trương không thể cầm cự lâu hơn. Nếu chậm trể sẽ bị bao vây tràn ngập. Thiếu Tá Mễ cùng một số đồng đội phải gấp rút kiếm đường thoát thân, tìm cái sống trong cái chết rồi kêu gọi thượng cấp cho pháo đài bay B52 dội bom ngay ngọn đồi vừa rút đi. Hàng ngàn cán binh sinh bắc tử nam bị tiêu diệt. Còn theo Nhà Văn Phan Nhật Nam, bên ta thiệt mất 400 binh sĩ đền nợ nước.

 

Hy sinh vì đại nghĩa, Trung Tá Bảo được truy thăng Đại Tá, để lại bao tiếc thương cho hình ảnh người chỉ huy tài ba, gan dạ, luôn hết lòng thương yêu thuộc cấp. Ông giã biệt vợ trẻ và 3 con thơ lúc mới 36 tuổi đời. Bà Nguyễn Đình Bảo là cựu chiêu đãi viên hàng không vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con ăn học thành tài.

 

 

“Anh! Anh! hỡi Anh ở lại Charlie 

Anh! Anh! hỡi Anh giã từ vũ khí 

Vâng, chính Anh là ngôi sao mới 

Một lần này chợt sáng trưng 

Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng 

Anh! cũng Anh vừa ở lại một mình 

Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành 

Xin một lần thôi, một lần thôi 

Vẫy tay tạ từ Charlie 

Xin một lần nữa, một lần nữa 

Vẫy tay chào buồn Anh đi.”

 

 

Vời lòng cảm phục vô biên những Người Anh Hùng Mũ Đỏ, nhiều cựu binh và dân thường đã lặn lội tìm đường tới Charlie thăm chiến trường xưa. Trong tận sâu thẳm đáy lòng, ai ai cũng đều ngậm ngùi khi nhìn lại ngọn đồi nơi mà 50 năm về trước những người con thân yêu của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù oanh liệt ra đi chẳng hẹn ngày về.  

 

 

 

  1. PLEIME 

 

 

Trại Lực Lực Lượng Đặc Biệt Pleime nằm giáp ranh vùng 3 biên giới, cách Pleiku 40 km về hướng nam. 

 

Pleime được Phạm Duy nhắc tới trong nhạc phẩm “Kỷ Vật Cho Em,” phổ từ bài thơ “Để Trả Lời Một Câu Hỏi” của Thi Sĩ Linh Phương với lời lẻ vô cùng áo não tang tóc bi ai dễ làm nao lòng chiến sĩ. Chính vì vậy mà từng bị xếp vào loại nhạc phản chiến và cấm hát một thời gian. 

 

 

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại 

Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về 

Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime 

Hay Đức Cơ Đồng Xoài Bình Giã 

Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngả 

Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa

Anh trở về trên chiếc băng ca

Trên trực thăng sơn màu tang trắng.” 

 

 

Nhạc Sĩ Trúc Phương cũng nhắc đến Pleime trong bài “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật:

 

 

“Tôi thường đi đó đây

Bùn đen in dấu giày

Chân nghe lạ từng khu chiến thuật 

Áo nhà binh thương lính, lính thương quê 

Vì đời mà đi 

Pleime gió mưa mùa

Bốn vùng nghe lưu luyến bước bâng khuâng của vạn người thân.”

 

 

Tại Pleime từng xảy ra hai trận đánh khốc liệt.

 

 

* Trận đầu ở Thung lũng Ia – Drang:

 

Theo lời kể của Thiếu Úy Trần Quốc Cảnh (khóa 19 Võ Bị Đa Lạt) thì cuối tháng 10.1965 Việt Cộng bao vây Trại Pleime. Lực lượng tham chiến bên ta có trung đoàn 3 thiết giáp, tiểu đoàn 21 biệt động quân, tiểu đoàn 1/42, 400 dân sự chiến đấu và một bộ phận của lữ đoàn dù cùng chống trả chiến thuật công đồn đả viện của 3 trung đoàn cộng quân.

 

Mặc dù quân số đông đảo cọng thêm trang bị vũ khí tối tân nhưng sau 7 ngày giao tranh ác liệt, phía bắc phương thiệt hại nặng nề phải rút chạy vào rừng. Ta bẻ gãy kế hoạch cắt đôi Tây Nguyên của chúng.

 

Đó là nhờ tinh thần chiến đấu gan dạ cùng sự phối hợp nhịp nhàng hoàn hảo giữa quân đội Cọng Hòa và Không Lực Hoa Kỳ.

 

Theo Time Magazine ngày 5.11.1965, trong số 6000 quân cộng phỉ, ước chừng 1000 tử vong và 2000 thương tích.

 

 

* Trận thứ nhì:

 

Sau trận đầu, trại Pleime cũ bị phá hủy và trại mới được xây dựng. Đầu năm 1974, Thiếu Tá Vương Mộng Long nhậm chức Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng phụ trách bảo vệ vùng núi rừng rộng lớn bao quanh Pleime.

 

Đây là hành lang chiến lược cho cọng quân di chuyển từ bắc vô nam, từ đồng bằng lên Tây Nguyên và vận hành binh lính vũ khí quân lương qua các tỉnh vùng 3 biên giới. Vì vậy mà chúng quyết tâm nhổ sạch Trại để rộng đường cho giấc mộng xâm lăng. Cuộc chiến khởi đầu từ cuối tháng 7.1974.

 

Theo Thiếu Tá Long về tương quan lực lượng đôi bên thì địch có quân số gấp mười lần, chưa kể cơ giới, pháo binh, chiến xa và phòng không.

 

Biết mình sức yếu thế cô phải một chọi mười, thật là không cân sức. Nhưng cả Tiểu Đoàn quyết tử để quyết sinh. Chiến đấu đến người lính cuối cùng. Thề sống chết có nhau đồng lòng bảo vệ quê hương tự do và đời sống ấm no cho đồng bào. Nhiều ngày bị cô lập với bên ngoài và lương thực đạn dược gần như cạn kiệt. Nhưng Trời luôn phù hộ người chính nghĩa. Bất chấp hàng loạt mưa pháo hoặc cái lạnh cắt da của núi rừng trùng điệp. Thiếu Tá Long khóa 20 Võ Bị Đà Lạt luôn điều động binh sĩ vững lòng chống trả các đợt tấn công biển người của giặc thù. Nhờ vậy mà chúng không thể tràn ngập tiêu diệt căn cứ kể cả cho tank 54 lồng lộn xung trận nhưng cũng đành thúc thủ rút lui vào cuối tháng 8 sau 33 ngày đêm tử thủ kiêu hùng của Tiểu Đoàn. Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa lại phất phới tung bay trên cột cờ cao vào sáng ngày 2.9.1974.

 

 

Hàng ngàn quân dân cán chính long trọng làm lễ khao quân suốt mấy ngày. Đâu đâu cũng nghe vang dội khúc quân hành:

 

Kìa đoàn quân chiến thắng trở về trong nắng hồng…”

– “Bài Ca Chiến Thắng,” Minh Duy). 

 

 

 

  1. THA LA XÓM ĐẠO

  

 

Tha La là xóm nhỏ ở vùng Trảng Bàng Tây Ninh.

 

Gần 200 năm trước một số con chiên từ Huế do bị Vua Minh Mạng cấm theo Thiên Chúa Giáo nên chạy trốn vào ẩn trú ở vùng đất hẻo lánh này. Họ chung tay khẩn hoang lập ấp, xây dựng thôn xóm để bảo tồn niềm tin tôn giáo.

 

Năm 1950, Nhà Thơ Vũ Anh Khanh (1930 – 1956) tình cờ ghé thăm nơi đây. Duyên nợ đẩy đưa Anh sáng tác bài thơ dài “Hận Tha La”:

 

 

“Đây Tha La xóm đạo 

Có trái ngọt cây lành 

Tôi về thăm một dạo 

Giữa mùa nắng vàng hanh.”

 

 

Nhạc Sĩ Dzũng Chinh đã phổ thành bài hát “Tha La Xóm Đạo”:

 

 

“Đây Tha La, đây xóm đạo tiêu điều 

Cây buồn quanh hận thù dâng ai oán”

 

 

Người Tha La rất hãnh diện hát bài quê hương mình để ghi nhớ một thời đao binh: 

 

 

“Đây Tha La, đây xóm đạo hoang tàn 

Mây trời vây quanh màu tang khói lửa 

Bao năm qua Tha La còn trơ đó 

Đoàn người đi giết thù đã hẹn thề từ dạo ấy 

Lòng viễn khách bồi hồi như thương tiếc mùa xuân nắng hanh vàng.”

 

 

 

 

  1. ĐƯỜNG DUY TÂN

  

 

Đường Duy Tân là đoạn đường nối Nhà Thờ Đức Bà và Hồ Con Rùa thuộc quận 3 Saigon. Hai bên đường có hàng cây sao cổ thụ cao vút, vài cây tồn tại cả trăm năm, xen lẫn nhiều ngôi biệt thự uy nghi kín cổng cao tường che phủ bởi những giàn bông giấy sắc màu rực rỡ. 

 

Đường Duy Tân mang tên Nhà Vua thứ 11 Triều Nguyễn là Thái Tử Vĩnh San lấy niên hiệu Duy Tân (1900 – 1945) với hoài vọng đổi mới cải cách cho đất nước. Năm 16 tuổi do chống Pháp nên Ngài bị đày sang Đảo Reunion (Phi Châu) và tới 1945 thì tử thương trong một tai nạn phi cơ.

 

Con đường này trở nên nổi tiếng từ khi nhạc phẩm “Trả Lại Em Yêu” của Phạm Duy ra đời.

 

 

“Trả lại em yêu khung trời đại học 

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

“Trả lại em yêu con đường học trò 

Những chiều Thủ Đô tưng bừng phố xá 

Chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó 

Uống ly chanh đường uống môi em ngọt.”

 

 

Duy Tân là con đường tình yêu học trò, con đường hẹn hò đưa đón, con đường tạ từ chia biệt, con đường gặp gỡ lứa đôi, con đường hạnh phúc thiết tha, con đường ngọt ngào âu yếm, con đường giận hờn đổ vỡ, con đường đau khổ ly tan…

 

Đường này có Đại Học Luật Khoa với hàng chục ngàn sinh viên ghi danh. Trong 20 năm trời lắm cuộc tình diễn ra ở đó để lại bao nhiêu dư âm buồn vui suốt cả cuộc đời. Ai có chút tâm hồn mơ mộng mà không bày tỏ nỗi niềm thi nhân khi mỗi chiều ngang qua đây tình cờ bắt gặp những đôi tình nhân sánh bước chung đôi dưới hai hàng cây xanh mát.

 

Khung cảnh thơ mộng tưởng chừng “Lưu Thần Nguyễn Triệu đáo Thiên Thai.” Nhưng xa rồi những ngày xưa thân ái. Không chỉ tên đường thay đổi mà cảnh vật xung quanh cũng đổi thay. Không còn hai hàng cây thẳng tắp quen thuộc. Chủ nhân mấy ngôi nhà cổ kính bỏ đi xa, thay vào đó là lớp người mới giàu có từ đâu tới xây cất những biệt thự cao tầng nguy nga tráng lệ. Vừa chật hẹp mà lưu lượng quá đông nên nạn kẹt xe xảy ra hằng ngày.

 

Chính tại đường Duy Tân,  mùa hè 1971,  đã chứng kiến bản chất côn đồ giết người không gớm tay của việt cộng khi vc đã ám sát sinh viên quốc gia Lê Khắc Sinh Nhật ngay trước cổng trường Luật giữa ban ngày. Từ đó con đường “cây dài bóng mát” trở thành con đường đau buồn.

 

Ai gây ra thảm cảnh này? 

 

 

 

  1. PHÀ HẬU GIANG (Phà Cần Thơ) 

 

 

Băng qua Sông Hậu nối liền Cần Thơ và Vĩnh Long dài 1840 mét.

 

Trong một chuyến về quê vợ ở miền Tây có công việc nhà, Nhạc Sĩ Nhật Ngân đang thơ thẩn đi tới đi lui ngóng chờ phà Hậu Giang thì chợt nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát mượt mà của ai đó giữa đám đông người lũ lượt chen chúc trên bến sông. Tiến lại gần thì Ông thấy người thương binh chống nạn, cụt mất một chân bận bộ đồ “treillis” rách nát bạc màu đang ca bài “Xuân Này Con Không Về.” 

 

 

“Con biết bây giờ Mẹ chờ mong con

Khi ánh mai đào nở vàng bên nương 

Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về 

Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa nghìn xa

“Con biết không về Mẹ chờ em trông 

Nhưng nếu con về bạn bè thương mong 

Bao lứa trai hùng chào xuân chiến trường 

Không lẻ riêng mình êm ấm 

Mẹ ơi! con xuân này vắng nhà.”

 

 

Nghe xong nhạc sĩ quá xúc động, đâu ngờ ở nơi chốn chợ đời đua chen này lại có người hát thành thạo bản nhạc của mình mà không cầm được nước mắt. 

 

Ông chạy tới chuyện trò hỏi han, bỗng nhận ra người bạn cùng lớp thời trung học sau gia nhập Võ Bị Dalat. Ra trường một năm thì bị thương gãy chân phải giãi ngũ. Trở lại Mỹ, Nhật Ngân cùng Trần Trịnh hợp soạn ca khúc “Chiều Qua Phà Hậu Giang” để nói lên tâm sự của người thương binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc chiến:

 

 

“Chiều qua phà Hậu Giang, tiếng ai hát dạo buồn thay 

Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa 

Chân nạng gỗ thấp cao kéo lê đời theo dòng nhạc đưa…” 

 

 

 

 

Phạm Văn Duyệt

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

Mười địa danh nổi tiếng trong âm nhạc miền Nam – Phạm Văn Duyệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *